Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Trở lại với những con đường Saigon.

                 Vòng xoay trước chợ Bến Thành khoảng thập niên 70. Ảnh Internet.

Hôm qua có chuyện chạy xe chở bà xã tôi đến khu Bàu Cát của quận Tân Bình. Khi đi ngang qua đường Đồng Đen, ngồi phía sau bà xã tôi chợt nói: Đường này tên là đường Đồng Đen ngộ quá nhỉ? Vậy chắc cũng phải có tên đường  Vàng Ròng hay Bạc Vụn, hay chắc tại Đồng Đen quý hiếm nên mới được đặt thành tên đường... Tôi phì cười, quả là cái tên Đồng Đen nghe khá ngộ nghĩnh, cũng may trước đây tôi có thời gian suốt ngày lông bông ngoài đường phố, nên cũng bỏ công tìm hiểu một số tên đường nghe ngồ ngộ. Đường Đồng Đen là một con đường mới mở (thực ra cũng đã 20 năm nay, từ năm 1993), nằm trong khu Bàu Cát. Đồng đen đúng là hay được biết là loại kim loại quý hiếm còn hơn vàng, như thỉnh thoảng chúng ta vẫn thường thấy trên báo chí đăng tin có người bị lừa bạc tỉ vì ham mua loại kim loại mang nhiều huyền thoại này.

Nhưng tên đường Đồng Đen thì chẳng phải là đồng đen kim loại. Đây là biệt danh của một liệt sĩ tử trận trước năm 1975, được lấy đặt tên đường, như một số con đường khác ở Saigon sau năm 1975. Cách nay một vài năm khi còn làm việc nhà nước, một hôm cũng có người trong cơ quan hỏi tôi một con đường khác, đó là đường Lũy Bán Bích nằm trên quận Tân Phú, có phải Lũy Bán Bích là người họ Lũy tên Bích không? Các bạn trẻ ngày nay ít quan tâm đến sử sách nên không biết lũy Bán Bích là tên một thành lũy được đắp từ năm 1772, do Điều Khiển Nguyễn Cửu Đàm xây dựng (Điều Khiển là một chức quan thời chúa Nguyễn). Có điều hơi buồn cười là có sách viết về Gia Định xưa giải thích "Bán Bích" là "nửa bức tường". Lũy xây có nửa bức tường thôi sao? Mà "nửa bức tường" thì thật ra nghĩa là gì? Thì ra không phải thế. Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức giải thích, Lũy Bán Bích đắp hình bán nguyệt, có hình nửa ngọc bích.

Ở bên quận Tân Phú cũng có một con đường có tên rất... hiện đại, đó là đường... Tên Lửa. Tên Lửa ở đây thì đúng nghĩa là... tên lửa, có nghĩa là hỏa tiễn. Một tên đường được đặt sau năm 1975, nơi con đường này có một đơn vị phòng không đóng quân nên lấy tên đặt cho đường. Trước năm 1975 ở miền Nam thì "tên lửa" được gọi là "hỏa tiễn", dùng từ Hán Việt để gọi, thí dụ "hỏa tiễn liên lục địa", để chỉ loại vũ khí tầm xa mà bây giờ gọi là "tên lửa vượt đại dương". Có một từ ngữ Hán Việt khác như "Thủy quân lục chiến" để kêu một loại quân thiện chiến được biên chế trong binh chủng hải quân trên thế giới, thì sau năm 1975 nghe gọi là "Lính thủy đánh bộ", thoạt tiên nghe khá kỳ cục, nửa Nôm nửa Hán, nửa Ta nửa Tàu...

Việt Nam trước đây là một trong ba nước Đông Dương bao gồm Việt - Miên - Lào, nói theo từ ngữ thỉnh thoảng hay được nghe là "ba nước anh em". Chắc có lẽ là do "Tình thương mến thương" nên từ thời Đệ nhất Cộng Hòa ở Saigon có 2 con đường mang tên thủ đô của 2 nước Miên và Lào, đến nay vẫn còn. Hai con đường này đều ở quận 5. Thứ nhất là đường Kim Biên, phiên âm Hán Việt của thủ đô Phnom Penh - Cambodia. Thứ nhì là đường Vạn Tượng, cũng là phiên âm Hán Việt của thủ đô Vientiane - Lào.

Không biết tại sao mà ở Saigon trước năm 1975 có một số đường bị đặt sai tên, chẳng hạn đường Sương Nguyệt Anh thành Sương Nguyệt Ánh, đường Đoàn Nhữ Hài thành Đoàn Như Hài, đường Hồ Huân Nghiệp thành Hồ Huấn Nghiệp, đường Phan Phu Tiên thành Phan Phú Tiên, đường Lương Như Hộc thành Lương Nhữ Học... Đấy là những tên đường mang tên những danh nhân xa xưa, còn có một tên đường mới đặt sau năm 1975 ở Thủ Đức, mang tên Kha Vạn Cân (ông giữ chức vụ Quận trưởng Saigon-Cholon thời chính phủ Trần Trọng Kim tháng 8-1945, sau tập kết ra miền Bắc, nhiều năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công Nghiệp Nhẹ 1960-1975), thật ra tên ông là Kha Vạng Cân (Vạng, có "g"  chứ không phải Vạn). Trên một số báo của tạp chí Xưa và Nay cũng có một bài khá dài viết về ông, nhưng cũng viết chữ "Vạng" là "Vạn"...

Trong một entry trước tôi đã điểm qua một số những con đường ở Saigon mang tên những danh nhân triều Nguyễn trước năm 1975 được đặt tên đường, thì sau năm 1975 đã bị thay thế gần hết. Dĩ nhiên có những con đường trước năm 1975 mang tên những người phục vụ cho chính quyền Saigon như Trần Hoàng Quân (Đại tá), Văn Điển Quang, Trần Văn Văn (nghị sĩ)... Sau năm 1975 đều bị đổi tên mới. Nhưng chỉ có một con đường là đường Huỳnh Hữu Bạc ở quận Tân Bình thuộc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, là vẫn giữ lại tên của vị Sĩ quan không quân phục vụ cho nền Đệ nhất Cộng Hòa.

Đây là một con đường nhỏ chỉ dài khoảng 150m. Ông Huỳnh Hữu Bạc là một sĩ quan không quân thuộc lớp phi công đầu tiên của Không lực VNCH, tử nạn trong một phi vụ huấn luyện máy bay tại miền Tây năm 1957. Tên của ông được đặt cho một con đường nhỏ thuộc sân bay Tân Sơn Nhất. Đến nay tên vẫn còn. Xem tiểu sử thì thấy vị sĩ quan không quân này chẳng phải "nằm vùng" chi hết, cũng chẳng hề ném bom dinh Độc Lập hay tham gia đảo chính lật đổ chính quyền. Không hiểu sao sau năm 1975 con đường mang tên ông vẫn còn cho đến ngày nay mà không bị thay thế. May thay...!




13 nhận xét :

  1. Ở Saigon có 2 con đường mang tên Trần Khắc Chân từ năm 1955, tại quận 1 và quận Phú Nhuận. Trong lịch sử VN không thấy nhân vật nào tên Trần Khắc Chân. Thời Trần chỉ có 2 danh tướng. Thứ nhất là Trần Khắc Chung, người đã cứu Công chúa Huyền Trân khỏi lên giàn hỏa thiêu của nước Chiêm Thành sau khi vua Chiêm Thành là Chế Mân chết (1307). Sau đó đã đi thuyền cùng Công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành về Thăng Long hết mấy tháng trời.

    Người thứ nhì là danh tướng Trần Khát Chân (Khát chứ không phải Khắc), người đã đánh bại quân Chiêm Thành năm 1389. Năm 1399 ông cùng một số vương hầu nhà Trần định giết Hồ Quý Ly, việc bại lộ ông bị Hồ Quý Ly giết cùng 370 tôn thất nhà Trần.

    Có lẽ đường Trần Khắc Chân là do tên của 2 danh tướng Trần Khắc Chung và Trần Khát Chân hợp lại. Hihi!

    Trả lờiXóa
  2. HÌnh như ngã sáu Chợ Lớn vẫn còn đường Triệu Đà phải không anh Hiệp? Không hiểu các bố nghĩ sao, sau 75 cũng không đổi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đường Triệu Đà ở khu vực Ngã sáu Chợ Lớn là con đường có từ năm 1955, do chính quyền TT Ngô Đình Diệm đặt, được duy trì cho đến tháng 8 năm 1975 thì được đặt lại là đường Ngô Quyền đến nay.
      Có lẽ vì ngày trước quan niệm nhà Triệu là một thời kỳ thuộc lịch sử Việt Nam (Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim chép Nhà Triệu từ 207 - 111 Tr. Tây lịch).

      Xóa
  3. À,vụ đổi bỏ tên Triệu Đà này OK. Ngã 6 Chợ Lớn có tượng người cầm cung là An Dương Vương phải không anh?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi Toro, ở ngay vòng xoay Ngã Sáu có cái tượng cao chót vót đó là An Dương Vương. Ngày trước tại những vòng xoay hay có những bức tượng lịch sử.

      Xóa
  4. Bác NHP ơi, 1/cái vụ đường Tên lửa (hỏa tiễn) dính đến chuyện sau 75 nhà nước chủ trương "trong sáng Việt ngữ" đã đổi WC, toilet, nhà vệ sinh (chỉ một số địa phương quá khích) thành nhà (xin lỗi) ỉa nam, nhà đái nữ!
    2/HN không được biết chữ Kim Biên trong chợ Kim Biên là lấy phiên âm của thủ đô CPC vì hầu như tất cả sách vở trước 75 đều ghi là Nam Vang.
    3/ Khu phố mới ở Tân Phú có cả chục tên đường đều họ Lê: Lê Thiệt, Lê Lư, Lê Niệm...nhiều lúc chả biết là họ có công gì??
    Cám ơn bác NHP đã có bài viết thú vị này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác HN

      1/ Chủ trương dùng từ "thuần Việt" có ở miền Bắc hình như là rất lâu rồi, nhưng đến năm 1975 thì ở miền Nam mới chịu ảnh hưởng. Đây là một ý nghĩ khôi hài nếu không nói là nông cạn, vì có đến 80% chữ Việt là từ Hán Việt. Tôi vẫn còn nhớ chuyện không biết thực hư? Đó là chuyện "Xưởng đẻ".

      2/ Sách vở nói phiên âm chữ Hán của Phnom Penh đọc sang tiếng Việt là Kim Biên, còn từ Nam Vang không biết có phải là phiên âm thẳng từ Phnom Penh sang tiếng Việt? Đường Kim Biên, và chợ Kim Biên chuyên bán hóa chất độc hại là có từ trước năm 75.

      3/ Nhiều nơi khu dân cư mới, những con đường mới mở đặt tên chẳng biết là ai nữa.

      Cam ơn bác đã vào xem.

      Xóa
  5. Đệ đi chuyển giới về rồi, chạy sang chào Huynh đây!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hehe, chào... sư đệ, chuyển giới chắc có người rầu lắm đấy :-)))

      Xóa
  6. thì ra thế giới tên đường cũng rất huyền bí anh nhỉ, mộc thấy báo chí vẫn thường ta thán như Trần Hưng Đạo A, Trần Hưng Đạo B hay đường Chờ Lún chẳng hạn nhưng viết một bài thật sâu sắc và tình tiết như anh quả thật hiếm lắm hơn nữa cách viết "bắt cầu" như anh lại lôi cuốn đặc biệt người đọc, cứ nghĩ tác giả sẽ dừng lại đau đó, nhưng không, anh lại dắt người đi tiếp, đi tiếp ... rất ngưỡng mộ anh bởi lâu lắm mộc mới có dịp đọc một bài thời sự hay đến vậy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn BĐM đã ghé chơi và viết cho ít dòng. Tình thân. :-)))

      Xóa
  7. Chào anh Bài viết của anh rất thú vị.
    Anh còn nhớ con đường Hồng Thập Tự nối dài, đoạn từ cầu Thị Nghè đến ngã tư Hàng Sanh, trước 75 mang tên gì không anh?
    Cám ơn anh
    Đào Trọng Thái

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bạn. Đoạn đường bạn hỏi từ cầu Thị Nhè đến ngã tư Xa lộ (bây giờ hay lẫn lộn giữa tên gọi ngã ba Hàng Xanh là cái ngã ba gần ngã tư Xa lộ Sài Gòn đi Biên Hòa), thời Pháp đoạn này gọi là Route Interprovinciale No (numéro) 24. Còn đoạn từ ngã tư Xa lộ đến cầu Bình Triệu là Quốc lộ 13. Từ năm 1955 chính quyền tỉnh Gia Định nhập 2 đường đổi thành đường Hùng Vương. Ngày 14-8-1975 chính quyền cách mạng nhập đường Hùng Vương và đường Hồng Thập Tự đặt tên là Xô Viết Nghệ Tĩnh... Đại khái là thế.
      Cám ơn bạn đã ghé xem.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))