Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Văn hóa... treo.

                             Ảnh chụp lại từ báo TT ngày 22-4-2013.

Sáng nay đọc báo Tuổi Trẻ thấy hình ảnh và bài viết về "Ngày hội sách và văn hóa đọc", tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), diễn ra ngày 20-4-2013, vừa buồn cười vừa ngán ngẩm. Nhìn hình ảnh trên báo thì các bạn thấy. Những độc giả ngồi đọc những quyển sách được treo toòng teng bằng những sợi dây. Đó là hình ảnh trong một gian phòng đọc sách miễn phí của NXB Kim Đồng trong hội sách. Các em nhỏ và các bậc phụ huynh (trên hình thì các bậc phụ huynh nhiều hơn), mồ hôi mồ kê do trời oi bức đang đọc, hoặc chờ đến lượt mình đọc. Và cái lý do ai cũng hiểu, là treo lên như thế cho khỏi mất sách. Cô gái trẻ phục vụ gian sách miễn phí khi được hỏi cho biết:

"Chúng em năm nào cũng làm gian đọc sách miễn phí, và năm nào cũng mất. Từ sáng đến chiều là tan tác, chỉ còn vài quyển lơ thơ. Bất đắc dĩ lắm mới phải treo lên thế này".

Tự nhiên câu chuyện này làm tôi lại nhớ đến một câu chuyện khác, đã xa xưa, cách nay đến cả gần 30 năm, cái thời được gọi là bao cấp làm việc cho nhà nước. Trong cơ quan tôi lúc bấy giờ có tổ chức cái bếp ăn tập thể, nấu ăn cho CB-CNV ăn bữa trưa. Cơm ăn bằng đĩa, xúc bằng thìa, muỗng, giống như ăn cơm đĩa ở các quán ăn Saigon bây giờ. Vị lãnh đạo cơ quan cũng ăn ở bếp ăn tập thể ấy một hôm kể câu chuyện từ thời ông còn trẻ tập kết ở ngoài Hà Nội, cũng trong một bếp ăn tập thể của cơ quan, ông nói: "Cái thìa bằng nhôm thời ông ấy ở cơ quan ngoài Hà Nội nó không như cái thìa bây giờ, cái thìa có đục một lỗ ở giữa, cái thìa đó không múc nước canh húp được, bởi vì múc nước canh chảy hết, chỉ còn vớt được chút rau củ lõng bõng". Mọi người ngạc nhiên hỏi tại sao thế? Thủ trưởng giải thích, nếu không đục lỗ như thế bao nhiêu thìa cũng bị mất sạch hết, chẳng còn cái nào...

Câu chuyện kể như một loại khôi hài, nhưng chắc có thật vì vị lãnh đạo cơ quan có lẽ chẳng bịa ra để làm gì. Cái thìa công dụng chính là để múc nước canh khi ăn cơm, vậy mà lại bị đục thủng lỗ để tránh bị mất cắp... Ấy là chuyện thời... xa xưa, cách nay cũng năm sáu mươi năm, lúc đó xã hội còn quá khó khăn.

Trong hai câu chuyện mới và cũ tôi viết bên trên có cái giống nhau và có cái khác nhau. Giống nhau ở điểm "chống mất cắp", ngày nay quyển sách được cột giây treo lên lủng lẳng, và ngày xưa cái thìa bị đục thủng lỗ. Và khác nhau ở điểm, một đằng chuyện xảy ra ở một bếp ăn tập thể cơ quan thời còn rất khó khăn, một đằng chuyện xảy ra bây giờ, khi cuộc sống đã khá, trong một ngày hội mang tên "Ngày hội sách và văn hóa đọc", xảy ra ở ngay trong Văn miếu Quốc Tử Giám.

Mấy hôm nay bên nhà anh bạn "Cụ đồ trẻ" Toro có viết bài "Đứt quãng văn hóa". Toro viết về một ngôi làng quê thuộc Hà Nội, làng có đình đàng hoàng nhưng hỏi ra chẳng biết thờ ai, vì đã bị ăn trộm vào lấy sạch hết sắc phong. Tuy đình làng còn một số hoành phi, câu đối chữ nghĩa tiếng Hán, nhưng trong làng mù tịt chẳng còn ai biết chút gì, thế là "máu giang hồ" (chữ của Toro) nổi lên, chàng ta bèn chụp những chữ Hán ấy đem về nghiên cứu, cũng tìm ra được chút ít manh mối cho làng... Và Toro gọi việc này là "đứt quãng văn hóa truyền thống". Trong khi ông bạn già Bulukhin thì cho rằng đây là sự biến đổi, biến dị văn hóa...

Nhưng khi hình ảnh của một ngày hội đọc sách, được tổ chức tại Văn miếu Quốc Tử Giám, mà sách đọc miễn phí được treo lủng lẳng để chống mất cắp (bởi đã bị mất cắp nhiều lần), thì nền văn hóa của xã hội đó không phải chỉ bị "đứt quãng", hay "biến đổi, biến dị" nữa, mà chúng ta có thể buồn rầu mà nói: Nền văn hóa đã gặp thảm họa.








22 nhận xét :

  1. Cái thìa đục lỗ, chén uống trà thì bẻ quai, bút viết gắn dây lò xo nhựa, cây cảnh xích gốc v v... là chuyện cũng "thường thôi" khi xưa. Nó được phòng bị chu đáo như trẻ con xưa phải mặc quần mổ đũng, kẻo nó đùn ra quần, "bửn" chết.
    .
    Có lần tôi đến chơi một nhà quan viên, bước lên thềm thấy một loạt dép nhựa trắng bị cắt mũi (cắt lõm đầu). Hỏi mới biết rằng, nếu không vậy thì khách khứa đi nhầm về mất.
    .
    Kiểu đục lỗ các thìa, những năm 1970-1990, phổ biến ở các cửa hàng ăn XHCN và bếp ăn tập thể, nó còn phổ quát hơn phong trào ao cá, cá của ..
    .
    Ôi, nền văn hóa tòng teng.
    Phát hiện của Bác thật thú vị.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Văn hóa toòng teng", thoạt tiên tôi định dùng cái từ này cho tựa entry, nhưng nghĩ lại thấy nó... gơi hình quá, nên thôi bác ạ.

      Xóa
    2. Anh VP nói đến đôi dép bị cắt ở mũi dép, làm M lại nhớ hôm năm ngoái lúc đi Vũng Tàu chơi, mấy đứa con nói vào khách sạn công đoàn cho rẻ mẹ ạ. Thế là vào đó, không kể chuyện khác, chỉ kể lại mấy đôi dép (loại nhựa nặng) để ở trong phòng ngủ tất cả cũng đều bị cắt mũi dép cũng "để phòng bị lấy mất"!!!

      Xóa
    3. Hihi, hồi cách nay cả gần 20 năm tôi có ở khách sạn Công Đoàn này (cơ quan cho đi nghỉ mát), cũng thấy chuyện dép nhựa bị cắt mất mũi, có lẽ người ta không sợ bị mất cắp đâu, bởi trước khi trả phòng có người đi kiểm tra cẩn thận đồ đạc. Nhưng chắc người ta không muốn cho khách lấy dép này đi ra khỏi khách sạn, sợ... mòn dép!!.

      Và cái khách sạn Công Đoàn hồi đó được quản lý bởi những người ở miền Bắc vào. Bây giờ vẫn còn điều này sao? Hay là những đôi dép này vẫn còn... tồn tại đến nay, mấy chục năm rồi. Mà chắc thế, giờ chẳng ai sản xuất loại dép nhựa tái sinh nặng chịch nữa đâu. Có được sử dụng mấy đâu mà hư hỏng. Haha!

      Xóa
  2. Đấy là sự tha hóa, và người đối diện cũng không thấy như vậy là sự sỉ nhục nữa, các bác ạ. Họ đang nghi mình ăn cắp đấy nhưng không sao... Kinh khủng là ở chỗ đó. VanPham nói đúng, chuyện thìa đục lỗ, bút bi buộc dây, quán nước chè cho bật lửa vào cái ống bơ đổ xi măng... là những chuyện được cộng đồng chấp nhận, trở thành chuyện đương nhiên rồi. Bác H gọi là thảm họa cũng được,nhưng sư phụ em thường nói: Dân của Kiệt Trụ cũng là dân của Thang Vũ, dân như nước, người cầm quyền như khuôn. Do đó, nói để buồn nhưng cũng chả nên bi quan các bác ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái kinh khủng và nguy hiểm ở chỗ đó Toro, là xã hội bây giờ đã quá quen với cái xấu, cái ác, với những tai họa do quản lý đất nước yếu kém mà ra. Kêu không thấu, nói không tới, người ta quay ra "tâm linh", "vỗ béo" sư và cha, và tặc lưỡi "cái số nó thế" :-((((((((((((

      Xóa
  3. 1- Bu tui đã ăn phở không người lái (chỉ có nước không có thịt) bằng thìa đục lỗ (Không phải một lỗ mà nhiều lỗ) tại thủ đô Hà Nội trong hồi đánh Mỹ.
    2- Việt Nam ta đọc sách đội sổ một số nước Đông Nam Á. Người Mã Lai đọc sách bằng 8 lần người Việt Nam
    3- Trung bình mỗi người Việt nam đọc 0,3 quyển sách /năm, riêng nông dân đọc 0 quyển/năm. Vụ sách treo để đuổi kịp và vượt Mã Lai đây.
    4- Đúng là chính phủ nào dân ấy, dân nào chính phủ ấy
    huhuhu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những thống kê xã hội bác Bu đưa về đọc sách hôm nọ tôi cũg đọc được. Trung bình người dân mình đọc 0,3 quyển sách/năm, nông dân thì là con số 0 tròn trĩnh, và càng người có chức có quyền thì càng không đọc.

      Hồi này ở Saigon các nhà xuát bản, nhà sách, ngành văn hóa đã ráo riết quảng cáo sách, tổ chức chợ sách... Lần nào tôi cũng đi xem, nhưng thú thật, tìm được một quyển sách mới cho mình là quá khó, quá hiếm sách hay, và thú thật, sách mới bây giờ quá đắt. Tôi vẫn tìm được những quyển sách cũ, rất hay, giá rất rẻ, ở những bà bán sách lạc xoong vỉa hè. Hôm nào bác Bu ghé Saigon tôi dẫn bác đi mua sách lạc xoong.

      Xóa
  4. Đọc tựa entry " Văn hóa treo " nghĩ chắc cái gì đó giống như " Quy hoạch treo" , ai dè thiệt là cụ thể , treo đúng theo nghĩa đen, lủng lẳng , toòng teng , hihihi...
    Hồi còn học sinh ,thỉnh thoảng đi học về , ghé vô nhà sách Khai Trí- một nhà sách tư nhân khá lớn ở Saigon- đứng đọc sách ké , đọc bao nhiêu lâu cũng được , không mua cũng được . Sách để đầy trên kệ , tha hồ đọc , nhà sách không nói gì cả .
    Có hôm đang đọc , ai đó lại gần khều mình một cái, nhìn lên là cô giáo chủ nhiệm ( ngày xưa gọi là giáo sư hướng dẫn )cũng vào chọn sách , liền vòng tay chào cô . Cô trò đều mặc áo dài, khung cảnh ở nhà sách tư nhân đầy nét văn hóa ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, treo lủng lẳng những quyển sách, một cách chống trộm sách khá... sáng kiến.

      Aaa, nói đến nhà sách Khai Trí hồi xưa, có lần tôi về phép ghé, hỏi cô bán sách mặc áo dài duyên dáng đứng bên những kệ sách, rằng cô có quyển "Đàn bà qua tướng pháp không?" (quyển sách coi tướng này do người bạn ở đơn vị nhờ tôi về Saigon hỏi mua giúp). Cô bán sách trả lời bằng giọng Huế rất dễ thương mà tôi phải xin lỗi nhờ cô ấy nói hai ba lần mới hiểu. Cô ấy nói như thế này: "Em không có sách tướng đàn bà Pháp, chỉ có sách tướng đàn bà Việt Nam".

      Hồi xưa tôi hay ghé nhà sách Khai Trí, hình như có thấy bạn Marguerite mặc áo dài trắng đeo Hiệu đoàn Gia Long đọc sách ké. Mà xưa tụi học trò rắn mắt nói là "đọc sách cọp" :-)))

      Xóa
  5. Thời bao cấp nhất là trong giới SV có câu: tăng xin,giảm mua, tích cực cầm nhầm...Nếu thiếu thốn quá mà làm thế thì còn có thể thông cảm được nhưng có người nổi tiếng, giầu có đi siêu thị ở nước ngoài cũng cầm nhầm thế thì nó là cái tính người rồi bác nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái thời khó khăn bao cấp thì chuyện cầm nhầm là dễ hiểu, nhưng tôi có suy nghĩ thế này. Những người thật sự thích đọc sách, coi sách là bạn, thường là người tử tế, có văn hóa, không có tính trộm cắp, như TT thấy "Bà xui" Marg. của TT viết bên trên. Còn những vị giàu có, thậm chí có quyền chức, tiếng tăm, mà có tính thích cầm nhầm thì cái tính này nó ăn vào máu rồi. Chán thật!

      Xóa
  6. Phải đau xót mà nói rằng người Việt ta ăn cắp vặt đứng đầu thế giới, cái này các cụ xưa đã nói tới. Vì nghèo chăng, chưa hẳn, người Lào, người Cam Bốt đâu có giàu nhưng họ không thế. Tôi đi Khảo sát bên Lào nắng quá vào trú một cái chòi giữa đồng, trong chòi toàn lúa. Nông dân Lào không đem lúa về nhà mà để giữa đồng cần thì mang một ít về xay ăn. Các cô đi chợ Sa Vằn xe đạp không khóa xe không bao giờ mất.
    Hồi chiến tranh một gả Đan Mạch làm phim "Một dân tộc không thể hợp tác", nó quay cận cảnh người ăn phở bằng thìa đục lỗ, một anh công nhân đóng đinh vào thùng, cứ đóng vài cái lại bỏ vào túi một cái. Ở cảng Tiên Sa một dạo công nhân vào làm việc, đi vào cân, đi ra cân, trọng lượng dôi ra là thép phi 6 quân vào người. Dôi ít cho qua, dôi nhiều quá thí bắt bỏ lại.
    Tìm cho ta nguyên nhân tại sao người mình hay ăn cắp vặt không phải dễ bu tui nghĩ không ra nên lai rai thêm vài dòng cho đỡ giận.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hichic! Có thể mình nghĩ là do từng có thời khó khăn quá nên con người mới thế, "Bần cùng sinh đạo tặc". Nhưng đúng như bác Bu nói, hồi tôi ở trong làng Thượng trên cao nguyên, người Thiểu số ngưới ta nghèo lắm, có khi không có ăn, không có mặc, nhưng ăn cắp là một cái gì đó xa lạ, tối kị đối với họ. Và ta cũng có thể thấy, những người đi đọc sách ở hội sách bây giờ, không phải là người khó khăn, cũng không phải là người ăn cắp chuyên nghiệp, nhưng không hiểu sao sách vẫn cứ mất, nghĩa là có những người khá giả, có khi đáng kính sẵn sàng bỏ vào túi xách của mình một hai quyển sách, thay vì phải mua nó.

      Tôi cũng chẳng thể nghĩ ra được, cũng như bác vậy. :-((

      Xóa
    2. Anh Bu ơi! dạo này ở Phnom Penh, M đi chơi với mấy em, vào trong chợ cũng mê mải chụp hình chợ thời Tây của họ, thì con bé Xuân Hà (người Hoa gốc Miên) dành lấy cái túi xách của M để mang hộ, cô ấy nói: "Cô vừa chụp hình vừa đeo túi nguy hiểm dễ bị giựt.. "

      Hix, hình như nạn giựt túi xách đã đến Campuchia rồi đó anh ạ!

      Xóa
  7. Nhưng chúng ta vẫn thấy những điều hay mà anh Hiệp ơi! Đôi khi M vào các nhà sách ở Sài Gòn, thấy người lớn và đám trẻ con vẫn ngồi ở góc tủ sách, ngồi vừa mát vừa đọc, chán mới đứng lên đi về.

    Nhưng mà hình ảnh đó ở Văn Miếu treo sách như thế thì đúng là đáng buồn cho cái đạo đức của người mình thiệt đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng rất may là như chị M. nói, vẫn còn những hình ảnh rất hay ở Saigon, trong nhà sách vẫn còn những bậc phụ huynh, học sinh đủ mọi cấp, sinh viên... vào nhà sách ngồi một góc say mê đọc một quyển sách mình thích. Điều hay thứ nhì là nhà sách không hề tỏ ý gì bực mình vì về chuyện đọc sách ké đó, có nơi còn đặt những chiếc ghế nhựa thấp nơi các góc để cho độc giả ngồi đọc thoải mái. Và chắc không ai "mượn tạm" sách cho nên việc đọc sách ké này vẫn tồn tại lâu nay.

      Cũng là một nét văn hóa ha chị M. :-))

      Xóa
    2. Đúng rồi đó, M nhìn những hình ảnh đó M thích lắm đó anh Hiệp ơi!

      Xóa
  8. Về chuyện này, những bạn trẻ phương Tây đến Việt Nam nhất là theo học môn VN học ở các trường đại học chứng kiến được thì ...cứ gọi là!! Không khéo lại trở thành đầ tài cho một luận án tiến sĩ hay khóa luận cao học không chừng! Buồn thật!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đề tài cho một luận án tiến sĩ? Hihi! ý tưởng của bác độc đáo lắm đó.

      Xóa
  9. Cũng là một vấn đề bác ơi -tui đã chứng kiến các nhà sách -Một hai năm lại mang sách đi bán ký vì .....những sách được giải cao in nhiều mà ''Treo '' lâu trên giá không có ai đọc phải mang bán ký đó bác ạ -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái này chắc gọi là "Treo cao giá ngọc" đó bạn :-))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))