Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Kiếm được quyển sách ưng ý.

Từ điển KhMer-Việt và Việt-Khmer.

Từ điển Việt-Chăm.


Kể ra tôi là một người khoái sách, khoái thôi chứ không dám nói là mê. Kệ sách trong nhà "gom góp" suốt nửa thế kỷ, từ hồi còn đi học trung học, đến nay đã kha khá, gồm nhiều thể loại, có lẽ tạm đủ để thỏa mãn cái nhu cầu thỉnh thoảng cần tìm hiểu, dĩ nhiên chẳng sâu xa gì. Thời còn trẻ đi học, hoặc lớn hơn đi làm, còn nhiều chuyện để lo, nhiều cái vui để quan tâm, cho nên cũng chỉ mua sách đọc chơi vậy vậy, bây giờ đã nghỉ hưu, về già, có thời giờ đọc kỹ hơn. Đó cũng là "niềm vui của tuổi già".

Trước hết tôi muốn nói về "sách". Dĩ nhiên ai cũng hiểu sách là gì. Bây giờ là một tập giấy in ấn của một tác giả nào đó, trong đó có nội dung viết về một vấn đề gì, được bày bán, hay in ra chỉ để tặng. Gốc gác của từ sách là từ chữ Hán, Sách, ngày xưa chưa có giấy người ta chép hoặc khắc chữ lên trên những thẻ tre, mỗi tấm thẻ tre có chữ này được gọi là "giản" , nhiều giản (tương đương như những trang giấy) ghép lại được gọi là "sách". Cứ nhìn chữ Sách tiếng Hán  ta hình dung ra ngay có hình dạng những tấm thẻ tre ghép lại.    

Các cụ nổi tiếng về sách vở, chữ nghĩa ở Saigon ngày trước, như Vương Hồng Sển, Nguyễn Hiến Lê... có viết đại khái, dù mê sách nhưng không nên mượn sách của người khác, và cũng không nên cho người khác mượn sách, vì nhiều lý do tế nhị, cũng như ngày xưa không nên cho mượn cây viết máy (tiếng của dân Nam bộ gọi cây viết bơm mực ngày trước, cũng như gọi chiếc xe đạp là xe máy, thường có mấy hiệu thông dụng, trung bình có viết Pilot của Nhật, bình dân hơn có viết Hero của Trung Quốc, cao cấp có viết Paker của Mỹ), vì mỗi người có một thế viết (cầm đứng cây viết, cầm ngang, nghiêng bên phải, bên trái), người khác cầm viết ở thế khác có thể làm hỏng ngòi viết. Cho mượn sách (thường người mượn chọn sách hay), dễ bị không trả lại (vô ý quên, hoặc cũng có khi "cố tình" quên), nhiều khi người mượn sách không giữ, làm hỏng sách (khi đọc gập sách lại, có khi đánh dấu trang sách đang đọc bằng cách gập trang sách đó, tệ hơn khi cho mượn quyển sách "câng", cưng, chữ của cụ Vương, khi trả sách đã xộc lệch, mất trang...).

Vậy thì muốn đọc sách chỉ còn có cách là đi... mua sách. Nhiều người nói đi Shoping là một cái thú, thú mua sắm, có khi mua cả những thứ mình không cần, chỉ vì thấy thích món hàng đó. Còn tôi thì đi mua sách, ngắm sách là một cái thú, dĩ nhiên là tôi luôn chọn những quyển sách hợp với sở thích của mình, hầu như không mua những quyển sách thời thượng mà mình không cảm thấy muốn đọc. Với tôi có ba nơi để mua sách. Đầu tiên là những nhà sách, quốc doanh hoặc tư nhân, nơi bán những quyển sách mới, với giá ghi trên bìa sách. Nơi này thì tôi thường đi ngắm sách là chính, nhất là nơi nhà sách quốc doanh, những người đứng bán sách nhiều khi mù tịt về sách, hiếm khi trao đổi được với họ về sách, tác phẩm, tác giả, họ chỉ có nhiệm vụ đứng coi sách.

Thứ nhì là những tiệm bán sách cũ, có khi có cả sách mới, nhưng thường đã qua sử dụng, giá cả có nới hơn nơi nhà sách lớn bán sách mới. Nhưng những quyển sách cũ, quý hiếm, khó kiếm vì đã tuyệt bản, nếu có thường được bán với giá khá cao, hoặc rất cao, nó cũng tựa như món đồ cổ hay con tem xưa đối với dân chơi tem vậy. Chủ tiệm sách cũ thường là những người rất rành về sách, họ biết rất rõ giá trị của từng quyển sách, từng tác phẩm, tác giả. Ta có thể trò chuyện, trao đổi với họ về sách. Hay đi mua sách, tôi quen được với một vài chủ tiệm như vậy, họ nắm bắt được ngay cái "gu" đọc sách của mình, có sách gì "độc" thường họ báo cho biết.

Thứ ba là những chiếu sách vỉa hè, nơi bán những quyển sách "lạc xoong" thường được lựa ra từ những vựa ve chai, hoặc những người đi mua ve chai, sách báo cũ. Giá cả nơi chiếu sách này rất mềm, may mắn thì ta sẽ chớp được những quyển sách cũ, quý hiếm, mà người bán không biết giá trị... Túi không rủng rỉnh, nên đa số sách trên kệ sách của tôi xưa nay đã được mua ở những tiệm sách cũ, những nơi bán sách giảm giá, hoặc chiếu sách vỉa hè... vậy mà tôi thường kiếm được những quyển sách hay mà mình ưng ý, hơn nơi những nhà sách lớn.

Cũng có một nơi khác nữa tôi kiếm được sách hay, ấy là ở những Hội sách, nhưng những Hội (chợ) sách này thỉnh thoảng mới mở nhân ngày lễ, hoặc khai giảng niên học mới. Trong những Hội sách ngoài sách mới, thường có một số lượng sách cũ khó bán, sách tồn kho của những nhà xuất bản được tung ra. Những sách này thường được bán đồng giá (5.000, 10.000, 20.000... đồng, hoặc giảm mấy chục phần trăm trên giá bìa), tôi cũng thường chọn được nhiều sách mình cần như thế với giá rẻ.

Mua sách khó lòng mua nhiều một lúc được, tôi cứ mua theo kiểu "kiến tha lâu đầy tổ", mấy chục năm cũng có được một kệ sách "coi được". Hồi mấy năm trước có dịp ra Quảng Bình ghé nhà bác Bu, lúc đó bác còn an cư tại quê nhà. Hôm ấy xui sao không gặp được bác ấy vì bác Bu cũng đang đi du lịch Lào, tôi đã được chiêm ngưỡng tủ sách của bác Bu, một người phải nói là "mê sách" còn hơn tôi. Tủ sách của bác Bu trông nghiêm túc hơn kệ sách của tôi nhiều, phải nói tôi rất ngưỡng mộ cả chủ nhân lẫn tủ sách.

Có lần bác Bu ghé nhà tôi chơi, nhìn kệ sách của tôi nói chắc đến một nửa là từ điển. Đúng là như thế, từ điển các loại của tôi khá nhiều, cùng với sách về lịch sử, những sách về văn hóa, Phật giáo... và nhiều thể loại khác... Mấy hôm trước, đi ngang qua một tiệm bán sách cũ thường hay ghé, thấy có mấy quyển từ điển cũ nay không thể kiếm đâu ra, đó là 2 quyển từ điển Khmer-Việt, và Việt Khmer của NXB Khoa Học Xã Hội Hà Nội, in từ năm 1978, và quyển từ điển Việt-Chăm, cũng của NXB này in từ năm 1996. Đây là 3 quyển từ điển tôi tìm đã lâu mà không gặp. Tôi đã có những quyển từ điển của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam của người Mường, H'Mong, Tày Nùng, nên khi gặp được 3 quyển từ điển này khoái quá. Những quyển từ điển như Khmer-Việt, Việt-Khmer, hay Việt-Chăm rất có ích trong việc tra cứu, bởi như ta đã biết, nguyên một dải đất miền Trung trước đây là của người Chăm, và Nam bộ là của người Khmer, những tên gọi, tên đồ vật, địa danh tiếng Việt hiện nay được phiên âm rất nhiều từ tiếng Chăm và tiếng Khmer. Giá cả của 3 quyển từ điển này được người chủ tiệm quen biết bán với giá tương đương sách mới, coi như mình mua sách cũ với giá sách mới. Không đến nỗi đắt.

Kiếm được một quyển sách mình "ưng cái bụng" (như cách nói của người thiểu số Tây nguyên), và nói theo như người dân Nam bộ, thấy "phái" (khoái), "phẻ" (khỏe) trong người.






Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Thảo Mai.



Hầu đồng Cô Bơ (Cô Ba) Thoải Phủ. Ảnh Internet.

Đã khá lâu, trong một entry tôi có nói tới hai chữ Thảo Mai, chả là ngày xưa còn nhỏ trong nhà tôi có nghe bà cụ tôi nói đến hai chữ này, khi có đứa nào nói điều gì vu oan cho đứa khác, mà hai chữ Thảo Mai tôi chỉ được nghe trong nhà, chơi với chúng bạn chòm xóm, hay nghe người lớn, không khi nào thấy có ai ví von như thế. Lớn lên đi học đọc trong sách vở thấy có nhiều nhân vật trong văn chương  đã "chết tên", chẳng hạn như những nhân vật trong truyện Kiều của Nguyễn Du, như Từ Hải, Đạm Tiên, Hoạn Thư... hoặc những nhân vật khác như Thị Mầu, Thị Kính... Chí Phèo, Thị Nở... Xuân Tóc Đỏ... những cái tên khác trong văn chương nước ngoài như AQ, Don Quichote... Nhưng "nhân vật" Thảo Mai này vẫn biền biệt bóng chim tăm cá, không thấy có trong các tác phẩm văn chương...

Bẵng đi đến có hơn nửa thế kỷ thì tôi lại được nghe lại từ Thảo Mai, lần này thì trong một chương trình truyền hình thi tài ca hát, tôi được nghe hai vị giám khảo nữ là Hồng Nhung và Mỹ Linh đối đáp, đại khái: "Này này đừng có mà Thảo Mai", ý là đừng có "nói điêu" cho người khác, dĩ nhiên hai vị giám khảo này chỉ nói đùa chơi.

Khi viết entry về hai chữ Thảo Mai, tôi đã thử tra trên Google, không thấy thông tin gì sáng sủa, bạn bè quen biết vào comments cũng chẳng biết gì hơn, kể cả ông bạn rất uyên bác là Bulukhin cũng bó tay. Tình cờ đọc trong một quyển sách tôi mới mua được, tông tích của nhân vật Thảo Mai đã được sáng tỏ. Đó là quyển Hát chầu văn (*) của hai tác giả Bùi Đình Thảo - Nguyễn Quang Hải.

Nhân vật Thảo Mai này hiện diện trong bài văn chầu Đệ Tam Thoải Phủ. Sách ghi bài văn chầu này được phóng tác theo một tích truyện xưa của Trung Quốc, một hình thức giao lưu văn hóa. Sách viết, có lẽ đây là một giá văn về sự ngang trái, nỗi oan khiên của người xưa qua âm hưởng ít nhiều bi ai, song lại là sự đồng cảm sâu sắc của người đời. Tôi chép trích đoạn bài văn chầu dưới đây: (Đây là một trong mấy bài chầu văn về Cô Bơ (Cô Ba) Thoải Phủ.

Chốn thoải quan có nhà lệnh tộc,
Vốn con rồng, danh ốc Kinh Xuyên.
Từ dòng vây cánh nhà chiền,
Thảo Mai nàng ấy tạm quyền tiểu tinh.
Chí bình sinh phù đời giúp nước,
Ơn cửu trùng phó thác bến Giang.
Mảng danh Công chúa phi phương,
Hạnh nhờ lá thắm dây vương khôn nài.
Ước trăm năm duyên hài phối thất,
Đạo cương thường nhằm nhặt tóc tơ.
Rằng non kể mấy nắng mưa,
Hay đâu ra phận thiên cơ bởi giời.
Trách Thảo Mai ra người giáo giở,
Giả đồ thư làm cớ gieo oan.
Kinh Xuyên chàng không xét ngay gian,
Vàng mười nỡ để lầm than sao đành.

Trong sách ghi chú về tích này như sau:

Bà Đệ Tam Thoải Phủ thờ ở Hàn Sơn (Thanh Hóa) là con vua Thoải Cung, nhưng sống ở dương thế. Có chí phù đời giúp nước, có tấm lòng nhân hậu. Nàng kết duyên với chàng Kinh Xuyên nhà giàu. Nhưng sau Kinh Xuyên có vợ lẽ tên là Thảo Mai. Một hôm, Thảo Mai gieo oan cho nàng là có tư tình với một người tên là Liễu Nghị. Kinh Xuyên chẳng xét gian ngay, đuổi nàng lên rừng ở. Sau này Liễu Nghị đi săn gặp nàng, nàng trao cho Liễu Nghị một chiếc kim thoa và dặn đem chiếc kim thoa ấy cắm vào cây ngô đồng ở cửa biển. Liễu Nghị làm theo lời. Một đôi bạch xà lớn đã hiện lên rẽ nước đưa Liễu Nghị xuống Thủy cung. Sau đó nàng được vua cha đón về Thoải Phủ.

Một bài văn khác về Cô Ba Hàn Sơn cũng được chép trong sách: trích đoạn.

Lược đồi mồi, nhẫn luồn tay.
Gương soi phấn điểm nào tày,
Cổ đeo chàng mạng, đôi tai hoán vàng.
Cô sai thập nhị tiên nàng,
Quần là áo lượt, dịu dàng bước ra.
Chiếc thoi cô đỗ bến Cô Tô,
Nửa đêm, cô Bơ nghe thấy tiếng chuông chùa Hàn Sơn.

Hàn Sơn này là ở Thanh Hóa, nhưng trong bài văn đã đưa vào cả bến Cô Tô, tiếng chuông chùa nửa đêm Hàn Sơn... bên Tàu.

Như vậy nhân vật Thảo Mai là tên một cô gái, khi nói lên dân gian ví von với việc vu oan cho người khác có nguồn gốc từ điển tích Trung Hoa, và đã được đưa vào bài hát văn hầu đồng Cô Ba Thoải Phủ của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam.

Tôi cũng copy lại dưới đây đoạn hầu đồng về Cô Bơ Thoải Cung trên Youtube:


Tham khảo:

(*) Hát chầu văn, Bùi Đình Thảo - Nguyễn Quang Hải, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, NXB Hội Nhà Văn - 2012.













Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Loay hoay chữ nghĩa.



Tôi đọc được trên trang mạng VietNamnet một bài viết ngày 15-6-2015 khá lý thú về chuyện dùng từ ngữ có tựa Hiện tượng từ vựng tiếng Việt âm đầu "d - gi", bài viết của tác giả THS. GVC. Đỗ Thành Dương, Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang. Tôi copy, trích một đoạn dưới đây:

"Tiếp theo, có trường hợp do không hiểu rõ nghĩa gốc của từ ngữ mà tạo nên hai quan niệm khác nhau, dẫn đến hai cách viết khác nhau, như cuộc tranh luận cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ về tên gọi Thánh Dóng hay Thánh Gióng, Hội Dóng hay Hội Gióng.
Nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh, người có nhiều công trình nghiên cứu về Thánh Dóng thì cả quyết tên của cậu bé (là Thánh Gióng sau này) là Dóng, con ông Đùng bà Đà, chứ không phải như mọi người sau này suy diễn là vì cậu bé suốt ngày chỉ nằm trên thúng tre, treo trên cái gióng (cái quang gánh) nên có tên là Gióng. Và hiện nay vẫn cứ tồn tại cả hai cách viết.
chính tả, tiếng Việt, ngôn ngữ

Tra cứu các mục từ “gióng” trong từ điển tiếng Việt , ngoài các nghĩa trên ra, ta thấy thêm các từ “gióng” khác có những nghĩa khác nhau: “gióng” là đoạn giữa hai mắt của một số cây có thân thẳng; đốt, VD Gióng mía, gióng tre. “gióng” có nghĩa là thúc ngựa đi (ít dùng) VD gióng ngựa.
Mấy năm trước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị và được Chính phủ chuẩn y trình lên UNESCO đưa Lễ hội Thánh Dóng vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Mặc dù vậy, trong Công văn 5299 ban hành ngày 4/8/2009 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, lại dùng chữ Thánh Gióng."
(Hết trích).

Tôi thử tra một số từ điển tiếng Việt xưa nay về vài chữ quen thuộc có âm đầu là "d - gi", chẳng hạn như: bánh dày (bánh giày), ng (gióng), (thánh Dóng hay thánh Gióng):

- Đại Nam Quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của (Saigon 1895-1896) có từ Bánh giầy (có dấu mũ): thứ bánh dẻo làm bằng bột nếp, dùng chày quết nhuyễn đặt vê tròn tròn, ấy là bánh một người con thứ vua Hùng-vương làm mà dâng, cùng được nối ngôi cho vua cha.

- Việt Nam Tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội - 1931), Dày (bánh), Thứ bánh hình tròn, làm bằng xôi dã.

- Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học (Hà Nội - Đà Nẵng 1997), bánh giầy d. Bánh làm băng xôi giã thật mịn, nặn thành hình tròn, dẹt, có khi có nhân đậu xanh.

- Từ điển chính tả thông dụng, GS Nguyễn Kim Thản, NXB Khoa học Xã hội - 1995, ghi bánh giầy.

- Từ điển chính tả Tiếng Việt, Như Ý, Thanh Kim, Việt Hùng, NXB Giáo Dục - 1995, ghi bánh dày.

- Chính tả tiếng Việt, Hoàng Phê, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, ghi bánh giầy.

Như vậy ta thấy các quyển từ điển đều dùng chữ giầy, và dày trong bánh giầy (bánh dày).

Còn chữ gióng (thánh Gióng hay thánh Dóng):

- Việt Nam Tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội - 1931) viết: Gióng. Tên Nôm làng Phù Đổng thuộc tỉnh Bắc Ninh, sinh quán của Phù Đổng Thiên Vương.

- Tự vị Chính tả của Lê Văn Hòe, in tại Hà Nội (trước 1954 nhưng không ghi ngày tháng), ghi nhận không có chữ Dóng.

Tự vị Chính tả của Lê Văn Hòe.

Ngoài ra nhiều quyển từ điển tiếng Việt khác không thấy ghi nhận thánh Gióng hay thánh Dóng.

Như vậy, nếu căn cứ trên những quyển từ điển tiếng Việt xưa nay, một số chữ giữa "d" "gi" như đã nói bên trên cũng khó biết được viết thế nào cho chính xác.


Tham khảo: 

- Những sách đã dẫn.







Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Huy chương đồng bóng đá SEA Games 28 - An ủi cho thày trò HLV Toshiya Miura.

U 23 Việt Nam trên sân bóng. Ảnh Internet.

Trận tranh huy chương đồng bóng đá SEA Games 28 kết thúc với chiến thắng cách biệt 5 - 0 cho đội tuyển U 23 Việt Nam trước U 23 Indonesia. Một chút an ủi cho thày trò HLV người Nhật Bản Toshya Miura, và cho cả những người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Dĩ nhiên huy chương đồng không phải là kết quả tốt nhất cho bóng đá Việt Nam, những người hâm mộ, cầu thủ và HLV người Nhật Bản. Nhưng bóng đá là như thế, những cuộc chơi thể thao là như thế. Xét về thực lực, thì U 23 Việt Nam ở vào thời điểm này nhỉnh hơn U 23 Indonesia, Malaysia, hay Singapore, và kể cả U 23 Myanmar, là đội đã thắng U 23 Việt Nam 2 - 1 trong trận bán kết, một trận đấu mà chúng ta đành ngậm ngùi với câu ông bà hay nói "Hay không bằng hên", "Học tài thi phận". Nhưng nếu so với U 23 Thailand thì quả thật U 23 Việt Nam vẫn không bằng. U 23 Thailand nói riêng, và bóng đá Thailand nói chung, xứng đáng đứng đầu khu vực Đông Nam Á, họ ở một đẳng cấp hơn hẳn. Nếu tối nay U 23 Thailand thắng U 23 Myanmar để bảo vệ thành công ngôi vô địch, cũng không lạ, họ xứng đáng thế. Nhưng trong bóng đá, khi bóng chưa ngừng lăn thì cũng khó nói trước chuyện gì sẽ xảy ra.

Các cô gái cổ động viên bóng đá Việt Nam trên sân bóng Singapore. Ảnh Internet.

Nói đến bóng đá Việt Nam, có lẽ không thể không nói đến "lực lượng" cổ động viên bóng đá hùng hậu, luôn có mặt trên các sân cỏ trong và ngoài nước ủng hộ cho đội nhà. Trong đó có không ít những cô gái trẻ trung, họ vui, buồn, cười, khóc theo bước chân đội bóng. Phải nói lực lượng cổ động viên "máu lửa" này với những cô gái trong hình, xinh đẹp hơn rất nhiều so với cổ động viên các nước khác. Họ làm cho trận đấu sôi động, vui nhộn, và đầy tình người hơn.

Nỗi buồn khi đội nhà thua trận. Ảnh Internet.

Huy chương đồng bóng đá SEA Games 28 với nhiều người có thể là một thất bại, nhưng tôi thấy thế là được, cuộc sống nhiều khi không theo ý mình, và tôi vẫn thích những Huy Toàn, Công Phượng, Mạc Hồng Quân... trên sân bóng, HLV người Nhật Bản Toshiya Miura trên băng ghế huấn luyện, và... các cô gái cổ động viên máu lửa trẻ trung trên khán đài...





Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Chuyện cũ và mới.


Sách của nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Tôi lục lại chồng sách cũ mua đã lâu, tình cờ thấy hai quyển sách của nhà thơ Trần Đăng Khoa, không nhớ hai quyển sách này tôi đã mua ở tiệm sách cũ hay chiếu sách lạc xoong vỉa hè, nhưng trông còn khá mới. Một quyển có tựa là Chân dung và đối thoại, ghi ở bìa sách là bình luận văn chương, xuất bản từ năm 1999, quyển này sau khi mua tôi đã đọc. Quyển kia có tựa là Những người thường gặp, xuất bản năm 2001, ghi ở đầu sách là ghi chép, bây giờ nó tựa như những bài viết ngắn về những gì xảy ra trong cuộc sống mà ta hay gặp trên blog vậy, quyển này thì mua rồi tôi quên khuấy đi mất, coi như sách mới. Cả hai quyển sách đều được in bởi nhà xuất bản Thanh Niên.

Thế là tôi tẩn mẩn ngồi đọc thử quyển Những người thường gặp. Sách xuất bản từ năm 2001, nghĩa là đã ngót mười lăm năm nay, có thể còn viết trước thời gian đó, thế mà đọc mấy bài đầu cứ như là nhà thơ Trần Đăng Khoa mới viết đâu tuần trước, nghĩa là còn nguyên tính thời cuộc và thời sự. Chẳng hạn như ghi chép có tựa đề Chuyện phiếm bên bàn trà tôi trích dưới đây:

- Này tôi hỏi thật nhé, công việc bề bộn thế, chú còn thời gian đọc sách báo không?

- Cụ hỏi vậy có nghĩa là thế nào?

- Chả là gần đây, tôi thấy báo chí, truyền hình người ta hay bàn đến việc "nâng cao dân trí". Nhưng vấn đề quan trọng, tôi nghĩ chính là chuyện "quan trí", chứ không phải "dân trí" đâu, chú ạ.

- Cụ nói thế nghĩa là...

- Là cán bộ có vấn đề chứ sao. Tôi thấy trình độ dân trí của ta bây giờ rất khá. Họ không ấu trĩ, u mê như cán bộ ta lầm tưởng đâu. Bây giờ, chỉ ngồi nhà, kéo cái cần ăng - ten lên là họ đã nắm được toàn thế giới. Trong khi đó nhiều cán bộ của ta lại ấu trĩ, non kém, không đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của dân. Mà cán bộ mới là quan trọng. Vì họ mới thực sự ở vị thế tác động tới đời sống xã hội. Một người dân dốt nát, có quyết định sai lầm thì một mình anh ta, hay cùng lắm là vợ con anh ta phải gánh chịu hậu quả. Nhưng một cán bộ mà có những quyết sách sai lầm thì nguy lắm. Cán bộ càng cao thì tầm ảnh hưởng càng lớn. Có khi một làng, một xã, một huyện, một tỉnh, hoặc thậm chí là cả một dân tộc phải trả giá cho sự sai lầm của một người, hoặc một nhóm người. Tôi nói vậy sao chú lại cười? Có lẽ chú nghĩ tôi là "gái góa lo việc triều đình" ư?

- Ô, không, không... Con đang nghe mà. Nghe chuyện cụ vui lắm...

- Thế mà chú còn vui được à? Cái chú này lạ thật. Chính chú mới là cái thằng vô trách nhiệm nhất. May mà chú không làm to. Tôi nói, chú bỏ ngoài tai, đừng trách ông lão nhà quê lẩn thẩn nhé. Tôi thấy cán bộ các chú bây giờ nhiều anh buồn cười lắm. Có anh nói rất hùng hồn mà người nghe vẫn chẳng hiểu anh ta nói gì cả. Bởi tư duy người nói đâu có được mạch lạc. Có anh lên truyền hình vẫn còn nói ngọng, cứ lẫn lộn giữa n với l. Nghe mà nản quá chú ạ. Hôm vừa rồi, tôi dự buổi mít-tinh truy điệu đồng bào bị thiệt hại trong mấy trận lũ lụt. Có ông đọc điếu văn xong lại vỗ tay hoan hô. Ông ta vỗ trước, rồi mọi người ngơ ngác vỗ theo...

Đoạn văn trên có nói "Bây giờ, chỉ ngồi nhà, kéo cái cần ăng - ten lên là họ đã nắm được toàn thế giới". Đấy là thời cách nay mười mấy hai mươi năm Internet chưa phổ biến, chỉ có truyền hình, chứ bây giờ mạng toàn cầu đã len lỏi vào tới tận cùng ngõ ngách, muốn biết gì chỉ cần một cú nhấp chuột, thì có lẽ người dân, nói theo như ngôn ngữ của các bà già trầu trong xóm lao động ngày trước, là "họ khôn tổ mẹ". Chuyện trên trời dưới biển, chuyện nước trong, nước ngoài, cái gì họ cũng rành. Chỉ có những "công bộc của dân" là ấm ớ, như nhà thơ Trần Đăng Khoa viết trong bài "Có anh nói rất hùng hồn mà người nghe vẫn chẳng hiểu anh ta nói gì cả. Bởi tư duy người nói đâu có được mạch lạc".

Đọc đoạn văn trên tôi nhớ ngay đến câu chuyện mới mấy ngày trước đây, một ông nghị (đại biểu quốc hội) đã bị nhiều nơi "ném đá" vì phát biểu đại khái "dân trí thấp" để không nên dự thảo luật "Trưng cầu ý dân". Không những thế, trước đó cũng có những vị đại biểu phát biểu như thế. Tôi trích copy lại một đoạn trên Thanh Niên Online ngày 6 tháng 6 năm 2015 dưới đây, bài viết có tựa đề "Đừng viện cớ dân trí thấp":

Tại cuộc họp đang diễn ra, một đại biểu Quốc hội bảo rằng: dự thảo luật Trưng cầu ý dân quy định chung chung có thể khiến "những người to mồm thành thiểu số", và "Dân chủ của ta có hạn, dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu có khi gây hại, không thể tùy tiện". Trước đó, trong phiên thảo luận về quyền im lặng trong Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, nhiều đại biểu cũng viện dẫn dân trí thấp để không đồng tình với việc đưa quyền này vào dự thảo, dù đây là một quy định tiến bộ, được nhiều nước phát triển áp dụng từ lâu.
Còn nhớ những năm trước, khi đề cập đến Luật Biểu tình, một vài đại biểu Quốc hội cũng nói “dân trí thấp” nên cần cẩn trọng khi xây dựng luật này, trong khi các bản Hiến pháp của Việt Nam từ năm 1946 đến nay đều ghi nhận biểu tình như một quyền hợp hiến của người dân.

Một câu chuyện khác trong sách lại mang tính thời sự xã hội, mang tựa Chuyện của người thu mua giấy vụn. Nội dung câu chuyện viết về một cô gái ở quê ra Hà Nội làm nghề thu mua giấy vụn, mà trong miền Nam gọi là mua ve chai đồng nát. Tác giả ở tuốt trên tầng năm chung cư, có quen biết cô gái vì gọi cô vào nhà dọn dẹp báo chí, giấy vụn, người muốn dọn dẹp không cần tiền có nhã ý tặng đám giấy cho cô gái, nhưng cô ta nhất quyết không lấy không, cuối cùng thì hễ hôm nào cô ve chai đến thu gom giấy thì lại dọn dẹp nhà cửa cho người cho. Được ít lâu thì không thấy cô gái đến gom giấy nữa.

Bẵng đi ít lâu, tác giả gặp lại cô gái ấy, trông khác hẳn tuy cô ta vẫn làm nghề thu mua giấy vụn như cũ, cô ấy nói không đến thu gom giấy vụn ở nhà của tác giả nữa vì nhà cao quá mãi tầng năm leo mỏi chân. Quan trọng là cô ấy đã mua được một căn hộ, dẫn tác giả ghé thăm nhà. Tiền cô ấy mua được là nhờ một hôm đi mua giấy, có bà cụ ở căn biệt thự to gọi vào cho một ít quyển lịch chưa mở. Cô ấy về mở ra thấy toàn đô la Mỹ ttrong ấy. Chưa bao giờ được thấy tận mắt mới đầu cô ấy tưởng tiền... âm phủ, nhưng nghĩ chẳng ai đi cất hay dấu tiền âm phủ như vậy. Đánh bạo lấy một tờ đi hỏi thì đổi được một triệu mấy tiền Việt. Cô ấy kể ban đầu suy nghĩ ghê lắm, định mang trả lại bà cụ, nhưng trời xui đất khiến sao đi tìm mấy ngày không nhớ ra nhà, rồi định trình báo công an, nhưng rồi lại sợ người ta nghi ngờ...

Câu chuyện này làm tôi nhớ ngay đến chuyện chị nhặt ve chai và năm triệu đồng yên Nhật ở TP. HCM mới đây, cuối cùng rồi trời cũng đãi ngộ kẻ thật thà, số tiền này chị cũng được sở hữu...

Nếu nhà thơ Trần Đăng Khoa không hư cấu, đúng là ghi chép lại sự việc như nơi hai bài viết trên, thì cuộc sống, hình như là một sự lập lại...








Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

Chuyện từ chức và những con tò he.

Những con tò he bằng đất nung của Hội An, loại này thổi kêu tò te. Ảnh Internet.

Mấy ngày hôm trước đọc tin trên mạng, thấy có những bài viết nói về việc ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An từ chức dù không thấy phạm lỗi hay bi kỷ luật gì, và cũng còn mấy năm nữa ông ấy mới đến tuổi về hưu. Báo viết ông ấy nói nghỉ để nhường chỗ cho lớp trẻ.

Phải nói ngay đây là một "ca" khá lạ trong xã hội bây giờ. Như ta đã thấy, không dễ gì một quan chức lại chịu từ bỏ chức vụ, có nghĩa là từ bỏ danh lợi. Người ta luôn có muôn ngàn lý do để "tử thủ", cố bám lấy cái ghế quyền lực bằng mọi giá, "văn hóa từ chức" hầu như không hiện hữu trong xã hội ngày nay. Ở nước ngoài một chuyến xe lửa trật đường ray có thể sẽ dẫn đến việc ông Bộ trưởng giao thông từ chức, hay giá điện tăng không kiềm chế được ông Bộ trưởng năng lượng sẽ tự ra đi. Đấy  chỉ là những chuyện chỉ thấy ở xứ người.

Thế tại sao cái ông Bí thư Nguyễn Sự này lại... nhiễu sự thế nhỉ? Ông ấy muốn "chơi trội" hay sao? hay ông đã nhận ra rằng con đường danh lợi với người chính trực coi thế mà không sướng, nó chỉ mang đến cái nặng đầu? Không thể hiểu, nhưng các bạn cứ thử "trông mặt mà bắt hình dong" xem, dân gian hay nói "tai to mặt lớn" để chỉ những quan chức khuôn mặt lúc nào cũng đầy đặn, bóng nhẫy, còn ông Sự này... má hóp, mặt mũi gân guốc. cái khác nhau có lẽ ở chỗ đó. Thú thật, nếu hình ảnh trên báo chí của ông ấy không được ghi chú là Bí thư thành ủy, thì tôi sẽ nghĩ đó là một anh... nông dân hay một ông trưởng thôn nào đó, được báo chí đưa lên trong một đợt thi đua điển hình.

Phải nói ngay trong tất cả những điểm đến du lịch ở Việt Nam mà tôi đã có dịp đến, thì tôi thích nhất Hội An, đây là nơi tôi luôn muốn quay trở lại nếu có dịp. Một Hội An vẫn còn giữ được những nét cổ kinh trăm năm, một nơi mà khi ghé thăm bạn không sợ bị chặt chém, lừa đảo, không bị đội ngũ hàng rong hay ăn mày đeo bám, cũng không lo lúc nào cũng phải chăm chăm canh chừng cái túi bởi thằng móc túi, cướp giựt, và hơn hết là những con người ở đó hiền hòa... ngần ấy thứ thôi cũng đã ăn đứt tất cả những nơi khác, chưa kể những sản phẩm truyền thống địa phương. Tất cả những điều này có lẽ nói không ngoa. có công sức không nhỏ bao nhiêu năm của ông Nguyễn Sự, ông ấy tự rút lui khi đang làm được việc, xứng đáng điểm mười.

Nói đến Hội An, người ta hay nhắc đến những chiếc lồng đèn đủ màu sắc, nhưng tôi lại nhớ đến những con tò he bằng đất nung hơn. Những con tò he này có loại được quét lên một lớp dầu bóng, có loại để mộc, tôi thích loại để mộc. Mấy lần đến Hội An tôi đều mua khá nhiều về làm quà và chưng ở nhà. Người ta hay làm những con tò he theo mười hai con giáp, con tò he rỗng ruột, mỗi con có một hai cái lỗ nhỏ sau đuôi, thổi vào kêu te te, tò te. Người ta nói từ tiếng kêu tò te này mà thành ra tên gọi tò he.

Người bán tò he ở Hội Am. Ảnh Internet.

Bây giờ thì các con thú nho nhỏ từ loại làm bằng bột cho đến đất sét nung, thổi kêu được hay không kêu được đều gọi chung bằng cái tên tò he. Tôi thử tra trong từ điển tiếng Việt hơi xưa (trước năm 1975), chỉ thấy có Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội-1931) giải thích tò he là "đồ chơi của trẻ con, làm bằng bột tẻ hấp chín", và Từ điển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Hà Nội-1967) giải thích là "đồ chơi của trẻ em nặn hình loài vật, làm bằng bột tẻ hấp chín và tô màu". mấy quyển từ điển tiếng Việt in trong Nam trước năm 1975, như Việt Nam Tân tự điển của Thanh Nghị, hay Tự điển Việt Nam của Ban Tu thư Khai Trí đều không có chữ Tò he.


Những con tò he làm bằng bột, loại không thổi kêu. Ảnh Internet.

Trên trang Wikipedia ghi nhận, tò he là một loại trò chơi dân gian của trẻ em Việt Nam xuất hiện ở vùng quê, từ miền Bắc không rõ từ lúc nào. Một nơi có truyền thống về nặn tò he  thấy ghi là làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Có lẽ ban đầu sản phẩm làm để cúng cho nên có hình dạng là đĩa xôi, nải chuối, mâm cỗ... Sau có thêm hình dáng những con vật như chim, công, gà, trâu, bò, cá, lợn... cho trẻ con chơi nên được gọi là "đồ chơi chim, cò". Có nơi gọi là con bánh, con giống. Ngoài màu sắc được pha từ những loại củ, quả như màu đỏ từ quả gấc, màu vàng từ hoa hòe, bột nghệ, màu xanh từ lá chàm, lá riềng... Cho thêm vào bột nặn mật mía có vị ngọt trẻ con chơi chán có thể ăn được. Sau người ta gắn thêm vào một cái còi nhỏ bằng khúc tre, trúc có gắn cái lá mía thổi te te, tò te, thành ra tên gọi tò he.

Về loại hình tò he nặn bằng bột bên trên, tương tự như ở Việt Nam, tại Nhật cũng là một nghệ thuật truyền thống lâu đời. có tên là Amezaiku.

Những con tò he Nhật Bản. Ảnh Internet.

Nghệ nhân nặn tò he Nhật Bản. Ảnh Internet.

So với những con tò he bằng bột với nhiều màu sắc bên trên, những con tò he bằng đất nung thổi lên nghe tò te tò te của Hội An trông không "bắt mắt" và tinh xảo bằng, nhưng nó cũng có những điểm riêng, đó là nét dân dã, mộc mạc, chân phương mà tôi rất thích. Nó xứng danh với tên gọi tò he hơn những sản phẩm bột màu bên trên.





Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Lựa chọn hàng đầu.


Sách về nghệ thuật Hát bội.

Lựa chọn hàng đầu đối với tôi ở đây là sách. Lâu rồi tôi đọc được ở đâu đó một câu của nhà tiên tri Mahomet (570-632): "Nếu tôi có hai ổ bánh mì, tôi sẽ bán đi một ổ để mua hoa". Tôi thì nghĩ hơi khác: "Nếu tôi chỉ có đủ tiền mua một ổ bánh mì hoặc một quyển sách, thì lựa chọn của tôi là quyển sách".

Sáng hôm nay là chủ nhật nhưng tôi cũng không có mấy thời giờ rảnh, nhưng trên đường đi công việc tiện đường tôi cũng "nhín" được năm mười phút ghé ngang qua mấy chiếu sách cũ vỉa hè, và may mắn "chớp" được mấy quyển sách cũ khá hay, dĩ nhiên ở  chiếu sách cũ vỉa hè thì giá cũng rất bèo chỉ hơn mấy bà đi mua ve chai chút đỉnh, vì sách ở những nơi này đa phần là sách ve chai cân ký. Đó là những quyển sách:

1- Nghệ thuật Hát Bội Việt Nam - Vietnam's Hat Boi Theatre Art (Nguyễn Lộc - Võ Văn Tường, NXB Văn Hóa, Hà Nội-1994). Sách viết về nghệ thuật Hát bội của Việt Nam, không chuyên sâu lắm nhưng cũng đủ để những người tơ lơ mơ như tôi về hát bội đọc và hiểu đôi chút về môn nghệ thuật dân gian này, chẳng hạn như lịch sử môn hát bội, những nhân vật làm nên môn nghệ thuật hát bội Việt Nam, những nhân vật thường gặp trên sân khấu hát bội, cách phân biệt những nhân vật này qua điệu bộ, quần áo, hài, hia, vũ khí, râu tóc, để phân biệt nhân vật thiện, ác, hiền, dữ, trung tín hay gian thần... Đây là một quyển sách hay và cần thiết trong tủ sách.

Mặt nạ.

Áo.

Mão.

Râu.

Một số vũ khí.

Các loại hia.

2- Điêu khắc gỗ dân gian GIARAI - BANAR - Folk Wood Sculpture (Trần Phong, NXB Văn hóa Dân tộc - Sở Văn hóa Thông tin - Thể thao Gia Lai - 1995). Sách viết về những bức tượng điêu khắc và trang trí nhà cửa, nhà mồ của người thiểu số Giarai-Banar sinh sống trên Tây nguyên. Tôi đã có thời gian sống mấy năm trên Tây nguyên trong những làng Thượng, đã tận mắt nhìn thấy những ngôi nhà rông, khu nhà mồ của họ. Cũng là một quyển sách hay mang đến cho ta nhiều kiến thức.

Sách về điêu khắc gỗ Tây nguyên.

Nhà mồ của dân tộc thiểu số Tây nguyên.

Trang trí người, voi và hoa văn trên mái nhà của người Tây nguyên.






Hai quyên sách bên trên viết bằng song ngữ Việt-Anh cùng những hình ảnh thuyết minh tiêu biểu cho tiêu đề của sách.

3- Kiến trúc hiện đại (Tôn Thừa Nguyên, NXB Xây Dựng-2003). Sách ghi Kiến trúc hiện đại nhưng nội dung bên trong nói về những kiến trúc nổi tiếng xưa nay, từ Kim tự tháp Ai Cập hay của người Inca ở Nam Mỹ, đến những Bảo tháp tôn giáo ở Trung Hoa, Ấn Độ, Giáo đường ở Roma, Trung đông... Và những kiến trúc hiện đại như tháp Eiffel-Paris, nhà hát Con sò ở Úc... những tòa cao ốc chọc trời, tháp truyền hình nổi tiếng ở khắp mọi nơi trên thế giới. Sách viết tương đối chi tiết về kiến trúc, cấu trúc, kỹ thuật nền, móng của những công trình này. Cũng là một quyển sách hay cần cho tri thức.

Sách về kiến trúc.

4- Quyển sách thứ tư tôi mua được là quyển Kinh thánh Cựu ước và Tân ước in chung, sách in "chuẩn" rất đẹp và còn mới tinh, bìa màu đen mạ chữ vàng. Tôi đã có mấy quyển Kinh thánh, từ Cựu ước đến Tân ước. Trước đây Kinh thánh ở Việt Nam thường được in bởi các Hội thánh Thiên chúa giáo và Tin lành, sách thường được in ở nước ngoài. Tôi có một quyển Tân ước loại bỏ túi còn giữ được từ thời trong quân đội VNCH cũ, sách của Tuyên úy quân đội dành cho binh sĩ được in ở Hồng Kông. Điều khá ngạc nhiên ở đây đối với tôi là quyển Kinh thánh này được xuất bản trong nước bởi nhà xuất bản Tôn giáo năm 2012 với số lượng in khá ấn tượng là 15.000 quyển.

Kinh thánh Cựu ước và Tân ước.

Bây giờ tôi ít mua và đọc được sách văn chương thuần túy, ngoại trừ loại sách chân dung văn học. Sách của tôi thường là những sách mang đến kiến thức. Tôi vẫn thích một câu của nhà văn nổi tiếng Pháp Anatole France: "Thà hiểu rõ một ít còn hơn hiểu nhầm nhiều".






Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Phiên dịch tiếng Việt.

Cây đu đủ. Ảnh Internet.

Phiên dịch tiếng Việt ở đây là từ tiếng Việt ra... tiếng Việt. Tôi có mấy đứa cháu gọi bằng ông mới mấy tuổi nói ngọng líu lo, mỗi lần đến chơi nghe tụi nó nói là phải có bố mẹ tụi nó phải dịch lại mới có thể hiểu. Trẻ con nhiều đứa thế. Nhưng cũng có khi người lớn nói tiếng Việt chẳng đớt, chẳng ngọng mà người nghe cũng không hiểu.

Như hôm nọ tôi vào bệnh viện thăm người nhà được nghe một chuyện khá vui. Cô y tá vào phòng thăm bệnh, một bà cụ nằm trong phòng nói cô ấy điều gì đó mà cô ấy không hiểu được bà cụ nói gì. Bà cụ nói rất chuẩn, nói như từ ngữ hiện đại bây giờ là "chuẩn không cần chỉnh", chẳng qua bà cụ là người Huế, năm nay có lẽ đã ngoài tám mươi, chắc xưa nay cụ quen sống trong gia đình ít tiếp xúc ngoài xã hội nên còn nói rặc giọng Huế. Bà cụ nói một tràng nghe loáng thoáng như một câu hỏi. Cô y tá nói cụ nhắc lại vì không nghe kịp. Cụ nhắc lại, cô y tá vẫn lắc đầu, bà cụ kiên nhẫn lập lại lần nữa và lần này thì cô y tá chịu thua dù đã cố gắng lắng nghe. Cuối cùng cô y tá đành phải nói với cụ có cần gì nhờ người nhà nói lại sau.

Phải nói ngay là không những cô y tá không hiểu bà cụ người Huế muốn nói gì, mà cả phòng chẳng ai hiểu cụ định nói hay hỏi gì cô y tá. Mấy chục năm làm việc, tôi cũng đã tiếp xúc nghe nhiều người Huế nói chuyện, người gốc Huế sinh sống lâu năm ở Saigon có đặc điểm, khi nói với người địa phương khác họ thường nói như người miền Nam, nhưng khi gặp "đồng hương" thì họ sẽ dùng giọng Huế. Ngay cả khi ấy thường tôi vẫn nghe được, vậy mà nghe bà cụ Huế này nói tôi cũng phải chào thua, giọng cụ "nặng" Huế quá, tôi chỉ nghe được loáng thoáng mấy từ "răng, rứa".

Lát sau cô cháu gái từ ngoài đi vào, người trong phòng nói chuyện vừa xảy ra. Sau ít câu trao đổi giữa hai bà cháu. cô cháu gái nói lại cho người trong phòng nghe là bà ngoại cô muốn hỏi cô y tá là bà bị cao huyết áp, tiểu đường có ăn được trái đu đủ không? Nhưng bà nói trái đu đủ theo phương ngữ Huế là trái "thù đủ". Vậy mà khi nãy tôi cố ý lắng nghe, người Huế hay nói lẫn lộn giữa những thanh âm hỏi, ngã, nặng... nghe bà cụ nói hết cả hồn.

Nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe có người gọi trái đu đủ là "thù đủ", hồi trước thỉnh thoảng tôi cũng nghe có người nói "thu đủ" để chỉ trái đu đủ, nhưng chưa từng nghe ai gọi "thù đủ". Hôm qua tình cờ đọc một quyển sách (Chuyện Huế ít người biết, nhiều tác giả, NXB Trẻ-2004) có nói về phương ngữ Huế với hai câu đố:

Thù cha, thù mẹ, thù chồng,
Thù anh, thù chị, thù ông, thù bà.

Trời, thù gì mà thù dữ tợn, nhưng đây là một câu đố về cây trái, chứ không phải nói chuyện xã hội, và đáp án là trái "thù đủ". Tôi lại thử lật vài quyển từ điển tiếng Việt thông dụng, chẳng thấy quyển nào ghi nhận "đu đủ" là "thù đủ". Riêng mấy quyển sau đây, thứ nhất là Từ điển tiếng Huế của Bùi Minh Đức, viết đủ cả ba chữ "thù đủ, thu đủ, đu đủ", Từ điển Ngôn ngữ Văn hóa Du lịch Huế xưa của Trần Ngọc Bảo: thù đủ dt (thực vật), đu đủ, tên khoa học carica papaya. Từ điển Bách khoa Nông nghiệp viết: Đu đủ, tên khoa học carica papaya, tên khác là thù đủ.



Tham khảo:

- Những sách đã dẫn.






Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Vài món ăn quen thuộc.


Món bò bía. Ảnh Internet.

Hằng ngày ta vẫn "hẩu xực" vài món ăn quen thuộc, gọi tên nhưng có lẽ ít ai rõ ngữ nghĩa của những tên món ăn ấy, đó là những món ăn có gốc gác của người Hoa, như những món ăn dưới đây:

- Bò bía: là một món ăn chơi được cuốn bằng bánh tráng mỏng, bên trong có nhân củ sắn xắt sợi xào chín, đậu phọng, tôm khô, lạp xưởng, trứng tráng mỏng xắt nhỏ, xà lách, rau thơm... khi ăn chấm với một thứ nước chấm gồm tương đen, tương đỏ, đậu phọng giã nhỏ... Món ăn có chữ "bò" nhưng hoàn toàn không có chút thịt bò nào. Thứ này ăn chơi, có khi bán ở mấy xe đẩy lề đường, thường hay ăn vào tầm năm, sáu giờ chiều, phụ nữ rất hảo món ăn này.

Bò bía là món ăn của người Triều Châu gọi theo âm Phúc Kiến poh-pía, âm Hán-Việt là bạc bính ,  bạc  có nghĩa là mỏng, bính  là bánh, Bò bía chính là để gọi món ăn cuốn bằng bánh tráng mỏng.

- Hủ tíu, hủ tiếu: là món ăn chơi hoặc ăn thay bữa cũng tốt, hủ tíu, hay hủ tiếu là đọc theo âm Quảng Đông, âm Hán-Việt là quả điều 粿   , quả 粿 có nghĩa là thức ăn làm bằng bột gạo, điều  có nghĩa là vật nhỏ mà dài thành sợi, chính là để chỉ sợi hủ tíu được làm bằng bột gạo.

- Hoành thánh, vằn thắn: là tên gọi theo âm Quảng Đông, cũng là món ăn gốc Quảng Đông, âm Hán-Việt gọi là vân thôn  . vân  là mây, thôn  là nuốt. Có lẽ món hoành thánh được làm bằng bột mì bọc nhân thịt bằm, cho vào trong tô với nước lèo trông như một cụm mây? Khi ăn ta nhai nuốt cụm mây bột mì nhân thịt đó.

Món hoành thánh trước khi cho vào tô mì. Ảnh Internet.

- Xá xíu: gọi theo âm Quảng Đông, món ăn cũng của người Quảng Đông, âm Hán-Việt là xoa thiêu  , xoa  có nghĩa là đâm, xiên, thiêu   là nướng. Đây là món thịt được xiên quay hoặc nướng trên lửa, khi ăn xắt miếng mỏng cho vào tô mì, cùng với món hoành thánh.

- Há cảo: đọc theo âm Quảng Đông, âm Hán-Việt là hà giáo  , hà  là con tôm. giáo  là bánh nhân bao bột, há cảo là loại bánh có vỏ được cán từ bột mì, bột năng bao nhân tôm, hấp chín hoặc chiên giòn, nếu hấp chín thì ăn riêng, còn chiên giòn được ăn cùng với mì nước, xá xíu, hoành thánh.

Món há cảo hấp chín. Ảnh Internet.

- Sủi cảo: đọc theo âm Quảng Đông, âm Hán-Việt là thủy giáo  , thủy  là nước, giáo  là bánh nhân bao bột. Cũng như món há cảo, sủi cảo là bánh nhân thịt heo xay bao bột năng hoặc bột mì chiên giòn, nếu chiên giòn khi ăn cũng thường được cho vào tô mì sợi với thịt xá xíu xắt miếng.

Món sủi cào chiên giòn. Ảnh Internet.

- Giò cháo quẩy (dầu cháo quẩy): âm theo tiếng Quảng Đông, âm Hán-Việt là du tạc quỷ  , du  là dầu, mỡ, tạc  là nổ, phá nổ, quỷ  là ma quỷ. Có nghĩa là quỷ bị chiên, rán bằng dầu. Đây là một món bánh lạt làm bằng bột chiên trong dầu, dạng dài được làm thành một cặp, ít khi ăn riêng mà thường cắt nhỏ khi ăn cho vào súp bong bóng cá, hoặc tô mì. Bây giờ cũng thấy người ta cho vào tô phở. Người Trung Quốc có một truyền thuyết về món bánh này, bắt nguồn từ chuyện Nhạc Phi bị vợ chồng Tần Cối, Vương Thị hãm hại. Để nguyền rủa vợ chồng Tần Cối, họ làm ra món bánh bằng bột nặn thành cặp dài tượng trưng cho vợ chồng Tần Cối và rán trong chảo mỡ đang sôi.

Bánh giò cháo quẩy sau khi chiên. Ảnh Internet.

- Lạp Xưởng: âm Quảng Đông, âm Hán-Việt là lạp trường  , lạp  là thịt hun khô, trường  là ruột. Lạp xường là món ăn làm từ ruột heo nhồi thịt, mỡ heo, rượu, gia vị, để chín bằng cách phơi lên men tự nhiên. Đây là món ăn khô, để lâu được.

Lạp xưởng. Ảnh Internet.

- Lẩu: âm Hoa Nam là   có nghĩa là cái bếp lò. lò ở đây là cái nồi và lò liền một khối, ở giữa có chỗ để đốt than giữ cho nồi nóng lâu. Món lẩu như theo cách gọi của người Việt thực chất là một món canh ăn nóng, với bún, miến, hoặc, mì sợi. trong những đám tiệc món lẩu được dọn ra sau cùng. Trước đây lẩu còn gọi là cù lao, tên cù lao bắt nguồn từ tiếng Mã Lai pu-lô, có nghĩa là đảo. Nhưng tại sao ngày trước lại gọi món lẩu là cù lao mà tiếng Mã Lai là pu-lô có nghĩa là đảo? Cái lẩu (lô) ngày trước như đã nói, gồm một khối làm bằng nhôm, ở giữa có chỗ nhô lên bên trong đốt than, chung quanh là nước canh tùy theo món. Chỗ nhô lên để đốt than trông như một hòn đảo.

Cái lẩu ngày xưa hay dùng, còn gọi là cù lao, ở giữa nhô lên là chỗ đốt than.
Ảnh Internet.