Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Chùa Ông - Chùa Ông Bổn.

Nhị Phủ miếu (Chùa Ông Bổn). Ảnh Internet.

Người bạn hỏi thỉnh thoảng ghé mấy ngôi chùa của người Hoa trong Chợ Lớn, chùa của họ quen gọi là chùa Ông, chùa Bà. Chùa Ông thờ Quan Công, chùa Bà thờ Bà Thiên Hậu, nhưng cũng có một ngôi chùa thờ "Ông Bổn Đầu Công" gọi là chùa Ông Bổn, hình như không phải thờ Quan Công?

Ngưởi bạn nói đúng, ở Sài Gòn mà tập trung trong Chợ Lớn có khá nhiều ngôi chùa của người Hoa (cũng còn được gọi là miếu hoặc hội quán). Những ngôi chùa này phổ biến thờ Quan Công, dân gian quen gọi là chùa Ông, và thờ bà Thiên Hậu, quen gọi là chùa Bà.

Như đã biết, ta thường thấy chùa Ông thờ Quan Công, tức Quan Vũ, Quan Vân Trường, một nhân vật thời Tam quốc nổi tiếng về võ dõng, chính trực, nghĩa khí, cũng còn được gọi là Quan Đế, được tôn vinh như bậc thánh. Ông được mệnh danh là một trong "Trung Hoa thập thánh"* và "Tam Quốc tứ tuyệt"**.

Trong Chợ Lớn còn có một ngôi chùa của người Hoa khác tọa lạc tại số 264 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5 có tên là chùa Ông Bổn, còn gọi là Nhị Phủ miếu. Trước hết xin nói về tên gọi Nhị Phủ miếu, bởi xưa ngôi miếu này do di dân gốc ở hai phủ Chương Châu và Tuyền Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến - Trung Hoa xây dựng. Xưa người Hoa ở Chợ Lớn được chia thành 5 bang theo tiếng nói là Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam, Hẹ. Nhị Phủ miếu là hội quán của người Phúc Kiến, mỗi bang như vậy họ tổ chức rất tốt về đời sống và tinh thần, họ có chùa (hội quán), có bệnh viện, trường học (tiểu học và trung học)... để lo cho người trong bang.

Về tên gọi Ông Bổn, theo cụ Vương Vương Hồng Sển viết trong Sài Gòn năm xưa thì Ông Bổn là Thái giám Trịnh Hòa đời Vĩnh Lạc (1403 - 1424), được vua sai dùng thuyền đi khắp miền Đông Nam Á ban bố văn hóa Trung Hoa, và nhân tiện mua về cho vua kỳ trân dị bửu của các nước đó. Trịnh Hòa là một nhà du lịch, ngoại giao, địa lý, ngôn ngữ... giỏi, đi đến đâu ông cũng ban ơn thí đức, đưa người Tàu đến lập nghiệp. Đến khi ông mất dân Hoa kiều nhớ ơn thờ làm phúc thần, vua sắc phong cho ông là "Tam Bửu Công", cũng gọi là "Bổn Đầu Công" (giọng Tàu là Bủn Thầu Cúng), gọi tắt là Ông Bổn.

Ở một quyển sách khác, quyển Một Số Cơ Sở Tín Ngưỡng Dân Gian của Sở văn Hóa và Thông Tin TP. HCM & Ban Quản Lý Di Tích Lịch Sử Văn Hóa và Danh Lam Thắng Cảnh, in năm 2000 (nhiều tác giả). Trong đó có bài viết về Nhị Phủ miếu của Nguyễn Thị Minh Lý trích dẫn theo sách Gia Định thành Phật tích khảo cổ, bản chữ Hán lưu ở miếu Nhị Phủ (Lý Văn Hùng), và sách Người Hoa ở Việt Nam, Sài Gòn 1963 (Thi Đạt Chí), chép Bổn Đầu Công thờ ở miếu Nhị Phủ là Châu Đạt Quan, một viên quan sống vào thế kỷ XVIII (lưu ý sách viết thế kỷ XVIII) ở Trung Quốc, từng đi sứ đến nhiều nước ở Đông Nam Á, trong đó có vùng đất phía nam Việt Nam. Ông còn là nhà nghiên cứu lịch sử, dân tộc học... là tác giả quyển "Chân Lạp phong thổ ký".

Theo hai quyển sách trên, thì Ông Bổn là hai nhân vật khác nhau, một người là Thái giám Trịnh Hòa sống ở thế kỷ thứ XV, một người là Châu Đạt Quan sống dưới triều vua Thành Tông (1295 - 1308), trong sách Một Số Cơ Sở Tín Ngưỡng Dân Gian đã dẫn bên trên ghi ông sống ở vào thế kỷ XVIII là không đúng. Trong Lời nói đầu của sách Chân Lạp phong thổ ký của ông (Kỷ Nguyên Mới - Saigon 1973) ghi nhận Châu Đạt Quan sống dưới triều vua Thành Tông (1295 - 1308), tức là vào cuối thế kỷ XIII sang thế kỷ XIV trước cả Trịnh Hòa (thế kỷ XV).

Vài nét về sự khác biệt giữa Chùa Ông và Chùa Ông Bổn của người Hoa trong Chợ Lớn.

Tham khảo:

- Những sách đã dẫn.

Ghi chú:

* Trung Hoa thập thánh:

1- Văn Thánh Khổng Tử (nhà tư tưởng thời Xuân Thu);
2- Binh Thánh Tôn Vũ (nhà quân sự thời Xuân Thu);
3- Sử Thánh Tư Mã Thiên (nhà sử học thời Tây Hán);
4- Y Thánh Trương Trọng Cảnh (lang y thời Đông Hán);
5- Võ Thánh Quan Vũ (tướng lĩnh thời Đông Hán-Tam Quốc);
6- Thư Thánh Vương Hi Chi (nhà thư pháp thời Đông Tấn);
7- Họa Thánh Ngô Đạo Tử (họa sĩ thời Đường);
8- Thi Thánh Đỗ Phủ (nhà thơ thời Đường);
9- Trà Thánh Lục Vũ (nhân vật thời Đường);
10- Tửu Thánh Đỗ Khang (nhân vật thời Chu).

** Tam Quốc tứ tuyệt:

1- Tuyệt nhân: Lưu Bị.
2- Tuyệt trí: Khổng Minh Gia Cát Lượng.
3- Tuyệt nghĩa: Quan vân Trường.
4- Tuyệt gian: Tào Tháo.

7 nhận xét :

  1. cháu đã cập nhật thêm kiến thức nữa rồi....

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bác Hiệp!
    Bác đã giúp phân biệt rành rẽ chùa Ông và chùa Ông Bổn. Bác cũng cải chính thông tin sai lạc của tác giả Nguyễn Thị Minh Lý. Tuy vậy, băn khoăn của tôi là trong hai ông được hai sách nói ở chùa ÔNG BỔN, thì sách nào nói là đáng tin cây? Ông Bổn là ông Trịnh Hòa hay ông Bổn là Châu Đạt Quan? Ông Châu Đạt Quan sinh trước ông Trịnh Hòa, nhưng chùa Ông Bổn xây từ bao giờ và thờ ông nào thì...vẫn còn chưa rõ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Vũ Nho đã băn khoăn, phải thế nó mới ra vấn đề:

      - Sách Một Số Cơ Sở Tín Ngưỡng Dân Gian của Sở văn Hóa và Thông Tin TP. HCM & Ban Quản Lý Di Tích Lịch Sử Văn Hóa và Danh Lam Thắng Cảnh, in năm 2000 (nhiều tác giả). Trong đó có bài viết về Nhị Phủ miếu của Nguyễn Thị Minh Lý trích dẫn theo sách Gia Định thành Phật tích khảo cổ, bản chữ Hán lưu ở miếu Nhị Phủ (Lý Văn Hùng). Trong đó có chi tiết "trích dẫn theo sách Gia Định thành Phật tích khảo cổ, bản chữ Hán lưu ở miếu Nhị Phủ (Lý Văn Hùng)". Tôi nghĩ tác giả Minh Lý công tác tại ban Quản Lý Di Tích TP. HCM, trích dẫn sách lưu tại miếu Nhị Phủ, thì nhân vật Ông BỔn ở Nhị Phủ miếu chắc là Châu Đạt Quan.

      - Sách vở cũng nói Nhị Phủ miếu xây khoảng nửa cuối thế kỷ 18.

      Xóa
    2. Bổ sung thêm chút bác Vũ Nho, miếu Nhị Phủ của người Phúc Kiến tôi trích dẫn trong bài bên trên có lẽ Ông Bổn là Châu Đạt Quan. Tuy nhiên người Hoa có nhiều bang nguồn gốc khác nhau, biết đâu Ông Bổn của người Bang Khác (như Triều Châu, Quảng Đông, Hài Nam hay Hẹ), lại thờ ông Bổn là Thái giám Trịnh Hòa? Vụ này phải tìm thêm tài liệu nữa bác Vũ Nho.

      Xóa
  3. Cám ơn bác Hiệp về sự chỉ dẫn! Tôi luôn tìm đọc những bài của bác và viết nhận xét (thực ra là nêu thắc mắc. Cách viết của bác là căn cứ vào sách vở cụ thể, đó là nguồn thông tin đáng tin cậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Vũ Nho đã đọc và nhận xét. Tôi "văn dốt vũ dát", kiến thức không có bao nhiêu, may có được ít sách vở, nên đụng chuyện gì cũng phải mở sách. Chuyện trong xã hội mình nói lăng nhăng theo ý mình, theo cảm tính được chứ những chuyện có tính cách khảo cứu phải tra sách thôi. Tôi rất thích bác ở chỗ "biết đặt vấn đề" (thấy đơn giản vậy mà khó). Mình phải biết đặt vấn đề thì mới có thể tìm ra câu trả lời tương đối chính xác.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))