Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Nghĩ trong một ngày tháng 7 âm lịch.


                                                          Ảnh internet.

Bây giờ đang là tháng bảy ta. Bên nhà bác Hồng Ngọc có entry trong đó có bàn về cái chết, hihi, có lẽ đúng hơn là entry nói về sự sống, nhưng trong sự sinh luôn có sự tử, và điều đương nhiên không ai tránh khỏi, đó là cái chết, sanh - lão - bệnh - tử, từ bậc đại trí nhân, thánh nhân, đến ông thảo dân kiết xác, chẳng ai có thể trốn chạy được khỏi nó. Cái giây phút khi con người ta được sinh ra, và cái giây phút khi con người ta nhắm mắt lìa đời, đó chắc là cái giây phút thiêng liêng, bình đẳng và công bằng nhất mà Thượng đế, hay gọi theo cách khác là Tạo hóa, là Đấng tối cao đã ban cho loài người, vâng, giây phút bắt đầu và chấm dứt của một kiếp người, sự công bằng duy nhất của Thượng đế, ơn trời..

Điều mà bác Hồng Ngọc nói tới chắc ai cũng phải sợ, vì bản thân nó đã đáng sợ, có lẽ chỉ trừ một số người tự tìm đến cái chết (mà có khi ngay cả tự tìm đến, cũng chưa chắc là họ đã không sợ, nhưng vì danh dự, trách nhiệm... mà họ đã làm thế), chẳng hạn như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương... tuẫn tiết vì tự thấy mình không làm tròn bổn phận với vua, với dân, với nước... như Kinh Kha đời Tần bên Tàu, vì nghĩa khí mà tự nguyện mang gươm dấn thân vào chỗ chết, như Khuất Nguyên bị vua ghét bỏ đã đi tự trầm, hay như nhà thơ Lý Bạch, truyền thuyết kể rằng trong cơn say (say rượu, say thơ, say trăng...), ông đã nhảy xuống sông mà chết, chỉ vì muốn ôm lấy bóng trăng in dưới đáy nước... Hoặc như các Kamikaze (Thần phong), ám chỉ những phi công cảm tử của Nhật trong thế chiến thứ hai, đã hi sinh thân mình vì quốc gia, vì trách nhiệm, mong cứu vãn tình thế khi nước Nhật đang đứng trên bờ vực thẳm của bại trận... Những người như thế họ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng...

Vì sợ chết cho nên cho nên từ ngàn xưa con người đã đi tìm sự trường sinh, mong được bất tử, hay ít ra là kéo dài thêm cuộc sống... Những truyền thuyết, và lịch sử của loài người, đã nói lên những điều đó, từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây... Vua chúa, những kẻ có quyền thế, giàu có... luôn đi tìm những món ăn, những phương pháp, những phương thuốc trường sinh... Đào tiên ăn một quả sống ngàn năm, hay lò thuốc luyện linh đan của Thái Thượng Lão Quân trên Thượng giới, và của cả loài người dưới trần gian..., những phương pháp lấy âm dương, ngũ hành bổ sung cho nhau trong cuộc sống, trong ăn uống để mong kéo dài thêm tuổi thọ... Nhưng than ôi rất nhiều trường hợp như thế, tham sống sợ chết, mong kéo dài thêm tuổi thọ, nhưng thuốc tiên đâu chẳng thấy, chỉ gặp lang băm, thuốc giả, thuốc dỏm... uống thuốc trường sinh vào lại kéo theo đủ thứ bệnh, điên loạn, thậm chí... tắc tử, vì thuốc tiên được bào chế từ những thứ cực độc, như thủy ngân... Câu chuyện có người dâng lên cho vua liều thuốc trường sinh, cam đoan là thuốc thần công hiệu, uống vào sống trăm tuổi, vua chưa kịp cầm bề tôi đã giật cho vào miệng nuốt mất, vua giận quá sai lôi kẻ bề tôi kia ra chém, người ấy bèn tâu, nếu là thuốc tiên uống vào trường sinh sao bề tôi lại phải chết? Vua tỉnh ngộ, cũng may là kẻ ấy gặp được vì vua còn anh minh, sáng suốt, chứ gặp những kẻ quyền thế nhưng não trạng u mê, ù ù cạc cạc, nếu không bay đầu đi đời nhà ma, làm bạn với giun dế, thì chắc cũng sẽ sớm bị tống cổ đày ra nơi biên ải cho ngắm gió cát...

Người ta còn thể hiện mong ước trường sinh trong những câu chuyện khác, Từ Thức lạc vào cõi tiên... Nửa năm tiên giới một bước trần ai...Trên cõi tiên một ngày bằng trăm năm trần thế, cuộc sống sẽ kéo dài... Nhưng đâu dễ gì ai cũng lạc được vào cõi tiên, cho nên để có thể kéo dài đời sống rõ nét nhất là con người đã gởi gắm niền tin nơi tôn giáo. Không thể tìm ra thuốc trường sinh, người ta tin rằng sau khi chết đi, chỉ có thân xác tạm bợ là bị hủy hoại, cái gì của César sẽ trả về cho César, cái gì của của cát bụi lại trở về với cát bụi, nhưng linh hồn thì bất tử, rồi cũng có lúc con người được sống lại, cho dù sống lại để chịu một phán xét khắc nghiệt cuối cùng, người lành, người thiện sẽ được lên một cõi an vui, người ác, người xấu, sẽ vĩnh viễn bị đầy vào nơi tăm tối... Hay người ta cũng tin rằng, kiếp người là một sự luân hồi. Con người khi chết đi, chỉ là biến chuyển từ một cõi này sang một cõi khác, từ kiếp này sang kiếp kia, tùy theo cái nghiệp của mình đã gieo khi sống, nghĩa là cái chết trần gian chưa phải là dấu chấm hết, chưa phải là một sự chấm dứt hoàn toàn...

Ngày xưa lấy chồng từ thuở mười ba/ đến khi mười tám thiếp đà năm con, người ta cứ vô tư mà lấy nhau, mà sòn sòn sinh con đẻ cái, trời sinh trời dưỡng, trời sinh voi trời sinh cỏ, chẳng phải lo lắng gì cho mệt. Cuộc sống lắm khi nghèo rớt mùng tơi mà nào có ngán, không như bây giờ, xưa một nhà năm bảy đứa, thậm chí cả chục đứa con nheo nhóc (mà chục mười hai, mười bốn mới ghê). Cho nên đến khi năm mươi người ta đã lên lão, già khọm khú đế, đã con cháu đầy đàn, mặt mũi đã nhăn nheo, miệng mồm đã móm mém, giỗ chạp đã chiếu trên chiếu dưới, mới thấy mình đã gần đất xa trời. Xưa bảy mươi là hiếm, bây giờ thì khác, cuộc sống tân tiến, nhiều cái để vui chơi hưởng thụ hơn, đời sống đầy đủ, về giáo dục, về y tế, về ăn uống, dinh dưỡng... Con người thọ hơn ngày xưa, năm sáu mươi (nhất là quý bà) vẫn còn phơi phới xoan (xuân), quý ông thì khỏi nói, cái tuổi ấy có khi mới là ngon, công đã thành, danh đã toại, ngày ngày sau giờ tan tầm xách cây vợt đi đánh banh, bây giờ chiến hơn là lái xế hộp đi đánh gôn, ăn chơi thời thượng... Chẳng cần gì đến thuốc trường sinh bất lão chi cho mệt...

Nói tới nói lui thế thì bản thân tôi có sợ chết không? Có chứ, sợ quá nữa là đàng khác, tuy rằng trong thời chiến đã vài lần tôi chỉ cách cái chết không đầy nửa bước chân, đã vài lần nằm quân y viện. Nhưng mà rồi cũng như một câu nhạc xưa của một nhạc sĩ đã ra đi cách nay không lâu (nhạc sĩ Phạm Duy), mà tôi đã hằng yêu thích suốt nửa thế kỷ nay... Rồi mai đây tôi sẽ chết trên đường về nơi cõi hết/ Tôi sẽ không mang theo với tôi những gì đâu/ Tôi không mang theo với tôi được tiền tài hay danh vọng, không mang theo với tôi được gái đẹp hay lầu vàng... Vâng, sớm hay muộn rồi cũng sẽ đến ngày chúng ta sẽ ra đi mà chẳng mang theo được tiền tài, danh vọng, gái đẹp hay lầu vàng. Thế thì trong chuyến ra đi cuối cùng sớm muộn ấy, hãy mang theo một cái gì đó nhẹ nhàng, chẳng hạn như một câu trong entry mới đây của một anh bạn khác, bạn dungNobita (Ký ức nhỏ), câu nói bất hủ của một Mục sư người Mỹ da đen Martin Luther King, người đã bỏ mình vì sự thù hận của con người, I Have a Dream, Tôi có một giấc mơ, một giấc mơ về Hòa bình, Tự do, và Bình đẳng... Không phải chỉ cho riêng người Mỹ, mà sẽ cho chúng ta, toàn thể Nhân loại.


33 nhận xét :

  1. Hồi trước xem kịch, tôi còn nhớ mãi một câu của ông nghệ sĩ lớn tuổi mà mình lại quên tê rồi. Ông nói: "tao sợ chết muốn chết đi được" Nghe đến là bi hài phải không bác Hiệp?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sợ chết đến... chết, haha, đúng là bi hài, nhưng chắc cũng đúng sự thật đó anh Minh, sợ quá đứng tim đứt bóng luôn :-)))

      Xóa
  2. Thấu đáo anh ạ.
    Ông Tào Mạt khi nằm trị bệnh ung thư có bài thơ "Trăm năm vui cái hẹn về"- ông bảo khi mình sinh ra đã có sẵn cái hẹ phải trở về cát bụi rồi, biết trước rồi, nên vui vẻ. Nói thế nhưng thật lòng nghĩ thế, không quá lo sợ, sầu não thì không dễ chút nào phải không anh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Sống gởi thác về", vui với cái về như ông Tào Mat được là có lý lắm đấy Toro. :-))

      Xóa
  3. Châm ngôn mới về sống và chết bây giờ:
    Sống KHỎE
    Chết NHANH
    ÍT của để dành
    NHIỀU người thương tiếc!
    Tôi thấy cũng có lí và rất đáng suy nghĩ, nên góp bàn với bác Hiệp và mọi người.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Được thế này thì có lý lắm chớ bác Vu Nho :-))

      Xóa
    2. Châm ngôn bác Vũ Nho tuyệt hay
      Nhưng thương tiếc cũng là một "của" để dành
      Vậy có cần phải nhiều không nhỉ?
      hihi

      Xóa
    3. Ý kiến của ai sao cũng hay hết vậy ta?
      "Nhắm mắt xuôi tay" mà được vài người thương tiếc cũng là đủ :-))

      Xóa
    4. Con người ta thực sự sống trong lòng người khác
      (nhất trí với PNH chỉ cần vài người là được rồi)

      Xóa
    5. Nhất trí, nhất trí bác Bu! nghe cứ như đi họp công đoàn ấy :-))

      Xóa
    6. Được như châm ngôn của bác Vũ Nho thì lý tưởng biết bao! Cái nào cũng khó, HN may chỉ được cái thứ 3, ít của để dành, chỉ cứ tâm nguyện từ hồi đi học, đọc được Minh Tâm Bửu Giám: "Tích âm đức dỉ di tử tôn..." và rủ rê vợ đồng lòng thực hiện, may ra cũng là thứ của để dành.

      Xóa
    7. Nghe nói (như thị ngã văn, hihi) rất nhiều người sinh cùng một ngày, giờ, phút, giây... thế mà số phận mỗi người lại khác nhau, cái này "ăn" vào "âm đức" (phúc đức) của cha mẹ như bác HN đã nói. Vậy thì ta cứ để phúc đức lại cho con cháu thôi :-)))

      Xóa
  4. Một giấc mơ... tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng sao quá khó bác H ơi . Lịch sử nhân loại là những cuộc chiến tranh triền miên ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khó thật đó bạn Marg., cho nên đành xếp nó vào "giấc mơ cuối cùng" khi ta bước sang bên kia thế giới :-))

      Xóa
    2. hihi, tại vì bước sang bên kia thế giới rồi thì bên này được hay không được cũng chẳng làm sao hả bác. Hihi , đùa thôi nhen ((-:

      Xóa
    3. Hihi, "bước sang bên kia", biết làm sao, bởi người ta hay nói thế, mà bên này hay bên kia, hoặc bờ bên này hay bờ bên kia, ôi thôi rối lắm, chỉ biết sáng nay nhìn ra ngoài trời thấy nắng đẹp :-))

      Xóa
  5. Đã nói các Bác đừng nhắc chữ CHẾT mà, ai ai cũng SẼ CHẾT, từ từ người nào cũng CHẾT mà, có gì đâu mà ai CŨNG SỢ CHẾT dậy ta...hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhắc hay không nhắc thì điều đó đã hiện diện nơi đời sống, không khác được, phải đến lúc ta đối mặt với nó mới có thể nói được điều gì, hihi.

      Xóa
    2. Không những nhắc mà còn phải nhắ nhiều vì chết là một khoa học. Khoa học về sự chuyển hóa từ sự sống này sang sự sống khác.
      Mà khoa học thì phải nghiên cứu, phải học, tức phải nhắc tới.

      Xóa
    3. Nói lại cho chính xác: Nghiên cứu sự chết là một khoa học.
      (blogspot keo kiệt không cho edit)

      Xóa
    4. Nghiên cứu về sự chết tôi nghĩ còn khó hơn nghiên cứu về sự sống ấy chứ, bởi nếu thực sự đã chết thì lấy đâu mà nói được cho người sống biết sự chết nó ra sao? Nhưng một khi đã liên quan tới cuộc sống, tức đã là khoa học như bác Bu khẳng định thì chắc chắn các nhà khoa học đã nghiên cứu về nó.

      Xóa
  6. 1- Sống thêm một ngày là đường đến huyệt mộ ngắn đi một đoạn. Mừng tuổi năm mới là huyển hoặc nhau cho vui, chớ thực ra phải chia buồn vì đã gần cái chết chút xíu.
    2- Nhà sưu tầm PNH đã có từ điển về cái chết chưa? nếu chưa thì nên sắm quyển Tây Tạng sinh tử thư dày 407 trang. Người Tây tạng nghiên cứu về sự chết kĩ lắm. Mới ở trang thứ 8 đã có các sơ đồ:
    *Lịch trình chết: Sống - Trung ấm lâm chung - trung ấm pháp tính - trung ấm đầu thai - Sống. (sống bắt đầu và kết thúc như trên một hình xoắn ốc)
    * Hiện tượng chết: Ngừng thở - ý thức trong trạng thái hôn mê - Tứ đại tan rã, biểu hiện cái chết xuất hiện - Luồng khí sinh mệnh tập trung tại mạch trung ương - Điểm trắng đỏ gặp nhau ở tim (đại khái thế còn dài dài hihihi)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, đúng là nhà bác Bu là cả một thư viện. Tôi chưa có quyển Tây Tạng sinh tử bác giới thiệu. Thỉnh thoảng tôi đọc mấy sách của Phật giáo nói về sự chết, khi chết con người ra sao, sau khi chết bao nhiêu ngày con người đi đâu, về đâu... vân vân... Nhưng quả thật đọc với rất nhiều hồ nghi (bởi không đọc bằng niềm tin), khi mà sách vở viết về sự chết, mà tựa như là của người đang sống cố lý giải sự chết theo một chủ quan nào đó của người sống... hùhù!
      Hễ dịp nào gặp quyển sách Tây Tạng ấy tôi sẽ xem :-))

      Xóa
  7. Đúng là một entry như nguoigiaonline nói, cả bài viết và cmt đều thú. Phần giới thiệu sách ở trên của bác Bu cũng có vẻ hấp dẫn.
    Chuyện chết sống, HN liên tưởng đến mấy ý này:
    - Có nhiều người trong đời sống thường nhật hay than: "Sống đây như chết rồi!".
    - Có những người đang sống nhưng được/ bị người khác/ người đời coi như đã chết.
    - Có những người tuyệt lộ, đi vào cửa tử lại tìm ra được cửa sinh!
    Do vậy, phải luôn luôn sống với ý nghĩ rằng sống chết là chuyện thường (như bác Bu đã nhắc với MTB ở trên) và từ đây, nhớ lại một câu ngạn ngữ (con gái ghi lại khi nghe cô giáo nói trong câu chuyện dưới cờ ở trường năm cháu học 12): "Khi con sinh ra, mọi người đứng quanh giường con CƯỜI mà con KHÓC. Vậy con phải sống thế nào để khi con chết, mọi người đứng quanh giường con KHÓC mà con CƯỜI". Thiệt là đáng cho chúng ta suy nghĩ và tự răn mình!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hấp dẫn thiệt đó bác HN, tất cả những comments của bạn bè, mỗi người mỗi vẻ, nói lên cái tâm tư, cái suy nghĩ của mình về Sông và Chết.
      - Tôi cũng thấy có người than thế, thường vì: thói quen (thói quen than, người ta hay gọi là "bán than"). Có vẻ như có chút làm dáng, quan trọng hóa mọi chuyện. Hay họ giống chết rồi thật, loại người ít có sinh khí đôi khi gặp trong cuộc sống. Sống gần họ có nguy cơ lây nhiễm trầm cảm cao :-))
      - Loại người đang sống mà bị người khác (người đời) coi như đã tử, cũng thường là chán lắm, không có "khí thế" chút nào.
      - Còn những người "tuyệt lộ", mà vẫn vui sống, hay ít nhất cũng cố mà vui sống. Hay đã đi vào tuyệt lộ, vui sống, rồi tìm ra được cửa sinh thì tuyệt, những người này luôn lạc quan, thường "cháy" (từ bây giờ) hết mình, sống ngày hôm nay như ngày mai sẽ không còn thấy mặt trời. Những người này luôn đem đến cho người khác niềm hy vọng, nên gần họ...
      - Còn chuyện cười - khóc khi sinh - tử là đúng quá, sống - chết mà được như thế là đã đạt Đạo, cái Đạo của Trời Đất, của Con Người...

      Xóa
  8. Cái chết là điều bí mật (mà bí mật chắc luôn), hihi, thì đợi đến lúc chết, ta sẽ được khám phá và trải nghiệm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc chắn là như thế rồi bác Nô, cho nên tôi hồ nghi mọi sách nói về cái chết, nhất là sách tôn giáo. Cái trải nghiệm cuối cùng mà không ai có thể "chia sẻ" cùng ai, hihi!

      Xóa
    2. Huhu, sao gần đây đi đâu ai ai cũng bàn về cái chết....sợ qué ...

      Xóa
    3. Hihi, thay đổi không khí tí mà Mùa Thu Buồn, có ngẫm về cái chết ta mới thấy cái sống là đáng trân trọng, mới hết... buồn, :-)))

      Xóa
  9. Kính các bác!
    Về châm ngôn ấy, tôi chỉ "nghe lỏm" rồi chép lại phục vụ mọi người. Tôi không dám nhận là tác giả, vì e vi phạm luật bản quyền!

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))