Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Sưu tập.


Ảnh T.L. trên báo Tuổi Trẻ Online.

Mấy hôm nay rộ lên tin Ngân hàng nhà nước in tiền lưu niệm. Lưu niệm ở đây là chuyện Ngân hàng dự định in và phát hành tờ tiền mệnh giá 100 đồng (Một trăm đồng), như ảnh trên để kỷ niệm 65 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam. Mới đầu không rõ thực hư ra sao? Nhưng nay đọc trên Tuổi Trẻ Online thấy có cả hình ảnh tờ tiền lưu niệm này. Thông tin cho biết tờ tiền được bán với giá 20 ngàn đồng, tiền chỉ có giá trị lưu niệm, không có giá trị lưu hành. Đây cũng là lần thứ nhì Ngân hàng nhà nước in tiền lưu niệm, đợt trước in loại tiền có mệnh giá 50 đồng để kỷ niệm 50 năm thành lập Ngân hàng nhà nước Việt  Nam (1951-2001).

Lý do chính để phát hành tờ tiền lưu niệm dĩ nhiên là để kỷ niệm một cái mốc thành lập Ngân hàng nhà nước (65 năm), và theo như lời vị Phó Thống đốc ngân hàng nhà nước thì "đồng tiền vừa để lưu niệm vừa để quảng bá những hình ảnh đẹp của đất nước". Tôi thử tò mò đọc tiếp những comments của bài báo trên báo Tuổi trẻ Online (05-04-2016), thì đa số độc giả nói việc in tiền lưu niệm này là lãng phí (vì tiền không xài được). Trước kỷ niệm 50 năm thành lập Ngân hàng, in tiền lưu niệm 50 đồng (2 con số phù hợp) không có vấn đề gì (50 năm là một cái mốc đáng ghi nhớ), thì lần này cái mốc 65 năm có vẻ như không quan trọng. Còn chuyện "quảng bá hình ảnh đẹp của đất nước" thì nên để cho ngành Du lịch.

Nhưng cũng có người ủng hộ việc in tiền lưu niệm này, họ cho rằng đáp ứng được nguyện vọng của người thích sưu tập tiền, cũng như ta sưu tập tem vậy.

Người phản đối và ủng hộ đều có cái lý lẽ của họ.

Viết đến đây tôi chợt nhớ, trước năm 1975 ở Saigon cũng có một loại tiền đánh dấu một kỷ niệm, hồi đó nhân kỷ niệm ngày Lương thực thế giới của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), chính quyền Saigon lúc đó có phát hành loại tiền kỷ niệm. Cách phát hành loại tiền này rất hay, họ chọn đồng tiền đang lưu hành lúc bấy giờ là đồng tiền xu có mệnh giá 5 đồng hình hoa mai (khác hẳn các đồng tiền xu hình tròn thông thường) để làm ra tiền kỷ niệm. Đồng tiền kỷ niệm y hệt như đồng tiền mệnh giá 5 đồng hình hoa mai đang lưu hành, có giá trị lưu hành y như thế. Cái khác biệt là trên một mặt của đồng tiền xu này có in hàng chữ nhỏ ghi kỷ niệm, chiến dịch... Loại tiền này được sản xuất với số lượng thích hợp. Những người thích sưu tập có thể đến ngân hàng đổi tiền này, hoặc khi mua bán gặp có thể cất giữ một vài đồng làm kỷ niệm.

Tiền xu trước năm 1975 phát hành ở miền Nam có ý nghĩa kỷ niệm cho một chiến dịch. Ảnh Internet.

Trở lại chuyện phát hành tiền lưu niệm của Ngân hàng nhà nước hiện nay. Tôi suy nghĩ và có thiển ý, tại sao Ngân hàng nhà nước không làm theo như cách vừa kể trên? Ta có thể chọn một trong những loại tiền giấy có mệnh giá thấp, chẳng hạn loại 20 ngàn đồng, hoặc 50 ngàn đồng, là loại tiền được người dân lưu hành, sử dụng nhiều, thường dễ bị hư hỏng, bạc màu, thiếu hụt... để nhân dịp này phát hành một lượng tiền thích hợp bổ sung.

Lấy ví dụ thay vì phát hành loại tiền "giả" lưu niệm bên trên. Ngân hàng hoàn toàn có thể cho in bổ sung loại tiền mệnh giá 50 ngàn đồng y hệt như tiền đang lưu hành, có giá trị lưu hành, ở một mặt ghi thêm hàng chữ "Kỷ niệm 65 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam (ngày tháng đính kèm)". Ở vào đúng ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam, ngành ngân hàng có thể cho phát hành một tờ giấy bạc như thế gài vào một tờ bìa in đẹp có ghi ngày kỷ niệm và đóng dấu của ngân hàng lên tờ bìa này, tựa như bộ tem nhân ngày phát hành đầu tiên mà ngành Bưu điện dành bán cho người sưu tập. Tờ tiền được gài trên tấm bìa này có thể bán gấp đôi giá trị lưu hành của tờ tiền kỷ niệm. Chắc chắn sẽ có những người sưu tập tìm mua.

Tôi nghĩ như thế sẽ vẹn nhiều đường, vừa kỷ niệm được ngày của ngành ngân hàng, vừa có sản phẩm cho người sưu tập, vừa bổ sung được lượng tiền mệnh giá nhỏ bị thiếu hụt do hư hỏng khi lưu hành. Thêm một điều có lẽ khá quan trọng, khi in loại tiền "giả" mệnh giá ghi 100 đồng để làm lưu niệm, ngân hàng có bao giờ nghĩ, với loại tiền này khách du lịch quốc tế vào Việt Nam có thể bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo (như nhập nhèm với tiền thật mệnh giá 100 ngàn đồng), khi giao dịch, mua bán? Chắc họ khó lòng phân biệt.




9 nhận xét :

  1. Bác Hiệp ơi giờ em mới được biết Cụ ông mất. Cho em gửi lời chia buồn tới Bác và gia đình ạ. Cầu cho linh hồn Cụ thanh thản nơi chín suối!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Thu Thủy, cụ đã 91, như ngọc đèn cạn dầu.
      Hồi này Thủy ra sao? Tôi không có Facebook nên không biết bạn bè thế nào?
      Chúc vui khỏe :-)))

      Xóa
  2. Ý kiến của bác Hiệp rất đáng suy ngẫm. Tôi cho rằng những người thích "sưu tập" tiền chắc là không nhiều lắm. Tờ 100 đ, mệnh giá nhỏ, lại không tương ứng với 100 năm như tờ 50 đồng trước đây. In như thế vừa tốn kém, vừa không có giá trị thiết thực. Nhà nước in tiền mệnh giá thấp (100 đ), bán với giá 20.000 đồng (gấp 200 lần)cũng chẳng bù lại được tốn kém khi in, lại là một thứ tiền chơi, tiền giả. Nên chăng theo bác Hiệp gợi ý in tiền 5 ngàn hoặc 10 ngàn với dòng chữ kỉ niệm, vẫn tiêu dùng bình thường thì giá trị kỉ niệm và giá trị thiết thực đều đạt được. Tôi nghĩ, các ông Ngân hàng chẳng đọc, nên cũng khó mà theo đề xuất này. Mà nếu có đọc, có khi vì sĩ diện, cũng chẳng theo!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Vũ Nho, in tiền thất mệnh giá nhỏ bổ sung vì loại tiền này dùng nhiều dễ hư hỏng, kèm theo ghi ngày kỷ niệm là hợp lý nhất. Ta không phải là người sưu tập tiền nhưng khi mua bán gặp một tờ tiền này ta cũng có thể cất giữ để làm kỳ niệm.
      Tôi thấy việc làm này nếu có chút suy nghĩ trước cũng dễ mà, chỉ cần nêu mấy câu hỏi như mục đích in tiền? Khi in như thế có những điều lợi và hại gì? Phản ứng của dư luận xã hội sẽ ra sao?... Đại loại là như thế, trả lời thỏa đáng được những câu hỏi này là OK.

      Xóa
    2. Xin bổ sung:
      Ngay cả chơi tem sưu tập cũng là tem thật, chẳng ai lại đi in tem giả để dành cho giới sưu tập.

      Xóa
  3. Ngành ngân hàng nhiều khi in tiền chắc ko nghiên cứu kỹ hay sao đó? ví như mấy năm trước phát hành những đồng tiền xu mệnh giá rất thấp, thấp hơn cả giá trị chất liệu của đồng tiền xu đó. Cuối cùng rất bất tiện và dân ko tiêu dùng được. Thật lãng phí biết bao, bác Ngọc Hiệp nhỉ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhiều khi ở nước mình có cái gì đó không ổn, về quản lý, ngay cả quản lý chuyên ngành bác Quang Thứ ạ.
      Đất nước dù muốn dù không cũng đang đứng trước hội nhập, hội nhập với xu thế tiến bộ của thế giới. Thế mà nhiều ngành quản lý cứ như... trên trời.

      Xóa
  4. THế mà bác không góp ý sớm... Bây giờ thành dở dang. Huu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Các nhà khoa học, khoa bảng, đại biểu Quốc hội... góp ý mà còn chưa đi tới đâu nữa thì phận... sâu kiến nói ai nghe? Huu!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))