Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Tên gọi đạo Thiên Chúa (Thiên Chúa giáo) có từ đâu?

Tôi mua được mấy quyển sách có tựa đề "LỊCH SỬ GIÁO HỘI VIỆT NAM" của Linh mục Augustino Nguyễn Văn Trinh, đây là sách được ấn hành bởi Đại Chủng Viện Thánh Giuse - Sài Gòn. Sách có viết về cách giải thích nguồn gốc của từ "Đạo Thiên Chúa" (Thiên Chúa giáo), như sau: (Tập I, trang 175, 176)

"Trong Khâm Định* quyển 41 trang 24b nói về Y Ni Khu** vượt biển đến miền Nam Chân "âm hành truyền giáo vị chi Thiên Chúa đạo". Bản văn chánh thức của nhà nước cũng còn gọi đạo Gia Tô là đạo Thiên Chúa. Chữ Thiên Chúa*** xuất phát từ lúc nào? Được sử dụng vào lúc nào? Nam kỳ địa phận (NKĐP) có trích dịch bài của đức khâm sứ tòa thánh Yongpingfou giám mục F. Geurts viết trong Bulletin Catholique de Pékin (Juin 1928): "Dầu vậy cũng có tích này: thuở cha Ricci qua giảng đạo bên Trung Huê, tại Tchao - tsing lối năm 1583, người có treo trên bàn thờ trong nhà nguyện mình một bức ảnh, vẽ hình Đức Chúa Giêsu Kirixitô dưới có đề hai chữ Thiên Chúa; sử ký nói đó là mới thấy tiếng Thiên Chúa lần thứ nhất". Nếu quả thật cha Ricci đã thu đặng tiếng này, thì sự đó cũng đủ làm cho người nổi danh.

Từ ấy về sau bên Tàu mới gọi đạo thánh Chúa là Thiên Chúa giáo. Kể từ lúc cha Ricci cùng các bạn người bắt đầu dùng tiếng Thiên Chúa và cách nói Thiên Chúa giáo mà giảng đạo thì hai tiếng này hằng đặng trọng dụng luôn chẳng dứt, dầu lúc ấy đạo Thánh Chúa phải trải qua nhiều nỗi gian truân cùng vì việc lễ phép nước Ngô. (sự cúng tế ông Khổng phu tử và ông bà ông vải). Đến đời vua Wanli cai trị năm thứ 44 (1617) có quan Tá nhị Bộ lễ tại Nam Kinh làm sớ tâu vua mà nghịch Thiên Chúa giáo. Qua năm 1645 tại Phước Kiến, trước cửa nhà thờ đạo Thiên Chúa kia, thấy dựng một cột đá có thích mấy chữ: Sắc kiến Thiên Chúa đường, ấy tưởng là lần đầu hết mới thấy như vậy. Cách ít năm sau hoàng đế Kang - hi ra sắc cho phép rộng đạo trong sắc ấy người dùng tiếng Thiên Chúa giáo làm như tên riêng của đạo thánh, và từ năm 1703 chính hoàng đế ấy dạy khắc trên mặt tiền nhà thờ tại Bắc Kinh, mấy chữ quý hóa: "Sắc kiến Thiên Chúa giáo" nầy. Qua năm 1715 đức giáo hoàng Clémente XI nương theo thói các nhà truyền giáo cùng các bổn đạo quen dùng bấy lâu (longo et probate usu) trong sắc chữ đầu là "Ex illa die", đã nhất định trong chữ nho chỉ có tiếng Thiên Chúa là xứng hợp mà chỉ Thánh danh Đức Chúa Trời, Nhờ đó mà tiếng Thiên Chúa giáo cũng nên quý trọng" (NKĐP, 1934 trang 658)".



Ghi chú: (Theo "LỊCH SỬ GIÁO HỘI VIỆT NAM)

* Khâm Định Việt sử: Khâm Định là bộ chính sử ghi chép theo lệnh của nhà vua (ở đây là vua Tự Đức), do Quốc sử quán thực hiện, gồm 53 quyển, mỗi quyển có trên dưới 80 trang, cả bộ có hơn kém 4240 trang.

** Y Ni Khu: Cũng viết là I nê khu, I nê xu, I na xu... là phiên âm của chữ Ignatio, Ignace, Ignatius của Âu Châu. Có thể là một tên phổ thông chứ không phải là tên riêng, để gọi các tu sĩ dòng Tên (Jésuites).

*** Thiên Chúa: chữ Hán - Việt đọc là Thiên Chủ, dùng để dịch chữ Deus của Thánh kinh.

4 nhận xét :

  1. Chữ Hán có hai cách đọc cùng một chữ CHỦ. Khi với nghĩa là Chủ ( địa chủ, chủ bút, chủ nhân) đọc là Chủ; khi với nghĩa là Chúa, ( trong Chúa trời, Thiên Chúa giáo) đọc là Chúa. Đọc là Chủ cũng được mà là Chúa cũng đúng đối với trường hợp Chủ nhật hay Chúa nhật. Nhưng từ "Thiên chúa giáo" xuất hiện từ bao giờ để gọi đạo Thánh Chúa thì không mấy người biết. Cám ơn bác Hiệp đã cung cấp thông tin.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cách đọc từ CHỦ (CHÚA) đúng như bác Vũ Nho phân tích, còn về từ "Thiên Chúa giáo" có nhiều ý kiến khác nhau, đọc được tài liệu này ta có thể hiểu rõ hơn. Cám ơn bác Vũ Nho đã vào xem.

      Xóa
  2. nhờ bác mà cháu mới biết rõ hơn về tên gọi của Thiên Chúa giáo đó bác H ơi. Trước giờ chưa khi nào cháu lại thắc mắc việc này...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng chưa bao giờ thắc mắc như Bố susu, tuy có đọc được trên mạng một số ý kiến về từ Thiên Chúa giáo. Nay đọc được tài liệu này thấy hay.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))