Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Xây vần & Xoay vần.

Tôi đọc sách trong đó có viết lại bài đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn ngày xưa ở miền Nam, bài có tựa: "GIA LONG TẨU QUỐC" của tác giả Nguyễn Đăng Cao, số 45, ra ngày 27-3-1930, đây là một bái hát nói, có đoạn:

Xem lịch sử nước nhà rồi ngẫm nghĩ
Cuộc trần hoàn khi vận bĩ lúc thời hưng.
Thật lá lay, tạo hóa khéo xây vần,
Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê rồi tới Nguyễn.
............

Trong đoạn hát nói bên trên tôi chú ý tới từ "xây vần". Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe nói đến từ "xây vần", trước đây thỉnh thoảng có nghe mấy "ông già Nam bộ" hay nói, thay vì nói "xoay" thì họ phát âm "xây". Người miền Nam hay phát âm nuốt chữ hoặc dư chữ, dư chữ kiểu như "thiêm thiếp iêm liềm ở dưới trời Nam", còn nuốt chữ chẳng hạn con cái tên Tuấn ngày trước nghe họ gọi là "Tứng". Kiểu phát âm dư chữ hoặc nuốt chữ nếu viết thì thành sai chính tả.

Rảnh rỗi ngồi xem lại tự điển mới hay trường hợp từ "xây" trong "xây vần" hoàn toàn không phải là do cách phát âm, từ "xây" được ghi nhận trong Từ điển phương ngữ Nam bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên (NXB TP. HCM-1994):

- xây. đgt. 1. Xoay. Xây lưng lại. Xây quanh. Xây xở. 2. Quay. Nhà xây cửa ra sông.

Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tịnh Paulus Của xuất bản ở Sài Gòn năm 1895-1896, còn giải nghĩa cặn kẽ hơn:

- Xây. Đâm chọt nhẹ nhẹ; ngoáy váy.

- Vần. Xây trở.

- Xây vần. Luân chuyển, xây qua xây lại.

Xa hơn nữa là Tự điển Việt-Bồ-La (1651) của Giáo sỹ Đắc Lộ (Bản dịch của nhóm Thanh Lãng, Đỗ Quang Chính, Hoàng Xuân Việt, NXB KHXH-1991):

- Xây: xem Xêy.

Xêy đi xêy lại: Làm xoay vần một vật gì.

Như vậy từ "xây" với nghĩa là "xoay" đã có từ đời cố hỉ nào rồi (ít ra là từ đời cố đạo Đắc Lộ).

Xem tiếp Tự điển Việt-Bồ-La không thấy từ "xoay".

Từ "xây" còn được ghi nhận trong Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản tại Hà Nội năm 1931:

-  Xây. Xoay: Xây lưng. Trời đất xây vần. Chạy xây quanh.

Tra đến đây tôi có một câu hỏi: Vậy phải chăng "xây" là từ cổ mà sau này ta viết thành "xoay"? Xem tiếp thì thấy từ "xoay" đã hiện diện trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

Mà xem con tạo xoay vần đến đâu (câu 1116).

Đã xoay đến thế còn vần chưa tha (câu 2158).

Còn từ "xây" trong Truyện Kiều chỉ được ghi nhận ở nghĩa thông thường là "xây dựng".

Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng. (câu 1604).

Tuy nhiên từ Tự điển Việt-Bồ-La thời giáo sỹ Đắc Lộ (1651) đến thời Truyện Kiều (viết trong khoảng 1814-1820) của Nguyễn Du ta thấy cách nhau khá xa.

Thời giáo sỹ Đắc Lộ ở An Nam, thì nước ta mới chỉ đến Thuận Hóa, nghĩa là từ Thừa Thiên Huế trở ra, riêng Thuận Hóa là từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Bình (xưa gọi là Đàng Trong), mà những năm ở An Nam giáo sỹ Đắc Lộ sống ở Đàng Trong (địa giới do chúa Nguyễn kiểm soát) nhiều hơn Đàng Ngoài do vua Lê, chúa Trịnh kiểm soát. Theo sách vở thì tồng cộng thời gian Đắc Lộ ở Đàng Trong là 7 năm (từ năm 1624 đến năm 1626, và từ 1640 đến 1645). Thời gian ông ở Đàng Ngoài là 3 năm (1627-1630) và bị chúa Trịnh trục xuất. Khi ở An Nam thì hoạt động truyền giáo của giáo sỹ Đắc Lộ thuận tiện hơn ở Đàng Ngoài. Có lẽ từ "xây" với nghĩa là "xoay" được sử dụng ở Đàng Trong, rồi sau đó theo các di dân vào miền Nam để trở thành phương ngữ Nam bộ như đã được ghi nhận trong sách vở.

Chữ nghĩa thế đấy, đụng vào rối như tơ vò.



Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Tên vài loại bánh dân dã.


Ảnh Internet.

Chắc các bạn đã từng ăn những loại bánh dân dã trong miền Nam, như bánh tét, bánh ít, bánh cúng, bánh ngói, bánh ít trần, bánh ú, bánh hỏi... Bánh tét nghe nói viết trại từ chữ "tết" mà ra, còn gọi là bánh ít bởi bánh gói... ít quá, lủm một miếng là hết... Tình cờ hôm nay đọc được một đoạn trong một bài viết đã có trên... 100 năm, viết về tên gọi của một số loại bánh:

............
"Các thứ bánh khi xưa cũng đã đặt tên rồi. vậy mà nay còn kêu tên sai trại bẻ tên hết. Như bánh Tết hay tiết nguyên ngày ngươn đán, mồng một tháng giêng kêu là ngày xuân, rồi sau lần lần kêu là ngày Tết, nguyên xưa ăn chơi ngày tiến ngươn đán thiệt là thú vị lắm, chẳng lo sự làm ăn, những lo ăn chơi du san du thủy (du phương thảo địa) nên gói bánh ấy đem theo mà ăn nên kêu là bánh tết - bây giờ lại kêu là bánh tét, nghĩa là tét ra từ khoanh (miếng) mà ăn, cũng còn cho phải. Còn như bánh ếnh, sao lại kêu là bánh ít? Khi gói rồi sắp lớp nhau đó như hình con ếnh nên kêu bánh ếch. Bánh cuốn là cuốn lá tròn đặng bỏ nếp vô cột bít lại mà nấu, tục kêu là bánh cúng, bánh nào lại không cúng được? Bánh ngói là hấp bột nửa sống rồi nắn dẹp như miếng ngói mà gói lại, thì phải kêu bánh ngói, chớ bánh gói sao cho thuận? Không phải một thứ bánh đó phải gói. Như bánh ếch trần là bột và nhân làm bột bánh là để trần không gói lá áo nên phải kêu cho trúng là bánh ếch trần mới phải. Bánh ấu là gói bốn góc nhọn trái ấu chớ kêu bánh ú là trại bẹ. Bánh cặp là gói hai bánh cột cặp, chớ kêu bánh cấp thì xa lắm. Bánh xối là bánh ăn còn nóng thoa mỡ hành ăn liền mới ngon, bây giờ kêu là bánh hỏi".
.............

Tác giả đoạn văn viết về tên gọi một số loại bánh kể trên là LÊ NGỌC KHUÊ trong bài viết có tên "Tiếng nói chính" của báo LỤC TỈNH TÂN VĂN, số 47, chủ bút đầu tiên là ông Gilbert Trần Chánh Chiếu, số ra ngày 8-10-1908, tức là đã 108 năm nay.

Đoạn trong bài viết kể trên cho ta thấy văn phong và cách dùng từ ngữ đặc trưng Nam bộ khi xưa, và đặc biệt viết rất trúng chính tả. Về chính tả có thể do tác giả bài viết giỏi từ ngữ, hoặc báo có ông thày cò giỏi chữ nghĩa, đã xem và chỉnh sửa lại cẩn thận bài viết trước khi cho đăng báo.



Sách tham khảo:

- Những bước đầu của Báo chí, Truyện ngắn, Tiểu thuyết & Thơ mới, Bùi Đức Tịnh (NXB TP. HCM-2002).



Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

Chữ Quốc ngữ.

Chị G. Mai, một người bạn quen biết lâu nay nói "Hôm nào bác Phạm Ngọc Hiệp gom chữ viết thời Alexandre de Rhodes ra viết một bài đi. Tôi có nói với chị G. Mai chữ viết thời đó viết vài quyển sách cũng không đủ. Nhưng cũng xin viết một cái gì đó về chữ Quốc ngữ thời xưa đó theo ý của chị G. Mai.

Chắc chị G. Mai còn nhớ bài học thuộc lòng từ thuở nhỏ:

Chữ Quốc ngữ
chữ nước ta
con cái nhà
đều phải học
miệng thì đọc
tai thì nghe
đừng ngủ nhè
chớ láu táu

Chữ Quốc ngữ là chữ cách nay mấy trăm năm do các giáo sỹ Tây phương làm ra để truyền đạo, mà công đầu thuộc về giáo sỹ Dòng Tên Alexandre de Rhodes (1591-1660), viết theo chữ Quốc ngữ là A Lịch Sơn Đắc Lộ, ông có công soạn ra quyển tự điển ta hay gọi là Tự điển Việt-Bồ-La in năm 1651 tại Roma, bây giờ vẫn còn lưu lại. Trải qua mấy trăm năm, chữ Quốc ngữ ta dùng ngày nay đã rất hoàn chỉnh (dĩ nhiên tôi muốn dùng chữ "rất" một cách tương đối).

Như ta đã biết, thoạt đầu chữ Quốc ngữ được các giáo sỹ Tây phương sáng tạo ra với mục đích truyền đạo Công giáo ở nước ta, cho nên những dấu tích của chữ Quốc ngữ thời sơ khai còn tìm thấy nơi những tài liệu của các giáo sỹ thời ấy:

"... ếy cệy mà bây nhêu sự nây ở tlão đức chúa blời, là chúa cả làm nên blời, đết, cũ mọi sự..." (ấy vậy mà bấy nhiêu sự này ở trong đức chúa trời, là chúa cả làm nên trời, đất, cùng mọi sự...).

Phép giàng ngày thứ hai trpng Phép giảng tám ngày của giáo sỹ Đắc Lộ in năm 1651 tại Roma.

"Tau rữa mầi nhân danh Cha, ùa Con, ùa Spirito santo. Tau lạy tên Chúa, tốt tên, tốt danh, tốt tiếng. Vô danh cắt ma, cắt xác, Blai có ba hồn bãy uía, Chúa blay ba ngôy nhân danh...". (Tao rửa mày nhân danh Cha, và Con, và Spirito santo (và Thánh thần). Tao lạy tên Chúa, tốt tên, tốt danh, tốt tiếng. Vô danh, cắt ma, cắt xác. Bay có ba hồn bảy vía. Chúa bay ba ngôi nhân danh...).

Thư của giáo sỹ Dòng Tên Marini viết năm 1645 tại Áo Môn.

"Lạy ơn Đ.C.B.phù hộ Thài bàng an linh hồn và xác. Từ nam Thài thái vè nhỏy, thì hay Thài ở lạy chịu nhèu sự khó lám, thì ràng chẳng có tlở vè são le cữ như vè 6ài". (Lạy ơn Đức Chúa Trời phù hộ Thày, bằng an linh hồn và xác. Từ năm Thày trẩy về khỏi, thì hai Thày ở lại chịu nhiều sự khổ lắm, thì rằng chẳng có trở về song le cũng như về vậy).

Thư của Isesico Văn Tín viết gởi cho Marini ở Roma vào ngày 12-9-1659.

"Nước Ngô thước hết mớy có Bua trị là Phục Hi. Bua thứ hai là Thần nôõ con cháu Bua Than nôõ sang trị nước Annam, liền sinh ra Bua Kinh dương Bương, thước hết  lãi 6ợ là nàng Thần Lão, liền sinh ra Bua Lạc Lão cuân. Lạc Lão cuân trị vì lãi 6ợ tên là Âu Cơ có thai đẻ ra một bao có một trăm trứng nở ra được một trăm con blay". (Nước Ngô trước hết mới có vua trị là Phục Hi. Vua thứ hai là Thần Nông. Con cháu vua Thần Nông sang trị nước Annam, liền sinh ra vua Kinh Dương Vương. Trước hết lấy vợ là nàng Thần Long, liền sinh ra vua Lạc Long Quân trị vì, lấy vợ tên là Âu Cơ, có thai đẻ ra một bao có một trăm trứng, nở ra được một trăm con trai).

Tập sử Việt của Ben Tô Thiện (1658).

Qua những thư, bài viết của các giáo sỹ Tây phương và Việt Nam kể trên, ta thấy chữ Quốc ngữ thời sơ khai cách nay mấy trăm năm, khoảng giữa thế kỷ thứ XVII tuy khá khó đọc với người ngày nay, nhưng đã hình thành các dấu để ghi âm tiếng Việt, thấy cũng tương đối, không khác về sau này bao nhiêu. Cũng nên lưu ý, thời gian này nước ta chỉ mới đến Thuận Hóa, cho nên chữ Quốc ngữ thời ấy mới chỉ ghi âm từ đó trở ra. Nhân đây xin giới thiệu một đoạn văn của một tác giả văn học miền Nam cách nay trên 60 năm, để ta có thể so sánh cách dùng chữ Quốc ngữ của từng thời và từng miền.

"Lửa hạ vừa tàng, gió thu đổ lá, kèn xe hơi rỉ rả, tiếng ngâm sầu nhặc nhặc khoan khoan. Nội cỏ bóng le the, trang vẻ cảnh vàng vàng dợt dợt, kìa xóng róng một đám rừng thông cụm liễu cây đứng xơ rơ, trợn mắt trơ trơ, dường như giận cái phong cảnh tiêu điều mà phai màu xũ lá. Nọ một giãi trường-san vọi vọi nằm dọc theo mé biển Đông-dương, dơ sống phơi sường, thiêm thiếp iêm liềm ở dưới trời Nam, dường như buồn thảm cái thời tiết đổi đời nên không động dạng". Đây là đoạn mở đầu của lịch sử tiểu thuyết GIỌT MÁU CHUNG TÌNH của tác giả Tân Vân Tử (ghi đúng phải là Tân Dân Tử) do nhà Phạm Văn Cường xuất bản lần thứ 8 năm 1954 tại Chợ Lớn.

Đoạn văn trên cho ta thấy rõ cách sử dụng từ ngữ, cách hành văn đặc trưng của một tác giả tiểu thuyết Nam bộ lúc bấy giờ, kể luôn cả cách viết sai chính tả. "kèn xe hơi rỉ rả", đúng ra phải là "kèn ve (con ve) hơi rỉ rả", có lẽ do in sai hoặc đúng là lỗi của tên đánh máy, còn viết sai chính tả thì lu bù.

Tham khảo:

- Tìm hiểu lịch sử chữ Quốc ngữ, Hoàng Xuân Việt (NXB Văn Hóa Thông Tin-2007).
- Những bước đầu của Báo chí, Truyện ngắn, Tiểu thuyết & Thơ mới, Bùi Đức Tịnh (NXB TP. HCM-2002).











Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

Hình gì đây?

Ảnh Internet.

Đây là một tấm ảnh chụp từ ngày xưa đăng trên báo LIFE thời đó, ảnh khá ấn tượng, ngộ nghĩnh, chụp những người đàn ông ngồi vắt vẻo trên một hàng rào sắt, có vẻ như đang chăm chú theo dõi một cái gì đó phía trước mặt. Tuy ảnh chụp từ sau lưng, nhưng có lẽ ta dễ dàng nhận biết đây là những người bình dân, hoặc có dáng vẻ nông dân, trên đầu họ đội chiếc nón cối thực dân, hay những chiếc mũ nỉ có vành quen thuộc một thời, và điều khá đặc biệt là đầu họ mũ đàng hoàng nhưng chân đi đất chứ không mang giày dép chi cả.

Nhưng các bạn có biết họ đang ngồi theo dõi điều gì xảy ra trước mặt không? Chắc khó lòng có thể đoán được, nếu ta không tận mắt nhìn thấy cảnh này. Đây là một hình ảnh ít ra cũng phải có trên nửa thế kỷ nay ở Sài Gòn, hình ảnh này vẫn còn trong trí nhớ của tôi tuy đã rất lâu rồi. Nhìn hình thì tôi sực nhớ ngay ra nơi chụp, nơi mà thuở còn nhỏ gia đình tôi đã ở một thời gian dài tại khu vực này, và quãng thời gian đó cũng là một phần tuổi thơ của tôi.

Xin nói ngay, ảnh trên là chụp những người đàn ông đang xem đua ngựa tại Trường đua Phú Thọ ở Sài Gòn một dạo. Bạn nào ở Sài Gòn lâu năm chắc biết Trường đua ngựa Phú Thọ (sẽ gọi tắt là Trường đua), đây là trường đua ngựa do người Pháp thành lập từ năm 1932 tại khu vực Chợ Lớn (nay thuộc quận 11). Nơi đây tổ chức những cuộc đua ngựa có cá cược ăn tiền, thời tôi còn nhỏ hình như là một tuần tổ chức đua một hoặc hai lần gì đó, vào thứ bảy, chủ nhật cuối tuần. Ngay từ khi vào Nam, ông cụ bà cụ tôi đã ở con đường trước mặt cổng chính của Trường đua (bây giờ là đường Lê Đại Hành). Vì ở ngay trước mặt Trường đua, nên hồi còn nhỏ tôi hay cùng đám nhóc tì trong xóm vào xem đua ngựa, Trường đua ngựa rộng mênh mông, trong đó có đồng cỏ, ao hồ... cho nên tụi nhóc tì tha hồ chạy nhảy, thả diều, bắt dế, chuồn chuồn, châu chấu, câu cá, và cả đá bóng...

Hồi đó có hai khán đài và hai cổng vào chia thành hai khu vực kế nhau dành cho những người xem đua ngựa. Khu vực khán đài và cổng vào dành cho Tây, giới trưởng giả có tiền của gọi là "Cổng nhà giàu", khu vực khán đài và cổng vào dành cho giới bình dân gọi là "Cổng nhà nghèo". Bên khu vực khán đài dành cho giới bình dân luôn có những người không thích ngồi  trên khán đài phía xa theo dõi cuộc đua, mà leo lên dãy hàng rào sắt gần sát đường ngựa chạy để nhìn cho rõ, như các bạn đã thấy trên ảnh.

Đua ngựa thời đó chủ yếu là cá cược ăn tiền, cho nên rất hấp dẫn đám thích máu me ở Sài Gòn và những vùng lân cận, cả giới nhà giàu lẫn giới nhà nghèo, từ anh có tiền của, bá hộ nhà quê, đám dân nghèo thành thị đến anh nông dân. Cứ mỗi buổi đua ngựa là người ta lại đổ về nườm nượp. Mỗi cuộc đua có chừng chục con ngựa chạy có đeo số, lúc tôi còn nhỏ thì người ta gọi những con ngựa bằng tên của những nhân vật trong truyện Tàu, chẳng hạn ngựa Triệu Tử Long, ngựa Lý Quỳ, ngựa Phàn Lê Huê... Về sau này lại lấy tên của những nghệ sỹ cải lương, tân nhạc thời đó mà đặt, như ngựa Út Trà Ôn, ngựa Thành Được, ngựa Mai Lệ Huyền...

Ở đó bao nhiêu năm tôi cũng chẳng hiểu rõ cách đánh cá cược ra sao? Hình như trước mỗi lần đua người ta bán vé dự đoán những con ngựa về nhất về nhì, cặp đôi cặp ba (cặp đôi là ngựa về nhất nhì, cặp ba là ngựa về nhất nhì ba).Khi trúng thì tùy theo số tiền đã đặt cược và số vé trúng mà chia thưởng. Thường những con ngựa hay, chạy giỏi hay về nhất, nhì, nhiều người đánh thì khi chia tiền được ít, nhưng ít ra đánh một đồng khi trúng cũng được năm mười đồng.  Nghe nói có những kỳ "ngựa về ngược", nghĩa là những con ngựa xưa nay chạy dở ẹc chuyên "cầm đèn đỏ" (về chót), tự nhiên hôm đó về nhất, những trường hợp này vì có ít người cá cược cho nên số tiền trúng thưởng rất lớn, nghe nói có những người trúng bằng cả một gia tài, nhưng cũng không ít kẻ máu me cá cược đến tán gia bại sản...










Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Vườn Tao Đàn.

Lão Đạo sỹ.



Hôm nọ ông bạn Đặng Hồng Kỳ (lúc còn chơi ở Yahoo 360 là Hồng Đăng) gởi cho tấm hình chụp đã lâu khi còn "đương xoan" (ấy là nói tôi, chứ ông bạn Đặng Hồng Kỳ vẫn còn xoan lắm), cái thời còn sáng cắp ô đi tối cắp ô về. Trong tuần sớm mai rảnh rỗi anh em hẹn nhau ngồi làm một ly đen nóng, mà ông bạn Hồng Kỳ nói đúng chuẩn cafe ở cafe Chim Tao Đàn, ngắm chim chóc trước khi bắt tay vào một ngày làm việc.

Trên ảnh là một lão niên râu tóc, lông mày bạc phơ ra dáng một Đạo sỹ thong dong giữa dòng đời, đặc biệt trên vai còn quảy theo một chú sóc. Tấm ảnh này tôi chụp bằng điện thoại di động của anh Kỳ. Tôi không nhớ thời gian chụp tấm ảnh, anh Kỳ nhắc đã gần chục năm rồi. Gần mười năm? Ô hay thời gian qua nhanh quá, không biết bây giờ lão niên Đạo sỹ đã phiêu bạt nơi đâu?

Nhân đây tôi muốn lan man đôi chút về nơi chốn anh em đã ngồi cafe một thời...

Vườn Tao Đàn là tên gọi quen thuộc của người dân TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM), hình như tên gọi bây giờ là "Công viên Văn hóa TP. HCM". Tôi sẽ sử dụng tên gọi vườn Tao Đàn cho ngắn gọn. Vườn Tao Đàn là một khu vườn với nhiều cây xanh, vườn hoa, không khí luôn mát mẻ nằm giữa trung tâm thành phố, phải nói rất may mắn người Pháp xưa kia đã quy hoạch và lập ra vườn hoa này, cùng với Thảo Cầm Viên Sài Gòn mà người dân quen gọi là Sở Thú. Có lẽ đây chính là hai lá phổi xanh của Sài Gòn xưa nay.

Về lịch sử thì vườn Tao Đàn là một công viên thuộc hàng lâu đời nhất tại Sài Gòn được người Pháp thành lập từ năm 1869, khi làm con đường mang tên Miss Cauwel tách khỏi Dinh Toàn Quyền (nay là đường Huyền Trân Công Chúa, từ năm 1963 đến năm 1975 đường này bị cấm lưu thông vì an ninh của dinh Độc Lập). Thoạt đầu người Pháp gọi là "Jardin de la ville", nhưng trong dân gian quen gọi là "Vườn Ông Thượng", Thượng là Thượng Công Lê Văn Duyệt, vì xưa kia gần nơi đây có dinh Tả Quân và hoa viên của ngài. Phía đường CMT 8 bây giờ trước năm 1975 được đặt tên là đường Lê Văn Duyệt. Nhà văn Sơn Nam thì cho rằng tên "Ông Thượng" trong Vườn Ông Thượng để chỉ toàn quyền Pháp Maurice Long, có lẽ bởi người Pháp còn gọi vườn hoa là "Jardin Maurice Long", nhưng cụ Vương Hồng Sển cho biết tên Vườn Ông Thượng đã có từ thời trước khi Maurice Long sang Việt Nam.

Ngoài tên gọi Vườn Ông Thượng, dân gian cũng quen gọi là "Vườn Bờ Rô", tên gọi này chưa thống nhất cách giải thích, Theo cụ Vương trong Sài Gòn Năm Xưa, thì có người cắt nghĩa chỗ này xưa có làm một cái  "préau" (sân chơi trường học hay tu viện), hoặc "bureau" (văn phòng) nên dân ta dựa theo đó chế ra danh từ "Bờ Rô" mà gọi. Cũng sách cụ Vương viết theo tài liệu của ông giáo Trần Văn Xường do ông Lê Ngọc Trụ thuật lại thì Bờ Rô có thể do "Moreau" là tên của người quản thủ Pháp đầu tiên được cắt trong nom khu vườn này.

Còn tên Vườn Tao Đàn thì có từ sau năm 1950, dưới thời "hỗn mang" của miền Nam, mấy năm qua nhiều đời chính phủ (Thủ hiến Nam phần Trần Văn Hữu - 1950. Chính phủ Nguyễn Văn Tâm - Tháng 6-1952. Chính phủ Bửu Lộc - Tháng 1-1954. Và Chính quyền Ngô Đình Diệm - Tháng 7-1954 trở về sau). Tên gọi Tao Đàn được lấy từ Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú, hay Hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông (Hội thành lập từ năm 1495, gồm hai mươi tám vị vua, quan, nho sĩ hay chữ).

Sau năm 1975 vườn Tao Đàn được đổi thành "Công viên Văn hóa TP. HCM" cho đến nay.

Cũng thời gian xây dựng "Jardin de la Ville", xin ghi thêm một vài công trình tiêu biểu đánh dấu sự hiện diện của người Pháp và lịch sử của Sài Gòn: 13-1-1863 khánh thành Nhà Bưu Chính Sài Gòn. Tháng 3-1864 khởi công xây dựng Thảo Cầm Viên với diện tích 20 hecta, khánh thành năm 1865, do nhà thực vật học nổi tiếng người Pháp  là J.B. Louis Pierre sáng lập và làm giám đốc tiên khởi.

Từ năm 1861 bắt đầu xây dựng những đường phố chính ở Sài Gòn, năm 1865 bắt đầu đặt tên đường, như Bonard (Lê Lợi), Charner (Nguyễn Huệ), Catinat (Tự Do - Đồng Khởi)...

Tôi tuy sinh ra tại miền Bắc, nhưng ở Sài Gòn từ lúc còn chập chững biết đi nay tạm gọi là già. Thuở còn học trung học Đệ nhất cấp ở một trường trung học nơi quận một do các vị linh mục quản lý, đi học buổi chiều, trong tuần có một buổi chiều thứ năm dành ra 2 tiếng học giáo lý. Tôi thường không học theo mấy đứa bạn ra vườn Tao Đàn bắt chuồn chuồn chuồn, cào cào chơi, hoặc vào "Sân banh vườn Ông Thượng" xem đá bóng, lúc đó vẫn còn đội bóng Ngôi Sao Gia Định lừng danh một thời.

Ngày xưa vào mùa hè mà đi ngang qua khu vực vườn Tao Đàn và dinh Độc Lập tha hồ nghe ve kêu inh ỏi, điếc cả tai, bây giờ thì tiếng ve đã hiếm rồi.

Một thời đáng nhớ nữa của tôi với vườn Tao Đàn là khoảng thời gian gần chục năm trước như anh Kỳ đã nhắc bên trên, một hai ngày buổi sáng sớm trong tuần trước khi đến nơi làm việc (gọi đùa là "giao ban" cho oai), anh em thường hẹn nhau ra một quán cafe trong vườn Tao Đàn phía bên đường CMT 8 (cũng có hôm thêm vài bạn khác như cô Bơ May N...), ngồi nhâm nhi ly cafe tán dóc chuyện trên trời dưới biển, ăn gói xôi bắp hay ổ bánh mì ốp la, nhìn thiên hạ qua lại, và ngắm những con chim hót trong lồng.

Thời gian trôi qua, như gió thoảng...