Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Phục sinh.

Còn khoảng chưa đầy nửa tháng nữa thì đến lễ Phục sinh của người Thiên chúa giáo, tiếng Pháp là Pâques  hay Pâque, và tiếng Anh là Easter. Năm nay lễ Phục sinh được tổ chức vào ngày cuối tháng 3, 31-3-2013. Phục sinh là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của đạo Ki Tô, để tưởng nhớ đến ngày phục sinh của Chúa Giê Su sau khi bị hành hình trên cây thánh giá. Tuy được xác định như thế, nhưng nguồn gốc của lễ Phục sinh có từ xa xưa hơn nơi người Do Thái. Ban đầu là ngày lễ của các bộ lạc Do Thái chăn nuôi gia súc và nông nghiệp, như một nguyện vọng an ủi các linh hồn, và linh hồn sẽ giúp cho việc chăn cừu, và gieo cấy được tốt hơn. Người Do Thái cũng vẫn giữ tập tục làm bánh mì không men cho lễ Vượt qua, trong tiếng Pháp Pâque cũng có nghĩa là lễ Vượt qua, lễ Quá hải (vượt qua Hồng Hải, Biển Đỏ). Lễ Vượt qua kỷ niệm dịp Moise (Môi Sen, Mai Sen) khi xưa dẫn dân Do Thái vượt qua Hồng Hải ra khỏi Ai Cập. Trước đây tín đồ Thiên chúa giáo kỷ niệm lễ Phục sinh trùng với ngày lễ Vượt qua.

Nhân lễ dịp lễ Phục sinh, tôi lại muốn nói qua về những ngôi nhà thờ xưa được xây từ thời Pháp ở Saigon, tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc giáo đường của Tây phương ở vào những thế kỷ trước.

- Nhà thờ Đức Bà: Tuy không phải là ngôi nhà thờ đầu tiên người Pháp xây dựng ở Saigon, nhưng nhà thờ Đức Bà, như tên gọi quen thuộc là ngôi nhà thờ đẹp nhất, và ở ngay trung tâm quận 1 nên được nhiều du khách  ghé thăm nhất.

                                             Nhà thờ Đức Bà Saigon ngày nay, Ảnh Internet.


                               Nhà thờ Đức Bà trước năm 1895, khi chưa làm thêm hai ngọn tháp.

Nhà thờ Đức Bà Saigon còn có những tên gọi khác, Vương cung thánh đường, Nhà thờ Nhà nước (do chính quyền Pháp xây dựng), Nhà thờ Đức Bà Hòa Bình, Nhà thờ Chánh tòa. Tọa lạc ngay tại trung tâm quận 1, quảng trường Công Xã Paris. Năm 1876, toàn quyền Đông Dương ký lệnh giao cho kỹ sư J. Bourard xây dựng với kinh phí trên 2 triệu Phật lăng. Kiến trúc nhà thờ là kiến trúc Roman pha lẫn Gothique, tất cả vật liệu xây dựng đều được mang từ Pháp sang. Đến ngày 11-4-1880 nhân dịp lễ Phục sinh, nhà thờ được khánh thành. Thoạt đầu nhà thờ chưa có 2 đỉnh tháp nhọn (trông giống như Notre Dame de Paris), sau năm 1895 làm thêm 2 đỉnh tháp, trong tháp có bộ chuông 6 chiếc nặng tổng cộng 28. 850kg cũng được làm từ Pháp.

Năm 1903 người Pháp cho dựng tượng đồng Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) tay dắt Hoàng tử Cảnh tại vị trí tượng Đức Mẹ bây giờ, đến năm 1945 tượng bị phá bỏ chỉ còn chiếc bệ tròn. Năm 1958 linh mục Phạm Văn Thiên đặt làm tượng Đức Mẹ bên Ý bằng đá cẩm thạch trắng. Đến ngày 17-2-1959 làm phép khánh thành tượng, nhân việc này nhà thờ được gọi là Nhà thờ Đức Bà. Cũng năm này nhà thờ được Tòa thánh Vatican quyết định phong nhà thờ thành Vương cung thánh đường (tiếng Pháp là basilique), đây là tước hiệu vinh dự (titre honorifique) mà Tòa thánh ban cho một số nhà thờ, cho nên chỉ có những nhà thờ được ban mới được gọi là Thánh đường, có lẽ tương tự như bên Châu Âu có những người được ban tước hiệu Hiệp sĩ. Sau này người ta quen gọi bất cứ ngôi nhà thờ nào cũng là Thánh đường là không đúng. Tượng Đức Mẹ được đặt trên chiếc bệ tròn mà trước đó là tượng của GM Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh đã bị phá bỏ.

                                       Tượng GM Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh. Ảnh Internet.


                                                     Tượng Đức Mẹ ngày nay. Ảnh Internet.


- Nhà thờ Huyện Sĩ, cũng thuộc quận 1 có một ngôi nhà thờ khác tọa lạc tại gần ga xe lửa Saigon cũ, nay ga xe lửa không còn (đã trở thành công viên 23 tháng 9, vật đổi sao dời). Ngày xưa người dân quen gọi là nhà thờ Chợ Đũi, vì xưa là xóm đạo Chợ Đũi. Xóm đạo Chợ Đũi hình thành do giáo dân một số vùng lân cận kéo về lánh nạn diệt đạo của nhà Nguyễn. Bổn mạng  nhà thờ là Thánh Phi-lip-phê tông đồ. Ở Saigon còn tương truyền câu: "Nhứt Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định", nhứt Sĩ chính là ông Lê Phát Đạt, theo Vương Hồng Sển trong Saigon năm xưa, thuở nhỏ ông tên Sĩ, gốc người Cầu Kho. Nhân qua Pénang (Mã Lai) học chữ La Tinh ở trường dòng, gặp thày cùng tên nên đổi qua tên Đạt, nhưng người đời vẫn quen gọi tên Sĩ.

Ông làm thông ngôn cho Tây nhiều năm ở Tân An, có công được phong hàm tri huyện nên được gọi là Huyện Sĩ, trở thành đại điền chủ. Năm 1900 ông bỏ tiền mua đất cất ngôi nhà thờ ở khu xóm đạo Chợ Đũi, nên nhà thờ được đặt theo tên ông. Khi mất thi hài ông được chôn ngay giữa nhà thờ. Kiến trúc của nhà thờ hoàn toàn được xây theo kiến trúc châu Âu cổ kính.

Con trai của ông Huyện Sĩ Lê Phát Đạt là Denis Lê Phát An, quốc tịch Pháp, là ông ngoại của Nam Phương hoàng hậu Marie Thereze Nguyễn Hữu Thị Lan, ông Lê Phát An cũng là người hiến đất làm nhà thờ Hạnh Thông Tây (tên đúng là Hanh Thông Tây) ở Gò Vấp, cũng theo kiến trúc châu Âu.


                                                        Nhà thờ Huyện Sĩ. Ảnh Internet.



                                       Tượng ông Huyện Sĩ nơi khuôn viên nhà thờ. Ảnh Internet.


- Nhà thờ Tân Định, một ngôi nhà thờ kiến trúc Tây phương khác cũng thuộc trung tâm thành phố ở quận 3, là nhà thờ Tân Định, gần chợ Tân Định, thuộc giáo hạt Tân Định. Bổn mạng nhà thờ: Thánh tâm Chúa Giê Su. Thành lập năm 1860, thoạt tiên mang tên An Hòa, được xây mới năm 1876, mở rộng năm 1896, đến năm 1929 xây thêm tháp chuông.



                                                          Nhà thờ Tân Định. Ảnh Internet.


- Nhà thờ Chợ Quán, là một trong những xứ đạo lâu đời nhất vùng Saigon-Gia Định-Cholon, hiện nay thuộc quận 5, và nhà thờ Chợ Quán là ngôi nhà thờ xưa nhất tại vùng đất mới này. Bổn mạng thờ Thánh tâm Chúa Giê Su, Năm 1674 vốn là một nhà nguyện nhỏ của những người nghèo buôn bán ở mấy dãy quán, sau thành chợ (chợ Quán). Năm 1723 lần đầu tiên có một linh mục Dòng Tên là Emmanuel Quintaon đến rao giảng, làm lễ ban phép lành, và nhà nguyện trở thành nhà thờ. Nhà thờ Chợ Quán nhiều lần bị phá hủy, được xây dựng lại vào những năm 1727, 1733, 1793, 1862, 1882. Ngôi nhà thờ hiện nay được xây từ năm 1882 đến năm 1896 mới xong, nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc châu Âu thời ấy.



                                                         Nhà thờ Chợ Quán. Ảnh Internet.

Gần kế bên nhà thờ Chợ Quán, phía đường Trần Hưng Đạo, còn có khu mộ của nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký, người được tấn phong Giáo sư Viện sĩ Pháp, có tên trong Tự điển Bách khoa Larousse, là 18 nhà bác học hàng đầu ở vào thế kỷ 19. Trước năm 75 tên của Ông được đặt cho ngôi trường Trung học lớn nhất Saigon (nay là trường Lê Hồng Phong). Ông sử dụng thông thạo 27 ngoại ngữ, đã để lại cho hậu thế trên 100 tác phẩm, về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển, dịch thuật... Năm 1869 Ông là giám đốc tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở miền Nam là tờ Gia Định báo, còn Hùinh Tịnh Paulus Của làm chủ bút. Hai ông là những người Việt Nam đầu tiên ở Nam kỳ cộng tác với Gia Định báo, sau này còn có Tôn Thọ Tường làm biên tập viên... Thoạt tiên Gia Định báo chỉ là một tờ công báo* của người Pháp, từ khi có Trương Vĩnh Ký đảm trách, tờ báo có thêm mấy nhiệm vụ khác:
- Cổ động cho lối học mới.
- Phát triển chữ quốc ngữ.
- Khuyến khích dân chúng học chữ quốc ngữ.

                                     Khu mộ của nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký. Ảnh Internet.


                                       Chân dung nhà bác học Trương Vĩnh Ký. Ảnh Internet.


                                                 

* Công báo: báo của nhà nước, công bố những văn bản pháp luật quan trọng của các cơ quan lập pháp, hành chính trung ương.


Tham khảo:

- Địa chí Tôn giáo lễ hội Việt Nam, Mai Thanh Hải, NXB VH-TT, xuất bản năm 2008.
- Địa chí Văn hóa TP HCM, tập II: Văn học-Báo chí-Giáo dục, nhiều tác giả, NXB TP HCM, xuất bản năm 1998.

                                              

19 nhận xét :

  1. Thật là tuyệt khi anh gom tất cả lịch sử về Thánh đường và nhà thờ về đây.

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Và M suy nghĩ nhiều về việc đổi tên này "Trước năm 75 tên của Ông được đặt cho ngôi trường Trung học lớn nhất Saigon (nay là trường Lê Hồng Phong). "

      Sau giải phóng, bẵng đi một thời gian, khi M trở về con đường đến trường Đại học Khoa học, đi ngang ngôi trường Trung học lớn nhất này, thì thấy tên trường sao lại đổi rồi!! thời thế thay đổi, ngay cả cái tên cũng thay đổi mà đi về với vô thường. Nhưng lịch sử vẫn còn đó!

      Mà sao cứ phải đổi tên, sao cứ phải lấy cục gôm tẩy xóa màu mực không phai, làm cho lịch sử trở nên lem nhem thế nhỉ? Ta có thể xây một ngôi trường nào đó thật lớn để đặt tên Lê Hồng Phong được cơ mà!!

      Xóa
    2. Lịch sử sẽ trả lại tên.

      Xóa
    3. Trương Vĩnh Ký là nhà bác học, tuy làm việc cho Pháp nhưng tinh thần, phong cách của ông lại rất Việt, ông chỉ mặc áo chùng thâm, không mặc Âu phục. Ông là một người yêu nước, luôn tìm cách cho đất nước tiến lên, thoát khỏi chậm tiến, nghèo khó...

      Lịch sử luôn đúng với giá trị đích thực của nó các bạn ạ.

      Xóa
    4. Thì Lê Hồng Phong cũng theo Nga theo Tàu tức theo ngoại bang chứ hơn gì ông Ký nhỉ

      Xóa
    5. Yêu nước, sống chết với đất nước đến như Nguyễn Tri Phương mà còn mất tên đường nữa là..., hùhù!

      Xóa
    6. Mong con cháu sau này sáng mắt ra và làm lại từ đầu

      Xóa
    7. Cũng rất mong như thế, cần phân minh với lịch sử bác Bu ạ. Rất nhiều nhân vật lịch sử rất phong kiến, nhưng họ cũng rất yêu nước, sống chết vì đất nước, không màng tư lợi.

      Xóa
  3. Cảm ơn Bạn Hiệp.
    Bài tổng hợp thật thú vị.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn, viết ra cũng là một cách học.

      Xóa
  4. Bác Hiệp sắp thành nhà Sài Gòn học đến nơi rồi, bài viết thật nhiều thông tin thú vị!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, bạn nào ở xa có dịp đến Saigon có thời gian cũng nên ghé thăm.

      Xóa
    2. Đồng ý với Thu Thủy.. hoan hô bác Hiệp hehe

      Xóa
    3. Hehe, còn một bài nữa về những nhà thờ kiểu Tây ở Saigon, Chị Bà Già và cô nường TT chờ đấy! Rồi nếu buồn buồn (hay vui vui) sẽ thêm một vài bài về một số kiến trúc tôn giáo, thờ phượng hay hay ở Saigon nữa.

      Xóa
  5. toàn những nhà thờ có kiến trúc đẹp của Sài Gòn :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những nhà thờ TCG tiêu biểu của một thời.

      Xóa
  6. Những nhà thờ xưa theo phong cách châu Âu đẹp một cách hài hòa , chỉnh chu từ tổng thể tới chi tiết . Nhìn lại những nhà thờ mới xây lại sau này như nhà thờ Ba Chuông thấy ngộ , không biết theo trường phái nào (-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những nhà thờ mới xây gần đây, như nhà thờ Ba Chuông, nhà thờ Vườn Xoài ở Saigon, là loại kiến trúc "lai", xưa không ra xưa, nay không ra nay, Tây không ra Tây, Ta không ra Ta, một chút xưa, một chút nay, đầu đao... phè phè trên mái, tam quan trên..., trông kỳ dị... Chắc "tân cổ giao duyên" đó bạn Marg. :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))