Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Từ tâm.

Hôm nọ bên nhà chị Gốc Mai đại thụ có bài viết về một ông lão đi bẫy chim. Những người đi bẫy chim bằng lưới như thế hẳn là người chuyên nghiệp, vì một lần có thể bẫy được cả chục con chim sẻ sa lưới, và một ngày ông lão có thể bẫy được cả vài chục con chim. Ông ta làm gì với đám chim sẻ đó? Hẳn là bán để kiếm chút tiền độ nhật. Thế người mua làm gì? Chắc chắn chỉ có 2 con đường, đến chùa chiền bán cho những người mua chim để phóng sinh, hoặc bán cho... quán nhậu.

Ngày hôm qua tôi có dịp ghé một ngôi chùa ở giáp ranh quận Bình Thạnh và Gò Vấp để dự một cái lễ cầu siêu cho người bà con. Ngôi chùa có khuôn viên khá rộng, nhiều cây cối, mát mẻ, đây là một ngôi chùa khá xưa, yên tĩnh trong thành phố, không đến nỗi ồn ào như một số ngôi chùa "dịch vụ" khác.

Trong lễ cầu siêu cũng có thả chim phóng sinh, hình như gia chủ không mua chim phóng sinh, nhưng có lẽ đây là một nghi thức trong buổi lễ của nhà chùa. Tôi không thích tục lệ này, nhưng biết làm sao được khi đây là một nghi lễ của đa số nhà chùa trong việc cầu siêu. Chuyện phóng sinh chim, cá, thoạt đầu cũng là một việc làm tốt, có ý nghĩa, giáo dục con người lòng nhân ái, nhưng rồi như nhiều việc làm tốt khác, phóng sinh bị biến tướng. Người ta đi bắt chim để bán cho người phóng sinh, rồi nhiều cái không hay kèm theo, thành ra lại là một việc làm chẳng ra làm sao cả.

Những hình ảnh tôi chụp dưới đây cho thấy điều không hay đấy:
                                               

                           Lồng chim phóng sinh trong buổi lễ cầu siêu.

                                Lồng chim đang được làm phép.

                                         Phóng sinh chim.

                          Những chú chim tội nghiệp chui vào trốn trong bụi cây.

         Những chú chim khác bị cắt lông đuôi không bay xa được đậu nơi một góc tường.

Số là trong chùa tôi thấy có một con mèo, trước đó nó thơ thẩn trong sân, đi ra đi vào chánh điện, và các phòng khác. Chắc hẳn là mèo của nhà chùa nuôi. Mèo là một vật nuôi được ưa thích, thú cưng của nhiều gia đình, nhiều người. Trong xã hội Ai Cập cổ đại cách nay nhiều ngàn năm mèo đã có mặt, thậm chí còn được thờ phượng như thần linh. Mèo đã gắn bó với loài người lâu là thế, nhưng con vật này lại có một đặc điểm, đó là vẫn luôn luôn giữ được bản tính độc lập, hoang dã. Không bao giờ mèo thuần phục con người, nó chỉ coi con người như một "công cụ" để lợi dụng.

Khi làm phép xong, sư thày ra ngoài mở lồng chim phóng sinh, những con chim sẻ bay túa ra, có những con còn khỏe mạnh bay lên cây hay bay mất, còn một số con yếu và bị cắt mất lông đuôi cụt lủn không bay xa được, chúng vừa chạy vừa nhảy trong sân chùa. Nhoáng một cái con mèo xuất hiện lập tức, nó vồ ngay mấy con chim còn đang ngơ ngác giữa sân. Hôm đến chùa tôi chỉ định chụp cảnh làm lễ nên chỉ mang theo một cái ống kinh góc rộng chứ không mang ống kính télé, nên ở xa không thể chụp được hình ảnh con mèo rượt đuổi vồ những con chim sẻ, bản năng hoang dã của con mèo rất cao, mấy lần tôi định đến gần chưa kịp giơ máy hình lên là nó đã cong đuôi chạy mất.

                           Con mèo đang rình bắt mấy con chim sẻ.

                       Tôi cũng rình chụp được một tấm hình chú mèo đang xơi con chim.

Có những con chim sẻ không bay xa, và ngay cả những con chim sẻ chui vào trốn trong bụi cây cũng không thoát khỏi nanh vuốt của chú mèo, nó lùng sục trong vườn và bắt hết đám chim sẻ, có lẽ cũng khoảng năm bảy con.

Chuyện con mèo và đám chim sẻ tội nghiệp, có lẽ cũng chẳng có gì đáng nói lắm, vì dẫu sao chúng cũng chỉ là những con vật, chúng hành động theo bản năng sinh tồn, con này ăn con kia, mạnh được yếu thua. Điều tôi muốn nói ở đây là nhà chùa. Đây là một ngôi chùa lớn và cũng là một tu viện, nơi có rất nhiều người tu hành, học tập ở đó. Tôi thấy cái cảnh con mèo vồ đám chim sẻ, hoặc đi lùng sục trong đám bụi cây, góc tường bắt từng con chim diễn ra ngay trước mắt những nhà tu, có lẽ không phải chỉ một lần này, và cả trước mắt những người đến lễ chùa. Các bà các cô đã hết hồn khi thấy cảnh con mèo rượt đuổi "xơi tái" đám chim sẻ tội nghiệp ngay trước mắt. Chuyện cầu siêu, phóng sinh là chuyện diễn ra hàng ngày ở chùa. Cảnh tượng "mạnh được yếu thua" này đã quá quen thuộc đối với những nhà tu hành?

Nhưng những con chim phóng sinh ở đâu ra? Chúng được bày bán ngay trong sân chùa, dưới chân tượng Quán Thế Âm Bồ Tát.

                                                 Bán chim phóng sinh.

Các bạn có thể kết luận entry này theo suy nghĩ của mình.




20 nhận xét :

  1. Nhà Phật không câu nệ hình tướng bên ngoài, cốt ở Tâm, nhưng những việc như vậy phô bày sự giả dối, nặng về quảng cáo mà quên mất cái gốc. Vì quá mê cái quảng bá đó nên nhà chùa chưa dùng đến lòng từ bi như ông PNH, quan sát thấy còn xơi tái con chim ngay trước cửa Tam bảo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoàn toàn đồng ý với entry này và nhận xét của bác ToRo.
      Trước mình từng có bài viết tương tự sau một lần tranh luận hơi bị"nảy lửa"với vài thầy vì họ khư khư bảo thủ quan điểm"Phóng Sanh"theo kiểu ấy.
      Khổ quá!

      Xóa
    2. Tôi không thích kiểu phóng sinh chim ở những ngôi chùa, nhưng cũng không đả phá, vì đó là niềm tin tôn giáo, người ta không thể bắt người khác từ bỏ niềm tin của họ.

      Điều tôi chỉ muốn nói ở đây, là chuyện con mèo của nhà chùa nuôi xơi tái những con chim phóng sinh ngay khi chúng vừa được... phóng sinh, và ngay trươc mắt nhà chùa. Chuyện xảy ra hàng ngày như thế. Một hình ảnh hoàn toàn trái với giáo lý nhà Phật, hoặc nhà chùa đừng nuôi con mèo, hoặc đừng phóng sinh...

      Xóa
  2. Gió cũng có cảm giác như anh .
    Bây giờ người ta dùng 2 chữ từ tâm vào những hành vi giả tạo nhiều quá...Cứ như cái ác và cái lành khó phân định. Ngay c3 khi vào chùa vẫn còn vô số cái nhức nhối anh H nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Càng ở những nơi thế này, càng thấy cái nhức nhối như bạn Gió nói.

      Xóa
  3. Thà đừng phóng sinh như thế còn hơn. Bây giờ các lễ nghi đều do con người tự đặt ra cốt để thể hiện mình. Con người quả thật rất mâu thẫn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lễ nghi đều do con người đặt ra, để thể hiện một điều gì đó, là cần thiết, nhưng phải sao cho hợp tình, hợp lẽ, coi cho được...

      Xóa
  4. Anh Hiệp ạ! Nhà M lúc cha mẹ hai bên qua đời, cũng cúng 49 ngày và Thầy của M đến nhà tụng cầu siêu cho các cụ, nhưng không có lễ phóng sinh này.

    Trả lờiXóa
  5. Và M cùng không thích nhìn cảnh chùa làm lễ phóng sinh. Vì nó sẽ tạo ra cái vòng luẩn quẩn trong cái nghiệp.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đọc kha khá sách về Phật giáo, từ lúc còn đi học, nói chung có nhiều cái trong tôn giáo tôi không thích (TCG và PG), nhưng tôi vẫn hay đến chùa, nhà thờ, suy nghĩ, ngắm nghía nhiều thứ, chụp hình. Tôi cũng không để ý đến "nghiệp", hay những từ ngữ luẩn quẩn của tôn giáo. Phóng sinh hay không phóng sinh, thích hay không thích những nghi lễ này là tùy mỗi người, chỉ có điều làm sao cho những nghi lễ, nghi thức nó hoàn chỉnh, đừng có cảnh con chim vừa được phóng sinh thì bị ngay con mèo của nhà chùa xơi mất.

      Xóa
  6. Chuyện con mèo với những con chim sẻ bị cắt đuôi ở nhà chùa thấy sợ quá!

    Con vật nó đang tự do thì bắt lại để rồi phóng sinh. Chi bằng cứ để nó tự do như trước đi chứ bày đặt phóng sinh làm gì. Nếu như thế thì những người phóng sinh được phúc còn những người đi bắt các con vật đem đi bán cho những lễ phóng sinh lại phải gánh tội ạ? Nếu thế thì em thấy nó là cái vòng luẩn quẩn rồi, chưa kể những con vật phóng sinh đi không sống được thì lại là phóng tử, tội nặng hơn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mấy bà đi chùa thấy cảnh con mèo xơi tái mấy con chim sẻ xanh hết cả mặt mũi.

      Cái vòng luẩn quẩn của số kiếp :-(((

      Xóa
    2. Đừng nói tại kiếp con chim phóng sinh là thì phải chịu thế nhe . Dưới con mắt trần tục của M thì chim đang sống tự do , vì niềm tin gì không rõ , con người bắt nhốt chim vô lồng rồi làm nghi thức thả ra . Sau đó bắt trở lại để bán phóng sinh tiếp đã thấy bất nhẫn rồi đàng này lại để mèo vồ ngay trước mắt . Ý nghĩa phóng sinh đâu chả thấy lại cho đó là cái nghiệp của những con chim này phải như vậy, hì hì , người trần tục này không hiểu được

      Thôi thì mơi mốt đi chùa , M sẽ chỉ ngắm Phật thôi , không ngắm cái gì khác hết , được không bác H (:

      Xóa
    3. Ngắm Phật thì được quá đi chớ, nhưng mà chẳng có mấy người đến chùa chỉ vì Phật, hay nói khác đi là chỉ vì ĐẠO, có người đến chùa lại chỉ vì SƯ, hichic!

      Phóng sinh không phải là đi mua mấy con chim người ta bắt để dành cho người phóng sinh thả. Cái chùa này thì sai lè lè rồi (sai đến mấy lần), để người bán chim bán ngay trong sân chùa, rồi chính nhà chùa mua mấy con chim này thực hiện trong nghi lễ của mình, nhà chùa nuôi mèo, và để cho con mèo hàng ngày xơi tái đám chim phóng sinh ngay trước mắt. Mà cái giống mèo coi vậy nó hoang dã lắm (bậc thày của cọp mà), không biết nó ăn được bao nhiêu chim mà tôi thấy nó đi lùng sục, gặp con chim nào cũng quật chết hết, thảm thật!

      Xóa
  7. Ở nhà mình có chùa lớn có nuôi chim bồ câu , mỗi kỳ lễ người ta bắt chim câu đem ra hồ thả, chim lại bay về chùa ( nếu không phải chim chùa thì chim câu luôn có thể bay về tổ ).Còn cá thả xuống hô cũng có cơ làm mồi cho thợ câu nhưng không thấy nhãn tiền .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nuôi chim câu, lễ mang thả (thường có ý nghĩa cầu nguyện cho hòa bình, chim lại bay về chuồng) vậy cũng được. Người ta cũng hay mua cá để phóng sinh, nói chung đó là tục lệ, nghi thức lâu đời, cũng như đốt nhang vậy, làm sao cho hợp tình hợp lý thôi.

      Xóa
  8. Trong ngũ giới của nhà Phật có một giới là cấm sát sanh, không thấy sách vở nào nói chuyện phóng sanh nên có thể xem vụ này là biến tướng. Phóng sanh là một việc làm tốt nhưng có lẻ nằm ở trường hợp (ví dụ) đang đi ngoài đường, gặp người chở chim đi bán, đi câu trên đường về nhà, chúng ta mua thả về trời hoặc sông hồ chứ phóng sanh kiểu bác NHP mô tả chỉ là hình thức. Nhà chùa không biết những chuyện mèo bắt chim sao? Ai cấm người đọc nghi ngờ là: "Hay sư ông sư thầy...móc nối với bọn bán chim?". Mô Phật, nói bậy cũng phạm khẩu nghiệp nhưng không nói không được. Bác Phạm thông cảm nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyên mèo bắt chim là chuyện "cơm bữa", có lẽ thế nên như tôi đã nói, nhà chùa coi như đương nhiên, quen rồi. Còn chuyện bán chim trong chùa, tôi không nghĩ là nhà chùa có "huê hồng" gì trong này, chỉ nghĩ trong nghi lễ cầu siêu, cầu an mà nhiều người đến chùa xin làm cho thân nhân, thì chùa này đưa nghi thức phóng sinh chim vào (chắc xem cho có vẻ "xôm tụ"), dù người đặt lễ không đòi hỏi. Cũng xin nói ngay, là đặt những lễ như thế này, ở nhà thờ hay ở chùa đều có giá cả, thường giá như thế nào do một ban quản lý trao đổi với tín chủ, điều này là bình thường không có gì phải phê phán, vì chùa hay nhà thờ cũng cần phải "thực" (mới vực được đạo).

      Chùa cho người vào bán chim, khi cần chim cúng lễ chùa đỡ phải chạy đi mua. Cái tôi muốn nói là chuyện con mèo của chùa. Thấy cái cảnh nó đuổi bắt chim, cứ "phập" một cái con chim xấu số kêu chít lên là xong một kiếp, giữa sân chùa, trước mắt các nhà tu, trông nó "phản cảm" quá. Các bà các cô cứ tròn xoe cả mắt.

      Xóa
    2. M cùng ý kiến với anh HN và anh Hiệp. Giới luật của đức Phật không có điều khoản phóng sinh này.. Có một số chùa bây giờ biến tướng rồi trang trọng hóa việc này mà thôi. Rõ chán con người.

      Xóa
    3. Tôi thường tìm hiểu Đạo Phật dưới hai góc độ, Triết thuyết Phật giáo và Tôn giáo Phật giáo, kể cả Đức Phật cũng thế, Đức Phật, kẻ đi tìm Chân lý, và Đức Phật, Giáo chủ của Đạo Phật. Về Thiên chúa giáo cũng thế. Giữa 2 điều này lại có sự khác biệt, nhiều khi rất xa, tôn giáo, có khi lại là "phản" lại tư tưởng của Đấng mà tôn giáo đó tín ngưỡng.

      Cho nên tôi không bao giờ muốn tranh luận về niềm tin tôn giáo, dù thích hay không thích, bởi tôn giáo là một tổ chức xã hội, nó có những luật tục do con người đặt ra, để quảng bá, duy trì niềm tin nơi tín đồ, đấy là chuyện của tôn giáo và những người tin theo. Họ có quyền để làm như thế.

      Nhưng dù sao, cũng phải công nhận người có niềm tin vào tôn giáo, thường (tôi dùng chữ thường với ý nghĩa hết sức tương đối) sống hiền hòa hơn là những người không có niềm tin vào một tôn giáo nào (vô thần).

      Xóa

:) :( :)) :(( =))