Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Mắt ghe thuyền ở Nam bộ.

Ảnh Internet.

Về miền Tây Nam bộ vùng sông nước, có lẽ ai cũng ấn tượng với cảnh ghe thuyền trên sông rạch, những con thuyền đủ loại với những tên gọi, chức năng khác nhau. Đã lâu tôi không có dịp đi chơi lại vùng này, nhưng cái ấn tượng để lại trong tôi là sự hiền hòa, chất phác của người dân, của thiên nhiên, đặc biệt là những con mắt của ghe thuyền, những con mắt đã tạo nên sự sống động cho những chiếc ghe, thuyền đang ngược xuôi.

Tục lệ vẽ mắt trên ghe thuyền không chỉ có ở Nam bộ, mà ta thấy trên những con thuyền ở khắp mọi vùng đất nước, trên khắp thế giới, tuy mỗi nơi, mỗi địa phương có khác. Riêng ở Việt Nam tục lệ vẽ mắt cho ghe thuyền đã có từ rất lâu đời, ít nhất là từ thế kỷ thứ I trước Công nguyên, trên những trống, khạp (thạp) đồng đã tìm thấy ở nước ta.

Về tục lệ vẽ mắt trên ghe thuyền, theo một số nhà nghiên cứu có lẽ liên quan đến tục xăm mình của người Đông Sơn đã được nhắc đến trong nhiều sách vở, chẳng hạn sách Lĩnh Nam Chích Quái của các tác giả Vũ Quỳnh, Kiều Phú đã nói đến, vua Hùng đã truyền cho dân lấy mực vẽ lên người, để thủy quái không còn làm hại khi xuống nước.

Tuy mỗi nơi trên đất nước có một cách vẽ mắt cho ghe thuyền, ngay vùng đồng bằng Nam bộ mỗi địa phương lại có cách vẽ đôi chút khác biệt, nhưng nói chung mắt của ghe thuyền vùng sông nước Nam bộ (từ TP. HCM đến Cà Mau) có đặc điểm chung là tròng đen, tròng trắng tròn hoặc hơi ô van, nhìn thẳng, tròng đen to, trông hiền hòa, như tính cách của người dân vùng này.

Nếu đôi mắt người được mệnh danh là "cửa sổ của tâm hồn", thì đôi mắt ghe thuyền cũng thế, cho nên khi đóng một chiếc ghe, đến công đoạn vẽ mắt các trại thuyền phải làm lễ cúng khai nhỡn (khai nhãn), cùng với hai lễ cúng quan trọng khác là cúng khi bắt đầu đóng ghe gọi là cúng ghim lô, và cúng hạ thủy. Cúng khai nhỡn được thực hiện khi đã đóng xong phần vỏ ghe, với mong ước sau này ghe được an toàn, công việc làm ăn của chủ ghe được thuận lợi. Lễ vật cúng thường đơn giản, hoa trái, bộ tam sên (thường là con tôm, miếng thịt heo và quả trứng).

Người dân cũng có tục lệ chọn ngày lành để cúng khai nhỡn, và cũng có tục kiêng kỵ không cho người lạ sờ vào mắt ghe, vì sợ bị yểm, xui xẻo...


Tham khảo từ nhiều nguồn.




10 nhận xét :

  1. Cái ghe, cái thuyền cũng là một sinh thể. Nên vẽ mắt cho nó thành ra tục lệ. Nhìn con thuyền có mắt cũng thấy đẹp, sinh động. Phim hoạt hình về ô tô của nước ngoài cũng thấy xe có mắt, có miệng dễ thương. Chỉ có điều họ không vẽ mắt cho tàu thủy, ô tô, máy bay...Thành ra ghe thuyền có mắt trở nên độc đáo!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoàn toàn đồng tình với ý kiến của bác Vũ Nho :-)

      Xóa
  2. Ôi ..ôi ...đọc bài này xong , em mới hiểu ý nghĩa của " mắt của ghe , thuyền " rồi . Thật hay và là lạ ! Em cảm ơn anh Hiệp nhiều về bài viết thật hay !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồi này NangTuyet bận sao ít thấy đưa hình?

      Xóa
    2. Dạ , tụi em mới quay về nhà được 3 ngày sau chuyến ra miền Bắc và về miền Đông thăm gia đình ông xã em rồi đi chơi một vòng đó anh Hiệp ạ . Ôi chao hình nhiều lắm . Để từ từ em sẽ post lên cho anh Hiệp và cả nhà mình cùng nghía nha . Anh Hiệp nhớ qua ủng hộ em đó nha ..hihi ..

      Xóa
    3. Chờ xem hình của NangTuyet đây :-)

      Xóa
  3. Nhớ hồi nhỏ xíu xiu, hễ có cái tàu nào cập bến nhà nội mà to đùng và có hai con mắt như quái vật là cháu sợ khủng khiếp chú à. Thế nào thì cũng sẽ trốn vô nhà cho lẹ.

    Trả lờiXóa
  4. Hể thấy cặp mắt nằm lấp xấp mặt nước thì biết chiếc ghe đó chở khẳm lắm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "lấp xấp", "khẳm" là từ của người miền Nam chính hiệu :-)

      Xóa

:) :( :)) :(( =))