Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Lai rai...


                                                                  Ảnh internet.

Lai rai, sách vở giải nghĩa đại khái là không tập trung, kéo dài thời gian, vừa vừa, chừng chừng... Chẳng hạn làm việc lai rai, mưa lai rai, ăn uống lai rai... Ở trong miền Nam thì xưa chữ lai rai hay lai rai ba sợi, lai rai ba xị, cũng là để chỉ cho cái sự nhậu nhẹt của mấy ông nhậu, nhất là mấy ông chuyên nghiệp trong việc lấy cái chai làm bạn. Xưa còn nhỏ trong xóm tôi ở, một xóm nhỏ thuộc khu vực Chợ Lớn, xóm lao động, gồm một số gia đình người miền Bắc di cư năm năm tư như gia đình bố mẹ tôi, người miền Nam thổ địa, và người Việt gốc Hoa, đa số là người Hoa gốc Quảng Đông, ở gần đó có cái nghĩa địa của người Hoa rất lớn, gọi là "Nhị tì Quảng Đông", người ta gọi cái sự tử là hui nhị tì. Xưa khu nhị tì này là của người chết, bây giờ khu vực này đã trở thành khu dân cư sầm uất của người sống.

Tôi hay nghe mấy ông bợm thổ địa đáng tuổi bậc cha chú, hay còn gọi là đệ tử lưu linh xóm tôi ở xưa thỉnh thoảng kêu réo rủ rê nhau "ê, lai rai" hay "rảnh (hay quởn nhưng phát âm là guởn) không? lai rai ba sợi bây". Dân sang có xìn (tiền, gọi theo âm Quảng Đông, mậu dậu xìn là không có tiền) nhậu rượu Tây nhà hàng không bao giờ dùng từ lai rai để chỉ cái sự rượu chè, chỉ có dân nhậu bình dân mới gọi thế, đế Gò Đen cả lít hay thậm chí cả can (cái can bằng nhựa này khoảng 4 lít, xêm xêm 1 gallon của Mỹ), cứ cái ly xây chừng mà lai rai xoay tua. Còn tại sao lại có thêm từ ba sợi, ba xị trong đó, ba sợi theo tôi hiểu đó là con khô mực nướng xé nhỏ thành sợi làm mồi nhậu. Còn ba xị, xị là cái chai nước ngọt xá xị 0,25l (4 xị là 1 lít), rượu đế bán ở quán thường được đong vào cái chai xị đó. Dân nhậu bình dân xưa, và ngay cả thời nay, mà thỉnh thoảng ta thấy dăm ba ông chiều chiều ngồi cởi trần phơi bụng phơi lưng nhậu bên bờ kè kênh Nhiêu Lộc, xưa khô mực nướng hay bán ở mấy cái xe ba bánh đẩy, hoặc ở cái quán cóc đầu hẻm, treo lung lẳng, giá cả bình dân, và quan trọng là đưa cay bá cháy, để phục vụ cho mấy ông bợm chuyên nghiệp. Bây giờ thỉnh thoảng báo chí đưa tin, mấy tay bợm ngồi bờ kè nhậu, xỉn rồi thách nhau lội qua kênh, có ông chưa xỉn lắm ráng lội được tới bờ, còn ông quắc cần câu thì giữa dòng hết biết, thế là đi đời nhà ma, hui nhị tì, đã mấy vụ chưa thấy tởn...

Tôi hồi nào tới giờ, nghĩa là từ nhỏ tới già không uống được rượu, tất cả mọi loại có cồn, cho dù độ rượu nhẹ hều như bia bọt, bia mà chỉ nửa chai, xưa là chai hiệu Con cọp của chủ Tây là hãng BGI sản xuất ở Chợ Lớn gọi là Biere Larue, hay bia chai 33 (hai số 3, bây giờ có bia 333, ba số 3, có lẽ nhái bia xưa), cũng của BGI. Nửa chai thôi là mặt mũi đã đỏ bừng như mặt trời mọc phương đông, còn nhớ một lần xưa ở Kontum, trong một làng Thượng, ngày lễ đâm trâu của họ, họ mời uống rượu cần, không từ chối được ráng làm vài tua là hết biết, đến nỗi ngày hôm sau phải đưa vào quân y viện, hì hì, nhớ đời, cái rượu cần uống ngọt ngọt vậy mà khi say thì thật đáng sợ, họ ủ rượu bằng gạo, có khi khoai mì bằng loại men gì đó của họ, say là ngất ngư con tàu đi, vậy mà ngay cả đàn bà con gái làng Thượng cứ nốc tì tì như uống nước lã vậy... Rồi trong lính tráng cũ, khi xa nhà nơi rừng rú, hay đồn biên giới heo hút, buồn quá nhưng không kiếm ra được rượu, ngay đến xị rượu đế hạng bét, tôi đã thấy mấy tên lính liều mạng lấy cả cồn sát trùng vết thương, pha thêm nước lã cho loãng mà nốc, đưa cay bằng thịt ba lát hộp Mỹ, và kim chi hộp Đại Hàn, thật hãi...

Không lai rai ba sợi hay ba xị được, cũng chẳng bia bọt gì, cho nên tôi đành lai rai... cà phê và lai rai... đọc sách. Xưa thời trẻ bước xuống cuộc đời, từ gia đình, từ trường học, bị thảy ngay vào cái môi trường chiến tranh quá khắc nghiệt, lại xa nhà. Cái cuộc sống lênh đênh đó có quá nhiều cái dở, chiến tranh có gì mà hay, tuy không trực tiếp tác chiến nhưng lại luôn phải đi theo tác chiến, cũng may là không đến nỗi phải ở tuyến đầu, nhưng đã ra vùng chiến tuyến, cho dù ở tại Chi khu, hay Tiểu khu (Quận, Tỉnh), hay ở Bộ chỉ huy tiền phương cũng luôn nguy hiểm, nhất là những năm đó tôi ở khu vực miền Trung bao gồm cao nguyên và vùng duyên hải, mà ngày trước gọi là vùng 2 chiến thuật. Những địa danh miền núi như Pleiku, Kontum, Cheo Reo (Phú Bổn), Buôn Mê Thuột (Dak Lak), Quảng Đức (Dak Nông)... Mền duyên hải thì từ Phan Thiết đến Nha Trang (Khánh Hòa), Tuy Hòa (Phú Yên), Quy Nhơn (Bình Định)... Tôi đã đều đi qua trong những năm tháng khói lửa ấy, có những nơi chỉ có thể đến được bằng máy bay trực thăng, vì đường bộ hoàn toàn bị chiến cuộc cắt đứt.

Trong ba lô của tôi ngoài vài bộ đồ trận, mấy thứ lặt vặt, thể nào cũng phải có mấy lạng, nửa ký cà phê pha phin cùng cái phin cà phê bằng nhôm, hồi đó cũng đã có cà phê bột uống liền trong khẩu phần ăn cá nhân của quân đội Mỹ, loại này bọn quen uống cà phê phin chẳng bao giờ đụng tới, vì nó nhạt thếch như nước ốc ao bèo. Trong ba lô cũng thêm vài quyển sách, thường là truyện dịch, thời đó tôi hay đọc Albert Camus, André Gide, Saint Exupery, Victor Hugo, Alphonse Daudet, Remarque, Léon Tolstoi, Dostoievski... Thêm những quyển sách như Sử ký Tư Mã Thiên, Chiến Quốc Sách... Sách viết về Phật giáo... sách này thường phải đọc lai rai, nghiền ngẫm, vì không thể đọc một lèo như tiểu thuyết được. Sách Việt Nam thời đó tôi hay đọc tạp chí Văn của ông Trần Phong Giao, với những nhà văn trẻ lúc ấy như Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Ngụy Ngữ, Mường Mán, Cung Tích Biền, Vũ Khắc Khoan, Nhật Tiến, Du Tử Lê..., nhà văn nữ có Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng, Nhã Ca, Trần Thị Ng. H...., và còn nhiều người nữa... Cao nguyên là xứ sở của cà phê, khí hậu lại mát mẻ, cho nên ngày ấy cà phê uống rất ngon, cho dù mình mua về tự pha hay vào quán.

Cái thời tôi ở trong quân đội trước năm 75 coi thế mà cũng có nhiều cái hay, khi trong rừng hay ở những nơi hẻo lánh thì mình tự pha cà phê phin mà uống, ngày hai ba cữ, rảnh lấy sách ra đọc, còn khi về phố thì thoải mái hơn. Về phố, là những thị xã (hồi đó gọi là thị xã không như bây giờ, đâu cũng là thành phố, nói dân thành phố người ta hiểu ngay là dân Saigon), Pleiku, Kontum, Nha Trang, Quy Nhơn..., về phố chẳng phải làm gì, thường là được nghỉ ít ngày để chờ chuyến công tác mới, ngày ngày ăn rồi cà nhỏng ngoài phố, la cà quán xá, cà phê, tiệm sách. Tôi cũng hay có thói quen vào một quán cà phê vắng vắng, kiếm một góc kêu một phin cà phê đen, rồi giở quyển sách mang theo đọc, có khi cả nửa ngày chỉ có một phin cà phê, nhưng chủ quán cũng chẳng hề phàn nàn gì... Có một lần ở Tuy Hòa, buổi sáng tôi vào một ngôi chùa gần núi Nhạn, kiếm một góc ngồi giở sách ra đọc, tự nhiên thấy ngoài cổng năm bảy xe quân cảnh, cảnh sát đổ xuống, họ ào vào trong chùa. Chưa hiểu chuyện gì thì có anh quân cảnh đến chào tôi và mời tôi đi chỗ khác vì sáng nay có quan chức chính phủ ghé thăm ngôi chùa.

Sau năm 75 trở về lại với đời sống dân sự, sách mua trước năm 75 thì mất gần hết, chỉ còn giữ lại được vài quyển từ điển, rồi đi làm việc nhà nước, tôi vẫn tiếp tục lai rai cà phê và đọc sách. Tôi vẫn còn nguyên một tủ sách mua từ thời ấy, cũng khá khá, giấy má đen xì có khi lẫn cả rơm rác, sách thời bao cấp ấy giá khá rẻ, quyển từ điển truyện Kiều của Đào Duy Anh bản in đầu tiên năm 1974, tôi mua năm 1976 ở Saigon giá ghi 2 đồng, quyển từ điển Nga Việt in năm 1977 tôi cũng mua năm ấy giá 4 đồng, quyển từ điển Tiếng Việt (Văn Tân chủ biên) in năm 1967, không thấy đề giá bìa tôi mua năm 1976... Quyển từ điển tiếng Việt dùng cho học sinh cấp 2 in năm 1972, giá bìa 2 đồng, quyển sách Bảng Tra chữ Nôm (dạng tự vị) in năm 1976 giá bìa ghi miền Bắc 2,50 đồng, miền Nam 2 đồng, Từ điển Triết học sách đẹp, bìa cứng in tại Liên Xô năm 1986 của nhà xuất bản Tiến Bộ và Sự Thật không đề giá bán ... Còn những sách khác về khảo cứu, chẳng hạn về chữ Nôm của Đào Duy Anh in năm 1976 là 0,80 đồng... Nguyên bộ Những người khốn khổ của Victor Hugo, hay Chiến tranh và hòa bình của Léon Tolstoi, Anh em nhà Karamazov của Dostoievski... giá chỉ mấy đồng thời đó... Tôi vẫn bổ sung cho tủ sách của mình, bây giờ tủ sách của tôi đã tương đối đầy đủ các loại sách đủ thể loại, tôi chỉ ít chú ý tới các loại tiểu thuyết của các tác giả về sau này, bởi tự nhiên không thấy hứng thú khi đọc nữa, ngay cả tác phẩm khá nổi tiếng như Nỗi buồn chiến tranh... của Bảo Ninh, hay sách của nhà văn nữ Nam bộ mới đây như Nguyễn Ngọc Tư. Bác Bu có nói ở entry trước bác ấy có những quyển sách mua từ hồi con bác ấy còn nằm trong bụng mẹ, mà nay đã 35 tuổi còn chưa đọc, tôi cũng thế, thỉnh thoảng sắp xếp lại sách vở mới thấy mình có những quyển sách ký tên từ một ngàn chín trăm... hồi đó, mà lại nghĩ ủa, quyển sách này mình có từ hồi nào mà cứ tưởng như mới...

Ấy là lai rai về sách, còn cà phê tôi vẫn lai rai, cũng vẫn ngày 2 cữ pha uống tại gia, thỉnh thoảng có đi quán xá cà phê với bạn bè tôi vẫn hiếm khi kêu cà phê, bởi cà phê ở quán họ mua loại gì pha chế sao ấy, uống không được, từ mùi tới vị, nghe nói họ cho đủ thứ vào cà phê, kể cả bột bắp, cau (vẫn còn khá), hóa chất tạo mùi, tạo bọt. Dĩ nhiên khi mua cà phê về pha uống tại nhà cũng phải chọn loại, chỗ mua... Bây giờ có loại quán cà phê rang xay pha tại chỗ, nghe quảng cáo thế, với quán nhẹ gọn, bàn ghế đóng bằng gỗ mộc, giá cả rẻ để đáp ứng thời buổi suy thoái kinh tế, cũng là một nét thời thượng của cà phê Saigon...

Lai rai cà phê, lai rai đọc sách, cũng có cái lợi, cà phê uống vừa phải nghe nói tốt cho tim mạch, sách cũng thế, tốt cho trí óc, nhất là những người đã già cả về hưu như tôi, nó bắt ta phải suy nghĩ, cũng cho ta sự hiểu biết, ít nhiều kiến thức, đôi khi cũng có chuyện để nói trong những buổi phải lai rai ba sợi thật sự. Cách nay ít lâu, trong một buổi tiệc đưa dâu tôi được xếp ngồi chung với những trưởng lão, kế bên một ông bảy mươi mấy xưa làm hiệu trưởng một trường cấp hai, và một vị vẫn còn đi dạy, là giảng viên của trường đại học, dân gốc hoàng tộc triều Nguyễn... Trong bàn tiệc lai rai chuyện đời, nhân hỏi thăm nhau về vai vế để gọi cho tiện, vị trưởng lão cựu hiệu trưởng, dân Catholique nói về chuyện trong miền Nam gọi nhau theo thứ bậc trong gia đình, chẳng hạn Hai, Ba, Bảy..., nhưng không dùng từ Cả như miền Bắc, bởi trong Nam người ta kiêng tên gọi dân gian của Giám Mục Bá Đa Lộc, là Cha Cả, một cách giải thích, có lẽ vì vị trưởng lão này là dân Catholique? Còn vị giảng viên đại học gốc hoàng tộc nhà Nguyễn có cách giải thích khác, ông nói theo ông người trong Nam không dùng từ Cả cũng vì kỵ húy, cũng là kiêng tên gọi dân gian của hoàng tử Cảnh, người con trưởng của vua Gia Long, vì miền Nam gọi hoàng tử Cảnh là Ông hoàng Cả...

Nghe hai trưởng lão nói có lý, nhưng tôi cũng được đọc trong sách một cách lý giải khác nữa về việc tại sao dân gian miền Nam không dùng từ Cả để gọi người con lớn trong gia đình, cách giải thích như thế này, ngày trước trong miền Nam gọi  ông Trưởng làng là Hương Cả (Hương là làng), cho nên dân trong làng tránh dùng từ Cả để gọi người con trưởng, chẳng lẽ việc gì cũng cứ réo "bớ thằng cả", thì đụng chạm tới ông Hương Cả trong làng quá. Xưa cỡ Hương Cả trong làng cũng to và quyền thế lắm. Ngay cả bây giờ về quê xa xa ăn đình đám, gia chủ khi khai tiệc tôi vẫn còn thấy đây đó nói câu đầu tiên là "Kính thưa chính quyền", rồi mới tới kính thưa các thành phần khác. Tôi cũng "góp vui" vào việc lý giải cái việc tại sao không dùng tên Cả ấy, thế là cười cả bàn...

Lai rai cà phê, lai rai đọc sách, và già rồi thì lai rai sống, đi đâu mà vội, hì hì!





24 nhận xét :

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. đoc bài của bác Hiệp viết về 2 chữ "lai rai" mà e đã thấy "lai rai" nó quá đủ thư vị cuộc đời :)

      Xóa
    2. Lai rai thì phải viết bằng "giọng" lai rai :-)). Hình như bố Susu muốn nói tới chữ "thi vị"? :-))

      Xóa
    3. dzạ đúng rồi, chính là chữ thi vị ạh :)

      Xóa
    4. Hồi này bố Susu đi nhiều viết về đình chùa bên nhà rất hay :-))

      Xóa
    5. dzạ, em cũng muốn bổ sung thêm một phần kiến thức mà em bị rỗng. Có đi, có tìm hiểu rồi em mới thấy bao nhiêu điều thật hay về cai mình đang tìm hiểu.
      Cũng rất vui khi được các bác, các anh chị nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn thêm trong những chuyến đi của Bố susu đó bác Hiệp ơi :)

      Xóa
  2. 1- Lâu lâu có bạn ngoài quê gọi vào hỏi sức khỏe thế nào ông, bu tui đáp à à cũng sống lai rai vậy thôi.
    Lai rai cà phê, lai rai sách vở, lai lai ngày ba bữa, lai rai blog ...Vậy tức là lai sống có phải không bác PNH nhỉ.
    2-Ngặt nỗi không có tiền mua sách thêm nữa, chứ thấy sách vẫn cứ thèm.
    Có hôm đọc sách thấy nói linh mục Cadie trên đường từ Huế ra Đồng Hới có ghé lại Cổ Vưu. Bu tui thuộc làu từng cây số từ Huế ra Đồng Hới nhưng không biết Cổ Vưu ở đâu, các ông già bà cả cũng lắc đầu chịu. Nhờ có một quyển sách mua ở đường phố SG mới biết cổ Vưu là vùng đất có nhà thờ La Vang ở Quảng Trị. Bài viết về linh mục Cadie bu phải dừng lại 5 năm sau mới tiếp tục lại ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Híhí, cỡ như bác (và cả tôi nữa) giờ cứ lai rai mà sống, rảnh thì vui với con cháu, sách vở, hoặc với những công việc không tên thường nhật (thăm hỏi, ăn uống, lốc liếc...).
      2- Quả thật sách bây giờ giá cao quá, một quyển sách tương đối ưng ý, có trọng lượng (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) giá ngất ngưởng không dám rớ tới, nên nhiều khi đi xem cho... đỡ ghiền.
      Thật là nhờ sách mà mình biết được nhiều thứ, cái tên Cổ Vưu tôi cũng mới nghe lần đầu đấy :-))
      Cuối tuần chúc bác vui vẻ, vừa qua bác có dịp gặp gỡ các bạn hiền hay quá :-)))

      Xóa
  3. Không thấy bác lai rai nhắc nhở đến những cuốn sách văn chương sau 75. Không mua hay không muốn nhắc tới hở bác! Tôi thấy thời đó nhiều cuốn sách hay chứ, nhất là được tiếp xúc nhiều với văn học Nga (kể cả Xô viết) mà trước 75 rất ít.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Văn học khối XHCN cũ ở Châu Âu (Liên Xô, Đâng Âu) rất hay, có những tác phẩm nổi tiếng một thời (chẳng hạn Ruồi trâu, Quy luật của muôn đời, Người thày đầu tiên, Thuyền trưởng và đại úy, Đất vỡ hoang...), tôi vẫn còn để trên kệ sách cũ... Quên không nhắc tới thôi.
      Còn về sau này thì không biết luôn, vì ít để ý tới.

      Xóa
  4. Bác Hiệp chỉ " lai rai " thôi mà tui lăn con chuột muốn "gãy tay" luôn gòi...Huhu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, đúng từ "lai rai" luôn, nghĩa là tầm tầm, dài dài... :-)))

      Xóa
    2. Bác Hiệp cười " chọc quê" tui...huhu, tui đi méc...

      Xóa
    3. ... Tía má tui... :-))

      Xóa
  5. Bác NHP mới uống chút chút rượu cần mà đã quắp cần câu phải đi BV mà viết chuyện lai rai thua gì dân nhậu chính cống?
    Đọc entry này HN thấy buồn, mai một về SG anh em thăm nhau chả lẽ bác lai rai café còn HN lai rai 333? Mà ngặt nỗi quán nhậu thì không bán café và ngược lại! Thôi thì may ra còn bác Bu, chưa biết thế nào?
    Bác nhắc đến E.M. Remarque mà không nói gì đến C.V. Georghiu không sợ ông ấy buồn sao? Rồi Mario Puzzo, Elia Kazan …nữa?
    Có điều HN không hiểu vì sao ông Kim Dung không chen lọt vào ba lô của bác. Nếu sau này mà bác vẫn quên ông ấy thì thiệt thòi biết bao!
    Cuối tuần, lai rai vài hàng cmt cũng gọi là có chuyện khi vào thăm bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, nếu đường đời có cơ duyên hội ngộ thì mình lai rai cà phê vậy bác HN. Còn bác Bu thì tửu lượng không biết ra sao? chứ thỉnh thoảng bác ấy về Saigon anh em gặp nhau lai rai cà phê, thấy bác ấy kêu đừng cho đường, cà phê mang ra bác ấy móc túi lấy gói đường ăn kiêng bỏ vào :-)))

      Chỉ là nhất thời quên các nhà văn phương Tây ấy, Georghiu với Giờ thứ 25, Mario Puzzo với Bố già, Elia Kazan với Chàng tuổi trẻ gan dạ trên chiếc đu bay... làm sao quên bác HN?

      Còn Kim Dung với Anh hùng xạ điêu, Cô gái Đồ long..., tôi đọc từ thời đi học, mà Tiẻu thuyết kiếm hiệp khi về phố chỉ mướn đọc thôi, không mua xách theo ba lô.

      Cám ơn bác HN vào còm lai rai... :-))

      Xóa
  6. Lâu lâu cũng lai rai một chút cho vui bác Hiệp nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi đó anh Minh, thỉnh thoảng gặp bạn hữu cũng lai rai chút đỉnh, được cái bạn biết "tửu lượng" của mình, không ép. Cái chính của lai rai bằng hữu là tán nhảm cho vui, chứ bây giờ người ta thích và ép nhau dzô hết thùng này chai nọ khiếp quá!

      Xóa
    2. Mình đôi khi vui cũng uống vượt qúa mức tửu lượng, nhưng ai ép kệ mình không uống thêm. Ngày trước mình cũng giống bác Hiệp một chút là mặt mũi trông như con gà chọi. Hình như những người máu O không uống được nhiều? Mà sao dân mình cũng hay nhỉ, uống cũng trở hành cao thủ và hãnh diện, chỉ đến khi vào bệnh viện mới.. hết thành cao thủ. Lúc đó thì bịnh nó lại.. lai rai.

      Xóa
    3. Haha, cao thủ bia rượu khi vào bệnh viện lúc đó lại... lai rai bệnh. Tôi máu A chứ không phải máu O mà cũng dở bia rượu thế. Đi đâu biết tửu lượng của mình mà lai rai không vượt quá là hay lắm đó anh Minh, bây giờ tôi thấy đám trẻ dzô tới bến, chết bỏ, mới hai mươi mấy mà đã mỡ trong máu, trong gan tùm lum. Mới đây có đứa cháu bên vợ 26 tuổi đã đột quỵ may vào bệnh viện cứu kịp... Sợ thật.

      Xóa
  7. Chào bác Hiệp và mọi người!
    Nhân rảnh , vào lai rai với bác Hiệp!
    Tôi thích nhất lai rai sách, lai rai sống và...lai rai bia rượu!
    Nhân các bác nói vì sao miền Nam kiêng chữ Cả, chỉ bắt đầu từ Hai, trong khi miền bắc xài anh Cả, anh Hai, xin góp một ví dụ. Miền Bắc gọi như vậy, nhưng vùng quan họ Bắc Ninh, lại bắt đầu từ Hai. Bài Cây trúc xinh có lời : Chị Hai xinh tang tình...Không dùng từ Cả. Nghệ nhân tôi biết Quý Tráng là Hai Tráng, hát cặp với Thúy Cải là Hai Cải. Nghệ nhân Khánh Hạ gọi thứ tự là Sáu Hạ...Không rõ vì sao không dùng Cả. Mà các bác Bắc Ninh đâu có phải như các bác miền Nam phải kiêng? Chắc là có lí do gì đây... Lai rai chờ các bác cho ý kiến!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bác VuNho, hình như tôi chỉ thấy các bài viết trên mạng, trong sách nói về tên gọi "anh hai, chị hai" trong hát quan họ, chứ không thấy giải thích tại sao gọi thế? Ngay như sách của Toan Ánh, một nhà nghiên cứu viết rất nhiều về phong tục tập quán miền Bắc, trong quyển "Tìm hiểu nghệ thuật cầm ca Việt Nam", khi viết về nghệ thuật hát quan họ, ông có giải thích xuất xứ từ ngữ quan họ, cách hát..., nhưng cũng chỉ nói trong hát quan họ thì một nhóm có ít nhất 5 người, gồm các liền anh, liền chị, gọi nhau bắt đầu bằng "anh hai, chị hai, anh ba, chị tư...", chứ không gọi anh cả, chị cả như hát Ví. Ông không giải thích tại sao gọi như thế.
      Nhân đây tôi cũng xin ghi thêm, miền Bắc có 3 lối hát "trao tình" là hát ví, hát quan họ và hát trống quân. Tôi cũng có những sách viết về những điệu hát này, đọc cũng rất hay.

      Xóa
    2. Bác NHP ơi, bác nhắc mới nhớ, hồi đó đọc Kim Dung theo kiểu chờ báo ngày (feuilleton) hoặc thuê sách nhưng có anh khoái quá vẫn mua về lai rai đọc. Bác NHP quên Elia Kazan của "Trở lại thiên đường" rùi, còn "Chàng tuổi trẻ..." là William. Saroyan mà mà PCT nhắc trong "Ý thức mới..."
      Chuyên "Cả, Hai", ở ngoài Trung có một cách giải thích, không sách vở mà chỉ là truyền khẩu rằng: người mình hồi xưa vốn mê tín dị đoan trong giai đoạn y tế chưa phát triển, sinh con người ta hay sợ bị ma quỹ bắt đi nên coi như người đầu (Cả) đã chết, chỉ còn lại anh Hai (cũng giống như việc đặt tên con bằng chó, mèo, bộ phận sinh dục...)
      Nói chuyện này HN bỗng nhớ câu đối: "Vợ cả vợ hai, cả hai đều là vợ cả". Hihi.

      Xóa
    3. Hihi, sách kiếm hiệp dày quá mua uổng tiền nên dân Saigon hồi đó chỉ đọc qua feuilleton trên báo. Còn Elia Kazan là "Trở lại thiên đường". Hồi mười mấy hai mươi học sinh Nam bộ như mình đã đọc văn chương thế giới như thế, trong nước thì có PCT, Vũ Khắc Khoan... nhà văn trẻ có Thanh Tâm Tuyền, Nguỵ Ngữ..., cho nên sau 75 có đọc Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh..., hết "phê".
      Giải thích dân gian miền Trung về từ Cả hay lắm bác HN.
      Một cũng đã muốn... tử :-))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))