Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Lang thang cuối tuần.

Hôm qua có việc đi Bình Dương, một nơi cách Saigon không xa, chỉ khoảng vài chục cây số, khoảng non một giờ xe chạy. Phải nói Bình Dương là một nơi đang thay đổi từng ngày, đường phố, nhà cửa khang trang, sạch sẽ hơn...

Tôi cùng vài người trong gia đình đi thăm mộ người thân. "Thanh minh trong tiết tháng ba...", bây giờ đang tháng ba âm lịch, thời gian trong năm để tưởng nhớ đến người thân đã khuất. Vài năm gần đây, ở Saigon giải tỏa những nghĩa trang cũ quanh TP để lấy đất xây dựng, thế là mộ người thân được cải táng, đưa lên một nơi không xa Saigon mấy, đó là Nghĩa trang Công viên Bình Dương, nằm tại Bến Cát. Một nghĩa trang rất đẹp, như một công viên (nhưng không có nhà hàng, cà phê ồn ào...), rất yên tĩnh, và nhất là rất an ninh, giữa những rừng cao su... Nhiều văn nghệ sỹ khi mất được yên nghỉ tại đây, như nhà văn Sơn Nam, đạo diễn Huỳnh Phước Điền..., mới đây nghệ sỹ Hồ Kiểng cũng được đưa về đây an táng.

Thường thì khi đi như thế, tôi kết hợp hai ba việc làm một, đi thăm người thân đã khuất, khi về ghé qua một vài nơi ở Bình Dương, cũng tạm gọi là "du lịch dã ngoại" như ghé uống cà phê ở một hai quán khá dễ thương tại Bình Dương, hay ghé ăn món "đặc sản" xưa nay là bánh bèo bì, bánh ít trần... gần nơi chợ Búng. Đặc biệt mấy nơi này còn khá chân chất trong việc buôn bán, không chặt chém du khách, giá cả ăn uống chỉ bằng một nửa hoặc cao lắm là hai phần ba ở Saigon...


                       Chùa Bà Bình Dương.

Mỗi lần đi như thế tôi cũng thường ghé thăm mấy nơi, như chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương, chùa Hội Khánh, một ngôi chùa cổ đẹp, yên tĩnh gần chùa Bà, đã có gần 300 năm tuổi, và thường khi đến chùa Bà,  tôi cũng không quên ngắm nhìn ngôi nhà thờ Chánh tòa, cũng gọi là nhà thờ Phú Cường thuộc họ đạo Phú Cường - Bình Dương, nằm trên một khu đất cao kế đó. Ngôi nhà thờ có kiến trúc kiểu Pháp, được xây dựng từ thời Pháp, theo tài liệu thì vào năm 1941.

Chùa Bà được xây dựng bởi những người Minh Hương xa xứ, chắc vào khoảng thời nhà Nguyễn cho những người Minh Hương vào đất Gia Định lập nghiệp. Như vậy với 3 kiến trúc tôn giáo kể trên, tượng trưng cho 3 thời kỳ lịch sử của đất Bình Dương. Chùa Hội Khánh với gần 300 năm xây dựng, là thời kỳ đầu khẩn hoang, lập nên Gia Định. Chùa Bà của người Minh Hương thời nhà Nguyễn lập cơ nghiệp. Nhà thờ giáo xứ Phú Cường là chứng nhân cho thời Pháp thuộc cận đại.


                                   Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường cũ. Ảnh Internet.

Nhưng ngày hôm qua (17-4), khi ghé chùa Bà, tôi nhìn sang khu đồi nhà thờ Chánh tòa thì giật mình, nhà thờ cũ không còn nữa, thay vào đó là một ngôi nhà thờ mới xây, khá bề thế, đang trong giai đoạn hoàn tất. Nhà thờ được xây dựng theo lối kiến trúc "lai", phía trước với kiểu kiến trúc Gotich, trông nhang nhác như nhà thờ Đức Bà Saigon, với 2 tháp chuông vươn cao. Phía sau là một cái mái tròn, mà theo như nhận xét của bác tài tôi hợp đồng xe, là trông giống như đền thờ đạo Hồi. Bác tài hợp đồng hay chở khách đi du lịch, cho nên khá rành rẽ, bác tài cho biết thêm, công ty xây dựng ngôi nhà thờ này cũng chính là công ty xây dựng nhà thờ Ba Chuông ở Saigon.Toàn bộ ngôi nhà thờ như các bạn thấy trong hình, phủ một màu xám nhạt cho đến xám đậm.



                Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường  mới xây.

Trong khi loay hoay ngắm nhà thờ mới và chụp hình, một người dân ở đó nói với tôi, nhà thờ đẹp quá ha?, và cũng cho biết thêm, vì nhà thờ cũ đã xuống cấp hư hỏng cho nên nhà xứ cho xây lại nhà thờ mới. Và người ta khen là ngôi nhà thờ mới to đẹp hơn ngôi nhà thờ cũ.

Kể ra thì ngôi nhà thờ Phú Cường mới như các bạn đã thấy hình bên trên, trông bề thế hơn ngôi nhà thờ kiểu Tây cũ. Tuy nhiên trong suốt chuyến đi về, ngồi trên xe tôi cứ ngẫm nghĩ, và nuối tiếc. Ngôi nhà thờ Phú Cường cũ được xây từ thời Pháp, bản thân ngôi nhà thờ không còn là một ngôi nhà thờ cũ nữa, mà là chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử của Bình Dương. Thay vì đập bỏ hoàn toàn để xây nhà thờ mới, nếu có xuống cấp, nhà xứ cho sửa chữa cải tạo và giữ lại được kiến trúc cũ thì hay quá. Kiến trúc của 3 cột mốc lịch sử của Bình Dương như tôi đã nói bên trên. Chùa Hội Khánh, thời mở mang bờ cõi. Chùa Bà, thời nhà Nguyễn lập nghiệp. Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường, thời Pháp thuộc, một cột mốc lịch sử của Bình Dương nay đã mất đi vĩnh viễn...

Tôi sẽ post tiếp dưới đây những hình ảnh của chùa Hội Khánh, một ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ XVIII (1741), tuy nhiên ngôi chùa này đã bị thiêu hủy trong chiến tranh, và ngôi chùa hiện nay đã được xây dựng lại vào năm 1868 (thời vua nhà Nguyễn), từ đó đến nay cũng đã được tu sửa nhiều lần, nhưng may thay vẫn còn giữ lại được cái dáng vẻ của kiến trúc cũ. Nếu tính vào thời điểm chùa Hội Khánh được xây dựng lại (1868) đến nay (2013), chùa cũng đã được 145 năm. Trong khuôn viên nhà chùa vẫn còn giữ được những cây dầu cổ thụ cao vút như trong hình chụp. Một ngôi chùa mà mỗi khi ghé thăm, tôi luôn có một cảm giác an bình...


                              Cổng và bảo tháp chùa Hội Khánh.

                                          Chánh điện chùa Hội Khánh.



                                                   Bảo tháp.

               Tượng Phật nhập Niết bàn ở khu đất đối diện chùa cổ, cách một con đường.

                         Nhà sư nữ đang ngồi đọc sách dưới các gốc cây cổ thụ.

                       Cô giáo giảng viên mỹ thuật đang hướng dẫn học sinh vẽ ngôi bảo tháp.

Chùa Hội Khánh ngày nay là một Trung tâm tu học của Phật giáo trong vùng, trong sân chùa cũng có bia ghi nhận di tích, hôm tôi ghé và chụp mấy tấm hình, như các bạn đã thấy, có lẽ chùa cũng mới được sơn phết lại, trông phần nào mất đi vẻ cổ kính, tuy nhiên nếu các bạn có dịp nào ghé qua Bình Dương cũng nên ghé thăm ngôi chùa yên tịnh này.



Tái bút: ngôi mộ của người thân ở Công viên Nghĩa trang Bình Dương.


24 nhận xét :

  1. Ngôi chùa đẹp và rộng ,không bị nhồi nhét những kiến trúc trang trí mới tạo như một số chùa ngày nay .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. May mắn là cho đến giờ chùa HK vẫn còn giữ được cái không gian kiến trúc cũ. Nhiều ngôi chùa cổ xưa khuôn viên rộng rãi, các đời sau cứ nhồi nhét thêm vào đủ thứ.

      Xóa
  2. Có lẻ người ta muốn xây lại một ngôi nhà thờ hoàn toàn mới cho ...tân thời , chứ các công trình kiến trúc thời Pháp khá bền vững . Nó có thể xuống cấp , cũ kỹ , nhưng kết cấu chịu lực không đến mức ngại sụp đổ . Có công trình cả trăm năm vẫn còn tồn tại . Công ty xây dựng của Pháp trước đây xây dựng Tòa án Thành phố HCM có gửi thư thông báo công trình đã quá hạn sử dụng . Vậy mà vào đó , kết cấu tường gạch , cột thấy vẫn chắc chắn , trừ kết cấu mái bằng gỗ , ngói phải thay ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng thế đó, cái xu hướng tân thời đang ngự trị trong tất cả mọi ngóc ngách của xã hội. Tân thời là cần thiết, nhưng không phải thứ tân thời bất chấp, không có chút suy nghĩ.

      Có lẽ người ta lấy lý do nhà thờ xuống cấp để đập đi xây nhà thờ mới, và chắc để tìm kiếm sự quyên góp của giáo dân. Chứ dễ gì một ngôi nhà thờ thời Pháp với tường dày 40, 50cm, lại được xây trên gò cao mà hư hỏng đến nỗi phải đập bỏ.

      Tiếc đấy lại là nhân chứng của một vùng đất, thế mà chẳng ai nghĩ đến việc phải giữ lại...

      Xóa
    2. Nhà thờ cũ tôi đã đến tĩnh tâm một lần, khi còn đi học chơi với Thanh Sinh Công. Tiếc ngẩn người anh M. ạ.

      Xóa
  3. Ba di tích của một Bình Dương và ý thức con người trong các thời kỳ. Bài viết thật ý nghĩa.
    Những bức ảnh đẹp.
    Cảm ơn Bác!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác VanPham đã vào xem, bên bác viết về di tích ngoài Bắc hay lắm.
      :-))

      Xóa
  4. Entry hay và những bức ảnh thật tuyệt vời. Có hai điều mạo muội chia sẻ thêm với bác Hiệp và bè bạn(Vì mình biết đích xác)
    Một là chuyện nhà thờ: Với chủ trương hiện nay của "Ai đó_Trên kia", được dở bỏ, xây mới trên diện tích cũ đã là mừng, đừng hòng xây cất mới hoàn toàn dù trong vẫn trong diện tích địa phận giáo hội! Việc này Đồng Nai từng lắm nhiêu khê...
    Hai là chuyện chùa Bà Thiên Hậu... Sau ngày ba mươi năm ấy, chùa rất hoang phế và ít người lui tới. Hậu cần công an tỉnh Bình Dương từng có thời gian tận dụng làm kho chứa đồ tạp nham của họ nửa cơ. Có một cô làm ở ngân hàng, chơi hụi bị vỡ nợ thậm chí cái xe đạp Cữu Long cũng bị người ta xiết. Gia đình nhà chồng bị chủ nợ cô ấy tới lui làm phiền riết đành đuổi cổ đi, cơ quan cũng buộc thôi việc!Cô ấy tá túc ở chái hông chùa Bà mà đi lang thang kiếm sống. Một lần gặp bạn quen cho ít tiền ăn cơm, cổ nhịn đói hổng ăn mà lấy tiền ấy mua... một chai thuốc chuột và mấy tấm vé số. Trở lại chùa, cổ"ra giá"với đức bà Thiên Hậu:"Một là Bà cho con trúng số giải quyết nợ nần, hai là con uống hết chai thuốc chuột này nếu vé số hổng trúng!".
    Hổng biết Bà linh thiêng phù hộ hay sợ cổ chết trong chùa mà chiều ấy cô trúng độc đắc! Từ đó tin đồn lại rộ lên và mùa vía bà lại khởi sắc ngày một tấp nập... Haizzzzzzza.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn NguoiGia đã cho biết thêm những tư liệu. Trong ba cột mốc lịch sử kể trên, thì nhà thờ đã tiêu, Chùa Bà thì chỉ còn thuần ý nghĩa lịch sử, chứ nơi đây quá bát nháo, từ cái buôn bán tiểu thương níu kéo mời chào đầy sân chùa, đến cái buôn bán thần thánh mỗi năm vào dịp rằm tháng giêng của nhà chùa (thực ra đây là một nguồn thu "khủng" của BD).
      Người ta phải tạo ra những "huyền thoại" mới "kiếm xìn" của bá tánh được. Hichic!

      Xóa
  5. em thì ko thích nhà thờ với tông màu xám xịt như thế

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nói rất chính xác, hãy nhin xem tất cả những ngôi nhà thờ thời Pháp ở các nơi, có ngôi nhà thờ nào có cái tông màu xám như thế. Giữa PG và TCG có cái khác biệt. PG nghiêng về triết lý, trầm mặc, với những gì xưa cũ, còn TCG nghiêng về hành động, tươi vui. Nghe tiếng chuông chùa và tiếng chuông nhà thờ sẽ nhận ra ngay...

      Xóa
  6. Xu hướng tân trang, và nhất là dỡ bỏ cái cũ, xây dựng mới đang là một trào lưu phổ biến hiện nay, HN có vô số ngôi chùa cổ bị biến dạng đến mức không còn bóng dáng cũ đã trải qua nhiều thế kỷ như chùa Hòe Nhai, chùa Vạn Niên, chùa Thiên Niên, chùa Thiên Phúc... Xót xa vô cùng các bác ạ. Không ngờ bên Thiên Chúa giáo cũng bị ảnh hưởng, cũng không ngại ngần dỡ bỏ nhà thờ mấy trăm tuổi như ở Bình Dương.
    Chùa Hội Khánh đẹp quá, đặc trưng phong cách thời nhà Nguyễn từ Huế trở vô. Kiến trúc còn giữ được nguyên bản cả tổng thể như vậy thật tuyệt. Chùa bà Thiên Hậu thì quá đặc trưng Tàu rồi, ở đâu cũng motif đó...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi vào trang Web của Giáo xứ Phú Cường, thấy giới thiệu những vị "trú trì" ở đấy rất trẻ. Té ra cái câu nói dân gian "Trẻ người non dạ" lại rất đúng.

      Trong 3 cột mốc lịch sử ở BD tôi kể bên trên, đến giờ này (cũng chỉ dám nói thế, mai mốt biết ra sao?), chỉ còn chùa Hội Khánh là còn giữ được vẻ cổ xưa, từ không gian đến kiến trúc. Cầu cho chùa giữ được như thế.

      Còn chùa Bà như tôi đã nói bên trên, đây chỉ là "nguồn thu" của nhiều người, rất bát nháo. Tết người ta có đấu giá cả lồng đèn treo ở chùa, mấy năm trước báo đăng doanh nghiệp Saigon đấu giá bạc tỉ một cái lồng đèn. Khiếp

      Xóa
  7. Vào đọc xong từ trên xuống dưới rồi. Mai mốt sẽ ghé thăm cái Nghĩa trang Công viên Bình Dương. Anh đã qua xem chùa Châu Thới bên nhà M chưa?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy chị M. có dịp ghé qua thử, nó nằm ở Bến Cát, từ BD phải đi mấy chục cây số nữa.
      Lát về sẽ qua chị xem núi Châu Thới.

      Xóa
  8. Đập bỏ thì dễ quá rồi, làm sao tôn tạo mà gìn giữ được kiến trúc cổ thì mới khó chứ bác Hiệp nhỉ. Lang thang như bác thật là thú vị. Theo chân bác Hiệp vào chùa HK ở đây thấy thanh tĩnh, bình yên chứ đi chùa Châu Thới nên trang blog của chị Mùi thì không tìm thấy cảm giác ấy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, phá bỏ bao giờ cũng khó hơn tôn tạo lại, phá bỏ cái cũ không có giá trị lịch sử để làm cái mới thì nên lắm, nhưng phá cái cũ đã là lịch sử thì tội quá TT nhỉ?

      Cái chùa Châu Thới bây giờ nó kinh dị quá, TT xem các vị nào ở đấy gom đủ thứ vào một giuộc, đền, điện, chùa, đình, miếu, văn miếu... với đủ màu sắc lòe loẹt và phản văn hóa. Tại sao nó lại tồn tại được? :-(((

      Xóa
    2. Đập bỏ dễ hơn tôn tạo TT ha?

      Xóa
    3. Kính chào các anh chị, nhất là bác chủ nhà Ngọc Hiệp, rất thích bác có chung nỗi niềm về nhà thờ chánh tòa Phú Cường. Như bác NG nói trên, chính quyền không cho phép xây nhà nhờ nơi khác ( mới đây lại cho phép xây 1 nhà thờ nho nhỏ đầu TP mới), trong khi nhà thờ cũ xuống cấp quá, lại khong đủ diện tích cho giáo dân khi có lễ lớn....
      Chùa Hội Khánh thì còn được chút hồn bên ngoài thôi, bên trong cũng lát gạch bông hết rồi, và người ta gọi đó là trùng tu. Buồn thay. Các chùa cổ khác thì số phận còn tệ hơn nữa.
      Bác Bulukhin Nguyễn muốn lên BÌnh Dương tìm hiểu "lăng" mộ cổ của các bnhà quyền quý thì xin liên hệ với tôi. Có thể kể cho bác vài chỗ:
      1) Trên đường vô chùa Sắc Tứ Thiên Tôn ( gần ngã tư An Sơn, bánh bèo Mỹ Liên lên 3km, hoặc ngã tư trước Metro BÌnh Dương)
      2) Mả ông Lân đường Nguyễn Đức Thuận gần bệnh viện Bình Dương.
      3) Mộ ông Cả Luận ( gần tiệm gò hàn đồ thiếc của ông 9 Chuột, gần đình Bến Thế, xã Tân An )
      Các bác có thể liên hệ với tôi tại Facebook Bình Dương xưa và nay:
      https://www.facebook.com/media/set/?set=a.455355594543996.1073741829.455248791221343&type=3
      Hoặc: Bacsi Nhaque:
      https://www.facebook.com/bsnhaque

      Email: bsnhaque@gmail.com

      Xin tham khảo Blog của một người bạn của tôi:
      http://binhduongxua.blogspot.com/
      Và trang của tôi làm:
      http://binhduongxuavanay.blogspot.com/2013/06/nha-tho-chanh-toa-phu-cuong-xua-va-nay.html

      Xóa
    4. Cám ơn bạn đã vào và cho biết một số thông tin về BD. Chúc bạn an khang.

      Xóa
  9. Nhiều lần bu tui định lên nghĩa trang Bình Dương chụp hình lăng mộ để tham khảo làm ở quê nhà. Đọc mấy câu đầu mừng thầm sẽ sẽ xem được hình lăng mộ đây, hóa ra chỉ có nhà thờ với chùa. mừng hụt, hihihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi bổ túc tấm hình ngôi mộ của người thân bên trên. Ở nghĩa trang này những ngôi mộ được làm theo một kiều, bằng đá đen. Ngoại trừ khu dành cho nghệ sỹ, những ngôi mộ được làm theo nhiều kiểu, tùy gia đình.

      Hôm nào có dịp bác Bu ghé xem thử.

      Xóa
    2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))