Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

Ngả - Ngã.




Xem trong tự điển Việt Bồ La (1651) của A. de Rhodes (bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, NXB Khoa học Xã hội - 1991), thấy có nhiều cái hay về ngôn ngữ xưa - nay, chẳng hạn về từ "ngã ba, ngã tư" mà ta dùng bây giờ. Trong tự điển Việt Bồ La ghi nhận là "ngả" (dấu hỏi) chớ không phải "ngã". "Ngả ba đàng", "Ngả ba soũ" (ngả ba sông), phân biệt với chữ "ngã" (dấu ~) có nghĩa là "té, ngã", có cả từ "ngã nước" là "bệnh vì uống nước không trong lành, nước độc".

Chữ "ngả" và "ngã" trong tự điển Việt Bồ La.

Đến Đại Nam Quấc âm tự vị (1895-1896) của Paulus Huình Tịnh Của cũng ghi nhận là "ngả":

我 Ngả (chữ Nôm). Nhánh đàng đi, chỉ về phía nào, ngả nào.

- Ngả ba. Chỗ đường đi phân ra làm ba.

- Ngả tư. Chỗ đường đi phân ra làm bốn.

- Ngả cái. Ngả sông rạch rộng lớn.

- Ngả con. Ngả sông rạch hẹp.

- Ngả bát. Ngả sông rạch ở phía tay hữu cũng là tên rạch.

- Ngả cạy. Ngả sông rạch ở phía tay tả cũng là tên rạch.

Tự điển Tiếng Việt (1997) Hoàng Phê chủ biên: (chỉ lấy từ liên quan)

- ngả d. Đường đi theo một hướng nào đó, phân biệt với những đường đi theo hướng khác.

- ngã d. (dùng trước danh từ chỉ số). Chỗ có nhiều ngả đường, ngả sông tỏa đi các hướng khác nhau. Ngã năm. Ngã ba sông.

Coi bộ ngày xưa viết "ngả" hay hơn "ngã" bây giờ, có lẽ chữ "ngã" trong "ngã ba, ngã tư" được dùng sau này, là từ phái sinh từ chữ "ngả".

Khá lạ là trong Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hanoi 1931), cũng chỉ có từ "ngả" (ngả ba), với nghĩa là "chỗ đầu ba con đường giao với nhau", không có từ "ngã" với ý nghĩa "ngã ba, ngã tư" như hiện nay.

4 nhận xét :

  1. Thật là thú vị. Hóa ra trong tiếng Việt, ban đầu là NGẢ ( đường) chứ không có NGÃ (đường, sông). Rồi bây giờ mới có NGÃ (ba, tư, năm...) chỉ chỗ đường chia ra các NGẢ ( hướng) khác nhau. Có lẽ do sự biến âm Ngả thành Ngã cho dễ đọc chăng, nên chúng ta mới có "Ngã ba sông", "Ngã ba đường"...? Cám ơn bác Hiệp đã tra cứu mấy từ điển để làm rõ xuất xứ của từ NGÃ ( gắn với các hướng rẽ của con đường hay dòng sông).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xem trong ngôn ngữ có nhiều điều thú vị thật bác Vũ Nho. Như bác nói "Có lẽ do sự biến âm Ngả thành Ngã cho dễ đọc chăng". Điều này chỉ đúng với người miền Bắc mình thôi, chứ trong miền Nam vẫn phát âm là "ngả", và cũng có nhiều người Nam bộ viết chính tả là "ngả".

      Trước đây cứ tưởng họ nói và viết sai, chứ với riêng từ "ngả" này thì coi bộ người Nam bộ vẫn còn nói và viết đúng như ngày xưa.

      Xóa
  2. Lang thang gặp bài này. gửi vào đây để bác tham khảo.
    http://www.e-cadao.com/ngonngu/Luathoinga.htm

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))