Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Mới - Cũ & Lớn - Nhỏ.

Chợ Bến Thành (Chợ Mới). Ảnh Internet.

Chợ Lớn (cũ) nay không còn, nằm ở vị trí Bưu điện quận 5 ngày nay. Ảnh Internet.

Chợ Bình Tây (Chợ Lớn Mới, Chợ Quách Đàm). Ảnh Internet.

Chợ Thiếc (Chợ Nhỏ) ngày nay. Ảnh Internet.

Đây là tên của những ngôi chợ ở Sài Gòn năm xưa:

- Chợ Mới và Chợ Cũ: Chợ Mới là một trong những tên gọi của chợ Bến Thành nổi tiếng ngày nay (cũng có tên gọi khác là chợ Sài Gòn), chợ Bến Thành ta thấy ngày nay được xây dựng trong 2 năm từ 1912 đến 1914, đến nay đã được trên 100 năm. Sở dĩ có tên gọi Chợ Mới là để thay thế cho ngôi chợ Bến Thành cũ với tên Chợ Cũ. Thời Pháp thuộc người Pháp cho xây dựng một ngôi chợ chính ở trung tâm Sài Gòn, vị trí nằm ngay bên rạch Bến Nghé nơi có bến sông, và gần thành Gia Định (còn gọi là thành Quy, hay thành Bát Quái, ngôi thành mà Lê Văn Khôi đã dùng để chống lại quân của triều đình suốt 3 năm, sau khi Lê Văn Khôi mất và thành bị chiếm thì triều đình san phẳng cho xây một ngôi thành mới gọi là thành Phụng với quy mô nhỏ hơn).

Khi xây ngôi chợ Mới (chợ Bến Thành ngày nay) thì chợ không còn ở gần bến và thành nữa, nhưng tên Bến Thành vẫn được gọi cho ngôi chợ Mới. Khi có chợ Mới thì khu vực chợ Bến Thành cũ được gọi là Chợ Cũ, tên gọi Chợ Cũ ta vẫn còn thấy dùng gọi khu vực này cho đến hiện nay (ở khu Chợ Cũ bạn nào sống lâu năm tại Sài Gòn chắc còn nhớ tiệm bánh Như Lan nổi danh một thời).

- Chợ Lớn và Chợ Nhỏ: Chợ Mới và Chợ Cũ ở khu vực trung tâm thành phố Sài Gòn, ngày nay là quận 1, thì Chợ Lớn và Chợ Nhỏ ở khu vực ngày xưa là trung tâm thành phố Chợ Lớn, người Hoa gọi là Đề Ngạn (). Thời Pháp thuộc, có thời kỳ người Pháp chia ra Thành phố Sài Gòn và Thành phố Chợ Lớn, sau mới sáp nhập làm một.

Đến đây cũng cần mở một cái ngoặc. Ban đầu danh xưng Sài Gòn là để chỉ khu vực Đề Ngạn nêu trên, nơi có nhiều người Hoa sinh sống, tức là khu trung tâm quận 5 (Bưu điện quận 5 ngày nay). Chỉ sau năm 1861, khi đã chiếm được thành Gia Định (thành Phụng), đặt nền móng cai trị, người Pháp mới quy định Sài Gòn bao gồm cả khu vực Bến Nghé (quận 1 ngày nay). Đến năm 1865 chính quyền bảo hộ lại ký nghị định quy định lại diện tích, qua đó Thành phố Sài Gòn (Ville de Saigon) chỉ còn lại khoảng 3 km vuông tại khu vực Bến Nghé, và Thành phố Chợ Lớn (Ville de Cholon) để gọi khu Đề Ngạn (Sài Gòn cũ). Sau năm 1956 dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa của TT Ngô Đình Diệm, tên gọi Sài Gòn được dùng chung cho cả hai khu vực.

Trở lại tên gọi Chợ Lớn, đây là một ngôi chợ của người Hoa có nguồn gốc xa xưa, khi họ không thần phục nhà Thanh đến xin chúa Nguyễn sinh sống, sau này thêm những người Hoa khác bỏ chạy từ Cù Lao Phố ở Biên Hòa, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi. Ban đầu Chợ Lớn là ngôi chợ tọa lạc tại địa điểm bây giờ là Bưu Điện quận 5, quy mô của chợ lớn hơn hẳn một ngôi chợ khác của người Việt là chợ Tân Kiểng (Tân Cảnh, vùng Chợ Quán ngày nay), và một ngôi chợ khác được gọi là Chợ Nhỏ gần đấy. Ngôi Chợ Nhỏ này vẫn còn cho đến ngày nay, đó chính là Chợ Thiếc (Thiếc chứ không phải Thiết, xưa kia vùng này có nhiều rẫy trồng hoa màu, gần đó còn tên bệnh viện Chợ Rẫy. Chợ Thiếc và khu vực chung quanh chuyên sản xuất buôn bán đồ dùng bằng tôn thiếc các loại, như các thùng tưới rau). Hiện nay thuộc quận 11. Chợ Thiếc sau này còn có tên gọi là chợ Phó Cơ Điều, vì nằm trên đường Phó Cơ Điều, chuyên buôn bán vàng, nữ trang.

Năm 1928, một thương nhân người Hoa là Quách Đàm, chủ nhà buôn Thông Hiệp tự bỏ tiền mua đất xây dựng một ngôi chợ khác gần Chợ Lớn, ban đầu gọi là chợ Quách Đàm, chợ Thông Hiệp, nay là chợ Bình Tây thuộc quận 6. Chợ Quách Đàm với quy mô lớn hơn hẳn Chợ Lớn dần thay thế ngôi Chợ Lớn, người dân gọi là Chợ Lớn Mới, ngôi Chợ Lớn cũ bị phá bỏ. Chợ Lớn Mới (chợ Quách Đàm, chợ Thông Hiệp) sau này gọi là chợ Bình Tây còn tồn tại đến ngày nay, cũng như chợ Bến Thành, đây là hai ngôi chợ nổi tiếng của thành phố. Nổi tiếng về kiến trúc, lịch sử, du lịch...


(Tham khảo từ nhiều nguồn).



Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

Cuối tuần.

Quảng cáo của hãng hòm Tobia.

Quảng cáo Tuần báo.


Xà bông.

Vũ trường.

Bia 33.

Rạp chiếu phim.

Rạp chiếu phim di động.


Sáng sớm chủ nhật cuối tuần nhận được cái Email của một người bạn thuở còn đi học, hiện bạn đang sống ở nước ngoài. Bạn gởi cho những hình ảnh khá dễ thương của "một thời yêu dấu đã qua"*, với tựa đề MỘT CHÚT HOÀI NIỆM.

Những bạn nào đã ở Saigon trước năm 1975 có lẽ còn nhớ những hình ảnh quen thuộc này, chẳng hạn như quảng cáo của hãng hòm Tobia, quảng cáo của một tuần báo, xà bông, vũ trường, cafe Brodard, bia 33, rạp hát. Đặc biệt là hình ảnh của một "xe chiếu phim di động", chuyên phục vụ trẻ con, chiếu những đoạn phim hài ngắn của Charlot...

Tôi post lại dưới đây vài hình ảnh HOÀI NIỆM ấy:


* "một thời yêu dấu đã qua", lời trong bài hát Đóa hoa vô thường của nhạc sỹ TCS "Một thời yêu dấu đã qua/ Gót hồng em muốn quay về/ Dù trần gian có xót xa/ Cũng đành về với quê nhà".









Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Mắt ghe thuyền ở Nam bộ.

Ảnh Internet.

Về miền Tây Nam bộ vùng sông nước, có lẽ ai cũng ấn tượng với cảnh ghe thuyền trên sông rạch, những con thuyền đủ loại với những tên gọi, chức năng khác nhau. Đã lâu tôi không có dịp đi chơi lại vùng này, nhưng cái ấn tượng để lại trong tôi là sự hiền hòa, chất phác của người dân, của thiên nhiên, đặc biệt là những con mắt của ghe thuyền, những con mắt đã tạo nên sự sống động cho những chiếc ghe, thuyền đang ngược xuôi.

Tục lệ vẽ mắt trên ghe thuyền không chỉ có ở Nam bộ, mà ta thấy trên những con thuyền ở khắp mọi vùng đất nước, trên khắp thế giới, tuy mỗi nơi, mỗi địa phương có khác. Riêng ở Việt Nam tục lệ vẽ mắt cho ghe thuyền đã có từ rất lâu đời, ít nhất là từ thế kỷ thứ I trước Công nguyên, trên những trống, khạp (thạp) đồng đã tìm thấy ở nước ta.

Về tục lệ vẽ mắt trên ghe thuyền, theo một số nhà nghiên cứu có lẽ liên quan đến tục xăm mình của người Đông Sơn đã được nhắc đến trong nhiều sách vở, chẳng hạn sách Lĩnh Nam Chích Quái của các tác giả Vũ Quỳnh, Kiều Phú đã nói đến, vua Hùng đã truyền cho dân lấy mực vẽ lên người, để thủy quái không còn làm hại khi xuống nước.

Tuy mỗi nơi trên đất nước có một cách vẽ mắt cho ghe thuyền, ngay vùng đồng bằng Nam bộ mỗi địa phương lại có cách vẽ đôi chút khác biệt, nhưng nói chung mắt của ghe thuyền vùng sông nước Nam bộ (từ TP. HCM đến Cà Mau) có đặc điểm chung là tròng đen, tròng trắng tròn hoặc hơi ô van, nhìn thẳng, tròng đen to, trông hiền hòa, như tính cách của người dân vùng này.

Nếu đôi mắt người được mệnh danh là "cửa sổ của tâm hồn", thì đôi mắt ghe thuyền cũng thế, cho nên khi đóng một chiếc ghe, đến công đoạn vẽ mắt các trại thuyền phải làm lễ cúng khai nhỡn (khai nhãn), cùng với hai lễ cúng quan trọng khác là cúng khi bắt đầu đóng ghe gọi là cúng ghim lô, và cúng hạ thủy. Cúng khai nhỡn được thực hiện khi đã đóng xong phần vỏ ghe, với mong ước sau này ghe được an toàn, công việc làm ăn của chủ ghe được thuận lợi. Lễ vật cúng thường đơn giản, hoa trái, bộ tam sên (thường là con tôm, miếng thịt heo và quả trứng).

Người dân cũng có tục lệ chọn ngày lành để cúng khai nhỡn, và cũng có tục kiêng kỵ không cho người lạ sờ vào mắt ghe, vì sợ bị yểm, xui xẻo...


Tham khảo từ nhiều nguồn.




Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Chữ nghĩa ngày xưa.


Hôm trước đi trong xóm, tình cờ tôi nghe lại được mấy từ "ôn gwoàng dzịt lộn" mà mấy chục năm nay không còn nghe. Thuở nhỏ ở Saigon đám nhóc tì rắn mắt thường bị mấy bà già trầu Nam bộ "rủa" như thế, chẳng hạn như bấm chuông nhà người ta rồi cắm đầu cắm cổ chạy, bà chủ nhà đang nấu cơm ra không thấy ai biết là bị tụi nhóc phá buông câu rủa "đồ ôn gwoàng dzịt lộn" cho bõ tức rồi quay trở vô, vì được nói theo giọng Nam bộ cho nên tôi chỉ hiểu mấy từ đó đại khái là "ôn hoàng vịt lộn", biết là nói thế nhưng nghĩa của nó là gì thì mù tịt.

Lớn lên đọc sách vở rồi mới biết, "ôn" (), có nghĩa là dịch, bệnh truyền nhiễm. "dịch" (), cũng có nghĩa là bệnh truyền nhiễm, và những từ trên là nói trại từ chữ "ôn hoàng dịch lệ" chứ không phải là "ôn hoàng vịt lộn". 

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của giải thích:

- Ôn (): Dịch khí hay truyền nhiễm cũng hay làm cho người ta phải chết.
- Dịch (): Khí độc hay truyền nhiễm.
- Ôn dịch: như "ôn".
- Ôn hoàng dịch lệ: Quỉ làm ôn dịch, tiếng rủa tiếng trù; tiếng lấy làm lạ lẫm.

Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức giải thích như sau:

- Ôn (): Bệnh thời khí hay truyền nhiễm.
- Dịch (): Thứ bệnh thời chứng hay truyền nhiễm.
- Ôn dịch (): Cũng có nghĩa như "ôn".
- Ôn quan (): Thần coi về bệnh thời khí.
- Lệ (): Dữ, độc: Ôn hoàng dịch lệ.

Từ điển Hán-Việt trích dẫn giải thích chữ "lệ" () là bệnh tật, dịch chướng.

Trong bốn từ "ôn hoàng dịch lệ", có ba từ "ôn, dịch, lệ" có nhiều nghĩa, nhưng nghĩa ở đây là "bệnh thời khí truyền nhiễm , dữ, độc, bệnh tật, dịch chướng". Duy chữ "hoàng" tra trong nhiều sách vở cũng thấy rất nhiều nghĩa, nhưng không thấy có nghĩa nào liên quan tới bệnh tật, dịch chướng. Tìm trong nhiều sách chỉ thấy Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Huình Tịnh Của giải thích "ôn hoàng dịch lệ" là "Quỉ làm ôn dịch, tiếng rủa tiếng trù; tiếng lấy làm lạ lẫm.". Nếu Việt Nam Tự Điển giải thích "ôn quan" là "Thần coi về bệnh thời khí", thì "ôn hoàng" như Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích là "Quỉ làm ôn dịch" chăng?

Con nít ngày xưa phá phách chút đỉnh đã bị rủa là "ôn hoàng dịch lệ", không biết bây giờ phá hại cỡ Formosa thì phải rủa là gì?



Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

Đạo.

Ảnh Internet.

Tôi đi khám bệnh, thấy nơi phòng mạch có treo trên tường chữ "Đạo" viết theo lối chữ Nho () kiểu thư pháp. Thấy tôi đứng ngắm, vị bác sĩ nói, chữ Đạo này do cha của ông tặng đã lâu khi ông mở phòng mạch, cha của ông muốn ông làm gì cũng phải nghĩ tới cái "Đạo".

Vui chuyện tôi nói với ông chữ "Đạo" () này viết theo chữ Nho, chứ nếu viết theo quốc ngữ là "Đạo" thì lại có nhiều nghĩa, Cũng viết chữ "Đạo" ấy, nhưng khi đi cùng với một chữ khác thì nghĩa cũng khác, chẳng hạn "nhân đạo" thì "đạo" là "đạo lý", là "cái lý lẽ nhất định phải noi theo", "thiết đạo" (đường sắt) thì "đạo" lại có nghĩa là "đường", "đạo giáo, đạo Phật" thì "đạo có nghĩa là "tôn giáo" ... Nhưng "Đạo" cũng có nghĩa xấu là "kẻ trộm, kẻ cắp, kẻ cướp...", như trong "đạo chích, đạo tặc, cường đạo"... Trong chữ Nho, chữ "Đạo" có nghĩa tốt viết như trên, còn chữ "Đạo" có nghĩa xấu lại viết khác.

Vị bác sĩ nhỏ hơn tôi ít tuổi, đi khám bệnh vài lần cũng đã quen thường gọi tôi bằng bác, cười nói với tôi, ông cũng biết điều đó, cha ông ngày trước cũng nói thế, nên đã tặng cho ông chữ "Đạo" viết theo thư pháp chữ Nho chứ không tặng chữ "Đạo" viết theo thư pháp tiếng Việt.

Nhân đây xin nói thêm về chữ "Đạo". Cùng đọc theo âm Hán-Việt là "Đạo", nhưng chữ "Đạo" viết theo chữ Nho có khoảng 7 chữ viết khác nhau (theo Hán-Việt tự điển của Thiều Chửu), và có nhiều nghĩa. Tôi thử đưa ra một vài chữ, và  những nghĩa ta thường gặp:

- Đạo (): chữ "Đạo" này hay nghe, đọc hằng ngày, như "đạo đức, đạo lý, đạo giáo..." đã nói bên trên, chữ "Đạo" này mang ý nghĩa tốt.

- Đạo (): chữ "Đạo" này ta cũng hay nghe, như "trộm đạo", "đạo tặc", "đạo chích", "cường đạo"... Chữ "Đạo" này mang ý nghĩa xấu.

- Đạo (): chữ "Đạo" này có nghĩa là "dẫn, dắt, đưa đường", "chỉ bảo, khai mở"... như "tiền đạo" (đi trước dẫn đường), "huấn đạo" (dạy bảo), "khai đạo" (mở lối)...

- Đạo (): bộ "hòa" (), "hòa" là "cây lúa", có nghĩa là "lúa gié", một loại lúa một năm cấy 2 mùa, thỉnh thoảng ta có nghe như "bệnh đạo ôn" (một loại bệnh trên cây lúa)...





Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

Tại sao lại gọi là "thức ăn"?

Ảnh Internet.

Sáng coi trên tivi tiểu phẩm hoạt họa hài thấy có nói vui về hai chữ "thức ăn". Nhân vật này hỏi nhân vật kia "tại sao gọi là thức ăn chứ không gọi là cái ăn?". Người được hỏi trả lời là "vì cái là giống cái, mà món ăn thì làm từ cái đực gì cũng xơi được tuốt". Còn ý kiến của người hỏi là "người ta phải thức mới ăn được chứ ngủ làm sao ăn?".

Coi tiểu phẩm hài này mới sực nhớ và tự hỏi xem chữ "thức" trong "thức ăn" có nghĩa là gì? Hình như người miền Bắc gọi là "thức ăn, thức uống", còn người miền Nam gọi là "đồ ăn, đồ uống". Tôi nhớ hồi nhỏ ở Saigon khi có tiền tụi con nít thường rủ nhau đi "ăn đồ". Có lẽ miền Bắc kiêng chữ "đồ" khi gọi món ăn, bởi thấy ngày xưa vẫn gọi thày giáo dạy học là "thầy đồ", chẳng thấy kiêng cử gì?

Thử lục trong Đại Nam Quấc âm tự vị của cụ Huình Tịnh Paulus Của xuất bản ở Saigon năm 1895 ra xem, thì thấy đúng là không thấy chữ "thức" trong giải thích món ăn (chỉ giải thích những nghĩa thông thường). Còn trong Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức ấn hành tại miền Bắc từ năm 1931, chữ "thức" ngoài những nghĩa ta thường thấy như trong "thức, ngủ", "cách thức, thể thức, tri thức"... thì "thức" được giải thích là "thứ, món" (thức ăn, thức mặc). Trong Tự điển truyện Kiều, cụ Đào Duy Anh giải thích chữ "thức" như sau:

- Thức: Chỉ món hoa quả, món ăn. Thức hồng: cái hoa, chỉ sắc đẹp. Hoa hương càng tỏ thức hồng (câu 493). Thức thức: món này món khác. Thì trân thức thức sẵn bày (câu 377).

Như vậy chữ "thức" có nghĩa là món ăn là tiếng Việt cổ, đã hiện diện trong truyện Kiều.

Trong chữ Nôm, chữ "thức" có nghĩa là "món ăn" được viết như sau , mượn âm và chữ   trong chữ Hán (âm Hán-Việt đọc là "thức", đây là phép giả tá, mượn một chữ Hán, âm Hán-Việt đồng âm nhưng không đồng nghĩa để thành một chữ Nôm). Chữ "thức"  trong chữ Hán có nghĩa là "phép tắc, khuôn mẫu, nghi lễ, quy cách, phương pháp..." (những nghĩa ta thường gặp, và tất cả các nghĩa trong chữ Hán, không có nghĩa nào liên quan đến món ăn).