Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Ký ức chữ nghĩa.



Thuở nhỏ tôi ở Sài Gòn, trong một khu dân cư lao động thuộc Chợ Lớn có khá đông người Hoa sinh sống. là khu lao động nghèo nên người dân gồm đủ mọi thành phần, làm đủ mọi nghề, công nhân viên chức quèn, dân làm ăn buôn bán nhỏ, các ngành nghề tiểu thủ công... và đến từ khắp mọi miền,,,

Ấn tượng đậm nhất của tôi là những người Hoa hàng xóm. Nhà cửa của người Hoa hồi đó tôi thấy luộm thuộm, nhếch nhác hơn của người Việt. Điều này có lẽ dễ hiểu, vì nhà của họ thường không phải chỉ để ở, mà còn có nhiều chức năng khác, như làm cửa tiệm buôn bán, kho chứa hàng, xưởng tiểu thủ công... Không hiểu sao trong nhà họ thường tối, ẩm thấp, có lẽ vì nhà phố hẹp lại thường chia thành nhiều gian, phòng nhỏ, hay vì tiết kiệm nên ít bật đèn? Trong nhà thường đặt nhiều bàn thờ ở khắp mọi nơi thắp mấy ngọn đèn đỏ tù mù... Còn nhỏ chưa suy nghĩ được gì nhiều, nhưng những gì mắt thấy, tai nghe đến nay qua hơn nửa thế kỷ thế mà vẫn còn in đậm trong tâm trí. Lũ nhóc tì lê la chơi trong xóm tôi có nhiều đứa con nhà người Hoa, tụi nó có những cái tên gọi phát âm không giống với tên đám nhóc tì người Việt, như A Chảy, A Pẩu, A Quây, A Lũ... Đám nhóc tì này hay, vừa nói rành tiếng Việt, lại vừa nói tiếng Quảng, tiếng Tiều nhanh như gió.

Có điều đám nhóc người Việt như tụi tôi phải đi học ở trường, thì đa số tụi nhóc người Hoa chẳng phải học hành gì cả, ngoài thời gian "lêu lổng" chơi đùa cùng đám con nít trong xóm thì tụi nó phụ giúp gia đình làm đủ mọi thứ lặt vặt, cái này thì rõ ràng tụi nó giỏi hơn đám trẻ con Việt. Những nghề mà đa số gia đình người Hoa làm để sinh sống, như làm mấy thứ bánh trái, sữa đậu nành, bào củ mì ngâm phơi thành bột, đan sọt tre, dập đinh, dập nút chai, bán tạp hóa, kể cả làm vựa ve chai... trừ một gia đình tương đối khá giả trong xóm không làm nghề lao động chân tay, hình như chú Tàu này làm quản lý một nhà hàng nào đó, mướn thày giáo về dạy cho mấy đứa con (mấy đứa này cũng ít khi được ra ngoài chơi đùa đất cát với tụi nhóc trong xóm), mà dạy tiếng Hoa chứ không phải tiếng Việt. Thỉnh thoảng tôi có đứng ngoài cửa nghe lóm được vài chữ mà giờ còn nhớ, chẳng hạn như "xiểu chẻ" là "tiểu thư", "cú nường" là "cô nương", "xính xáng" là "tiên sinh, ông thày"...

Tôi cũng còn nhớ thêm vài từ nữa mà hồi đó nghe mấy người lớn người Hoa rất hay nói, như "xín(h) xái", hiểu đại khái là "bỏ qua", "không hề gì", hình như chuyển sang tiếng Việt thành "xí xóa"?, "dẩm (nhẩm) xà" nghĩa gốc là "uống nước trà", "lì xì" có nghĩa là "tiền cho, biếu, tặng"... Những từ này là tiếng Quảng Đông. Thuở nhỏ sống chung trong khu xóm nhiều người Hoa chưa biết để ý gì mấy, khi lớn lên sống ở nhiều nơi khác, mới thấy họ "cực kỳ dễ chịu". Tôi nhớ là suốt cả gần 20 năm sống từ lúc mới lẫm chẫm biết đi đến lúc đã tạm khôn lớn, hình như chẳng bao giờ thấy họ cãi vã trong nhà, hoặc có điều gì mích lòng với hàng xóm, không biết có phải vì xa quê hương phải trôi dạt với thân phận "ăn nhờ, ở đậu, thân cô thế cô" mà họ thành ra như thế? Chừng như họ rất sợ dính líu tới tranh chấp, thưa kiện. Gặp bất cứ chuyện gì họ cũng cười hề hề "xín xái, xín xái", buôn bán đổi chác dễ dàng, lấy chữ tín làm đầu, không lừa ai, và thường chịu cho mình phần thiệt khi có chuyện gì xảy ra, điều này phải nói họ hơn người mình, và chắc chắn khác hẳn với đám đồng bào của họ ở lục địa bây giờ. Chuyện đưa một ít tiền gọi là "lì xì" để "dẩm xà" là chuyện bình thường và công khai, ngay cả đối với những quan chức nhỏ nhỏ bấy giờ như thày đội cảnh sát của khu vực. Họ buôn bán hay làm nghề mà thỉnh thoảng có chính quyền đến kiểm tra, chẳng sai phạm gì hết, nhưng người ra về thường có phong bao lì xì màu đỏ của ngày tết, đưa công khai chứ không dấu diếm, không phải là tiền hối lộ, như đã nói gọi là "lì xì" để "dẩm xà", tiền này thường đúng nghĩa đủ để uống nước , đổ xăng, không nhiều.

Nhưng lớn lên nghe nói họ cũng rất điệu nghệ, biết điều trong những "phi vụ" lớn hơn trong làm ăn, buôn bán. Chẳng hạn như hồi đó có vụ "bắt quân dịch", nôm na là "bắt lính". Trong xóm tôi gần như mấy thanh niên người Hoa lớn lên đến tuổi quân dịch đều trốn, mà họ vẫn cứ ở nhà ngày ngày làm việc, dĩ nhiên phải kín đáo. Đêm đến hồi đó cảnh sát, quân cảnh hay đập cửa vào kiểm tra nhà, nghe nói những thanh niên này trốn vào tủ áo, chui vào cái lu nước cạn, hay chui lên trần nhà, tay họ cầm sẵn tiền đưa ra hay đặt trên đầu, thày đội cảnh sát có mở tủ, leo lên trần, hay mở nắp lu cứ thế mà lặng lẽ cầm đút túi, coi như không có chuyện gì xảy ra... Một hai thanh niên khác đến tuổi thấy có đi lính, nhưng là lính kiểng, vẫn mặc bồ đồ kaki hồ ủi thẳng tắp nhưng ở nhà nhiều hơn đến nhiệm sở... Dĩ nhiên nghe nói phải chạy nhiều tiền... Chợ Lớn ngày trước mà trung tâm là quận 5 tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn chơi, kho hàng, nhà hàng, hãng xuất nhập cảng, xưởng tiểu thủ công nghiệp, nhà máy công nghiệp nhẹ... của người Hoa. Nghe nói hồi đó phải là "con ông cháu cha" hoặc phải chạy rất nhiều tiền mới làm được chức vụ quận trưởng quận 5. Chỉ một thời gian ngắn thôi là đã lấy lại vốn và sau đó là tha hồ kiếm lời...

Tự nhiên hôm nay nhớ lại ý nghĩa vài chữ, mà cho tới tận bây giờ đã về già, tôi "tâm đắc" nhất là hai từ "xín xái" (bỏ qua, không hề gì...), hình như điều này có vẻ như ít nhiều tương đồng với mấy từ trong triết lý Phật giáo là "buông xả"...?





Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Tí hon thần lực và con Vượn đốm.

Tí hon thần lực.

Vượn đốm.

Tí hon thần lực và Vượn đốm.

Tí hon thần lực là một nhân vật cũng là tựa đề tiếng Việt của bộ truyện tranh của họa sĩ người Bỉ Pierre Culliford (bút danh Peyo). Ông cũng là tác giả của bộ truyện tranh nổi tiếng khắp thế giới là Xì trum, mà hầu như người Việt nào cũng biết. Trong truyện Tí hon thần lực, ngoài hình ảnh Tí hon thần lực với chiếc mũ bê rê đen, cũng còn một hình ảnh ấn tượng khác là "Bà già giết giặc" Adolphine, một bà cụ già trông lọm khọm nhưng cũng có một sức khỏe phi thường.

Vượn đốm là tên tiếng Việt của con vượn Marsupilami trong tạp chí Spirou, sáng tác bởi họa sĩ André Franquin, một bộ truyện tranh cũng được yêu thích tại nước Bỉ vào các thập niên trước (những bạn nào ở Saigon trước năm 1975 chắc biết rõ 2 bộ truyện tranh kể trên). Vượn đốm là một con vật thuộc loài khỉ với bộ lông màu vàng lốm đốm đen vì bị chứng bệnh nhiễm sắc tố, trông giống như bị bệnh ban ở ta vậy. Con vượn đốm ưa phá phách trông thật ấn tượng với đôi tai và cái đuôi dài ngoằng.
.
Hiện tại tôi đã làm được một... rổ những nhân vật trong các bộ truyện hoạt họa nổi tiếng trước đây bằng những sợi giấy màu, kể ra nhìn cũng thấy khá ngộ nghĩnh.



P/s: Hôm nay là Ngày Gia Đình VN 28-6, bổ sung thêm một tác phẩm về Gia đình.

Gia đình chim chích chòe.

Thêm ảnh Tom và Jerry.

Tom.

Jerry.

Tom và Jerry.








Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Gia đình.

28-6 hằng năm là ngày Gia đình Việt Nam. Gia đình luôn là chỗ dựa cho tất cả mọi người. Post lên hình ảnh gia đình nhà... Chuột và gia đình nhà Gà trên tấm carte visite. Chúc mọi gia đình vui vẻ và hạnh phúc.

Gia đình nhà Chuột.

Gia đình nhà Gà.






Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

Nu, Pogodi!

Sói và Thỏ

Bộ phim "Hãy đơi đấy" với hai nhân vật chính là Sói và Thỏ là bộ phim hoạt họa khá hay của Liên Xô cũ, có tựa là "Nu, pogodi", được chiếu trên tivi vào khoảng thập niên 1990 ăn khách một thời. Hai nhân vật này cũng tựa như mèo Tom và chuột Jerry rình mò đuổi bắt và chơi khăm nhau, nhưng khi gặp hoạn nạn lại ra tay cứu vớt và bắt tay nhau vui vẻ.

Tôi thử làm khuôn mặt của Sói và Thỏ, thoạt đầu tưởng khuôn mặt của Sói nhiều góc cạnh khó làm, nhưng không dè làm khuôn mặt Sói còn dễ hơn làm khuôn mặt Thò. Con Sói sau khi "điều nghiên" thì chỉ làm một lần là đã ra được cái "thần hồn" của Sói, còn con Thỏ thì phải làm tới lần thứ ba mới thấy tạm coi được, vẫn chưa hài lòng.


Đưa hình ảnh Sói Thỏ lên cho mấy bạn xem thử.



Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

Obélix & Astérix.

Obélix và Astérix

Obélix

Astérix

Tintin và Milou

Tintin

Milou


Làm tiếp những khuôn mặt trong những truyện tranh nổi tiếng thế giới, chàng mập Obélix và chàng ốm Astérix, Tintin và chú chó xù Milou.

Tẩn mẩn tỉ mỉ ngồi làm những thứ này cũng như tụng kinh gõ mõ hay đọc kinh lần tràng hạt vậy, hì hi!









Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

Hoàng tử bé, bông hồng, và con chồn.



Hoàng tử bé, Bông hồng, và Con chồn.

Thuở còn đi học tôi rất thích  quyển sách Hoàng tử bé (Le Petit Prince) của nhà văn Pháp Saint Exupéry. Nhân vật chính trong truyện là một Hoàng tử bé tình cờ lạc đến trái đất từ một tiểu hành tinh xa xôi. Hoàng tử bé với những nhân vật khác trong truyện như bông hoa hồng của chàng ở lại tiểu hành tinh khi chàng ra đi, ông vua già, người gác đèn, gã khoác lác, kẻ khoe khoang, gã say, nhà bác học, ông áp phe, nhà thông thái, người bẻ ghi hỏa xa, con rắn, con chồn,.. và người phi công bị rơi máy bay trong sa mạc. 

Tôi thích tất cả những nhân vật trong câu truyện Hoàng tử bé, dĩ nhiên thích nhất là Hoàng tử bé, rồi đến Bông hồng ở Tiểu hành tinh nơi chốn của chàng, và Con chồn mà Hoàng tử bé đã gặp trong sa mạc. Con chồn đã nói với Hoàng tử bé như thế này: "Thật là rất đơn sơ, người ta chỉ nhìn thấy rõ là với trái tim. Cái cốt thiết, cái tinh thể, cái đó vô hình với hai con mắt".

Tôi đã thử làm hình ảnh của Hoàng tử bé với mớ tóc vàng óng, Bông hồng, và Con chồn như tấm hình bên trên.









Thứ Ba, 14 tháng 6, 2016

Con ngựa Jolly Jumper của Lucky Luke.


Con ngựa Jolly Jumper.

Thuở tôi còn là nhóc tì ở Saigon, tôi thường chơi những trò chơi trẻ con như đá dế (vào mùa hè mới có dế mèn để bắt cho đá), đá cá lia thia (cá lia thia thì phải đi mua, có hai loại là cá xiêm và cá phướn, cá xiêm vây, kỳ không dài và nhiều màu sắc bắng cá phướn, nhưng đá ngon lành hơn), các trò chơi trẻ con khác là chọi đáo, đánh khăng, chơi quay, chơi u, cướp cờ... Ngoài những trò chơi đó thi thường đọc truyện tranh, và mê nhất là truyện tranh anh chàng Lucky Luke, cùng anh em nhà tứ quái Dalton của họa sĩ người Bỉ Morris sáng tác...

Anh chàng cao bồi cô đơn Lucky Luke thì khỏi phải nói, ốm nhách mặt dài ngoằng. Ban đầu trên truyện tranh Lucky Luke, hình ảnh của chàng cao bồi luôn gắn liền với điếu thuốc lá, sau vì "hút thuốc lá có hại cho sức khỏe", cho nên điếu thuốc trên môi chàng ta được thay bằng một cọng rơm, nhưng dù sao tôi cũng thích hình ảnh điếu thuốc hơn là cọng rơm. Biệt tài của anh chàng cao bồi Lucky luke là sử dụng khẩu colt sáu phát được bắng cả 2 tay, bá phát bá trúng và "bắn nhanh hơn cả cái bóng của mình". Đối nghịch với Lucky Luke nổi đình nổi đám nhất có tứ quái Dalton và bà mẹ của tứ quái (gia đình này có cái cằm vuông to bạnh y hệt như nhau). Nhóc tì sát thủ Billy The Kid, Mad Jim, Pinkerton, Nhện chân dài Phil de Fer, hay nữ quái Calamity Jane... và thêm một nhân vật thỉnh thoảng xuất hiện là ông chủ nhà... hòm Tobia...

Ngoài những nhân vật trong truyện tranh Lucky Luke, tôi còn khoái con vật bất ly thân, đồng hành với chàng ta trên mọi nẻo đường, đó là con ngựa rất thông minh Jolly Jumper với bờm màu vàng. Con ngựa này ngoài tài "chạy nhanh hơn cái bóng của mình", còn có thể chơi khẩu cầm, đi dây thăng bằng, chơi cờ vua, cờ ca rô với anh chàng cao bồi Lucky Luke... Một con vật khác mà tôi cũng rất khoái đó là chú chó nghiệp vụ Rantanplan, thỉnh thoảng tháp tùng Luky Luke đi bắt tứ quái. Chú chó này có tài ham ăn, ham ngủ, và... ngốc hết biết, chú ta còn "ngốc hơn cả cái bóng của mình"...

Chú chó nghiệp vụ Rantanplan.

Khi mày mò làm những sản phẩm bằng giấy cuốn những khuôn mặt trong các phim hoạt họa như Mickey, Minnie, Donald, Daisy, Pluto, Goofy, Pinocchio, dân Tí Xìtrummm, Tom và Jerry, Doremon... thì khuôn mặt dài ngoằng của anh chàng cao bồi Luky Luke là làm khó nhất, làm được khuôn mặt chàng cao bồi này rồi, lại nghĩ Lucky Luke mà không có con ngựa Jolly Jumper thì là cả một thiếu sót, nhưng quả thật không dễ gì chuyển một khuôn mặt ngựa vào những sợi giấy cuốn. Nặn những con tò he bằng bột dẻo, hay những con tò he bằng đất sét như ở Hội An thổi kêu tò te tò te có lẽ không khó lắm, vì bột dẻo hay đất sét dễ dàng  nặn theo ý muốn. Tôi đã phải mất cả giờ ngồi ngắm nghía những bức tranh trong truyện tranh Lucky Luke tìm trên mạng, phân tích những hình khối, đường nét của tranh, rồi cũng phải nắm vững đặc tính của những sợi giấy màu, chuyển tranh vào những sợi giấy cuốn. Một việc làm kết hợp giữa hội họa và điêu khắc. Cuối cùng thì cũng làm được những nhân vật điển hình nhất của truyện tranh Lucky Luke như anh chàng cao bồi Lucky Luke, Tứ quái Dalton (khuôn mặt anh chàng em út ngốc nhất, anh chàng này cũng như con chó Rantanplan, ngốc hơn cái bóng của mình), con ngựa Jolly Jumper, và cả chú chó nghiệp vụ ngốc nghếch Rantanplan...

Lucky Luke, Jolly Jumper, Dalton, và Rantanplan,

Lucky Luke, chàng cao bồi "bắn nhanh hơn cái bóng của mình".

Con ngựa Jolly Jumper đánh cờ vua với Lucky Luke.

Ngựa Jolly Jumper đi dây thăng bằng.

Ngựa Jolly Jumper chơi cờ ca rô.

Chú chó Rantanplan còn "ngốc hơn cả cái bóng của mình".

Truyện tranh Lucky Luke của Morris tả lại cảnh miền viễn tây nước Mỹ xưa kia, thời những anh chàng cao bồi bắn súng như chớp, có cả "mọi da đỏ", những tên cướp, lục lâm thảo khẩu thời khai hoang của nước Mỹ. Nhưng khác hẳn với loại phim ảnh tôi cũng đã được xem thời nhỏ, truyện của ông đầy tính nhân văn, không có cảnh kỵ binh tàn sát người da đỏ, cao bồi bắn nhau như ngóe. Luôn luôn trong truyện của ông sự đối đầu giữa người da trắng và da đỏ kết thúc bằng tẩu thuốc hòa bình, Lucky Luke đối đầu với những nhân vật cướp bóc như tứ quái Dalton, nhóc tì Billy The Kid... trong vui nhộn, khôi hài, đấm đá, đấu súng, nhưng không hề có chết chóc...

Bây giờ ngán chuyện đời, chuyện thời thế đến tận cổ rồi, trở về với tuổi thơ vậy...






Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

Shop hàng handmade.

Bắt chước trào lưu hiện đại nên giật cái tít như thế cho xôm tụ, chứ gọi theo tiếng Việt đây là những sản phẩm thủ công, hoàn toàn làm bằng tay của cơ sở "người già neo đơn". Những hình búp bê bên trên là những sản phẩm đan móc bằng sợi coton được nhồi bông dạng búp bê, hoặc đa phần được chuyển từ những phim hoạt họa như Người nhện (Spiderman), Kẻ cắp mặt trăng (gồm 3 chú Minions), Ninja Rùa và Sư phụ là chú Chuột...


Chị em búp bê.

Người nhện.

Ba chú Minions.

Bốn Ninja Rùa.

Sư phụ của bốn Ninja Rùa.

Bốn Ninja Rùa và Sư phụ cùng toàn bộ vũ khí, cả hộp bánh Pizza mang theo ăn khi đi chiến đầu.


Một sản phẩm thủ công nữa của Shop là những mặt mề đay làm bằng những sợi giấy màu. Tuy làm bằng giấy nhưng những mặt mề đay dễ thương này đeo được như mặt dây chuyền, dành cho tuổi teen teen (người lớn đeo cũng hay), cũng là những khuôn mặt trong phim hoạt họa.

Chuột Mickey, Minnie, vịt Donald, Daisy.

Tí vua, Tí cô nương, Tí tham ăn, Tí vui vẻ trong gia đình Xì trummmmm...

Mèo Tom, chuột Jerry, chó Pluto, chó Goofy.

Anh chàng cao bồi Lucky Luke, em út trong tứ quái Dalton. Thằng người gỗ Pinocchio, chú Mèo máy Doremon, người Nhện.


Trên đây giới thiệu những sản phẩm mới nhất trong cửa hàng, Cuối tuần xem bóng đá Euro chào mời sản phẩm mới đây.

Mai dzô, mại dzô............




Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Nhận xét của bạn.



Mề đay khuôn mặt Lucky Luke làm ban đầu.

Mề đay khuôn mặt Lucky Luke sau khi bạn nhận xét.

Khuôn mặt anh chàng ngốc em út trong tứ quái Dalton với chiếc cằm tiêu biểu của tứ quái.

Hồi này khoái làm mấy cái mặt mề đay bằng giấy đeo được để phục vụ cho cái dự án tết này cùng với anh bạn trẻ Huy Trường đăng ký một chỗ ở Lăng Ông, trải chiếu ngồi vừa làm vừa bán, kế ông nặn tò he bằng bột, ông viết thư pháp, và bà thày giải xăm. Cùng với việc đọc sách, mấy món đồ thủ công tỉ mỉ này giúp cho chân tay, đầu óc, mắt mũi người... già còn phải hoạt động. Hình bên trên là khuôn mặt anh chàng cao bồi Lucky Luke tôi làm đầu tiên, kể ra khá khó, làm sao cho ra nét của anh chàng cao bồi này. Post lên chơi, bạn Marg. vào nhận xét trong tuyện, phim về anh chàng cao bồi Lucky Luke thì khuôn mặt anh chàng này ốm hơn, thế là mầy mò làm lại cái khác.

Có lẽ sản phẩm thứ nhì hoàn chỉnh hơn sản phẩm đầu, làm xong ngắm nghía phải công nhận nhờ nhận xét của bạn mà tôi đã làm lại được khuôn mặt anh chàng cao bồi Lucky Luke giống như trong truyện tranh hay phim hoạt họa, hì hì. Cám ơn bạn.





Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

Những khuôn mặt hoạt họa (2).



Mèo Tom

Chuột Jerry

Tom và Jerry

Chuột Mickey và Minnie

Vịt Donald, Chó Goofy, Chuột Mickey và Minnie

Tí cười

Tí tham ăn

Tí vua

Tí cô nương

Những chú Xì trum


Để có thể chuyển những nhân vật nổi tiếng trong phim hoạt họa xưa nay mà mình yêu thích, từ hình vẽ lên những sợi giấy cuốn khá khó. Sử dụng cây cọ, màu nước để vẽ trên giấy có lẽ không khó với họa sĩ, nhưng với những sợi giấy màu làm sao để chúng có thể theo ý của mình? Cách duy nhất là xem xét kỹ hình vẽ, phân tích, "hiểu" được đặc tính của những sợi giấy màu, rồi "nhào nặn" chúng theo ý của mình.

Tôi thử làm một số mặt mề đay bằng giấy này, đeo được như những mặt dây chuyền, dĩ nhiên là chúng bằng giấy nên khá mỏng manh và nhất là kỵ... nước.

Làm những món đồ chơi này có lẽ còn khó hơn là những nghệ nhân nặn tò he bằng bột (tôi phải dùng những cái kẹp và kéo dùng trong... phòng mổ y khoa, và cả kính lúp phóng đại trong việc gắp, dán những chi tiết rất nhỏ một vài mi li mét bằng giấy), nhưng kể ra làm ra được chúng cũng thấy hay hay.









Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

Những khuôn mặt hoạt họa.

Trong chúng ta có lẽ không người nào là không mê phim hoạt họa, nhất là thuở còn là bé con. bây giờ thì có rất nhiều phim hoạt họa để trẻ em (và cả người lớn) xem. Tôi có mấy đứa cháu đến nhà chơi nói ông làm cho con những con này con kia (những nhân vật trong phim hoạt họa bây giờ) mà tôi không rõ là gì. Thời của tôi mấy chục năm về trước chỉ có chú vịt Donald, chuột Mickey, Minnie, thằng người gỗ Pinocchio, Lucky Luke, Tin Tin, Vượn đốm... in thành truyện tranh khổ lớn đen trắng, chứ không được xem phim nhiều như bây giờ. Thời còn là nhóc tì tôi rất mê anh chàng cao bồi Luky Luke, cùng những nhân vật khác như Tứ  quái Dalton... có nhiều khi nhịn ăn sáng để lấy tiền mua truyện tranh của anh chàng cao bồi này.

Tôi đã thừ chuyển những khuôn mặt của truyện tranh hoạt họa thành mề đay làm bằng giấy đeo được, cũng khá khó, cái khó là khi chuyển những nét hoạt họa lên những sợi giấy màu, làm sao những khuôn mặt hoạt họa này phải giữ được cái "hồn" của nó. Thử trình làng một vài khuôn mặt hoạt họa tiêu biểu như vịt Donald. chuột Mickey, Minnie, thằng người gỗ có cái mũi dài Pinocchio, anh chàng cao bồi Lucky Luke, mèo máy Doraemon.

"Dự án" tương lai (nói cho oai) của tôi là bây giờ làm một mẹt những chiếc mề đay, tết ra Lăng Ông hay đền Đức thánh Trần đăng ký một góc, trải chiếc chiếu ra ngồi vừa làm vừa bán cho con nít....

Donald

Mickey

Minnie

Pinocchio

Lucky Luke

Doraemon