Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Người Việt xấu xí.

                                     Khách du lịch ở Hội An. Ảnh Internet.

Đọc báo thấy khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm, điều này không có gì lạ, khi trong những ngày qua trên nhiều thông tin đại chúng cho biết nhiều khách du lịch đến từ nước ngoài bị "chặt chém", moi tiền trắng trợn, thậm chí còn bị đe dọa hành hung. Dĩ nhiên còn nhiều lý do khác để nói về việc giảm khách du lịch quốc tế, hay cả khách Việt du lịch trong nước, chẳng hạn việc suy giảm kinh tế, thất nghiệp gia tăng, dân thế giới đang nghèo đi. Tôi không có ý nói xấu đất nước hay một nơi nào đó của đất nước, nhưng những thông tin cho biết gần như tất cả các vụ "cộm cán", lại rơi vào Hà Nội, đến nỗi có quan chức cao cấp về Văn hóa - Du lịch phải đến tận khách sạn xin lỗi và trả lại tiền cho du khách.

Ngày xưa, trước năm 1975 ở miền Nam có một quyển sách đề tên tác giả là người ngoại quốc, mà trong chúng ta nhiều người đã biết, quyển sách có tựa đề là "Người Việt cao quý", tôi đã đọc quyển sách này khi mới xuất bản, đại khái khen ngợi, người Việt Nam có nhiều phẩm chất tốt đẹp, cần cù, chịu khó, nhẫn nại, hiền hòa, hiếu khách... Dĩ nhiên chúng ta có thể nói những điều đó là rất đúng, không phải người Việt nào cũng xấu, cái số xấu chỉ là do những "con sâu làm rầu nồi canh", đa số người Việt vẫn rất tốt, trong mười người chỉ có một hai người xấu thôi, nhưng cái đám "sâu", đám xấu này làm ảnh hưởng đến cả cộng đồng, đại khái là như thế.

Hôm nọ tôi đã viết về một hai trường hợp mà tôi biết, vì là những người quen thuộc. Chuyện một cô gái chỉ ngoài 20 cháu một người bạn. Sinh ra ở Việt Nam, lớn lên ở Mỹ, yêu mến Việt Nam qua cha mẹ, sách vở, và tuổi trẻ thích đi đây đó. Tốt nghiệp đại học xong về Việt Nam dạy học, chỉ sau 2 năm thì cô gái chỉ chọn đi du lịch nước ngoài, các nước Đông Nam Á, vì quá sợ những chặt chém, lừa đảo, phiền nhiễu phải đối phó khi đi du lịch trong nước. Câu nói khi tiếp xúc của cô gái làm tôi nhớ mãi, "Sau mấy năm ở Việt Nam, con chỉ học được cái tính nghi ngờ".

Trường hợp thứ nhì như tôi cũng đã kể, đó là hai người họ hàng tôi gọi là anh, chị, dịp mới đây anh chị theo tour du lịch từ Mỹ đi một số nước Châu Á, như Nhật, Đại Hàn, trong đó có Việt Nam. Anh chị chỉ chọn tour về Việt Nam có vài ngày, chủ yếu ghé thăm mấy người thân thuộc chứ không đi chơi đâu, hỏi tại sao thế? Anh chị cho biết 2 lần về trước đi chơi một số nơi bị lừa đảo, khó dễ nhiều quá. Tôi xin kể những chuyện chủ yếu làm anh chị ấy bực mình, thậm chí đâm sợ.

Anh chị kể lần đầu về Việt Nam, vào khoảng thập niên 80, lúc ấy kinh tế còn khó khăn, xe cộ đi lại chưa nhiều và thoải mái như bây giờ. Đi chơi từ Đà Lạt về Saigon phải ra bến xe mua vé xe khách mà người Saigon xưa quen gọi là xe đò, một băng có 2 ghế nhưng bán vé đến 3 người ngồi, anh chị có 2 người nhưng mua luôn 3 vé để ngồi cho thoải mái. Lên xe chạy được một lát xe đón thêm khách, lơ xe xin cho người mới lên ngồi tạm ít cây số, ai ngờ người ấy ngồi suốt đoạn đường, thấy đám tài xế lơ xe mặt mũi bặm trợn nên anh chị chẳng dám nói gì. Chưa hết, thấy anh chị hiền lành, tệ hơn nữa là xe mới đến Biên Hòa lơ xe nói đến Saigon rồi mời xuống. Lạ nước lạ cái chẳng biết đường sá đâu vào đâu, lóp ngóp xách đồ đạc xuống xe, hỏi thăm mới biết chỉ mới tới Biên Hòa, lại thất thểu đi hỏi thăm xe về Saigon.

Chuyện thứ nhì của anh chị bà con kể là ở Hà Nội, vào lần về thứ nhì khoảng cách nay gần mười năm, vài câu chuyện lặt vặt nhưng cũng làm anh chị sợ hãi và ngán ngẩm. Ra Hà Nội anh chị kêu xe xích lô đi, nghe nói đã cảnh giác nên cẩn thận trả giá, 40 ngàn đồng cho một quãng đường khoảng một cây số về khách sạn. Ok, khi xuống người đạp xe xích lô đòi 80 nghìn đồng, nói đã chịu giá 40 ngàn rồi mà, người đạp xe nói 40 nghìn là một người, hai người 80 nghìn và bắt đầu văng mày tao. Đành vội móc túi trả cho yên chuyện. Chuyện nữa là buổi sáng ở khách sạn ra thấy người bán xôi khúc, mấy chục năm mới nhìn thấy xôi khúc gọi mua hai gói. Người bán gói cho 2 gói xôi nhiều hơn bình thường một chút, lấy đâu mấy chục ngàn đồng một gói, biết là quá đắt nhưng cũng phải trả vì anh chị không muốn phiền hà.

Cũng một câu chuyện khác ở Hà Nội, do người bạn làm cùng cơ quan kể, anh bạn đồng nghiệp này bố mẹ tập kết, thời chiến tranh sống học hành và lớn lên ở Hà Nội, đi bộ đội, sau năm 75 thì chuyển theo gia đình vào Saigon sống làm việc đến nay. Năm ngoái anh bạn ra Hà Nội, vào tiệm phở gọi một tô phở, ăn xong tiệm tính năm mươi nghìn, anh bạn nói giá đề ba mươi ngàn sao tính năm mươi?, chủ tiệm trả lời đấy là bát phở đặc biệt. Máu... bộ đội nổi lên, anh bạn lại nói có kêu tô đặc biệt đâu, nói cho biết ngày xưa tôi ở Hà Nội mấy chục năm đấy. Chủ tiệm cũng vẫn cứ ngọt ngào như mía lùi, vâng em biết xưa bác ở Hà Nội, mới trong Nam ra, bởi thế em mới làm cho bác bát đặc biệt, không tin bác cứ xem mấy bát khác thì biết. Đã xơi vào bụng, còn đâu tô phở để mà so sánh, anh bạn đành phải móc tiền ra trả đủ. Anh bạn nói chỉ vì quen theo tiếng miền Nam vào tiệm gọi "tô phở" chứ không phải "bát phở" mà mất toi thêm hai chục ngàn.

Những cái phiền hà nho nhỏ như thế cứ xảy ra hàng ngày như cơm bữa, như ở thành phố du lịch "chặt chém" Vũng Tàu, một bữa cơm vài người ăn món ăn bình thường tính vài triệu đồng, một cuốc xe mấy cây số cũng mấy triệu. Người ta phải lập ra cả "đường giây nóng" để du khách cầu cứu. Tôi đọc được có bài báo bày cho du khách cách "chống chặt chém", chẳng hạn đi đâu cũng phải hỏi cho kỹ, trả giá rõ ràng, đi chơi ngắn ngày (sáng đi chiều về) tốt nhất là "cơm nắm muối vừng" mang theo ăn uống, vừa hợp vệ sinh vừa khỏi sợ bắt bí. Nhưng dù du khách có cẩn thận thế nào đi nữa cũng vẫn mắc bẫy, nếu môi trường du lịch không trong lành, con người không đàng hoàng, Cái đám "chặt chém" luôn có "trăm mưu ngàn kế", bọn họ "khôn" hơn du khách gấp trăm ngàn lần, không biết đâu mà lường.

Bản thân tôi mấy năm trước đi du lịch Huế cùng gia đình cũng bị như thế. Buổi tối cơm nước xong muốn đi một vòng xích lô ngắm Huế, gọi một chiếc xích lô, trả giá kỹ lưỡng, đồng ý mấy chục ngàn một giờ, leo lên xe còn giơ đồng hồ giao hẹn với bác tài là mấy giờ. Đi một vòng 40 phút xuống xe trên phố, người chạy xích lô nói 2 tiếng, cãi lại rõ ràng tôi lên xe lúc mấy giờ có đưa đồng hồ cho coi, người chạy xe xích lô to tiếng chửi thề và một đám xích lô khác quây lại, đành trả tiền mà ấm ức, vài chục ngàn đồng không đáng là bao, nhưng chuyến đi chơi mất vui, và thú thật là từ đó tôi mất thiện cảm với Huế.

Đấy là chỉ mới "kể sơ sơ" cái xấu xí của người Việt mình, không chỉ ở Hà Nội, Huế, hay Vũng Tàu, Saigon cũng đầy, chặt chém, bán hàng dỏm, taxi chạy lòng vòng, lấy đồ của du khách bỏ quên, cả bọn cướp giật của du khách giữa trung tâm thành phố như chốn không người. Người Việt gì cũng cười, ngày xưa có học giả nói như thế, quả thật chuyện cười đùa ồn ào nơi công cộng dân ta là số một, nhưng lạ thay du khách xuống sân bay đâu đâu cũng chỉ bắt gặp những khuôn mặt "đâm lê", những "đôi mắt hình viên đạn" của những người lẽ ra cần phải cười, như nhân viên hải quan, những người hướng dẫn làm thủ tục...Đấy cũng chỉ là mới kể trong môi trường du lịch... Chưa kể đến những môi trường khác, từ cao xuống thấp, từ giáo dục đến y tế, từ nơi... đàng điếm đến chốn tâm linh, đâu đâu cũng thấy lừa lừa, cũng gian dối, cũng ma mãnh, cũng bát nháo, cũng mụ mị... Mà điều này chắc hẳn chúng ta đã quá quen thuộc...

Cũng nhân đây tôi xin kể chuyện hè năm ngoái đi du lịch Thái Lan, cơ quan cho đi theo một tour du lịch. Dĩ nhiên vì lý do nghề nghiệp, tinh thần cảnh giác cao độ, anh chàng hướng dẫn viên du lịch Việt dắt đoàn đi luôn nhắc nhở  mọi người khi đi mua sắm hay bất cứ dịch vụ gì cũng cần phải trả giá và giao hẹn đâu ra đó, để tránh chuyện bị bắt chẹt, tuy ở Thái lan không đến nỗi như... xứ mình. Chuyến đi tốt đẹp không có ai than phiền điều gì. Riêng tôi thấy người Thái xem... đen đen xấu xấu vậy mà không như người Việt, họ lành hơn. Buổi tối cuối ở Bangkok nhóm chúng tôi gần mười người dạo chơi trên phố và đi chợ trái cây đêm, vì nghe nói trái cây ở chợ này rẻ.

Quả thật trái cây khá rẻ và ngon, mọi người ai cũng mua một ít, có người còn kêu đóng thùng cả chục ký nho, bòn bon về làm quà. Nếm trái cây thì thoải mái, đi một vòng được ăn miễn phí đủ thứ dù ta có không mua cũng chẳng ai nói gì. Họ cân đủ không hề thiếu như nhiều nơi bên mình. Khi về lại khách sạn đã nửa đêm, gọi một chiếc Tuk Tuk, trả giá rõ ràng. Bên Thái họ chỉ xài tiền bath của họ chứ không xài tiền đô như bên Miên, hai bên bằng hết khả năng tiếng Anh và cả ra dấu bằng... tay chân, ngã giá (tôi không nhớ tiền Thái) tính sang tiền Việt khoảng 50 ngàn đồng cho một cuốc xe 8 người về khách sạn cách khoảng độ 3 cây số. Đến nơi trả đúng số tiền, "bo" thêm cho bác tài mấy đồng bath lẻ, bác ta "Thank you" rối rít. Tinh ra mỗi người chưa hết 10 ngàn đồng tiền Việt cho một cuốc xe lúc nửa đêm nơi xứ người.

Năm mươi năm trước có lẽ Bangkok, hay Thái Lan chẳng là "cái đinh gỉ" gì đối với Saigon, năm mươi năm sau họ là cái chúng ta đang cố vươn đến, với hệ thống đường cao tốc, nhà cửa, du lịch của họ luôn thu hút du khách mọi nơi trên thế giới, du khách đến Thái Lan vào năm 2012 nhiều hơn gấp đôi Việt Nam (khoảng 14, 15 triệu người so với trên 6 triệu người, nghe nói thống kê của Việt Nam là gộp cả những người đến không phải du lịch). Có thể như nhiều người nói họ đã biết khai thác những món hàng... độc (như show của những người chuyển đổi giới tính, hay nặng hơn nữa là chuyện sex tour)... Nhưng phải chăng để đạt được những điều này, trên hết là bởi người Thái đã biết đối xử tử tế với mọi người, không ma mãnh, bắt chẹt, lừa lọc... cho dù là với những người xa lạ...?





19 nhận xét :

  1. tác giả quyển sách "Người Việt cao quý" ấy thật ra chính là nhà văn Vũ Hạnh đấy bác ạ. Còn chuyện chặt chém du khách tây lẩn ta ở tất cả các nơi không còn là chuyện hiếm hoi nữa. Thật là buồn thay...
    Nói xin lỗi, từ vĩ tuyến mười bảy đổ ngược về trong này ngày xưa chưa hề thấy những chuyện như vậy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng có nghe là ông Vũ Hạnh.

      Hichic!

      Xóa
    2. Mạn phép chủ nhà mời nguoigia online đọc link này: http://hongngocblog.blogspot.com/2013/03/nguoi-vietthe-nao.html
      Ông nhà văn này có tên là Nguyễn Đức Dũng từng bút chiến với Duyên Anh vì ông này thuộc diện "Ăn cơm Quốc gia..."
      Có dạo 3 tháng liền HN theo trang cuối báo Công An (tp HCM) mục Truy nã, làm thử một thống kê, kết quả là >70% số người bị truy nã có HKTT bên kia vĩ tuyến 17. Hihi.

      Xóa
  2. Nghe nản thật nhưng các bác đừng có bi quan quá, dân như nước, khuôn nào thì hình thù đó thôi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thỉnh thoảng nhìn vào sự thật chút xíu chứ bi quan cũng chẳng thay đổi được gì, mới xem hình chị Gốc Mai gặp các bạn ở HN lại nhủ thầm thể nào cũng phải đi một chuyến.

      Xóa
    2. Phải đi một chuyến thôi anh Hiệp ạ.

      Xóa
    3. Có dịp sẽ dông chị M.

      Xóa
  3. Hôm qua ngồi trên máy bay đọc tờ Tiền Phong cũng có bài viết về vấn đề này. Lãnh đạo hoặc doanh nghiệp có xin lỗi thì cũng chẳng giúp ích gì. Vấn đề này là từng địa phương phải giáo dục đến từng hộ kinh doanh trong khu vực du lịch, hình như ở Đà Nẵng làm tốt lắm mà. Ta phải nhân rộng vấn đề này lên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thấy Đà Nẵng, Hội An làm được, mà làm được là do những người "có tâm, có tầm"... "Của" này bây giờ... hiếm quá.

      Xóa
  4. bây giờ đi du lịch trong nước cứ lo bị chủ quán rả đông mình thôi :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không những "rã đông" mà còn "lóc" tới xương ấy chứ :-((

      Xóa
  5. Hôm nào rỗi thì ráng qua Q2 thăm bà già nhé anh Hiệp ơi! bên này đang mùa hoa Phượng hoa Hoàng yến, cỏ dại mọc đầy khu đầm lầy này.. đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mời cả Marg nữa, hai anh em qua đây M pha cà phơ cho uống nha, xem có ngon hơn cafe ngoài phố không?

      Xóa
    2. Trên đường phố Saigon hoa phượng cũng đã đỏ, ve đã kêu râm ran rồi đó chị M.

      Xóa
    3. Hihi, xem thế mà cứ người này rảnh thì người kia lại bận :-))

      Thôi hôm nào chị nhắm bác Bu vào Saigon mình cà phê một bữa.

      Xóa
  6. Biết là thế nhưng cũng đừng mất lòng tin quá bác Hiệp ạ, vẫn có những người tốt, tour tốt dù là rất ít :(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi rất tin tưởng đó TT, hihi, vẫn còn chưa có dịp ra Bắc cafe với các bạn một chuyến.

      Xóa
  7. Như HN mà đề cập đến chuyện dân Thái thì khó quá, chỉ xin kể rằng vào 1970's đi học Huế, mùa nhỡn (nhãn lồng) tối đi từ đầu này tới đầu kia chợ Đông Ba đến hàng nhãn thử (để mua) thì no bụng. Thì ra sau này mới biết mấy bà bán nhãn thừa biết mình đi kiếm nhãn ăn nhưng cũng vui vẻ. Bây giờ thì cứ gọi là. Mời bá NHP đọc trả lời ké của HN ở comment của nguoigia online nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác HN ạ, tôi đã nói không hề kỳ thị nơi chốn, vùng, miền, nhưng tôi cũng biết rõ điều này, những nơi lộn xộn nhất, xảy ra nhiều chuyện hình sự lại là những nơi dân nhập cư ở nhiều, nhất là dân nhập cư từ Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ninh...

      Xóa

:) :( :)) :(( =))