Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

Chữ nghĩa thú vị.



Trong quyển tự điển Annam Latin của Giám mục Jean-Louis Taberd, có một từ khá thú vị, được viết như sau:

- 曳 Dái, revereri, timere; testiculus.

- kính dái, vereri, metuere.

Những chữ tiếng Latin: "revereri" có nghĩa là "tôn kính". "timere" là "sợ hãi". "testiculus" là "tinh hoàn".

- Kính dái, vereri = lịch sự, metuere = sợ.

Ta thấy chữ 曳 "Dái" (chữ Nôm) được viết trong tự điển Annam Latin có ba nghĩa, hai nghĩa đầu là revereri = tôn kính, và timere = sợ hãi", và nghĩa thứ ba testiculus = tinh hoàn.

Trong mục từ "Dái" còn có tục ngữ "Quen dái dạ lạ dái áo", có nghĩa là "Quen thì tôn kính (sợ) nơi tấm lòng (dạ) của người đó, còn lạ thì tôn kính (sợ) nơi tấm áo".

Với chữ "dái" với nghĩa "tôn kính", "sợ hãi", thoạt tiên tôi nghĩ là do chữ "dái" này được ghi nhận theo phát âm của người Nam bộ V = D, lẽ ra phải là "vái"? Tuy nhiên khi xem mục từ "Vái" thì trong tự điển vẫn có chữ 拜 Vái:

- 拜 Vái, invocare (invocare = kêu gọi).

Khấn vái, vovere (vovere = nguyện).

Xem lại trong tất cả các tự điển xưa như tự điển Việt Bồ La (1651) của Đắc Lộ, Đại Nam Quấc âm tự vị (Saigon 1895) của Paulus Huình Tịnh Của, Việt Nam tự điển (Hanoi 1931) của Hội Khai Trí Tiến Đức, Tự điển Việt Nam phổ thông (Saigon 1951) của Đào Văn Tập, cho đến Tự điển tiếng Việt (1997) Hoàng Phê chủ biên (chữ "dái" ghi "từ cũ"), đều có chữ "Dái" với những nghĩa như tự điển Annam Latin của Taberd.

Trong Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, và Tự điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên có thêm tục ngữ "Khôn cho người ta dái/ Dại cho người ta thương" (Khôn cho người kính (nể, sợ)/ Dại cho người thương).

Ngày trước chữ "Dái" với nghĩa là "kính, nể, sợ" được sử dụng... vô tư, bây giờ thì không còn dùng nữa, chắc vì nghe không "vereri" (lịch sự).










2 nhận xét :

:) :( :)) :(( =))