Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Tôm - Cua - Cá...

Ngoài biển mấy hôm nay nóng chuyện ô nhiễm tôm, cá chết, rừng thì cạn kiệt, đất nơi vựa lúa khô cằn, nứt nẻ, nông dân không có cả nước mà uống... Post lên vài hình ảnh tôm cá... làm bằng giấy cho trẻ con chơi (để người lớn đỡ buồn), mong bớt đi cái nóng bỏng tháng 4...





Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Trò chơi trẻ con.


Châu chấu.

Cào cào.

Bọ ngựa.

Con ve.

Đá dế.

Con ốc.


Lâu nay tạm quên trò chơi này, những con vật nhỏ nhỏ dễ thương cào cào, châu chấu... được tạo hình bằng những "rẻo" giấy. Loại hình này khác với xếp giấy Origami của Nhật, mấy đứa cháu của tôi thích mấy con vật làm bằng giấy này, ghé chơi chúng thường xin. Bây giờ có đôi chút thời giờ rảnh ngồi làm lại vài con xem sao. Sắp đến hè tính mở lớp dạy "free" cho trẻ con đây.




Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Đô la.

Tờ 2 đô la Mỹ "may mắn". Ảnh Internet.

Đô la là một đơn vị tiền tệ phổ biến bây giờ, với đồng đô la Mỹ tiêu biểu, có ký hiệu là $. Không riêng gì Mỹ mà nhiều nước trên thế giới gọi đồng tiền của mình là đô la, chẳng hạn như Úc (Australia), Tân Tây Lan (New Zealand), Tân Gia Ba (Singapore), Hương Cảng (Hongkong), Đài Loan (Taiwan), hay Gia Nã Đại (Canada)...

Từ "đô la" bây giờ rất quen thuộc với người Việt Nam, có lẽ ngay cả một đứa trẻ học mẫu giáo cũng đã biết đến từ "đô la", cho dù chắc không hiểu là gì (?!), bởi nhiều trẻ con bây giờ ngoài tên thật, thì tên gọi ở nhà đã được cha mẹ đặt cho là "Đô La"... Nếu ngày xưa thời ông bà, cha mẹ ta hay đặt cái tên thân mật gọi trong nhà cho con cái là Tí, Tèo, Cún, Nghé... thì bây giờ thường thấy gọi "Ru By" (Ruby = Hồng Ngọc), "Gôn" (Gold = Vàng), hoặc "Đô La" (Dollar = đồng Đô La). Tết, người ta hay "lì xì" cho nhau tờ 2 đô la Mỹ may mắn.

Tờ 20 đô la Mỹ hiện nay với hình Tổng thống Andrew Jackson. Ảnh Internet.

Tờ đô la Mỹ mặt chính là hình của một vị Tổng thống Mỹ (nước Mỹ cho đến giờ chưa có nữ Tổng thống). Ngày hôm qua, tôi được nghe một tin trên tivi khá thú vị, là sẽ có tiền đô la in hình phụ nữ ở mặt chính, cụ thể là tờ 20 đô la sẽ in hình của một phụ nữ da màu ở mặt chính thay thế cho hình Tổng thống Andrew Jackson (Tổng thống đầu tiên của đảng Dân chủ Hoa Kỳ) sẽ chuyển sang mặt sau. Người được chọn in là bà Harriet Tubman, là một phụ nữ da màu Mỹ gốc Phi đã tranh đấu chống lại tệ nạn nô lệ người Mỹ gốc Phi ở vào cuối thế kỷ XIX, bà cũng đấu tranh cho quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ.

Tờ 20 đô la dự định sẽ phát hành vào năm 2020, trong hình là một trong những chân dung của bà Harriet Tubman. Ảnh Internet.

Việc dự định đưa hình ảnh của một phụ nữ (nhất là da màu) lên giấy bạc, là một sự kiện chưa từng có trong vòng 100 năm nay đối với tờ đô la Mỹ. Nhưng một nét độc đáo khác nữa là ý tưởng này của ai? Thì ra không phải là của Tổng thống Hoa Kỳ, của vị lãnh đạo đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ, hay của một nhà chính khách nào... Mà là từ câu hỏi của một bé gái trong một lá thư gởi cho Tổng thống Mỹ Obama, để nói về tại sao không có hình ảnh người phụ nữ trên tờ đô la của Mỹ? Và từ năm ngoái, từ câu hỏi này một chiến dịch trên mạng xã hội đã được vận động để thay thế hình ảnh của Tổng thống Andrew Jackson trên tờ 20 đô la.

Như ta đã thấy, ý kiến của một bé gái đã được cả xã hội Mỹ quan tâm, và cuối cùng là quyết định của Tổng thống Mỹ đương nhiệm dựa trên ý kiến ấy. Thật tuyệt cho một xã hội nhân bản và dân chủ biết lấy Con ngưởi là trọng tâm. Cái thế giới Nhân bản với Con người mà những nhà văn hóa, trí thức hàng đầu Việt Nam dưới đây đã từng nêu trong sách:

"Chiến lược văn hóa, là chiến lược tổng thể về con người. Không thể chỉ đổi mới kinh tế mà xoay chuyển được tình hình Việt Nam hiện tại. Mọi hoạt động của chính quyền và các tổ chức xã hội khác cần nhắm mục tiêu văn hóa vì con người. Nhân tố con người phải là trên hết, trước hết của mọi dạng phát triển. Đó là lẽ vì sao thế giới nhân bản ngày nay nêu mục tiêu phát triển trên nền tảng văn hóa...".

(Giáo sư Trần Quốc Vượng trong bài viết "xây dựng một nền Văn hóa Việt Nam Nhân bản - Dân tộc - Dân chủ - Khoa học". Sách "Trong cõi", NXB Hội Nhà Văn - Nhã Nam - 2014).

Ở một góc độ khác, trong công việc giảng dạy về âm nhạc dân tộc giáo sư Trần Văn Khê cũng có những ý kiến tương tự:

"Về phần tôi không chỉ thuần túy trao cho các em kiến thức hay phương pháp nghiên cứu trong lãnh vực âm nhạc mà còn chú trọng gieo trong lòng các em tình thương yêu nhân loại, hướng dẫn các em tự rèn luyện để có những đức tánh cần thiết trong cuộc sống như sự khiêm tốn, tính bền chí, lòng quyết tâm, nhằm giúp các em không chỉ học hỏi suông mà còn tìm được một lối sống cho mình".

(Trích Hồi ký Trần Văn Khê (tập 5), NXB Trẻ - 2002).




Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Đất vàng.

Thư viện Khoa Học Tổng Hợp Tp. HCM. Ảnh Internet.

Mấy hôm nay đọc trên mạng (những báo chính thống, như CA Tp. HCM-12-4-2016, Sài Gòn Giải Phóng Online-14-4-2016, MotTheGioi.VN-15-4-2016...). Tôi thấy rộ lên một tin đáng chú ý (có liên quan đến sách vở), đó là tin xây cao ốc 20 tầng có chức năng khách sạn, văn phòng của một doanh nghiệp hiện đang được sử dụng 1.200 mét vuông đất (đã có sổ đỏ hẳn hoi), thuộc khuôn viên Thư viện Khoa Học Tổng Hợp Tp. HCM (Thư viện KHTH) tọa lạc giữa trung tâm thành phố. Có rất nhiều nhà chuyên môn về xây dựng, quy hoạch, nhà văn hóa... lên tiếng phản đối, Cũng có tờ báo như Người Đô Thị (Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam) trích dẫn người có thẩm quyền có bài báo bác bỏ tin này ("Xây cao ốc 20 tầng trong Thư viện Tổng Hợp: "Chỉ là tin vịt"14-4-2016).
.
Tôi không muốn bàn gì đến một tin tức khá nghịch lý này (một đất nước mà chuyện gì cũng có thể xảy ra, cho dù lắm khi vô lý. Theo thông tin năm 2006 TP đã có quy hoạch phát triển Thư viện KHTH, và xây dựng Thư viện Thiếu Nhi TP. Năm 2008 thành phố có chủ trương di dời các hộ dân sống trong khuôn viên để thực hiện việc xây dựng Thư viện Thiếu Nhi. Nhưng đến năm 2011 thì UBND TP. thông qua Sở Tài Nguyên Môi Trường lại cấp sổ đỏ cho một doanh nghiệp sử dụng 1.200 mét vuông đất với mục đích sản xuất, kinh doanh, thời gian là 50 năm). Và nay Thư viện Thiếu Nhi đâu chẳng thấy, lại có cái tin... dở hơi trên.

Ở đây tôi muốn đi ngược lại thời gian đôi chút, tìm trong sách vở những gì nói về mảnh đất vàng tọa lạc giữa trung tâm thành phố này (nếu không muốn nói hơn nữa là kim cương). Mảnh đất nằm trọn giữa bốn con đường bao bọc chung quanh, hiện nay là các đường Lý Tự Trọng, Nguyễn Trung Trực, Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa).

Những bạn nào hay đọc sách của cụ Vương Hồng Sển, chắc sẽ nhớ trong những ký ức viết về Sài Gòn năm xưa cụ hay nhắc tới một địa điểm có tính chất lịch sử, gọi là Khám lớn thành phố. Từ thời còn Pháp thuộc khi cụ làm tại dinh Thống đốc Nam Kỳ (thời Pháp dinh Thống đốc cũ sau là dinh Gia Long, nơi trước khi bị lật đổ vào tháng 11 năm 1963, TT Ngô Đình Diệm đã từng ở và làm việc, hiện nay là Bảo tàng Tp. HCM), dinh nằm kế bên Khám lớn Sài Gòn là nơi được xây dựng từ thời Pháp thuộc, chuyên giam giữ tội phạm các loại, nơi đây còn đặt một chiếc máy chém để xử tử đa số là tù chính trị (những người yêu nước chống Pháp thời bấy giờ) bị nhà cầm quyền Pháp giam giữ kết án. Tại sao một nhà tù quy mô như thế lại được Pháp đặt ở giữa trung tâm thành phố? Vì kế bên nhà tù là Tòa án thành phố, tiện lợi cho việc di chuyển xét xử tù nhân.

Khám lớn Sài Gòn. Ảnh Internet.

Như đã nói, thời Tây đây là Khám lớn chuyên giam giữ tội phạm, trước khi trở thành Khám lớn thì nơi đây có ngôi chợ gọi là chợ Cây Da Còm Thằng Mọi, chợ này được nhắc đến trong bài Gia Định phú (khuyết danh):

Chợ Cây Da Thằng Mọi, coi bán đủ thuốc xiêm, cau mứt
Cái rạch cầu Con Miên, thấy làm nguyên cột vắp, ván trai
Trên Cây Da Còm, nỡ để nguyên ông già đầu đội
Dưới đường đi Cầu Khắt, để chi con trẻ lạc loài

Theo cụ Vương viết trong Sài Gòn năm xưa thì tuy tên gọi là chợ Cây Da Còm Thằng Mọi, nhưng ở đây chẳng có một người Mọi nào hết, sự là tại chợ này thường bày bán một món hàng không đâu có bán, là một thứ đèn thắp bằng dầu phọng hay dầu dừa làm bằng đất nung, nắn hình một người Chàm (ông Phỗng): hai chân quỳ, hai tay chắp lại, trên đầu đội thếp dầu. Cây Da Còm ở vùng này nay còn dấu tích là cây da nằm trong công viên trước Tòa án TP. Ngày xưa toàn bộ khu vực này gọi là xóm Vườn Mít, vì có trồng nhiều mít.

Năm 1953 sau khi xây xong khám Chí Hòa thì Khám Lớn bị phá bỏ, chính quyền thời đó xây trường Đại học Văn Khoa. Sau năm 1954 thời đệ nhất Công hòa của TT Ngô Đình Diệm Thư viện Quốc Gia đã được xây dựng thay cho Đại học Văn Khoa, bởi đồ án của các kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện (lớp Kiến trúc trường Mỹ Thuật Đông Dương), và hai kiến trúc sư Bùi Quang Hanh, Lê Văn Lắm (từ Pháp về). Tháng 9-1975 Thư viện Quốc Gia được đổi tên thành Thư viện Khoa Học Tổng Hợp Tp. HCM đến nay.

Như ta đã thấy, khu đất xưa từ một cái chợ được thực dân Pháp xây thành nhà tù, từ nhà tù được Chính phủ Miền Nam biến thành trường đại học, rồi từ trường đại học thành thư viện đã hơn nửa thế kỷ. Tôi nhớ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trong một bài hát phản chiến của ông thời trước năm 1975 ở Sài Gòn có câu: "Đường đi đến những nơi lao tù, ngày mai sẽ xây trường hay họp chợ...". Các chính phủ đáng chán ngán một thời đã làm được điều đó...

Nay lại có tin đồn đất nơi đây bị xà xẻo để xây cao ốc kinh doanh. Chuyện xà xẻo đất công không phải bây giờ mới xảy ra. Điển hình là phi trường Tân Sơn Nhất, cho tới năm 1975 thì đất vành đai chung quanh phi trường còn mênh mông, rồi sau biến cố tháng 4-1975 những đất này dần dần dần biến thành nhà ở (được cấp như một chiến lợi phẩm), và hậu quả là bây giờ không còn đất để mở rộng phi trường, phải tính làm một sân bay khác ở xa thành phố.

Ông bà ta hay nói: "Không có lửa sao có khói", nhưng trong vụ đất vàng này dư luận đã lên tiếng phản đối (như mới đây nhiều người đã phản đối việc dự định chặt mấy trăm cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng).

Hy vọng việc xây cao ốc kinh doanh trong khuôn viên thư viện KHTH chỉ là "tin đồn, tin vịt", như một tờ báo chính thống đã nói ở trên.


Tham khảo:

- Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển, NXB Tp. HCM - 1997.

- Từ điển Thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh, NXB Trẻ - 2001.








Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Xích lô đạp & Xích lô máy một thời.

Ảnh 1, xích lô đạp và xích lô máy trên đường phố, phía sau là Thương xá TAX. 
Ảnh Internet.

Trong bài viết trước về mấy loại xe chuyên chở thô sơ xưa kia ở Sài Gòn như xe kéo, xe kiếng, xe bò. Anh bạn trẻ Huy Trường comment... xúi viết về chiếc xe xích lô máy tiếng máy nổ "phành phạch". Cũng hay vì đó là ký ức không phải của riêng một ai ở Sài Gòn, nhưng một khi nhắc đến chiếc xích lô máy, tưởng cũng nên nhắc đến cả chiếc xích lô đạp, cặp "bài trùng" một thời.

- Xích lô đạp:

Theo sách vở, xích lô đạp xuất hiện ở Sài Gòn vào khoảng cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, có lẽ là sự kết hợp giữa chiếc xe kéo và... xe đạp. Xích lô đạp vẫn chạy bằng "nhân lực" nhưng thay vì xe do người kéo trực tiếp chạy bộ phía trước, thì cải tiến thành người đạp ngồi phía sau, thông qua một hệ thống máy móc thô sơ là nhông, sên, bánh xe. Thoạt đầu xích lô đạp được gọi là xích lô, xe xích lô, bắt nguồn bởi tiếng Pháp Cyclopousse, sau gọi là xích lô đạp để phân biệt với chiếc xích lô máy (tiếng Pháp Cyclomoteur), thay vì đạp bằng đôi chân thì xe xích lô máy chạy bằng máy xăng.

Ảnh 2, Xích lô đạp chở khách. Ảnh Internet.

 Ảnh 3, xích lô đạp chở người buôn bán. Ảnh Internet.

Ảnh 4, xích lô đạp chở khách và... vịt. Ảnh Internet.

Ảnh 5, xích lô đạp chở hàng hóa. Ảnh Internet.

Xích lô đạp có 3 bánh bơm hơi, tuy chạy bằng sức người nhưng nhờ có máy móc thô sơ nên chạy nhanh và xa hơn xe kéo, người đạp xe xích lô trông cũng văn minh, thấy đỡ bị... bóc lột hơn. Có lẽ xích lô đạp thoạt đầu chủ yếu chở khách trung lưu đi lại (ảnh 2), sau phổ biến chở luôn khách buôn bán cùng thúng mủng và cả hàng hóa (ảnh 3, 4, 5).

Ảnh 6, xích lô đạp trong cơn mưa. Ảnh Internet.

Xích lô đạp có mui che mưa nắng, nhưng bình thường thì mui này được xếp lại để bớt cản gió, thường thì chỉ khi nào xe chở khách có tuổi yêu cầu, hoặc trời nắng quá hay gặp mưa thì mui xe mới được giương lên, cùng một tấm bạt quây kín thùng xe tránh mưa tạt (ảnh 6). Về mục che mưa nắng này thì chiếc xích lô đạp và xích lô máy giống nhau.


Ảnh 7, Xích lô máy chờ đón khách giữa trung tâm thành phố (phía sau Nhà hát thành phố). Ảnh Internet.

-  Xích lô máy:

Xe xích lô máy (ảnh 7) có nguồn gốc từ nước Lang Sa (Pháp - France), như đã nói được gọi là Cyclomoteur của hãng xe lừng danh nước Pháp Peugeot, du nhập vào Sài Gòn khoảng giữa thập niên 1940, từ chiếc xe 3 bánh chở hàng 125 phân khối (125 cc, ảnh 8). Được cải tiến thành xe chở khách, máy xe là động cơ 2 thì chạy bằng xăng pha nhớt. Xích lô máy cũng có 3 bánh, 2 bánh phía trước và 1 bánh phía sau như xích lô đạp, sức chở khách tương đương thường chở được 2 người lớn, và một vài đứa trẻ con ngồi trong lòng người lớn hoặc ngồi bệt xuống nơi chỗ để chân của người lớn. Nhưng về sức mạnh, sức bền thì xích lô máy hơn xích lô đạp gấp nhiều lần, chạy nhanh hơn, xa hơn, không thua gì xe hơi.

Ảnh 8, xe 3 bánh hiệu Peugeot chở hàng hóa của Pháp. Ảnh Internet.

Nếu chiếc xích lô đạp chạy êm ru, thì chiếc xích lô máy ngày xưa thật ồn ào, khi chạy tiếng máy nổ nghe "phành phạch" (do bộ phận giảm thanh trong ống bô bị gỡ bỏ) ầm ĩ cả phố phường, như anh bạn trẻ Huy Trường nhận xét. Ngoài mức độ ô nhiễm về tiếng ồn, thì chiếc xích lô máy cũng là vua ô nhiễm về khí thải, vì là máy 2 thì chạy xăng pha nhớt, và "thâm niên công vụ" cũng đã cao. Tương đương về mức độ ô nhiễm thì chiếc xích lô máy có một địch thủ đáng gờm là chiếc xe lam 3 bánh chở khách một thời, đây là một cặp "kỳ phùng địch thủ".

Chiếc xích lô máy ngày xưa rất nổi tiếng cho nên thời trước năm 1975 có hẳn một loại tập (vở) của học sinh ngoài bìa in hình chiếc xích lô máy, và mang nhãn hiệu Cyclo Máy, các bạn ở Sài Gòn chắc còn nhớ.

Ảnh 9, xích lô máy thời Tây ở Sài Gòn. Ảnh Internet.

Ảnh 10, Xích lô máy thời Mỹ, phía sau bên phải là chiếc Jeep "cao" của quân đội. Ảnh Internet.

Hồi tôi còn nhỏ thỉnh thoảng được đi chơi đâu cùng người lớn bằng chiếc xích lô đạp hoặc xích lô máy thì mê tơi, tuy thường chỉ được ngồi dưới chân của người lớn, chồm hổm như con cóc, mà cũng chỉ thích ngồi như thế. Chiếc xích lô đạp và xích lô máy có thùng xe chở khách phía trước, tài xế ngồi sau, cho nên "có chuyện" thì khách đi xe thường lãnh đủ trước rồi mới đến tài xế, Ngày xưa đường xá còn vắng vẻ chưa đông đúc như sau này, leo lên chiếc xích lô máy chẳng may gặp bác tài có máu cao bồi thì đứng tim, ngoài tài lạng lách khi cua quẹo cao hứng lên bác ta vặn ga phóng với tốc độ năm, sáu mươi cây số giờ thì thật kinh hãi, gió thổi ù ù, chiếc xe cứ thế mà lao tới cho ta cái cảm tưởng sắp sửa tông vào xe khác tới nơi, người bệnh tim, tăng xông mà ngồi xích lô máy thì thật tổn thọ.

Đối với loại xích lô đạp thì cũng chẳng kém gì, khi đụng phải bác tài có máu ẩu, xe này tuy chạy chậm, nhưng cũng chính vì chạy chậm mà khi thấy nguy cơ sắp đụng xe khác, thì bác tài có đủ thời gian bỏ... của (và khách) để chạy lấy người. Xưa tôi đã nhiều lần thấy cảnh bác tài... trổ tài phi thân nhảy khỏi xe khi nhắm không còn điều khiển được, để mặc xe tự do lao vào xe khác, hoặc sau khi phi thân thì chiếc xe chở khách không còn người điều khiển, lảo đảo như người say rượu rồi đổ kềnh ra đường, dĩ nhiên là cùng với khách trên đó.

Ảnh 11, Xích lô máy chở khách. Ảnh Internet.

Ảnh 12, xích lô máy chở khách và hàng hóa. Ảnh Internet.

Xích lô đạp và xích lô máy tại Sài Gòn thuở trước khi mới xuất hiện, hoặc mới du nhập là loại xe chuyên chở khách thường dành cho khách từ trung lưu chở lên, người ngoại quốc đến Sài Gòn rất thích đi (ảnh 9, 10, 11). Là loại xe chở hành khách không thể thiếu từ thời Tây qua thời Mỹ, sau xã hội hiện đại, nhiều loại xe khác xuất hiện, cuộc sống của người dân khá lên, thì hai loại xe này xuống cấp, trở thành bình dân, từ chỗ chuyên chở khách "lai" thêm cả chở hàng hóa (ảnh 3, 4, 5, 12). Sau năm 1975 gắng gượng thêm thời bao cấp thì dần dần bị thay thế bằng các loại xe khác, tiện lợi và an toàn hơn. Xích lô đạp hiện nay thỉnh thoảng còn thấy vài chiếc chở du khách (ảnh 13, 14), còn chiếc xích lô máy thì hầu như đã tuyệt tích giang hồ.

Ảnh 13.

Ảnh 14, ảnh 13, 14. Du khách ngồi xe xích lô đạp trên đường phố Sài Gòn. 
Ảnh Internet.

Cuộc sống luôn thay đổi, phát triển, cái gì có sinh rồi cũng có diệt. Âu cũng là ký ức một thời của người Sài Gòn cố cựu...


Sài Gòn, tháng 4-2016.




Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Chuyên chở công cộng thô sơ tại Sài Gòn xưa.

Ảnh 1.

Ảnh 2:  Ảnh 1, Ảnh 2: xe kéo ở Sài Gòn năm xưa. Ảnh Internet.

Thỉnh thoảng ta lại thấy nổi lên vấn đề giải quyết chuyên chở công cộng tại một trong những thành phố đông dân nhất nước là Sài Gòn, Nhiều giải pháp, dự án đã được đặt ra, bàn tới, như hạn chế xe cộ, làm hầm chui, cầu vượt, kể cả đang thi công đường xe điện ngầm, chuyên chở công cộng như taxi, xe buýt... đã phổ biến, nhưng mức độ kẹt xe (mà có người trách nhiệm nói là chưa kẹt bởi xe cộ lưu thông còn... nhúc nhích được), vẫn còn trầm trọng, việc giải quyết chưa đi đến đâu. Nhân đọc vài quyển sách có nói đến những phương tiện chuyên chở công cộng thô sơ thuở mới hình thành và phát triển Sài Gòn năm xưa.

- Xe kéo:

Theo sách vở thì xe kéo có xuất xứ từ Nhựt Bổn, xuất hiện ở Sài Gòn vào năm 1886, xe có một cái thùng phía sau dành cho khách ngồi trông tựa như thùng xe xích lô bây giờ, phía trước là hai cái càng dành cho người kéo điều khiển. Bánh xe bằng cao su đặc có nan hoa lớn bằng gỗ hoặc bánh bơm hơi có nan hoa thép như bánh xe đạp. Xe kéo chạy bằng "nhân lực", cho nên tốc độ không cao và khoảng cách hoạt động không xa, chỉ vài cây số đổ lại. Loại xe kéo dành cho gia đình (xe nhà) của riêng những người giàu có quyền thế được chạm trổ công phu, ở hai đầu gọng xe được bịt, mạ vàng. Nhìn hình xe kéo Việt Nam và xe kéo Nhựt Bổn, ta thấy xe kéo Việt Nam trông gọn gàng, đỡ chênh vênh hơn.

Ảnh 3: Xe kéo xưa ở Nhựt Bổn. Ảnh Internet.

- Xe kiếng:

Đây là một loại xe do ngựa kéo thường dùng để chuyên chở công cộng. Nếu xe kéo bằng tay do sức người chỉ có thể chở tối đa được 2 người lớn, thì loại xe kiếng chở được từ 6 đến 8 người. Loại xe chạy bằng... mã lực này xuất hiện trên đường phố Saigon vào năm 1929. Sách vở không thấy ghi xuất xứ của xe kiếng, có lẽ có nguồn gốc từ Châu Âu. Thời đó xe kiếng là phương tiện chuyên chở dành cho người Tây phương, như ta thấy ở ảnh 4, một hàng xe kiếng đậu trước một tòa nhà trông như cơ quan công quyền (như giàn xe du lịch ngày nay đậu trước trụ sở ủy ban khi có họp hành). Nhìn tòa nhà trên ảnh 2, 4 và dãy hàng rào trước mặt, bạn nào ở Sài Gòn sẽ liên tưởng đến tòa nhà Tổng Giám mục ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Trần Quốc Thảo quận 3 hiện nay. Xe kiếng cũng dành cho những ông thông ông phán, khách trung lưu trở lên, tài tử giai nhân trong túi rủng rỉnh nhiều tiền bạc chiều chiều du ngoạn ngắm phố xá Sài Gòn, khi hữu sự như có đám cưới xe kiếng được làm xe đưa rước dâu. Trong sách SÀI GÒN năm xưa, cụ Vương Hồng Sển viết về loại xe kiếng:

Khách phong lưu và người có tiền thì đi xe "kiếng", tức xe đóng bít bùng có cánh cửa gắn kính cho có ánh sáng, nên gọi như thế. Người Pháp gọi xe ấy "voiture malabare" vì người cầm cương phần đông là người Mã Lai. 

Ảnh 4: Xe kiếng ngựa kéo. Ảnh Internet.

Ảnh 5: Xe kiếng và xe kéo tại Saigon xưa. Ảnh Internte.

Ở miền Nam thì Thủ Dầu Một (Bình Dương) năm xưa chuyên về đóng các loại xe ngựa, xe bò, xe kiếng. Nếu xe kéo tựa như xe xích lô, thì xe kiếng giống như taxi chạy nơi thành phố bây giờ. Có một hình ảnh ấn tượng tôi nhớ mãi là trong truyện tranh về anh chàng cao bồi Lucky Luke coi lúc còn nhỏ (coi mê luôn), thấy hình ảnh của xe kiếng trong truyện dùng để chuyên chở hành khách, đưa thư tín, nó tựa như xe đò, xe khách vậy.


Ảnh 6: Xe kiếng trong truyện tranh Luky Luke. Ảnh Internet.

- Xe ngựa (xe Thổ mộ):

Nếu xe kiếng do ngựa kéo chở khách ngày xưa xuất hiện khá sớm ở Sài Gòn, dành cho Tây, đầm và khách phong lưu, thì có một loại xe do ngựa kéo cũng chở được dăm bảy người, cùng hàng hóa như quang gánh, thúng mủng... chất trên mui xe hoặc ràng hai bên thùng xe dành cho dân buôn thúng bán bưng làm phương tiện đi lại, đó là xe ngựa, trong miền Nam còn gọi là xe Thổ mộ, người Pháp gọi là boite d'allumetters (hộp quẹt). 

Ảnh 7: Xe ngựa đậu trước chợ Bến Thành năm xưa. Ảnh Internet.

Ảnh 8: Một bến xe ngựa. Ảnh Internet.

Hồi tôi còn nhỏ ở Saigon quãng gần cuối thập niên 1950 thì ở Sài Gòn không còn thấy xe kéo và xe kiếng, chỉ thấy loại xe ngựa kéo chuyên chở hành khách và hàng hóa như ta thấy ở ảnh 7, 8, và thường nghe gọi đơn giản là "xe ngựa", cũng có khi nghe gọi là "xe thổ mộ", xe ngựa tựa như "xe lam" sau này. Khi đó xe hơi đã chạy khá nhiều nhưng xe ngựa rất phổ biến với giới bình dân, bởi đây là một phương tiện chuyên chở công cộng, rẻ tiền, chở được cả người lẫn hàng hóa, chạy trên một cự ly bán kính trung bình khoảng 10, 15, cây số, nối liền trung tâm Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định với những vùng lân cận, như Hóc Môn, Thủ Đức... là những nơi ngày xưa chuyên cung cấp nông thổ sản cho thành phố. Ở mé bên hông chợ Tân Định ta còn thấy một con đường nhỏ, ngắn gọi là đường Mã Lộ, là nơi ngày xưa có lẽ là bến xe ngựa.

Tại sao xe ngựa còn được người Sài Gòn gọi là xe thổ mộ? Cũng có vài giải thích, theo Cụ Vương Hồng Sển, một người cố cựu ở Sài Gòn thì xe ngựa có cái mui che khum khum trông giống như ngôi mộ đất, nên gọi là "thổ mộ". Các sách vở tôi có không nói rõ xe ngựa có mặt trên đường phố Sài Gòn vào thời gian nào. Nhưng qua những hình ảnh còn lưu lại, và có tài liệu cho biết xe ngựa là một sáng tạo cũa người Việt bắt nguồn từ chiếc xe kiếng ghi trên. Như vậy có lẽ xe ngựa xuất hiện muộn hơn xe kiếng, nếu sách vở nói xe kiếng có mặt tại Sài Gòn năm 1929, thì xe ngựa xuất hiện khoảng từ thập niên 1930 về sau.

Ảnh 9: Xe ngựa chở khách và hàng hóa trên đường phố. Ảnh Internet.

Ảnh 10: Một chiếc xe ngựa với bác xà ích mặc bộ đồ bà ba, tay cầm chiếc roi, đầu đội chiếc nón nỉ. Ảnh Internte.

Xe ngựa chuyên chở có ưu điểm là chạy nhanh, xa hơn, và chở được số người nhiều hơn xe kéo, lại vừa chở khách vừa chở được hàng hóa. Xe ngựa chở khách bình dân, nên trong thùng xe không có ghế ngồi dành cho khách như xe kiếng, khách đi xe cứ việc phủi chân leo lên xe ngồi bệt trên sàn xe thường được trải một chiếc chiếu, khi xe chật, đông người phải bó gối chứ không thể ngồi duỗi chân thoải mái. Ngày xưa tôi còn thấy phía ngoài ở hai bên hông xe còn có mấy chiếc cọc, hoặc mấy cái móc sắt để khách đi xe móc guốc dép của mình.

Hình ảnh chiếc xe ngựa chạy lóc cóc trên đường với bác xà ích (saïs) đã lớn tuổi thường mặc bộ đồ bà ba, một tay cầm dây cương, một tay vung chiếc roi quất ngựa nghe "tróc, tróc", đầu đội chiếc nón nỉ, miệng ngậm điếu thuốc rê loa kèn Gò Vắp, vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi.

- Xe chuyên chở hàng hóa:

Cũng nên nhắc đến việc chuyên chở hàng hóa bằng phương tiện thô sơ khi xưa từ ngoại ô vào nội thành. Như ta đã thấy xe kéo, xe kiếng chỉ chuyên chở khách, xe ngựa vừa chở khách vừa chở được hàng hóa, thùng xe nhỏ cho nên lượng hàng hóa chở cũng không được nhiều (tuy nhiên ở ảnh 11 bên dưới ta thấy chiếc xe ngựa đã thồ được một khối lượng hàng hóa đáng nể, cả trên mui và hai bên thùng xe). Để có thể chở được nhiều hàng hóa hơn người ta đã chế ra chiếc xe cũng do ngựa kéo, thùng chở hàng dài, rộng, chứa được nhiều hàng hóa hơn tựa như một chiếc xe tải, xe có 4 bánh, vì lượng hàng hóa nhiều cho nên xe thường do 2 ngựa kéo (ảnh 12).

Ảnh 11.

Ảnh 12: Ảnh 11, 12, xe ngựa chở hàng hóa ngày xưa. Ảnh Internet.

Xe ngựa dùng để chở hàng hóa ngày xưa thường là hàng nông sản như rau củ, gọi là hàng thanh bông, từ những vùng ngoại ô ven thành phố như Hóa Môn - Bà Điểm vào những chợ đầu mối thời đó như chợ Bến Thành, chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Lớn Mới (chợ Bình Tây), chợ Bà Chiểu... Người ta dùng xe ngựa để chuyên chở rau xanh bởi lúc đó xe ngựa chuyên chở nhanh, rẻ, với một khoảng cách mươi lăm cây số thì sau khi thu hoạch từ ruộng rẫy, chất hàng lên xe từ 4 - 5 giờ sáng, thì khoảng 6 - 7 giờ đã tới chợ, kịp giao hàng bán trong ngày.

Ảnh 13.

Ảnh 14: Ảnh 13, 14, xe bò chở hàng xưa. Ảnh Internet.

Với loại hàng hóa cồng kềnh, không phải là loại rau xanh, như nguyên vật liệu, những sản phẩm, đồ dùng tiểu thủ công thì ngày xưa thường được chuyên chở bằng xe bò (ảnh 13, 14). Trong ảnh 13 ta thấy 2 chiếc xe bò di chuyển trên đường phố giữa trung tâm Sài Gòn, phía sau là tòa nhà GMC sau này là Thương xá Tax, cũng là một biểu tượng của Sài Gòn năm xưa, nay còn đâu?.



Tham khảo:

- Tầm nguyên tự điển, Lê Ngọc Trụ, NXB Tp. Hồ Chí Minh - 1993.

- SÀI GÒN năm xưa, Vương Hồng Sển, NXB Tp. Hồ Chí Minh - 1997.

- Cửa sổ tri thức, PGS. TS. Lê Trung Hoa, NXB Trẻ - 2005.



Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Con đỏ & Con đen.

Ảnh minh họa lấy trên Internet.

Bạn ghé nhà chơi hỏi: "Con đỏ, con đen nghĩa là gì?". Bạn nói đúng ra đây là câu hỏi của con bạn, bạn cũng đã thử "xợc" trên Gu gồ nhưng thấy giải nghĩa khá mông lung, không rõ lắm. Cũng may những từ này tôi có hiểu những nghĩa đã được giải thích trong sách vở, cho nên tôi đã trao đổi với bạn và lấy luôn mấy quyển sách đưa cho bạn xem.

Tôi thử chép lại sau đây những nghĩa ấy:

Đại Nam Quấc âm tự vị, Huình Tịnh Paulus Của, Saigon 1895-1896:

- Con đỏ: Con mới đẻ, con thơ dại.

- Con đen: Con ngươi, tròng đen. Mượn màu son phấn đánh lừa con đen. (Tự vị trích dẫn câu thứ 1414 trong Kiều).

Việt Nam tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức, Hanoi 1931:

- Con đen: Gọi các hạng dân đen: Mượn màu son phấn đánh lừa con đen (K).

Không có từ "Con đỏ".

Tự điển Việt Nam, Đào Văn Tập, Nhà sách Vĩnh Bảo-Saigon 1951:

- Con đỏ: Con không chính thức (trái với Con đen). // (xưa) như Con ở.

- Con đen: Người thường: mập mờ đánh lận con đen. // Con chính thức: con đen thì bỏ, con đỏ thì nuôi.

Từ điển tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội 1967:

- Con đỏ: 1. Con mới đẻ ra. 2. Người ở gái trong xã hội cũ.

- Con đen: Kẻ khờ khạo: Mập mờ đánh lận con đen, bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền, mất chi? (K).

Việt Nam tự điển, Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, Nhà sách Khai Trí - Saigon 1970:

- Con đỏ: dt. Con mới đẻ. còn đỏ lấm lói: Vua nhân từ thương dân như con đỏ.

Không có từ "Con đen".


Tranh minh họa truyện Kiều. Ảnh Internet.

Từ điển truyện Kiều, Đào Duy Anh, NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội 1974:

- Con đen: Chỉ người dân đen, người khờ dại (liên hệ với con đỏ hay xích tử chỉ người dân nghéo khổ trần trụi). Ví dụ. Mập mờ đánh lận con đen. 839, 1414.

Từ điển Văn liệu, Long Điền Nguyễn Văn Minh - NXB Hà Nội 1999:

- Con đen: Dịch "Kiềm lê" (黎, : đen. : đông đảo, nhiều người). Nghĩa rộng là những dân ngu.

Mập mờ đánh lận con đen
Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền mất chi.

(KIỀU)

Không có từ Con đỏ.

Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng & Trung tâm Từ điển học - 1997:

- Con đỏ: d. 1. Trẻ mới sinh. 2. (cũ: vch.). Dân thường, không có địa vị trong xã hội (gọi theo quan niệm phong kiến, hàm ý coi là yếu ớt, cần được bảo vệ).

- Con đen: d. (cũ: vch). Dân thường, không có địa vị trong xã hội ((gọi theo quan niệm phong kiến, hàm ý coi là khờ khạo). Đánh lừa con đen. 

Ngữ liệu Văn học, Đặng Đức Siêu, NXB Giáo dục - 1999:

- Con đỏ:
1. Dịch từ "xích tử" (赤子), có nghĩa trẻ con mới lọt lòng, còn đỏ hon hỏn. Trong văn chương cổ, con đỏ (xích tử) được dùng để nói về dân chúng. Sách Thượng thư Thiên Khang cáo có câu: "Nhược bảo xích tử" (Chăm sóc dân như trông nom chăm sóc con đỏ).

2. Dân chúng, dân đen. Ông cha ta còn ở đất Đồng Nai, ai cứu một phương con đỏ (Nguyễn Đình Chiểu).

Trên đây là ý nghĩa của từ "Con đỏ", "Con đen" trong từ điển tiếng Việt qua nhiều thời kỳ, ở những địa phương, với những nghĩa khác nhau. Trong những cách giải nghĩa, tôi chú ý tới Đại Nam Quấc âm tự vị với từ "Con đen", từ "Con đen" ở đây được giải nghĩa là "Con ngươi, tròng đen", kèm theo câu Kiều thứ 1414 "Mượn màu son phấn đánh lừa con đen".

Cách giải thích trong quyển tự vị tiếng Việt xưa này khác hẳn với những cách giải thích của từ điển tiếng Việt về sau. Có một điều lý thú là cụ Huình Tịnh Của cũng lấy ví dụ từ câu Kiều thứ 1414 để thuyết minh cho lý giải trong tự vị. Cụ Huình giải thích "Con đen""con ngươi, tròng đen" (con mắt của người). Câu "Mượn màu son phấn đánh lừa con đen" được hiểu là "Mượn màu son phấn để đánh lừa con ngươi, con mắt" và "con ngươi, con mắt" ở đây có nghĩa ám chỉ chung "khách thường lui tới chốn làng chơi" chẳng hạn như Mã Giám Sinh, Thúc Sinh... Trong khi trong câu này, cụ Đào Duy Anh, hoặc những từ điển khác giải thích từ "Con đen" là để "chỉ người dân đen, người khờ dại". Cùng một câu của Kiều, nhưng hai cách giải thích này cho nghĩa khác nhau.

Trong quyển "Cửa sổ tri thức", (PGS, TS. Lê Trung Hoa, NXB Trẻ - 2005), đã trả lời câu hỏi "Con đen có nghĩa là gì?" trong câu Kiều 839 "Mập mờ đánh lận con đen", phần trả lời PGS. TS. Lê Trung Hoa đã trích dẫn cách giải thích từ "Con đen" trong Đại Nam Quấc âm tự vị (Con đen là con ngươi, mắt người), Từ điển truyện Kiều (Con đen chỉ dân đen, ngưới khờ dại), và Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, giải thích "Con đen" như ý của Từ điển truyện Kiều). Tôi xin tóm tắt ý chính câu trả lời của PGS. TS. Lê Trung Hoa, ông nghiêng về cách giải thích trong Đại Nam Quấc âm tự vị hơn:

- Hai từ "dân" và "con" trong "dân đen", "con đen" đều mang thanh ngang, không bị luật thơ bắt buộc phải thay từ này bằng từ kia.

- Dân đen làm gì có tiền ăn chơi sa đọa nơi lầu xanh sang trọng.

- Dân đen được dùng theo nghĩa xót thương chứ không được dùng theo nghĩa "người khờ khạo".

..........

Đến đây tôi có thể thêm một ý, ngoài ý dân đen ngày xưa khó có thể đến được chốn lầu xanh, thì những kẻ ngày xưa thường lui tới, có quan hệ với chốn lầu xanh như Mã Giám Sinh, Thúc Sinh, hay Từ Hải... có lẽ cũng không phải là những kẻ khờ dại, nếu không muốn nói là những người ăn chơi sành sỏi.

PGS. TS. Lê Trung Hoa hoàn toàn đứng về ý kiến của cụ Huình trong từ "Con đen": (cũng xin tóm tắt mấy ý chính).

- Con đứng trước một số từ chỉ sự vật sinh động như động vật: con sông, con quay, con mắt... cho nên dùng con đen để chỉ tròng đen là hữu lý.

- Theo phương thức hoán dụ - lấy bộ phận chỉ toàn thể - dùng con đen để chỉ con mắt là có thể chấp nhận được.

- Cụ Huình sống gần thời Nguyễn Du hơn cụ Đào và cụ Hoàng nên khả năng đúng của cụ Huình lớn hơn.

.........

Tóm lại , theo ý chúng tôi (PGS. TS. Lê Trung Hoa)," Con đen" trong những câu Kiều 839, 1414 không phải là "dân đen" (hoặc kẻ khờ khạo, khờ dại), mà có nghĩa là "Con mắt".

(Hết trích)

Trao đổi với bạn, về từ "Con đen", bạn cũng nghiêng về ý kiến trên của PGS. TS. Lê Trung Hoa. Còn từ "Con đỏ""Con đen" nói chung dùng bây giờ (cũng không phổ biến), ta có thể dùng theo nghĩa của Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên, là quyển từ điển tiếng Việt có lẽ hiện nay được dùng thông dụng.


Tham khảo:

- Những sách đã dẫn trong bài viết




Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Sưu tập.


Ảnh T.L. trên báo Tuổi Trẻ Online.

Mấy hôm nay rộ lên tin Ngân hàng nhà nước in tiền lưu niệm. Lưu niệm ở đây là chuyện Ngân hàng dự định in và phát hành tờ tiền mệnh giá 100 đồng (Một trăm đồng), như ảnh trên để kỷ niệm 65 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam. Mới đầu không rõ thực hư ra sao? Nhưng nay đọc trên Tuổi Trẻ Online thấy có cả hình ảnh tờ tiền lưu niệm này. Thông tin cho biết tờ tiền được bán với giá 20 ngàn đồng, tiền chỉ có giá trị lưu niệm, không có giá trị lưu hành. Đây cũng là lần thứ nhì Ngân hàng nhà nước in tiền lưu niệm, đợt trước in loại tiền có mệnh giá 50 đồng để kỷ niệm 50 năm thành lập Ngân hàng nhà nước Việt  Nam (1951-2001).

Lý do chính để phát hành tờ tiền lưu niệm dĩ nhiên là để kỷ niệm một cái mốc thành lập Ngân hàng nhà nước (65 năm), và theo như lời vị Phó Thống đốc ngân hàng nhà nước thì "đồng tiền vừa để lưu niệm vừa để quảng bá những hình ảnh đẹp của đất nước". Tôi thử tò mò đọc tiếp những comments của bài báo trên báo Tuổi trẻ Online (05-04-2016), thì đa số độc giả nói việc in tiền lưu niệm này là lãng phí (vì tiền không xài được). Trước kỷ niệm 50 năm thành lập Ngân hàng, in tiền lưu niệm 50 đồng (2 con số phù hợp) không có vấn đề gì (50 năm là một cái mốc đáng ghi nhớ), thì lần này cái mốc 65 năm có vẻ như không quan trọng. Còn chuyện "quảng bá hình ảnh đẹp của đất nước" thì nên để cho ngành Du lịch.

Nhưng cũng có người ủng hộ việc in tiền lưu niệm này, họ cho rằng đáp ứng được nguyện vọng của người thích sưu tập tiền, cũng như ta sưu tập tem vậy.

Người phản đối và ủng hộ đều có cái lý lẽ của họ.

Viết đến đây tôi chợt nhớ, trước năm 1975 ở Saigon cũng có một loại tiền đánh dấu một kỷ niệm, hồi đó nhân kỷ niệm ngày Lương thực thế giới của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), chính quyền Saigon lúc đó có phát hành loại tiền kỷ niệm. Cách phát hành loại tiền này rất hay, họ chọn đồng tiền đang lưu hành lúc bấy giờ là đồng tiền xu có mệnh giá 5 đồng hình hoa mai (khác hẳn các đồng tiền xu hình tròn thông thường) để làm ra tiền kỷ niệm. Đồng tiền kỷ niệm y hệt như đồng tiền mệnh giá 5 đồng hình hoa mai đang lưu hành, có giá trị lưu hành y như thế. Cái khác biệt là trên một mặt của đồng tiền xu này có in hàng chữ nhỏ ghi kỷ niệm, chiến dịch... Loại tiền này được sản xuất với số lượng thích hợp. Những người thích sưu tập có thể đến ngân hàng đổi tiền này, hoặc khi mua bán gặp có thể cất giữ một vài đồng làm kỷ niệm.

Tiền xu trước năm 1975 phát hành ở miền Nam có ý nghĩa kỷ niệm cho một chiến dịch. Ảnh Internet.

Trở lại chuyện phát hành tiền lưu niệm của Ngân hàng nhà nước hiện nay. Tôi suy nghĩ và có thiển ý, tại sao Ngân hàng nhà nước không làm theo như cách vừa kể trên? Ta có thể chọn một trong những loại tiền giấy có mệnh giá thấp, chẳng hạn loại 20 ngàn đồng, hoặc 50 ngàn đồng, là loại tiền được người dân lưu hành, sử dụng nhiều, thường dễ bị hư hỏng, bạc màu, thiếu hụt... để nhân dịp này phát hành một lượng tiền thích hợp bổ sung.

Lấy ví dụ thay vì phát hành loại tiền "giả" lưu niệm bên trên. Ngân hàng hoàn toàn có thể cho in bổ sung loại tiền mệnh giá 50 ngàn đồng y hệt như tiền đang lưu hành, có giá trị lưu hành, ở một mặt ghi thêm hàng chữ "Kỷ niệm 65 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam (ngày tháng đính kèm)". Ở vào đúng ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam, ngành ngân hàng có thể cho phát hành một tờ giấy bạc như thế gài vào một tờ bìa in đẹp có ghi ngày kỷ niệm và đóng dấu của ngân hàng lên tờ bìa này, tựa như bộ tem nhân ngày phát hành đầu tiên mà ngành Bưu điện dành bán cho người sưu tập. Tờ tiền được gài trên tấm bìa này có thể bán gấp đôi giá trị lưu hành của tờ tiền kỷ niệm. Chắc chắn sẽ có những người sưu tập tìm mua.

Tôi nghĩ như thế sẽ vẹn nhiều đường, vừa kỷ niệm được ngày của ngành ngân hàng, vừa có sản phẩm cho người sưu tập, vừa bổ sung được lượng tiền mệnh giá nhỏ bị thiếu hụt do hư hỏng khi lưu hành. Thêm một điều có lẽ khá quan trọng, khi in loại tiền "giả" mệnh giá ghi 100 đồng để làm lưu niệm, ngân hàng có bao giờ nghĩ, với loại tiền này khách du lịch quốc tế vào Việt Nam có thể bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo (như nhập nhèm với tiền thật mệnh giá 100 ngàn đồng), khi giao dịch, mua bán? Chắc họ khó lòng phân biệt.




Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Trẻ con.

Ảnh trên VTC New.

Sáng nay tôi coi trên Sáng Phương Nam (VTV9 - 3/4/2016), một tin khá thú vị. Đó là chuyện mới đây, khi trực thăng của cảnh sát truy đuổi 2 tên cướp bị mất dấu, thì ở bên dưới đất một đám trẻ con tuổi từ 6 đến 12, đang chơi trò đi tìm những quả trứng Phục sinh trên một cánh đồng ở nước Anh, biết được chỗ trốn của những tên cướp, đã rất thông minh, nhanh trí dùng chính bản thân mình nằm xuống đất tạo thành hình một mũi tên chỉ về phía những tên cướp đang ẩn nấp (ảnh bên trên), nhờ đó trực thăng cảnh sát ở trên cao đã biết được chỗ ẩn núp, và bắt được những tên cướp.

Câu chuyện thú vị trên đây khiến tôi nhớ lại chuyện cách nay ít năm tại Indonesia, khi thảm họa sóng thần xảy ra, trên một bãi biển trước khi sóng dữ ập vào, nước đã rút ra xa. Những người dân tò mò đã chạy ra xa xem, nhưng nhờ có những đứa trẻ du khách phương Tây có hiểu biết về hiện tượng sóng thần, đã kêu gọi mọi người chạy trở lại, nhờ thế đã cứu được nhiều người khi sóng thần ập vào.

Qua những câu chuyện trên, ta có thể đặt một câu hỏi "Tại sao những đứa trẻ (ở đây là trẻ con phương Tây) lại có những ứng xử thông minh, kịp thời, mà có khi chính bản thân người lớn chúng ta không biết, hay không nghĩ ra?". Câu trả lời không gì khác hơn là những đứa trẻ này đã được học hỏi, rèn luyện kỹ năng ứng xử, kỹ năng sống... Chắc chắn những đứa trẻ này không tự biết được những điều ấy, mà phải thông qua giáo dục, từ gia đình đến học đường, xã hội...

Một vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ...