Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Những điều đơn giản.



Ảnh Internet.

Tôi thấy cuộc sống bây giờ nhiều khi phức tạp quá, phức tạp từ trong cách suy nghĩ của mỗi người. Phức tạp từ nhà ra ngõ, rồi ra đến phố. Nhiều khi chuyện nhỏ, nhỏ lắm, nhưng người ta cứ thích "khống" lên, như rất quan trọng, rồi "rối rít tít mù" lên để mà giải quyết. Hoặc ngược lại, người ta chừng như chẳng suy nghĩ gì cả, nặng về bản năng. Sống giữa cộng đồng nhưng như trong phòng riêng, cử chỉ, lời ăn tiếng nói cứ bạt mạng chẳng cần giữ gìn ý tứ.

Tôi cũng hay nghe, hoăc đọc được những bài viết trên sách báo, dài dòng, về những vấn đề quan trọng của xã hội, nhưng tất cả cứ na ná như nhau. Bây giờ là thời đại của thông tin, nhưng những từ ngữ "đến hẹn lại lên" ấy không chứa đựng bao nhiêu thông tin, nó trống rỗng, mông lung, mơ hồ, nghe xong, đọc xong tai này nó chạy tọt sang tai kia, chẳng còn lại gì... Nếu có thời giờ chúng ta cứ thử giở lại báo chí (báo giấy, báo mạng) mà coi, những câu nói, những vấn đề xã hội của vài ba, hoặc thậm chí năm, mười năm trước, đến hôm nay vẫn y nguyên như thế, chẳng hề thay đổi.

Mấy hôm trước tôi có đọc được một bài viết trong một tạp chí, tôi có chép lại một hai câu ngắn mà người viết đã trích dẫn. Những câu nói rất đơn giản, nhưng tôi nghĩ chỉ những bậc Thánh nhân, vĩ nhân mới có thể nói ra được những minh triết đơn giản như thế. Tôi chép lại dưới đây mấy câu ấy:

"Toàn bị người chê, hay toàn được người khen là điều quá khứ chưa từng có, hiện tại tìm không ra, và vị lai cũng không không dễ gì thấy được". 
Đức Phật - Phẩm Koethavaggo.

"Không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn". 
Đức Đạt Lai lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso.



Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Ký ức Trung thu.



Đèn xếp.

Chỉ còn một vài ngày nữa là đến tết Trung thu (tôi viết bài này khi còn mấy bữa nữa là đến rằm tháng tám). Bánh trung thu... ế chắc đã bán giảm giá từ lâu. Tết Trung thu bây giờ có lẽ đã khá xa lạ với trẻ con, may ra trong những xóm lao động nơi những con hẻm nhỏ mà cửa nhà nào nhà nấy luôn mở nhìn sang nhà đối diện, là còn thấy buổi tối vài đứa trẻ con chơi cái đèn lồng hiện đại bằng nhựa chạy pin nhấp nháy phát ra tiếng nhạc ò e, hoặc những cái đèn lồng bằng giấy kiếng xanh đỏ thắp nến truyền thống, còn nơi những xóm trung lưu trở lên, nhà cửa kín cổng cao tường, may ra đám trẻ còn được mua cho những chiếc đèn lồng, nhưng phải chơi một mình trong nhà. Còn các loại bánh Trung thu như bánh nướng, bánh dẻo, và nhiều thứ bánh khác nữa ê hề ra đấy, nhưng chúng chẳng thèm đụng đến bởi bánh ngọt lừ, lổn nhổn ăn mau ngán. Trẻ con ở thành phố bây giờ có quá nhiều đồ chơi tối tân, và bánh kẹo. Các loại bánh Trung thu ấy chỉ để dành cho người lớn, các cơ quan mua biếu xén lẫn nhau, trả ơn trả nghĩa...

Trong ký ức của tôi, có lẽ cái thời con nít học tiểu học (cỡ cuối thập niên 50, sang đầu thập niên 60 của thế kỷ trước) là thời tôi được hưởng những mùa Trung thu vui nhất. Thời ấy gia đình tôi ở trong một xóm nhỏ dân cư lao động nơi vùng Chợ Lớn, nay thuộc quận 11. Xóm gồm một số gia đình Bắc di cư như gia đình tôi, một số gia đình người miền Nam, một số khác là người gốc Hoa. Nhà nào cũng có vài đứa trẻ con lớn nhỏ, lóc nhóc, tùy từng lứa tuổi, trai gái mà chơi với nhau. Xóm lao động, bình dân, cho nên ít có gia đình giàu có. Gia đình mièn Bắc đa phần làm công chức, tư chức, gíao viên... Người miền Nam làm đủ mọi nghề, chạy xe xích lô máy, nghề tự do, bán tạp hóa... Còn người Hoa thường buôn bán nhỏ như bán hủ tiếu, cà phê, làm các loại bánh mứt...

Một cửa hàng bán lồng đèn Trung thu ở miền Bắc xưa. Ảnh Internet.

Mùa Trung thu nơi xóm lao động nhà nghèo, hiếm có đúa nào được mua cho cái lồng đèn, cho nên đến khoảng đầu tháng 8 âm lịch bọn nhóc tì tụi tôi thường phải tự làm lấy những đồ chơi Trung thu, đi kiếm tre về chẻ ra làm lồng đèn, dễ nhất là lồng đèn ông sao, Tôi thường xin những miếng giấy kiếng gói những hộp bánh quế, bánh cốm... đám cưới để dành phất lồng đèn, một món đồ chơi khác của đám con trai là cái xe đẩy bằng lõi cuộn chỉ, và cái ống lon sữa bò mà tôi đã nói ở entry trước. Tôi cũng nhớ thời ấy ông cụ tôi hay làm cho mấy đúa trẻ trong nhà cái lồng đèn kéo quân. Ông cụ tôi rất khéo tay (dân học Bách Nghệ Hà Nội ngày xưa). Ông cụ tôi lấy tre vót thành những cây nan đều đặn, ghép lại thành khung chiếc đèn kéo quân lục giác, đèn phất bằng giấy mờ chứ không phải bằng giấy bóng kiếng. Bên trong phía trên gắn chiếc chong chóng nằm ngang (cánh quạt) quay bằng hơi nóng của ngọn đèn tròn. Chong chóng có trục bằng tre, ăn với những hình nhân cắt bằng giấy như cô tiên, trẻ con rước đèn, chú lính, con ngựa đang phi... qua một hệ thống khung bằng giây kẽm. Khi bóng đèn được thắp sáng, hơi nóng tỏa ra làm quay chong chóng khiến những hình nhân chuyển động vòng tròn, in hình lên lớp giấy mờ. Chiếc đèn kéo quân này luôn làm anh em tôi mê mẩn, và cũng là niềm tự hào với đám con nít trong xòm.

Mấy buổi tối trước Trung thu hôm nào trời không mưa, bọn trẻ trong xòm thường rủ nhau rước đèn, nhưng vui nhất là tối Trung thu vào đúng rằm tháng tám. Tôi nhớ bài hát phổ biến bấy giờ là bài "Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già, ôm một mối mơ... Mười lăm tháng tám trời cho, một ông trăng sáng thật to...". Trong bài hát cũng có câu "Có con dế mèn, hát trong đêm khuya, hát xẩm không tiền, nên nghèo xác xơ...".

Buổi tối Trung thu thể nào trong nhà tôi cũng có bày cỗ. Mà ngộ, trong xóm có mấy gia đình Bắc kỳ, mấy gia đình người Nam, mấy gia đình người Hoa, thì chỉ có gia đình người Bắc bày cỗ cho đám trẻ. Người Hoa thì bày bàn, mâm cúng trước cửa nhà, nhưng là cúng thánh thần chứ không dành cho trẻ con. Còn mấy gia đình người miền Nam thì chẳng thấy cúng bái cỗ bàn gì cả. Thực ra gọi là bày cỗ chứ cũng chẳng có bao nhiêu. Tôi nhớ ở nhà tôi thường bày một hoặc hai hộp bánh gồm mấy chiếc bánh dẻo, mấy chiếc bánh nướng, thêm một vài thứ bánh khác như rau câu, một ít trái cây gồm ổi, cóc, đậu phọng luộc, quýt, một vài quả bưởi (bà cụ tôi gọi là quả bòng). Các nhà khác cũng thế, nhà nào theo Phật giáo thường có thêm ít chén xôi chè để cúng. Nhưng đặc biệt ở nhà tôi có cái tháp xếp bằng những khúc mía xẻ đôi theo chiều dọc để nguyên vỏ, hình dáng như cái tháp Eiffel do ông cụ tôi làm. Bên trên tháp cắm một ngọn nến nhỏ, loại để thắp đèn Trung thu.

Tiến sĩ giấy. Ảnh Internet.

Trong xóm tôi có một gia đình người Bắc di cư gọi là bà Phủ là giàu có (tới thời tôi có chút trí khôn thì không thấy ông Phủ, không biết ông đã mất lúc nào), sau tôi mới biết "Phủ" là chức tước ngày xưa của ông, cũng như ở bên cạnh nhà tôi bấy giờ có "Ông Giáo", là bởi ông làm nghề dạy học. Gia đình bà Phủ ở ngôi nhà to nhất xóm nơi một ngã ba, có sân vườn rộng, rào bằng dây kẽm gai. Bà Phủ đã khá lớn tuổi, con cái của họ bằng cỡ các cụ nhà tôi, tôi chơi với vài đứa cháu trong nhà. Họ sống khá biệt lập, ít giao tiếp với hàng xóm, hiếm khi nào tôi được mấy đứa cháu dắt vào nhà chơi. Tôi còn nhớ có lần hiếm hoi được vào, thấy trên vách tường treo một cây kiếm dài để trong vỏ, hơi cong, chắc kiếm của ông Phủ ngày xưa, một bàn thờ lớn giữa nhà với nhiều hình ảnh,, và trên tường treo những bức liễn, hoành phi viết chữ Tàu sơn son thếp vàng không có nơi những nhà khác...

Một lần khác vào tối Trung thu, sau khi rước đèn lòng vòng trong xóm, mấy đứa cháu dắt tôi vào nhà. Cỗ bàn của nhà tụi nó bày ngoài hiên to nhất xóm, đèn nến sáng ngời, lồng đèn treo cả lên cành cây, cỗ bàn to gấp cả năm bảy lần mâm cỗ nhà tôi, đủ mọi thứ bánh trái. Điều tôi chú ý là trên mâm cỗ có bày một hình nhân bằng hàng mã gọi là "Ông Tiến sĩ giấy" mà cỗ bàn những nhà khác không có. Thời ấy chỉ nghe người lớn nói thế chứ tôi cũng chẳng hiểu hay thắc mắc bày ông tiến sĩ giấy trên mâm cỗ để làm gì? Lớn lên mới biết hình ảnh ông tiến sĩ giấy bày trong dịp tết Trung thu của trẻ con, là dịp để cha mẹ tỏ lòng mong muốn con cái sau này sẽ đỗ đạt nên danh nên phận với đời. Hoặc giả đối với gia đình này, ông Phủ ngày xưa đã đỗ tiến sĩ, làm quan vinh hiển, nay con cháu bày ông tiến sĩ giấy để nhớ lại dĩ vãng một thời oanh liệt?

Coda:

Ngày xưa người ta cố dùi mài kinh sử chữ nghĩa thánh hiền, thi đậu Tiến sĩ để ra làm quan, hưởng bổng lộc triều đình mong vinh hiển cả đời, cả dòng họ.

Mấy ngày hôm nay tôi theo dõi chuyện bổ nhiệm Giáo sư trong công tác giảng dạy của trường đại học Tôn Đức Thắng, có những ý kiến phản đối và những ý kiến ủng hộ. Có nhiều lý do nhưng đại khái "phe" ủng hộ muốn giáo dục nước ta hội nhập với thế giới (nếu đã hội nhập đừng hội nhập nửa vời kiểu thò ra thụt vào), trả lại từ Giáo sư về với ý nghĩa đích thực của nó. Chức danh Giáo sư giảng dạy, hoặc nghiên cứu khi được bổ nhiệm ở đại học chỉ có giá trị lúc còn giảng dạy, hay làm việc ở đại học, là một chức danh cụ thể, hết giảng dạy, hết làm việc thì không còn là Giáo sư nữa.

Còn "phe" phản đối cho rằng chức danh Giáo sư là được nhà nước (cả một Hội đồng quốc gia) xét duyệt phong tặng, đây mới là Giáo sư chính thống (và chính cống), Hàm Giáo sư này là suốt đời, có ý nghĩa mọi lúc mọi nơi, dù người ta đã chỉ ra rằng 2/3 trong số Giáo sư này làm công việc hành chánh, quản lý như một quan chức, chứ không nghiên cứu hay giảng dạy ngày nào. Người ta nói nếu đại học nào cũng "tự phong Giáo sư" như thế thì sẽ "loạn Giáo sư" (cái chiếu hoa ở giữa đình đã chật rồi, đừng có nhăm nhe nhét thêm người vào nữa),

Ở thời buổi này, thời mà người ta gọi là "Thế giới phẳng", là "Toàn cầu hóa", thế giới rộng lớn chỉ còn như chiếc ao làng, nhưng vẫn có nơi, có những người muốn "độc quyền" luôn cả cái từ Giáo sư. Rất lạ, chắc mọi người còn nhớ mới đây ngành Giáo dục đề nghị gọi lớp trưởng là Chủ tịch, mà không sợ "loạn Chủ tịch". Trong khi người giảng dạy, nghiên cứu ở đại học được gọi là Giáo sư lại sợ "loạn Giáo sư"?

Trưng bày ông Tiến sĩ giấy trong mâm cỗ Trung thu ngày xưa, Mục đích của đại đa số cha mẹ muốn con cái học hành đỗ đạt Tiến sĩ không phải là để có trí thức giúp đời, giúp dân, giúp nước, mà chủ yếu ra làm quan, hưởng bổng lộc, phú quý, vinh hoa. Bởi thế nhà thơ Nguyễn Khuyến (Tam nguyên Yên Đổ) mới có bài thơ Vịnh Tiến sĩ giấy, để bỡn, với hai câu thơ cuối:

Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.

Một vài ký ức nhân dịp ngày rằm tháng tám Trung thu.


Saigon, mùa Trung thu 2015.







Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Từ điển tiếng Nghệ.


Đây là quyển từ điển phương ngữ do NXB Nghệ An ấn hành năm 1997, với đồng tác giả là Trần Hữu Thung - Thái Kim Đỉnh, do các bạn xứ Nghệ Trương Quang Thứ, Lão Tân, và Nhật Thành (cổ vũ) ưu ái gởi tặng, đích thân Lão Tân trong chuyến đáo Saigon đã mang bản photo đến tận nhà. Cái chân đau đến hôm nay đã khá hơn trước, đứng lên ngồi xuống, chống nạng đi lại đã bớt khó khăn, có thời giờ tôi đã mở sách ra xem thử.

Sau mấy ngày đọc (chỉ mới lướt qua chứ chưa đọc kỹ), nhưng tôi cũng có thể nắm được một số vấn đề trong cách giải thích từ ngữ của Từ điển tiếng Nghệ. Trong từ điển ngoài những từ có lẽ chỉ có ở xứ Nghệ, chẳng hạn chộ là nhìn thấy, cươi là sân, đài là cái gàu múc nước ngày xưa kết bằng mo cau, đọi là bát, chén, ga là con gà, nhởi là chơi, sèm là thích... còn có những từ tuy gọi là tiếng Nghệ nhưng tôi cũng tìm thấy trong tiếng Việt cổ mà người gốc Bắc (như tôi) ngày xưa có nghe cha mẹ sử dụng. Cũng có những từ tương tự như trong phương ngữ Nam bộ, hoặc phương ngữ vùng Bình Trị Thiên, rất nhiều từ ngữ tương đồng với phương ngữ Bình Trị Thiên, nhất là về mặt tên gọi, như (chị), Eng (anh), o (cô), mụ (người đàn bà đứng tuổi), bọ (bố, cha), choa (tao, chúng tao),.. có lẽ bởi cùng chung về mặt địa lý trên một giải đất hẹp ở phía Nam Bắc bộ (nhưng thuộc Bắc Trung bộ). Những nhà nghiên cứu về ngôn ngữ cũng nói có nhiều từ ngữ của tiếng Nghệ tương đồng với từ ngữ của người Mường, người Chăm, 

Sơ bộ tôi có thể kể ra một số từ tương đồng với miền Bắc và miền Nam: (chữ nghiêng là nghĩa giải thích chép trong Từ điển tiếng Nghệ, ba chấm phía sau là còn những nghĩa khác).

1/ Miền Bắc: 

- Bẹo:
 động tác dùng tay chân (tại sao có thêm chữ chân?) véo, cấu vào người hoặc vật khác. Thỉnh thoảng ông bạn Salam hay nói "bẹo" người này người kia. Ngày xưa trong gia đình tôi cũng hay nghe nguòi lón dùng từ "bẹo má" đối với trẻ con, từ "bẹo" còn dùng trong trường hợp của đã ít mà còn chia ra làm nhiều, chẳng hạn một cái bánh nhỏ mà phải chia ra năm bảy phần, người lớn hay nói "bẹo ra chẳng đáng".

- Bơ: đơn vị đong - bơ gạo... ngày trước trong gia đình tôi gọi cái lon sữa bò đã hết dùng để đong gạo là "ống bơ" (hình như cứ 4 lon là một ký), ống bơ miền Nam gọi là "lon" (phát âm thành "loong"), trẻ con hay lấy chơi trong trò choi gọi là "tạt loong". Ngày xưa mỗi năm vào dịp rằm tháng tám Trung thu, tụi nhóc tì bọn tôi lại kiếm cái lõi cuộn chỉ đã hết bằng gỗ, lấy cái lon sữa bò bỏ đi, đục lỗ dùng dây thép cứng to bản gắn vào (mền Nam gọi là dây kẽm), liên kết giữa lõi chỉ và lon sữa bò, tra thêm cái que tre nhỏ làm tay cầm, đẩy cái lõi chỉ là bánh xe bên dưới, bên trên cái lon sữa bò quay tít. Trò choi của đám trẻ con ngày xưa là thế.

- Cáu: cáu gắt, cáu bẩn... từ này trước đây trong gia đình cũng dùng với nghĩa như thế.

- Địu: đèo theo, mang theo sau lưng. nguòi miền Bắc nói "địu con", như ta thấy nơi người thiểu số Tây nguyên, hoặc nơi những vùng cao ở mền Bắc địu con phía trước hoặc sau lưng.

- Đượm: dễ cháy, dễ đun. Xưa tôi nghe cha mẹ nói "củi (hoặc than) này cháy đượm lắm", ngoài nghĩa dễ cháy, dễ đun còn hàm ý củi hay than đó cháy tốt, cho nhièu sức nóng hơn các than củi khác.

- Ghè: đập - ghè cho bể vụn. Ghè là đập vật gì đó cho nát nhỏ ra.

- Khuấy: ngoáy - khuấy bùn lên. xưa hay nghe nguòi lớn nói "khuấy cốc sữa", "nhớ khuấy lên không khê hết bên dưới" (nấu chè).

- Ngấu: hủ mục... tôi hay nghe nói "muối dưa, muối cà chưa ngấu", nghĩa là chưa đủ độ "chín tới" để ăn, hoặc "hũ tương làm chưa ngấu".

- Nhoáng: một lúc, một thoáng, nhanh. Người miền Bắc nói làm gi nhanh là "làm nhoáng một cái", tia chớp xảy ra quá nhanh gọi là "chớp nhoáng".

- Thơm: hôn (thơm trẻ em)... Miền Bắc cũng nói "thơm trẻ em", còn trong trường hợp giữa chàng và nàng, đôi khi chàng nói "cho thơm một cái", còn dân Nam bộ thì "cho hung (hun) miếng".

2/ Miền Nam:

- Ba láp: huênh hoang. Người Nam bộ nói là "bá láp", kẻ "tầm sàm bá láp" là kẻ ăn nói linh tinh lang tang, huênh hoang chẳng đâu vào đâu.

- Bà bửa: kẻ thô bạo. Dân Nam bộ nói "thằng ba bứa" để chỉ người lỗ mãng.

- Bàu: đầm nước. Ở miền Nam ta thường thấy từ "bàu", như "Bàu sen", "Bàu sấu".

- Bắp: bắp chuối, bắp ngô, bắp cải, bắp chân, bắp cày... Chỉ chỗ phình ra của sự vật. Người miền Nam kêu ngô là "trái bắp", nhưng cũng gọi bắp chuối, bắp vế...

- Biền: ruộng mưng mưng (cao vừa) ở ven sông. Về miền Tây ta thường hay nghe nói "bưng biền". Trong quyển Tự vị tiếng nói miền Nam của cụ Vương Hồng Sển (NXB Trẻ-1999) ở mục từ "Bưng biền" cụ viết: Do "bưng" Cơme ráp "biên" (Hán tự), biên, bờ dọc mé sông. Đấy là ý kiến của cụ Vương. Không rõ chữ "Biền" (ruộng cao vừa ở ven sông) trong tiếng Nghệ, và cả trong phương ngữ Nam bộ có phải từ chữ "Biên" (Hán tự - bờ dọc mé sông) mà ra không? Ở đây ta có thể thấy rõ chũ "biền" trong "Bưng biền" của phương ngữ Nam bộ, có nguồn gốc từ chữ "biền" tiếng Nghệ. (đừng quên dân Nam bộ khi mới di dân vào miền Nam cách nay mấy trăm năm thời các chúa Nguyễn, đa phần có nguồn gốc từ vùng Thuận Hóa, ngôn ngữ là hành trang không thể không mang theo).

- Khẳm: đầy, chở đầy. Miền Nam hay nói "ghe chở khẳm", khẳm ở đây không những là "đầy, chở đầy", mà còn có nghĩa là "chở quá sức chứa" (hơi quá tải), như trong Từ điển phương ngữ Nam bộ (Nguyễn Văn Ái-chủ biên, NXB TP> HCM-1994) đã giải thích.

- Ghe: thuyền. Người Nam bộ cũng gọi thuyền là ghe. Ở miền Bắc, nơi một vùng nào đó dân gian dùng từ "ghe" để chỉ bộ phận sinh dục của nữ giới. Tôi còn nhớ trước đây có quen với một đạo diễn phim ảnh trẻ dân Nam bộ, anh ta kể chuyện có lần đi làm phim ở một vùng quê miền Bắc, hôm ấy quay cảnh có ghe thuyền trên sông. Anh ta nói mỗi lần dùng loa hướng dẫn: "Đẩy ghe ra, chèo ghe đi tới..." là dân làng tới coi cười rần rần mà không hiểu tại sao, sau nghe giải thích mới vỡ lẽ.

- Lượm: lượm lặt (nhặt). trong phát âm người Nam bộ nói là "lụm". Từ lặt có nghĩa là "nhặt" trong lượm lặt có lẽ là một từ cổ. Ngày xưa trong gia đình tôi hay nghe nói lặt rau, là nhặt bỏ sâu bọ, lá úa, cọng... trước khi nấu nướng.

- Nêm: pha chế thức ăn,.. Từ điển phương ngữ Nam bộ giải thích: cho thêm mắm muối vào thức ăn cho vừa miệng.

- Sạ: gieo thẳng. Sạ lúa., không thông qua công đoạn cấy lúa.

Trong phương ngữ Nghệ An của Từ điển tiếng Nghệ, còn rất nhiều từ ngữ có ý nghia tương đồng với các phương ngữ khác, như đẫ nêu bên trên. Ta đã biết, tiếng Nghệ nghe đã khó (về mặt phát âm nhiều âm điệu trầm bổng). Hôm tôi nằm trong bệnh viện, trong phòng có một gia đình người Quảng Trị, khi gia đình họ nói chuyện với nhau gần như nghe không hiểu. Bữa bạn Nhật Thành điện thoại hỏi thăm cũng thế, phải qua vài câu, "định thần" lại "vừa nghe vừa đoán", tôi mới hiểu được bạn nói gì (có khi cũng không hiểu rõ). Lão Tân, và bạn Salam có thâm niên ở miền Nam nên tiếng nói đã "lai", dễ nghe hơn. Nhưng bỏ công một chút tìm hiều, đối chiếu, ta thấy trong cộng đồng ngôn ngữ của tiếng Việt, và một số tiếng nói khác có một sợi dây liên hệ từ lâu đời. Biết thêm được chút ít về tiéng nói, từ ngữ của ngôn ngữ địa phương cũng rất thú vị.


Tham khảo:

- Các sách đã dẫn trong bài viết.

- Phương ngữ Bình Trị Thiên, Võ Xuân Trang, NXB Khoa học Xã hội-1997.



Saigon, tháng 9/2015.





Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Bạn.




Hôm bị tai nạn nghĩ mình có thể vắng mặt lâu dài trên blog, nên tôi đã điện thoại nhờ anh bạn trẻ Huy Trường thông báo giúp đến bạn bè, ai ngờ cũng không đến nỗi. Chân tay như thế không thể leo lên hai tầng lầu để về nhà được, đành phải tá túc nơi nhà ông cụ thân sinh. Mới đầu mượn đỡ cái iPad vào mạng "chọoc chọoc" liên lạc với bạn bè, "chọoc" hoài oải quá, mấy ngày nay cậu em đổi cho cái laptop nên gõ bàn phím nhanh hơn nhiều.

Hôm mới bị ngã nhờ HT thông báo, dự định chắc cũng phải nghỉ lên mạng cả tháng, sau đó thì nhận được điện thoại, tin nhắn thăm hỏi từ các bạn vẫn hay qua lại trên mạng, bạn Marguerite, Salam, Bố susu, Lão Tân, Nhật Thành, bác Bu, Toro, khi về nhà lên mạng nhận được những lời thăm hỏi của cô bạn lâu nay vắng bóng giang hồ hiện đang ở Hà Nội là Thu Thủy, cụ Nô, và cô bạn ở tận bên xứ Phú Lang Sa là NangTuyet.

Về nhà được vài ngày khi đã lò mò vào mạng trở lại, tôi nhận được điện thoại của anh bạn Toro (Nguyễn Phan Khiêm) báo là đang có mặt công tác tại Saigon, hỏi địa chỉ nhà để ghé thăm, và mấy hôm sau vào buổi chiều mưa khá lớn, Toro đã ghé chơi. Mấy hôm sau nữa tôi lại nhận được điện thoại của Lão Tân, nói đang có mặt tại Saigon, hỏi địa chỉ nhà, và mang tặng tôi quyển Từ điển Tiếng Nghệ. Buổi chiều Lão Tân chạy xe gắn máy tới, hà hà, trông Lão này khác xa một trời một vực vói cái Avatar ốm nhom ốm nhách như con cò ma trên blog của Lão, cái ava này trông giống... tôi hơn. Lão Tân bên ngoài trông phong độ, có dáng dấp... giang hồ, ăn to nói nhớn, mang nhiều phong cách hảo hớn của người Nam bộ, hỏi ra thì trước đây Lão đã có thâm niên công vụ tại miền Tây đến mười mấy năm, rồi sau đó thêm ít năm ở Saigon, cho nên trông Nam bộ là phải...

Quyển Từ điển tiếng Nghệ NXB Nghệ An in từ năm 1997, do Lão Tân mang vào tặng nay đã tuyệt bản, may nhờ anh bạn nhà thơ Quang Thứ, cũng là dân xứ Nghệ mượn đâu được bản gốc đi photo, đóng lại thành sách cho tôi. Bản photo rất rõ ràng, trong sách có đề lời tặng của Lão Tân và Quang Thứ, chữ của Quang Thứ rất đẹp, nếu đi làm nhà nước chắc bạn này mệt nghỉ trong những mùa viết Giấy khen. Ngoài quyển Từ điển Tiếng Nghệ tôi còn nhận được thêm một quyển truyện ngắn Góc khuất của bạn Nhật Thành, quyển sách này đúng ra là Nhật Thành tặng Lão Tân (có lời đề tặng), nhưng nhân dịp vào Saigon, sau khi được sự đồng ý của Nhật Thành, Lão Tân đã tặng lại cho tôi. Vậy là trên quyển sách này cũng có hai đề tặng. Rất cám ơn bạn Quang Thứ và hai bạn Lão Tân, Nhật Thành.

Gặp nhau tay bắt mặt mừng ngồi tán dóc như quen biết đã lâu, nói chuyện một lát Lão Tân phải đi công việc tiếp. Anh em xem thế mà có nhiều điểm hợp, hình như cái hợp của những "gã gàn", có đôi chút hoài cổ, Lão Tân hẹn hôm nào rảnh ghé lại chơi nói chuyện nhiều hơn.

Không ngờ những ngày nằm chèo queo chôn chân một chỗ, tôi vẫn luôn nhận được những tình cảm ấm áp từ bạn bè. Chân còn đau, chống nạng vẫn chưa đi lại được nhiều, nhưng vẫn cảm thấy vui trong những ngày Saigon nhiều mưa gió như thế này. Hì hì!









Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Chuyện ở bệnh viện.


Khoảng nửa năm trở lại đây tôi thường xuyên đi ra đi vào vài bệnh viện, chả là để chăm sóc người thân. Có những thời gian vài tháng trước tôi đã ở cả tháng tròi trong bệnh viện như thế, ngày cũng như đêm. Trong bệnh viện người ta hay nói có... ma, nhưng bản thân tôi chưa từng gặp điều gì khác lạ. Có những đêm 1, 2, giờ sáng tôi còn phải lò mò đi suốt một hành lang mờ tối vắng tanh để đến phòng y tá trực, kêu thay bình dịch truyền, kể ra lúc ấy cũng hơi ớn, nhưng sợ thì không. Thời còn trẻ trong quân đội, tôi đã từng có đêm trực chiến nằm ngủ trên gò mả, mà cũng chẳng thấy gì.

Nửa tháng trước đây khá xui xẻo, đi đứng làm sao mà trượt một cú quá mạng, ở ngay trong nhà, kết quả của cú trượt ấy là... bể khớp háng, phải gọi cấp cứu đưa vào bệnh viện, mổ thay cái khớp nhân tạo bằng inox. Tưởng cũng phải nằm liệt giường lâu, nhưng cũng còn may, hôm trước vào bệnh viện (đúng ngày quốc khánh 2-9), sau khi làm những xét nghiệm cần thiết thì hôm sau đã lên bàn mổ, và cũng khá may nữa là được vị bác sĩ mổ giỏi nhất của bệnh viện thực hiện (bệnh viện tư nhân Hoàn Mỹ Saigon). Trường hợp mổ như tôi bác sĩ nói, nếu còn trẻ phục hồi nhanh thì sau 5 ngày có thể xuất viện (có thể xuống đất chống nạng lết lết được), bằng không như bác cũng phải từ 7 đến 10 ngày.

Nghe bác sĩ nói thật rầu, cầm chắc ít nhất cả tuần nằm bất động trên giường bệnh. Ca mổ khoảng 2 giờ đồng hồ suôn sẻ, và may sao đến ngày thứ tư tôi đã có thể xuống đất chống nạng lết được, nên ngày hôm sau được xuất viện cho về. Tổng cộng là tôi đã nằm trong bệnh viện hết 5 đêm, 6 ngày.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Saigon hiện nay là một bệnh viện tư nhân khá hiện đại với cơ ngơi mười mấy tầng lầu, mới được xây dựng vài năm nay, tình trạng trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất, cùng đội ngũ y bác sĩ khá tốt, không có gì phải phàn nàn (nếu không muốn nói là phải khen ngợi trên một số điểm, một trời một vực so với bệnh viện nhà nước). Tôi đã ở đây vài lần chăm sóc người thân nay đến lượt mình nằm lại. Vào đêm thứ nhì sau khi mổ, tôi đã gặp một câu chuyện nhỏ, mà đến bây giờ cũng chẳng biết nói sao.

Ca mổ của tôi được thực hiên vào khoảng 3 giờ chiều ngày 3-9, đến khoảng ngoài 5 giờ thì xong, được đẩy ra phòng hồi sức, nằm đến 8 giờ 30 thì được đưa trở lại phòng bệnh, mấy tiếng đồng hồ sau thuốc tê tan bắt đầu đau nhức (ca mổ lớn nhưng tôi chọn gây tê chứ không gây mê, bởi gây mê thì sau khi mổ phục hồi chậm hơn); Trong và sau khi mổ tôi vẫn tỉnh táo Lên phòng y tá làm những việc tiếp theo là truyền dịch và chích thuốc giảm đau, đến 1, 2 giờ sáng mới bớt đau. Khi bắt đầu thiu thiu ngủ thì cái giường của tôi nằm rung nhẹ một cái, cú rung rất nhẹ nhưng cũng đủ làm tôi tỉnh giấc. Giường của bệnh viện là loại giường mới, điều chỉnh được, khá hiện đại có bánh xe đẩy đi như một băng ca di động, trong phòng những bánh xe được khóa lại, khi phải đi chụp X quang, siêu âm, làm những xét nghiệm... họ đẩy nguyên cả chiếc giường đi, hạn chế được tối đa chuyện khiêng vác bệnh nhân, hoặc chuyển sang xe đẩy, mà mỗi lần đụng tới cái chân gãy là đau thấu trời. Căn phòng bệnh tôi nằm gồm 4 giường, mỗi giường riêng biệt một góc, cộng vói 4 chiếc băng ghế nệm dành cho người nuôi bệnh cách khoảng một mét, tổng cộng là 8 người lúc ấy rất im ắng,

Ở bệnh viện Hoàn Mỹ hình như không có khoa chấn thương chỉnh hình riêng, nên ca mổ xương khớp như tôi được xếp nằm ở khoa nội, chung với những bệnh nhân sốt xuất huyết, nhiễm trùng tiêu hóa... Nửa đêm về sáng tất cả đều ngủ say. Sau cú rung giường đầu tiên tôi giật mình tỉnh giấc, thoạt đầu tôi nghĩ mình nằm mơ nên cố nhắm mắt ngủ tiếp, đang lơ mơ thì chiếc giường lại rung thêm lần nữa. Tôi lại thức dậy, chung quanh vẫn rất yên lặng, lần này thì hết ngủ luôn. Chỉ dăm phút sau chiếc giường lại bị rung thêm lần nữa. Chao, kể ra lúc ấy cái phản xạ tự nhiên làm mình cũng nổi gai ốc nhưng thật sự thì cũng không sợ. Chưa hết, vài phút sau có tiếng gõ cọc cọc vào chiếc cửa ra vào bằng nhôm kính. Giờ này chẳng có y tá nào đi thăm bệnh nữa, đây là bệnh viện tư cho nên ngay cả ban ngày cũng rất yên, ban ngày tiếng bước chân đi ngoài hành lang tôi còn nghe thấy, nhưng sau tiếng gõ cửa tôi cố lắng nghe thì hoàn toàn không nghe được tiếng bước chân đi. Tôi nhìn lên đồng hồ treo trên tường chỉ gần 3 giờ sáng. Thế là thức luôn tới sáng.

Sự việc diễn ra khá kỳ lạ, hai lần rung giường đầu tôi vẫn nghĩ là tại mình mơ ngủ, nhưng đến lần rung thứ ba và gõ cửa thì tôi hoàn toàn thức. Một người không tin gì mấy về những chuyện như thế này, mà có lúc chính mình gặp phải, kể cũng lạ lùng. Còn đêm thứ 4 ở bệnh viện tôi mơ một giấc mơ kỳ quặc, nhưng đấy là giấc mơ, khi cơ thể và tinh thần mình không khỏe có thể mơ những giấc mơ như thế. Nhưng chuyện rung giường và gõ cửa khi đang thức thì tôi hoàn toàn không hiểu tại sao?










Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Chợ Lớn Mới.



Đứa cháu gái con người em ghé chơi hỏi "Chợ Lớn Mới ở đâu?". Nhiều bạn trẻ sỉnh ra và lớn lên tại Sài Gòn nhưng cũng không biết tên gọi Chợ Lớn Mới. Tên gọi Sài Gòn ban đầu là một địa danh để chỉ một vùng đất, sau trở thành địa danh hành chánh, tuỳ từng thời gian mà được thu hẹp hay mở rộng. Chợ Lớn ban đầu là tên gọi của một ngôi chợ ở khu vực nằm phía sau Bưu điện quận 5 hiện nay, được xây dựng từ rất xưa, do những ngưởi Hoa Minh Hương. Sau sang đến đầu thế kỷ XX, nhà tư bản người Hoa là ông Quách Đàm xây lên một ngôi chợ khác gần đấy, to đẹp hơn, ban đầu gọi là Chợ Lớn Mới, để phân biệt với Chợ Lớn cũ. Chợ Lớn Mới chính là ngôi Chợ Bình Tây hiện nay. Tên gọi Chợ Lớn Mới có lẽ tồn tại đến trước năm 1975, thởi đó tôi nhớ vẫn còn những chiếc xe lam chở khách đề Chợ Lớn Mới - Bà Chiểu, rồi dần dần tên gọi Chợ Lớn Mới biến mất lúc nào không hay.

Tên ban đầu gọi là Chợ Lớn là để phân biệt với một ngôi chợ khác là Chợ Nhỏ, cách đó khoảng hơn một cây số, về phía Trường đua ngựa Phú Thọ. Chợ Nhỏ còn có tên gọi phổ biến là Chợ Thiếc, sau là chợ Phó Cơ Điều vì nằm trên đường Phó Cơ Điều. Như ta đã thấy thoạt đầu Chợ Lớn chỉ là tên gọi một ngôi chợ, sau trở thành địa danh chỉ cả một khu vực, và cũng tuỳ theo từng thời kỳ mà địa giới của nó rộng hay hẹp, có thời còn được gọi là thành phố Chợ Lớn, hoặc gộp với khu vực Sài Gòn thành Đô thành Sài Gòn- Chợ Lớn, ngày xưa thời tôi còn nhỏ thường viết tắt theo kiểu của người Pháp là Saigon-Cholon. Hiện nay Chợ Lớn được hiểu là khu vực quận 5, quận 6 của Sài Gòn, nơi có nhiều người Việt gốc Hoa sinh sống.

Phía quận 1, cũng có một ngôi chợ lâu đời cũng rất nổi tiếng khác là chợ Bến Thành. Thoạt đầu chợ  ở gần phía mé sông Sài Gòn, gần bến thuyền và thành Gia Định, nên có tên gọi là chợ Bến Thành, sau xây chợ mới còn tồn tại đến bây giờ nên chợ Bến Thành cũ được gọi Chợ Cũ, tên Chợ Cũ vẫn còn đến ngày nay. Ban đầu khi xây chợ Bến Thành mới, được người dân gọi là Chợ Mới, nhưng tên gọi này không phổ biến bằng tên chợ Bến Thành.

Người già nhân một câu hỏi, ngồi nhớ chuyện xưa.








Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

Bảnh chọe.



Sang bên nhà Lão Tân, thấy Lão đề bảng Cáo lỗi vắng nhà ít lâu (may quá, không phải... bán nhà), lý do chính rất nghiêm túc là kiếm tiền may bộ quần áo mặc cho... bảnh chọe, còn lý do phụ là chữ nghĩa đã bay đâu hết, phải "ấp cho cái chữ nó đẻ ra" (nguyên văn) để viết tiếp. Lão này hay, ấp chữ cứ như con ga ấp trứng ấy. Vấn đề nghiêm túc là kiếm xìn may bộ quần áo thì đã rõ, bây giờ sang tháng 9 tây rồi, sắp Noel, tết Tây rồi tết Ta, Lão may bộ cánh mới là phải. Tôi cũng sẽ phải may một bộ cánh như Lão Tân thôi, nhưng đỡ hơn Lão là tôi không phải lo kiếm tiền, vì đã có lương hưu, thay vì mua sách thì tháng đó chịu khó đọc sách cũ, lấy tiền may đồ.

Cũng như mọi khi, tôi hay chú ý tới chuyện chữ nghĩa, chữ bảnh chọe mà Lão Tân viết bên nhà Lão thì phương ngữ Nam bộ kêu là bảnh tỏn, bảnh tẻn, mà âm khi nói là bảnh toỏng, bảnh teẻng. Ta hay nghe nói "gia đó hôm nay ăn mặc bảnh toỏng quá", tức là "cha đó, gã đó hôm nay ăn mặc... điệu đàng, bảnh bao". Nếu từ bảnh đứng riêng một mình cũng có nghĩa là đẹp, như "gái nào bảnh bằng gái Nha Mân". Có một từ khác nay thấy ít dùng cũng thấy có nghĩa là đẹp, đó là từ điển trong điển trai (đẹp trai, cũng gọi là bảnh trai), nhưng từ điển chỉ thấy dùng trong điển trai. và tuy nói "gái nào bảnh bằng gái Nha Mân" nhưng người ta nói đẹp gái, xinh gái chứ ít nghe bảnh gái. lại càng không nghe ai nói điển gái bao giờ.

Chữ nghĩa tiếng Việt nó điên cái đầu thế đấy, chẳng hạn như mèo mun, ngựa ô, chó mực, dế than... cùng là để chỉ màu đen mà mỗi loài vật lại dùng một từ khác, hỏi ông Tây, ông Mẽo nào hiểu cho thấu...

Hy vọng một ngày đẹp trời nào đó sẽ được ngồi lai rai... cà phê (tôi có một cái quá dở là không biết nhậu) với Lão Tân, và hai anh em tôi sẽ... bảnh chọe trong bộ cánh mới, hà hà!

Viết bài này từ trước khi đi "chấn thương chỉnh hình", tự nhiên mươi hôm trước chảo mừng Quốc Khánh bằng một cú "trượt patin" quá mạng, nay sẽ phải "đi bằng bốn chân" trong ít nhất là cả tháng tới, nên thỉnh thoảng mới lên mạng được, cho nên đành phải để Lão Tân... Bảnh chọe một mình thôi.

Cám ơn tất cả các bạn đã quan tâm thăm hỏi.








Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Diễu binh hay Diễn binh?

Ảnh Internet.

Có người hỏi tôi bây giờ thấy trên báo chí, truyền hình hay viết hoặc nói là "diễu binh", chẳng hạn như "diễu binh chào mừng quốc khánh 2-9", trong khi ngày trước (trước năm 1975) ở Saigon lại dùng từ "diễn binh" chứ không phải là "diễu binh", và thường dùng từ "diễu" trong những hoạt động bình thường (không trang trọng) như khi nói "Tôi đi diễu phố" (dạo phố, cũng còn gọi là bát phố), chứ không nói "Tôi đi diễn phố". Trẻ con lòng vòng quanh quẩn trước mặt người lớn hay bị nạt "đừng có diễu như thế, chóng cả mặt".

Nghe nói tôi mới để ý điều này. Đúng, trước đây tôi ở Saigon cũng chỉ nghe nói "diễn binh" như "diễn binh ngày quốc khánh", "diễn binh ngày quân lực" đối với các đơn vị quân đội, còn đối với các đơn vị dân sự người ta nói "diễn hành" chứ không nói "diễu hành".

Tôi thử tra trong sách thì thấy chữ "diễn"  là từ Hán-Việt, ở vấn đề đang nói có nghĩa đại khái là phô diễn, thao diễn... Việt Nam Tự điển (Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ, Khai Trí xuất bản tại Saigon 1971) giải thích diễn binh: đt. Phô bày lực lượng binh đội và vũ khí trong một cuộc lễ: Đi coi diễn binh. Diễn binh   là từ Hán-Việt. Còn "diễu"      (trong từ điển mạng đưa ra 3 từ) là từ Nôm, cũng Việt Nam Tự điển của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ, giải thích diễu đt. Rểu, lượn quanh, qua lại, đi nhởn nhơ. Trong giải thích từ "diễu binh", tự điển này viết diễu binh đt. cũng như diễn binh, điều khiển binh lính mang súng đi biểu diễn. Diễu binh là một từ Nôm đi đôi cùng một từ gốc Hán-Việt.

Xa hơn nữa Đại Nam Quấc âm Tự vị cũng giải thích diễn binhdiễu binh với ý nghĩa tương đương. Như vậy ta thấy hai từ diễn binhdiễu binh có ý nghĩa như nhau, trước đây ở miền Nam quen dùng diễn binh, trong khi miền Bắc quen dùng diễu binh.