Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

"i" và "y".



Bên nhà bạn Nhật Thành (Blog Hương Ngàn), có truyện ngắn của bạn ấy dự thi viết về đề tài HIV của Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An, qua đọc ké truyện, lan man thế nào mà lại còm về chuyện chữ nghĩa, từ ngữ, điều mà tôi quan tâm lâu nay. Nói tới chuyện từ ngữ tiếng Việt thì quả là khôn cùng, nhân đây tôi đã thử xem lại các sách vở tôi có riêng về trường hợp viết "i" hay "y" trong tiếng Việt, qua các thời kỳ, ở cả hai miền Nam, Bắc. Muốn tra chữ nghĩa có lẽ không gì hơn là tìm đến từ điển. Bài viết chỉ nhằm giới thiệu những gì tôi tra cứu được.

A/- Qua các tự điển xuất bản qua nhiều thời kỳ ở miền Nam trước năm 1975, căn cứ trên các tự điển Đại Nam Quấc âm Tự vị, Huình Tịnh Paulus Của, Saigon 1895-1896, Việt Nam Tự điển, Đào Văn Tập, Saigon 1951, Việt Nam Tự điển, Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ, Saigon 1970.

1. Trường hợp sử dụng "y" hoặc "i" ở cuối chữ bất kỳ:

-  Khi "y" ở cuối chữ, như: địa lý, kỹ thuật, lý hóa, lý luận, lý lịch, lý ngư (cà chép), ly kỳ, ly tán, trưởng, mỹ miều, kỳ cục, kỹ tính, gửi, (tuổi tý), quý mến,.. (một số từ tiêu biểu)

- Khi "i" ở cuối chữ, như: tinh vi, li ti, mưu trí, trì trệ, vi vu, xụp, ti toe, tách, đại, đì đùng, đi đứng, thi ca, dụ, lợm, lì xì, lắc, li bì... (một số từ tiêu biểu).

2. Trường hợp sử dụng "y" hoặc "i" cuối chữ đứng sau "qu":

- Khi "y" đứng sau "qu", như: ký quỹ, quỷ thần, quỷ quyệt, quỹ đạo, yêu quý, quy hoạch, quỳ lạy, quỵ lụy,  quý tộc, quỹ đen...

- Khi "i" đứng sau "qu", đặc biệt trong 2 quyển từ điển xưa xuất bản tại Sài Gòn là Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, và Việt Nam Tự điển của Đào Văn Tập, như: qui (con rùa), qui (trở về), qui chế, qui định, qui tắc, qui nạp, qui tiên, qui tụ, qui mô, phú quí, quì gối, Quí Mùi, quỉ quyệt, quỉ thần, thủ quĩ...

Đối với Việt Nam Tự điển của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ, thì chữ "qui" trong hai quyển tự điển trên được chuyển thành "quy".

B/- Qua các tự điển xuất bản qua nhiều thời kỳ ở miền Bắc, căn cứ trên các tự điển Việt Nam Tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội-1931, Từ điển Tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, Hà Nội-1967, Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Viện Ngôn ngữ-1997:

Trường hợp sử dụng "y" hoặc "i" ở cuối chữ bất kỳ:

1/ Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức:

- Khi "y" ở cuối chữ, như: bút , kỷ vật, kỹ năng, trường kỷ (ghế dài, có thể dùng như giường), kỳ hẹn, kỳ lạ, kiêng kỵ, Âu Mỹ...

- Khi "i" ở cuối chữ, như: hương , thiên , đạo , li ti, ti hí, tỉ lệ, tuổi , tì vị, vết, tỉ muội, kheo...

- Khi "y" đứng cuối chữ và sau "qu": không có chữ nào.

- Khi "i" đứng ở cuối chữ và sau "qu": tất cả những chữ, như: ma quỉ, thủ quĩ, linh qui, quí hóa, qui y, ngã quị...

2/ Từ điển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên:

Khi "y" ở cuối chữ, như: địa , đạo , do, lịch, trưởng, ly tâm, thiên , kiết lỵ, thú, tài, trí, mỹ mãn, mỹ lệ, mỹ nhân, mỹ thuật...

- Khi "i" ở cuối chữ, như: lông mi, lúa , củ , chính, mị dân...

- Khi "i" đứng cuối chữ và sau "qu": không có chữ nào.

- Khi "y" đứng cuối chữ và sau "qu": tất cả các chữ, như: quy y, quý quyến, quỳ lạy, thủ quỹ, quỷ quái, quỵ ngã, quy hoạch, quy chuẩn...

3/ Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên:

- Khi "y" đứng ở cuối chữ, như: áy náy, táy máy, ruộng rẫy, bọ rầy, chây lười... Tuy  nhiên đây là những từ không thể thay thế "y" bằng "i".

- Khi "i" đứng ở cuối chữ: tất cả những chữ cuối"y" có thể thay bằng "i" đều được thay bằng "i", như: địa lí, lí trí, tỉ mỉ, bút kí, kì vật, năng, thuật, kỉ lục, kỉ cương, miều, bà...

- Khi "i" ở cuối chữ và sau "qu": như: qui, quì, quĩ, quỉ, quị... ghi chú xem "quy".

- Khi "y" đứng cuối chữ và sau "qu": cũng như Từ điển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, tất cả những chữ cuối là "i" có thể thay bằng "y", thì "i" đều được thay bằng "y", như: quy y, quý quyến, quỳ lạy, thủ quỹquỷ quái, quỵ ngã, quy hoạch, quy chuẩn...

4/ Từ điển Tiếng Việt thông dụng, Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Giáo Dục-1996:

Trong từ điển này tôi chỉ trích phần chữ "y" hoặc "i" ở cuối chữ và sau "qu":

- Khi "y" ở cuối chữ và sau "qu": không ghi nhận từ nào.

- Khi "i" ở cuối chữ và sau "qu": tất cả các chữ, như: qui cách, qui chế, qui định, qui củ, qui kết, qui trình, quí khách, quí trọng, quí tộc, quỉ sứ, quỉ quyệt, quĩ đen, quị lụy, quị ngã...

Tiềng Việt mà chúng ta đang sử dụng bây giờ phải nói đã tương đối hoàn chỉnh so với những thời kỳ trước, tuy nhiên như những gì tôi đã ghi chép trên đây chỉ riêng với cách sử dụng chữ "i" và "y" thì hoàn thiện tiếng Việt hơn nữa vẫn là chuyện mà các nhà khoa học, giáo dục... cần phải làm. Tôi nhớ trước năm 1975 cũng có một vài nhà văn, học giả, nhà nghiên cứu về ngôn ngữ ở miền Nam cũng đã đưa ra những cải cách về chữ viết, mà nổi tiếng nhất là nhà văn, nhà giáo Nguiễn Ngu Í, chẳng hạn như tên của ông được viết như ta vừa thấy (điều này thì cách nay trên 100 năm Huình Tinh Của cũng đã viết tên mình như thế). Nhà văn, nhà giáo Nguiễn Ngu Í đã đưa ra cách viết dùng "i" thay cho "y" trong nhiều trường hợp (như tên của ông), "q" thay cho "qu", như qa qit = qua quýt. "y" thay cho "d" (nên có nhà xuất bản tên "Yiễm Yiễm" thay cho "Diễm Diễm"), trường hợp như chữ "nhất" thì bỏ dấu sắc, vì đánh vần "nhât", hoặc như chữ "quýt" thì chỉ cần viết "qit" là đủ...

Nhưng tra cứu đến đây thì mắt mũi tôi như có trăm ngàn con đom đóm đang bay, hết thấy đường, đầu óc lùng bùng. Không kể từ điển trong Nam, ngoài Bắc xuất bản đã quá lâu, có thể ta sẽ cho rằng từ điển đó xưa quá, lỗi thời rồi, chỉ so sánh ba quyển Từ điển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (1967), Hoàng Phê chủ biên (1997), và Nguyễn Như Ý chủ biên (1996) là ba quyển từ điển được xuất bản dưới thời XHCN. Ba vị chủ biên của ba quyển từ điển này đều là Giáo sư, và ba quyển từ điển này trong trường hợp viết "i" hay "y" nêu trên đã đưa ra những kết quả khác nhau. Nhất là hai quyển từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên (1997), và Nguyễn Như Ý chủ biên (1996) trong cách viết "quy" hay "qui". Nếu từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên do Viện Ngôn ngữ xuất bản, thì từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý do NXB Giáo Dục xuất bản, tiếng tăm cũng tương đương. Tuy phát hành gần như cùng thời gian, nhưng quyển từ điển do Hoàng Phê chủ biên (Viện Ngôn ngữ) chỉ ghi nhận "y" đứng sau "qu", trong khi từ điển của Nguyễn Như Ý (NXB Giáo Dục) thì viết trái ngược, chỉ ghi nhận "i" đứng sau "qu".

Đúng là tiếng Việt rắc rối thiệt.









Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

Một vài tên đường ở Sài Gòn.

Tên đường Pasteur ở quận 1 nơi giao lộ Pasteur-Lê Duẩn hiện nay. Thời Pháp đường Lê Duẩn là đường Norodom, sang đến thời Đệ nhất Cộng hòa là đường Độc Lập. Ảnh Internet.

Cách nay khoảng nửa tháng tôi có đọc được một bài báo trên Vietnamnet (12-12-2015), nói về việc đặt tên đường ở Sài Gòn trước năm 1975 rất khoa học, có tính giáo dục cao. Bài báo viết: "Cách đặt tên đường ở Sài Gòn trước 1975 rất hay, rất có dụng ý rất có ý nghĩa. Người đi từ cửa ngõ vào tới trung tâm Sài Gòn, nếu để ý bạn sẽ thấy cả một chiều dài lịch sử của nước Việt Nam trên từng bước chân".

Thực ra việc đặt tên đường, đặt số nhà sao dễ tìm, dễ kiếm... chẳng có gì mới mẻ cả, nó là một khoa học trong việc quản lý, quy hoạch đô thị, có những quy định, những nguyên tắc rõ ràng, chứ không phải muốn đặt tên, muốn cho số ra sao cũng được. Việc đặt tên đường ở Sài Gòn có từ thời Pháp, ban đầu do người Pháp đặt, lấy tên của những danh nhân nước Pháp, chẳng hạn như đường Nguyễn Huệ là đường Charner, đường Lê Lợi là đường Bonard, đường Tự Do là đường Catina...

Sau khi chính quyền được trao lại cho người Việt, thì từ thời TT Ngô Đình Diệm những con đường có tên Pháp được đổi tên sang những danh nhân lịch sử Việt Nam, trừ một số ít đặt tên theo ý nghĩa, chẳng hạn như đường Tự Do thay cho Catina (bây giờ là Đồng Khởi), đại lộ Độc Lập trước dinh Độc Lập thay cho đường Norodom (tên Quốc Vương Cambodge bấy giờ, bây giờ là Lê Duẩn), và vẫn giữ lại một số tên đường là người Pháp, danh nhân thế giới như Pasteur (đường Pasteur cũng từng bị mất tên, ngày 14-8-1975 Chính phủ Cách mạng lâm thời đổi thành Nguyễn Thị Minh Khai. Đến tháng 9-1991, UBND TP. HCM đổi lại là Pasteur như hiện nay), hoặc là người có công với nước ta như đường Yersin, hay Alexandre de Rhodes..., đường này cũng thế, ngày 4-4-1985 thành phố đổi thành Thái Văn Lung, sau đổi lại Alexandre de Rhodes đến nay...

Nhưng ở Sài Gòn xưa nay có một số tên đường viết sai tên, như những con đường sau:

Quận 1:

- Đường Nguyễn Thiếp  (1723-1804): thay vì đường Nguyễn Thiệp, nằm trên địa bàn phường Bến Nghé, từ đường Đồng Khởi đến đường Nguyễn Huệ. Nguyễn Thiếp là danh sĩ cuối đời hậu Lê, quê ở huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Làm quan dưới triều Lê đến chức tri phủ, nhưng không lâu sau từ quan về quê ở ẩn. Đến triều Tây Sơn, vua Quang Trung mời nhiều lần ông mới ra giúp làm Viện trưởng viện Sùng Chính, chuyên dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm, đến khi vua Quang Trung mất ông mới cáo quan. Khi Nguyễn Ánh diệt được Tây Sơn xong có vời ông ra làm quan nhưng ông cáo từ.

- Đường Trần Khát Chân  (1370-1399): thay vì đường Trần Khắc Chân, nằm trên phường Tân Định, nối từ rạch Thị Nghè (đường Hoàng Sa), đến đường Trần Quang Khải. Trần Khát Chân (1370-1399), là danh tướng đời Trần Nghệ Tông, dóng dõi Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng. Quê ở làng Hà Lăng, huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa). Trong sách sử không có nhân vật lịch sử nào tên Trần Khắc Chân, đời Trần chỉ có hai người là Trần Khát Chân như đã nói, và Trần Khắc Chung. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, Trần Khắc Chung là người đời vua Trần Anh Tông đã vào Chiêm Thành cứu Huyền Trân công chúa khỏi bị lên giàn hỏa thiêu, khi vua Chiêm là Chế Mân chết.

Ảnh Internet.

Quận 5:

- Đường Lương Như Hộc  (1420-1501): thay cho Lương Nhữ Học, bắt đầu từ Bến Trần Văn Kiểu đến đường Phạm Hữu Chí. Lương Như Hộc, tự Tường Phú, quê ở huyện Trường Tân, nay lá huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. danh sĩ đời Lê Thái Tông, lám quan đến Đô ngự sứ, từng đi sứ nhà Minh hai lần, vào năm 1443 và 1459.

- Đường Phan Phu Tiên, hoặc Phan Phù Tiên  (?-?): thay vì Phan Phú Tiên, đường Phan Phu (Phù) Tiên bắt đầu từ Bến Hàm Tử đến đường Trần Hưng Đạo B. Phan Phu Tiên là danh sĩ đời Lê Thái Tổ, quê ở huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Làm quan đến chức An phủ sứ Thiên Trường, và giữ chức Quốc tử giám bác sĩ.

Ảnh Internet.

Quận Phú Nhuận:

- Đường Trương Quốc Dụng (1797-1864): thay cho Trương Quốc Dung, bắt đầu từ đường Hoàng Văn Thụ đến đường Trần Hữu Trang. Trương Quốc Dụng là danh sĩ đời Minh Mạng, tên cũ là Khánh, tự Di Hành, hiệu Nhu Trung. Quê huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình, nổi tiếng liêm chính, ngay thẳng.

Quận Gò Vấp:

- Đường Hanh Thông thay vì Hạnh Thông. Hanh Thông là tên một ấp của tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, trấn Phiên An (sau đổi thành Gia Định). Hanh Thông là một quẻ trong Kinh Dịch, chữ Hanh Thông có ý nghĩa là suôn sẻ, không gặp trở ngại.

Ảnh Internet.

Quận Thủ Đức:

- Đường Kha Vạng Cân (1908-1982): thay vì Kha Vạn Cân. Đường Kha Vạng Cân bắt đầu từ cầu Bình Triệu đến Ngã tư Linh Xuân. Kha Vạng Cân là kỹ sư cơ khí du học ở Pháp, từng được vua Bảo Đại mời tham gia Hội đồng Cải cách Giáo dục, cựu Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ dưới thời Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, quê tại Thủ Đức, tỉnh Gia Định, nay là quận Thủ Đức, TP. HCM.

Ngoài ra còn có tên đường Trương Định (quân 3), và tên đường Trương Công Định (quận Tân Bình). Cũng có lần có người hỏi tôi "Trương Định và Trương Công Định là một hay hai người?".Trương Định hay Trương Công Định chỉ là một người. Tên của ông là Trương Định , là quan võ triều Nguyễn có công trong việc chống Pháp, được phong chức Lãnh binh, ông tự sát trong một trận đánh chứ không chịu để bị bắt, ở Gò Công còn lăng thờ của ông. Nhân dân tôn xưng ông là Bình Tây Đại Nguyên Soái. Trương Công Định 定 là tên gọi để suy tôn ông.

Bản đồ thời Pháp đề tên KiHoa. Ảnh: Wikipedia.

Ở quận 5 có đường Ký Hòa (từ đường Phù Đổng Thiên Vương đến đường Lương Như Hộc). Thực ra Ký Hòa là tên viết sai của Chí Hòa. Chí Hòa là địa danh xưa của đất Gia Định, và là tên một đại đồn do Nguyễn Tri Phương lập nên năm 1860 tại vùng Hòa Hưng (quận 10 bây giờ) mà trung tâm là làng Chí Hòa, để ngăn chặn quân Pháp. Đường này có tên từ thời Pháp thuộc đến nay, người Pháp viết Ch thành K và không có dấu nên Chí Hòa mới thành KIHOA, rồi từ KIHOA chuyển lại tiếng Việt thành Ký Hòa, cũng còn gọi là Kỳ Hòa (hồ Kỳ Hòa nơi quận 10).


Tham khảo:

- Đường phố Thành Phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Q. Thắng  Nguyễn Đình Tư, NXB Văn hóa Thông tin-2001.








Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Mùa thân thiện.


Thời tiết cuối năm ở Sài Gòn khá hay. Buổi sáng sớm trời se lạnh như sáng nay, tôi nhìn chiếc hàn thử biểu trong nhà, 23 độ C, thời tiết này thích hợp để chị em khoe chiếc áo lạnh, hay quấn thêm chiếc khăn quàng giữ ấm nơi cổ khi đi ra đường. Nếu so với các mùa khác trong năm, thì cuối năm là mùa thân thiện với người Sài Gòn.

Ít lâu nay tôi chôn chân trong nhà, vì cái chân cũng chưa lành hẳn, và vì một vài lý do khác nữa, cho nên đôi khi không để ý ngày tháng. Sáng nay cùng với không khí lạnh, nhìn lên quyển lịch ngày thấy còn mỏng dính, tháng 12 đã qua hơn hai phần ba thời gian, sắp hết một năm rồi, thỉnh thoảng nghe vẳng từ nhà hàng xóm tiếng nhạc Giáng sinh và Năm mới rộn rã. Hôm trước người bạn đã nhắn trên điện thoại, mấy xóm đạo nơi gần nhà bạn cũng đã lên đèn...

Mùa Giáng sinh, đón năm mới là một mùa thân thiện với mọi người, những người thân gặp gỡ nhau, mùa của những lời chúc, những món quà được gởi đi, cho và nhận, mùa của âm nhạc, của du lịch, của vui chơi, và nụ cười...


Một cuộc sống thân thiện chắc chắn sẽ là ước muốn của mọi người, ai trong chúng ta cũng muốn thế. Cuộc sống thân thiện khiến chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, thấy cuộc đời đáng sống hơn. Nhưng rồi tôi cũng biết qua những thông tin, qua thực tế đời sống, thì người mình khá ít thân thiện. Điển hình là khi có việc đến các cơ quan công quyền, đến các bệnh viện công, các dịch vụ công..., ít khi nào ta nhận được một câu nói, hay một nụ cười thân thiện... Mới đây thôi bản thân tôi gặp những tình huống khiến tôi phải suy nghĩ. Hôm ấy có chị bạn từ Pháp về mời uống cà phê cùng một vài bạn khác. Hôm đó cái chân của tôi mới mổ được ít ngày, tôi chống nạng đến chơi, mấy bữa ấy tôi ở tạm nơi nhà ông cụ tôi nơi một con hẻm ở quận 3 gần kênh Nhiêu Lộc. Hẻm khá rộng tôi có thể điện thoai cho xe taxi đến trước cửa nhà đón, nhưng muốn tự chống nạng ra bờ kênh đón xe.

Tôi chống đôi nạng đi quãng đường khoảng 100 mét trong hẻm trước khi ra con đường chính. Trên đường đi tôi gặp nhiều người trong xóm. Tôi nhìn thấy những đôi mắt mở to, những cái nhìn tò mò, hiếu kỳ, có đôi chút dò xét, bởi tôi là người lạ. Duy chỉ có một người mỉm cười và gật đầu chào, đó là một cô gái da trắng, tóc vàng, dĩ nhiên tôi đã cười và chào lại cô gái ấy. Cô gái người ngoại quốc này ở trong một ngôi nhà thuê trong hẻm. Tôi không dám nói cái nhìn của những người khác trong xóm là không thân thiện, Nhưng nụ cười và cái gật đầu chào của cô gái mà tôi mới nhìn thấy lần đầu ấy, đã cho tôi một cảm giác thân thiện.

Ra tới ngoài đường đứng chờ taxi, một chiếc xe trống chạy qua, tôi giơ tay vẫy, chiếc xe vẫn chạy tiếp. Tới chiếc thứ hai xe vẫn không dừng lại, sau khi thấy anh tài xế ngoái nhìn, tôi hơi lạ nhưng rồi chợt nghĩ ra hay tại tôi có đôi nạng? Chiếc thứ ba chạy qua cũng vẫn không ngừng, người tài xế cũng ngoái nhìn rồi chạy thẳng. Đến đây thì đã rõ, tôi cũng không trách gì những anh tài xế taxi ấy, có lẽ trong công việc lái xe có thể họ đã gặp những người sử dụng đôi nạng, đi xe mà làm điều càn quấy, chẳng hạn như lên xe rồi ăn vạ hay quỵt tiền xe? Rồi lại thêm một chiếc xe nữa chạy qua. Cuối cùng tôi phải gọi điện thoại cho hãng xe, nói địa chỉ mình đang đứng, nói đại là mình cần một chiếc taxi để đến bệnh viện tái khám, vài phút sau mới có chiếc taxi chạy đến và dừng lại...


Tôi đọc trên mạng thấy một số người mình ra nước ngoài có những hành vi không thân thiện, như hay chen ngang nơi công cộng, đi ăn món ăn tự chọn thường "con mắt to hơn cái bụng" rồi bỏ mứa, hoặc có người đi du lịch ăn buffet xong bỏ bịch nylon tối về khách sạn... nhậu tiếp, nơi đông người thường ồn ào, thậm chí hay "cầm nhầm" vặt... Có cả những cảnh báo viết bằng tiếng Việt ở nước ngoài khiến bất kỳ người Việt nào đọc cũng phải xấu hổ... Mới đây cũng trên Cafe sáng trên tivi, tôi có nghe nói nơi ngôi đền "Nguyệt lão" nào đó ở Myanmar, có ghi chữ Việt lên nơi không được ghi, dĩ nhiên ghi chữ Việt thì cũng chưa thể khẳng định đó là do người Việt (nhưng ngay ở VN như trên bức tường của nhà thờ Đức Bà Saigon cũng có những dòng chữ vô ý thức bôi bẩn). Đó là những hành vi không thân thiện...

Cũng mới hôm trước (trên VNN, nay vào xem lại không tìm thấy bài), tôi đọc thấy có nói một nam ca sĩ nổi tiếng ở Saigon, đã trang trí đón Giáng sinh cho ngôi biệt thự của minh rất lộng lẫy, mở cửa cho mọi người vào xem và đã có rất nhiều người đến xem, trong đó có nhiều người lớn tuổi dắt cháu đến. Tôi nhận thấy đây là một hành động đẹp, vì mọi người, một cử chỉ thân thiện. Nhưng lạ thay, đa số những comments phía dưới bài báo ấy lại là sự dè bỉu, chê bai, thậm chí khá nặng lời, nào là khoe của, hợm hĩnh... Thật lạ lùng, mà cho dù anh chàng ca sĩ này có khoe cũng có hề gì? ai mà không muốn khoe cái đẹp mình có? Điều quan trọng là việc làm ấy đã mang lại niềm vui cho nhiều người, trong đó có nhiều trẻ em. Những người vào ném đá có khi nào tự vấn trong cuộc sống ta đã mang lại được niềm vui, dù nhỏ bé cho ai chưa? Mà đã tự cho mình cái quyền mạt sát người khác. Thật lạ, đấy là một ứng xử không thân thiện.

Trong cuộc sống này, sự thân thiện không ngẫu nhiên mà có, nó đến từ sự giáo dục. Không phải tự nhiên mà ông bà ta từ ngày xưa đã nói "Học ăn học nói, học gói học mở", bây giờ gọn hơn người ta nói "Học kỹ năng sống". "Kỹ năng sống" trong đó có kỹ năng giao tiếp, từ giao tiếp ngoài đời, cho đến giao tiếp trên mạng, kể cả những kỹ năng đối thoại, kỹ năng tranh luận. Khi phải đối thoại, tranh luận, thì mục đích cuối cùng là để tìm ra cái đúng, chứ không phải là sự hơn thua. Người có kỹ năng tranh luận là người biết đưa ra những lý lẽ hợp lý để bảo vệ quan điểm của mình, nhưng cũng phải biết nói "Bạn đúng đấy", và biết chấp nhận cái đúng của người khác khi tranh luận. Dù có thông minh trí tuệ, bằng cấp chót vót, đọc trăm ngàn quyển sách, không ai có thể tự hào rằng mình biết tất cả mọi chuyện.

Nhiều khi thay vì đối thoại và tranh luận thẳng thắn, một việc bình thường trong cuộc sống, thì chỉ vì sự hơn thua, vì tự ái, mà người ta lại nói càn, quay ra chửi nhau tưng bừng, chụp mũ, mạt sát, lôi cá nhân ra mà bôi nhọ, dù thật ra cũng chẳng biết gốc tích hay mặt ngang mũi dọc của nhau tròn méo ra sao. Hay như câu chuyện về ngôi nhà Giáng sinh bên trên, tôi vẫn cứ tự hỏi tại sao một ngôi nhà thờ trang trí đẹp trong mùa Giáng sinh, để mọi người đến viếng thì không sao, nhưng một cá nhân trang trí ngôi nhà của mình và mở cửa để mọi người đến xem thì có những người lại dè bỉu...?


Nhưng thôi, Giáng sinh và Năm mới đã cận kề, hãy bỏ qua những vụn vặt đời thường. Xin chúc bạn bè gần xa, và tất cả mọi người những điều tốt đẹp. Mong rằng tất cả chúng ta rồi sẽ được sống trong một xã hội thân thiện...


Ghi chú:

- Những bức ảnh trong entry này là của bạn NangTuyet, chụp mùa đông nước Pháp vào tháng 1-2015, cám ơn bạn về những bức ảnh đẹp này.


Saigon, mùa Giáng sinh 2015.







Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Sự cố.

Trước giờ đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2015 giữa Hoa hậu Philippine và Hoa hậu Colombia. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Tôi chú ý đến cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) từ... tối hôm qua, sau khi đọc được trên báo mạng dự đoán là Hoa hậu Phạm Hương của Việt Nam có thể lọt vào top 3 của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015 tại Las Vegas (Mỹ) vào sáng hôm nay (21-12-2015).

Sáng nay tôi đã theo dõi trên kênh VTV 6 buổi trực tiếp chung kết này, buồn thay ở top 15 không thấy tên Hoa hậu VN đâu cả. Tự hào dân tộc xẹp xuống, đã định không coi tiếp, nhưng nghĩ thôi cứ thử xem tiếp coi người đẹp nước nào đoạt danh hiệu Hoa hậu Hoàn vũ năm nay. Nhờ vậy mà tôi đã xem được một sự cố rất nghiêm trọng mà không hiểu sao lại có thể xảy ra trong buổi chung kết kỳ thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015 này. 09 giờ 55 công bố kết quả, Trong top 3 thì Á hậu 2 là Hoa hậu Mỹ, Còn lại 2 người là Hoa hậu Colombia và Hoa hậu Philippine, hồi hộp, người đại diện kiểm toán ra trao kết quả.

09 giờ 57 MC tuyên bố kết quả, Hoa hậu Hoàn vũ 2015 là Hoa hậu Colombia, và vương miện đã được trao cho Hoa hậu Colombia.

Niềm vui của Hoa hậu Colombia sau khi nghe kết quả. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Ngay sau đó khoảng 2 phút, 09 giờ 59, MC đã tiến ra sân khấu với lời đính chính, Hoa hậu Hoàn vũ 2015 được xác định lại là Hoa hậu Philippine chứ không phải Hoa hậu Colombia. Điều này thật quá bất ngờ không chỉ với Hoa hậu Colombia, Hoa hậu Philippine, mà với tất cả mọi người theo dõi. Cô Hoa hậu Philippine tròn xoe mắt, có lẽ cô không thể tưởng tượng được điều này sẽ xảy ra.

Giây phút bất ngờ với Hoa hậu Philippine. Ảnh: Tuổi Trẻ.


Vương miện Hoa hậu Hoàn vũ 2015 đã được gỡ từ mái tóc của cô gái Colombia trao cho cô gái Philippine. Ảnh Reuteur.

Những giọt nước mắt của Hoa hậu Colombia giữa vòng tay của Hoa hậu các nước. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Phiếu kết quả của cuộc thi. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Thật không thể nào ngờ được một sự cố nghiêm trọng và hy hữu như thế này lại có thể xảy ra trong một buổi chung kết thi Hoa hậu Hoàn vũ, được tổ chức tại Las Vegas nước Mỹ, Kinh đô của Giải trí thế giới. Chỉ có 1 trong 2 điều xảy ra, một là người dẫn chương trình lầm lẫn khi đọc kết quả, hai là sau khi tuyên bố thì bộ phận kiểm toán cho ra kết quả cuối cùng thấy mình sai. Có một điều khá lạ nữa, là sau khi đính chính, không thấy người dẫn chương trình nói lời xin lỗi Hoa hậu Colombia.

Đây là một sự cố tôi nghĩ rằng nghiêm trọng và hy hữu nhất của năm 2015, trong làng giải trí thế giới.


P/s, đọc trên các báo sau đó thấy nói do MC Steve Harvey đọc nhầm kết quả, và MC này đã nhận toàn bộ trách nhiệm về lỗi lầm tai hại này. Dưới đây là những lời xin lỗi của ông (copy từ Tuổi Trẻ Online):

“Tôi thành thật xin lỗi. Tôi sẽ nhận trách nhiện cho chuyện này, đây là lỗi của tôi”, Steve Harvey nhanh chóng thừa nhận trách nhiệm của mình.
“Tôi toàn tâm toàn ý muốn xin lỗi đến Hoa hậu Colombia và Hoa hậu Philippines cho sai lầm quá lớn của mình. Tôi cảm thấy rất kinh khủng. Tôi cũng muốn gửi lời xin lỗi tới các khán giả thất vọng về tôi.
Một lần nữa, đó là một sai lầm. Tôi thực sự không muốn  làm hỏng đêm thi, cũng làm ảnh hưởng đến các thí sinh tuyệt vời này. Tất cả họ đều tuyệt vời”, Steve viết trên Twitter sau đêm chung kết.






Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

Chợ.

Một khu phố chợ xưa của người Hoa trong quận 5. Ảnh Internet.

Người ta hay nói Sài Gòn là xứ sở của ăn uống, đi đâu cũng gặp quán ăn. Người ta ăn uống mọi lúc, mọi nơi, mọi giờ giấc, và mọi thời tiết luôn. Quán ăn mọc lên cùng khắp, có khi ngay trên... nắp cống vỉa hè, hay kế cả cạnh... bô rác, thực khách vẫn cứ hồn nhiên mà đánh chén. Nhưng có lẽ ai ở Sài Gòn lâu chắc biết Sài Gòn cũng là xứ sở của... chợ, loại chợ truyền thống buôn thúng bán mẹt, chưa nói đến những loại hình chợ cao cấp như siêu thị, thương xá, hay những trung tâm thương mại.

Sài Gòn là xứ ra khỏi nhà là đã có thể gặp chợ, từ một cái chợ rất nhỏ nơi vỉa hè đầu hẻm, chỉ có một chị nhập cư, đạp cái xe đạp cà tàng đằng sau đằng trước gồng gánh treo lủng lẳng đủ mọi thứ rau củ, thịt thà tôm cá. Sáng sớm chị ta đã ngồi đó và thành một cái chợ siêu nhỏ, ta có thể mua được ở đây mọi thứ đủ để nấu một bữa ăn. Đến những ngôi chợ nhỏ không tên trong những xóm nghèo, cho đến loại chợ chồm hổm ven đường, nơi đầu cầu, nơi khu có nhiều công nhân làm việc. Cho đến những ngôi chợ lớn danh tiếng có nhiều du khách ghé thăm.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, Sài Gòn có khoảng trên 200 ngôi chợ lớn nhỏ, đa số nằm trong nội thành (hơn 160 chợ). Các chợ buôn bán đủ thứ các mặt hàng, nhưng cũng có những chợ chuyên bán một loại hàng hóa, hay một chủng loại hàng hóa, như chợ Trần Chánh Chiếu ở quận 5 chuyên về nông sản (người dân gọi là chơ gạo), chợ Hòa Bình quận 5 chuyên về hoa quả, cá biển, chợ Soái Kình Lâm quận 5 chuyên kinh doanh vải, chợ Hà Tôn Quyền quận 5 chuyên sắt thép, phế liệu, chợ Kim Biên quận 5 chuyên mặt hàng hóa chất, đồ chơi trẻ em, hàng gia dụng, chợ Tân Thành quận 5 chuyên phụ tùng xe gắn máy, xe đạp, chợ Bình Tây quận 6 chuyên về hàng tiểu thủ công nghiệp nội địa, chợ Hồ Thị Kỷ quận 10 chuyên kinh doanh hoa, chợ Nhật Tảo quận 10 chuyên linh kiện điện tử... Sài Gòn cũng có những khu vực buôn bán những mặt hàng cũ, linh tinh, phế thải ở ngoài trời gọi là chợ trời...

Chợ hoa Hồ Thị Kỷ, quận 10, hoạt động chủ yếu vào ban đêm. Ảnh Internet.

Có những ngôi chợ chuyên bán những mặt hàng truyền thống của một địa phương, như chợ Bà Hoa ở Tân Bình chuyên bán những sản phẩm của Quảng Nam, hay chợ Ông Tạ cũng ở Tân Bình chuyên cung cấp sản phẩm của người gốc Bắc... Ở Sài Gòn cũng có những chợ như chợ chó, chợ chim chuyên bán chó kiểng, chim kiểng, ngày xưa bán ở khu Chợ Cũ quận 1, sau dời về khu Cầu Mống, ở đường Lê Hồng Phong quận 10 cũng có một khu vực chuyên bán chim, chó.

Chó kiểng bán ở khu Lê Hồng Phong quận 10. Ảnh Internet.

Ở Sài Gòn cũng có một ngôi chợ từ trước năm 1975 gọi là Chợ Dân Sinh ở quận 1, bán đủ mọi thứ trên đời, kể cả hàng quân trang quân dụng cũ mới. Có những du khách ngoại quốc đến đây tìm mua những đồ dùng cùa của lính Mỹ ngày xưa, như hộp quẹt zippo cũ có khắc chữ, hay hình ảnh Sài Gòn xưa, nón sắt, la bàn, ống nhòm, cuốc xẻng, bi đông (bình toong), gà mên... ngày xưa của Mỹ sản xuất... Sài Gòn cũng có những ngôi chợ chuyên bán về ban đêm phục vụ khách hàng, gọi là chợ đêm, như khu chợ đêm ở những con đường chung quanh chợ Bến Thành, hoặc trước đây ở khu đường Kỳ Hòa quận 10. Qua một số chợ tiêu biểu vừa kể, ta thấy phần lớn chợ tọa lạc ở khu vực quận 5 nơi có nhiều người Hoa sinh sống, để thấy rằng từ xưa đến nay người Hoa tại Sài Gòn rất năng động về những hoạt động kinh tế.


Chợ Dân Sinh ở quận 1 bán đủ thứ linh tinh, quần áo, bình toong, giày nhà binh... Ảnh Internet.

Nếu có ai hỏi "ngôi chợ có tiếng nào lâu đời nhất ở Sài Gòn đến nay vẫn còn hoạt động?", chắc sẽ có nhiều người trả lời là "chợ Bến Thành", là ngôi chợ đã có tuổi đời cả trăm năm nay, một ngôi chợ có tiếng khác là chợ Bình Tây, còn gọi là Chợ Lớn Mới cũng có tuổi đời gần một trăm năm. Đây là hai ngôi chợ nổi tiếng nhất xưa nay ở Sài Gòn được nhiều người biết, nếu nói xưa và nhiều người biết ta có thể thêm vài ngôi chợ nữa, chẳng hạn như chợ Tân Định ở quận 1, chợ An Đông ở quân 5, chợ Bà Chiểu ở quận Bình Thạnh...

Theo sách Hỏi đáp về Sài Gòn - Thành phố Hố Chí Minh (tập 4 - Kinh tế - Nhiều tác giả, NXB Trẻ 2007), ngôi chợ lâu đời nhất Sài Gòn đến nay vẫn còn hoạt động là chợ Kim Biên, chứ không phải là chợ Bến Thành. Chợ Kim Biên nằm trong khu vực rất cổ xưa của vùng Chợ Lớn, có con đường cùng tên là đường Kim Biên. Đường này thời Pháp tbuôc mang tên là đường Cambodge. Từ ngày 19-10-1955 đường Cambodge được đổi tên thành đường Kim Biên. Sách viết khu vực chợ Kim Biên này buôn bán đông đúc, sầm uất vào khoảng năm 1778, do những người Hoa từ Cù Lao Phố (Biên Hòa) và Mỹ Tho đến sinh sống lập phố chợ.

                                                       Chợ Kim Biên  Ảnh Internet.

Sách viết thế thì biết thế chứ sách cũng không nói rõ ràng là cái tên chợ Kim Biên có từ bao giờ? Theo tôi thì có lẽ tên chợ Kim Biên có từ sau năm 1955, là thời điểm chính quyền bấy giờ đổi tên đường Cambodge thành đường Kim Biên. Nhìn kiến trúc của ngôi chợ Kim Biên ta thấy đây là kiến trúc tương đối mới không có gì đặc sắc, chỉ khoảng độ một nửa, hoặc hơn nửa thế kỷ nay, chứ không xưa như chợ Bình Tây hay chợ Tân Định. Nói chợ Kim Biên là chợ xưa nhất thành phố Sài Gòn còn hoạt động đến nay, có lẽ là nói đến ngôi chợ gốc (lịch sử) có từ trước thời được đặt tên là Kim Biên, từ thời năm 1778 do những người Hoa đến đây thành lập như ở trên. Điều này có lẽ tương tự như sách vở có nói nhà thờ Chợ Quán là nhà thờ xưa nhất của thành phố, Thực ra nhà thờ Chợ Quán ta thấy hiện nay được xây dựng từ năm 1887 và khánh thành năm 1896, trong khi nhà thờ Đức Bà xây dựng và khánh thành trước đó (năm 1880). Nhưng họ đạo Chợ Quán là một họ đạo lâu đời nhất Sài Gòn (và ở cả miền Nam), thành lập từ năm 1723, và từ khi thành lập, họ đạo đã xây cất ngôi nhà thờ bằng vật liệu nhẹ, sau đến năm 1896 được thay bằng ngôi nhà thờ kiên cố như ta thấy ngày nay.

Như vừa nói, đường Kim Biên xưa thời Pháp là đường Cambodge, người Pháp đặt tên đường như thế là để tỏ "tình thương mến thương" với nước Kampuchia, thời đó dinh của Thống đốc Nam kỳ được đặt tên là dinh Norodom (tên của Quốc vương Cambodge lúc đó), và con đường trước dinh cũng mang tên này. sau này là dinh Độc Lập, rồi dinh Thống Nhất.

Đến năm 1955, thời TT Ngô Đình Diệm tuy đổi tên đường Cambodge thành đường Kim Biên, nhưng "tình thương mến thương" với nước bạn vẫn còn đó, bởi tên gọi Kim Biên  là tên Hán-Việt của thủ đô Phnom Penh - Cambodge, phiên âm tiếng Việt là Nam Vang. Cũng cùng trên một địa bàn (phường 13 quận 5), còn có một con đường mang tên Vạn Tượng 萬象  là tên gọi Hán-Việt của thủ đô nước Lào Vientiane, phiên âm tiếng Việt là Viên Chăn. Đường Vạn Tượng thời Pháp thuộc tên là Yunnam, cũng từ ngày 19-10-1955 chính quyền lúc ấy đổi tên thành đường Vạn Tượng. Như thế ta cũng thấy thời TT Ngô Đình Diệm cũng đã tỏ tình thân hữu với hai nước láng giềng này.

Hóa chất thực phẩm bán bằng can nhựa tại chợ Kim Biên  Ảnh Internet.

Nói tới chợ Kim Biên là phải nói tới... hóa chất. Từ trước năm 1975 nơi đây đã là một chợ đầu mối về buôn bán các loại hóa chất, không rõ thời đó ra sao chứ hiện nay tình trạng buôn bán này đã đến lúc đáng báo động do không kiềm soát nổi, nhất là những loại hóa chất phụ gia cho vào thực phẩm. Báo chí đã nói đến rất nhiều về vấn đề này có lẽ các bạn đã biết.

Cuối năm sắp tới Giáng sinh, Tết tây, Tết ta, việc buôn bán đang nhộn nhịp khởi sắc. Một vài nét chấm phá về chợ ở Sài Gòn.






Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

Ước mơ , Ý tưởng, và Thực hiện.

Một góc nhà.

Trong entry trước, nhân một giới thiệu trên tivi, tôi có nói qua đến một thư viện mini chuyên ngành về kiến trúc, của một anh bạn KTS trẻ ở Hà Nội. Thư viện mở cửa miễn phí cho mọi người. Một việc làm thật ý nghĩa trong cuộc sống hiện tại.

Chắc hẳn để mở được một thư viện như thế, trước hết anh bạn KTS trẻ này phải có cái tâm, cái tâm vì mọi người, và điều còn lại là ước mơ, ý tưởng, và thực hiện. Ước mơ chắc dễ, ai mà không có ước mơ, ngay từ khi còn bé xíu chưa suy nghĩ gì nhiều, chẳng hạn đứa trẻ con vài ba tuổi đến lớp mẫu giáo, đã biết ước mơ khi lớn lên làm chú lính cứu hỏa. Khi đã có ước mơ, đến một lúc nào đó từ ước mơ này con người sẽ nảy ra những ý tưởng để thực hiện. Cái khâu cuối cùng khó nhất chính là đây, là làm sao để thực hiện được những ước mơ của mình, thông qua những ý tưởng. Hẳn là từ khi có ước mơ cho đến khi có đủ điều kiện, đủ "nhân duyên" để thực hiện ước mơ của mình, và cũng chắc hẳn là anh chàng KTS trẻ cũng đã gặp không ít những khó khăn.

Tôi đã có ba mươi mấy năm làm việc cho nhà nước trước khi về hưu, một thời gian phải nói là khá dài, tương đương với chiều dài của nửa đời người. Làm việc cho nhà nước (bất cứ nhà nước thời nào, xưa nay gọi là công chức), có lẽ người ta cũng chẳng cần đến những ước mơ làm gì, ngoại trừ cũng có những người ước mơ (đúng hơn là ước muốn), ngày ngày làm bạn với mấy tờ giấy, chiếc đinh ghim mà ước mơ ngày mai trở thành ông chủ sự*. Chẳng thế mà ngay từ ngày xa xưa, người ta đã ví cái nghề làm công chức là nghề "Sớm vác ô đi tối vác về", cứ thế ngày qua ngày, không cần cố gắng (nói chi đến động não, sáng tạo), miễn cũng đừng bê trễ quá để bị đưa vào diện "giảm biên chế".

Là một người đã có "thâm niên công vụ" ngồi quán cà phê đã cả nửa thế kỷ nay trên khắp "bốn vùng chiến thuật", cho nên trước khi về hưu tôi cũng có một ước mơ nho nhỏ trong điều kiện của mình, là mở một quán cà phê nhỏ, thực sự là nhỏ (tôi khá sợ sự hoành tráng, ồn ào). Một quán cà phê kết hợp với việc đọc sách, nghe nhạc. Như các bạn đã biết, tôi cũng có được một số sách vở với nhiều chủ đề, về ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo, du lịch, sách nghiên cứu về văn hóa dân gian (như về đình chùa, ca trù, vọng cổ, hát chèo, hát bội, cải lương, hầu đồng...), về văn học Việt Nam, các nước, về nhiếp ảnh, hội họa, những sách về kiến thức phổ thông, bách khoa, khá nhiều từ điển các loại... Những sách này tôi nghĩ đủ để khách đến nhâm nhi ly cà phê tham khảo.

Sách thì tôi đã có (và sẽ luôn được bổ sung), décord cho một quán cà phê nho nhỏ (có phong cách độc đáo một chút thì tôi làm được), nhạc phải hay không ồn ào, nhạc của quán có thể theo từng chủ đề, chẳng hạn chủ đề về các loại nhạc cụ, âm nhạc Tây phương (cổ điển, dân gian, hiện đại), nhạc Việt cũng thế, sẽ có những chủ đề về những tác giả, tác phẩm xưa nay của họ, về ca trù, chầu văn, hát chèo, quan họ... cũng như những chủ đề về vọng cổ, cải lương, hát bội, hay về âm nhạc Phật giáo, Thánh ca... cùng những sách tìm hiểu về những loại hình âm nhạc này.

Điều quan trọng là quán sẽ không đặt nặng chuyện kinh doanh, miễn làm sao thu đủ bù chi, đủ sở hụi là được (muốn làm được điều này, trước hết mặt bằng phải là của mình không phải đi thuê, ở Saigon tiền thuê mặt bằng rất đắt, nhiều khi lời lãi không đủ trả tiền thuê mặt bằng). Khách ghé phải là khách chọn lọc, là những người yêu sách thực sự, có nhu cầu tra cứu tìm hiểu. Hoặc khách đến là để nghe một chủ đề nhạc, hay trò chuyện trao đổi nho nhỏ với nhau đủ nghe, không ảnh hưởng đến người khác. Quán cũng có góc để các bạn nào có một tài nhỏ nào đó, như làm những món thủ công dễ thương, thỉnh thoảng đến thoải mái ngồi làm (như kết mấy cái vòng đeo tay...), và có thể bán ngay sản phẩm của mình nếu có ai thích.

Và một điều quan trọng nữa là cà phê, thức uống phải ngon, pha chế chất lượng, an toàn thực phẩm phải đứng hàng đầu, giá rẻ (điều này có vẻ nghịch lý, nhưng hoàn toàn có thể làm được). Tôi cũng sẽ có một góc nhỏ dành cho bạn bè, thân hữu thỉnh thoảng ghé hàn huyên. Nói chung, cái tiêu chí của quán cà phê này sẽ là "Thoải mái, nhẹ nhàng, kiến thức, và thân thiện".

Ước mơ và ý tưởng là vậy, chẳng có gì to tát, nhưng nay đã về hưu mấy năm, đến phần thực hiện thì có lẽ phần không có duyên kinh doanh, duyên làm chủ, hay trời vẫn chưa chiều lòng người, hì hì!


* Chủ sự, một chức vụ, một ngạch công chức thời trước, là người đứng đầu một bộ phận trong một nha, sở. Trưởng Ty.







Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Café sáng.

Sách về kiến trúc trong thư viện mini 303 Library. Ảnh Internet.

Buổi sáng tôi thường pha cho mình một phin café đen, trong khi nhâm nhi tôi cũng thường vào mạng, lướt qua một vài thông tin, và tai thì nghe... tivi, chương trình Café sáng của VTV hay Sáng phương Nam của HTV. Sáng nay trong Café sáng trên VTV có nói về một tin mà tôi chú ý. Ở Hà Nội có một thư viện "bỏ túi" của một kiến trúc sư trẻ*, trong một căn hộ tuốt trên tầng 3 của một chung cư, phục vụ cho mọi người. Nói tới sách là tôi chú ý... tút suỵt**.

Như đã nói, đây là một thư viện mini có tên là 303 Library (Thư viện 303), chủ nhân là một KTS trẻ thế hệ 8X. Là KTS nên đa số sách trong số trên 1000 quyển sách, là sách về kiến trúc, xây dựng, quy hoạch... mà phần lớn là tiếng nước ngoài, ngoài ra còn có những sách liên quan như về điêu khắc, hội họa... Với một niềm say mê kiến thức, niềm đam mê sưu tầm sách vở, những sách này anh bạn KTS trẻ đã tiêu pha dè sẻn, tích cóp tiền bạc mua được trên 10 năm nay, 

Đây đúng là một thư viện bỏ túi với diện tích vỏn vẹn chỉ có 30 mét vuông, mở cửa theo giờ hành chánh. Đối tượng phục vụ của thư viện là mọi người, nhưng đa số các bạn sinh viên trẻ đang theo học kiến trúc, xây dựng đến đọc để mở rộng kiến thức, hoặc tìm tài liệu học tập, vì sách chuyên ngành kiến trúc, xây dựng, điêu khắc, hội họa... rất đắt và khó kiếm. Sách của thư viện có thể mượn đọc tại chỗ với bàn ghế ngồi khang trang, hoặc cho mượn mang về đối với những quyển sách không quá quý hiếm. Điều đặc biệt đáng tuyên dương anh bạn KTS trẻ này, là việc đến đọc sách rất dễ dàng, hoàn toàn miễn phí. Ngoài việc đọc sách, thư viện cũng tổ chức những buổi gặp gỡ nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm trong ngành kiến trúc...

Tôi thử tìm trên mạng, thấy có bài viết trên báo về anh chàng KTS trẻ này. Thông tin cho biết, anh bạn trẻ chủ nhân của thư viện mini này đã nhận được những lời đề nghị phát triển hệ thống thư viện hữu ích này tại Đà Nẵng, Sài Gòn. Khi được hỏi tại sao lại làm việc này? Anh bạn KTS trẻ cười cho biết, bởi anh nghĩ càng chia sẻ càng nhận lại được nhiều. Vâng, một suy nghĩ đơn giản nhưng không phải ai cũng nhận ra, nhất là trong thời buổi này, những gì được cho đi không bao giờ mất...

Những thông tin trong buổi café sáng hôm nay thật thú vị, và việc làm của anh bạn KTS trẻ ở Hà Nội thật ý nghĩa, khi chúng ta đang sống trong một xã hội bát nháo như hiện tại. Thật không dễ gì có được một bạn trẻ như thế trong cộng đồng. Nếu ta có thể phát triển được một hệ thống thư viện mini hữu ích này ở mỗi thành phố thì hay biết mấy. Mỗi thư viện nhỏ không cần đến diện tích lớn, quản lý phức tạp, tốn kém. Thư viện sẽ tập trung sách của một chuyên ngành, chẳng hạn thư viện này chuyên về sách kiến trúc, xây dựng..., thư viện kia chuyên về sách công nghệ, thư viên khác chuyên về sách Kinh tế, Y học,  Pháp luật, Lịch sử, Ngôn ngữ, Văn học... Muốn tìm hiểu lãnh vực nào, ta chỉ cần đến ngay thư viện ấy.

Người có sách, người đọc sách... ở xứ ta không thiếu, nhưng để có được một xã hội tử tế và hợp lý, Ngoài cái giỏi về quản lý của các cấp có thẩm quyền, thì lại rất cần những người có tầm, có tâm như anh bạn KTS trẻ bên trên. Tự nhiên viết đến đây tôi lại chợt nhớ tới những dự án tượng đài mấy trăm, mấy ngàn tỉ, hoặc những dự án cải cách giáo dục xưa nay, tốn kém biết bao nhiêu tiền của mà vẫn không mang lại hiệu quả, thậm chí chỉ toàn thấy những chê cười, mà lùng bùng hết cả đầu óc.

Biết sao được...


Ghi chú:

* Anh bạn KTS trẻ này tên Nguyễn Công Hiệp, sinh năm 1986, sang năm 2016 mới tròn 30 tuổi. Để duy trì thư viện (miễn phí), vì còn phải làm việc chuyên môn kiếm sống, chủ nhân thư viện nhờ vài người bạn quản lý giúp, và thực hiện việc quản lý trên vi tính, giao dịch trên mạng xã hội Facebook.

** Tút suỵt, từ này không tìm thấy trong từ điển, bây giờ không thấy ai nói. Trước năm 1975 ở Sài Gòn các bạn trẻ hay dùng, có nghĩa là "ngay lập tức", chẳng hạn như khi nói "Tao sẽ làm ngay tút suỵt". Không rõ nguồn gốc của từ.








Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

"Xá" hay "xóa"?


Ông bạn Nguyễn Hoàng Quý (Hồng Ngọc), có gởi Email cho tôi hỏi thế này:

Bác Hiệp ơi,

Nhờ bác trả lời giúp HQ là khi đi lễ nhà thờ HQ thường nghe câu: "Lạy Chúa, đấng xá tội trần gian, xin thương xót chúng con!", câu này đúng hay chữ "xóa tội" mới đúng? Sở dĩ vậy vì có thể "xá" là biến âm của "xóa", ở vùng ngoài, một số nơi phát âm tùy tiện (đêm khuya thành đêm phia), cũng có thể "xá" là do chữ "ân xá". Bác giúp nhé.

Bác Hoàng Quý thân mến,

Thỉnh thoảng đến nhà thờ dự lễ, tôi cũng thường nghe câu cầu nguyện trên. Đúng là "xá tội" đó bác Quý, "Xá tội trần gian" là những từ Hán-Việt, trong đó 2 từ "xá tội"   có nghĩa:

- xá   có nghĩa là tha, tha thứ.

- tội   có nghĩa là lỗi lầm.

Xá tội, không phải ông bạn Hoàng Quý đến nhà thờ Thiên Chúa giáo mới nghe thấy từ này, mà bên Phật giáo ngày rằm tháng bảy cũng có lễ "Vu lan xá tội vong nhân". Ở ngoài xã hội ta cũng hay nghe nói "ân xá", "đại xá", "đặc xá".

Như vậy "Đấng xá tội" là "Đấng (có quyền năng) tha thứ  cho những lỗi lầm", còn "xóa" là từ tiếng Việt, hiểu nôm na là "làm cho mất dấu vết, làm cho sạch" (như xóa bảng). Nếu xét về ý nghĩa riêng từng từ "xá" và "xóa", ta thấy hai từ có ý nghĩa khác nhau, nhưng nếu ghép thành "xá tội" và "xóa tội", thì như bác Quý viết bên trên, "Đấng xóa tội" là (Đấng có quyền năng xóa đi những lỗi lầm), có ý nghĩa tương đương như "Đấng xá tội" (Đấng có quyền năng tha thứ cho những lỗi lầm). Ta có thể hiểu chữ "xóa" ở đây với nghĩa rộng tương đương với từ "tha thứ". Hoặc như chữ "xí xóa", cũng có nghĩa là "bỏ qua", "tha cho", chẳng hạn như khi người lớn nói với trẻ nhỏ khi nó phạm lỗi: "lần này thì bố xí xóa cho" (lần này thì bố bỏ qua, tha cho).

Nhưng như ta thấy, người ta ít dùng từ "xóa tội" (một từ Nôm đi đôi với một từ Hán-Việt), mà sử dụng chữ "xá tội" (hai từ Hán-Việt đi với nhau).

Như thế ta thấy chữ "xá" không phải là biến âm của chữ "xóa" do cách phát âm, như bác Hoàng Quý đã nêu trong câu hỏi. Viết đến đây tôi lại phân vân nếu bác Quý hay bạn nào đặt câu hỏi ngược lại "Vậy chữ "xóa" tiếng Việt có phải là biến âm từ chữ "xá" Hán - Việt hay không?".

Đến đây thì tôi... tắc tị, hì hì!


P/s: Tôi xin kể thêm ra đây một chuyện khá vui cũng liên quan đến từ ngữ. Một lần ghé nhà ông cụ tôi chơi vào buổi tối cuối tuần, hôm ấy ở nhà có một nhóm giáo hữu đến đọc kinh cầu nguyện. Thế là tôi tham gia luôn. Người ta phát cho mỗi người một quyển sách nhỏ tự in ấn, trong đó có những bài kinh cầu, những bài thánh ca... để đọc trong buổi cầu nguyện.

Trong một bài kinh đọc hôm ấy có một câu tôi còn nhớ rõ, quyển sách nhỏ chép là "sinh lý tử quy". Thực ra viết đúng phải là "sinh ký tử quy" (sống gởi thác về).

Sau buổi đọc kinh cầu nguyện thì người ta thu lại những quyển sách ấy. Tôi nói với người đi thu sách điều này, cô ấy hỏi lại tôi có chắc thế không? Tôi nói chắc chắn và giải thích, cô ấy nói để nói lại với những người có quyền, chứ cô ấy không dám tự sửa.

 
Bổ sung: Nhà thờ Tân Hòa ở Sài Gòn có kiến trúc Á đông, trên cao có những chữ Nho, chữ to trên cao nhất đọc âm Hán - Việt là THIÊN CHỦ   , đọc theo âm Nôm là THIÊN CHÚA.    

Nhà thờ Tân Hòa - Sài Gòn. Ảnh Internet.






Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

Hay chữ.


Thỉnh thoảng trong cuộc sống ta có nghe ai nói, hay đọc được ở đâu đó thành ngữ "Ra ngõ gặp gái", đây là một thành ngữ, đại khái là khi đi đâu, nhất là khi đi giải quyết công việc gì đó mà khi ra ngõ gặp gái (nói chung là đàn bà con gái), thì có thể công việc gặp trắc trở, xui xẻo, không hanh thông, chắc ai cũng hiểu nghĩa, chẳng cần phải tra từ điển làm gì. Dĩ nhiên thành ngữ thì đã có từ lâu, đời tám hoánh nào rồi, có thể ở cái thời con người chưa hiện đại, và nhà cửa còn thưa thớt, chứ ngày nay thời đại văn minh, với cảnh "phố phường chật hẹp người đông đúc" như thế này (ở xóm lao động hay chung cư chẳng hạn), ra khỏi nhà mà không gặp gái thì là chuyện lạ. Mà bây giờ ra ngõ, ra khỏi nhà có gặp ai đi nữa, cũng chẳng có ai hơi đâu mà  thắc mắc làm gì?

Tôi nhắc đến thành ngữ này bởi sáng nay nghe loáng thoáng trên tivi có nói tới. Tôi chỉ được nghe đoạn cuối câu chuyện nhưng có thể hình dung ra được toàn bộ câu chuyện. Đại khái chuyện như sau:

Có một anh học trò ngày xưa đi thi, hôm lều chõng khăn gói đi  thi anh ta ra đến đầu ngõ thì gặp ngay một người con gái, thế là anh học trò quay trở lại lẩm bẩm: "đi thi mà mới ra ngõ đã gặp gái xui thật". Cô gái nghe được bèn kêu anh ta quay trở lại nói: "này anh là học trò đi thi, không biết học hành chữ nghĩa đến đâu mà xem ra không biết gì hết, gặp gái, gái ở đây là con gái, tức là chữ nữ (), mà anh là học trò, là con trai, con trai là chữ tử (), chữ nữ  () mà gặp chữ tử () sẽ là chữ hảo (), anh là học trò mà không biết chữ hảo () có nghĩa là tốt đẹp hay sao?". Anh học trò nghe thấy có lý quá, bèn cám ơn cô gái rồi đi tiếp. Quả nhiên khoa thi năm đó anh ta đỗ trạng nguyên.

Câu chuyện đến đây là hết, không thấy trên tivi có nói sau đó khi quay về làng anh ta có đi tìm lại cô gái kia không? Nhưng qua chuyện này, ta thấy cô gái quê kia đã biết chiết tự chữ Hán rành rẽ, và cũng rất thông minh khi lý giải cho anh chàng học trò một cách thuyết phục như thế.

Quả là một cô gái hay chữ.





Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

Chữ nghĩa thời sơ khai.


Bó = vó, Bó ngựa = Vó ngựa trong tự điển Việt-Bồ-La in năm 1651.

Tlai = Trai, Tlái = Trái trong bản dịch của Tự điển Việt-Bồ-La do Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính phiên dịch, NXB KHXH-1991.

Trong lịch sử mấy ngàn năm, nước ta đã dùng ba loại chữ viết chính để ghi chép, sáng tác thơ văn, thứ nhất là chữ Hán mà ông cha ta gọi là chữ Nho, chữ thánh hiền, nhưng đọc theo âm Hán-Việt. Kế đến là chữ Nôm, chữ do người Việt sáng tạo dựa trên căn bản là chữ Hán có sẵn, để diễn tả âm và nghĩa của tiếng Việt. Chữ Nôm dựa trên căn bản của chữ Hán, cho nên thoạt nhìn chữ Nôm giống như chữ Hán, nhưng đã được những người tạo ra để đọc theo âm của người Việt. Học chữ Nôm có điều khá rắc rối là phải giỏi chữ Hán (mà muốn giỏi chữ Hán phải chuyên cần học cỡ mười năm), rồi tùy theo từng vùng, từng miền miền mà chữ Nôm biến đổi, có những cách viết và đọc khác nhau, khiến một tác phẩm nổi tiếng như truyện Kiều đã được chép thành nhiều dị bản (ngoài chuyện "tam sao thất bản", hoặc cố ý san định của người chép), tuy nội dung truyện vẫn thống nhất, nhưng có nhiều chữ trong truyện Kiều được ghi chép khác nhau, hoặc đọc khác, cho nên có nhiều câu thơ được hiểu khác nhau.


Một thứ chữ rất quan trọng nữa là chữ quốc ngữ* (ta quen gọi như thế, thực ra từ "quốc ngữ" đã có nghĩa là "chữ của nước") mà chúng ta đang sử dụng hiện nay. Chữ quốc ngữ ta đang dùng đã đạt đến mức hoàn thiện, ta không phủ nhận là do công của những giáo sĩ truyền giáo Tây phương, suốt trong một thời gian dài mấy trăm năm, mà công đầu có lẽ thuộc về Alexandre de Rhodes (1591 (1593?) - 1660) một giáo sĩ Pháp thuộc Dòng Tên, người đã soạn và cho in tại Roma quyển tự điển mà ta quen gọi là tự điển Việt-Bồ-La, và sách Phép giảng tám ngày vào năm 1651, đó là những quyển sách bằng chữ quốc ngữ đầu tiên, đánh dấu sự hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ trong giai đoạn đầu.

Chữ "Bòi" trong Tự điển Việt- Bồ-La (1651).

Chữ "Bòi" trong bản dịch tự điển Việt-Bồ-La.

Chữ "Uòi" trong bản dịch Việt-Bồ-La có nghĩa là vòi của con vật.

Sự hình thành của chữ quốc ngữ bắt đầu từ cái mốc này (1651), nhưng chữ quốc ngữ chắc chắn đã có trước đó, căn cứ trên sử sách thì có lẽ chữ quốc ngữ đã được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Dĩ nhiên mục đích của những nhà truyền giáo Tây phương khi sáng chế ra chữ quốc ngữ là để truyền đạo Da Tô (tên ngày xưa gọi đạo Thiên chúa). Nhưng tại sao các giáo sĩ Tây phương lại phải "nhiêu khê" tìm ra một loại chữ mới để truyền đạo, trong khi trước đó nước ta đã có chữ Hán và chữ Nôm?

Như đã nói, cũng có người cho rằng bởi chữ Hán là loại chữ khó học, chữ Nôm lại càng khó học hơn đối với người Tây phương, nhưng đó cũng không phải là những nguyên nhân chính. Nguyên nhân chính, là chữ Hán và chữ Nôm chỉ phổ biến trong những tầng lớp cao trong xã hội thời ấy như quan lại, nho sĩ, những người đã thấm nhuần tinh thần Nho giáo, Phật giáo, trong khi ở những tầng lớp bình dân thấp hơn, người dân lại gần như không biết gì đến hai loại chữ trên, họ không thể đọc và hiểu. Như vậy cách tốt nhất để phổ biến đạo Da Tô đến với đại đa số quần chúng, là cần phải tạo ra một thứ chữ dễ học và dễ nhớ. Đối với các giáo sĩ Tây phương thì không gì bằng dựa trên mẫu tự La Tinh, để chế tác ra thứ chữ dễ học dễ nhớ ấy.

Sách vở cũng cho biết, ở vào cuối thế kỷ XVI tại Nhật Bản các giáo sĩ Tây phương đã chế tác ra chữ Romaji, là thứ chữ Nhật đã được La Tinh hóa, và ở Trung Hoa cũng thế, từ cuối thế kỷ XVI sang đến đầu thế kỷ XVII đã có những quyển sách và tự điển dùng chữ châu Âu để phiên âm Hoa ngữ.

Thuở bình minh của chữ quốc ngữ thời giáo sĩ Alexandre de Rhodes viết khác xa bây giờ. Ta thử xem một đoạn trong Phép giảng tám ngày (1651):

"... ếy cệy mà bây nhêu sự nây ở tlão đức chúa blời, là chúa cả làm nên blời, đết, cũ mọi sự..." (ấy vậy mà bấy nhiêu sự này ở trong đức chúa Trời, là chúa cả làm nên trời, đất, cùng mọi sự...) (Phép giảng ngày thứ hai).

Sau đó vào khoảng năm 1658, trong sách Lịch sử chữ quốc ngữ, cũng còn gọi là "Lịch sử nước Annam" Ben Tô Thiện đã viết:

"Nước Ngô thước hết mớy có Bua tri là Phục Hi. Bua thứ hai là Thần nôõ con cháu Bua Than nôõ sang trị nước Annam, liền sinh ra Bua Kinh dương Bương, thước hết lãi 6ợ là nàng Thần Lão, liền sinh ra Bua Lạc Lão cuân. Lạc Lão cuân trị vì lãi 6ợ tên là Âu Cơ có thai đẻ ra một bao có một trăm trứng nở ra được một trăm con blay" (Nước Ngô trước hết mới có vua trị là Phục Hi. Vua thứ hai là Thần Nông. Con cháu vua Thần Nông sang trị nước Annam, liền sinh ra vua Kinh Dương Vương. Trước hết lấy vợ là nàng Thần Long, liền sinh ra vua Lạc Long Quân, Lạc Long Quân trị vì, lấy vợ tên là Âu Cơ, có thai đẻ ra một bao có một trăm trứng, nở ra đươc một trăm con trai).

Xem xét chữ viết thời ấy, và tự điển Việt-Bồ-La, ta thấy phụ âm "v" xưa đọc là "b", phụ âm "tr", xưa đọc là "bl", hoặc "tl"... như "vua" ngày xưa đọc là "bua", "trời" đọc là "blời", "tlời"... Điều này ngày nay chúng ta còn thấy nơi ngôn ngữ của người Mường, là dân tộc có cùng hệ ngôn ngữ với người Kinh. Người Mường nói "bua quan" thay vì "vua quan", "tlải" = trái, quả, "bóc gẩm" = vóc gấm...

Phụ âm "b" dùng tương đương như "v" ta cũng vẫn còn thấy trong tiếng Việt bây giờ, bái = vái (bái phục, vái phục), buột = vuột (buột miệng, vuột miệng)... Trong Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hanoi-1931) giải thích về từ "Bua" và "Phân bua":

- Bua: Ông vua (tiếng đời xưa): Bua quan (vua với quan).

- Phân bua: Thường nói là "phân vua". Bày tỏ với công chúng làm chứng cho.

Tôi lật trong Việt Nam tự điển thấy một chữ khác, đã được đưa vào ca dao đàng hoàng: "Chồng người đi ngược về xuôi/ Chồng tôi ngồi bếp để buồi ăn tro". Câu này cũng dễ hiểu, đại khái một chị chàng nào đó trong xã hội, chê anh chàng chồng mình cù lần chỉ biết ngồi xó bếp. Cuối câu ca dao có chữ "để buồi ăn tro", "buồi" là tiếng Việt cổ, nói văn hoa là để chỉ "sinh thực khí của đàn ông", chính là biến âm của chữ "bòi" trong Tự điển Việt-Bồ-La ngày xưa.

Trong Tự điển Việt-Bồ-La có chữ "uòi" (chữ "u" đứng đầu) để chỉ cái "vòi", như vòi voi, vòi ruồi, muỗi (vòi của các động vật). Nhưng không thấy chữ "vòi" để chỉ "vòi nước".

Phải chăng chữ "vòi" để chỉ "vòi nước" sau này mới có, và từ chữ "bòi" mà ra?

Lan man chuyện chữ nghĩa nhiều khi thấy cũng hay...


* Thực ra thuật ngữ "chữ quốc ngữ" đã có từ thời Trần, Lê là để chỉ chữ Nôm. Sau này dùng để chỉ loại chữ do các cố đạo sáng tác vào khoảng đầu thế kỷ XVII, và phổ biến đến ngày nay. Chính xác thuật ngữ "chữ quốc ngữ" được xác nhận bởi một nghị định được ký bởi Thống đốc Nam kỳ ngày 6-4-1878, với điều khoản:

1- "Kể từ ngày 1-1-1882, các công văn, nghị định, bản án, lệnh... đều phải viết bằng chữ Quốc ngữ, các văn bản niêm yết công khai cũng phải viết bằng chữ Quốc ngữ".

................


Ghi chú:

Để thấy sự hoàn thiện của chữ quốc ngữ theo thời gian, tôi chép thêm lời rao của bài báo kêu gọi mọi người viết bài gởi về cho Gia Định báo, tờ báo đầu tiên ở Nam Kỳ (và của cả nước) thời Trương Vĩnh Ký làm Tổng tài (có lẽ như Tổng Biên tập bây giờ): Số 21, ra ngày 1-7-1870.

- "Ăn cướp, ăn trộm
Bệnh hoạn, tai nạn
Sự rủi ro, hùm tha, sấu bắt
Cháy chợ, cháy nhà, mùa màng thế nào.
Tại sở nghề nào thạnh hơn vân vân.

Nói tắt một lời là những chuyện mới lạ đem vô nhựt trình cho người ta biết. Viết rồi thì phải đề mà gửi về cho GIA ĐỊNH BÁO Chánh tổng tài ở Chợ Quán.

Và một bài báo trong Gia Định số 8, năm thứ sáu, 8-3-1870:

- "Có một người tên là Thiện, nhà ở gần chợ Hốc Môn. Tối 12 tháng giêng này người ấy xuống ghe mà ngủ, còn vợ con thì để ngủ ở nhà. Vừa đặng một hồi kế lửa phát lên, thím Thiện chạy ra la, làng xóm chạy đến, khuân đồ giùm đặng phân nửa, rồi nhà cháy trùm đi. Chú Thiện có tật điếc, vợ kêu, la làng tróc trôn lòi đít, làng xóm khuân đồ tở mở, lửa cháy đùng đùng, mà cho lọt vào tai va thì nhà cửa, tài vật đã ra tro rồi...".

Chữ quốc ngữ thời đó (1870) về dấu, từ ngữ... đã hoàn chỉnh, cách hành văn vào thời đó như thế là ngon lành, giọng văn đậm chất Nam bộ xưa, nhưng so với ngày nay thì khá luộm thuộm và buồn cười, văn viết mà y như văn nói.


Tham khảo:

- Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ, Hoàng Xuân Việt, NXB Văn hóa Thông tin-2007.

- Những bước đầu của Báo chí, Truyện ngắn, Tiểu thuyết & Thơ mới, Bùi Đức Tịnh, NXB Tp. HCM-2004.

- Cửa sổ tri thức (tập 2), PGS. TS. Lê Trung Hoa, NXB Trẻ-2007.

- Các sách có ghi trong bài viết.










Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

Lại nói chuyện "lòi tói".


Hì hì, tôi quay trở lại với từ "lòi tói", lần này là từ "lòi tói" trong bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương. Tôi chép lại bài thơ dưới đây:

Dắt díu nhau lên tới cửa chiền,
Cũng đòi học nói, nói không nên.
Ai về nhắn bảo phường lòi tói,
Muốn sống đem vôi quét trả đền.

Bài thơ này tôi ít tìm thấy trong những quyển sách viết về thơ Hồ Xuân Hương, và trong quyển sách mà tôi tìm thấy bài thơ cũng không thấy ghi tựa của bài tbơ. Chỉ thấy sách viết đại khái là nhân một buổi đi thăm cảnh chùa, Hồ Xuân Hương thấy trên vách tường nhà chùa, ai đó đã viết một bài thơ (ngày đó là thơ chữ Hán, chữ Nôm), ý thơ thì non kém, chữ viết thì nguệch ngoạc. Tức cảnh sinh tình nhà thơ đã làm bài thơ trên để tỏ ý chê bai kẻ đã đề thơ.

Hai câu đầu bài thơ của Hồ Xuân Hương, cho ta thấy là bà đã chê (bài thơ) của kẻ nào đó (viết lên tường của nhà chùa), "cũng đòi học nói, nói không nên". Câu thứ ba và thứ tư, bà muốn nhắn bảo cho ai đó mà bà gọi là "phường lòi tói", muốn sống phải đem vôi đến quét xóa đi những câu thơ dở kia, trả lại bức tường cho nhà chùa.

Qua ý nghĩa của bài thơ thì ta thấy rõ Hồ Xuân Hương đã dùng chữ "phường lòi tói", để chỉ những kẻ dốt chữ đã làm bài thơ dở đề trên vách chùa kia. Trong 2 bài viết "Lòi tói" trước, tôi đã trích dẫn những quyển từ điển tiếng Việt ngày xưa xuất bản ở cả 2 miền Nam, Bắc, kể cả quyển từ điển rất xưa xuất bản năm 1651 tại Roma của giáo sỹ Đắc Lộ, chỉ thấy ghi nghĩa của chữ "lòi tói" là "sợi dây xích sắt", hoặc là "sợi dây thừng, dây chão lớn để buộc ghe thuyền", chứ không thấy sách nào giải nghĩa "lòi tói" là "ngu dốt", hoặc "người ngu dốt mà muốn tỏ ra hay chữ". Nhưng vài quyển từ điển mới xuất bản gần đây đã đưa thêm nghĩa này vào (chẳng hạn từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý chủ biên, hoặc của Nguyễn Lân), từ điển tiếng Việt Wiktionary trên mạng cũng ghi thêm nghĩa như thế, với ghi chú thêm 2 câu thơ thứ ba và thứ tư của Hồ Xuân Hương.

Tôi đã thử lục tìm trong khá nhiều tự điển, sách vở mình có mà không tìm ra tông tích từ "lòi tói" với nghĩa "ngu dốt".  Mới đây tình cờ lướt web đọc đươc bài thơ trên của Hồ Xuân Hương, với chú thích về chữ "lòi tói" trong "phường lòi tói", như sau:

- "Do thành ngữ "thảo lòi tói", nghĩa là viết chữ Hán theo lối thảo nguệch ngoạc, lằng nhằng chẳng ra sao, đây muốn chỉ người học trò dốt nát, học hành kém cỏi, viết chữ xấu, nguệch ngoạc như gà bới".

Với giải thích về từ "lòi tói" trong bài thơ của Hồ Xuân Hương hiểu theo giải thích như trên, ta thấy "phường lòi tói" mang ý nghĩa là chê chữ viết của ai đó trên vách tường của nhà chùa là nguệch ngoạc, khó coi. Chứng tỏ đấy là kẻ dốt chữ.

Như thế từ "lòi tói" từ nghĩa ban đầu là để chỉ sợi xích sắt, hoặc sợi dây thừng dây chão, đã được người đời "hình tượng hóa" sang chữ viết (chữ Hán hoặc chữ Nôm), với ý nghĩa viết chữ nguệch ngoạc, lằng nhằng (tựa như sợi lòi tói), chứng tỏ là kẻ dốt nát, và nhà tbơ Hồ Xuân Hương trong bài thơ ghi trên đã chê kẻ viết thơ trên vách chùa là "phường lòi tói", dốt chữ.

Với cách giải thích như trên tôi thấy khá thuyết phục, khi chưa tìm thêm được lời giải thích khác. Như vậy chữ "lòi tói" trong "phường lòi tói" với nghĩa là dốt nát trong bài thơ của Hồ Xuân Hương ghi trên là từ chuyển nghĩa (từ phái sinh), từ chữ "lòi tói" là xích sắt, hoặc sợi dây chão, dây thừng, như đa số từ điển xưa nay đã giải thích.

Tôi thường hay tra các loại từ điển, nhất là từ điển tiếng Việt qua nhiều thời kỳ in ấn, ở các địa phương, tôi nhận thấy cách giải thích từ ngữ của một vài quyển từ điển tiếng Việt thông dụng in thời gian tương đối gần đây, chẳng hạn như từ điển mạng Wiktionary, hoặc từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý, Nguyễn Lân, thường đưa nghĩa của các từ qua các thời kỳ, dưới hình thức ý nghĩa khác (nghĩa 1, nghĩa 2...), nhưng không ghi rõ nghĩa nào là nghĩa cũ (đã có từ lâu đời hoặc không còn thông dụng, chẳng hạn như chữ lòi tói với nghĩa là ngu dốt), hoặc là phương ngữ, tiếng địa phương như các quyển từ điển khác. điều này khiến người tra từ điển nhiều khi gặp nhiều khó khăn trong tra từ. 

Tôi đưa ra một ví dụ trong quyển Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) là quyển từ điển được dùng nhiều để tra cứu hiện nay, với cách ghi như sau:

- éo le: t. 1. (cũ). Chông chênh, không vững. Cầu tre khấp khểnh, éo le. 2. Có trắc trở, trái với lẽ thường ở đời. Cảnh ngộ éo le. Khối tình éo le.

Với cách ghi như trên, ta có thể thấy từ éo le với nghĩa 1. là chông chênh, không vững, là cách hiểu cũ của ngày trước, ta thấy ngay so với nay là nghĩa 2. thì nghĩa 1. ít, hay không còn được dùng nữa. 

Tôi đưa thêm một từ khác, đó là từ "bao biện", đây là từ xưa với nghĩa như từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) đã giải thích (chỉ với một nghĩa):

- bao biện: đg. Làm cả những việc lẽ ra phải để cho người khác làm, đi đến làm không xuể, không tốt.

Chữ "bao" ở đây có nghĩa là "bao đồng", và chữ "biện" có nghĩa là "công việc" (từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên), chứ không phải là "biện hộ". Trong sách Phép giảng tám ngày viết:

Hỏi: Khi giáo hữu thường, như trùm, biện, hay là mụ bà, phải làm phép rửa tội mà hãy còn mắc tội trọng, thì phải lo liệu làm sao?

Trong câu hỏi trên ta thấy có những danh từ chỉ những chức danh trong sinh hoạt của người Thiên chúa giáo ngày trước, như "trùm", từ còn dùng đến bây giờ, ở mỗi giáo xứ thường có một người đứng tuổi đứng ra cáng đáng "chuyện hằng xứ", thay mặt giáo dân để làm gạch nối giữa nhà thờ và giáo dân. Phải chăng từ chữ "trùm" này mà xã hội có từ "trùm" để chỉ kẻ đứng đầu, như khi nói "hắn ta là trùm xã hội đen"?

"Biện" trong Phép giảng tám ngày cũng thế, là người tự nguyện đứng ra làm việc cho nhà xứ, cho giáo xứ mà không có công xá gì hết, thường được gọi là người "làm việc tông đồ", dân gian gọi nôm na là "ăn cơm nhà vác tù và hàng Tổng". Mấy năm trước tôi gặp lại một anh bạn thời còn trong quân đội trước 1975, sau năm 1975 tôi ở Sài Gòn còn anh bạn ở quê nhà Kontum trong một xã đạo. Khi tôi hỏi thăm về một bạn khác cùng quê, ông bạn tôi nói về người kia "giờ nó làm biện ở nhà thờ", tức là người bạn kia đang "làm việc tông đồ" cho giáo xứ.

Còn "mụ bà" hay còn được gọi là "cô mụ, bà mụ" là từ ngày xưa để gọi những người nữ đi tu mà sau này gọi là "bà phuớc, dì phước", hoặc tân tiến theo tiếng Tây là "sơ" (soeur ), mà ta thường gọi là "ma sơ" (ma soeur). Bà mụ này khác với "bà mụ" ở ngoài đời để chỉ người đỡ đẻ ngày xưa, hoặc "mụ, mụ bà" trong tâm linh. Đứa trẻ lững chững biết đi bị ngã, người lớn hay nói "mụ bà đỡ".

Ít năm trở lại đây tôi thấy trong xã hội người ta ít còn dùng từ "bao biện" với nghĩa như Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê đã giải thích, mà dùng với nghĩa là tìm đủ mọi lý lẽ để chống chế cho lỗi lầm đã phạm khi bị phát hiện. Từ "bao biện" với nghĩa này rõ ràng đã khác với nghĩa cũ của nó. Tôi nghĩ sau này đã dùng sai, có lẽ người ta đã hiểu từ "biện" với nghĩa thông dụng là "biện hộ, biện bạch" chứ không phải nghĩa là "công việc", rồi dùng sai miết thành quen, thành ra một từ với nghĩa mới. 

Có một điều khá lý thú, là quyển Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, một quyển từ điển sau này nhiều người phát hiện nhiều sai sót trong việc giải thích từ ngữ, cũng chỉ ghi nhận nghĩa của từ "bao biện" là ôm đồm cả công việc của người khác.

Tôi tra từ điển tiếng Việt trên mạng, và Từ điển tiếng Việt thông dụng của Nguyễn Như Ý (NXB Giáo Dục-1996), thấy ghi từ "bao biện" gồm 2 nghĩa như sau:

Bao biện: đgt. 1. Làm thay sang cả việc vốn thuộc phận sự người khác. 2. Chống chế lại với đủ lý lẽ, nguyên cớ, làm cho người khác khó bác bỏ hoặc kết tội.

Tùy thời điểm mà đưa thêm nghĩa mới của từ ngữ vào từ điển là cần thiết, nhưng hai nghĩa ghi trên không ghi nghĩa nào là nghĩa cũ. Tôi nghĩ cách viết từ điển (sơ sài) không rõ ràng như thế có một nhược điểm như đã nêu, là khiến người tra từ điển không phân biệt được đâu là nghĩa cũ, đâu là nghĩa mới phái sinh. Đó chính là lý do mà nhiều khi tra nghĩa của một từ, tôi đã phải giở khá nhiều quyển từ điển.

Vài điều suy nghĩ về một từ ngữ.









Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Ma xó Sài Gòn.

Lễ cúng cầu an của người Mường. Ảnh Internet.

Trong bài viết Đồng dao trước, anh bạn Toro ở Hà Nội vào comment nói tôi đúng là "Ma xó Sài Gòn", bạn Nhật Thành vào tiếp đồng ý cái rụp. Kể ra được làm (hay làm được) ma xó cũng hay. Tôi mới có thêm một người bạn mới trên blog, do ông bạn Lão Tân giới thiệu, đó là bạn có biệt danh là "Ma xó cận", bạn này theo lý lịch khai báo cho lão Gu gồ là ở Cần Thơ chứ không phải Sài Gòn, vậy thì không sợ đụng hàng.

Hồi nhỏ tôi cũng đã nghe kể nhiều về chuyện ma xó, đại khái ma xó thường gặp trong những buôn làng của người Thượng miền ngược, trong nhà có người mất họ không đem chôn mà dựng ở xó nhà đến khô queo và trở thành ma xó giữ nhà. Quả là nghe rất ấn tượng, con ma xó này biết phân biệt người thân trong nhà và người lạ, chuyện kể có người khách lạ lỡ đường ghé nhà, khát nước muốn xin miếng nước uống. Ngó quanh quẩn không thấy ai, thấy đầu nhà có ống nứa đựng nước mưa, bèn múc uống, uống một hớp nghe trong nhà có tiếng đếm một, uống thêm hớp nữa có tiếng đếm hai, lấy làm lạ nhìn vào nhà rõ là vẫn không thấy ai. Vừa lúc ấy thì chủ nhà đi rẫy về tới, người khách đem câu chuyện uống nước vừa rồi kể cho chủ nhà. Chủ nhà nói chết rồi đấy là con ma xó trong nhà đếm đấy, nó là thần giữ của trong nhà, ai xâm phạm nó sễ hại. Bây giờ tôi phải thay quần áo của ông để cứu ông. Người khách vội làm theo chủ nhà, sau khi thay đổi quần áo xong chủ nhà tiến lại ống nước ở đầu nhà múc nước uống. Trong nhà lại có tiếng đếm tiếp, lúc này chủ nhà mới lên tiếng tao đây mà có gì mà đếm. Thế là người khách kia mới thoát nạn.

Chuyện kể về ma xó là như thế. Tôi thử tra trong hai quyển tự điển tiếng Việt xưa nhất là Đai Nam quấc âm tự vị và Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, thì thấy Đại Nam quấc âm tự vị không có từ ma xó, còn Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức ghi nhận:

Ma xó: thứ ma của người Mường thờ ở xó nhà.

Vậy là gốc gác của con ma xó là ở miền rừng núi chứ không phải ở miền xuôi. Như ta đã thấy ma xó là con ma ở xó nhà, xó xỉnh, cái gì nó cũng biết. Thực ra sống quá nửa đời người ở đất Sài Gòn tôi cũng còn biết quá ít về mảnh đất này, những gì mình biết được phần nhỏ là nhờ tiếp xúc thực tế, phần lớn là nhờ sách  vở, mà thực tế và sách vở thì quá mênh mông, ai dám tự hào là mình biết được chỉ một phần nhỏ thực tế và sách vở? Chứ chưa nói đến là biết hết.

Muốn làm con ma xó Sài Gòn không chỉ biết Sài Gòn bây giờ, Sài Gòn của năm bảy mươi năm về trước được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông" (La perle de l'Extrême Orient), mà phải biết cả Sài Gòn thời còn là rừng rậm hoang vu chưa có mấy người Việt ở. Sài Gòn lúc còn thuộc người Chân Lạp.

Vị trí địa lý của Sài Gòn nói lên cái quan trọng của nó, thời Chân Lạp Phó vương của họ là Nặc Ông Nộn đã đóng đô ở đó, còn Chánh vương của họ thì trấn trên Nam Vang. Đến thời của người Việt, Sài Gòn xưa nay được coi là cửa ngõ của miền Nam, của "Nam kỳ Lục Tỉnh". Muốn làm chủ Nam kỳ trước hết người Pháp phải làm chủ được Sài Gòn, và họ đã đánh chiếm Sài Gòn trước. Cũng không phải ngẫu nhiên mà trước khi chọn Huế làm kinh đô, thì năm 1780 Nguyễn Ánh đã xưng vương tại đây, tiếp đó đến năm 1790 Nguyễn Ánh đặt đất Gia Định là "Gia Định kinh", đặt Thái Miếu ở đất Sài Gòn, và Gia Định kinh đã tồn tại hơn mười năm trong lịch sử của nhả Nguyễn, từ năm 1790 đến năm 1802.

Ta cũng đã biết, chỉ hơn một trăm năm trước, hai con đường lớn nằm ngay trung tâm thành phố Sài Gòn là Nguyễn Huệ và Hàm Nghi, không phải ngựa xe đi lại, mà là thuyền bè tấp nập ngược xuôi. Sách xưa Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức chép "Chợ phố Bến Thành, nhà cửa trù mật, theo ven sông họp chợ. Ở đầu bến, lệ cứ tháng đầu xuân ngày tế Mã, thì diễn duyệt thủy binh, bên có đò ngang tiếp chở khách ngoại quốc lên bờ. Đầu bắc có ngòi Sa Ngư bắc cầu ván qua ngòi, hai bên bờ có phố ngói bách hóa tụ họp. Ven sông thì thuyền buôn lớn nhỏ đi lại nườm nượp". Hai con đường này ngày trước là hai con kênh trên bến dưới thuyền, tấp nập ghe thuyền chuyên chở hàng hóa.

Thời đó, quan Tây quan Ta muốn đi săn thú rừng, chẳng phải đâu xa, chỉ chịu khó đi quá miệt Thủ Đức một chút, vùng Biên Hòa gọi là Đồng Nai và có địa danh Hố Nai, tương truyền xưa nhiều hươu, nai. Người dân Hóc Môn - Bà Điểm, 18 thôn Vườn Trầu gánh cau trầu đi sớm bán ở Bến Nghé, Sài Gòn phải tập họp lại thành đoàn vài ba chục người, không phải để đề phòng trộm cướp mà là để chống... cọp, trong dân gian còn truyền câu "dữ như cọp vườn trầu"...

Sài Gòn chỉ có mấy trăm năm lịch sử, nhưng thật là ngổn ngang ký ức. Đã lỡ ở đây, cũng ráng làm... con ma xó Sài Gòn vậy.