Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Thời... của bôi bác.

Hình ảnh Bà Trưng cỡi voi giả và đoàn tùy tùng trong ngày tổng dợt. Ảnh Internet.

Mấy ngày hôm nay trên một số trang mạng đưa lên những hình ảnh tiêu biểu của sự nhố nhăng, bát nháo, cái hời hợt, cẩu thả và tùy tiện hiện nay. Hình ảnh đầu tiên còn mang nguyên tính thời sự nóng hổi, là Bà Trưng cỡi voi giả, trong buổi tổng dợt cho ngày 30 tháng 4 năm nay ở Saigon. Voi giả đã đành, nhưng cái hình thù con voi giả này trông thảm thương quá đáng, nó thấp lè tè, mặt mũi kỳ cục, mắt lồi, tai cụp, đầu rũ... Trông con voi này thật bệ rạc. Giặc Tàu mà nhìn thấy con voi có lẽ sẽ chết, nhưng là chết vì cười... và con voi kỳ dị này được đặt trên 4 chiếc bánh xe kiểu như bánh xe của xe đẩy bánh mì bán ngoài đầu hẻm. Ngoài 4 chiếc bánh xe còn có... hai cẳng chân ló ra nữa, có lẽ con voi đi được là nhờ động cơ một "nhân lực" này.

Voi dởm và Hai Bà Trưng. Ảnh Internet.

Đành rằng có thể khó "điều" voi thật đến để Bà Trưng ngồi (hình  như trong sở thú vẫn có voi để làm xiếc cho con nít coi), nhưng nếu làm voi giả cũng vẫn có thể làm một con voi bằng giấy bồi đàng hoàng, vươn ngà, vươn vòi trong tư thế tiến quân chiến đấu (cứ vào Chợ Lớn đặt đám chuyên làm hàng mã làm cho, đẹp bá cháy). Con voi chỉ cần làm chừng 2/3 thân mình thôi và đặt trên một chiếc xe kiểu xe hoa, được trang trí đẹp (nhưng trang trọng, đừng lòa loẹt), che phần dưới chân, chỉ để lộ phần nửa trên của voi cho Bà Trưng ngồi trên đó, có lẽ nó không đến nỗi bôi bác như con voi trên.

Đoàn quân tướng đi theo Hai Bà Trưng cũng thế, ăn mặc xanh, đỏ, tím, vàng đủ màu sắc, nó giống như một đoàn hát tuồng hơn là đoàn tướng sĩ đi đánh trận của Hai Bà Trưng. Tôi không xem buổi lể diễu binh chính thức vào sáng nay, nhưng có bạn nói xem trên truyền hình để ý coi trong ngày chính thức này có còn con voi bôi bác đó không, may quá người ta đã dẹp bỏ.

Tượng Quốc tổ ở công viên Đồng Xanh - Pleiku. Ảnh báo Thanh Niên Online.

Hình ảnh kế tiếp cũng mang đầy tính thời sự là tượng Quốc tổ tại công viên Đồng Xanh, TP. Pleiku (Gia Lai). Tượng với 2 cánh tay để trần lực lưỡng, làn da trắng, trông như hai cánh tay của gã đô vật Wresling (Mỹ), kết hợp với râu mép kiểu "con kiến", chòm... râu dê, lông mày... xâm (hoặc vẽ), môi son, và móng tay cũng sơn đỏ chót. Quần thể tượng Quốc tổ và 18 tượng vua Hùng đã được tổ chức kỷ lục Guiness Việt Nam công nhận lớn nhất Việt Nam. Thật không thể tưởng tượng ra được vào mấy ngàn năm trước, đất nước lại có một Ông tổ "quái" như thế.

Sư tử chùa Bà Đế (Đồ Sơn - Hải Phòng). Ảnh Internet.

Hình ảnh kế nữa là tượng của một con sư tử nơi một ngôi chùa (chùa Bà Đế, Đồ Sơn - Hải Phòng). Tôi cũng đã đến khá nhiều ngôi chùa cùng đình, miễu, đền... ở khắp nơi, nhưng phải nói thật là lần đầu tiên tôi nhìn thấy con sư tử này ở một nơi thờ phượng, Sư tử Tây chẳng ra Tây, Ta chẳng ra Ta, Tàu cũng chẳng ra Tàu, mắt vẽ... lông nheo giả, mồm, mép được đánh son màu hồng, và toàn thân sơn màu vàng chói, kệch cỡm, được đặt nằm trên một cái bệ, hay cái gì đó trông như nắp chiếc... hòm nhà đám. Vác một "quái sư" như thế vào chùa được thì thật là thần sầu...

Trong đầu người ta bây giờ có gì? khi đưa những thứ này ra trước công chúng...???!!!




Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Chuyện chữ nghĩa.


Y phục của phụ nữ miền Bắc xưa. Ảnh Internet.

Ít hôm nay bận việc nhà không có thời giờ vào mạng, hôm nọ gặp bạn hỏi về câu thành ngữ "Ăn Bắc mặc Kinh" thì "Bắc" và "Kinh" ở đây là chỉ nơi nào? Bạn đã thử vào mạng tra thì thấy mỗi nơi giải thích một khác, ngay cả những trang của những giáo sư, tiến sĩ... khá nổi tiếng về chữ nghĩa cũng không có câu giải đáp khiến bạn hài lòng, người thì nói Bắc là vùng Kinh Bắc, tức là Bắc Ninh, còn Kinh là Kinh thành, Kinh đô Thăng Long còn gọi là Kẻ Chợ, họ giải thích, người vùng Kinh Bắc (Bắc) ăn uống ngon, còn người ở Kinh đô (Thăng Long, Kẻ Chợ) thì mặc đẹp.

Bạn nói có người giải thích Bắc đây là miền Bắc, còn Kinh là Kinh đô nhưng là Kinh đô xứ Huế, và đại khái cũng giải thích là người miền Bắc nấu nướng ăn uống thường ngon, còn người ở Kinh đô Huế thì thường mặc đẹp... Đại khái là như thế.

Nghe bạn nói tôi... toát mồ hôi hột. Trang của những người có tiếng giải thích mà bạn chưa hài lòng thì lấy chi tôi có thể lý giải được hơn. Tôi đành hẹn để về xem lại sách vở đã, coi tôi có tìm ra được cách giải thích nào có thể khiến bạn hài lòng hơn chăng? Quả thật tôi đã thử tra trên những trang mạng, và cả vài quyển sách, từ điển về thành ngữ, tục ngữ mình có thì cũng như bạn nói bên trên, chẳng thấy một trang nào giải thích câu thành ngữ này rõ ràng.

Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của nhóm Vũ Dung - Vũ Thùy Anh - Vũ Quang Hào giải thích câu trên như sau: Ăn Bắc mặc Kinh: [Ăn xứ Bắc mặc xứ Kinh] (Bắc: phía Bắc kinh đô Thăng Long, tức xứ Kinh Bắc, nay là Hà bắc; Kinh: Kinh Kì, tức kinh đô Thăng Long, nay là Hà Nội). Những nơi có truyền thống nấu ăn ngon, mặc đẹp.

Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân giải thích: ăn Bắc, mặc Kinh: Xưa kia người ta cho rằng người miền Bắc có những món ăn ngon, còn người Huế thì ăn mặc đẹp. (Cũng có người cho Bắc là Bắc Ninh, còn Kinh là Kinh đô Hà Nội cũ).

Những câu giải thích kể cả 2 quyển từ điển như trên rất chung chung, không nêu được lên cái nổi bật của ý nghĩa "ăn""mặc", "ăn Bắc" có phải là ăn ngon như người Kinh Bắc (Bắc Ninh), hay người miền Bắc nói chung. Còn "mặc Kinh", có phải là mặc đẹp như người ở Kinh đô Thăng Long (Kẻ Chợ - Hà Nội), hay như người Kinh đô Huế hay không? Người Kinh Bắc (Bắc Ninh) (*), quê hương quan họ chỉ có ăn ngon mà không mặc đẹp hay sao? Cụ thể là qua những bộ quần áo của họ khi hát quan họ?

Cũng như thế người Kinh đô (như Thằng Long - Hà Nội), hay Huế chẳng lẽ chỉ có mặc đẹp mà không ăn ngon? Người Thăng Long - Hà Nội xưa nay ngoài chuyện thanh lịch về mặc đã có tiếng về chuyện ăn ngon (**). Xứ Huế cũng nổi tiếng với những món ăn cầu kỳ của vua chúa ngày xưa, mà người dân Huế cũng rất sành điệu trong cái ăn, chỉ riêng món muối, mắm... của người Huế thôi cũng đã rất phong phú (***)... Ở xứ sở nào và thời nào cũng thế, người dân ở Kinh đô, Thủ đô (là những nơi có điều kiện), nên chắc chắn là những người rất sành về cả chuyện ăn lẫn chuyện mặc hơn các nơi khác.

Tuc ngữ và thành ngữ của Việt Nam thường rất cô đọng trong ngữ nghĩa, một câu thường có nhiều cách hiểu, Trong câu "Ăn Bắc mặc Kinh", nêu trên nếu "ăn" không phải là "ăn ngon""mặc" không phải là "mặc đẹp", thì "ăn""mặc" ở đây có ý nghĩa gì khác? Đang phân vân đặt câu hỏi và không biết trả lời sao, thì tình cờ tôi đọc được một bài viết ngắn dưới dạng hỏi đáp trong quyển Hỏi đáp về Triều Nguyễn và Huế xưa, của tác giả Nguyễn Đắc Xuân, một người dân Huế và cũng là một nhà nghiên cứu về Huế. 

Trong câu hỏi "Y phục thời Nguyễn thay đổi vào những thời kỳ nào?". Tác giả cho biết, ban đầu người dân của xứ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn mặc theo như người Chăm hay người miền Bắc (là nơi chúa Nguyễn đã ra đi). Đến đầu triều chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Hoạt (Khoát) khoảng năm 1743-1744, có câu sấm "Bát đời thời hoàn Trung đô". Người ta cho rằng: Tám đời thì sự nghiệp của chúa Nguyễn ở Đàng Trong sẽ trở lại Thăng Long. Đời thứ tám ứng vào chúa Nguyễn Phúc Khoát. Để hóa giải câu sấm, chúa Võ Vương bèn cho "đổi y phục, thay phong tục cùng dân đổi mới". Chúa châm chước áo quần của người Trung Hoa và người Chăm, chế ra chiếc áo dài và quần hai ống cho dân xứ Đàng Trong. Nhưng người dân từ Quảng Bình trở ra vẫn mặc theo như lối cũ.

Mãi đến tận đời vua Minh Mạng lối mặc của người miền Bắc vẫn thế, phụ nữ mặc áo vạt khép và váy, đàn ông con trai thường đóng khố, chứ không mặc quần hai ống như Đàng Trong. Đời Minh Mạng thứ 18 nhà vua xuống dụ quở trách, hạn trong năm phải thay đổi cách mặc, nếu năm sau còn có người mặc như cũ thì trị tội. Y phục là một tập quán không dễ gì thay đổi trong một sớm một chiều, bởi thế trong dân chúng miền Bắc có nhiều người tỏ thái độ không đồng tình với chủ trương "mặc quần có đáy" của vua Minh Mạng bằng mấy câu ca dao:

Tháng tám có chiếu vua ra,
Mặc quần có đáy người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang?
Có quần ra đứng ngoài đường,
Không quần ta đứng đầu giường xem quan.

Vì thế từ cuối triều Minh Mạng cho đến về sau, ở người phụ nữ miền Bắc vẫn có hai kiểu y phục, Y phục truyền thống (mặc váy), và y phục quần hai ống của Kinh kỳ (Huế).

Như vậy câu "Ăn Bắc mặc Kinh" ở đây có thể hiểu theo một nghĩa nữa là: "về chuyện ăn thì theo kiểu cách của người miền Bắc" (ăn Bắc), nhưng còn "về chuyện mặc thì theo kiểu cách của người Kinh đô Huế" (mặc Kinh). Nguyên câu này nói về chuyện chiếu của vua Minh Mạng bắt người dân Đàng Ngoài mặc theo kiểu quy định của nhà vua, cũng là kiểu mặc của người Kinh đô xứ Huế (Đàng trong), chứ "ăn" ở đây không có nghĩa là "ăn ngon", và "mặc" ở đây không có nghĩa là "mặc đẹp". Bản thân tôi nghiêng về cách giải thích này.



Ghi chú:

(*) Ngày xưa xứ Đông Kinh (Tonkin - Đàng Ngoài), được chia thành 11 tỉnh gọi là "xứ", gồm có: 1. Sơn Nam xứ, còn gọi là xứ Nam. 2. Hải Dương xứ, còn gọi là xứ Đông. 3. Kinh Bắc xứ, còn gọi là xứ Bắc. 4. Sơn Tây xứ, tức xứ Đoài. 5. Yên Quang xứ, tức xứ Yên Quang. 6. Lạng Bắc xứ, tức xứ Lạng. 7. Thái Nguyên xứ, tức xứ Thái. 8. Tuyên Quang xứ, tức xứ Tuyên. 9. Hưng Hóa xứ, tức xứ Hưng. 10. Thanh Hóa xứ, tức xứ Thanh. 11. Nghệ An xứ, tức xứ Nghệ.

Riêng Kinh thành (Kinh đô), là nơi nhà vua đóng đô , tục gọi là Kẻ Chợ, có tên là Thăng Long thì không thuộc xứ nào trong 11 xứ kể trên mà được xem là trung tâm, với bốn xứ là xứ Nam, xứ Bắc, xứ Đông và xứ Đoài. Bốn xứ trung tâm này được gọi là Tứ trấn. Mười một xứ kia được gọi là Phiên trấn. Theo những tên gọi các xứ vừa kể thì ta thấy có 2 xứ được gọi trùng tên xứ Nam và xứ Bắc, là Sơn Nam xứ thuộc Phiên trấn và xứ Nam thuộc Tứ trấn đều được gọi là xứ Nam, và Kinh Bắc xứ thuộc Phiên trấn và xứ Bắc thuộc Tứ trấn đều được gọi là xứ Bắc.

(**) Có nhiều sách của nhiều tách giả nói về món ăn ngon Hà Nội, chẳng hạn quyển Miếng ngon Hà Nội của nhà văn Vũ Bằng. Hay quyển Văn hóa ẩm thực Việt Nam - Các món ăn miền Bắc, trong sách viết về rất nhiều món ăn ngon ở Hà Nội.

(***) Trong sách Văn hóa ẩm thực Huế, tác giả là một bác sĩ gốc người Huế sống tại Hoa Kỳ cho biết chỉ riêng về món mắm, và muối, người Huế đã chế biến ra rất nhiều món mắm và món muối. Chẳng hạn mắm gạch cua, mắm tôm chua, mắm cà pháo, mắm cá ngừ, mắm ruột, mắm thính, mắm cá chuồn, mắm mòi, mắm nêm cá nục... về món chế biến từ muối có, muối sống, muối rang, muối tiêu, muối hầm, muối ớt, muối sả, muối ruốc, muối thịt, muối riềng, muối gừng...


Tham khảo:

- Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam, Vũ Dung - Vũ Thùy Anh - Vũ Quang Hào, NXB Văn Hóa - Thông Tin - 1998.

- Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam, Nguyễn Lân, NXB Văn Học - 2010.

- Hỏi đáp về Triều Nguyễn và Huế xưa, Nguyễn Đắc Xuân, NXB Trẻ - 2001.

- Văn hóa ẩm thực Huế, Bùi Minh Đức, NXB Văn Hóa - Văn Nghệ - 2011.

- Thư của các Giáo sĩ Thừa sai, Nguyễn Minh Hoàng dịch, NXB Văn Học - 2013.



Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Sự biến đổi của từ ngữ.


Hình ảnh hải tặc. Ảnh Internet.

Biến đổi ở đây là biến đổi về ý nghĩa của từ ngữ, bài viết vừa rồi nói chơi về chuyện ma, không ngờ các bạn vào bàn tán sôi nổi, kể lại những kinh nghiệm bản thân về chuyện ma cỏ, những điều khó có thể lý giải được trong cuộc sống, nghe rợn tóc gáy. Ở entry này tôi muốn bàn phiếm chơi về chuyện từ ngữ, cũng là từ chữ ma le

Như trong bài viết trước đã viết, trong hầu hết những từ điển tiếng Việt tôi có đều chỉ nói đến từ ma lanh, có nghĩa là ranh mãnh, tinh ma, láu cá... từ tiếng Pháp malin mà ra, còn từ ma le, cũng với ý nghĩa ấy, chẳng qua do cách phát âm của người miền Nam và người miền Bắc. Nhưng trong 2 quyển từ điển tiếng Huế, một là quyển Ngôn ngữ Văn hóa Du lịch Huế xưa của tác giả Trần Ngọc Bảo (NXB Thuận Hóa-2005), và quyển Từ điển tiếng Huế của BS. Bùi Minh Đức (NXB Văn Học-2009), đều giải thích ma le là con ma lè lưỡi. BS. Bùi Minh Đức còn viết rõ: "người Huế tin là những người chết do bị thắt cổ như tự tử hay bóp cổ thường bị lưỡi thè ra ngoài, do đó ma la là ma thắt cổ". Tôi không rành chút nào về ngôn ngữ Huế, không rõ thế nào, nên thấy giải thích thế nào thì biết vậy.

Bạn Marguerite vào comment nói, có người nhà là dân Huế nói làm gì có chuyện con ma lè lưỡi như thế, hì hì, nghĩa là chỉ có chuyện ma le là để chỉ đứa láu cá, ranh ma thôi... Như vậy đây có vẻ là một "biến thể" (nghĩa phái sinh) của cách hiểu, có thể là của một bộ phận người dân Huế, hay của riêng người làm từ điển chăng? Nhân đây tôi cũng xin nói thêm về trường hợp biến thể (phái sinh) như thế của một vài từ ngữ bây giờ ta hay gặp.

Trước hết xin nói về hai từ "hải tặc", hải tặc ( ) thì chắc trong chúng ta ai cũng biết, trong những câu chuyện, phim ảnh ngày xưa, ta thường thấy hình ảnh của bọn hải tặc, với tên chúa đảng đeo cái băng đen che một bên mắt, chỉ còn một cánh tay, cánh tay kia là chiếc móc sắt, nhưng đánh kiếm bá cháy, chỉ huy một chiếc thuyền buồm với lá cờ đen có hình chiếc đầu lâu với 2 thanh gươm bắt chéo phía dưới. Hải tặc tấn công không chừa một ai, tàu buôn, tàu hàng, tàu khách..., miễn là có cái cho chúng cướp bóc, có khi cả tàu chiến của quân chính phủ chúng cũng chẳng ngán. Hải () thì ai cũng biết có nghĩa là biển, đại dương, còn tặc () có nghĩa là quân cướp bóc, đạo tặc... Hải tặc ( ) có nghĩa là quân cướp ở biển. Từ điển Annamite-Francais của tác giả người Pháp Jean Bonet viết từ năm 1899 đã có giải thích từ hải tặc: pirates, corsaires. (quân cướp biển, hải khấu, tàu cướp biển). Trong rất nhiều từ điển Hán-Việt, cũng như từ điển tiếng Việt xưa nay lại không có từ hải tặc.

Từ "Hải Tặc" trong Từ điển Annamite-Francais của Jean Bonet (1899).

Một từ khác là "lâm tặc" ( ). Bây giờ người ta hiểu và dùng từ "lâm tặc" với nghĩa là những kẻ phá rừng bất hợp pháp (đành là phải thêm vào mấy từ bất hợp pháp, bởi hình như vẫn còn những kẻ phá rừng hợp pháp). Thậm chí vừa qua ở Hà Nội, người dân ví von những người chủ trương chặt cây xanh ồ ạt là "lâm tặc". Thực ra từ lâm tặc cũng có ý nghĩa như từ hải tặc, nếu hải tặc là quân cướp ở biển, thì lâm tặc là quân cướp ở rừng. Hình ảnh lâm tặc mà chúng ta có thể thấy là trong những phim ngày xưa của Tàu, với bọn cướp rừng bịt mặt cầm đao kiếm phục kích, chặn những đoàn xe ngựa, xe kéo chở hàng hóa của những thương nhân phải đi đường rừng núi để cướp bóc., và thường có những cuộc chiến xảy ra giữa bọn lâm tặc và đám bảo tiêu đi theo bảo vệ hàng hóa. Tặc (), là cướp ta đã biết, còn lâm () là rừng, do 2 chữ mộc (chỉ số nhiều) có nghĩa là cây hợp lại.

Ý nghĩa ban đầu của từ ngữ là thế, nhưng rồi qua thời gian (gần đây), thì từ ngữ đã bị biến đổi ý nghĩa, chẳng hạn lâm tặc thay vì được hiểu là những kẻ cướp hàng hóa, tiền bạc của con người ở nơi rừng núi, lại được diễn giải và hiểu là những kẻ phá rừng, lấy gỗ bất hợp pháp. Việc hiểu như thế thường có 2 nguyên nhân chính, nguyên nhân đầu là người ta cố tình dùng một chữ có sẵn này, để diễn tả một trường hợp khác như trong trường hợp chặt cây, phá rừng (thường trong trường hợp này từ "lâm tặc" được sử dụng nơi những người hiểu biết, và phải được dùng trong ngoặc kép). Nguyên nhân thứ nhì là người sử dụng hiểu sai ý nghĩa ban đầu, có khi người ta nghĩ đơn giản, lâm là rừng, tặc là cướp, lâm tặc là  cướp rừng, mà ở rừng ngoài cây gỗ thì còn có gì khác để cướp?

Vậy mà có quyển từ điển từ Hán-Việt chỉ giải thích từ lâm tặc với chỉ một ý nghĩa như trên, lâm tặc ( ): kẻ cướp phá rừng trái phép (Từ điển Từ Hán-Việt, Lại Cao Nguyên chủ biên, NXB Khoa học xã hội-2007). Lẽ ra từ điển phải giải thích nghĩa gốc (đúng) ban đầu, rồi sau đó giải thích thêm nghĩa phái sinh.

Một từ khác cũng trong "hệ thống tặc" là từ cẩu tặc, bây giờ từ cẩu tặc được dùng trên báo chí với ý nghĩa là bọn trộm chó. Đã có nhiều trường hợp đau lòng xảy ra trong xã hội về chuyện này. Hoàn toàn ban đầu từ cẩu tặc có nghĩa khác, ta có thể thấy trong truyện ngày xưa, người quân tử trung hậu hay chỉ mặt kẻ tiểu nhân mắng "quân cẩu tặc". Đây là tiếng có ý nghĩa nhục mạ, người bị mắng chửi bị coi như đồ chó má, tức là người xấu. Từ điển Hán-Việt trích dẫn (trên mạng) giải thích, cẩu tặc (狗 賊): tiếng nhục mạ người khác bất trung bất nghĩa.

Theo thời gian, những "tặc" hiện đại khác lần lượt ra đời, chẳng hạn như "đinh tặc" là kẻ rải đinh ngoài đường cho xe cán phải, để bắt chẹt người khác phải vá xe, thay ruột với giá cắt cổ. Một tặc khác là "sa tặc", gọi nôm na là cát tặc, là bọn chuyên môn khai thác cát bất hợp pháp trên những con sông... Rồi có khi những chuyện như lấn sông thiếu luận chứng kỹ thuật, có thể làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến môi trường sống của con người mai mốt đây sẽ được gọi là... giang tặc chăng?

Một từ khác mà bây giờ người ta cũng hay dùng sai với ý nghĩa ban đầu là từ bao biện (包 辦) có nghĩa là làm thay, làm cả những phần việc không phải của mình. Bao () có nghĩa là đảm đương. biện () có nghĩa là đầy đủ. Hán-Việt Từ điển trích dẫn giải thích: "phụ trách làm hết các việc, một mình làm cả". Nhưng bây giờ người ta cũng thường dùng trên báo chí, trên các phương tiện truyền thông với ý nghĩa bao biệnbao che và biện hộ cho điều lầm lỗi của mình hay của ai đó.

Đây không phải là những trường hợp đầu tiên từ ngữ bị dùng sai so với ý nghĩa ban đầu, nhiều từ ngữ trong tiếng Việt theo thời gian cũng bị chuyển đổi ý nghĩa, rồi dùng riết thành quen, cái đúng thành cái sai, cái sai thành cái đúng. Nhưng có điều đáng nói, cái sai thành cái đúng bây giờ thường là do vì ít hiểu biết, do cái cẩu thả, cái thiển cận của con người. Trong từ ngữ, ngôn ngữ, sai - đúng như thế hình như cũng không để lại những điều nghiêm trọng, nhưng trong nhiều vấn đề khác thì không được như thế.









Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Nói chuyện ma.


Cây đa đầu làng. Ảnh Internet.

Có người hỏi ma le là con ma gì? Câu hỏi bất ngờ thật không dễ trả lời. Tôi chỉ có thể nói theo "kinh nghiệm dân gian" từ thuở nhỏ, tức là tận cái thời còn đi học tiểu học, bạn bè thời còn bé tí ấy đôi khi nói với nhau "Thằng đó nó ma le lắm, mày đừng chơi với nó", ma le ở đây có nghĩa là láu cá, láu lỉnh, khôn ranh, khôn lỏi..., đại khái là như thế, nó không liên quan gì đến ma quỷ cả. Người hỏi nói thêm, tại đọc sách thấy nói ma le là con ma hay... le lưỡi nhát người ta. Hì hì, cái này để tôi thử xem lại.

Nói đến ma ta thường hay nghe nói, ma cô, ma cỏ, ma bùn, ma lem, ma da, ma trơi, ma cây gạo, ma gò mả, ma cà rồng, ma lai, ma xó, ma le, ma lanh, ma cà bông, ma cà chớp, ma cà chớn... Ở đây xin trừ những trường hợp như... ma pham, ma đam, ma sơ (ma femme, ma dame, ma soeur). 

Thực ra trong những thứ ma tôi vừa kể trên, có những trường hợp nói về con ma, chẳng hạn ma da là loại ma ở dưới sông nước, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích do người bị chết đuối hóa ra, lại tiếp tục đi kéo giò người khác xuống sông thế chỗ cho nó lên đất, hay ma trơi thực chất là chất lân tinh (phospho) ban đêm gặp không khí phát cháy lập lòe ở những nơi vắng vẻ, khiến người gặp sợ hãi. Còn con ma xó, ma lai rút ruột, ma cà rồng ta hay nghe kể trong những chuyện đường rừng, nơi những vùng cao nguyên hoang vắng ngày xưa. Hồi đó tôi ở trên cao nguyên trong những ngôi làng Thượng giữa rừng, ban đêm giơ bàn tay lên sát mặt mà chẳng thấy ngón tay, vậy mà cũng chẳng thấy con ma lai, ma xó nào hết. Hoặc giả nghe nói đến con ma cây gạo ban đêm mặc áo dài trắng xõa tóc đánh đu toòng teng nơi cây gạo đầu làng nhát người qua lại. Còn con ma gò mả ác chiến hơn hẳn, đêm đến hay dụ người ta nói dắt đi ăn cỗ, nhưng lại kéo người ta ra gò mả xơi toàn... đất sét... v.v... Không biết có ai gặp chưa chứ hồi nhỏ mà nghe kể chuyện ma là đã rợn tóc gáy, đêm không dám... đi tè. mà khổ, sợ thì sợ nhưng lại thích ngfhe mới chết.

Còn ma cô, ma cà bông, ma cà chớp... là để chỉ bọn du đãng, du thử du thực mà ngày trước gọi là bọn đá cá lăn dưa, ma bùn, ma lem để chỉ những người trông nhếc nhác, bẩn thỉu...

Trở lại chuyện ma le, trong hầu hết từ điển tiếng Việt xưa nay tôi chỉ tìm thấy từ ma lanh chứ không thấy từ ma le, nhưng trong 2 quyển Từ điển về tiếng Huế có giải thích về ma le. Thứ nhất là quyền từ điển Ngôn ngữ Văn hóa Du lịch Huế xưa của tác giả Trần Ngọc Bảo (NXB Thuận Hóa-2005) không có từ ma lanh, chỉ có từ mà le và giải thích, ma le: dt loài ma tương truyền thường thè lưỡi ra thật dài để dọa người. Còn quyển Từ điển Tiếng Huế của BS. Bùi Minh Đức (NXB Văn Học-2009) có ghi cả 2 từ ma lanhma le. Ma lanh: lanh lợi, ranh mãnh, khun. Do chữ "malin" của Pháp mà ra. Ma le: 1/ Ma lè lưỡi, người Huế tin là những người chết do bị thắt cổ như tự tử hay bóp cổ thường bị lưỡi thè ra ngoài, do đó ma le là ma thắt cổ. 2/ ranh mãnh. Do chữ "malin" của Pháp mà ra.

Thuở nhỏ tôi còn nhớ, khi chơi với bọn trẻ người miền Nam, thì mới nghe nói ma le để chỉ đứa láu cá, lém lỉnh, còn tụi nhóc tì gốc gác miền Bắc như tôi, khi nói đứa láu lỉnh thì lại gọi là ma lanh chứ không phải là ma le. Khi lớn lên học sinh ngữ thì tôi mới biết malin (adj-tính từ) trong tiếng Pháp có nghĩa là ranh mãnh, tinh nghịch, hiểm ác... Thực ra tiếng Pháp đọc âm giữa malanhmale chứ không hẳn là malanh hay male như bọn nhóc tì nói với nhau.

Một minh chứng rõ nhất cho việc đọc như thế giữa hai miền là từ main trong bóng đá. Thuở nhỏ nhà ở gần sân vận động Cộng Hòa tại Saigon (bây giờ là sân Thống Nhất), tôi hay được ông cụ thân sinh dắt đi xem bóng đá, những người lớn đi xem bấy giờ khi bàn luận, theo dõi trận đấu, bóng chạm tay cầu thủ họ thường nói "manh" (main có nghĩa là tay trong tiếng Pháp), nhưng đấy là mấy ông bạn cũng người Bắc của ông cụ thân sinh tôi đi cùng, còn những khán giả khác đa số bóng chạm tay cầm thủ thì họ la "me, me". Một từ khác nữa là từ Yersin (BS người Pháp), người miền Bắc phát âm là Dẹc Xanh, trong khi người miền Nam phát âm Dẹc Xe, người miền Nam thường không đọc tròn âm "in" nơi tiếng Pháp mà thường nói là "e", trong khi âm miền Bắc lại nói hơi quá đà là "anh".

Như vậy theo sách vở ta có thể thấy, đối với người miền Bắc và miền Nam (Nam bộ) ma le hay ma lanh chỉ là một, để chỉ đứa láu lỉnh do tiếng Pháp "malin" mà ra, còn đối với người Huế thì ma lanhma le là có sự phân biệt, từ ma le ngoài nghĩa là ranh mãnh (cũng từ tiếng Pháp "malin") còn có nghĩa là ma... lè lưỡi. Nhưng nói chung từ ma lanh, ma le lâu rồi tôi không còn nghe trẻ con nói với nhau như thế nữa...



Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Chuyện cung tên.


Hình 1: Bức phù điêu bên nhà ông bạn Bulukhin. Ảnh Bulukhin.

Bên nhà ông bạn Bulukhin đưa ra một entry, có hình bức phù điêu được câu con trai mang về từ Yangon (Myanmar) tặng. Bức phù điêu mang hình ảnh một vũ nữ Apsaras (tạm cho là như thế), như những vũ nữ Apsaras của Cambodge, tay cầm một chiếc cung trong tư thế đang giương bắn, nhưng cung không có dây và cũng không có tên, còn chân của vũ nữ bắn cung lại đang giẫm lên mũi tên. Bức phù điêu bằng bạc nổi bật trên nền nhung đen, ông bạn Bulukhin nói mặt trước, sau không hề có một hàng chữ nào chú thích cho hình ảnh. Nhìn trang phục như áo giáp, tay cầm cung, chân giẫm lên mũi tên, tuy hình ảnh trông như vũ nữ, nhưng với trang phục áo giáp, cung, tên, cho ta cảm tưởng là một chiến binh hơn là vũ nữ. Ông bạn Bulukhin nhờ các bạn đặt tên cho bức phù điêu này. Thật là khó.

Tấm hình cho ta thấy vũ nữ Apsaras trong tư thế cầm cung đã bắn mũi tên đi, vì tay đã buông lỏng đưa lên cao khỏi đầu, chứ không phải hình ảnh cánh tay nằm ngang với tâm điểm cây cung, và bàn tay nắm lại, trong tư thế nắm mũi tên chuẩn bị bắn. Một chân của bức phù điêu co lên cao, còn chân kia nhón gót, cả hai chân đều cong trong tư thế nơi những điệu múa mà ta thường thấy ở những bức tượng vũ nữ Apsaras. Toàn hình ảnh bức phù điêu cho ta cảm giác vũ nữ Apsaras sau khi bắn đi mũi tên, thì "cỡi" lên mũi tên, lướt đi và "múa" cùng mũi tên đang bay, chứ không phải đang giẫm đạp lên mũi tên nằm dưới đất.

Myanmar ngày trước được gọi là Miến Điện, Diến Điện (緬甸) theo cách gọi của người Trung Hoa, là một quốc gia vùng Đông Nam Á có đến khoảng gần 90% dân số theo Phật giáo hệ phái Theravada (Phật giáo Nguyên thủy), như các nước lân bang Thái Lan, Cam Bốt, Lào... Tấm hình bên trên mang tính đặc trưng của Phật giáo Nguyên thủy, bởi hình ảnh của vũ nữ Apsaras này khi đến những chùa ở Thái Lan, Cam Bốt, và cả những ngôi chùa Khmer ở vùng Sóc Trăng Nam bộ tôi đều nhìn thấy.


Hình 2&3: Ảnh nơi những ngôi chùa Khmer Nam bộ, trông giống như vũ nữ bắn cung trong bức phù điêu của ông bạn Bulukhin. Ảnh Internet.

Hình 4: Lễ hội ở một ngôi chùa Nam bộ, bên tay trái là một vũ nữ, mặc như trong bức phù điêu, bên tay phải có lẽ là hình ảnh Ông Tà (Neak Ta) của người Khmer. Ảnh Internet.

Trước khi thử diễn giải về bức phù điêu của bác Bulukhin, tôi cũng thử tìm hiểu về motif cung, tên trong văn hóa ở một vài nơi trên thế giới. Ở phương Đông (Trung Quốc), ta thấy có điển tích Hậu Nghệ dùng cung tên bắn rơi chín mặt trời, chỉ còn để lại một mặt trời như ta thấy ngày nay. Thần thoại Hy Lạp phương Tây có thần Eros, được coi như vị thần của tình yêu, là một vị thần sáng thế con trai của thần Hermes. Thần có hình dạng một cậu bé xinh xắn, có khi có đôi cánh. Với những mũi tên luôn luôn bắn trúng đích, thần Eros đã gây ra những đau khổ và vui sướng của tình yêu cho cả các vị thần lẫn người trần.

Hình 5: Hậu Nghệ bắn mặt trời. Ảnh Internet.

Hình 6: Thần Eros, thần tình yêu trong thần thoại Hy Lạp. Ảnh Internet.

Bắn cung ở Nhật Bản đã được nâng lên hàng Đạo, họ gọi là Cung đạo (Kyudo), như nhiều môn thể thao, nghệ thuật khác, Kiếm đạo, Nhu đạo, Trà đạo, Hoa đạo... Đối với người Nhật, Cung đạo rèn luyện cho con người phẩm chất kiên nhẫn, sức mạnh tinh thần, sự am hiểu, lòng kính trọng con người, việc bắn cung phải hoàn hảo trong từng động tác.

Hình 7: Cung đạo Nhật Bản. Ảnh Internet.

Ở Việt Nam ta có truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương, một phát bắn được cả chục mũi tên, nhưng đây là cái nỏ, một loại "máy bắn tên" trong truyền thống giữ nước, chứ không phải chuyện cung, tên trong nghệ thuật hay triết lý tôn giáo.

Trở lại chuyện bức phù điêu của ông bạn Bulukhin. Tôi cũng tìm được một tấm hình khác, cũng có những vũ nữ Apsaras tương tự như trong bức phù điêu của ông bạn Bulukhin, đó là tượng của 2 vũ nữ đang gánh một chiếc chuông, chiếc chuông cỡ trung bình ta thường thấy nơi những ngôi chùa Phật giáo.

Hình 8: Hai vũ nữ gánh chiếc chuông. Ảnh Internet.
Như thế ta có thể khẳng định, đây là một vũ nữ Apsaras quen thuộc của Phật giáo Nguyên thủy, có trang phục trông như áo giáp thời xưa (trông như áo giáp chứ không phải là áo giáp), bởi hình ảnh bên trên là khiêng quả chuông, chứ không phải với cung tên. Vậy vũ nữ Apsaras này là ai trong Phật giáo Nguyên thủy? mà ta đã thấy hình ảnh khá nhiều nơi chùa của họ ở các nơi. Đây có phải là một vị thần của Phật giáo Nguyên thủy hay không?

Hình 9: Những vũ nữ Apsaras của Cambodge. Ảnh Internet.

Trong những sách vở về Phật giáo tôi có, do các vị Đại đức, Thượng tọa của mình viết, những quyển sách nói về những bức tượng, thần, pháp khí... lạ thay tôi không hề thấy một hình ảnh, hay một bài viết nào nói về vũ nữ Apsaras, và cũng khá lạ nữa, có vài quyển sách nói về các pháp khí trong Phật giáo, nhưng chỉ nói về những vật thông dụng, như chuỗi hạt, bình bát, chuông, mõ, khánh, tích trượng, thiền trượng... chứ không hề thấy nói đến các lọai binh khí như cung, tên, đao, kiếm... Kể cả tra trên các trang mạng của Phật giáo cũng thế. Những binh khí mà Phật giáo gọi là pháp khí như đao, kiếm, thương... trong các đình, đền người ta cũng hay trưng bày với tên gọi là lỗ bộ.

Trong một buổi đi nghe Thượng Tọa Thích Lệ Trang (*) nói chuyện về đề tài Phật giáo ở chùa Phật Học Xá Lợi. Thượng tọa có kể câu chuyện, đại ý: một lần Thượng tọa có nghe một anh hướng dẫn viên du lịch dẫn một đoàn khách vào chùa, anh chàng đã thuyết minh cây kiếm cầm trên tay một vị thần Phật giáo đặt trong chùa là "vũ khí" thay vì phải nói là "pháp khí", ("weapons" thay vì là "Buddhist  weapons").

Hình 10: Ông Tiêu (Tiêu Diện Đại Sĩ), một Hộ pháp của Phật giáo Đại thừa tay cầm kiếm. Ảnh Internet.

May thay, trên kệ sách có một quyển sách khác cho tôi những thứ mình muốn tìm. Đó lại là quyển sách của một tác giả người Pháp Louis Frédéric có tựa Tranh tượng & Thần phổ Phật giáo (**). Tôi có thể tìm thấy rất nhiều những vị thần mang hình ảnh phụ nữ của Phật giáo Đại thừa ở các quốc gia như Tây Tạng, Nhật Bản, Trung Hoa... Về bức tượng vũ nữ, sách viết: 

"Apsaras là những thiên nhân, không được thờ phượng như là các thần linh, mà chỉ là những tòng nhân của các Devas (Devas là những vị thần chính thức cư ngụ nơi các tầng trời). Phần lớn đó là các nhạc công hoặc các vũ nữ, và được sử dụng rộng rãi trong việc trang trí các đền chùa, nhất là ở Thái Lan, Myanmar và Lào. Họ thường được biểu thị theo chính diện, đầu đội mũ miện, tay chắp lại, hoặc trong tư thế nhảy múa, hay đang sử dụng các loại nhạc khí. Ở Campuchia, họ thường là những vũ công được trang điểm kỹ lưỡng với nhiều vàng ngọc, châu báu và khỏa thân ở bán thân trên. Xuyên qua nghệ thuật Đông Nam Á có lẽ họ tượng trưng cho những thần đất đai và thần bảo trợ".

Như vậy chúng ta đã thấy, đây là những vũ nữ Apsaras được sử dụng để trang trí các đền chùa ở Thái Lan, Myanmar, Lào, Việt Nam (như trong 3 tấm hình 2, 3, 4 ở những ngôi chùa Khmer Nam bộ bên trên), hoặc trong hình 8 có hai vũ nữ khiêng quả chuông. Những vũ nữ này không phải là những vị thần chính thức nơi các tầng trời, mà chỉ được sử dụng trong việc trang trí nơi các đền, chùa (như trong hình 2, 3), hoặc tượng trưng cho những thần đất đai, thần bảo trợ, như tác giả Louis Frédéric đã viết bên trên.

Còn về những binh khí, mà Phật giáo gọi là pháp khí, tác giả Louis Frédéric có đề cập đến trong sách đã dẫn. Các loại vũ khí (Ayudha) gồm có: Gươm (Khadga), Kiếm thẳng 2 lưỡi sắc, Kiếm cong, Giáo và Đinh ba, Rìu, Cung tên. Ý nghĩa của những loại vũ khi mà ta gọi là pháp khí này là tượng trưng cho cuộc chiến đấu chống lại những thế lực xấu như ma quỷ, tham, sân, si, sự vô minh, mê muội,  và cho việc bảo vệ Phật pháp. Đặc biệt nơi Cung tên còn tượng trưng cho sự tập trung tinh thần và minh triết, sự kết hợp giữa cung và tên có thể còn tượng trưng cho tình yêu.

Đến đây tưởng chừng đã hé lộ được hai phần ba đoạn đường, đã biết được ý nghĩa của vũ nữ, biết được ý nghĩa của vũ khí (Pháp khí) là cây cung và mũi tên trong tấm phù điêu ở hình 1. Nhưng than ôi, một đoạn văn khác cũng trong sách của tác giả Louis Frédéric trong chương viết về những vũ khí của Phật giáo, đã đưa những suy đoán tiếp theo của tôi vào ngõ cụt. Tác giả viết: "Những vũ khí này không bao giờ được tìm thấy nơi những biểu tượng thuộc về các phái Phật giáo Nguyên Thủy. Trái lại, chúng được sử dụng rộng rãi để biểu thị các vị thần thuộc về các phái Mật tông, ở Tây Tạng cũng như ở Trung Hoa và Nhật Bản". Những pháp khí dưới dạng vũ khí, chỉ được thấy ở những nơi thờ tự của Phật giáo Đại thừa, mà các vũ nữ Apsaras lại là một trong những biểu tượng của Phật giáo Nguyên thủy.

Hình 11: Hộ pháp Đa văn Thiên Vương (多闻天王), tay phải cầm Bảo tháp, tay trái cầm thương 3 chĩa trong một ngôi chùa ở Nhật Bản. Ảnh Internet. 

Hình 12: Một Hộ pháp tay cầm cung, tên được thờ trong chùa Đại thừa ở Trung Hoa. Ảnh Internet.

Từ điều khẳng định này, tôi chợt nhớ trong chính điện của những ngôi chùa Phật giáo Nguyên thủy chỉ thờ mỗi bức tượng Đức Phật Thích Ca, tượng phụ nữ chỉ có mỗi biểu tượng Apsaras nhưng không được thờ trong chính điện. Còn trong những ngôi chùa thuộc Phật giáo Đại thừa mới có tượng những vị thần hộ pháp khác trên tay mang những vũ khí (pháp khí), như kiếm, đao, thương, cung, tên...

Tôi tiếp tục thử đi tìm những hình ảnh của những vũ nữ Apsaras trên mạng, quả là tôi không thể tìm thấy ở đâu có hình ảnh vũ nữ Apsaras với những vũ khí nói chung, hoặc với cung tên nói riêng, như bức phù điêu đã dẫn. Như vậy tại sao lại có bức phù điêu mang hình ảnh Apsaras với cung tên mà ông bạn Bulukhin đã có, do con trai mang từ Myanmar, một đất nước của Phật giáo Nguyên thủy về tặng?

Đang phân vân, thì nơi một trang khác của quyển sách, tác giả Louis Frédéric có một tấm hình chụp một tượng Phật tại Myanmar, bức tượng Phật chụp trong tư thế Tọa thiền, hai chân xếp bằng, bàn tay phải trong tư thế ấn Xúc địa (Xúc địa ấn, tay tiếp xúc với mặt đất). bàn tay trái trong tư thế Thiền định. Nhưng điều đặc biệt nơi bức tượng Phật này là cặp kính trắng mạ vàng trên khuôn mặt. Phật đeo kính thì quả thật trên thế giới chắc chỉ có ở Myanmar.

Hình 13: Sách Tranh tượng & Thần phổ Phật giáo của Louis Frédéric.

Hình 14: Tượng Phật đeo kính ở Myanmar. 

Apsaras cầm vũ khí (pháp khí), hoặc Phật đeo kính, có lẽ hình ảnh này ngoài đất nước Myanmar thì không đâu có, nhưng nó có ý nghĩa gì? Hay chỉ là một sự kết hợp có tính cách đơn thuần về nghệ thuật trang trí của họ? Có một điều ta cũng đừng quên, là bức phù điêu vũ nữ Apsaras với cung tên chỉ là một sản phẩm mỹ nghệ, như những sản phẩm mỹ nghệ khác chỉ có tính chất kỷ niệm, không phải là một cổ vật tôn giáo trong bảo tàng, hoặc là hình ảnh chính thức được đặt trong chùa (có phải thế mà bức phù điêu không hề có một dòng chữ chú thích?). Cho nên họ có cách điệu so với truyền thống tôn giáo chắc cũng không lạ, chẳng thấm vào đâu với cách điệu của tượng Phật thờ trong chùa được đeo kính. Sách vở hoặc những thông tin về nền văn hóa Myanmar có quá ít. Điều này chắc chỉ người dân Myanmar mới có thể giải thích được.

Đúng là bó tay chấm cơm với việc đặt một cái tên ý nghĩa cho bức phù điêu, khi ta chưa thể hiểu được hình ảnh trên tấm phù điêu nói lên điều gì? Tôi chỉ có thể tạm gọi tấm phù điêu của ông bạn Bulukhin là "Vũ nữ Apsaras bắn cung", theo đúng như hình ảnh của tấm phù điêu đã thể hiện.

Điều sau cùng tôi muốn nói trong bài viết này, là cám ơn ông bạn Bulukhin về tấm phù điêu thú vị của Myanmar. Nhờ có nó tôi mới thử tìm hiểu, và biết thêm được ít nhiều về Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Nguyên thủy, và về nền văn hóa của đất nước Myanmar còn khá xa lạ.

Bổ sung theo gợi ý của ông bạn dungNobita:

Trên trang mạng Wikipedia viết về đất nước Myanmar, có chép, nền văn hóa Myanmar ảnh hưởng bởi Phật giáo và Braman (Ấn giáo Bà La Môn). Thần Rama là một vị thần quan trọng của đạo Hindu), tôi chép theo trang Wikipedia:

"Rama (राम, Rama) là avatar (hóa thân) thứ bảy của vị thần Hindu Vishnu, và một vị vua của Ayodhya trong kinh Hindu. Rama cũng là nhân vật chính của sử thi Hindu Ramayana, trong đó kể lại uy quyền của mình. Thông thường người ta cho rằng Rama được sinh ra khoảng 1,2 triệu năm trước, trong Treta Yuga, tuổi kéo dài 1.296.000 năm. Rama là một trong những nhân vật và vị thần nổi tiếng nhiều nhất trong Ấn Độ giáo. đặc biệt các kinh điển Tỳ-thấp-nô và Vaishnava ở Nam và Đông Nam Á. Cùng với Krishna, Rama được coi là một trong những đại diện quan trọng nhất của Vishnu."

Tượng mỹ thuật thần Rama của đạo Hidu (Ấn Độ giáo). Ảnh của trang Ebay.

Ảnh thần Rama cầm cung tên trên trang mạng Wikipedia.

Trên trang Wikipedia cũng không có thông tin gì nhiều về vị thần Hindu này, có lẽ cung tên là vũ khí của vị thần Rama. Trang Wikipedia có nhắc đến sử thi Raman. Tôi thử tìm trên mạng, có trang chép về Sử thi Ramayana. Tôi copy lại dưới đây:

"Thataka ném chiếc đinh ba về phía Rama. Trong khi chiếc đinh ba đang bay tới, rừng rực lửa hồng, Rama giương cung lên, bắn một mũi tên dập tan chiếc đinh ba ra làm trăm mảnh. Sau đó, mụ ta hốt luôn tất cả sỏi đá ném đi mong đè bẹp kẻ thù. Rama lại bắn mấy mũi tên nữa và biến tất cả những thứ đó thành ra vô hiệu. Cuối cùng một mũi tên của Rama xuyên qua họng con quỷ dữ và chấm dứt cuộc đời của nó; và cũng từ đó Rama bắt đầu nhận lấy sứ mệnh của mình là diệt trừ quỷ dữ và tội ác trong cõi trần này. Các thần tụ hợp trên trời bày tỏ nỗi vui mừng và niềm sảng khoái, rồi nói với Vivamitra: "Ôi, tôn sư, người là bậc thầy của các thứ vũ khí, xin người hãy đem tất cả hiểu biết và quyền lực của người truyền lại cho cậu bé này không chút e dè. Cậu ta là một vị cứu tinh". Vivamitra làm đúng theo lời dặn này là đã dạy cho Rama tất cả những môn cần thiết cho việc sử dụng vũ khí. Sau đó ít lâu, các vị thần đứng đầu từng loại ashiras (vũ khí) kính cẩn hiện lên trước mặt Rama và tuyên bố: "Giờ đây, chúng tôi là người của Ngài, xin Ngài cứ ra lệnh cho chúng tôi, không kể ngày đêm".

Như vậy đã rõ, đó là hình ảnh của thần Rama dùng cung tên giết chết con quỷ dữ Thataka. Bức phù điêu Apsars của bác Bu có thể là sự kết hợp giữa Phật giáo Nguyên Thủy (với hình ảnh Apsaras, dáng điệu của người bắn cung trong phù điêu rất giống tư thế múa của Apsaras), và sử thi về vị thần Rama của đạo Hindu (Ấn giáo). Hoặc đây là hình ảnh của thần Raman chứ không phải là vũ nữ Apsaras, và ý nghĩa bức phù điêu của bác Bu là diễn tả lại chiến tích của thần Rama giết quỷ dữ.

Rất cám ơn ông bạn dungNobita đã tìm ra manh mối để có thể "giải mã" cho bức phù điêu của bác Bu. Nhưng tên gọi có thể đặt cho bức phù điêu xin vẫn giữ nguyên theo đề nghị của ông bạn Bulukhin là "Vũ điệu bắn cung".


Ghi chú:

(*) Thượng tọa Thích Lệ Trang, Phó Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo Trung Ương, Trưởng Ban Nghi lễ Phật giáo TP. HCM, Trong sách viết về Âm nhạc, GS. Trần Văn Khê khi viết về Âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo có viết, đã tham khảo nơi Thượng tọa Thích Lệ Trang.

(**) Tranh tượng & Thần phổ Phật giáo, Louis Frédéric, Phan Quang Định dịch, NXB Mỹ Thuật - 2005. Bạn nào muốn tìm hiểu về những Tranh, tượng & Thần phổ của Phật giáo nên đọc quyển sách này.