Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Địa danh.


Cầu Kiệu bắc ngang qua kênh Nhiêu Lộc - Saigon. Ảnh Internet.

Đâu đâu ta cũng gặp tên gọi của một địa danh, là tên đất, như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đồng Nai, Vũng Tàu, Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ, Sa Đéc, Cà Mau..., hoặc là tên một địa điểm, nơi chốn như chợ, cầu cống, tên sông, núi... như chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Đầm (Nha Trang), chợ Bến Thành (Sài Gòn)... cầu Trường Tiền (Huế), núi Nhạn (Tuy Hòa), sông Tiền, sông Hậu (miền Tây Nam bộ)... Nôm na những tên như thế để chỉ một nơi chốn được gọi chung là "Địa danh", cũng như người, ai cũng có một cái tên, được gọi chung là "Nhân danh".

Có những địa danh đã tồn tại cả ngàn năm nay, chẳng hạn theo sách sử tên gọi Thăng Long 升  (từ một truyền thuyết của vua Lý Thái Tổ, có nghĩa là rồng bay lên) được đặt từ thời Lý, khi Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) dời đô về Đại La (Thăng Long sau này được người dân gọi là Kẻ Chợ), cũng tên gọi Thăng Long 升  (chỉ cùng một nơi chốn), nhưng lại có nghĩa là "thịnh vượng" thì được đặt bởi vua Gia Long (năm Gia Long thứ tư 1805, thay cho chữ Thăng Long là rồng bay lên, khi nhà Nguyễn lên ngôi kinh đô được chuyển về Huế thì rồng cũng "bay" theo). Có những địa danh đã tồn tại cả ngàn năm, thì ngược lại, cũng có những địa danh mới ra đời, như những nơi giãn dân, khu kinh tế mới, khu chế xuất mới mở...

Như chúng ta đã biết, những địa danh thường đã tồn tại rất lâu, đa phần do người dân đặt, phần khác do nhà nước đặt, thường là địa giới hành chính (chẳng hạn như tên Thăng Long kể trên). Địa danh đã có lâu đời, nhưng "Địa danh học" ở Việt Nam là một môn học rất mới. Địa danh học được hình thành dựa vào những "tổng kết", những đặc thù  của địa danh Việt Nam. Nói chung một địa danh trên đất nước ta từ xưa đến nay nằm trong hai yếu tố cơ bản sau:

I/- Các yếu tố từ bản thân của địa danh: là những yếu tố từ chính bản thân của địa danh, hay những yếu tố có liên quan mật thiết đến địa danh để đặt tên:

      1. Từ chính bản thân của địa danh để đặt tên: yếu tố này liên quan đến hình dạng, đặc điểm thiên nhiên, kích cỡ, tính chất, kiến trúc... để đặt tên, chẳng hạn cầu Chữ Y, cầu Hang, Ngã Bảy, kênh Ruột Ngựa, cầu Ba Cẳng... Chợ Nhỏ, Chợ Lớn, Chợ Cũ, Xóm Mới... cầu Mống, cầu Sạn, cầu Quay... (TP. HCM).

      2. Dựa vào những yếu tố có liên quan đến địa danh để gọi: như cây trồng, cầm thú, sản phẩm sản xuất hoặc buôn bán, đặc điểm kiến trúc liên quan, theo nhân vật, theo nguồn gốc xây dựng... chẳng hạn khu Vườn Xoài, Vườn Lài, Vườn Chuối, Bàu Bèo, Hóc Môn, Ngã ba Cây Thị, hẻm Cây Điệp... rạch Cá Trê, Đồng Nai, Hố Bò, Bàu Sấu... Chợ Đũi (chợ chuyên bán các loại vải, đũi...), Xóm Chiếu, Xóm Trĩ, Xóm Củi, rạch Lò Gốm... khu Đèn Năm Ngọn (quận 5, TP. HCM, vì ngày xưa nơi đây có một ngọn đèn đường tại một ngã tư có 5 ngọn đèn)... cầu Thị Nghè*, cầu Ông Lãnh**, Ngã ba Ông Tạ, Chợ Bà Chiểu... Ngã năm Chuồng Chó (khu vực ở quận Gò Vấp, TP. HCM ngày trước nơi đây có đóng một đơn vị quân khuyển)... đường Tên Lửa (trên đường có doanh trại một đơn vị phòng không)... Xa lộ Đại Hàn (ở Saigon, do quân đội Đại Hàn làm trước năm 1975), cầu Cao Miên (cầu bằng gỗ là tên gọi cũ của cầu Bông, do người Cao Miên xây dựng...).

II/- Chuyển hóa hoặc mượn tên từ một địa danh khác: Tên từ một địa danh có trước, được chuyển sang thành tên của một địa danh khác, tên có nguồn gốc ngôn ngữ khác, hoặc đã được Việt hóa...
     
      1. Tên được chuyển hóa hoặc mượn từ địa danh có trước: như cầu Ông Lãnh là tên gọi có trước, do Lãnh binh Thăng xây dựng, sau có ngôi chợ lập ra dưới khu chân cầu được gọi là chợ Cầu Ông Lãnh, khu Xóm Kiệu bên bờ kênh Nhiêu Lộc (trồng củ kiệu) có trước, cây cầu làm sau bắc ngang kênh tại đây được gọi là cầu Xóm Kiệu, sau gọi tắt là Cầu Kiệu, khu Vườn Xoài có trước sau xây ngôi nhà thờ được gọi là nhà thờ Vườn Xoài, hoặc TP. Sài Gòn có trước, sau có chợ Sài Gòn, cầu Sài Gòn. Ngược lại thì Chợ Lớn (là ngôi chợ có quy mô lớn để phân biệt với Chợ Nhỏ trong quận 5) có trước, sau lập ra khu Chợ Lớn (thời Pháp-Cholon ville), cầu Thị Nghè có trước sau lấy tên đặt cho đoạn kênh chảy ngang là rạch Thị Nghè, kế bên cầu có ngôi chợ được lấy tên chợ Thị Nghè, cũng mượn từ tên Thị Nghè của cầu Thị Nghè...

       Tên của địa danh mới được chuyển hóa hoặc mượn từ một địa danh gốc, địa danh mới và địa danh gốc thường cùng ở một nơi chốn, hoặc địa danh mới nằm trong địa danh gốc hay ngược lại. Khi tên được mượn để chỉ một địa danh mới, thì ý nghĩa ban đầu để hình thành địa danh trong tên gọi của địa danh gốc sẽ không còn đối với địa danh mới. Chẳng hạn cầu Ông Lãnh do ông Lãnh binh Thăng xây dựng, nhưng chợ Cầu Ông Lãnh chỉ là tên được mượn, không phải do ông Lãnh binh Thăng xây. Cầu Thị Nghè, tương truyền do một bà vợ của ông Nghè xây dựng, rạch Thị Nghè không phải do bà vợ ông Nghè đào, cũng như chợ Thị Nghè không phải do bà vợ ông Nghè lập. Xóm Kiệu thuộc vùng Phú Nhuận - Saigon, nằm bên bờ kênh Nhiêu Lộc được gọi như thế vì ngày trước khu xóm này trồng kiệu (củ kiệu), đến khi có cây cầu ở đây bắc ngang kênh thì cầu được gọi là cầu Xóm Kiệu, sau gọi tắt là cầu Kiệu, cầu Kiệu chỉ là mượn tên của Xóm Kiệu, chứ cầu chẳng có... trồng kiệu gì hết.

      2. Tên có nguồn gốc từ ngôn ngữ khác, hoặc đã được Việt hóa: ở Việt Nam có khá nhiều địa danh trên khắp các vùng miền được gọi bằng tên của các ngôn ngữ khác, nhiều nhất là tên của các dân tộc thiểu số, hoặc những tên ấy đã được Việt hóa: như Pleiku, Kontum, Dak Lak, Dak Nông, Pleime (vùng đất), Dakbla (tên sông), Mang Yang (núi, đèo)... (tên gọi của các dân tộc thiểu số vùng cao nguyên Trung phần). Những tên gọi khác có nguồn gốc xa xưa từ ngôn ngữ bản địa đã được Việt hóa, nhiều nhất ở vùng Nam bộ, đã được Việt hóa từ tiếng Khmer, như Sài Gòn (Prey Nokor), Sốc Trăng (Srôk Kléang), Tha La (Sa La), Trà Cú (Prêk Comnik Thkó), Cần Thơ (Kìn Tho), Cần Giuộc (Srôk Kantuôt), Cái Răng (Kàrăn), Cái Vồn (Srôk Tà Von), Trà Vinh (Srôk Prah Trapeng)... Ở Saigon có chợ Nancy, Nancy là tên của một thành phố bên Pháp, trong thế chiến thứ nhất quân Pháp đã thắng quân Đức tại đây, khi Saigon còn thuộc Pháp, họ đã lấy tên đặt cho ngôi chợ.

Ngoài hai yếu tố cơ bản hình thành địa danh bên trên (thường là những tên gọi "nôm na" do người dân đặt), một địa danh cũng được gọi bởi do nhà nước đặt tên, tên những địa danh này thường được dùng bằng từ Hán Việt, có ý nghĩa tốt đẹp (cả ngàn năm nước ta dùng chữ Hán làm chữ viết chính), chẳng hạn như Thăng Long như đã nói bên trên, Hà Nội (đặt dưới thời vua Minh Mạng), Hải Phòng... Hanh Thông (đọc trại thành Hạnh Thông)... Những địa danh khác được đặt bởi từ Hán Việt, cũng có những ý nghĩa tốt đẹp như Phú Thọ, Nhật Lệ, Phú Mỹ, Phú Mỹ Hưng, An Phú, Long Bình, Hòa Hưng, Phú Nhuận... Ở Tây nguyên, thời Đê nhất Cộng hòa (TT Ngô Đình Diệm), có những địa danh có chữ Lệ đứng đầu, như Lệ Minh, Lệ Chí, Lệ Cần, Lệ Ngọc, Lệ Thanh, Lệ Thủy... là lấy tên những người thân trong gia đình bà Trần Lệ Xuân (vợ ông Ngô Đình Nhu) để đặt.

Trên đây là những nét cơ bản của sự hình thành địa danh Việt Nam. Khi bàn về nguồn gốc, ý nghĩa tên gọi của một địa danh, ngoài những tư liệu ghi chép rõ trong sách vở (sử sách), chẳng hạn như tên Thăng Long (升 ) được đặt từ thời nhà vua Lý Công Uẩn có ý nghĩa "rồng bay lên", còn tên Thăng Long (升 ) được đặt từ thời vua Gia Long có ý nghĩa là "thịnh vượng", hoặc như truyền thuyết về chùa Thiên Mụ ở Huế về một bà già mặc áo đỏ, hiện ra trên một ngọn đồi báo trước với dân sẽ có chúa bồi đắp long mạch, phá thể yểm của Cao Biền là thày địa lý đời Đường không để cho nước Nam hưng vượng, cho nên chúa Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng ngôi chùa, và đích thân đề tặng ba chữ THIÊN MỤ TỰ... Hoặc núi Non Nước ở Đà Nẵng được gọi tên Ngũ Hành Sơn là do vua Minh Mạng có sắc chỉ ban gọi...

Còn ngoài ra khi chưa có tài liệu xác định rõ, thì nguồn gốc, ý nghĩa tên gọi của một địa danh sẽ được ghi nhận theo những giả thuyết được chấp nhận. Chẳng hạn như tên gọi Sài Gòn, có đến mấy giả thuyết về ý nghĩa tên gọi Sài Gòn, Sài Gòn có nghĩa là "củi gòn" (Trương Vĩnh Ký căn cứ vào mặt chữ Hán và chữ Nôm trong Gia Định Thành Thông Chí để giải thích từ ngữ), thuyết khác cho là từ tiếng Khmer Prey Kor (rừng gòn, ngày xưa vùng này có nhiều cây bông gòn). Nhà bác học Trương Vĩnh Ký cũng cho rằng Prey Nokor, tiếng Khmer có nghĩa là "Thị trấn trong rừng" là nguồn gốc của địa danh Sài Gòn. Căn cứ theo những biến âm của từ ngữ, và vùng Sài Gòn ngày xưa là nơi Phó vương người  Khmer đóng đô,  giả thuyết này được nhiều người chấp nhận hơn cả, được nhiều người chấp nhận hơn chứ không phải là giả thuyết này đúng và những giả thuyết khác về ý nghĩa tên gọi Sài Gòn là sai.



Ghi chú:

* Cầu Thị Nghè: còn gọi là cầu Bà Nghè, nối giữa quận 1 và quận Bình Thạnh TP. HCM. Do bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan Khâm sai Nguyễn Cửu Vân cho xây dựng, bà là vợ của một ông Nghè (không rõ tên gì, Nghè là người đã đỗ tiến sĩ), bà cho xây dựng ban đầu bằng gỗ, sau người Pháp cho đúc lại bằng bê tông, cầu bắc qua con rạch để chồng tiện đường đi làm việc.

** Cầu Ông Lãnh: bắc từ quận 1 qua quận 4. Do Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (1798-1866), một tướng nhà Nguyễn tham gia chống Pháp, người gốc huyện Giồng Trôm (Bến Tre) cho xây dựng, ban đầu cầu làm bằng gỗ, đến năm 1929 người Pháp đúc lại bằng bê tông.


Tham khảo:

- Đại Nam Nhất Thống Chí, Quốc sử quán triều Nguyễn, bản dịch Hoàng Văn Lâu, NXB Lao Động - TT Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây - 2012.
- Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, NXB Thanh Hóa - 2006.
- Từ điển TP. Sài Gòn - TP. HCM, nhiều tác giả, NXB Trẻ - 2001.
- Từ điển Ngôn ngữ Văn hóa Du lịch Huế xưa, Trần Ngọc Bảo, NXB Thuận Hóa - 2005.
- Địa danh học Việt Nam, PGS. TS. Lê Trung Hoa, NXB Khoa Học Xã Hội - 2011.
- Sổ tay địa danh thành phố Hồ Chí Minh, Lê Trung Hoa - Nguyễn Đình Tư, NXB Văn Hóa - Văn Nghệ - 2012.




6 nhận xét :

  1. Oh ...bài viết hay quá ! Nhờ anh Hiệp em mới được học hỏi thêm kiến thức về ý nghĩa của các địa danh từ thời xưa đến giờ ...cảm ơn anh nhiều lắm anh Hiệp nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một kiến thức cơ bản của cuộc sống thôi, đôi khi tôi thích tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của những địa danh, nhất là những nơi mình có dịp đến :-)))

      Xóa
  2. Cám ơn bác Hiệp về cách lí giải khái quát Địa danh ( Tên đất). Có những cái tên nhiều cách giải thích, cách nào nghe ra cũng có lí. Nhưng có không ít những cái tên, do nghe ghi không chuẩn mà thành. Rồi thành ra tên gọi chính thức. Ví như dốc Pha Đin ( trên đường lên Điện Biên). Chính xác theo tiếng Thái hoặc Tày là Phạ ( Trời) và Đin ( Đất). Tên Phạ Đin chỉ chỗ Trời và Đất gặp nhau. Hoặc ĐÔ LƯƠNG ở Nghệ An là do đọc trại từ chữ ĐÒ ( bến đò) LƯỜNG ( sông Lường) thành ra Đô Lương. Ở Hà Nội có ngõ Tạm Thương. Tạm Thương là gì? Không ai giải thích thuyết phục cả. Căn cứ vào chuyện vua Lí và bà Ỷ Lan không ổn; căn cứ vào chuyện buôn bán, để hàng tạm cũng không thuyết phục; căn cứ vào chuyện để thương binh ở tạm, trước khi chuyển đi càng...khó chấp nhận.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Vũ Nho đã vào xem. Địa danh ở nước ta đúng là có nhiều khi không lý giải nổi, có khi cùng một địa danh qua thời gian gọi mỗi khác, hay ngày xưa là tiếng của người dân tộc, tiếng địa phương, chẳng hạn bác hay nhắc đến làng Chèm (hay Trèm), cũng có sách lý giải tên Từ Liêm là biến âm của Trèm. Cũng như bác đã viết bên trên nhiều địa danh không cách chi lý giải được thỏa đáng. Ngay cả tên thủ đô Hà Nội ngày nay qua nhiều thời kỳ đã có những tên gọi khác nhau, Thăng Long thời vua chúa đã có 2 ý nghĩa, rồi Đông Đô, Đông Kinh (Tonquin), Đông Quan. Đến tên gọi Hà Nội bây giờ cũng còn đang tranh luận ý nghĩa.

      Tôi nghĩ cũng như nguồn gốc tên gọi Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang... mỗi nơi cũng có mấy cách giải thích, khi chưa có một sử liệu chứng minh cách nào đúng ta cứ tạm chấp nhận những cách giải thích có lý (có thể lý ít hay nhiều).

      Xóa
  3. Ở Tây nguyên, thời Đê nhất Cộng hòa (TT Ngô Đình Diệm), có những địa danh có chữ Lệ đứng đầu... là lấy tên những người thân trong gia đình bà Trần Lệ Xuân (vợ ông Ngô Đình Nhu) để đặt. Em nghĩ, có lẽ do họ Ngô muốn lấy tên cố hương Lệ Thủy, QB để đặt như vậy chăng?!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc đúng rồi đó Toro, ông Diệm quê ở Quảng Bình mà :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))