Thứ Ba, 20 tháng 2, 2018

Lì xì.


Phong bao lì xì. Ảnh Internet.

Đầu năm mới (âm lịch) người Việt có tục lì xì, đại khái là người lớn tuổi sau khi nhận được lời chúc của người khác, thì gởi cho người đó một số tiền tượng trưng đựng trong một phong bao nhỏ màu đỏ in đẹp đẽ, màu đỏ theo Á Đông là màu của may mắn, với những lời chúc tụng tốt đẹp trong năm mới cho cả năm được hanh thông, may mắn. "Người khác" ở đây có thể là trẻ nhỏ, cũng có thể là con cháu hoặc những người thân quen đã lớn.

Lì xì cũng không chỉ dành cho người lớn đối với người nhỏ tuổi hơn, mà còn dành cho người nhỏ (con cháu đối với những người lớn tuổi như ông bà, cha mẹ,,,).

Tục lì xì bắt nguồn từ người Hoa, họ lì xì vào đầu năm mới với những lời chúc, lì xì không phải chỉ dành cho trẻ em con cháu trong nhà, mà cho cả những người lớn chưa lập gia đình, ở đây không tính tới chuyện lì xì kiểu nhờ vả, làm ăn, trả ơn trả nghĩa với những số tiền lớn.

Thế từ lì xì là từ đâu và có nghĩa là gì? GS. Lê Ngọc Trụ viết trong quyển Tầm nguyên tự điển:

- Lì-xì, tiền tặng (giọng Quảng Đông lệi xi-ị). Tiếng Hán Việt là "lợi thị" 利 市 (tiền tặng có hàm ý hên).

Lợi thị 利 市 đọc theo giọng Bắc Kinh là "lì shì". Nếu vậy thì từ "lì xì" là từ đọc theo giọng Bắc Kinh.

6 nhận xét :

  1. Cám ơn bác Hiệp! Năm mới chúc bác khỏe và Blog nhiều bạn bè ghé thăm.
    Tập tục này có lẽ bắt nguồn từ miền Nam. Sau giải phóng mới thấy ngoài Bắc gọi "lì xì". Tôi lớn lên ở làng quê Ninh Bình, không thấy tục này. Còn nhỏ, tôi chỉ thấy người lớn cho tiền trẻ nhỏ ngày đầu năm. Không có phong bao gì hết mà đưa tiền trực tiếp. Đó là tục "phát vốn". Không hiểu vốn gì. Chỉ biết kèm theo việc phát vốn, mừng tuổi là lời chúc hoặc "hay ăn chóng lớn" với trẻ còn nhỏ, hoặc "ngoan ngoãn, học giỏi" với trẻ đã lớn. Tôi không thấy việc "phát vốn" này dành cho người ngang tuổi hoặc với người lớn tuổi. Khác với tục "lì xì" như bác Hiệp viết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là từ "lì xì" là của miền Nam bác Vu Nho, hồi tôi còn nhỏ ở trong nhà thì tiền được cho vào đầu năm mới được gọi là "tiền mừng tuổi" với lời chúc hay ăn chóng nhớn, biết vâng lời cha mẹ, nếu đã đi học thì được chúc ngoan ngoãn, học hành giỏi giang. Lớn lớn mới biết được từ "lì xì" với nghĩa như "tiền mừng tuổi". Ở xã hội miền Nam xưa thì tiền "lì xì" không chỉ là "tiền mừng tuổi năm mới", mà có khi là tiền hối lộ công khai mọi lúc mọi nơi. Người Hoa xưa trốn quân dịch (trốn lính) bị xét hỏi, hay muốn bôi trơn công việc, làm ăn họ đưa tiền và nói "lì xì", nếu đối tượng tỏ ý ngại không nhận họ nói"không sao, không sao lì xì mà".

      Xóa
  2. Sáng nay mồng một sớm tinh sương
    Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường
    Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi
    Rửa mặt hoa mùi nước đượm hương
    Nguyễn Bính - Tết của mẹ tôi
    Dấu vết của "mở hàng" chứ không phải là "LÌ XÌ" có thể thấy trong thơ Nguyễn Bính. Xin góp với bác Hiệp để khẳng định rằng " lì xì" mới tràn từ Nam ra Bắc gần đây!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở trong Nam từ "mở hàng" lại khác bác Vũ Nho, dành cho các cửa hàng, cửa hiệu, người buôn bán. Trước tết tùy theo chủ nhân các cửa hàng, cửa tiệm đóng cửa nghỉ ngưng kinh doanh, qua tết họ chọn ngày lành tháng tốt mở cửa trở lại, gọi là "khai trương". Người đến mua, hay ghé ăn uống đầu tiên gọi là "mở hàng". Người "mở hàng" theo tin tưởng rất quan trọng, gặp người mau mắn, vui vẻ là tốt, còn gặp người khó khăn, trả giá tới lui là xui xẻo, người ta gọi là "xúi quẩy".

      Xóa
  3. Tôi không rõ vì sao gọi là "Phát vốn" hay " Mở hàng", mặc dù trẻ em được cho tiền không buôn bán, kinh doanh chi cả. Còn việc Mở hàng với tính chất là người mua đầu tiên, cốt nhằm lấy "vía lành" của người đó, tạo thuận lợi cho việc bán hàng thì bây giờ vẫn có. "Mở hàng" này không giống với "mở hàng" mà Nguyễn Bính nhắc trong thơ như một tục lệ mừng tuổi ở ngoài Bắc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ "mở hàng" mà bác Vũ Nho nói trong thơ Nguyễn bính thì tôi biết. Ngày xưa các cụ của tôi cũng có lệ "mở hàng" như thế cho con cái, dĩ nhiên không phải "mua" gì của chúng, mà là người "mừng tuổi" đầu tiên cho bọn trẻ trong nhà trong ngày đầu năm mới, nó cũng từa tựa như người đầu tiên đến mua trong ngày với người kinh doanh vậy, còn từ "phát vốn" tôi cũng không rành.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))