Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Chuyện Ngoại giao.


Thượng Nghị sỹ John McCain bên tấm bia nơi hồ Trúc Bạch, nơi ông đã nhảy dù xuống vào năm 1967, lúc còn là phi công (Thiếu tá Hải quân), khi chiếc A 4E Skyhawk do ông lái bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội). Ảnh Internet

Ngoại giao (外交) được định nghĩa trong từ điển* như sau: 1. Giao thiệp với nước ngoài và giải quyết các vấn đề quốc tế. 2. Giao thiệp với bên ngoài, người ngoài.

Xem ra như thế thì ngoại giao là một hành động có từ thời... khai thiên lập địa, từ lúc có loài người. Dĩ nhiên ngoại giao thời hồng hoang có khác ngoại giao thời hiện đại, càng văn minh tiến bộ, thì việc ngoại giao của con người càng mang ý nghĩa quan trọng, ngoại giao không chỉ là thăm viếng xã giao mà còn là những bàn bạc, thỏa thuận quyết định cả tương lai của một đất nước, một dân tộc. Ngày xưa Khổng Tử, Tô Tần, Trương Nghi... từng là những thuyết khách nổi tiếng, họ đã du thuyết khắp các nước thời bấy giờ để bàn về những chuyện đại sự. Đó là những nhà ngoại giao. Thời nay thì có TS. Henry Kissinger, bà Hillary Clinton... từng là những Bộ trưởng Ngoại giao nổi tiếng của Hoa Kỳ... Ta đã thấy trong những ngày qua việc ngoại giao trên thế giới được thực hiện rất tích cực, để giảm nhiệt ở những điểm nóng, để tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh, để tăng cường hiểu biết và hợp tác, để giảm nhẹ thiên tai, nhân tai...

Một trong những hành động ngoại giao mà nhiều người Việt quan tâm, là việc đến thăm và làm việc của một phái đoàn Việt Nam tại Hoa Kỳ (từ ngày 21 đến 28-7-2014), và phái đoàn Quốc hội (Thượng viện) Hoa Kỳ (từ ngày 7 đến 10-8-2014) tại Việt Nam mới đây, như chúng ta đã biết qua những phương tiện thông tin đại chúng. Chuyện thăm viếng, làm việc (ngoại giao) giữa hai quốc gia là một việc bình thường, ngoài nội dung làm việc chính đã được thông tin nhiều trên truyền thông, còn có một hai chuyện nho nhỏ bên lề cũng có nhiều người nhắc tới, chẳng hạn như chuyện tấm hình "món quà ngoại giao" mà phái đoàn Việt Nam tặng cho ông John McCain** khi đến Hoa Kỳ vừa qua. Tấm ảnh chụp một tấm bia và bức tượng đài bên bờ hồ Trúc Bạch tại Hà Nội, nơi ông Thượng Nghị sỹ Hoa Kỳ John McCain, khi còn là Thiếu tá phi công phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ đã bị bắn rơi, bị thương và nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch vào năm 1967.


Tấm bia và tượng đài bên bờ hồ Trúc Bạch ghi sai tên, sai binh chủng của ông John McCain, và hình ảnh một người đang quỳ gối giơ hai tay đầu hàng. Ảnh Internet.

Vào khoảng năm mươi năm trước ông John McCain là một Thiếu tá phi công trong lực lượng Hải quân Hoa Kỳ, thời điểm ấy ông lái máy bay ném bom oanh tạc miền Bắc, và vào ngày 26-10-1967 máy bay của ông bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội, may mắn là ông kịp nhảy dù và rơi xuống hồ Trúc Bạch, bị thương nặng và bị bắt. Những hình ảnh phi công Mỹ bị bắn rơi và bị bắt trước đây không phải là hiếm, nổi tiếng có những bức ảnh O du kích nhỏ*** với câu thơ "O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu", chụp cảnh người lính Mỹ cao lớn bị cô gái du kích Việt Nam bắt khi máy bay bị bắn hạ. Khi hòa bình lập lại người lính Mỹ này đã có dịp quay trở lại Việt Nam, tìm lại được O du kích nhỏ và chụp chung với O một tấm hình, một tấm hình rất có ý nghĩa giữa 2 người đã từng có lúc đối nghịch. Hoặc một hình ảnh khác là Từ Thần sấm xuống xe trâu**** chụp cảnh viên phi công Mỹ bị bắt và được giải đi trên một chiếc xe do trâu kéo...

Chiến tranh và Hòa bình. Ảnh Internet.

"Từ Thần sấm xuống xe trâu". Ảnh Internet.

Những bức ảnh chiến tranh của một thời giờ đây chỉ còn là lịch sử, đối với người trong cuộc là những kỷ niệm, có lẽ là kỷ niệm vui với "Bên thắng cuộc", và là kỷ niệm buồn với "Bên thua cuộc". Quay trở lại "món quà ngoại giao" là tấm ảnh chụp tấm bia và bức tượng bên bờ hồ Trúc Bạch, mà người đứng đầu đoàn Việt Nam đã trao cho ông John McCain vừa qua, nhiều trang mạng đã bình luận, lẽ ra không nên khơi lại những hình ảnh đối đầu của chiến tranh một khi hòa bình đã lập lại, nhất là những hình ảnh đau buồn đối với bên bị coi là thua trận, một món quà không được tế nhị, trong ngoại giao dù với bất cứ lý do gì, không ai lại đi tặng một món quà như thế.

Có một điều khác nữa, trong tấm bia có ghi tên ông John McCain bên cạnh là tượng người quỳ gối giơ tay đầu hàng lại ghi sai tên ông ấy. Tên đầy đủ của ông ấy là John Sidney MacCain, tấm bia ghi "nửa nạc nửa mỡ" JOHN SNEY MA CA, cách viết tên chẳng ra phiên âm theo kiểu hay thấy trong sách vở (như Phơ Răng Xơ - France, hay Pát Xì Tơ - Pasteur), mà viết theo tiếng Anh, tiếng Mỹ cũng không phải. Một tấm bia giữa thủ đô, ghi nhận một sự kiện lịch sử được viết rất cẩu thả, không rõ tấm bia có từ bao giờ mà không thấy ai để mắt sửa lại cho đúng. Điều nữa là ông John McCain khi ấy tuy là Thiếu tá lái máy bay nhưng ông thuộc binh chủng Hải quân chứ không phải không quân Hoa Kỳ, những thông tin như thế này bây giờ đầy trên mạng. Và cuối cùng là câu "Bắt sống tên John Sney Ma Ca", tên này tên kia hay thằng này thằng nọ, là cách nói miệt thị đối phương của thời chiến tranh ở miền Bắc trước đây. Trong xã hội văn minh, cho dù có lúc đối đầu người ta cũng không gọi nhau bằng thằng này tên nọ. Thời nào cách gọi ấy cũng không thích hợp.

Đôi khi tôi tự hỏi, thay vì tặng tấm hình như thế, nếu phái đoàn Việt Nam đến thăm Bức Tường Chiến Tranh tại thủ đô Washington DC Hoa Kỳ, nơi có ghi tên hơn 58 ngàn binh sỹ Mỹ đã tử trận tại Việt Nam và đặt tại nơi ấy một vòng hoa, thì có lẽ sẽ "ghi được điểm 10" dưới mắt người Mỹ, và có thể hiệu quả của chuyến ngoại giao ấy sẽ cao hơn nhiều. Chúng ta đã thấy tầm quan trọng trong chuyến công du ngoại giao tiếp theo của phái đoàn Thượng viện Hoa Kỳ đến Việt Nam từ ngày 7 đến 10-8-2014, khi gặp gỡ với phái đoàn Thượng viện Mỹ, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. (Tuổi Trẻ Thứ Bảy 9-8-2014).

Bức Tường Chiến Tranh tại thủ đô Washington DC Hoa Kỳ bằng đá hoa cương đen, nơi khắc tên hơn 58 ngàn lính Mỹ tử trận tại Việt Nam. Ảnh Internet.

Không rõ có tấm ảnh nào chụp ông John McCain quỳ gối giơ tay khi bị bắt như bức tượng bên bờ hồ Trúc Bạch hay không? (như mấy tấm ảnh chụp những lính Mỹ bị bắt khác bên trên, tôi thử tìm trên mạng không thấy). Nhưng có một tấm ảnh khá hay chụp lúc ông ấy nhảy dù xuống hồ và có nhiều người bơi ra giải cứu và bắt ông ấy.

Ảnh Thiếu tá Hải quân John McCain bị bắn rơi và nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch năm 1967. Ảnh Internet.

Còn về chuyến viếng thăm ngoại giao của phái đoàn Thượng viện Mỹ do ông John McCain dẫn đầu tại Việt Nam vừa qua, không rõ ông ấy có tặng lại Việt Nam món quà ngoại giao gì không? Nhưng báo chí có nhắc đến chuyện ông ấy ghé thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội, nếm thử quả nhãn trồng tại đấy và mua những món quà lưu niệm. Chuyến ghé thăm Việt Nam trước đây, vào ngày 7-4-2009 ông John McCain đã ghé thăm di tích nhà tù Hỏa Lò Hà Nội nơi ông bị giam giữ khi xưa, và ghé thăm cả bức tượng đài và tấm bia ghi sai tên ông bên bờ hồ Trúc Bạch.



Ghi chú:

* Từ điển Từ Hán - Việt, Lại Cao Nguyên chủ biên, NXB Khoa Học Xã Hội - 2007.

** John Sidney McCain III (sinh ngày 29-8-1936) là Thượng Nghị sỹ thâm niên của Hoa Kỳ, người tiểu bang Arizona, là người được Đảng Cộng Hòa đề cử ra tranh chức Tổng thống Hoa Kỳ vào năm 2008. Ông là một trong hai nhân vật năng nổ trong việc vận động chính phủ Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam (người thứ hai là ông John Kerry). Ngày 26-10-1967 trong một phi vụ tại miền Bắc Việt Nam, chiếc phi cơ A 4E Skyhawk cất cánh từ hàng không mẫu hạm Oriskany do ông lái đã bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, ông bị thương nặng nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch và bị bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò Hà Nội (nhà tù có từ thời Pháp thuộc được người Pháp gọi là Maison Centrale, tiếng Việt gọi là Ngục Thất Hà Nội, nơi đã từng giam giữ nhiều nhà cách mạng của Việt Nam. Đến thời chiến tranh với Mỹ nơi đây là nơi giam giữ những phi công Mỹ bị bắn hạ. Tù binh Mỹ thời ấy gọi đùa là Hanoi Hilton). Ông bị giam đến ngày 14-3-1973. Được thả sau khi Hiệp định Paris được ký kết.

*** Tấm ảnh đen trắng O du kích nhỏ là của nghệ sỹ nhiếp ảnh Phan Thoan, chụp cảnh một người lính không quân Mỹ bị bắt sau khi rơi máy bay. Trang mạng Wikipedia cho biết "Theo tài liệu của quân đội Hoa Kỳ, người bị bắt là William Andrew Robinson, là một nhân viên phi hành trên một máy bay trực thăng HH-43 Huskie đang giải cứu phi công của một chiếc  F-105 Thunderchief (Thần sấm). Chiếc trực thăng giải cứu cũng đã bị bắn hạ, Robinson đã bị bắt cùng toán phi hành của chiếc trực thăng vào ngày 20-9-1965. Robinson là  tù binh Mỹ bị giam giữ lâu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, ông bị giam giữ tổng cộng 2.703 ngày, mãi đến ngày 12-2-1973 mới được thả". O du kích nhỏ là nữ dân quân Nguyễn Thị Kim Lai.

**** Bức ảnh "Từ Thần sấm xuống xe trâu" của tác giả Văn Bảo, chụp viên Đại úy phi công F-105 Hoa Kỳ tên là Selleck bị bắn hạ tại Bắc Giang vào ngày 7-8-1966, Selleck được giải đi trên một chiếc xe thô sơ do trâu kéo.





10 nhận xét :

  1. Một hành động ko ngoại giao chút nào! Cho thấy trình độ thấp kém và cả sự nhỏ nhen của quan chức Bộ Ngoại giao. Giáo muốn làm... Bộ trưởng Ngoại giao VN ghê nơi! hehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật ra thì phái đoàn VN đi Mỹ làm việc từ ngày 21 đến 28-7-2014 là do ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và Đại biểu Quốc hội làm trưởng đoàn, thay vì phái của Bộ Ngoại giao như theo lời mời của Bộ NG Hoa Kỳ, và món quà ấy được ông trưởng đoàn VN trao cho phía Mỹ là ông John McCain.

      Bộ trưởng có lẽ cũng là công chức nhà nước phải không Giáo? Thế thì có khi Giáo nộp đơn thi tuyển được đấy. Còn nếu nhà nước chưa có nhu cầu tuyển thì hôm nọ thấy có chức vụ Tổng Biên Tập báo Đại Đoàn Kết thông báo tuyển người, Giáo nộp đơn xin làm đỡ... Hihi!

      Xóa
  2. Một kiểu ngoại giao ngu hết chỗ nói. botay.com!!!!

    Trả lờiXóa
  3. miệng cứ kêu Mỹ giúp đỡ nhưng tay lại cầm dao khứa vào vết thương của người ta. Người ta cười vào mặt cho cách ngoại giao ngu dốt này.
    Cháu cũng potay.vn.net.com luôn ạh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quên đi quá khứ chiến tranh để cùng hướng về tương lai, sao khó thế nhỉ? :-(((

      Xóa
  4. Cái đầu đã không có mà hình như cũng không có trái tim , huhu ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy ra là những rô bốt được lập trình?... hù hù!

      Xóa
  5. Những gì đã qua đều Chiến tranh đã qua chỉ còn lại những ký ức của những người đã tham gia cuộc chiến tranh đó ... nhất là tấm ảnh người lính Mỹ và cô du kích trong chiến tranh và hiện giờ ...rất hay !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì ra là con người có lương tâm không thể thù hận nhau mãi, hihi! Ngày xưa là cô du kích và anh chàng lính Mỹ đối nghịch, ngày nay là 2 người thân thiện :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))