Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2018

Phó.



Phó - Có nhiều chữ, "phó" ở đây chữ Nho 副 có nghĩa là thứ nhì, ở vào hàng thứ yếu, phụ, hàng giúp việc, chứ không phải là hàng thứ nhứt "năm bờ oăn", hay là hàng chính thức. Ngày xưa người ta gọi những người thợ làm một nghề nào đó là "phó", "bác phó", đấy chính là chữ "phó" 副 này. Chẳng hạn thợ may là "phó may", thợ mộc là "phó mộc", thợ xẻ gỗ tức "kéo cưa lừa xẻ" là "phó xẻ", thợ nề là "phó nề, làm cối đá là "phó cối", thợ rèn là "phó rèn", thợ hớt tóc là "phó cạo", làm nghề chụp ảnh là "phó nhòm" hay khôi hài hơn là "phó nháy"... Ngay cả người đứng đầu một nhóm thợ xưa gọi là thợ cả cũng gọi là "bác phó cả".

Đã lâu tôi đọc một bài báo đại khái nói tại xưa người ta coi khinh thợ thuyền nên mới dùng chữ "phó" là thứ yếu, không phải là chính để gọi. Chắc bởi thế nên mới có từ gọi vui là "phó thường dân", đã là thường dân là hạng chót nhứt trong xã hội rồi mà còn là "phó thường dân" nữa thì hết biết. Đọc vậy thì cứ đinh ninh vậy.

.

Phó rèn. Ảnh Internet.


Phó xẻ. Ảnh Internet.

Mới đây xem trong quyển Tầm nguyên tự điển (Lê Văn Hòe - Hanoi 1942), thấy viết về chữ "Phó" 副 như sau:

- Phó 副: Ta thường gọi tôn các người thợ thuyền là ông Phó, bác Phó, như Phó Mộc, Phó Xẻ, Phó Nề, Phó Ngõa v.v...

Gọi thế là người ta có ý suy tôn thuyền thợ coi như các tay thợ giỏi giúp việc viên đầu-mục thợ nhà Vua. Vì xưa Vua ta có đặt chữ Tượng-mục là đầu-mục coi thợ thuyền, dưới Tượng-mục có chức Phó-tượng-mục.

Theo như tác giả Lê Văn Hòe, té ra xưa gọi các bác thợ là "phó" là "gọi tôn", tức là coi trọng người thợ làm nghề chứ không phải coi khinh.

Ra thế.

3 nhận xét :

  1. Cám ơn bác Hiệp về truy tìm nghĩa của từ PHỚ. Ai cũng biết chữ Phó đi liền với nghề để chỉ người làm nghề như bác đã dẫn. Vấn đề ở chỗ gọi PHÓ như vậy là tôn vinh hay coi thường mà thôi. Tôi cũng không biết dân gian gọi thế có ý tôn vinh hay xem thường. Cũng chưa nghe ai giải thích là XEM THƯỜNG! Tất nhiên, trong trường hợp THƯỜNG DÂN với PHÓ THƯỜNG DÂN là một cách gọi hài hước. Nay bác đã tra từ điển của cụ Lê Văn Hòe, giải thích rõ cách gọi như thế là gọi "tôn" người thợ giỏi, với chức vụ Phó tượng mục, giúp cho Tượng mục, người đứng đầu. Phó là người thứ hai, người giúp việc cho người Chánh còn thấy ở Phó Chủ tịch, Phó Tổng thống... Vậy Phó cũng oai lắm chứ, cũng đáng tôn vinh lắm chứ. Đâu phải là " coi khinh hay xem thường"? Chuyện vui là khi tôi làm Phó tiến sĩ ở Liên xô về lương ở mức 60 đồng. Tính ra bình quân mỗi ngày 2 đồng. Trong khi ông Phó cối (thợ đóng cối xay tre) một ngày có tiền công 3 đồng, lại được chủ nhà đãi 2 bữa cơm rượu. Tôi đã được bà xã và người làng trêu rằng : Phó tiến sĩ mà thua Phó cối!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. =)) Hì hì, Phó tiến sĩ như bác mà cũng có lúc thua bác Phó cối trong làng về thu nhập. Thế mới biết ông bà ta ngày xưa có câu "Nhất nghệ tinh nhất thân vinh" là phải lắm. Thợ giỏi ngày xưa nhất là về nghề xây dựng, chủ yếu là mấy bác Phó mộc giỏi, được trọng dụng lắm, ở đâu cần dựng nhà cửa loại to phải mời mấy bác ấy đến, đài thọ ăn, ở suốt thời gian làm việc, xong việc phải hậu đãi.

      Bài báo tôi nhớ, là xem đã lâu lắm rồi, có lẽ người viết hồi đó ám chỉ ngày xưa (thời phong kiến, thời Tây) người ta coi thường người lao động chân tay chăng?

      Xóa
  2. Nước ta chi có thời... quân chủ chứ không có "phong kiến" vì ngay như Trung Quốc dưới Tần Thủy Hoàng đã xóa sổ chế độ chư hầu ban cho một phần đất làm của riêng thời nhà Chu.

    Trong lịch sử của nước ta chưa bao giờ cho ai đó một phần đất lập quốc gia riêng ! Không nên cầm nhầm chữ (có nghĩa) !

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))