Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Đọc sách (2).

Hội sách Tp. HCM 2016. Ảnh Internet.

Ở bài viết "Đọc sách" trước, anh bạn trẻ Huy Trường vào "phe" (khoe) đi hội sách lần này đã làm rơi tiền (chắc phải kha khá) để khuân về khá nhiều sách, sơ bộ thôi đã thấy sách biên khảo về văn hóa, phong tục, địa lý, lịch sử... Đặc biệt là một bộ tới 30 quyển viết về khoa học thường thức của NXB Trẻ (viết dưới dạng vui, dễ đọc), và có một suy nghĩ, một tầm nhìn xa căn cơ rất hay, là để dành sau này dùng làm kiến thức "dạy con nhỏ" (hiện nay anh bạn trẻ này vẫn còn độc thân vui tính). Phải hoan hô tầm nhìn dành cho thế hệ tương lai của anh bạn trẻ.

Anh bạn trẻ cũng có mua quyển "Madam Nhu - Trần Lệ Xuân quyền lực Bà Rồng" nói về "Đệ nhất phu nhân một thời" (thời đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam). Tựa tiếng Anh "Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam's Madam Nhu", dịch giả Mai Sơn chuyển Việt ngữ. Đây là tác phẩm đầu tay của một nữ tác giả trẻ người Mỹ Monique Brinson Demery, một ngưới đã tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Đông Á học tại đại học Harvard, sách mới được xuất bản tại nước ngoài vào năm 2013. Ở Việt Nam, tuy chỉ mới phát hành bản in lần đầu vào tháng 2 năm 2016 nhưng đã bán hết ngay, sách tái bản lần này của NXB Hội nhà văn và Phương Nam Book. Có lẽ sách viết rất hấp dẫn đọc thấy phê nên anh bạn trẻ HT phê liền trong 3 đêm đã đọc hết (355 trang sách), và anh bạn trẻ này nói có mua dành cho tôi một quyển, hôm nào rảnh rủ cafe sẽ gởi.

Vậy là kỳ này số hên, không đi nghía sách được nhưng sẽ có sách đọc của bạn Marguerite và của anh bạn trẻ Huy Trường tặng. Cám ơn hai bạn, cái này là "Ở hiền gặp lành" đây, bạn bè quan tâm gởi cho sách thật là đúng điệu. Hì hì!

Bìa quyển "Madam Nhu-Trần Lệ Xuân quyền lực Bà Rồng". Ảnh Internet.

Nói đến quyển "Madam Nhu - Trần Lệ Xuân quyền lực Bà Rồng", tôi có tìm đọc một số thông tin trên mạng, thấy trên trang của VnExpress có viết về một số lỗi in trong sách ở lần xuất bản đầu (bài viết đề ngày thứ Tư 9-3-2016). Những sai sót như sau:

- Bản dịch ghi ông Ngô Đình Cẩn là "người anh chồng của bà Nhu" (trang 19). Thực tế thì Ngô Đình Cẩn là em chồng chứ không phải anh chồng.

- Trang 55 nói về cách giáo dục của ông Ngô Đình Khả (thân phụ của các ông Diệm, Nhu...), sách ghi: "Ở trường, ông yêu cầu họ theo học chương trình Âu Châu. Ở nhà, ông dạy họ học tiếng phổ thông kinh điển". Cụm từ "tiếng phổ thông kinh điển" là gì? Những chữ rất tối nghĩa, hoặc có thể nói vô nghĩa. Tiếng Anh của cụm từ này là "Mandarin classic", "Mandarin" có nghĩa là tiếng phổ thông tiêu chuẩn (tiếng Quan Thoại) của Trung Quốc (chữ Hán). Gia đình của ông Diệm tuy theo đạo Công giáo, nhưng là một gia đình có nề nếp Nho gia. Trong câu này ta có thể dịch "Ở nhà ông dạy họ học chữ Nho".

- Sách viết sau cuộc đảo chính năm 1963 lật đổ chính quyền của TT Ngô Đình Diệm, thì "Tướng Minh Lớn trở thành Tổng thống" (trang 296). Lúc ấy chức danh của tướng Minh là "Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mang" chứ không phải Tổng thống. Đến cuối tháng 4 năm 1975 tướng Minh mới trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, sau cuộc bàn giao từ TT Trần Văn Hương.

- Chú thích nơi trang 337, tướng Trần Văn Đôn được ghi là "Đại tướng". Cấp bậc cao nhất của ông Trần Văn Đôn là "Trung tướng" chứ không phải Đại tướng.

Ngoài những lỗi cơ bản đó, bản in lần đầu còn những lỗi nhỏ khác về đánh máy, dịch sai các chữ liên quan đến các chức danh hành chính, danh từ... Những lỗi này đều do bạn đọc phát hiện phản ánh (tuy không phải là to tát, nhưng bất cứ một người bình thường nào cũng có thể phát hiện ngay). Ở lần tái bản vừa rồi thấy thông báo những lỗi này đã được sửa chữa, hiệu đính. Viết đến đây tôi thử xem một quyển sách đến tay bạn đọc sẽ qua bao nhiêu khâu kỹ thuật. Cao nhất là người "Chịu trách nhiệm xuất bản", xuống thấp hơn là "Chịu trách nhiệm nội dung", rồi đến "Biên tập", "Sửa bản in", "Kỹ thuật vi tính". Chưa kể tác giả cuốn sách, tôi thấy trong những khâu trên có 3 khâu có vẻ có liên quan trực tiếp tới những sai sót kể trên, đó là "Chịu trách nhiệm nội dung", "Biên tập", "Sửa bản in". Nhưng vẫn còn những hạt sạn (không đáng có).

Ở bài viết trước "Nhân Hội sách nói về sách", tôi có nêu ngày trước ở miền Nam có những nhà xuất bản uy tín, sách của họ in ra gần như không hề có những lỗi như thế, bởi nhà xuất bản nhờ được một học giả giỏi trông coi về sửa chữa, hiệu đính bản morasse (bản trước khi in chính thức), gọi là "Thày cò" (Correcteur). Nhiều quyển sách của những nhà xuất bản có uy tín ở miền Nam trước năm 1975 tôi có, tôi chẳng hề thấy cuối sách ghi ai chịu trách nhiệm gì cả, ngay tên "Thày cò" cũng không có, thế mà sách rất ít có sai sót.

Không rõ sách bây giờ được viết, in ra sao, mà thấy có nhiều khâu kỹ thuật nhưng vẫn bỏ sót những lỗi rất cơ bản như vừa kể bên trên.

Một điều khác nữa trong việc đọc sách tôi nhận thấy là ta nên đa dạng sách đọc, nghĩa là nên đọc nhiều thể loại sách, và nên đọc kỹ chứ không nên đọc qua quýt lấy có. Điều này thì ông bạn Vũ Nho, một người bạn qua lại lâu nay có nhắc đến trong comments ở bài viết trước. Đọc nhiều thể loại cho ta cái nhìn rộng, đọc kỹ cho ta cái nhìn sâu, và đọc nhiều, đọc kỹ ta mới có thể "tiêu hóa" được những kiến thức trong sách đã đọc, biến kiến thức sách vở thành tri thức của bản thân. Những kiến thức về khoa học, văn học (cổ điển, hiện đại), về lịch sử, địa lý, về văn hóa, phong tục... luôn giúp ích cho ta trong cuộc sống, nó làm cho cuộc sống, những suy nghĩ của con người trở nên đa dạng, phong phú. Trước đây khi đọc sách (ở nhà), tôi thường có một quyển sổ tay, ghi chép lại những đoạn trong sách thấy hay, sau lười nhưng vẫn luôn có cây viết dạ quang màu để đánh dấu, nên có thêm cây thước kẻ nhựa mỏng để kẻ đoạn đánh dấu ngay ngắn, không nên kẻ nguệch ngoạc làm xấu, mất giá trị trang sách. Đánh dấu như thế khi cần tìm lại đoạn văn ấy sẽ dễ hơn.

Một khi đã đọc sách quen, dần dần ta sẽ hình thành một thói quen quan sát, lý luận, phán đoán. Sự kiện như thế nhưng người viết dựa trên những tư liệu, nguồn gốc nào? Có đáng tin cậy hay không? Tư liệu đáng tin cậy rất quan trọng trong việc đánh giá, kết luận một sự kiện. Nếu nguồn gốc, tư liệu mơ hồ sẽ dẫn đến việc đánh giá, kết luận mơ hồ... Chữ trong sách của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, hoặc của sách viết cách nay cả trăm năm chẳng hạn, nếu lấy ý nghĩa trong từ điển hiện đại ngày nay để đối chiếu rồi nói ngày xưa dùng sai, viết sai, có chắc đúng không? Vì ý nghĩa của nhiều từ ngữ đã biến đổi qua thời gian, ngày xưa cũng chữ ấy nhưng được dùng với nghĩa khác. Bởi thế những từ điển xưa, sách vở cũ vẫn luôn còn hữu dụng, đừng nghĩ đã lỗi thời, quan trọng là phải biết tùy theo trường hợp mà sử dụng...

Nói tóm lại, đọc sách là một thói quen tốt, đọc nhiều, chưa chắc người ta sẽ trở thành học giả, nhà thông thái, hay nhà nghiên cứu, người viết văn hay... nhưng đọc, biết suy nghĩ, tìm tòi, chắt lọc, đối chiếu, cộng thêm với kinh nghiệm sống, ta có thể rút ra được những cái hay của sách. nó sẽ cho con người những tri thức, tự tin, bớt đi những thành kiến, định kiến, từ đó sẽ hình thành nên một tính cách, và cao hơn, là một nhân cách.




8 nhận xét :

  1. Thật tuyệt ! Ngày nào cũng sang thăm anh thì chắc chắn em sẽ được học hỏi rất nhiều kiến thức mà không cần đọc sách nữa đó vì bên đây đâu có sách tiếng Việt đâu nè . Em cảm ơn anh nhiều nhé .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, cám ơn NangTuyet, sao NangTuyet không vào những trang báo mạng như Tuổi Trẻ, Thanh Niên... coi tin tức ở VN?

      Xóa
  2. Bác Hiệp thật công phu khi kể những lỗi của cuốn sách về một nhân vật nổi tiếng ở miền Nam. Tôi cũng được một người bạn tặng cuốn : "Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân", tiểu thuyết của Hoàng Trọng Miên, nhà xuất bản Đà Nẵng, 2007. Tuy vậy không có thì giờ nên sách vẫn ở trên giá. Vả lại, khi tác giả "tiểu thuyết hóa" cuộc đời một người có thực thì cũng khó mà biết được đâu là thực, đâu là hư cấu. Cuốn sách của nữ tác giả người Mĩ không rõ là tiểu thuyết hay ghi chép theo lời kể, hoặc hồi kí. Nhưng nếu đọc so sánh với tiểu thuyết của Hoàng Trọng Miên chắc cũng có nhiều điểm thú vị.
    Về chuyện có tên người chịu trách nhiệm nội dung, người biên tập, người làm vi tính nhưng nhiều lỗi vì...nhiều nguyên nhân. Quan trọng nhất là nhà xuất bản bây giờ một năm in quá nhiều đầu sách. Biên tập đọc cũng không xuể. Họ chỉ thấy không phạm "húy" là ok! Có người sửa bản in, nhưng nhiều lỗi quá, sửa không xuể. Tuy vậy, sách thì đến hạn cứ phải cho in. Bởi thế vi tính để sót lỗi, cứ kệ biên tập. Biên tập cũng không đủ sức...thôi thì cứ đệ lên trên. Trên thì càng không đủ sức, buộc phải tin vào cấp dưới nên chỉ kí thôi. Vậy nên ở ta mới có chuyện hài hước là "lỗi ở người đánh máy"...Có nhiều người chịu trách nhiệm nhưng cứ có lỗi là vì vậy...Dù sao, có lỗi, khi phát hiện, có một "Đính chính" kèm theo sách cũng còn tạm được. Có nhiều sách , lỗi mà chẳng cáo lỗi, đính chính mới thật là phiền cho người đọc. Tam sao thất bản là thế. Cái sai được nối dài...Đó là điều đáng buồn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu cuốn "Đệ nhất phu nhân" của Hoàng Trọng Miên là tiểu thuyết thì chắc có hư cấu, nếu hư cấu trong mức độ tôn trọng lịch sử thì có thể OK. Riêng cuốn sách kể trên, tôi nghĩ đây là sách viết về cuộc đời của một nhân vật lịch sử (tuy chắc có những tình tiết về cuộc đời của nhân vật chính viết dưới dạng hồi ký, vì được chính nhân vật kể lại).

      Chuyện những sai sót bây giờ trong sách bác Vũ Nho chắc hiều biết rõ hơn tôi, có điều nếu phát hiện ra sai mà những lần in sau có sửa chữa, hiệu đính thì tốt lắm rồi, đừng "lơ" luôn là được.

      Xóa
  3. Đọc sách "sẽ cho con người những tri thức, tự tin, bớt đi những thành kiến, định kiến, từ đó sẽ hình thành nên một tính cách, và cao hơn, là một nhân cách."
    Câu kết thật đắt giá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn cụ Nô quá khen, ấy là tôi thấy trong cuộc sống qua bạn bè, người quen biết đều thế cả.

      Xóa
  4. Quý vật tặng quí nhân, các bạn đi nhà sách thì hẳn sẽ nhớ đến bác Hiệp thôi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn bè cũng ham đọc sách là mừng. Lâu lâu lại tặng cho một quyển, mà biết luôn gu đọc của mình nên luôn tặng sách mình ưng ý.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))