Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Tên gọi vùng đất Vũng Tàu.


Tượng Chúa Jesus trên núi Nhỏ Vũng Tàu. Ảnh Internet.

Vũng Tàu là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền Nam xưa nay, nơi ông bạn Bulukhin đang đóng đô trên một cao ốc, ngày ngày ngắm và hưởng gió biển. Có lẽ dân Saigon không ai là không một lần ghé biển Vũng Tàu. Bây giờ có những bãi biển ở những nơi khác xa hơn, có thể đẹp hơn Vũng Tàu, như Mũi Né (Phan Thiết), Ninh Chữ (Phan Rang), hoặc xa hơn nữa ở Nha Trang, Phú Yên, Quy Nhơn, Đà Nẵng... Nhưng đối với dân Saigon thì cho đến tận ngày nay, đi du lịch, tắm biển Vũng Tàu vẫn là một chọn lựa "phải chăng". 

Trước năm 1975 thời chiến tranh Vũng Tàu gần như dành cho những chàng G.I. (General/Government Issue: lính Mỹ) đến nghỉ dưỡng, ăn chơi. Thời đó chưa có những công ty du lịch, lữ hành, đường xá đi lại khó khăn nhiều khi nguy hiểm, ai muốn đi du lịch cứ tự đón xe đò mà đi, đời sống dân chúng còn khá khó khăn, con cái ngày trước đông, lo cái ăn cái mặc đã mệt, ít nhà nào nghĩ đến việc đi du lịch như bây giờ, ngoại trừ những nhà giàu có, quyền thế, có xe cộ riêng.

Nhưng điều tôi muốn nói không phải là chuyện du lịch Vũng Tàu, mà là tên gọi của vùng đất Vũng Tàu. Đất Vũng Tàu ngày nay trong quá khứ có khá nhiều tên gọi. Thời trước năm 1975 các bạn ở Saigon chắc còn nhớ, người dân Saigon gọi Vũng Tàu bắng ít nhất ba tên gọi, Cấp, Ô Cấp, Vũng Tàu, còn trong sách vở, sách sử, vùng đất này có nhiều tên hơn thế.

Xứ Vũng Tàu đã được nhắc đến trong sách vở khá sớm, từ cuối thế kỷ XIII. Năm 1295 một xứ thần nhà Nguyên tên là Châu Đạt Quan, trong đoàn sứ giả thăm Chân Lạp đã viết lại trong "Chân Lạp phong thổ ký", vùng đất có tên gọi là "Chân Bồ" (Tchen-p'ou) tức Vũng Tàu ngày nay, khi thuyền của phái đoàn sứ giả Trung Quốc đến thị trấn Chân Bồ, là một ngôi làng đánh cá ở một chân núi, đó là biên giới cửa ngõ để vào xứ Chân Lạp.

Đến đầu thế kỷ thứ XVI, khi những thương nhân người Bồ Đào Nha đi tìm kiếm một thị trường để khai thác những nguồn hàng mới ở Châu Á, họ đã đến vùng biển này. Các chuyến hải trình của họ từ Ấn Độ đến Trung Quốc đều phài qua vùng biển Chân Lạp, Chămpa, Đại Việt, mà Pulo Condor (Côn Đảo) là điểm định vị để vào các nước này. Thời đó Vũng Tàu được biết đến với tên gọi Oporto Cinco Chagas Verdareiras, đó là tiếng Bồ Đào Nha với ý nghĩa "Vịnh nằm giữa những ngọn núi Cinco Chagas". Địa danh này được giải thích là "năm vết thương của Chúa cứu thế" (bốn vết thương bị đóng đinh ở chân, tay, và một vết thương bị đâm bằng giáo ở cạnh sườn), vì ở đây có 5 ngọn núi liền kề nhau, từ ngoài khơi có thể nhìn thấy từ xa rất rõ. Đó là những ngọn núi: núi Nhỏ, núi Lớn, núi Nứa, núi Dinh, núi Bà Rịa. Trong bản đồ hải hành của người Bồ Đào Nha từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII đều ghi vùng đất Vũng Tàu ngày nay là Cinco Chagas.

Đến khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII, địa danh này được thay bằng tên gọi Saint Jacques, trong sách của Maner Vilet, tác giả cuốn hải trình nổi tiếng La Neptune Oriental (Biển phương đông). Và có một cách giải thích là sở dĩ có địa danh Saint Jacques là do cách phát âm của các thủy thủ người Âu, từ Cinco Chagas trở thành Sinkel Chagas và thành Saint Jacques. vì nơi này có địa thế là một mũi đất nên được gọi Cap Saint Jacques (mũi Saint Jacques) tồn tại suốt trong thời kỳ người Pháp cai trị Nam kỳ. Vũng Tàu cũng là một bán đảo ba bề là biển, còn được gọi theo tiếng Pháp là Au Cap Saint Jacques (đi ra mũi Đất - Aller au Cap). Trong cách gọi Vũng Tàu của người Saigon trước đây là Cấp, Ô Cấp là rút gọn từ chữ Cap Saint JacquesAu Cap Saint Jacques của tiếng Pháp mà ra.

Từ tên gọi Chân Bồ của sứ giả Trung Quốc ở cuối thế kỷ XIII, cho đến tên gọi bằng tiếng Bồ Đào Nha Cinco Chagas ở vào thế kỷ XVI-XVII, và tên gọi bằng tiếng Pháp Cap Saint Jacques, Au Cap Saint Jacques ở vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII để chỉ vùng đất là Vũng Tàu ngày nay. Ngoài những tên gọi trên, năm 1830 trong một cuốn sách được xuất bản ở London do John Crawfurd, người cầm đầu một phái bộ do toàn quyền người Anh ở Ấn Độ phái sang Việt Nam đã viết, gọi Saint Jacques Saint James. Đó là những tên gọi của người ngoại quốc để chỉ vùng đất Vũng Tàu.

Trong sách sử của người Việt Nam tên gọi Vũng Tàu đã có từ khá lâu, các sách dẫn dưới đây tính theo thứ tự thời gian:

- Sớm nhất có lẽ là sách của nhà bác học Lê Quý Đôn, trong Phủ biên tạp lục viết năm 1776 (thời hậu Lê), Lê Quý Đôn đã nói đến Vũng Tàu dưới tên gọi Hán-Việt "Vịnh Tào". Sách viết: Bính Thân, năm thứ 37 (năm 1776 dương lịch), tháng 1, sửa sang thành lũy lại bố trí trọng binh để khống chế một phương. Phúc Thuần độc chiếm ba phủ là Gia Định, Bình Khang (vùng đất nay thuộc Khánh Hòa) và Bình Thuận (tương ưng với Ninh Thuận, Bình Thuận bây giờ). Tháng 2 (1776), Văn Nhạc sai em đem chiến thuyền đánh vào Bình Thuận, nhưng không được. Tháng 3, đánh phá Cửa Lạp và Vịnh Tào (âm Hán-Việt, ghi chú âm Nôm là Vũng Tàu), rồi vào cửa biển Cần Trừ (âm Hán-Việt, ghi chú âm Nôm là Cần Giờ), lấy được ba dinh Phan (Phiên) Trấn, Biên Trấn và Long Hồ. Tên Vũng Tàu đã được Lê Quý Đôn nói đến vào năm 1776.

- Sách Gia Định thành thông chí do Trịnh Hoài Đức biên soạn, được dâng lên vua Minh Mạng từ năm 1820. trong sách chép: "Thất Sơn (tục gọi là núi Ghềnh Rái) vây che đứng sững bên ngoài, Thuyền Úc (tục gọi Vũng Tàu) vũng lớn bát ngát ở trong, lòng cảng sâu và rộng, bốn mùa gió đều được yên ổn...". Trong mục viết về Trấn Biên Hòa sách chép: "... qua Vụng Tàu là ra núi Ghềnh Rái...", ở đây sách chép là "Vụng Tàu".

- Sách Đại Nam nhất thống chí được biên soạn bởi Quốc sử quán triều Nguyễn (biên soạn từ năm 1861 đến 1882), trong mục tỉnh Biên Hòa có nói đến những ngọn núi ở Vũng Tàu như núi Thùy Vân, núi Bà Rịa, núi Nứa, núi Ghềnh Rái... và địa danh Vũng Tàu. Sách viết: "Núi Ghềnh Rái:... Đầu núi làm cửa hữu cho Ngọc Tỉnh, đuôi núi làm bình phong cho Cần Giờ, ở trong có vũng lớn, tục gọi là Vũng Tàu. Vũng này bảo vệ cho ghe thuyền đậu nghỉ...".

Vũng Tàu (Thuyền Úc): Ở phía Tây Nam huyện Phước An 31 dặm, tách dòng từ bến sông Phước Thắng, tục gọi là Vũng Tàu... Thuyền Úc, cũng có sách chép là Thuyền Áo (Áo, âm khác của Úc), là tên viết và đọc theo âm Hán-Việt.

- Sách Đại Nam thực lục, cũng được biên soạn bởi Quốc sử quán triều Nguyễn (biên soạn từ năm 1821 Minh Mạng năm thứ hai, đến năm 1909 Duy Tân năm thứ ba mới hoàn thành), cũng có nói đến Vũng Tàu với hai ý nghĩa:

+ Thứ nhất Vũng Tàu là tên riêng: "... đạo thủ Vũng Tàu Ghềnh Rái, ba thuyền Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam thuộc binh...". Ở đây đạo thủ Vũng Tàu Ghềnh Rái là tên gọi hành chính lúc bấy giờ.

+ Thứ nhì Vũng Tàu là danh từ chung: "Mùa thu, tháng 7 (Nhâm Tý 1793), thuyền vua về đậu ở Vũng Tàu Phan Rang...". Sách Đại Nam thực lục ghi chú: "Vũng Tàu tức là cửa biển Phan Rang, khác với Vũng Tàu ở cửa biển Cần Giờ". Ở đây sách phân biệt Vũng Tàu Phan RangVũng Tàu Cần Giờ, như vậy Vũng Tàu ở đây là để chỉ nơi thuyền neo đậu.

Theo Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ của tác giả Nguyễn Đình Tư, tên gọi Vũng Tàu có từ thời chúa Nguyễn và thời Gia Long. Năm Minh mạng thứ 5 đổi thành Thủ Phước Thắng. Trải qua triều Thiệu Trị, Tự Đức đến đầu thời kỳ Pháp thuộc gọi chung là Cap Saint Jacques và lập thành Thị xã từ 1-5-1895. Ngày 14-1-1899 giải thể Thị xã Cap Saint Jacques, đổi thành Tổng Vũng Tàu. Ngày 11-11-1899 lập lại Thị xã Cap Saint Jacques. Ngày 30-4-1929 đổi Tổng Vũng Tàu thành khu hành chính tự trị của Nam Kỳ gọi là Tỉnh Cap Saint Jacques. Ngày 27-11-1934 giải thể Tổng Vũng Tàu từ 1-1-1935, hạ Tỉnh Cap saint Jacques xuống Thị xã. năm 1947 nâng cấp trở lại thành Tỉnh Vũng Tàu. Năm 1952 hạ còn Thị xã Vũng Tàu.

Đến thời Đệ nhất Công hòa ngày 22-10-1956 hạ Tỉnh Vũng Tàu xuống Quận Vũng Tàu thuộc Tỉnh Phước Tuy. Sang thời Đệ nhị Cộng hòa ngày 8-9-1964 chuyển thành Thị xã Vũng Tàu.

Sau ngày 30-4-1975 Thị xã Vũng Tàu thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 30-5-1979 Thị xã Vũng Tàu hợp với Huyện Côn Đảo thành Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Ngày 12-8-1991 giải thể Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo thành lập Thành phố Vũng Tàu. Ngày 16-9-1999 Thành phố Vũng Tàu được xếp vào đô thị loại II.


Bổ sung:

Trong từ điển Annamite-Francais của tác giả Jean Bonet xuất bản năm 1899 có giải thích từ Vũng và địa danh Vũng Hàn, Vũng Tàu:

Trích Tử điển Annamite-Francais, Jean Bonet, xuất bản năm 1899.

Từ Vũng được giải thích là Ao, vũng, vũng nước; vũng tàu, vịnh, vũng, vụng,..  trong mục từ Vũng có từ Vũng Hàn giải thích là vịnh ở Tourane (Tourane tên gọi Đà Nẵng thời Pháp), và Vũng Tàu: vịnh (cap Saint-Jacques).

Bản đồ Vũng Tàu (màu hồng) và vùng phụ cận. Ảnh Internet.

- Về tên gọi Saint Jacques, Saint James:

Như ta đã biết thời thuộc Pháp Vũng Tàu được người Pháp gọi là Cap Saint Jacques, Au Cap Saint Jacques, và trong một quyển sách của một người Anh viết vào năm 1830 gọi Vũng Tàu là Saint James. Câu hỏi tôi muốn nêu ở đây Saint Jacques, hoặc Saint James là ai? hoặc có nghĩa là gì?

Có hai cách giải thích về từ Saint Jacques:

1- Saint Jacques: có nghĩa là Thánh Jacques (Saint là Thánh). Theo trang Wikipedia: Jacques là viết theo tiếng Pháp, viết theo tiếng Anh là James, tiếng Tây Ban Nha là (San) Tiago, và tiếng Việt là Gia-cô-bê hay Gia-cơ. Như vậy trong sách của người Anh gọi là Saint James, chỉ là cách gọi theo tiếng Anh của Saint Jacques.

Trong quyển Từ điển Tôn giáo thế giới giản yếu của tác giả người Hoa Kỳ John Bowker (NXB Từ điển Bách Khoa-2011), có viết về Saint James như sau: JAMES tên của hai hay ba  Kitô hữu thuở đầu. Thánh James, con của Zebedee, là anh của John, và là một trong các môn đệ thân thiết của Jesus. Ông chịu chết vì đạo vào năm 44 CN. (Công vụ Tông đồ 12. 2). Thánh James, "anh em của Chúa" (Mark 6. 3), người trở thành lãnh đạo Kitô giáo thuở ban đầu tại Jerusalem sau khi rời bỏ Peter. Thư của James là thư đầu tiên của các thư chung trong Tân ước.

2- Saint Jacques: bắt nguồn từ chữ "coquille Saint Jacques", đây là tên của một loại sò lớn  mang tên Thánh Jacques (coquille: con sò) ăn ngon, giả thiết này cho là ngày xưa các thủy thủ người Châu Âu tìm thấy loại sò này ở biển Vũng Tàu. Tuy nhiên sách vở cũng cho biết loại sò "coquille Saint Jacques" sinh sống ở Đại Tây Dương, không sống ở vùng biển Vũng Tàu.







Tham khảo:

- Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn, Nguyễn Khắc Thuần dịch từ bản chữ Hán, NXB Giáo Dục-2007.
- Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức, dịch từ bản chữ Hán Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh, hiệu đính và chú thích Đào Duy Anh, NXB Giáo Dục-1999.
- Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổng tài Cao Xuân Dục, bản dịch từ chữ Hán Hoàng Văn Lâu, NXB Lao Động & TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây-2012.
- Đại Nam thực lục, Quốc sử quán triều Nguyễn, dịch từ chữ Hán Nguyễn Ngọc Tỉnh, hiệu đính Đào Duy Anh, NXB Giáo Dục-2002.
- Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ, Nguyễn Đình Tư, NXB Chính Trị Quốc Gia-2008.
- Nam bộ xưa & nay, nhiều tác giả, NXB Thời Đại - Tạp chí Xưa & Nay-2014.






Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Kiêu sa hay kiêu xa?



Trưa hôm nay (21-5-2015) xem trên tivi kênh HTV7 trong chương trình "Trong sáng cùng tiếng Việt" có nói về từ "kiêu sa" hay "kiêu xa"?. Hai nhân vật là vợ chồng tranh luận về một người phụ nữ đẹp, kiêu hãnh, phải dùng chữ "kiêu sa" hay "kiêu xa" viết thế nào là đúng (người vợ cho là viết "kiêu xa" mới đúng, còn ông chồng chọn "kiêu sa"). Đây là một từ bây giờ cũng hay dùng hằng ngày, chẳng hạn ta nghe nói "Nàng công chúa kiêu sa", hay "đấy là một cô gái kiêu sa", và có thể hiểu để chỉ một người phụ nữ đẹp, sang trọng, kiêu hãnh. Có vẻ như bà vợ  sai khi khẳng định phải viết là "kiêu xa".

Diễn giả của chương trình là một tiến sỹ về ngữ văn của một trường đại học đã phân tích hai từ trên và trả lời như sau (đại ý kết luận): Từ gốc của từ bên trên là "kiêu xa" chứ không phải "kiêu sa". Từ "Kiêu sa" là do chữ "kiêu xa" được phát âm trại đi mà thành. 

Thật sự là thoạt đầu tôi cũng nghĩ bà vợ sai khi dùng từ "kiêu xa", bởi  ta chỉ quen thấy từ "kiêu sa" xuất hiện trên báo chí, cũng như trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày. Thế là tôi lại phải lôi cái đám từ điển trên kệ sách xuống. Quyển từ điển tiếng Việt xưa Đại Nam Quấc Âm Tự Vị không thấy có chữ "kiêu sa" lẫn "kiêu xa".

Hán Việt Tự điển của Đào Duy Anh giải thích chữ "Kiêu xa" 驕 :  kiêu ngạo và xa xỉ

Quyển Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hanoi-1931) thấy có giải thích từ "Kiêu xa" 驕  : Kiêu căng xa xỉ: Con nhà phú quí quen thói kiêu xa. Không có từ "Kiêu sa"

Việt Nam Tân Tự điển của Thanh Nghị (NXB Thời Thế Saigon-1952) giải thích chữ "Kiêu xa": tt. Kiêu căng và xa xỉ. Fastuex luxurieux. Không có từ "Kiêu sa".

Tự điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí (Saigon-1971) giải thích từ "Kiêu sa": tt. Kiêu kỳ xa xỉ. Không có từ "Kiêu sa".

Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ - Nhóm biên soạn Quang Hùng-Khắc Lâm (NXB Từ điển Bách Khoa-2007) giải thích từ "Kiêu xa": trt. Kiêu căng xa xỉ. Cũng không có từ "Kiêu sa".

Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ do nhóm Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng-TT Từ Điển Học-1997) có đủ ghi đủ cả hai chữ "Kiêu sa" "Kiêu xa":

- Kiêu sa: d. (Người phụ nữ) đẹp và kiêu hãnh.
- Kiêu xa: t. (cũ; id). Kiêu căng và xa xỉ.

Như vậy qua khảo sát từ điển của các thời kỳ, ta có thể thấy thoạt đầu chỉ có từ "Kiêu xa", có nghĩa là "kiêu căng, kiêu kỳ, xa xỉ", Từ này mang ý nghĩa xấu, người nào bị cho là "người kiêu xa" có nghĩa là bị chê bai là người kiêu căng, xa xỉ, mà khi nói người kiêu căng, xa xỉ thì có thể dùng để chỉ cho cả nam lẫn nữ.

Còn "Kiêu sa" là một từ phái sinh từ chữ "Kiêu xa", có thể là do ban đầu phát âm sai nhưng sau đó đã trở thành một từ mới, với ý nghĩa khác với từ "Kiêu xa" cũ. "Kiêu sa" được dùng để chỉ người phụ nữ đẹp, sang trọng, đài các và kiêu hãnh. Một người phụ nữ được cho là "Kiêu sa" không hẳn là một người xấu (có thể "hơi chảnh"), và từ "Kiêu sa" chỉ để chỉ phụ nữ không dùng để chỉ nam giới.










Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

Trở lại những con đường.


Tên tự phát tạm của những con đường mới mở ở Saigon khi chưa có tên chính thức. Ảnh Internet.

Ở Saigon thì đường ngang ngõ dọc nhiều vô kể, giờ tan tầm phải biết xe cộ đông nghẹt, khói bụi mù mịt, ra đường ai cũng kín mít từ đầu đến chân. Hằng ngày dù muốn dù không mọi người cũng đều phải ra đường, đến nơi làm việc, đến trường học, đi chợ, đi chơi... Chỉ có những ngày lễ, tết đường phố Saigon trở nên vắng vẻ, thiên hạ biến đâu hết, đi ra đường... thấy sướng.

Đường phố Saigon thời mấy ông Tây bà Đầm không nhiều, thời đó chính quyền Xã Tây đặt tên đường theo tên Tây, như con đường thuộc lọai xưa nhất Saigon là đường Alexandre de Rhodes, là một giáo sỹ gốc Do Thái, sinh tại thành phố Avignon, một xứ thuộc vùng Provence của Pháp, nhưng quốc tịch Tòa thánh La Mã, thuộc Dòng Tên. Người đã cùng một số linh mục Bồ Đào Nha chế tác ra chữ quốc ngữ, tác giả của quyển Tự điển Việt - Bồ - La ấn hành từ năm 1651. Trước khi có tên Alexandre de Rhodes thì đường này có tên là Paracels (Hoàng Sa) (từ ngày 2-6-1871), đến 16-10-1871 đổi thành Colombert. Từ ngày 22-3-1955 chính quyền Saigon đổi thành Alexandre de Rhodes. Đến 4-4-1985, chính quyền mới đổi thành Thái Văn Lung. Nay lấy lại tên Alexandre de Rhodes.

Vài con đường khác khu trung tâm thành phố như đường Lê Lợi, từ năm 1865 Tây đặt là Bonard, đường Nguyễn Huệ Tây đặt là đường Charner, nhưng dân Ta quen gọi là đường Kinh Lấp, vì đây nguyên là con kinh bị lấp để làm đường. Đường Tự Do bây giờ là Đồng Khởi, Tây đặt là Blancsubé, rồi Catina. Sau hiệp định Genève chính quyền Saigon đặt là Tự Do. Dân Saigon thời trước năm 1975 đi dạo phố khu trung tâm, hay nói là "Đi bát phố Bonard, bát phố Catina", nhưng hiếm thấy nói "Bát phố Charner".

Qua thời Tây, đến thời Ta tên đường Saigon được đặt tên Việt, đại đa số là tên của những danh nhân thời vua chúa xưa, một số ít là tên danh nhân đương thời, hoặc những cái tên mang một ý nghĩa gì đó, cũng có khi là tên cây cỏ... Như ta đã thấy đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Gia Long, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Tri Phương, Lê Văn Duyệt, Duy Tân, Thành Thái, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Phạm Ngũ Lão, Ngô Quyền... Những danh nhân đương thời như đường Đại tá Trần Hoàng Quân, đường Trần Văn Văn (nghị sỹ), Nhất Linh (nhà văn), Tản Đà (nhà thơ, nhà báo), Trình Minh Thế (Thiếu tướng quân đội Cao Đài)... tên mang ý nghĩa có đường Tự Do, Thống Nhất, Cộng Hòa, Dân Chủ, Hòa Bình... Cũng có đường  để chỉ một hình tượng gì đó như đường Bàn Cờ. Tên cây cỏ có đường Vườn Chuối, Bông Sao, đường Bãi Sậy, đường Xóm Cải... Người ta cũng lấy tên danh nhân nước ngoài để đặt tên đường, như đường Alexandre de Rhodes kể trên, đường Pasteur, Yersin, Calmette, Khổng Tử, Lão Tử... Có đường mang tên thủ đô của các nước láng giềng như Kim Biên ( âm Hán-Việt của Phnom Penh, thủ đô nước Cam Bốt), đường Vạn Tượng (萬象 âm Hán-Việt của Vientiane, thủ đô nước Lào).

Ở Saigon, trong thời gian gần đây nhiều con đường mới mở mang tên các loài hoa, như nơi một khu dân cư mới của quận Phú Nhuận, những loài hoa được đặt tên đường như đường Hoa Lan, Hoa Huệ, Hoa Sứ, Hoa Lài, Hoa Cúc, Hoa Hồng, Hoa Phượng, Hoa Trà, Hoa Mai, Hoa Đào, Hoa Sữa... May không có tên đường nào mang tên... Hoa Mồng Gà. 

Củ Chi là một huyện mới phát triển nhập vào TP. HCM từ sau năm 1975, đường xá được xây dựng mới, có nhiều tên đường đặt theo các loài cây cỏ, như đường Bàu Lách, địa bàn xưa có nhiều bàu (ao, hồ) mọc nhiều cây lách (một lọai lau sậy, ta còn thấy trong từ lau lách), đường Bàu Trâm, nơi có một cái bàu có nhiều cây trâm bầu, đường Bàu Tre, nơi có bàu mọc nhiều tre, đường Bến Cỏ nơi có một bến đò, dân trong vùng cắt cỏ đưa ra đấy bán cho những người nuôi ngựa ở miền dưới. Đường Cây Điệp, nơi trồng nhiều cây điệp, đường Cây Gõ, nơi xưa có trồng cây gõ, đường Cây Trắc cũng là một loại cây gỗ lưu niên, đường Cây Trôm, cũng là nơi có trồng cây trôm (một loại cây cổ thụ cho mủ trời nắng nóng uống giải nhiệt), đường Xóm Thuốc, người dân ở đây trồng cây thuốc lá. Một con đường khác có tên là đường Mít Nài, mít Nài là một giống mít rừng giống như mít vườn nhưng không ăn được, gỗ chỉ làm củi đốt. Ở Củ Chi cũng có một con đường được đặt tên là đường Cây Bài, không thấy sách vở giải thích cây bài là cây gì? Chắc không phải là cây bài... cào ba lá.

Bản thân tên gọi Củ Chi thì "củ chi" là củ "mã tiền" (Từ điển Bách khoa Nông nghiệp), tên một cây thuốc trước đây được trồng nhiều ở địa phương. Ở Củ Chi có một địa danh là Bến Dược, có 3 giả thuyết về tên gọi này: 1. Đọc theo giọng Nam bộ từ "Bến vượt", nơi đây có một bến đò trong chiến tranh bộ đội vượt sông vào bưng. 2. Là bến đò chuyên chở thuốc nam (như đã nói, trước đây vùng này trồng nhiều củ mã tiền còn gọi là củ chi). 3. Rút gọn của "Bến Bà Dược" (nơi đây có xóm Bà Dược). Nhiều người nghiêng về giả thuyết thứ 2. và thứ 3. hơn. Ở Củ Chi cũng có tên đường là loài vật, như đường Cá Lăng, đường Hố Bò, hoặc mang những tên gọi khác như đường Sông Lu, đường này là nơi có một con sông ngày trước ghe thuyền chở lu đựng nước đến bán, đường Suối Lội bởi dọc theo con đường có một con suối, mùa khô người dân có thể lội qua mà đi không cần ghe thuyền.

Những con đường có tên cây cỏ hay tên thú vật ở Củ Chi này là do trước khi mở đường chính thức, đây là những địa danh đã được người dân quen gọi từ lâu, nay được tiếp tục đặt tên cho đường mới mở.

Cũng có quận, huyện khác có những tên đường nghe khá ấn tượng, chẳng hạn đường Tên Lửa thuộc quận Bình Tân, gọi là đường Tên Lửa bởi sau năm 1975 trên con đường này đóng một đơn vị phòng không có trang bị hỏa tiễn phòng không (tên lửa). Cũng ở quận Bình Tân có con đường khác là đường Mả Lò (tên ghi trong sách), với giải thích ở nơi đây có một khu nghĩa địa mà những ngôi mả đều xây theo hình dáng lò nấu bếp, nhưng xem thông tin trên các trang mạng lại ghi là đường Mã Lò (Mã dấu ngã).

Sau một thời gian dẹp mất một số đường mang tên các vị vua và triều thần nhà Nguyễn, thì những con đường mới mở ở những quận huyện Saigon hiện nay đã phục hồi lại một số danh nhân triều Nguyễn, như Nguyễn Phúc Chu (quận Tân Bình), Duy Tân, Thành Thái, Khải Định, Phan Thanh Giản (quận 9, quận 10), Lê Văn Duyệt (trong cư xá ở quận 9)... Gần đây có thêm những con đường mang tên những văn nghệ sỹ của cả hai miền Nam, Bắc như đường Tô Ngọc Vân (quận 12), Lê Thương (huyện Cần Giờ), Xuân Diệu, Xuân Hồng, Vũ Trọng Phụng, Văn Cao, Văn Chung, Nguyễn Hiến Lê (quận Tân Bình), Vũ Ngọc Phan (Bình Thạnh), Hồng Sến, Lưu Trọng Lư (quận 7)...


Tham khảo:

- Từ điển TP. Saigon - TP. Hồ Chí Minh, nhiều tác giả, NXB Trẻ-2001.

- Đường phố TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Quang Thắng - Nguyễn Đình Tư, NXB Văn Hóa Thông Tin-2001.



Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Chợ.


Chợ quê. Ảnh Internet.

Chợ ở đây là chợ truyền thống, một hình thức trao đổi hàng hóa, mua bán, đã có từ rất lâu đời, là một nhu cầu tự nhiên của con người, nơi nào có con người là có chợ. Người ta nói từ thời Lý sau khi dời đô về Thăng Long đã có đặt bốn ngôi chợ chính nơi bốn cửa thành Thăng Long. Trong quyển từ điển của giáo sỹ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes 15-3-1591 - 5-11-1660) ta quen gọi là từ điển Việt-Bồ-La (xuất bản vào năm 1651), đã có mục từ chợkẻ chợ. Ta đã biết chữ quốc ngữ sơ khai của thời giáo sỹ Đắc Lộ khác xa chữ quốc ngữ mà ta viết ngày nay, vậy mà đối với từ chợkẻ chợ đã hoàn chỉnh, được viết y như bây giờ, gồm đủ cả dấu thanh (dấu nặng, dấu hỏi), dấu móc nơi chữ "ơ":

Từ chợkẻ chợ trong từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes.

Bản dịch từ chợ kẻ chợ của từ điển Việt-Bồ-La 

Như ta đã thấy giải thích bên trên, chợ"Nơi tụ họp bán đồ ăn", có lẽ ở vào thời xa xưa hàng hóa tiêu dùng không nhiều, người dân sống chủ yếu vào nông nghiệp, trồng trọt, đánh bắt tôm cá... có dư dả thì họ mang ra chợ trao đổi, mua bán, thực phẩm là mặt hàng chiếm phần lớn trong hoạt động trao đổi mua bán đó, có lẽ vì thế mà từ điển của giáo sĩ Đắc Lộ chỉ ghi nhận chợ là nơi tụ họp bán đồ ăn. ChợKẻ Chợ cũng được dùng để chỉ Kinh đô xứ Đông Kinh (Tunquin), tức là Thăng Long ngày trước.

Chợ như thế là chợ truyền thống mà ta có thể thấy bất cứ đâu đâu, từ thôn quê ra tới thành thị, chợ thôn quê buôn bán nhỏ lặt vặt gọi là chợ quê, còn chợ ngày xưa nơi chốn đô hội buôn bán lớn gọi là chợ dinh, như ta thấy giải thích trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của xuất bản vào cuối thế kỷ 19 (1895-1896),

Chợ dinh. Chợ ở tại chốn đô hội; chợ buôn bán lớn, không phải là chợ nhà quê.

Giải nghĩa từ Chợ trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị.

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị cũng giải thích một số chợ khác, chẳng hạn như Chợ mai là Chợ nhóm buổi maiChợ hôm là chợ nhóm buổi tốiChợ phiên là Chợ nhóm có kỳ, để mà bán những vật lạ thường...

Chợ bây giờ như Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích: Chợ. Chỗ nhóm mà mua bán. Người ta mua bán ở đó đủ mọi thứ, bất kể sáng đêm. Chợ thường bán đủ mọi thứ trên đời, nhưng cũng có những chợ chuyên bán một hay vài loại hàng chuyên dụng. Ở Saigon có chợ chuyên bán các mặt hàng vải vóc gọi nôm na là chợ Vải (chợ Vải Soái Kình Lâm trong quận 5), có chợ chuyên bán phụ tùng xe đạp, xe máy (chợ Tân Thành cũng ở quận 5), hoặc chuyên bán những đồ dùng, linh kiện điện tử như chợ Nhật Tảo quận 10. Có chợ chuyên bán các mặt hàng nông thổ sản, như chợ gạo, chợ gà, chợ bán chó, chim kiểng, hoặc chuyên bán mặt hàng hóa chất (chợ Kim Biên quận 5), cũng có những chợ chuyên bán những đồ đạc cũ kỹ gọi là chợ lạc xoong, hoặc đồ dùng tầm tầm như chợ Dân Sinh ở quận 1, chợ bán đồ cổ Lê Công Kiều quận 1... 

Chợ phiên, như Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích là Chợ nhóm có kỳ, để mà bán những vật lạ thường... Có những phiên chợ chỉ nhóm họp mỗi năm một lần. Nơi huyện Mèo Vạc - Hà Giang có một phiên chợ nổi tiếng đó là chợ tình Khau Vai, chợ họp mỗi năm một lần vào ngày 27-3 âm lịch. Người đi chợ thuộc dân tộc H'Mông, độc đáo ở chỗ ngày xưa họ đi chợ không phải để mua bán, mà những người có tình duyên dang dở, mỗi năm về đây một ngày tìm gặp lại nhau, để nhớ lại những kỷ niệm. Ngày nay chợ tình Khau Vai mất dần nét truyền thống độc đáo đó, để trở thành một ngôi chợ mọi người đến giao lưu, mua bán trao đổi hàng hóa.


Những phụ nữ người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc mang sản phẩm ra chợ. Ảnh Internet.

Nơi miền cao vùng rừng núi Tây Bắc còn nhiều những chợ phiên khác của những Dân tộc thiểu số, như chợ phiên Bắc Hà - Lào Cai, họp mỗi tuần một lần. Người dân đi chợ cũng là dịp đi chơi, trao đổi mua bán, gặp gỡ, giao lưu... Họ bán những bó rau rừng, con gà, con lợn nuôi trong vườn... Có những phiên chợ chuyên mua bán trâu, bò, ngựa...

Một chợ phiên khác ở vùng xuôi là chợ Viềng Nam Định, phiên chợ diễn ra hằng năm chỉ có độc nhất có một ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch. Phiên chợ mang tính chất lễ hội, bán đủ mọi thứ hàng hóa linh tinh, người ta đi chợ với mục đích du xuân, cầu may ngày đầu năm...

Một chợ phiên của các bạn trẻ ở Saigon. Ảnh Internet.

Ở Saigon bây giờ cũng có những phiên chợ như thế, nhưng mang tính chất hiện đại, đó là những phiên chợ tổ chức vào dịp lễ, cuối tuần hay mỗi tháng một lần, đây là sáng tạo của các bạn trẻ, nhiều bạn sinh viên, học sinh tham gia, nơi đây họ đem bán những sản phẩm thủ công làm bằng tay (handmade)... 

Chợ có chợ nhỏ tự phát trong khu xóm, bán những mặt hàng thiết yếu của cuộc sống hằng ngày, chai nước mắm trong nhà lỡ hết, ta có thể xách cái chén ra mua chén nước mắm, có chợ vừa vừa hoặc chợ lớn hơn của khu vực, chợ nhỏ thường bán lẻ. Những chợ lớn gọi là chợ đầu mối, chuyên bán sỉ, cung cấp hàng hóa cho các khu vực khác, hoặc cho các chợ nhỏ hơn. Ở quận 5 có chợ Bình Tây là một chợ đầu mối chuyên cung cấp hàng hóa đi các nơi...

Đồng bằng sông Cửu Long có một loại chợ đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ, đó là chợ Nổi, chợ Nổi họp hằng ngày như một chợ bình thường nhưng trên sông nước, nhộn nhịp nhất là vào buổi sáng sớm, trên những chiếc ghe thuyền, chợ Nổi chuyên buôn bán mặt hàng nông thổ sản của những người nông dân. Nổi tiềng có chợ Nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), chợ lớn nhất khu vực vì là nơi ngã bảy sông, nông sản các nơi tụ về. Ngoài ra còn có chợ Nổi Cái Bè nằm trên đoạn sông Tiền giáp gianh ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre. Chợ Nổi Cái Răng cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 5km theo hướng quốc lộ xuôi về tỉnh Sóc Trăng. Chợ Nổi Phong Điền cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 17km...

Chợ Nổi vùng sông nước miền Tây Nam bộ. Ảnh Internet.

Ở Hà Nội có một ngôi chợ nghe tên khá lạ, chợ ở góc phố Thái Phiên và Đại Cồ Việt quận Hai Bà Trưng, có ghi trong sách Sổ tay địa danh Việt Nam của tác giả Đinh Xuân Vịnh, chợ tên là chợ Đuổi. Tôi cũng có thắc mắc về tên gọi này, tên gọi dễ hình dung về một loại chợ tự phát, bây giờ thường thấy nhóm họp giờ tan tầm trên cầu, dọc lề đường nơi có những khu công nghiệp nhiều công nhân. Do chợ tự phát hay gây ách tắc giao thông nên thường bị các lực lượng chức năng dẹp đuổi. Hôm vừa rồi đọc sách của nhà văn Tô Hoài về Hà Nội xưa có nói tới ngôi chợ Đuổi này. Sách viết: Gọi là chợ Đuổi, không phải là chợ bị đuổi - như có bài báo cắt nghĩa mà chợ chính họp cả ngày đến chiều. Người kéo chuông đánh trống báo tan chợ - chợ Đồng Xuân là năm giờ chiều. Phu quét, phun nước, rửa chợ rồi khóa cổng chợ. Như vậy tên "đuổi" cũng có thể hiểu theo ý nghĩa là... đuổi, nhưng "đuổi" ở đây là do tới giờ nghỉ ngưng buôn bán, ai còn nấn ná thì mời về, chứ không phải là "đuổi" theo như cách hiều buôn bán lấn chiếm lòng lề đường bên trên.

Trong sách, nhà văn Tô Hoài cũng có nhắc đến một ngôi chợ khác cũng có một cái tên khá ấn tượng ở Hà Nội xưa nữa là chợ Âm Phủ, "Chợ 19-12 còn gọi là chợ Âm Phủ. Thành tên ấy là do sự tích 1947, Pháp chiếm lại Hà Nội, rác rưởi và những xác người chết đường, không phân biệt là bộ đội, là dân thường, được đem về chôn vào hẻm này, rồi đắp lên một gò cỏ dại, ở giữa xây môt cái lư hương bằng xi măng. Có người nhầm là mộ "chiến sỹ vô danh" của Pháp dựng. Quãng 1959, thành phố đã chuyển những hài cốt ở đấy ra nghĩa trang Văn Điển, để mở chợ 19-12, kỷ niệm ngày 19-12-1946 Hà Nội nổ súng đánh Pháp, cũng là ngày toàn quốc kháng chiến".

Chợ Âm Phủ - Đà Lạt. Ảnh Internet.

Một chợ đêm khá nổi tiếng trong giới du lịch ở miền Nam cũng được gọi tên là chợ Âm Phủ ở Đà Lạt, chắc các bạn đều biết. Nhưng tên gọi này chỉ để phản ánh hình ảnh của chợ. Chợ Âm Phủ Đà Lạt nhóm họp vào buổi tối cho đến đêm khuya, nơi có những bậc thang của một con dốc dẫn xuống chợ Đà Lạt. Chợ Âm Phủ bán hàng ăn cho người dân buôn bán địa phương và du khách. Dân Đà Lạt và du khách gọi là chợ Âm Phủ từ hồi còn chưa có đèn đường, quán hàng ăn được thắp bởi những ngọn đèn dầu gọi là đèn hột vịt để trên cái bàn con, cùng với ánh lửa than, lửa củi từ những ló nướng, lò nấu, tạo ra một vẻ... tù mù, âm u, ma quái, như dưới... âm phủ, cho nên người ta gọi như thế. Trời Đà Lạt ban đêm lạnh, khách ăn có thể là bác xe ôm, những người buôn bán lặt vặt, dân vận chuyển rau quả ở chợ Đà Lạt, ban đêm co ro bên những ánh lửa ấy như đang sống... dưới Âm Phủ. Đây là một ngôi chợ lộ thiên, một nét văn hóa độc đáo của Đà Lạt.

Và cái đặc điểm sau cùng của những ngôi chợ truyền thống ấy là gì? Có lẽ nó như một "Thông tấn xã vỉa hè", nơi gặp gỡ giao lưu của các bà nội trợ, của đủ mọi loại người trong xã hội, chắc là sẽ có biết bao nhiêu câu chuyện giựt gân, tin đồn, chuyện xe cán chó, chó cán xe... cũng từ những ngôi chợ mà ra...


Tham khảo:

- Các sách đã dẫn.




Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

Quá giang.

Sông nước miền quê. Ảnh Internet.

Quá giang là một từ khá quen thuôc trong cuộc sống, không biết ở nơi khác sử dụng ra sao? Chứ trong miền Nam thì từ trước đến giờ chắc các bạn quen cũng biết là một từ khá thông dụng. Thỉnh thoảng nhân tiện biết bạn đi đâu cùng đường, bạn bè quen đi nhờ xe hay nói "cho tao quá giang". Không chỉ bản thân đi nhờ, cũng có trường hợp nhờ gởi giùm cái gì đó, chẳng hạn như trong cơ quan có ai mời đám cưới, đám tiệc mà mình bận không đi dự được cũng thường hay gửi bạn bè, chuyển quà tới gia chủ với câu nói "cho quá giang với".

Trước năm 1975 tôi có thời gian sống trên cao nguyên, thì chuyện quá giang xe cộ là rất thường. Thời chiến tranh ấy phương tiện chuyên chở công cộng khá hiếm, ở những thị xã, mới có ít chiếc xe lam ba bánh chạy loanh quanh, đi xa hơn từ tỉnh này đến tỉnh khác có các hãng xe đò mà bây giờ gọi là xe khách (xe nhưng cũng được gọi là đò). Đám lính tráng trong quân đội như tôi muốn đi đâu không xa lắm, cứ ra đường giơ ngón tay cái lên trời (kiểu ký hiệu number one), không phải chờ lâu, sẽ có những quân xa không đi công tác khẩn cấp dừng lại cho quá giang. Có thể họ không chạy đúng đường ta muốn đi, nhưng vài chặng quá giang như thế cũng sẽ đến được nơi ta muốn đến.

Người dân cũng có thể quá giang như thế đối với những xe quân sự chứ không phải chỉ có lính tráng, nhất là ở những nơi cao nguyên xa xôi như Kontum, Pleiku, Phú Bổn, Quảng Đức... khi lúc ấy giao thông công cộng rất hạn chế.

Về ý nghĩa của từ quá giang, hai quyển từ điển xưa xuất bản trong Nam ngoài Bắc đã viết:

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (Saigon 1895-1896) của Huình Tịnh Paulus Của ghi nhận như sau: 

 Quá: Qua, khỏi, lỗi lầm, lầm lẫn.
 Giang: Sông.   

Quá giang: Qua sông, nhờ đò thuyền mà qua sông thường hiểu là ngồi chung thuyền mà đi đâu; bây giờ ngổi chung xe mà đi cũng gọi là quá giang, chỉ nghĩa là đi nhờ theo.

Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hanoi 1931), ghi nhận:

- Quá : 1. Qua. 2. Ra ngoài cái mực thước.     
- Giang : Sông (không dùng một mình).

Quá giang: Đáp thuyền đi. Nghĩa rộng: cái dầm nhà bắc ngang từ tường bên này sang tường bên kia.

Xem xét cách giải nghĩa từ quá giang của hai quyển từ điển trên ta nhận thấy:

1. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị xuất bản tại miền Nam vào cuối thế kỷ 19 (1895-1896), không chỉ giải nghĩa từ quá giang với nghĩa chính là Qua sông, mà còn giải thích rõ là nhờ đò thuyền mà qua sông thường hiểu là ngồi chung thuyền mà đi đâu; bây giờ ngồi chung xe mà đi cũng gọi là quá giang, chỉ nghĩa là đi nhờ theo. Trước tiên là việc đi nhờ đò thuyền để qua sông, sau là bây giờ ngồi chung xe mà đi cũng gọi là quá giang. 

2. Việt Nam Tự Điển xuất bản tại Hà Nội vào khoảng nửa giữa thế kỷ 20 (1931) chỉ giải thích quá giang với nghĩa chính là Đáp thuyền đi, và thêm nghĩa rộng là cái dầm nhà bắc ngang từ tường bên này sang tường bên kia, không giải thích là đi nhờ thuyền hay xe như Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, nhưng thêm nghĩa rộng là cái dầm nhà. Dầm nhà thì tiếng miền Nam gọi là đòn tay.

Như ta biết, ý nghĩa của từ quá giang với nghĩa gốc là qua sông, đáp thuyền đi, nhưng trước đây nghĩa rộng (nghĩa bóng) của từ quá giang trong Nam ngoài Bắc sử dụng khác nhau như ta đã thấy.

Trong sách viết về vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhà văn Sơn Nam viết:

Chuyện "quá giang" (nói trại là "có giang") trở thành phổ biến, nhờ xuồng đưa qua sông, nhờ chiếc ghe lạ đưa dùm quãng đường dài trong đôi ba ngày là dễ dàng, người "quá giang" được đối xử bình đẳng, cơm nước như chủ ghe, lẽ dĩ nhiên khi chủ ghe mệt mỏi thì tự nguyện chèo chống tiếp sức. Phương tiện giao thông công cộng lúc xưa gần như không có, nếu ở xa nơi thị tứ, lại còn trường hợp nhờ nhắn tin, nhờ đưa thơ từ. Người nhiều tiền cũng quá giang và ăn nhờ, trả tiền không ai chịu nhận vì "có chi mà gọi bằng ơn".

Như vậy có thể khẳng định từ quá giang với nghĩa bóng là đi nhờ ghe thuyền qua sông, có nguồn gốc từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long mênh mông sông nước, sau này khi đã có xe cộ thì đi nhờ xe  trên đường bộ cũng được gọi là quá giang. Qua nhà văn Sơn Nam nếu để ý một chút, có thể thấy chỉ với một từ quá giang, ta cũng có thể hiểu được ít nhiều tính cách của người dân Nam bộ.

Trái cây Miệt Vườn. Ảnh Internet.

Qua ngòi bút của nhà văn ta đã thấy cái phóng khoáng, hiếu khách, thẳng thắn bộc trực của người dân Nam bộ xưa kia, thể hiện phong cách "Tứ hải giai huynh đệ", với những câu ca dao còn truyền tụng:

- Xứ đâu thị tứ bằng xứ Kinh Cùng,
Tràm xanh củi lục, anh hùng thiếu chi.

- Ra đi gặp vịt cũng lùa,
Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu.

Họ vui và hồn nhiên với đời sống sông nước rày đây mai đó:

- Đạo nào vui cho bằng cái đạo đi buôn,
Xuống biển lên nguồn, gạo chợ nước sông.

Người dân Nam bộ xưa kia không những phóng khoáng với máu giang hồ phiêu lưu, hiếu khách, mà còn rất thẳng thắn, bộc trực, trọng chữ tín, mang dáng dấp của một "quân tử Tàu", có lẽ một phần do ảnh hưởng của Nho giáo và những quyển truyện Tàu ngày xưa được truyền tụng nhiều trong dân gian, như Tam Quốc Chí, Thủy Hử. Hán Sở tranh hùng, Nhị thập tứ hiếu...

Họ trọng nghĩa khinh tài, ưa chuyện nghĩa hiệp, như Lục Vân Tiên "giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha", cứu Kiều Nguyệt Nga khỏi tay bọn cướp của cụ Đồ Chiểu. Họ lấy Tam cương, Ngũ thường làm phương châm sống và xử thế. Ngay cả khi trồng cây kiểng ta cũng thấy họ uốn cành theo thế Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), bày mâm ngũ quả ngày lễ tết theo thế "cá hóa long", hay "rồng phụng". Trong những câu truyện giang hồ ta không bao giờ thấy dân tứ chiếng anh chị đánh lén đối phương. Trước khi tấn công họ thường la cho đối phương biết trước "đỡ nè" rồi mới ra đòn.

Mấy trăm năm trước, đa số người dân Nam bộ là từ miền Trung vùng Ngũ Quảng theo chân các đời chúa Nguyễn nam tiến. Vào một vùng đất mới có địa lý, thổ nhưỡng khác hẳn nơi quê hương cũ, cuộc sống lưu dân ban đầu trên vùng đất mới hoang sơ, rày đây mai đó, luôn phải đối đầu với thiên nhiên hoang dã khắc nghiệt, với bệnh tật, thú dữ, với nỗi buồn của kẻ tha hương... Cái môi trường sống mới đó hẳn là đã tạo cho những cư dân mới của vùng đất này một tính cách thật đặc sắc...


Tham khảo:

- Đồng bằng sông Cửu Long - Nét sinh hoạt xưa & Văn minh Miệt Vườn, NXB Trẻ-2014.
- Nói về miền Nam, Cá tính miền Nam & Thuần phong mỹ tục Việt Nam, Sơn Nam, NXB Trẻ-2015.





Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Miệt Vườn và Miệt Thứ.


Ở miền Nam ta hay nghe nói tới Miệt Vườn, và thường hiểu Miệt Vườn nôm na là vùng đồng ruộng, vườn tược đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Còn từ Miệt Thứ coi vậy mà ít người nghe nói, ngay cả khi tôi hỏi những người bạn quê quán, gốc gác Nam bộ.

Sách Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của giải thích chữ Miệt:
 Miệt. Nhỏ mọn, xứ miền, một dãy đất.
Đại Nam Quấc Âm Tự Vị còn phân biệt Miệt vườn và Miệt ruộng:
- Miệt vườn: Miền vườn, đất vườn.
- Miệt ruộng: Miền ruộng, xứ ruộng, phường ruộng.



Sông nước Miệt Vườn. Ảnh Internet.

Nhà văn, học giả Sơn Nam (1926-2008), một người được mệnh danh là "Ông già Nam bộ", "Nhà Nam bộ học", đã viết về vùng đồng bằng sông Cửu Long như sau:

Người ở đồng bằng sông Cửu Long đã phân tích khá tỉ mỉ những nét đặc biệt của từng vùng nhỏ trong đồng bằng. Họ gọi riêng rẽ:
- Miệt trên: vùng Biên Hòa, Gia Định, Bà Rịa có thể tính luôn vùng Tân An.
- Miệt Cao Lãnh: vùng chợ Cao Lãnh ngày nay, trước kia là quận lỵ của Sa Đéc.
- Miệt Đồng Tháp Mười.
- Mỹ, Vãng: Mỹ Tho, Vĩnh Long.
- Miệt Dưới: vùng Rạch Giá, Cà Mau.
- Miệt chợ Thủ, Miệt Ông Chưởng, theo lòng Ông Chưởng, nối sông Hậu qua sông Tiền, tỉnh Long Xuyên.
- Miệt Xà Tón, Bảy Núi, tức là vùng Thất Sơn và quận lỵ Tri Tôn (Châu Đốc).
- Miệt Hai Huyện (cũng là miệt Chợ Thủ, Ông Chưởng).
- Miệt Vườn, gọi tổng quát những vùng cao ráo, có vườn cam vườn quýt ở ven sông Tiền, sông Hậu,  thuộc tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ.
- Miệt Vườn tiêu biểu cho hình thức sinh hoạt vật chất và tinh thần cao nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Chúng ta đã nghe những danh từ:
- Về vườn, 
- Gái vườn,
- Công tử vườn, điếm vườn,
- Bắp vườn, nhà vườn.
...................

Hồi trước năm 1975 bạn nào ở Saigon chắc có nghe từ "Dân chơi miệt vườn", có lẽ ý nghĩa tương đương với từ "Công tử vườn" trong sách của nhà văn Sơn Nam. Một "Công tử vườn" vang danh thiên hạ xưa nay mà người dân Nam bộ ai cũng biết tiếng, đó là "Công tử Bạc Liêu" Trần Trinh Huy (1900-1974), còn gọi là Ba Huy và có biệt danh là Hắc Công Tử, người nức tiếng ăn chơi một thời, đã dám sắm và lái máy bay đi thăm ruộng vườn của gia đình.

Như vậy theo nhà văn Sơn Nam, thì Miệt Vườn những vùng đất cao ráo, có vườn cam vườn quýt ở ven sông Tiền, sông Hậu,  thuộc tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ. Nhà văn Sơn Nam cũng cho biết Miệt Vườn là nơi có mật độ dân số cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, được tạo lập trên những đất gò, đất giồng, đất vườn phù sa rất tốt, thích hợp trồng cây ăn trái, người dân quê làm vườn đỡ vất vả mà dễ kiếm ăn hơn làm ruộng, cuộc sống khá sung túc. Cho nên nhìn trên bản đồ thấy ở Miệt Vườn có rất nhiều địa danh, nhiều chợ quận, chợ làng.

Thế còn Miệt Thứ?

Như đã nói bên trên, hơi lạ là khi hỏi về Miệt Thứ, vài người bạn hoặc người quen biết gốc gác miền Tây Nam bộ của tôi lại không biết, có người còn nói chưa nghe nói đến tên Miệt Thứ bao giờ. Trong sách của nhà văn Sơn Nam có nói đến Miệt Thứ. Ông viết:

Đại Nam Nhứt Thống Chí chép đó là vùng "Lâm Sác", vùng Thập Câu, giới bình dân gọi nôm na đó là Miệt Thứ, là ven U Minh. Thập Câu là mười con rạch mang tên là rạch thứ Nhứt, rạch Thứ Hai... rạch thứ Mười chảy song song từ vùng đất thấp U Minh Thượng ra biển, gọi là "thập" nhưng trong thực tế hơn mười con rạch. Người địa phương lần hồi khai thác và khám phá thêm, thí dụ như rạch thứ chín rưỡi (giữa rạch thứ Chín và thứ Mười) hoặc rạch Xẻo Vẹt, Xẻo Ngát, Chà Và giả, Chà Và thiệt, rạch Ổ Heo, rạch Nằm Bếp, rạch Kim Quy...
.........................

Đây là vùng đất vào thời trước rất xa xôi, hiểm trở với nhiều thú dữ và bệnh tật, là nơi dừng chân cuối cùng của người dân Việt trên con đường Nam tiến, người dân chỉ đến khai thác vùng này từ sau năm 1870. Ở vùng Miệt Thứ ruộng xấu năng xuất kém, đất thấp nhiều muỗi mòng, nhưng được một cái ở Miệt Thứ những thức ăn như kỳ đà, rắn, lươn, cua, cá lóc, tôm, đuông chà là nhiều đến mức ê hề, người sành điệu tha hồ mà chế biến, có lẽ dân miền Tây nhậu giỏi cũng nhờ "mồi nhậu" chế biến từ những "đặc sản" này.

Miệt Thứ thời ấy xa xôi cách trở quá, cho nên cô gái Miệt Vườn theo chồng về Miệt Thứ có tâm sự:

Đêm đêm ra đứng hàng ba,
Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn.
Sương khuya ướt đẫm giàn bầu,
Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai?



Còn cô gái ở miền Miệt Thứ Cà Mau lại bày tỏ: 

Mẹ mong gả thiếp về vườn, 
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh

Trong sách của Bùi Đức Tịnh (1923-2008), một học giả, nhà giáo, nhà báo quê ở Ba tri - Bến Tre, sách của ông viết nhiều về đủ mọi thể loại (Văn học sử, Văn học, Ngôn ngữ học, Địa danh Nam bộ...) cũng có viết về ThứMiệt Thứ:

- Thứ: Danh từ dùng riêng trong vùng Rạch Giá, Cà Mau để gọi 9 con rạch đổ ra vịnh Thái Lan bắt đầu từ chỗ gần sông Cái Lớn (Rạch Giá) xuống đến Khánh Lâm (Cà Mau). Ngọn rạch gần sông Cái Lớn nhất gọi là Thứ Nhứt, rồi đến Thứ Nhì, Thứ Ba... cho đến Thứ Chín.

Cũng cần phân biệt vùng có những con rạch đến thứ chín này là khu vực Thới Bình, Huyện Sử (tên một ngôi chợ) với khu vực gọi là "Miệt Thứ" thuộc quận Năm Căn ngày trước. Đây là vùng U Minh Hạ có 12 con kinh đưa vào rừng lấy củi, ăn ong (lấy mật ong), được gọi theo thứ tự từ kinh 1 đến kinh 12.
.........................

Nói chung qua hai học giả người Nam bộ chuyên viết vùng đồng bằng sông Cửu Long, ta thấy:

- Miệt Vườn: để chỉ vùng đất cao giồng, gò có vườn cam vườn quýt (vườn trái cây) ven sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ, đây là vùng đất màu mỡ, trù phú, người dân Việt Nam đến định cư tại vùng này khá sớm, cuộc sống sung túc.

- Miệt Thứ: là vùng đất thuộc vùng U Minh, Cà Mau, nơi có hơn mười con rạch mang tên rạch thứ Nhứt, rạch thứ Hai... (theo nhà văn Sơn Nam), hoặc mười hai con kinh gọi theo thứ tự từ kính đến kinh 12 (theo học giả Bùi Đức Tịnh). Chữ Thứ ở đây là theo thứ tự của các con rạch, con kinh. Vùng này thời trước xa xôi, hiểm trở, dân cư thưa thớt, nghèo nàn bệnh tật... với nhiều hiểm nguy, còn truyền lại trong những câu ca dao: 

Chèo ghe sợ sấu cắn chưn,
Xuống sông sợ đỉa lên rừng sợ ma.

Hoặc:

Tới đây xứ, sở lạ lùng,
Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê.

Cà Mau khỉ khọt trên bưng,
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um.

Bây giờ những từ ngữ, địa danh như Miệt Vườn, Miệt Thứ đã dần trở thành quá khứ ít được nhắc tới, bởi đâu đâu cũng đã là thành phố. Cách nay vài chục năm (trước năm 1975) ở miền Nam, thì từ "thành phố" được mặc nhiên để chỉ Saigon. Thời đó tôi có dịp đến những tỉnh duyên hải, cao nguyên miền Trung, hay về miền Tây Nam bộ, người ta gọi Saigon là "thành phố", người Saigon là "người thành phố, dân thành phố", và khi người ở những địa phương ấy nói "đi chơi thành phố" ai cũng hiểu là "đi chơi Saigon".

Một từ khác chỉ địa danh ở miền Tây Nam bộ hồi đó cũng hay được người dân Saigon nói, với ngụ ý để chỉ một nơi xa xôi hẻo lánh, khỉ ho cò gáy, bây giờ gọi là "vùng sâu vùng xa", hoặc dùng để chê bai ai đó "cù lần lửa, quê cời quê kệch". Những ai là công chức hay trực thuộc quân đội bị chuyển đi đến những nơi như thế, thường được ví von là "đi Chắc Cà Đao", còn anh chàng nào dưới quê mới lên Saigon còn ngờ nghệch, được ví là "gia đó ở Chắc Cà Đao mới lên". Nhưng cũng ít người rõ nơi này ở đâu. Trang văn Học và Ngôn Ngữ của Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn - TP. HCM cho biết:

"Đó là tên một con rạch, cũng là tên một ngôi chợ nhỏ (nay là thị trấn An Châu) gần Long Xuyên (An Giang). Học giả Vương Hồng Sển có ghi lại hai giải thích về tên gọi Chắc Cà Đao:

Theo ông Nguyễn Văn Đính, thì địa danh Chắc Cà Đao có thể do chữ Khmer chắp kdam (bắt cua) mà ra vì vùng này xưa kia có nhiều cua. Theo nhà văn Sơn Nam, Chắc Cà Đao do chữ Prek Pedao; Prek: rạch; Pedao: loại dây mây; rạch có nhiều dây mây.

Và ông nghĩ rằng giả thuyết của Nguyễn Văn Đính hợp lý hơn".



Tham khảo:

- Đồng bằng sông Cửu Long - Nét sinh hoạt xưa & Văn minh Miệt Vườn, Sơn Nam, NXB Trẻ-2014.
- Lược khảo nguồn gốc Địa danh Nam Bộ, Bùi Đức Tịnh, NXB Văn Nghệ TP. HCM-1999.




Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

Duyên.


Những quyển sách của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.

Sách Đối THOẠI với GIÁO HOÀNG GIOAN-PHAO-LỒ II.

Duyên ở đây không phải là tên người, mà là có duyên, và duyên với sách. Hôm nọ đi trên đường, cũng đang gấp chứ không rảnh, nhưng nhìn thấy một chị đẩy cái xe đẩy đi mua ve chai bên lề đang ngồi lựa ra mấy quyển sách trong đống giấy báo ve chai. Tôi dừng lại xem thử, chỉ nhìn và lật qua vài trang tôi hỏi ngay chị đi mua ve chai có bán không, nếu bán thì bao nhiêu? Chị ấy nói có chứ, và ngập ngừng đưa ra giá của mỗi quyển sách là 10.000 đồng (mười ngàn đồng thời điểm hiện nay). Một cái giá quá rẻ đối với sách, nhưng tôi biết chị đi mua ve chai này vẫn sợ tôi chê đắt không lấy, bởi những người đi mua ve chai sách báo như thế này, khi mua được vài quyển sách cũ (thường là sách không có giá trị), với cái giá của giấy vụn là vài ngàn một ký lô, họ không biết giá trị của nội dung sách, và nếu họ có mang tới mấy tiệm mua bán sách cũ cũng chỉ được mua lại với giá cân ký rẻ mạt.

Bốn quyển sách vị chi là bốn mươi ngàn đồng. Tôi móc túi đưa cho chị ấy tờ giấy năm mươi ngàn, cám ơn và nói chị ấy khỏi thối lại, chị mua bán ve chai cám ơn lại rối rít. 

Trong bốn quyển sách tôi mua được có ba quyển của Đức Lạt Lai Lạt Ma Tây Tạng thứ 14 (*), hiện đang sống lưu vong. Một quyển là Tự truyện có tựa là TỰ DO TRONG LƯU ĐÀY, một quyển là Hồi ký với tựa NƯỚC TÔI và DÂN TÔI, và một quyển là trích những bài giảng của Ngài ở khắp nơi với tựa NGHỆ THUẬT SỐNG AN VUI. Quyển sách còn lại cũng là một quyển sách bàn về những vần đề tôn giáo có tựa là Đối thoại với Giáo Hoàng Gioan-Phao-Lồ II Nhân đọc cuốn BƯỚC QUA NGƯỠNG CỬA HY VỌNG (**) của Ngài. Cả bốn quyển sách này được dịch ra tiếng Việt và được xuất bản tại Hoa Kỳ. Tôi biết đây là những quyển sách hay, rất nên đọc.

Tôi đang đọc quyển Tự truyện của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhiều sách của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam, nhưng những trang sách Ngài viết về nỗi thống khổ của nhân dân Tây Tạng dưới ách thống trị của người Tàu thì sách ở Việt Nam không thấy dịch. Quả thật Ngài là một nhân cách lớn của Thế giới, Ngài không chỉ là nhà lãnh đạo tinh thần và là người bạn thân thiết của người dân Tây Tạng, mà còn là Người Bạn, Người Thày của Nhân loại. Tôi rất thích tấm hình chụp ở quyển sách thứ nhất (từ trái qua), một cái nhìn pha chút hóm hỉnh, chứ không phải là gương mặt trang nghiêm của một nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng thế giới. Đức Lạt Lai Lạt Ma xứng đáng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1989.

Thỉnh thoảng tình cờ tôi vẫn có được những quyển sách hay như thế, Đúng là tôi khá có duyên với sách.


Ghi chú:

(*) Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng tên thật là TENZIN GYASTO, sinh ngày 6 tháng 7 năm 1935, là nhà lãnh đạo Giáo quyền và Thế quyền của nhân dân Tây Tạng. Ông đào thoát khỏi Tây Tạng vào miền Bắc xứ Ấn Độ sau khi vượt qua dãy Hy Mã Lạp Sơn bằng đường bộ vào năm 1959, sau khi người Tàu xâm chiếm Tây Tạng, áp đặt một chính sách cai trị hà khắc. năm 1989 ông được giải Nobel Hòa bình của Ủy ban Hòa bình Na Uy trao tặng, dĩ nhiên là người Tàu phản đối khi ông được trao giải Nobel Hòa bình,
Trong buổi lễ trao giải Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu: "Giải thưởng đã tái xác nhận một lần nữa lòng quyết tâm của chúng tôi rằng chân lý, lòng dũng cảm và quyết tâm của chúng tôi như là những vũ khí, Tây Tạng sẽ được tự do. Cuộc đấu tranh của chúng tôi vẫn phải theo đuổi đường hướng bất bạo động và loại bỏ hận thù".
Theo công trình nghiên cứu cá nhân của giáo sư Eric Sharp thuộc Đại học Sydney (Úc), thì Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 là một trong ba Thánh nhân người Châu Á của thế kỷ XX, đó là thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (1861-1941), Mahatma Gandhi (1869-1948), cũng là người Ấn Độ, và Đức Đạt Lai Lat Ma.

(Trích trang mạng Wikipedia)

(**) Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hay còn gọi là Gioan Phaolô đệ nhị tên là KAROL JOSEF WOJTILA  (18-5-1920 - 2-4-2005), là vị Giáo Hoàng thứ 264 của Giáo hội Công giáo Roma kể từ 16-10-1978. Triều đại của ông kéo dài hơn 26 năm, và là triều đại Giáo Hoàng dài thứ nhì sau triều đại 32 năm của Giáo Hoàng Pio IX. Ông là vị Giáo Hoàng người Ba Lan duy nhất, và là vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải là Giáo Hoàng người Ý trong gần 500 năm qua.
Ông cũng là Giáo Hoàng đầu tiên của Hội thánh La Mã công khai xin lỗi về những lỗi lầm của Giáo hội trong quá khứ (điều này đã xóa đi quan niệm xưa nay của Hội thánh La Mã là Giáo Hoàng và Giáo hội luôn đúng). Giáo Hoàng Gioan Phaolo II là người đứng ra hòa giải với Chính thống giáo Đông phương, Do Thái giáo và Anh giáo. Ông cũng tổ chức gặp gỡ các lãnh đạo của các tôn giáo khác, kể cả Hồi giáo. Trong Tự truyện của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, cũng có nhắc đến lần Ngài gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II với những thiện ý.
Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã bị một người đàn ông Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ bắn trọng thương vào ngày 13-5-1981, tại Quảng trường Thánh Phêrô. May mắn Giáo Hoàng được cứu kịp. Sau khi hồi phục Giáo Hoàng đã nói: "Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi, người tôi đã chân thành tha thứ". Ngài quả là một người quảng đại.
Giáo Hoàng Gioan Phalo II là người đã mở Hội nghị Công giáo toàn thế giới vào ngày 11-10-1962 (Công đồng Vatican 2). Sau Công đồng Vatican 2 các giáo dân Thiên chúa giáo Châu Á đã được cho phép đốt nhang và cúng vái tổ tiên.

(Trích trang mạng Wikipedia).




Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Lan man.



Sốc: Từ điển Tiếng Việt giải thích ‘bồ bịch là... bạn bè thân thích’

Cộng đồng mạng xôn xao trước bức ảnh anh N.Đ.C đăng trên facebook về cuốn từ điển Tiếng Việt lý giải bồ bịch là bạn bè thân thích.

Cụ thế, việc giải thích từ bồ bịch là bạn bè thân thích gây nhiều tranh cãi. Một độc giả bình luận, đây là cách giải thích sai lệch quá nhiều về bản chất và không thể chấp nhận được.



(Hết trích)

Vào mạng, gõ sao nó lại ra những trang viết về cái sai của quyển từ điển Tiếng Việt của tác giả Vũ Chất, từng gây xôn xao vừa qua, vì những giải nghĩa sai sót của quyển từ điển này. Đây rõ ràng là một quyển từ điển tầm phào, nhưng xem lại mới thấy có những chỉ trích cũng không đúng, chẳng hạn về từ "bồ bịch" bên trên. Như trên hình chụp, từ điển Tiếng Việt dùng cho học sinh (xuất bản gần đây) đề tên tác giả Vũ Chất, trong mục từ "bồ bịch", đã giải thích: chỉ bạn bè thân thích.

Có lẽ bài báo trên đã căn cứ theo Từ điển Tiếng Việt của nhóm Hoàng Phê (NXB Đà Nẵng-TT Từ điển học-1997) để khẳng định cách giải thích "bồ bịch" là bạn bè thân thích là sai. quyển từ điển này giải thích từ Bồ bịch: d. (kng). Nhân tình, người yêu (nói khái quát).

Như đã biết, đây là một quyển từ điển có nguồn gốc xuất bản trước năm 1975 ở Saigon, sau năm 1975 được vài nhà xuất bản in lại dưới tiêu đề Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh. Về từ "bồ bịch" tôi không biết ở những địa phương khác trước giờ hiểu như thế nào? Nhưng nếu bạn nào trước năm 1975 đã đi học ở Saigon chắc sẽ hiểu rõ từ "bồ bịch". Thời đó tôi thường nghe từ "Bồ bịch" với hai cách hiểu: 

1- Cách hiểu thứ nhất: "bồ bịch" có nghĩa là hai người yêu nhau. Ta vẫn thường nghe nói về hai người yêu nhau như thế này: Tụi nó là bồ bịch, hoặc: Tụi nó bồ với nhau. Đấy là khi người ngoài cuộc nói về hai người yêu nhau.

2- Cách hiểu thứ nhì: "bồ bịch" có nghĩa là bạn bè thân thích. Chẳng hạn ta thường thấy hai người bạn thân thiết gặp nhau nói: Ê bồ, đi coi xi nê không? Cách nói này có thể xảy ra giữa hai người bạn trai, hai người bạn gái, hoặc một bạn trai một bạn gái thân thiết (nhưng chưa phải là người yêu).

Cụ thể quyển Từ điển Tiếng Việt của Ban Tu Thư Khai Trí xuất bản năm 1971 tại Saigon trong mục từ "bồ bịch" cũng giải thích: Bồ bịch: dt. Lóng: Bạn bè: chúng bồ bịch với nhau.

Cho nên đồi với riêng mục từ "bồ bịch" trong quyển Từ điển Tiếng Việt của Vũ Chất, có nguồn gốc xuất bản trước năm 1975 tại Saigon, vào thời điểm đó giải thích như trên cũng không phải là sai.

Như ta đã biết, từ "bồ bịch" trước đây để chỉ là người yêu, hay bạn bè chỉ là nghĩa phái sinh, mà ngày trước gọi là tiếng lóng. Thế nghĩa gốc của "bồ bịch" là gì?

"Bồ""bịch"  là hai từ ngữ Việt cổ mà ta còn tìm thấy trong những từ điển xưa sau đây:

- Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hanoi-1931) giải thích: Bồ: Đồ dùng đan bằng tre hoặc bằng nứa để chứa đựng. Bịch: Một thứ bồ to đựng thóc.

- Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của (Saigon-1895): Bồ: với những nghĩa sau: Cỏ Bồ, Bao, Lá ví tròn mà đựng lúa, Bù thêm. Bồ lúa: đồ bao đứng lên mà ví lúa. Bịch: Đố đựng lúa gạo, đương bằng tre, cỏ.

- Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (bản gốc xuất bản năm 1651, bản in lại và chú giải năm 1991 do NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 1991). Bồ, Cái bồ: cái thúng phần trên tròn, phần dưới vuông dùng để chứa gạo. Bịch, Cái bịch: cái sọt lớn.


Từ "Bồ""Bịch" trong từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (1651).


Bản dịch tiếng Việt của từ điển Việt-Bồ-La.

Chúng ta thấy từ "bồ bịch" là một từ đẳng lập, với hai từ có ý nghĩa như nhau, nhưng hiện nay chỉ còn thông dụng từ "bồ" trong bồ lúa, còn từ "bịch" với ý nghĩa cái sọt lớn, hay đồ đựng lúa gạo, không còn được sử dụng. Nhưng từ "bịch" không mất hẳn, nó vẫn còn được dùng trong ngôn ngữ hiện nay như ta thường thấy, cũng với ý nghĩa vật dụng dùng để đựng, như cái bịch giấy, bịch ny lông (bọc giấy, bọc ny lông).


Tham khảo:

- Các sách đã dẫn.






Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Người máy.

Ảnh trên báo Thanh Niên Online.

Tôi muốn nói đến người máy, người máy thứ thiệt mà tiếng Tây tiếng Mỹ gọi là rô bốt (robot), chứ không phải là những học sinh chỉ biết làm "văn mẫu", hay loại "người máy" ề à đọc những bài diễn văn đã được "lập trình" với những từ ngữ "máy" khuôn sáo na ná như nhau, và đặc biệt khuôn mặt nhìn không có một chút cảm xúc (y như người máy). Nhìn tấm hình bên trên đố ai nói không phải là người thiệt, một người đẹp có khuôn mặt hoàn hảo, từ mắt, mũi, miệng... đến mái tóc nâu màu hạt dẻ. Một khuôn mặt đẹp nhưng cho ta cảm giác thông minh, chứ không phải những khuôn mặt đẹp mà "rỗng" như ta thường thấy hiện nay. Thế mà đích thị lại là một người máy.

Nhìn những hình ảnh trên Thanh Niên Online (30-4-2015) về những người máy (robot) có bề ngoài giống y hệt người thiệt mà giật mình. Cô người máy bên trên có tên là "Yangyang", đã gây "sốc" cho người xem tại cuộc triển lãm ngày 29-4-2015 vừa qua tại Bắc Kinh. Cô người máy này biết biểu hiện cảm xúc của người thật qua nét mặt.

 Khuôn mặt người máy Repliee Q2 (bên trái) trong  triển lãm tại Nhật Bản. 
Ảnh Thanh Niên Online.

Hình tiếp theo là khuôn mặt của cô người máy Repliee Q2, đối diện với khuôn mặt người thật là một nữ sinh viên tại một cuộc triển lãm ở Tokyo - Nhật Bản vào ngày 31-10-2006. Nếu thoáng nhìn có lẽ ta sẽ có cảm tưởng đây là hai người thật đang giáp mặt nhau, khuôn mặt có dòng nước mắt lăn dài là khuôn mặt của cô người máy. Một khuôn mặt máy nhưng biết khóc và biểu lộ cảm xúc.

 Cô người máy biết chơi nhạc cụ tại Thượng Hải. Ảnh Thanh Niên Online.

Tấm hình thứ ba là hình ảnh của một cô người máy biết chơi nhạc cụ trong một cuộc triển lãm ở Thượng Hải - Trung Quốc vào ngày 2-11-2006. Trong hình phía sau là những quý ông đang mê mẩn chiêm ngưỡng cô người người máy xinh đẹp và tài ba này.

Nhà khoa học Đan Mạch Henrik Scharfe bên cạnh người máy Geminoid-DK mô tả chính ông. Ảnh Thanh Niên Online.

Hình cuối là nhà khoa học Đan Mạch Henrik Scharfe (bên phải) bên cạnh người máy Geminoid-DK mô tả chính ông trong bài thuyết trình về cuộc thi Robot quốc gia tại San Jose (Costa Rica) ngày 16-8-2013. Nhìn hình nếu nói đây là hai anh em ruột chắc không ai phản đối.

Bạn nào ở Saigon từ trước năm 1975 chắc không quên bộ phim Du hành giữa các vì sao (Star Trek) của Mỹ, chiếu trên kênh truyền hình của quân đội Mỹ ở Saigon (bộ phim ra đời từ năm 1966). Trong phim ngoài nhân vật quen thuộc "Lỗ tai lừa" Leonard Nimoy (1931-2015), ta còn thấy có một người máy trông như món đồ chơi của trẻ con. Nửa thế kỷ trước người máy trông như thế, vậy mà nay đã khác, hình dáng của người máy bây giờ trông y hệt người thật như ta đã thấy, và cũng được cài những chương trình thông minh để có những cử chỉ, cảm xúc như người thật.

Nhân vật Lỗ tai lừa trong bộ phim Star Trek. Ảnh Internet.

Sự tiến bộ của khoa học đã cho ra đời những cỗ máy thông minh, chẳng hạn như những máy bay không người lái (UAV) của quân đội Mỹ bây giờ sau khi được phóng lên, con người không còn điều khiển nữa, chúng có thể tự đi tìm và quyết định tấn công, tiêu diệt mục tiêu rồi trở về nơi xuất phát. Bây giờ chúng ta có những chiếc xe hơi rất tiện nghi, đẹp đẽ, sang trọng, nhưng một trăm năm trước khi xe hơi mới ra đời trông chúng rất khôi hài. Những người máy cũng thế, bây giờ trông giống y như người thật, trong những bộ phim khoa học giả tưởng có những nhân vật chỉ đến khi chết (bị phá hủy) ta mới thấy bên trông cơ thể toàn là những bánh xe và máy móc. Cứ thử tưởng tượng nếu ta gặp và trò chuyện với một cô gái như thế ở ngoài đường, cô ta rất xinh đẹp, rất thông minh, rất tình cảm, nhưng khi chia tay cô ta nói "Em là rô bốt", không biết cảm giác của ta sẽ ra sao? Và một vài chục năm nữa khi khoa học tiến bộ hơn, những người máy này sẽ còn siêu hơn nữa, hoàn chỉnh hơn nữa, lúc ấy dám có những người mê người máy hơn là người thật. 

Hồi nhỏ tôi có nghe một câu chuyện giả tưởng, con người chế tạo ra những người máy để phục vụ cho họ, rồi đến một lúc những người máy này không tuân phục con người nữa, chúng tự đứng lên làm một cuộc cách mạng lật đổ con người, và bắt con người trở lại làm nô lệ cho chúng. Một câu chuyện khác bắt nguồn từ Kinh thánh (tôi muốn nói điều này hoàn toàn trên khái niệm văn học chứ không phải trên tín niệm tôn giáo), Thượng đế tạo ra con người bằng cách lấy đất sét nặn thành hình người rồi hà hơi vào chúng, con người được ra đời như thế (trong một chừng mực nào đó có lẽ cũng giống như những người máy mà người ta chế ra bây giờ), rồi Thượng đế cho chúng trí thông minh, hiểu biết mọi chuyện. Nhưng than ôi, cái "người máy con người" thông minh ấy đã phản lại Thượng đế, để rồi bị đuổi ra khỏi vườn Địa đàng... 

Những câu chuyện mang tính chất biểu tượng ấy đang trở thành hiện thực chăng?