Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Ăn quán ngủ đình.

                  Đình thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Cù Lao Phố-Biên Hòa. Ảnh Internet.

Cách nay ít lâu, trong một lần ngồi nhâm nhi cà phê với một người bạn, hôm ấy có thêm vài người bạn của bạn nữa, trong đó cũng có người mới từ nước ngoài về. Ngày xưa trước năm 75 bạn học bên ngành sư phạm, có đi dạy một thời gian rồi nghỉ, những người bạn của bạn cũng thế, đa phần là bạn lưu niên dân Nam bộ thời còn là sinh viên sư phạm.

Trong câu chuyện gẫu (ngày xưa dân Saigon gọi là tán gẫu, tán dóc), có người nhắc đến cảnh cơm hàng cháo chợ, và dùng câu thành ngữ "ăn quán ngủ đình" để diễn tả. Đại khái người bạn ngồi uống cà phê dùng câu nói ấy để nói cái cảnh mình thường phải ăn uống hàng quán, vì mọi người trong nhà ai cũng bận bịu  công ăn chuyện làm, ít có thời giờ nấu bữa ăn trong gia đình. Chữ "ăn quán" trong "ăn quán ngủ đình" được hiểu là "ăn uống ở quán xá, hàng quán".

Hôm ấy nghe chuyện ai cũng cười khì, tuy tôi hiểu chữ "ăn quán" ở đây theo một nghĩa khác. Mấy hôm nay nhân đọc lại một tờ tạp chí cũ, tôi đọc được một bài viết nói về Cù Lao Phố ở Biên Hòa, một nơi tôi cũng có dịp ghé qua mấy lần. Bài viết nói về những ngôi đình ở Cù Lao Phố, với chỉ 6,6 cây số vuông nơi đây có đến 11 ngôi đình, 7 ngôi chùa và 1 Thánh thất Cao Đài, là một nơi có nhiều ngôi đình nhất Nam bộ. Bài viết có nói đến câu thành ngữ "ăn quán ngủ đình", và nói đình làng là nơi luôn luôn mở rộng cửa đón tiếp mọi người, nhất là những lúc lỡ bước. Bài viết cũng suy đoán "có lẽ câu thành ngữ ăn quán ngủ đình bắt nguồn từ Nam bộ nói chung, và Cù Lao Phố nói riêng".

Với câu thành ngữ "ăn quán ngủ đình" trên, tôi không nghĩ "ăn quán" là ăn uống nơi quán xá, tiệm ăn, như các bạn ngồi nhâm nhi cà phê, và tôi lại càng không cho câu thành ngữ này bắt nguồn từ Nam bộ nói chung, và từ địa phương Cù Lao Phố nói riêng, như bài viết của tờ tạp chí.

Trong bốn chữ "Ăn quán ngủ đình" bên trên, thì từ "ngủ đình" chắc ai cũng hiểu là... ngủ ở đình, câu thành ngữ này phải có ít nhất cũng cả trăm năm nay, khi đình làng ở mọi nơi còn mang một vị trí quan trọng trong xã hội, đình làng ngày xưa vừa là nơi thờ phượng của người dân, vừa mang tính chất hành chánh, vì thế luôn là chốn người dân có thể nhờ vả khi cần, chẳng hạn ngủ nhờ một đêm khi lỡ đường, vì xưa làm gì có sẵn khách sạn như bây giờ. Nhưng "ăn quán" có phải là ăn uống nơi hàng quán, quán xá, quán ăn không? Tôi nghĩ là không, chữ quán này có một nghĩa khác, quán, là nơi nơi thờ phượng, tín ngưỡng của Đạo giáo. Am quán là nơi ở của Đạo sĩ, đạo quán là nơi thờ phượng của Đạo giáo. Lỡ bữa ghé qua quán, có lẽ ngày xưa người ta cũng dễ dàng nhờ được một bữa ăn.

Chữ quán tôi cũng hay thấy đi đôi với chữ chùa trong "chùa quán" (Đại Nam Nhất Thống Chí mục từ Chùa Quán), để chỉ những nơi tín ngưỡng. Đây là câu thành ngữ xưa theo tôi là của miền Bắc, và bây giờ ít khi được dùng đến. Trong mấy quyển từ điển Thành ngữ - Tục ngữ Việt Nam tôi có, tôi chỉ tìm được câu "ăn quán ngủ đình" trong phần Ca dao tục ngữ của Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn Ngữ - NXB Từ Điển Bách Khoa ấn hành năm 2007, với giải thích nghĩa của câu là "Sống linh đinh vất vả".

Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức ấn hành tại Hà Nội năm 1931, quyển từ điển này có thể được xem là quyển từ điển tiếng Việt xưa, có nhiều từ thuộc phương ngữ Bắc bộ. Trong mục từ quán thì có nhiều chữ quán, và một trong những chữ quán có cái ý nghĩa của Đạo giáo như tôi đã dẫn ở trên. Còn trong quyển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của, bản ấn hành năm 1895, được xem là quyển từ điển tiếng Việt về phương ngữ Nam bộ xưa nhất, cũng ghi nhận nhiều chữ quán, nhưng hoàn toàn không có chữ quán với ý nghĩa Đạo giáo như thế.

Bởi thế nên tôi không nghĩ câu "Ăn quán ngủ đình" là một câu thành ngữ bắt nguồn từ Nam bộ, hay phát xuất từ vùng Cù Lao Phố (Biên Hòa-Đồng Nai), như bài báo trên tờ tạp chí cũ tôi đã đọc. Đình làng trong miền Nam có từ thời cư dân Việt di cư từ miền Trung, miền Bắc thời nhà Nguyễn lập nên. Trong miền Nam những đền, điện, đạo quán là nơi thời phượng của Đạo giáo ít thấy, không phổ biến như chùa hoặc đình.

Trong sử sách của nước ta, tôi thấy ghi cũng rất rõ, cùng với chùa chiền, đình, miếu... là tín ngưỡng Phật giáo, hay tín ngưỡng dân gian (thờ Thần, Mẫu, Thành Hoàng...), thì đền, điện, đạo quán là loại tín ngưỡng của Đạo giáo (thờ Thái thượng lão quân, Quan Công, Quan Bình...), cũng được xây dựng qua tất cả các triều đại vua chúa, nhất là ở Thăng Long, và toàn miền Bắc. Bậc vua chúa, trưởng thượng thì theo Đạo giáo thần tiên (tu tiên, học cách trường sinh...), còn giới bình dân thì theo Đạo giáo phù thủy (cúng tế, cầu khẩn, bói toán...). Trong sử sách có ghi chép, cùng với các nhà sư (Phật giáo), thì các Đạo sĩ (Đạo giáo) ngày xưa cũng rất hay được bậc vua chúa tin dùng. Các Đạo sĩ luôn được vời đến trong những buổi cúng tế, cầu đảo, chọn ngày giờ, xem phong thủy...

Cuối cùng thì câu thành ngữ "ăn quán ngủ đình", cũng có thể coi như một câu đối hoàn chỉnh, ăn đối với ngủ, là hai nhu cầu thiết yếu của con người, quán đối với đình, là hai nơi cùng có ý nghĩa tín ngưỡng, và ăn quán đối với ngủ đình. Nguyên câu thành ngữ này có ý nghĩa như từ điển đã giải thích: sống linh đinh (lênh đênh) vất vả. Câu thành ngữ nói lên cuộc sống và đánh dấu một thời xã hội cha ông ngày xưa.






8 nhận xét :

  1. Anh Hiệp nói có lý lắm. Bên cạnh đình, chùa, thì quán là một nơi thờ tự khá phổ biến ở làng quê Bắc Bộ. Tuy nhiên, tùy từng địa phương mà quán có ý nghĩa tín ngưỡng khác nhau, không nhất thiết là quan của Đạo giáo anh H ạ. Ví dụ, quan ở quê em là nơi luyện quân của Thành hoàng. Do đó, khi có rước thì rước từ đình ra quán. Quán xây lộ thiên. Khi đặt ngai thờ yên vị thì tế, sau đó có vật, diễn lại việc luyện quân xưa, sau đó rước trở lại đình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Toro nói đúng, quán ở đây không hẳn là đạo quán của Đạo giáo, sang nước ta, Đạo giáo đã hòa vào dòng chảy tín ngưỡng chung, những đền, điện thờ dân gian của ta là một ví dụ, vừa có tính cách tín ngưỡng dân gian, vừa mang nét của Phật giáo lẫn Đạo giáo.

      Trong Đại cương Lịch sử Văn hóa VN, thì tác giả Nguyễn Khắc Thuần đã xếp những đền điện này vào nguồn tín ngưỡng bắt nguồn từ Đạo giáo.

      Xóa
  2. Marg hiểu "cơm hàng cháo chợ" khác với " ăn quán ngủ đình" chứ . Cũng may , đôi lúc mình cũng có thể " cơm hàng cháo chợ " nhưng không đến nỗi phải lâm vào cảnh " ăn quán ngủ đình "
    Bác giải thích cặp đối "quán , đình" có ý nghĩa lắm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, ăn quán ngủ đình ngày xưa cũng ớn xương sống thật, còn cơm hàng cháo chợ thì thời này là chuyện bình thường rồi.

      Xóa
  3. Bác NHP đã nêu lên một vấn đề thú vị, giải quyết vấn đề rất hài bản, dứt khoát quán trong "ăn quán" không chỉ theo nghĩa quán xá, cũng không dừng lại ở "Đạo quán" của Đạo giáo nhưng HN sực nhớ có một từ ngày xưa: "Hội quán" (ví dụ hội quán Hướng Đạo, hội quán sĩ quan...) thì chữ "quán" này thế nào bác NHP hè?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Hội quán", hihi, ngày xưa tôi ở Buôn Mê Thuột có một nơi gọi là "Hội quán Biên Thùy", một loại CLB của sĩ quan. Chữ Quán này khác với chữ Quán (bộ Y) là nơi ở của Đạo sĩ (Đạo quán), đó là chữ Quán bộ Thực, có nghĩa là nhà khách, gọi chung là nhà cửa, phòng ốc. Hội quán là nơi gặp gỡ, hội họp...

      Xóa

:) :( :)) :(( =))