Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Món ngon.

Bát bún thang. Ảnh Internet.

Ăn là cái thú muôn thuở của con người, là cái "Đệ nhất khoái", mà được ăn ngon nữa thì hết biết. Biết bao nhiêu quyển sách đã viết về "sự ăn", cùng cách chế biến "món ăn" làm sao cho ngon. Rất nhiều nhà văn nổi tiếng xưa nay ở xứ ta viết về đề tài này, như Tản Đà, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Sơn Nam, Vương Hồng Sển... Kể cả những người nổi tiếng trong lãnh vực âm nhạc như GS. Trần Văn Khê, hay một BS gốc người Huế sống ở nước ngoài như BS. Bùi Minh Đức...

Nhà văn Thạch Lam viết: "Một cách cầm đũa, một cách đưa thìa lên húp canh báo cho ta biết về một hạng người hơn là hàng trăm pho sách. Và nhất là những thứ họ ăn... Bảo cho tôi biết anh ăn gì, tôi sẽ nói anh là người thế nào". Cũng có câu nói khác ví von: "Con đường ngắn nhất đi đến trái tim là đi qua... dạ dày". Hoặc cụ thể hơn: "Có thực mới vực được đạo"...

Nói chuyện ăn uống là nói chuyện bếp núc. Chữ bếp núc là tiếng Việt, người ta hay nói là thuần Việt, tức là tiếng Nôm, được viết bằng hai chữ Nôm . Trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của giải thích: Bếp: Lò nấu ăn, chỗ nấu ăn. Núc: Đồ đắp bằng đất thường làm ra ba hòn, có thể mà bắc nồi nấu ăn. Bếp núc: Bếp nấu ăn (tiếng đôi).

Mì Quảng. Ảnh Internet.

Món ngon, hai chữ này nghĩa quá rộng. Món ngon là... món ăn ngon, hẳn là như thế, nhưng thế nào mới là món ăn ngon? Như những món ăn nấu cầu kỳ, rất đắt tiền, bổ dưỡng, như nem công chả phượng nơi cung vua, phủ chúa ngày xưa? Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của Nội các triều Nguyễn, viết về chuyện đãi yến sứ nhà Thanh mâm cỗ hạng nhất gồm 50 bát và 16 đĩa, mâm hạng nhì gồm 40 bát và 12 đĩa, mâm hạng ba với 30 bát. Đủ cả yến sào, vây cá, bào ngư, tôm, cua, cá, gà, vịt, ngan, ngỗng, chim, các loại chè, bánh, kẹo, mứt... Hay nơi những cao lầu, nhà hàng sang trọng? Nhưng có lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng đã từng xuýt xoa khi chiều mưa lâm thâm đi làm về, bụng đói, tạt vào ngồi dưới cái bạt tránh mưa, ăn một tô cháo trắng (mà người miền Bắc gọi là cháo hoa) có thêm cái hột vịt muối ở một xe đẩy bán lề đường, hay ghé vào một hàng quán tầm tầm mà ngon nơi những con hẻm nhỏ, với những món ăn chẳng có gì là cao lương mỹ vị, như tô mì hoành thánh, hay đĩa bột chiên nóng hổi đập thêm cái trứng hột gà...

Tô bún bò Huế. Ảnh Internet.

Ta thường nghe nói phở là một món ăn Việt Nam và của miền Bắc (phở Bắc), nhưng còn nhiều bàn cãi về gốc gác món phở truyền thống này. Có những nhà nghiên cứu tìm tòi để giải thích từ phở qua từ điển, không chỉ để giải thích từ ngữ, mà còn đi tìm nguồn gốc của phở. Lạ thay một món ăn được kể là quốc hồn quốc túy, nhiều người ngoại quốc biết đến, thì cách nay hơn một trăm năm không hề thấy trong từ điển. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của xuất bản năm 1895-1896 tại miền Nam, một quyển từ điển thuộc loại Bách khoa đến nay vẫn còn hữu dụng để tra cứu, lại không có từ phở để chỉ món ăn. Hay Huình Tịnh Của là người Nam bộ, ông ấy "quên" đưa từ phở vào sách? Thử tra cứu thêm quyển Từ điển Annam - Francais (Dictionaire Annamite - Francais), xuất bản năm 1899 của Jean Bonet, in cùng thời với Đại Nam Quấc Âm Tự Vị cũng vẫn không có từ phở với nghĩa là món ăn, chỉ có từ phớ với nghĩa là phân hủy, hôi thối (xác chết), và phở với nghĩa là ồn ào hỗn độn, rất náo nhiệt... . Thêm một quyển từ điển khác là cuốn Từ điển Anam - LaTin (Dictionarium Anamitico Latinum) của Giáo sĩ J. L. Tabert xuất bản năm 1838, xưa hơn hai quyển trên, thậm chí còn không có từ phở.

Từ Phớ, Phở trong từ điển Annam - Francais của Jean Bonet (1899) không có từ nào có nghĩa là món ăn.

Như ta đã thấy, như thế không phải là không có lý khi nhiều sách vở cho rằng món phở không phải là món ăn thuần Việt, chỉ mới được du nhập vào miền Bắc khoảng đầu thế kỷ 20. Như Nguyễn Tùng, nhà dân tộc học-Paris đã viết trên tạp chí Saigon Tiếp Thị số đặc biệt năm 2000 về ẩm thực. Vào năm 1907, một bài viết về ăn uống của Georges Dumoutier đăng trên Revue Indochinoise số ra ngày 15-9-1907, trong bài Essai sur les Tonquinois (Khảo luận về người Bắc kỳ). Tác giả đã giới thiệu về nhiều món ăn, thức uống ở miền Bắc vào đầu thế kỷ 20, nhưng cũng không hề nhắc đến món phở.

Vậy thì món phở gốc gác của ai, là của nước nào? Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thật ra món phở chỉ mới được những di dân Quảng Đông đưa vào miến Bắc cách nay khoảng một thế kỷ. Phở là âm của chữ "phấn", nói theo giọng Quảng Đông trong tên của món ăn "ngưu nhục phấn", gồm thịt bò (ngưu nhục), bánh phở (phấn). Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản năm 1931 tại Hà Nội giải thích: Phở: Do chữ phấn mà ra. Món đồ ăn bằng bánh thái nhỏ nấu với thịt bò. Dĩ nhiên món "tào phớ" của người Hoa ban đầu ấy khác xa với món phở của người Việt sau này, là một món ăn đã được cải biến, để trở thành món phở phổ biến của người Việt Nam như bây giờ.

Đọc sách nói về các món ăn miền Bắc, tác giả Mai Khôi viết trong một bài ngắn có tựa "TÀO PHỚ TÀO PHỞ", "Từ xưa. Hà Nội đã có những gánh tào phở đi rong, thoạt ban đầu là của người Hoa, sau có thêm người mình cạnh tranh... Ngày trước, những gánh tào phở của ta có người nói là do người làng An Phúc xã Nghĩa Đô vùng Bưởi làm ra, gánh bán khắp phố phường Hà Nội...", họ đi khắp hang cùng ngõ hẻm Hà Nội, với tiếng rao  "tào ph..ở..ở...ở... ngân dài vang xa". Nhà văn Thạch Lam khi tả về món phở ngày xưa lại nói: "điểm thêm một chút cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ". Món Bánh cuốn Thanh Trì nước mắm chấm có thêm chút cà cuống, hay món bún thang cầu kỳ của miền Bắc nêm thêm cà cuống cho thơm có nghe, nhưng phở điểm thêm chút cà cuống thì hơi lạ.

Một điều về phở nữa là từ bánh phở. Người ta gọi là bún, miến, đó là sợi bún, sợi miến, trong khi phở gọi là bánh. Hãy xem nhà văn Vũ Bằng viết trong Món ngon Hà Nội: "Người bán hàng đứng thái bánh, thái thịt luôn tay, thỉnh thoảng lại mở nắp một cái thùng sắt ra để lấy nước dùng chan vào bát". Như vậy ngày xưa bánh phở không là sợi như bây giờ, mà được thái nhỏ tại chỗ từ bánh (như bánh đa). Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cũng giải thích là: "Món đồ ăn bằng bánh thái nhỏ nấu với thịt bò". Ta cũng để ý, miền Bắc gọi là nước dùng, trong khi miền Nam nói nước lèo.

Trên đây chỉ là một cách giải thích về nguồn gốc chữ phở, căn cứ theo sách vở và thực tế, có thể nhiều người không đồng ý với cách giải thích này, mà vẫn cho phở là món quốc hồn quốc túy, chính gốc Bà Lang trọc của người mình. Dẫu sao bây giờ khi hỏi nhiều người ngoại quốc món ăn nào của Việt Nam họ thích nhất, ta thường được nghe trả lời là "Phở".

Bún nước lèo Sóc Trăng. Ảnh Internet.

Nhà văn Vũ Bằng viết riêng hai quyển sách về món ăn của hai miền, là quyển Miếng ngon Hà Nội, và Món lạ miền Nam. Ngoài ra ông cũng nhắc đến những món ăn miền Bắc trong Thương nhớ mười hai. Có một món ngon miền Bắc mà ông nhắc đến là món gỏi. Món gỏi ở đây là gỏi cá sống, chứ không phải là món gỏi ta thấy ở miền Nam, như gỏi ngó sen, gỏi củ hũ dừa, gỏi bồn bồn... Món gỏi đó người miền Bắc lại gọi là nộm, ngày xưa tôi nhớ trong nhà bà cụ thân sinh thỉnh thoảng có làm món nộm, phổ biến là món nộm hoa chuối, được làm từ cái bắp hoa chuối, vậy mà ăn ngon đáo để. Cũng có món ăn khác người miền Bắc khi xưa gọi là nem hoặc nem rán, thì người miền Nam gọi là chả giò. Có điều hơi khác, nem rán cuộn to hơn chả giò, sau khi rán bày ra đĩa thì cắt nhỏ làm mấy khúc, còn chả giò miền Nam cuộn nhỏ hơn để nguyên, mỗi cuộn vừa một miếng ăn. Nem rán miền Bắc khi xưa bà cụ tôi làm thường có nhân cua, gạch cua bể, miến, mộc nhĩ, củ đậu (củ sắn) xắt sợi... Cũng gọi là nem thì ở miền Nam lại là món nem chua, làm bằng thịt heo sống quết mịn, gói lại bằng lá chuối hay lá ổi. Ở miền Tây có nem Lai Vung nổi tiếng. Ngày trước ở Saigon có nem Thủ Đức, bây giờ đã mai một...

Trong món ăn, khẩu vị của người mỗi miền cũng khác, thể hiện nơi chén nước mắm chấm trong mâm cơm. Bát nước mắm chấm của người miến Bắc ngày xưa thường là nước mắm y, nghĩa là nước mắm không pha thêm cái gì, cùng lắm vắt thêm vào vài giọt chanh. Người miền Trung ăn mặn nhưng rất cay, nhìn chén nước mắm chấm của họ thường đỏ những ớt. Còn người miền Nam thích ăn ngọt và béo, món ăn họ làm thường nêm nếm nhiều vị ngọt hơn các miền khác, có lẽ khi xưa thời chúa Nguyễn đưa di dân chủ yếu từ miền Trung vào miền Nam, dần dà họ đã bị ảnh hưởng khẩu vị của người Khmer (Chân Lạp) bổn xứ. Miền Nam là xứ trồng nhiều dừa, nên người miền Nam cũng thường hay cho nước cốt dừa vào món ăn, nhất là các loại chè. Nước màu (người miền Bắc gọi là kẹo đắng, kẹo thắng) để tra vào thịt kho, cá kho của người miền Nam được thắng từ nước dừa tươi, thay vì bằng đường như các nơi khác.

Nói về món ngon mà không kể về món chay thì chắc là thiếu sót. Ăn chay bây giờ khá phổ biến trong xã hội, Saigon có rất nhiều quán chay, từ quán chay bình dân ăn đĩa cơm chay, tô hủ tíu mì... chỉ mười hai, mười lăm ngàn đồng, cho đến những nhà hàng chay cao cấp giá cả ngang ngửa các nhà hàng khác. Xưa người ta ăn chay thường vì lý do tôn giáo (ăn chay theo Phật giáo), bây giờ ăn chay vì lý do sức khỏe, ăn nhiều rau củ, nấm, bớt đạm động vật, chất béo... Món chay chế biến khéo rất ngon. Ở Saigon có những quán chay đã tồn tại mấy mươi năm, từ trước năm 1975, chẳng hạn quán chay có tên Tín Nghĩa, một quán nhỏ của người Hoa ở đầu đường Trần Hưng Đạo, quận 1 gần chợ Bến Thành. Quán gần như giữ nguyên khung cảnh trước năm 1975, những hình ảnh Phật giáo treo trên tường, bàn ghế, người nhà phục vụ. Khách lai rai đến quán, không đông đúc ồn ào, xưa nay thỉnh thoảng tôi vẫn ghé, có món cơm cà ri chay khá ngon. Tên quán khá hay, không lấy chữ Duyên, Giác, Ngộ, Bồ Đề... để đặt, mà đặt là Tín Nghĩa, nghe như tên một ngân hàng ngày trước.

Đường Trần Hưng Đạo xuôi về phía Chợ Lớn quận 5 có quán chay tên Phật Hữu Duyên, cũng là một quán xưa, bán khá đông khách, nhất là vào những ngày Sóc, Vọng. Quận 3 trước đây cũng có một quán chay trên đường Võ Thị Sáu, gần ngã tư Pasteur, quán có tên Tịnh Tâm Trai, ngày trước do các ni cô đứng quản lý, nấu nướng, quán có bán nhiều thứ bánh chay khác, nay không còn. Phía bên Bình Thạnh có quán tên Thuyền Viên nơi đường Nguyễn Văn Đậu (nghe cũng hơi lạ, có vẻ... tàu bè, có lẽ "Thuyền" ở đây có nghĩa là "Thừa", như trong Đại Thừa?), quán đông khách, ngày rằm, mùng một đông nghẹt người đến ăn và mua về nhà.

Con rươi. Ảnh Internet.


Rươi được đưa vào từ điển Annam - Francais của Jean Bonet (1899).

Nói về món ngon Việt Nam phải kể hàng chục quyển sách cũng không hết, chỉ một món mà nhiều người thành thị bây giờ không quen ăn là món mắm thôi, thì tùy từng vùng miền đã có quá nhiếu loại mắm. Ở miền Bắc có mắm tôm, mắm tép, mắm cáy, mắm rươi... Tôm, tép chắc ai cũng biết, còn cáy là một loài cua nhỏ ở vùng duyên hải Bắc bộ. Rươi là một loài giun (trùn) biển sống nơi ruộng cạn ở vùng duyên hải. Ngày trước một năm rươi chỉ xuất hiện mấy ngày vào dịp sinh sản. Trong dân gian có câu nói về rươi "Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm", đó là mấy ngày rươi nổi lên rất nhiều, cho nên trong dân gian cũng có câu "Trộm cắp như rươi", để ví von cái thời trộm cắp quá nhiều. Trong mấy ngày rươi sinh sản này người dân chỉ lấy rổ đi vớt về chế biến thành những món ăn. Nhà văn Vũ Bằng cho con rươi là thực phẩm bổ dưỡng, và gọi nó là "đông trùng hạ thảo". Trong từ điển Annam - Francais của tác giả Jean Bonet (1899), đã đưa từ Rươi vào và giải thích là một loại côn trùng nhỏ sống ở ruộng, giống như con rết, mà những người bổn xứ ăn với cơm trong vài tỉnh ở Tonkin (Đông Kinh, chỉ Đàng Ngoài) dưới dạng mắm.

Thử tra trong một quyển từ điển tiếng Việt hiện đại (được tin dùng trong những quyển từ điển tiếng Việt bây giờ), của Viện Ngôn ngữ do nhóm Hoàng Phê biên soạn. Rươi: Giun đốt, thân có nhiều tơ nhỏ, sinh theo mùa, ở vùng nước lợ, có thể ăn được. So sánh giữa 2 cách giải thích về con rươi trong sách của một tác giả Tây phương cách nay hơn một thế kỷ, với cách giải thích hiện đại, ta có thể thấy cách giải thích ngày trước mang nhiều tính thông tin hơn hẳn (rươi sống ở ruộng, giống con rết, vài tỉnh ở Đàng Ngoài dùng làm thực phẩm ăn với cơm dưới dạng mắm). Bây giờ là thời buổi của thông tin, nhưng hơn một trăm năm trước sách vở của người Tây phương viết về Việt Nam đã đầy ắp thông tin như thế, cho nên không phải là vô lý khi bây giờ người ta nói "Kẻ mạnh là kẻ có được nhiều thông tin, hơn là kẻ có nhiều vũ khí", trong từ "thông tin" ở đây, hình như đã ẩn chứa ý nghĩa của một từ khác là "trí tuệ"? Đó là cái khác biệt giữa ta và người.

Miền Trung có khá nhiều loại mắm, như mắm cái, mắm tôm chua, mắm cá thu, mắm thính cá chuồn, mắm cá ngừ, mắm nêm cá nục, mắm mực, mắm sò... Ở miền Nam ta có mắm ruốc (trước đây có mắm ruốc bà giáo Thảo ở Vũng Tàu khá nổi tiếng), mắm tôm chà Gò Công, mắm thái Châu Đốc, không biết theo tên gọi có phải mắm có nguồn gốc của người Thái hay không? Như món mắm bò hóc của người Khmer, Nam bộ còn có thêm mắm còng, mắm ba khía...

Nói đến miền Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long miền Tây Nam bộ, cũng không thể quên những món ăn đặc sản chế biến từ chuột, rùa, rắn, thằn lằn, ba ba, dơi, đuông dừa... mà những người không quen ăn, chỉ nghe nói đến là đã sợ xanh mặt. Về món ăn chế biến từ rùa, nhà văn Vũ Bằng viết trong Món lạ miền Nam viết, ở miền Bắc người ta chỉ ăn thịt con ba ba mà không ăn thịt rùa, bởi con rùa là vật linh thiêng (một trong tứ linh Long-Ly-Qui-Phụng):

Thương thay thân phận con rùa,
Lên đình đội hạc, xuống chùa đội bia.

Bàn đến món ăn ngon, cả ngày cũng chưa hết chuyện...




Tham khảo:

- Những sách đã dẫn.

- Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nội các triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa-1993.

- Hương vị quê nhà, tuyển tập đặc biệt của báo Saigon Tiếp Thị - 2000.

- Văn hóa ẩm thực Việt Nam - Các món ăn miền Bắc, nhiều tác giả, NXB Thanh Niên-2002.

- Bản sắc ẩm thực Việt Nam, nhiều tác giả - TS Nguyễn Nhã, Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam, NXB Thông Tấn-2009.

-Độc đáo ẩm thực Thăng Long-Hà Nội, nhiều tác giả - TS Nguyễn Nhã, Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam, NXB Thông Tấn-2010

- Khám phá ẩm thực truyền thống Việt Nam, Ngô ĐứcThịnh, NXB Trẻ-2010.

- Văn hóa ẩm thực Huế, Bùi Minh Đức, NXB Văn Hóa-Văn Nghệ-2011.

- Miếng ngon Hà Nội, Vũ Bằng, NXB Văn Học-2012.

- Món lạ miền Nam, Vũ Bằng, Nhã Nam & NXB Hội nhà văn-2014.


                   



Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Hồn phố.


Chiếc ghế đá nhìn ra Hồ Gươm khi chưa bị vỡ. Ảnh Dân Trí ngày 6-2-2015.


Cách nay hơn một tháng tôi đọc trên mạng thấy nói về chiếc ghế đá cổ nằm bên hồ Gươm Hà Nội, được cho là từ đời Lê đã bị vỡ (*). Không biết thực hư ra sao, nhưng theo nhiều người dân đã đứng tuổi ở Hà Nội thì chiếc ghế đá đặc biệt nhìn ra bờ hồ này đã nằm ở đó từ lâu lắm rồi. Chiếc ghế đá được gọi là ghế, nhưng trông lại giống như tấm phản hơn là ghế. Nguyên nhân chiếc ghế đá bị vỡ này là do một chiếc xe hơi leo lên lề đâm phải. 

Chiếc ghế đá bị xe hơi húc vỡ. Ảnh Kênh14.vn


Khi chiếc ghế đá bị vỡ thì rất nhiều người dân Hà Nội nuối tiếc, nay có nhiều người thích thú khi thấy chiếc ghế đá đã được phục dựng tại vị trí cũ. Phục dựng theo nghĩa thay mới bằng một phiến đá khác, hình dạng, màu sắc na ná như phiến đá cũ.

Chiếc ghế đá được phục dựng (mới) tại vị trí cũ. Ảnh Kênh14.vn.

Đây có thể nói là một điều khá hay (so với rất nhiều cái dở) của những người quản lý Hà Nội gần đây. Thay vì người ta đem đặt ở đó một ghế khác, bằng xi măng, bằng đá, hay ghế làm bằng sắt kiểu giả cổ, như ta thường thấy. Nhưng tôi vẫn có một chút suy nghĩ trong việc phục dựng này.

Nếu tôi có được cái quyền đặt lại chiếc ghế đá ở đó, hì hì, cứ giả dụ như thế. Tôi sẽ sửa chữa lại chiếc ghế đá cũ để đặt lại ở đó chứ không thay bằng phiến đá mới theo hình dạng chiếc ghế đá cũ. Như ta đã thấy hình ảnh chiếc ghế đá khi mới bị xe đâm vỡ. Tuy bị vỡ nhưng phiến đá cũng chưa đến nỗi vỡ nát. Ngay sau khi bị vỡ như thế ta có thể mang những miếng đá vỡ về chắp nối lại, để cho chắc có thể nẹp bốn góc cạnh bằng thanh sắt, thép hay inox chữ L. 

Một điều nữa là tôi sẽ làm thêm hai tấm biển nhỏ viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh ngắn gọn, gắn nơi chiếc ghế này, nói sơ lược về lịch sử của chiếc ghế, kể cả ngày, tháng, năm bị xe đâm vỡ, và ngày, tháng, năm phục dựng bằng phiến đá cũ. Tôi có thể đoan chắc rằng, những chuyện có vẻ nhỏ như thế này, sẽ làm nhiều người thích thú hơn, kể cả thu hút khách du lịch. Thay vì làm lại một chiếc ghế mới toanh, và cũng chẳng có một chút thông tin nào về chuyện ghế cũ, ghế mới. Tôi cũng có một chút thắc mắc là phiến đá cũ làm ghế đã bị vỡ không biết "số phận" giờ đây ra sao? Nó có bị đập nát như xà bần rồi quẳng vào đống rác hay không? Hay ít ra cũng được chắp nối lại mang vào bảo tàng thành phố? Vì dù đã vỡ, phiến đá vẫn mang một phần hồn xưa nay của Hà Nội.

Người ta hay nói đến "Hồn phố", phố xá xem thế nó cũng có cái "hồn", "hồn phố" không phải là những cái gì to tát, như những ngôi nhà chọc trời vài ba chục tầng, hay sân vận động hiện đại năm bảy chục ngàn chỗ ngồi... những con đường cao tốc hiện đại, hay cầu vượt vài ba tầng... Hồn phố chính là những thứ nho nhỏ đó, là hàng cây cổ thụ gốc xù xì trên con phố, là chiếc ghế đá phơi nắng phơi sương trải qua mấy thế hệ đón người nghỉ chân, là những cành lá cong queo rủ bóng xuống một mặt hồ... là "cây bàng lá đỏ, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu...", là "mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ..." (**), là tiếng rao của một chị có gánh chè đậu xanh trong khu xóm ngoại ô, là mùi hoa ngọc lan buổi tối phảng phất trên một con đường nhỏ... Là rất nhiều thứ nhỏ bé không tên khác...

Cho nên chỉ có những "con người máy", mới có những hành động chỉ trong vài ngày mà chặt đến mấy ngàn gốc cây, trong đó có những gốc cây cổ thụ còn xanh tồt, đã mấy đời rủ bóng mát, che mưa nắng trên những con đường, và cũng thật buồn cười, khi nghe kẻ có trách nhiệm nói (đại ý), "Không ngờ tấm lòng của người dân Hà Nội đối với cây cối lại như vậy".

Một thành phố cũng giống như một con người, nếu không còn cái hồn, cái phần hồn linh thiêng qua từng gốc cây ngọn cỏ, từng phiến đá, thì có lẽ cũng chỉ còn là một thành phố... ngơ ngáo.


Ghí chú:

(*)

Thứ Sáu, 06/02/2015 - 09:55

Ghế đá cổ thời Lê lớn nhất Hà Nội bị vỡ tan tành

Dân trí Chiếc ghế đá có giá trị lớn về văn hóa-lịch sử bên bờ hồ Gươm, được coi là ghế đá lớn nhất Hà Nội, đã bị phá vỡ tan tành.
 >>   Chuyện chưa kể về chiếc ghế đá lớn nhất Hà Nội

Rạng sáng nay (6/2), nhiều người dân Hà Nội đi qua ngã ba Lê Thái Tổ - Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) vô cùng ngỡ ngàng khi thấy chiếc ghế đá đang giữ “kỷ lục” lớn nhất Hà Nội, bị vỡ tan thành nhiều mảnh. 
Nhiều người cho rằng phải có một ngoại lực rất lớn tác động mới có thể khiến cả khối đá dày hơn 20cm và rộng hơn 2 m2 rơi xuống khỏi bệ đỡ và vỡ tan tành như vậy. 
................
Theo các chuyên gia nghiên cứu, chiếc ghế trên có từ đời Lê. Khi bà Tư Hồng phá thành Hà Nội năm 1897 đã đem chiếc ghế kê từ điện Kính Thiên ra Bờ Hồ. Trải qua bao biến thiên, chiếc ghế vẫn nằm đó và trở thành một phần kỷ niệm với bao người Hà Nội.
Rất nhiều bài báo đã viết về chiếc ghế này gắn với bao kỷ niệm đẹp về danh thắng hồ Gươm. Dù không được xác lập là một kỷ vật quan trọng của Hà Nội nghìn năm nhưng chiếc ghế đá vẫn đựoc nhắc tới nhiều và được người Hà Nội vô cùng trân trọng. 
(**) Trong nhạc của Trịnh Công Sơn.

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Một số tên gọi, địa danh ở Sài Gòn mang tên Bà, Ông.


Trong entry trước có anh bạn "nick" là Alaykum Salam, vào hỏi về những tên gọi, địa danh mang những thành tố Ông, Bà thường thấy. Bạn hỏi (đại ý), ý nghĩa thế nào về tên những dịa danh ấy? Chẳng hạn có những cầu, những chợ mang tên Bà có phải mấy Bà bỏ tiền xây cầu, chợ. hay mấy Bà hiển linh? Về tên gọi, hay địa danh có thành tố Ông như cầu Ông Dầu (trên quốc lộ 13 từ Sài Gòn đi Bình Dương), hay cầu Ông Tố (ở quận 2), bạn cũng hỏi thế.

Tôi cũng thường hay tìm hiểu về những vấn đề này, qua thực tế sống, và phần nhiều qua sách vở, xin chép ra ở đây để tạm gọi là trả lời câu hỏi của bạn Salam, và cũng là để trao đổi với các bạn, có thể các bạn sẽ có những hiểu biết khác, hoặc căn cứ những sách vở đã đọc mà có những ý kiến khác thì thật hay. Cái khó khi viết về những vấn đề có tính chất chữ nghĩa này là không thể viết theo kiểu văn chương, tùy bút, tùy cảm hứng, mà cần phải có nhiều nguồn tham khảo: tham khảo thực tế (đi điền dã tìm hiểu), tham khảo tư liệu sách vở... Càng có nhiều nguồn tham khảo để so sánh, ta càng đến được gần cái đúng.

Tôi sẽ viết về một số tên, địa danh như thế ở Saigon, là nơi tuy không sinh ra, nhưng có lẽ sẽ gắn bó với nó cả đời, để lý giải phần nào.

Ở Saigon như ta đã thấy có khá nhiều tên gọi, địa danh có từ Bà, Ông trong chữ, tôi xin kể về từ Bà trước, hì hì!  Xin kể một số từ, chẳng hạn, về từ Bà có: chợ Bà Chiểu, chợ Bà Hoa, chợ Bà Điểm, rạch Bà Nghè (tên cũ của rạch Thị Nghè), cầu Thị Nghè, rạch Bà Môn, rạch Bà Bèo, Bà Quẹo, cống Bà Xếp, Bà Hom (địa danh)... Về từ Ông có: cầu Ông Dầu, cầu Ông Tố, Ngã ba Ông Tạ, cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Ông Lãnh,  rạch Ông, cầu Ông Lớn, cầu Ông Bé, vườn Ông Thượng, đình Ông Súng... 

1/- Một số tên gọi, dịa danh mang tên Bà:

- Chợ Bà Chiểu, Bà Chiểu: là chợ và vùng đất ở quận Bình Thạnh, khu Lăng Ông, chợ có thể mang tên một người phụ nữ.

- Chợ Bà Hoa: chợ ở phường 11, quận Tân Bình, lập năm 1967, trong một khu vực có rất nhiều cư dân đến từ Quảng Nam (chợ có bán nhiều đặc sản vùng Quảng Nam). Nhưng theo người địa phương, thì người lập chợ là một người miền Bắc di cư, tên là Nguyễn Thị Hoa, hiện bà sinh sống tại Mỹ.

- Chợ Bà Điểm, Bà Điểm: để chỉ chợ và vùng đất thuộc huyện Hóc Môn, tương truyền bà Điểm là tên bà chủ quán nước chè  tại vùng này.

- Rạch Bà Nghè, cầu Thị Nghè, chợ Thị Nghè: rạch, cầu, và chợ để chỉ phụ nữ. Sách vở chép, tương truyền cầu Thị Nghè ban đầu bằng gỗ, do bà Nguyễn Thị Khánh, con gái Khâm sai Nguyễn Cửu Vân xây dựng, cho chồng là một thư lại qua lại khi đi làm việc (người dân gọi chồng bà là ông Nghè), khúc sông ở đây cũng được gọi là rạch Thị Nghè theo tên cầu. Ngôi chợ Thị Nghè bên dưới cầu phía bên Bình Thạnh cũng được gọi thế. gần đó còn có nhà thờ Thị Nghè.

- Rạch Bà Môn: ở huyện Bình Chánh, người địa phương (ông Nguyễn Văn Trấn) cho biết âm gốc là Bàu Môn (cái bàu có trồng cây môn nước), đọc trại mà thành.

- Rạch Bà Bèo: cũng tương tự như rạch Bà Môn, có thể là từ Bàu Bèo mà ra (bàu nước có nhiều bèo).

- Bà Quẹo: địa danh ở quận Tân Bình đi Hóc Môn. Con đường tại khu vực này có khúc quẹo rất rõ, có thể do từ Bàu Quẹo, hoặc Bờ Quẹo mà ra.

- Cống Bà Xếp: địa danh ở quận 3 khu vực có ga xe lửa Hòa Hưng, nơi có một cái cống chính của khu vực ăn thông ra kênh Nhiêu Lộc. Không rõ nguồn gốc chữ Xếp có phải là từ tên phụ nữ hay không? Nhưng có từ "Xếp" cho nên có sách giải thích "Bà Xếp" đây có thể là bà vợ ông "Sếp ga xe lửa" (Chef de gare). Có thể ngày trước ở đây có cái cống, nơi đó có nhà một bà mà ông chồng là sếp ga  xe lửa nên gọi  thế? Nhưng tại sao không gọi là "Cống Ông Xếp"? Hay "Bà Xếp" này là người bỏ tiền ra làm cái cống đấy? Như Bà Nghè làm cầu Thị Nghè? Dù sao cũng có thể xem như một cách giải thích.

- Bà Hom: địa danh ở quận 6, Bà Hom có lẽ là từ Bàu Hom (bàu ngâm hom tre) nói trại mà thành, như Bà Môn, Bà Bèo, Bà Quẹo...

2/- Một số tên gọi, địa danh mang tên Ông:

- Cầu Ông Dầu: cầu thuộc phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức trên quốc lộ 13 đi Bình Dương (Thủ Dầu Một). Không rõ có phải cầu mang tên người không? Từ tên Thủ Dầu Một (chữ Dầu ở đây để chỉ loại cây gỗ to), cũng có người suy đoán chữ Dầu là để chỉ cây, nhưng tại sao lại là "Ông Dầu"? Chữ Ông Dầu này có giống như Ông Súng viết phía dưới không?

- Cầu Ông Tố: tên đầy đủ là cầu Giồng Ông Tố ở quận 2 (Giồng Ông Tố là một địa danh). Sách vở viết Ông Tố có tên thật là Trương Vĩnh Tố, mộ ông còn ở gần chợ Bình Trưng, quận 2. không thấy chép lịch sử bản thân ông Tố.

- Chợ Ông Tạ, Ngã ba Ông Tạ: chợ và địa danh ở quận Tân Bình, nơi này có một ngã ba giao giữa 2 đường Cách Mạng Tháng 8 và Phạm Văn Hai, nên ngã ba này được gọi là Ngã ba Ông Tạ. Ông Tạ tên thật là Trần Văn Bỉ (1918-1983), lấy hiệu là "Tạ Thủ" (cánh tay nâng đỡ người bệnh), sinh thời là một nhà sư và thày thuốc nam nổi tiếng trong vùng.

- Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Ông Lãnh: cây cầu một bên là quận 1, một bên là quận 4, cầu do ông Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng thời triều Nguyễn xây dựng, cũng có một con đường mang tên Lãnh Binh Thăng ở quận 11. Trước đây dưới chân cầu phía bên quận 1 có một cái chợ, chợ được lấy tên cầu để gọi là chợ Cầu Ông Lãnh, phường ở khu vực này cũng gọi là phường Cầu Ông Lãnh, như vậy chợ Cầu Ông Lãnh và phường cầu Ông Lãnh là từ tên cầu Ông Lãnh mà ra.

- Rạch Ông, cầu Ông Lớn, Cầu Ông Bé: là con rạch giáp ranh quận 7 và quận 8, nguyên tên là rạch Ong Lớn (con ong), vì ngày trước 2 bên rạch có nhiều cây cối thành rừng ong đến làm tổ, người dân lấy mật ra bán cạnh cầu, nói trại thành rạch Ông. Hiện nay có 2 cây cầu ở khu vực này tên là cầu Ông Lớn và cầu Ông Bé, từ tên gốc rạch Ong Lớn mà ra.

- Cầu Ông Lớn: cầu bắc qua kênh Chợ Lớn (kênhTàu Hũ) ở quận 6, khác với cầu Ông Lớn, Ông Bé vừa kể, Ông Lớn ở đây là Tổng đốc Đỗ Hữu Phương (người dân quen gọi là Tổng đốc Phương, trước năm 1975 có đường Tổng đốc Phương ở quận 5 nay là Châu Văn Liêm), một trong bốn người giàu có được truyền tụng ở Saigon đầu thế kỷ 20, qua câu "Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định". Chữ Lớn trong từ Ông Lớn chỉ để nói về chuyện làm chức lớn của Tổng đốc Phương, không có nghĩa tôn kính như Ông Thượng.

- Vườn Ông Thượng: tên cũ dân gian gọi vườn Tao Đàn ở quận 1, Ông Thượng là tên người dân gọi Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt. Trước năm 1975 con đường Cách Mạng Tháng 8 thuộc quận 1 chạy ngang qua vườn Tao Đàn được gọi là đường Lê Văn Duyệt. Lăng Ông ở quận Bình Thạnh trên cổng có dòng chữ Nho "Thượng Công Miếu" (  ). Có người cho rằng tên gọi vườn Ông Thượng, do tại vườn hoa này trước đây có gánh hát bội của Tổng trấn Gia Định lập, thường hát cho quan lại và dân chúng xem. Sinh thời Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt rất thích hát bội, đá gà. Tên gọi Ông Thượng (Thượng Công), với ý tôn kính như "chúa thượng". Thượng không phải chức vụ như tên gọi Ông Lãnh (Lãnh là chức Lãnh binh). Ở miền Tây có Cù lao Ông Chưởng, thì Chưởng là chức Chưởng cơ, để chỉ Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh.

- Đình Ông Súng: tại quận 3 gần khu đối diện nhà thờ Vườn Xoài, trên đường Lê Văn Sỹ đi ngang còn thấy tấm bảng đề tên Đình Ông Súng, có một cái giá để một cây súng nhỏ đã bị gãy, kiểu súng thần công ngày trước. Như vậy có thể thấy Ông Súng, tên gọi của ngôi đình này là một khẩu súng thần công ngày xưa chứ không phải tên người.

Trên đây là một số tên gọi, địa danh có thành tố Bà, Ông ở Saigon. qua những tên gọi, địa danh này ta có thể thấy:

a/ Tên gọi mang tên Bà, Ông:

- Như chợ, cầu do những người mang tên xây dựng hay lập ra, như cầu Thị Nghè (Bà Nghè), hay chợ Bà Hoa, hoặc cầu Ông Lãnh do Ông Lãnh, như đã dẫn. Những tên gọi xác định này thường được chép trong sách vở, hoặc trong dân gian biết rõ còn lưu truyền. 

- Để chỉ người, nhưng không phải lập ra nơi có tên gọi, chẳng hạn như chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Ông Tạ, vườn Ông Thượng, chợ Thị Nghè, nhà thờ Thị Nghè... Trong khi nhà thờ Huyện Sĩ do ông Huyện Sĩ Lê Phát Đạt bỏ tiền xây dựng. Có những tên gọi khác mà ta có thể đoán để chỉ người, như rạch Ông Cai (quận 2), rạch Ông Đội (quận 7), cầu Ông Nhiêu (quận 9), những tên Cai, Đội, Nhiêu ngày trước để chỉ chức vụ của người. Kênh Nhiêu Lộc, thì Nhiêu là Nhiêu học, Lộc là tên người.

- Cũng có những tên có thể để chỉ người (Bà) nhưng không xác định được rõ ràng, như tên gọi Bà Điểm, Bà Chiểu, hoặc như tên cống Bà Xếp.

b/ Tên gọi mang tên người (Bà) nhưng có thể do gọi trại từ nghĩa khác, như Bà Môn, Bà Bèo, Bà Quẹo, Bà Bướm (rạch ở quận 7), có thể từ Bàu Bướm nói trại ra (Bàu nước có nhiều con bướm)...

c/ Tên gọi có từ Ông, nhưng không phải chỉ người, mà để chỉ vật, như Đình Ông Súng. Dầu trong Cầu Ông Dầu có phải như trường hợp này?

Còn nhiều những tên gọi, địa danh ở Saigon mang yếu tố chỉ người, nhưng không xác định được rõ ràng có phải là để chì người hay không, vì những tên tuy gọi là Bà, Ông nhưng rất chung chung, không có thông tin từ sách vở, từ dân gian, bản thân tên gọi không gợi lên được những ý nghĩa có thể suy đoán như Bà Xếp, Bà Môn, Bà Bèo, Bà Bướm, hay như Ông Cai, Ông Đội... Ta có thể kể: rạch Bà Tàng (quận 8), rạch Bà Đô, cầu Bà Đô (quận 5), rạch Ông Cốm (Bình Chánh), sông Ông Tiêu (Cần Giờ)...

Qua những gì vừa kể, ta có thể thấy việc đặt tên gọi, địa danh ngày trước ở Saigon không theo một nguyên tắc nào cả. Bản thân tên gọi, địa danh khi có tên như thế cũng chẳng theo nguyên tắc nhất định. Cho nên khi xét ý nghĩa, nguồn gốc của tên gọi, địa danh, cần phải xem xét từng trường hợp (chẳng hạn để phân tên gọi đó vào nhóm nào trong mấy nhóm kể trên để xem xét), không thể mang cách giải thích (dù hợp lý) này để giải thích trường hợp kia (như tôi đã từng nghe có người nói Lê Văn Duyệt xưa làm chứcThượng thư, chắc họ lầm chữ Thượng trong Thượng Công Lê Văn Duyệt là chức vụ Thượng thư).

Nhân đây xin nói vui, dân nhậu có thể tếu táo nói chơi cầu Bà Đô, thì bà Đô là một bà tập... Gym (thể hình), hay cầu Bà Tàng, thì bà Tàng là một bà... dở hơi. Vậy mà đã có trường hợp tương tự được trích dẫn viết trên sách báo hẳn hoi, ấy là chuyện ông Lãnh và các bà vợ. Có thể ban đầu như đã nói, là chuyện tếu táo của mấy ông nhậu, hay chuyện tán dóc của dân lê la cà phê vỉa hè. Người ta viết như thế để minh chứng cho người dân Saigon ngày trước rất giỏi về làm kinh tế (làm ăn buôn bán). Chuyện đại khái bản thân ông Lãnh lập ngôi chợ Cầu Ông Lãnh, ông này có tới bốn, năm bà vợ, lập cho mỗi bà vợ một ngôi chợ đứng tên các bà để buôn bán, như chợ Bà Chiểu, chợ Bà Điểm, chợ Bà Hom, chợ Bà Rịa... Đến nỗi học giả Vương Hồng Sển, một người cố cựu Saigon, từng viết 2 quyển sách về Saigon là Sài Gòn năm xưa, Sài Gòn tả pín lù phải cười ngất.



Tham khảo:

- Từ điển Thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh, nhiều tác giả, NXB Trẻ - 2001.

- Sổ tay Địa danh TP. Hồ Chí Minh, PGS. TS. Lê Trung Hoa - Nguyễn Đình Tư, NXB Văn hóa Văn Nghệ - 2012.






Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Đọc sách.


Sách Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802.


Tôi đọc sách Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 (*), của tác giả Tạ Chí Đại Trường, trong sách có nhắc đến câu ca dao:

Ai về nhắn với nậu nguồn,
Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên.

Có lẽ cũng như đa số ca dao, tục ngữ, câu ca dao này cũng không biết ra đời từ thời nào. Nhưng qua một số từ ngữ trong ca dao, như nậu nguồn, măng le, cá chuồn, và việc tác giả đưa câu ca dao này vào sách nói về cuộc nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, là cuộc chiến tranh giữa anh em nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn, bắt nguồn từ vùng rừng núi Tây Sơn (Bình Định). Tôi đoán có thể câu ca dao có từ khoảng trước cuộc nội chiến, và ra đời ở vùng Bình Định.

Sách viết về lịch sử thời chúa Nguyễn như Đại Nam Thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, có nói đến anh em Tây Sơn, nhưng không thấy chép rõ gốc tích của họ. Trong sách của tác giả Tạ Chí Đại Trường có ghi rõ, đại ý: Anh em Tây Sơn thuộc dòng dõi Hồ Quý Ly, nguyên quán ở đất Hưng Nguyên (Nghệ An). Đời ông bà của họ (đến đời anh em Tây Sơn là ba đời), bị quân chúa Nguyễn bắt vào Nam thời Thịnh Đức nhà Lê (1653-1657). Trong những người bị bắt có thể có Hồ Phi Phúc, một nhân vật trong Liệt truyện có nhắc tên Phúc (cha của anh em Tây Sơn), ở ấp Kiên Thành sinh ra ba anh em, lấy họ mẹ để gọi, là Nguyễn Văn Nhạc, Nguyễn Văn Lữ, Nguyễn Văn Huệ (em nhỏ nhất). Nhưng sách Hoàng Lê Nhất thống chí của Ngô gia văn phái, một quyển tiểu thuyết lịch sử của những tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai (Hà Nội), viết Nguyễn Nhạc là anh cả, đến Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ là em nhỏ nhất. Và theo sách của tác giả Tạ Chí Đại Trường, thì việc ghi nhận Nguyễn Huệ là em út hợp với nhiều sử sách, và những bức thư viết tay của các giáo sĩ người Tây phương đương thời.

Trong câu ca dao trên tôi chú ý đến những chữ nậu nguồn, măng le, cá chuồn, cũng có dị bản thay chữ măng le bằng mít non (có lẽ từ măng le hợp lý hơn mít non, vì măng le có vẻ là "đặc sản" của vùng cao, mít non thì miền xuôi không thiếu), ở đây tôi cũng chọn theo sách của tác giả Tạ Chí Đại Trường là măng le.

Trước hết là từ nậu nguồn. Như đã nói, câu ca dao trên có thể bắt nguồn từ vùng Bình Định, trước thời Tây Sơn, khi người Việt được chúa Nguyễn đưa vào định cư ở vùng rừng núi phía tây Bình Định, giáp với vùng cao nguyên (Tây nguyên), nơi anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa. Chữ nậu trong nậu nguồn có nghĩa là gì? Phải nói tôi khá mù mờ về từ ngữ miền Trung. Tuy trước năm 1975, tôi đã có thời gian sống ở vùng Bình Định, Phú Yên, tiếp xúc khá nhiều với những người dân, từ vùng quê đến thành thị, nhưng thú thật hồi đó khi mới đến những vùng quê này, nhiều khi nghe người dân nói tôi còn không hiểu họ nói gì. Thoạt đầu rất khó nghe và khó hiểu, bởi vì ngoài giọng nói, còn những từ ngữ địa phương nghe thật lạ, ở một thời gian, tiếp xúc nhiều, chịu khó tìm hiểu, mới có thể hiểu được tàm tạm.

Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của, giải thích:

- Nậu: Bọn, lũ. Đầu nậu: Kẻ làm đầu trong một bọn làm công.

- Nguồn: ngọn suối. Lên nguồn:  đi lên các xứ Mọi ở trên nguồn.

- Măng le: thứ măng nhỏ, thổ sản Biên Hòa.

- Cá chuồn: loại cá biển thường bay sà sà trên mặt nước.

Từ điển Bách Khoa Việt Nam giải thích từ Cá chuồn rõ hơn:

- Cá chuồn: (tóm tắt nội dung), loại cá biển có vây ngực dài, lượn xa được 40m, 50m trên mặt nước. Sống thành đàn tập trung ở vùng biển miền Trung, từ Đà Nẵng vào đến Bình Thuận. Thịt trắng, ngon, trứng có mùi vị hấp dẫn.

Về từ le, măng le thì hơi lạ, trong nhiều quyển từ điển tiếng Việt tôi tra chỉ có từ le, với nghĩa là thè ra, đưa ra, không có từ măng le, chỉ có quyển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị như tôi vừa kể có giải thích từ Măng le:  thứ măng nhỏ, thổ sản Biên Hòa. Còn trong từ le đứng riêng biệt cũng chỉ giải thích là đưa ra, giơ ra, như các quyển từ điển tiếng Việt khác. Như vậy, suy từ chữ măng le ta có thể hiểu, từ le, ngoài nghĩa thông thường như vừa kể, còn để chỉ một loại cây như tre, trúc... là cây cho măng để ăn, như măng tre, măng trúc.

Qua câu ca dao này có thể hiểu, người ở vùng dưới miền xuôi (vùng biển Bình Định), nói với ai đó khi về xuôi nhắn với bọn người (nậu) ở trên nguồn (xứ Mọi vùng cao), gởi xuống cho măng le (là thổ sản của vùng cao), còn cá chuồn, một thứ cá ngon của vùng biển sẽ được gởi ngược lên nguồn. Có thể xem như đây là câu ca dao nói về việc trao đổi, buôn bán hàng hóa ngày xưa giữa các vùng, miền.

Về từ nậu, tôi thử tra trên mạng thì thấy ngoài nghĩa là bọn, lũ, nhóm, còn cho biết dưới thời chúa Nguyễn, trong buổi đầu khai phá Đàng Trong thì từ nậu là để chỉ một đơn vị hành chánh trong dân chúng, như phường, nậu, man, đó là những đơn vị hành chính nhỏ hơn thôn. Nậu, cũng sử dụng để chỉ một nhóm người làm cùng một nghề, khi đi kèm theo từ ngữ chỉ nghề ấy, như nậu rớ (nhóm người đánh cá bằng rớ), nậu nại (nhóm người làm muối), như từ phường nghề ngày xưa. Từ đầu nậu cũng được hiểu như người đứng đầu một nhóm nghề.

Ngày nay ta thấy có từ đầu nậu, được dùng với nghĩa là một người, hoặc một nhóm người có hành vi thường không lương thiện, hay gặp trong buôn bán, chẳng hạn như trong kinh doanh, đầu nậu được hiểu như kẻ, hoặc bọn người thu gom, đầu cơ hàng hóa. Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) giải thích. Đầu nậu: kẻ cầm đầu một nhóm người làm một việc gì, thường không lương thiện.

Trong sách Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, tác giả có chú thích: "Chỉ ở Bình Định (nhất là ở miền Nam), chữ "nậu" trở thành một danh từ phổ thông, dùng chỉ một tập hợp ("nậu nguồn" ở câu ca dao trước) và đã tổng quát hóa để trở thành đại danh từ chỉ "họ", "người ta" ("nẫu")".

Tôi sẽ không bàn tiếp đến từ "nẫu", vì hình như đây là một từ khá "nhạy cảm". Tôi còn nhớ, ngày xưa trước năm 1975, khi ở Bình Định, Phú Yên, tiếp xúc với những người dân địa phương, hoặc nghe họ nói chuyện với nhau, họ vẫn dùng từ "nẫu" (theo âm địa phương là "nẩu"), để nói về chính mình, nhưng nếu là một người ở xứ khác đến nói chuyện với họ, hoặc những người xứ khác nói chuyện với nhau, mà sử dụng từ "nẫu" để chỉ những người vùng này, nghe được có vẻ như họ không bằng lòng.

Điều này hình như cũng giống từ Bắc kỳ trước đây, người miền Bắc với nhau khi nói chuyện vẫn tự xưng là "dân Bắc kỳ", hoặc gọi nhau là "Bắc kỳ" thì không sao, nhưng người miền khác gọi họ như thế họ cũng thường không bằng lòng. Sống hơn nửa thế kỷ tại Saigon tôi thấy người Saigon không "kỵ húy" khi có ai gọi họ là "dân Nam kỳ". Tôi là người miền Bắc, lúc còn nhỏ đi học mà có chuyện, bạn miền Nam nói "đồ Bắc kỳ" thì cảm thấy tức giận, nhưng mình nói lại "đồ Nam kỳ", thì chẳng thấy bạn tức giận gì cả.

Tôi bổ sung thêm một cách hiểu khác về câu ca dao:

Ai về nhắn với nậu nguồn,
Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên.

Từ nậu nguồn cũng được hiểu là nhóm (bọn) người đi khai thác lâm sản (như gỗ, trầm...) trên nguồn, như cách hiểu của nậu rớ, chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ, nậu nại, chỉ nhóm người làm nghề muối. Như vậy ta có thêm một nghĩa khác để hiểu câu ca dao trên:

Người nhắn ở miền xuôi (có thể là vợ, người yêu, người thân), của một người trong nhóm người là nậu nguồn (đi khai thác lâm sản trên nguồn), nói với ai đó từ trên nguồn về (nơi có nậu nguồn đang khai thác lâm sản), là gửi măng le về, và sẽ gửi cá chuồn từ miền xuôi lên cho người thân của họ trong nhóm nậu nguồn, măng le và cá chuồn có thể thấy là "đặc sản", là món ngon của nguồn và miền xuôi.

Như vậy câu ca dao trên nếu hiểu như thế, sẽ có ý nghĩa của tình cảm trong đó, còn hiểu theo cách giải thích thứ nhất, thì câu ca dao nói về việc trao đổi hàng hóa giữa vùng cao và miền xuôi.




(*) Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Tạ Chí Đại Trường, NXB Tri Thức & Nhã Nam - 2015.
Sách được ấn hành lần đầu tại Sài Gòn năm 1973, đến nay đã được tái bản.



Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Cây.


Một con đường ở Hà Nội có hàng cây cổ thụ xà cừ, loại cây sẽ bị chặt. Ảnh Võ Hải.

Cây, đây là cây xanh, cây cối, chứ không phải... cây vàng bốn số chín như tiếng... giang hồ thường gọi. Mấy ngày hôm nay Hà Nội đang "sục sôi" chuyện đốn hạ cây xanh trên đường phố, mà chuyện không chỉ bị người dân phản đối ở Hà Nội, mà hầu hết người dân các nơi không đồng tình với việc triệt hạ cây ồ ạt này. Chuyện thỉnh thoảng ồn ào trên báo chí (báo giấy, báo mạng), các phương tiện truyền thông, hay trên các trang mạng xã hội ta thấy vẫn hay xảy ra, chẳng hạn như chuyện "chém lợn", chuyện học sinh đánh nhau...

Một cây xanh khá to, gốc còn tươi tốt bị triệt hạ. Ảnh Internet.

Nhưng chuyện cây xanh Hà Nội mấy ngày nay có vẻ như "nóng" hơn những chuyện vừa kể, truyền thông vào cuộc, các trang mạng xã hội lên tiếng, họp báo của cơ quan chức năng (đưa ra những lý lẽ phải chặt cây, trong đó có lý lẽ là những cây mục, cong cần phải chặt, có báo đã khôi hài là cây cong thì phải chặt để trồng cây thẳng, nhưng đường đang thẳng thì uốn thành "đường cong mềm mại"). Cũng có cả cảnh phản đối của người dân trên đường phố, người ngoại quốc ở Hà Nội cũng tham gia. Hôm qua bà xã đưa cho tôi coi, trên trang mạng 24h đưa tin nghệ sĩ Chiều Xuân thấy đội cưa cây đến cưa cây trước cửa nhà, thế là chị "điên" lên, tuy đã đến giờ đi diễn chị cũng bỏ, chị báo công an, phường, kèm theo ảnh chụp khuôn mặt nghệ sĩ Chiều Xuân đầm đìa nước mắt, chị nói "Tôi gào khóc như mụ điên để bảo vệ cây", cuối cùng thì đám công nhân hạ cây phải bỏ về. Ở một tấm hình khác trên mạng, ta thấy hồi 2013 có 2 phụ nữ còn... leo tuốt ngồi vắt vẻo trên cây... tử thủ để ngăn cản không cho chặt cây xoài trước cửa nhà... Chuyện chặt cây mấy ngày qua hãy nghe GS. Nguyễn Lân Dũng trả lời báo điện tử Ngày Nay Online:

"Đã đi qua rất nhiều nước trên thế giới từ Pháp, Thái Lan, Nhật Bản… tôi nhận thấy không có thành phố nào sở hữu những hàng cây xanh cổ thụ lớn và đẹp như ở Thủ đô Hà Nội".

Những điều phản ứng này có thể sánh ngang với chuyện khi anh hàng xóm to xác của ta mang giàn khoan khủng vào Biển Đông hồi nào... Vậy ta có thể thấy, người dân coi chuyện vội vàng triệt hạ cây xanh ngang bằng với chuyện chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm...

Ảnh chụp năm 2013 của báo Người Lao Động.

Hình ảnh một bạn trẻ ở Hà Nội bên một cây xanh sẽ bị đốn. Ảnh Internet.

Một người ngoại quốc với biểu ngữ bảo vệ cây xanh tại Hà Nội. Ảnh Nguyễn Sơn.

Ở đây tôi chỉ muốn nói đến chuyện xưa nay cây cối quan trọng như thế nào đối với con người. Ta có thể thấy, nơi nào không có cây xanh thì con người không thể sinh sống, như sa mạc, chỉ có cát, nắng và gió, con người trong điều kiện bình thường có thể đi ngang qua, nhưng không thể sinh sống. Sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường, nói người Mường và người Kinh có nguồn gốc từ cây Si. trong dã sử của người Việt, ta thấy từ thời vua Hùng đã có chuyện An Tiêm với quả (cây) dưa hấu, cây trầu, cây cau với chuyện Trầu cau, quả (cây) thị với truyện Tấm Cám, truyện Cây tre trăm đốt, ngay cả chiếc quạt Mo của anh chàng Bờm cũng là từ chiếc mo cau. Câu chuyện cây đa chú Cuội thì cây đa không phải chỉ ở mặt đất nữa, mà cây đa đã được bay tuốt lên Cung trăng, với chú Cuội, chị Hằng, Thỏ Ngọc...

Trong dân gian ta thấy tín ngưỡng thờ Thành hoàng ở làng mạc khi xưa, có những ngôi đền, ngôi đình thờ thần đá, thần cây. "Thần cây đa/ Ma cây gạo", cây đa, cây gạo, hoặc những cổ thụ sống lâu năm theo dân gian đều có quỷ thần trú ngụ, nơi gốc cây đa thường có những miếu thờ. Lũy tre làng, cây đa đầu làng, là những hình ảnh mà bất cứ người dân quê nào khi đi xa cũng đều nhớ.

Miếu thờ ở gốc cây si cổ thụ. Ảnh Internet.

Ở Saigon những tên gọi, địa danh chỉ cây cối khá nhiều, ta thấy có khu Vườn Chuối, chợ Vườn Chuối, khu Vườn Xoài, nhà thờ Vườn Xoài, khu Bàu Sen, Đầm Sen, khu Vườn Lài, rạp hát Vườn Lài, Chợ cây Da thằng Mọi (ngày xưa ở quân 1), hẻm cây Điệp, khu Cây Da Xà, Ngã ba Cây Quéo, Ngã tư Cây Thị, bót Hàng Keo (hàng cây keo), ngã ba Hàng Xanh (đúng là Sanh, cây sanh, cây si), cầu Sơn (sơn là cây sơn ta), Gò Vấp (đúng ra là Vắp, tên từ tiếng Khmer Kompăp, một loại cây gỗ cứng như gỗ lim), cầu Cây Gõ, Hóc Môn (Hóc, Hói là từ xưa chỉ con rạch nhỏ, Môn là cây khoai môn), Gò Dưa (vùng này trên đường đi Thủ Đức trước trồng nhiều dưa leo), Gò Sao (quận 12, trước có nhiều cây sao), Củ Chi (cây mã tiền để làm thuốc), Rạch Chiếc (Chiếc có gốc Khmer Prêk Cèk là tên một loại rau sống dưới nước), Gò Cây Mai... Còn rất nhiều tên gọi chỉ các loài cây. Hiện nay ở quận Phú Nhuận có một khu vực đường phố được đặt tên theo các loài hoa, như đường Hoa Hồng, Hoa Sứ, Hoa Lan...

Chúng ta đã thấy những trận lũ, lụt để lại hậu quả nghiêm trọng về người và của cải, nơi những vùng rừng núi mà ở đó nạn phá rừng thường xuyên xảy ra. Rừng nói chung và cây cối nói riêng chính là lá phổi của trái đất. Màu xanh của cây lá không phải chỉ cần thiết cho rừng núi, mà còn rất cần thiết cho thành phố, nơi chỉ thấy những khối bê tông của những tòa nhà cao ngất, và những tấm kính phản chiếu ánh mặt trời chói chang. Như thế đủ thấy cây cối thân thiết và quan trọng với chúng ta như thế nào...








Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

Chữ "Tôi" có nghĩa là gì?


Hì hì! Có vẻ như đây là một câu hỏi ngớ ngẩn, vì "Tôi" là một từ mà tất cả mọi người thường dùng hằng ngày để xưng hô. "Tôi""ta", "tao", "tớ", đại từ ngôi thứ nhất mà âm Hán-Việt đọc là "Ngã" (), hay tiếng Tây gọi là "Moi" chứ còn gì nữa. Đúng là như thế, nhưng đây chỉ là một trong những nghĩa của từ "Tôi" mà ta hay dùng nhất. "Tôi" còn có những ý nghĩa khác. Thử giở quyển Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, bây giờ hay được dùng để tra cứu, thấy có ghi những nghĩa:

Tôi: đại từ: Từ cá nhân dùng để tự xưng với người ngang hàng hoặc khi không cần tỏ thái độ tình cảm gì.
Tôi: đại từ, ít dùng: 1/ Người đi ở hầu hạ cho chủ trong xã hội cũ. 2/ Quan, phục vụ cho vua, trong quan hệ với vua.
Tôi: động từ: 1/ Nung hợp kim đến nhiệt độ nhất định, rồi làm nguội thật nhanh để tăng độ cứng và độ bền. 2/ Đổ nước vào để làm cho tan vôi sống.

Những giải nghĩa như trên của từ điển cho ta biết, chữ "Tôi" thứ nhất là đại từ dùng để tự xưng như ta thường nói hằng ngày: quê tôi, quyển sách của tôi... Chữ "Tôi" thứ nhì cũng là đại từ nhân xưng ít được dùng hơn. Ở nghĩa 1/ Tôi: để chỉ người đi hầu hạ kẻ khác, thường được dùng đi đôi với một từ khác, như: tôi tớ, tôi đòi... Những người ngày trước đi hầu hạ kẻ khác, làm tôi tớ, tôi đòi, dù sao cũng do họ tự nguyện, không bị ép buộc, những từ này ngày nay thấy ít dùng. Ở nghĩa 2/ Tôi: để chỉ Quan, phục vụ cho vua, trong quan hệ với vua như: vua tôi, bề tôi... cũng không còn được dùng, vì chẳng còn vua, quan. Còn chữ "Tôi" thứ ba là động từ, như: tôi thép, tôi vôi, những chữ này ta thấy vẫn còn được dùng thường xuyên.

Cũng nên nói qua về từ "tôi tớ", đây là một từ ghép mà mỗi từ hoàn toàn có thể đứng độc lập và có ý nghĩa như nhau. "Tôi" như từ điển giải thích bên trên, vừa có ý nghĩa chỉ bản thân mình, vừa để chỉ người đi hầu hạ kẻ khác. Còn chữ "tớ" cũng mang hai nghĩa như thế, "tớ" chỉ bản thân (như chữ tôi, tao) chẳng hạn "tớ vừa đi chơi về", còn chữ "tớ" chỉ kẻ đi hầu hạ, chẳng hạn "đầy tớ trong nhà", và khi là từ ghép "tôi tớ" thì mất đi ý nghĩa "tôi, tớ" để chỉ bản thân, chỉ còn chỉ chung kẻ đi hầu hạ người khác.

Còn một từ ghép nữa là từ "tôi mọi", gồm hai chữ "tôi""mọi" ghép lại, cũng được dùng để chỉ người đi hầu hạ kẻ khác, Từ "tôi" như ta đã hiểu trong "tôi tớ", nhưng từ "mọi", một từ mà thời trước để chỉ những tộc người sinh sống trên vùng rừng núi cao nguyên Trung phần, vùng này còn có tên gọi khác là Tây nguyên, hoặc vùng rừng núi bán cao nguyên phía Nam. Trong dân gian, từ "mọi" được dùng với ý nghĩa xấu, chẳng hạn như khi nói "đồ mọi rợ", để chỉ người kém văn minh, hoặc "đồ tôi mọi", để chỉ người đi phục dịch kẻ khác.

Nhưng thật ra nguyên thủy ý nghĩa của từ "mọi" không phải như thế. "Mọi" nguyên là một từ trong ngôn ngữ của người Mường, dùng để chỉ người Mường (nói riêng), hoặc để chỉ người (nói chung). Mõl: 1. người Mường. Nả là Mõl (nó là người Mường). 2. người. Nả chăng phái là mõl nưa (nó chẳng phải là người nữa). (Từ điển Mường-Việt, Nguyễn Văn Khang chủ biên, NXB Văn hóa Dân tộc - Hà nội 2002). Như ta đã biết, người Mường sống phân bố tại phía Bắc từ vùng miền núi Thanh Hóa, tập trung đông nhất ở vùng Hòa Bình.

Từ "mọi" nguyên để chỉ người Mường sống ở phái Bắc, nhưng tại sao lại được dùng để gọi những tộc người sống trên vùng Tây nguyên phía Nam? Và gọi là "mọi" từ thời nào? Khó có một giải thích chính xác. Chỉ biết sách Hoàng Lê Nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái (*) đã chép, khi quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ lấy danh nghĩa "Phù Lê diệt Trịnh", mang quân ra đánh Bắc Hà (khoảng gần cuối thế kỷ thứ 18), thì Dương Trọng Tế, một viên quan phủ Chúa Trịnh đã làm một tờ tâu lên vua Lê, gọi Tây Sơn là "quân mọi". Chi tiết này làm nhớ tới chuyện anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dấy binh khởi nghĩa tại vùng rừng núi An Khê (trên đường từ Bình Định đi lên vùng cao nguyên Trung phần, tên Tây Sơn bắt nguồn từ đây). Sử quan nhà Nguyễn đã gọi Tây Sơn là ngụy Tây, Tây tặc (**)

Trong sách Xứ Đàng Trong Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17 - 18, một luận văn tiến sĩ của LI TANA(***) có nói tới câu chuyện kể Nguyễn Nhạc có lấy một bà vợ thứ người Bahnar (một tộc người thiểu số sinh sống ở vùng rừng núi An Khê, Phú Bổn, Pleiku, Kontum). Bà vợ thứ của Nguyễn Nhạc này có tài thuần phục voi, và trong đạo quân của Tây Sơn cũng có nhiều người thuộc dân tộc thiểu số Bahnar vùng Tây nguyên, và cả người Chăm ở Phú Yên. Sách cũng có viết về đạo quân thần tốc của Nguyễn Huệ. Binh lính thời ông cầm quân đánh đâu thắng đó, và một đạo quân gây khiếp sợ cho đối phương là Tượng binh, voi chiến thời đó cũng tựa như chiến xa ngày nay. Vùng Tây nguyên thời đó có rất nhiều voi, có thể bà vợ thứ người Bahnar của Nguyễn Nhạc có tài thuần phục voi, đã là người huấn luyện và cung cấp voi cho đạo quân Tượng binh chăng?

Có một câu hỏi nữa là tại sao từ "Mọi" lại được ghép với từ "tôi" để trở thành một từ mang ý nghĩa như "tôi tớ"? Hoặc nặng hơn nữa, là được hiểu như kẻ nô lệ? Như ta thấy nếu ai đó bị nói là đồ tôi mọi, ta có thể hiểu là còn nặng nề hơn bị mắng là đồ tôi tớ, tôi tớ có thể hiểu là người đi hầu hạ kẻ khác (tự nguyện), nhưng tôi mọi lại được hiểu như kẻ nô lệ (bị bắt buộc).

Trong sách Xứ Đàng Trong Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17 - 18, có nói tới việc buôn bán nô lệ ở Đàng Trong ở vào thế kỷ thứ 18. Thư của một người Châu Âu đến buôn bán ở Đàng Trong, đã gởi cho chúa Nguyễn với yêu cầu vua cung cấp cho ông ta một số người Mọi nô lệ để phục vụ hay làm thợ thủ công. Nhà vua trả lời điều đó không khó, nhưng phải chờ đến năm sau và nhà vua hứa sẽ cung cấp cho người Châu Âu đủ số nô lệ mà ông ta muốn có. Nhưng nhà vua cũng cảnh báo cho biết những người Mọi nô lệ này hay bỏ trốn vì "chúng nóng lòng trở về với vợ con".

Sách Xứ Đàng Trong Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17 - 18 cũng chép, việc dùng người Thượng hay người Mọi, cũng còn để lại dấu vết trong ngôn ngữ ở Đàng Trong. Sách viết: "Từ tôi trong ngôn ngữ Việt Nam có nghĩa là người phục vụ, như tôi con, tôi đòi, tôi tớ, nhưng chỉ có tôi mọi là có nghĩa nô lệ".

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị xuất bản vào năm 1895-1896 tại Saigon của Huình Tịnh Paulus Của giải nghĩa từ Mọi như sau: Mọi: Cả thảy, hết thảy; người rừng không biết lễ phép; kẻ lảm tôi tớ không còn làm chủ mình nữa. Cũng Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải nghĩa từ Tôi mọi: Kẻ bán mình cho chủ mà làm đầy tớ. Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản năm 1931 tại Hà Nội giải nghĩa rõ hơn về chữ Mọi. Mọi: dân rợ ở phía rừng Trung Kỳ, Nam Kỳ, giáp Lào. Nghĩa rộng: Chỉ những người dã man, thường bị người ta bắt bán làm nô lệ.

Việc buôn bán nô lệ này chủ yếu là để dùng trong nông nghiệp, giải quyết tình trạng thiếu nhân lực tại Đàng Trong bấy giờ, và việc buôn bán nô lệ không chỉ xảy ra đối với người Thượng, mà người Việt cũng bị người Thượng bắt để bán làm nô lệ, sách Xứ Đàng Trong Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17 - 18 viết: "Theo ghi nhận của Hickey: Đôi khi nô lệ người Việt bị các tên cướp người Sedang bán thẳng cho người Haland và người Jorai".

Sách cũng viết tình hình mua bán người Mọi làm nô lệ này còn tiếp tục cho đến thế kỷ 19, theo như báo cáo của một người Tây phương tên Silvestre về chế độ nô lệ ở phía bắc và đông bắc Saigon. Trương Vĩnh Ký cũng nhận ra được một chợ buôn bán nô lệ gọi là "Cây da thằng Mọi", gần phố Thuận Kiều, đông bắc Saigon.(****)

Sách vở luôn cho ta biết nhiều điều thú vị.




Ghi chú:

(*) Hoàng Lê Nhất thống chí, Ngô Gia Văn Phái, NXB Văn Học - 1998.

(**) Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Tạ Chí Đại Trường, NXB Trẻ & Nhã Nam - 2014.

(***) Xứ Đàng Trong Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17 - 18, LI TANA, NXB Trẻ - 2014.

(****) Trong bài Gia Định phú (vô danh) có câu "Chợ Cây Da Thằng Mọi, coi bán đủ thuốc Xiêm, cau mứt". Sách Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển cũng có nhắc đến "Chợ Cây Da Thằng Mọi" ở gần chợ Điều Khiển (Chợ Điều Khiển ở nơi trại "Ô Ma" đường Võ Tánh, nay là đường Nguyễn Trãi, quận 1), nhưng giải thích khác. Học giả Vương Hồng Sển viết: "Khỏi chợ Điều Khiển là đến chợ Cây Da Thằng Mọi. Gọi làm vậy nhưng khoan vội tưởng rằng đây là một nhà chợ do một người Mọi nào đó đứng ra xây cất. Sự thật là tại chợ nầy thường thấy bày một món hàng không đâu có bán: ấy là một thứ đèn thắp dầu phộng hay dầu dừa làm bằng đất nung, nắn hình một người Chàm (ông Phỗng), hai chân quỳ lạy, hai tay chấp lại, trên đầu đội thếp dầu".







Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Giải trí, Giáo dục và Văn hóa.


Ban nhạc gồm những đầu bếp, chơi những "nhạc cụ" xoong, nồi, chảo, chày, cối... Ảnh Internet.

Xem trên Tivi kênh VTV, chương trình Asia's Got Talent 2015 (Tìm kiếm Tài năng Châu Á 2015 phiên bản Việt), tập phát sóng đầu tiên (quay tại Tân Gia Ba) mới thấy chương trình của họ làm quá thú vị, độc đáo và ấn tượng, không những mang nhiều dấu ấn về công nghệ giải trí, mà còn nêu rất cao tính giáo dục và văn hóa.

Chương trình như tên gọi, là một hành trình tìm kiếm tài năng từ Trung Quốc, Thái Lan, Phi Luật Tân, Mông Cổ, Ấn Độ, Nhật Bản, Tân Gia Ba... và cả Việt Nam (gồm gần 20 nước Châu Á). Cái thú vị và ấn tượng đầu tiên của tôi là các vị giám khảo (4 vị), đều là những nhân vật công chúng nổi tiếng, chẳng hạn như nhạc sỹ Davis Foster, người từng 16 lần giành giải Grammy. Trên màn hình ông có vẻ là vị giám khảo "phản biện", ăn mặc nghiêm túc và khó tính nhất, còn lại 3 vị giám khảo kia (2 nữ, 1 nam) đều là ca sỹ, diễn viên nổi tiếng. Nữ giám khảo có mái tóc vàng nâu có khuôn mặt Châu Âu là Melanie C, cựu thành viên ban nhạc nữ Spice Girl, nữ giám khảo người Indonesia người có khuôn mặt Châu Á và mái tóc đen là ngôi sao nhạc Rock Aggun, và vị giám khảo nam còn lại là Ngô Kiến Hào, cựu thành viên của nhóm F4 Đài Loan. Tất cả giám khảo đều rất trẻ trung, đa số giám khảo ăn mặc giản dị, thậm chí còn có vẻ "bụi". Khi thí sinh biểu diễn họ lắc lư hòa theo giọng hát, tiếng nhạc, đứng lên ngồi xuống cổ vũ như một khán giả, hoặc bày tỏ tình cảm không đồng ý một cách tự nhiên. Cũng không thể quên khán giả, họ ủng hộ các thí sinh một cách cuồng nhiệt, vui vẻ. Một chương trình mang đúng ý nghĩa giải trí.

Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi lại là tính giáo dục và văn hóa của một chương trình giải trí. Trong cuộc thi tập đầu tiên này, có một thí sinh (nữ) đến từ Phi Luật Tân, thí sinh này giới thiệu sẽ diễn một vở kịch độc thoại, khán giả sẽ phải nhỏ lệ. Thí sinh quay lưng lại khán giả, và khi quay mặt lại trong tay thí sinh cầm một cái kéo, giơ lên nói "Tôi vừa mới giết chồng tôi" (đại khái câu nói ý nghĩa như thế). Tức khắc tiếng chuông bấm ngừng biểu diễn vang lên từ giám khảo, thí sinh phải ngừng biểu diễn với lý do nội dung diễn mang tính chất bạo lực, phản giáo dục. Một cuộc biểu diễn khác của những thí sinh ăn mặc theo kiểu chiến binh La Mã ngày xưa ở Châu Âu, cầm gươm giáo xông vào đánh nhau, cũng bị ban giám khảo bấm chuông ngừng, cũng với lý do hình ảnh cuộc thi cổ vũ cho bạo lực.

Thí sinh Việt Nam (từ Hà Nội) mang tên Ngô Minh Tú biểu diễn trò xiếc bằng xe đạp, trong đó có cảnh ngồi xe đạp "nhảy" qua người nằm dưới sàn. Thí sinh này trong lần tham gia cuộc thi Tìm kiếm tài năng ở Việt Nam, cũng đã biểu diễn màn này, mời giám khảo Thúy Hạnh lên làm người nằm dưới sàn để bay xe qua người, đã làm giám khảo Thúy Hạnh thót tim vì sợ. Ở lần diễn mang tính quốc tế này, sau khi được hỏi có chắc bảo đảm an toàn cho người nằm bên dưới không mới được cho thi, và kết quả Ngô Minh Tú được vào vòng trong với sự đồng ý của 3/4 giám khảo, chương trình cũng không quên cảnh báo khán giả đừng nên bắt chước việc làm nguy hiểm của thí sinh.

Thí sinh Ngô Minh Tú (Việt Nam) với màn biểu diễn bay qua người bằng xe đạp trong Asia's Got Talent. Ảnh Internet.

Một cảnh biểu diễn khác làm tôi thích thú là một ban nhạc gồm những thí sinh Thái Lan, họ ăn mặc như những đầu bếp, biểu diễn trong khung cảnh của một căn bếp, nhạc cụ họ sử dụng để tạo ra âm điệu là nồi, niêu xoong, chảo, chày, cối giã... nghĩa là hoàn toàn là dụng cụ làm bếp. Âm nhạc từ những dụng cụ làm bếp vậy mà thật hay và vui nhộn, họ cũng được đi tiếp vào vòng trong với 3/4 sự đồng ý của giám khảo.

Đây là tập đầu tiên của 20 tập. Như đã nói, cái đọng lại trong tôi sau khi xem xong tập đầu tiên này ngoài tính giải trí rất cao, là tính giáo dục và văn hóa. Thí sinh chỉ mới biểu diễn tiết mục của mình mà có tính chất bạo lực, phản giáo dục như 2 tiết mục tôi kể bên trên là tức khắc ban giám khảo bấm chuông ngừng ngay cuộc thi. Một cuộc thi có tính cách đại chúng chỉ là giải trí vui chơi, mà họ đã đặt tính giáo dục và văn hóa cao như thế, thật sự đã khiến cho tôi khi xem xong phải suy nghĩ... 





Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

Đàng Trong.


Sách XỨ ĐÀNG TRONG Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17-18 
của tác giả LI TANA.

Tôi đang đọc quyển sách có tựa XỨ ĐÀNG TRONG Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17-18* (tên nguyên bản viết bằng Anh ngữ NGUYEN COCHICHINA: Southern Vietnam in Seventeenth  and Eighteenth Centuries). Sách nguyên là luận án tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Australia của một nữ tác giả người Trung Quốc LI TANA, được xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1998 bởi Cornell Southeast Asia Progam. Tuy chỉ mới đọc ít trang đầu tôi đã bị cuốn hút vào sách, đây là một quyển sách rất hay viết về xứ Đàng Trong ở vào thế kỷ 17-18, như tên gọi của quyển sách.

Từng trang sách đầy ắp những sử liệu, dữ kiện lịch sử một thời của một giai đoạn đất nước. Tác giả không viết theo cảm tính, hoặc những suy nghĩ đã được định hướng theo một khuôn mẫu, khác hẳn với một vài quyển sách khác cùng một đề tài mà tôi đã được đọc, "thường từa tựa giống nhau, nhàn nhạt giống nhau, không nhiều sự kiện mới, cũng không có quan điểm nổi bật. Nghĩa là tuy có cách viết khác nhau nhưng không ít tác phẩm vẫn chưa ra khỏi cái bóng của thời sử học lấy minh họa làm chính, lấy chính trị làm mục đích, lấy tư biện thay cho sử liệu".**

Ở đây tôi không nói nhiều về quyển sách đang đọc, mà chỉ muốn nói đến một số từ chỉ địa danh để chỉ phần đất ngày xưa là Chiêm Thành và Chân Lạp được đọc trong sách, mà ngày xưa gọi là Đàng Trong, Xứ Đàng Trong, để phân biệt với Đàng Ngoài, xứ Đàng Ngoài, cũng có khi được gọi là Vương quốc Đàng Trong, Vương quốc Đàng Ngoài, như những quốc gia riêng biệt, nay ta quen gọi là miền Nam miền Bắc, như Đại Nam Quấc Âm Tự Vị chép bên dưới.

Đại Việt Sử ký Toàn thư (Toàn thư) viết về lịch sử nước ta, từ thời Hùng Vương dựng nước: "Hùng Vương, là con trai Lạc Long Quân (không rõ tên húy), đóng đô ở Châu Phong (nay là huyện Bạch Hạc). Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là nước Văn Lang (nước ấy phía Đông giáp Nam Hải, phía Tây đến Ba Thục, phía Bắc đến hồ Động Đình, phía Nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam".

Cương vực của nước Văn Lang như chúng ta thấy cách nay mấy ngàn năm chép trong sách sử là khá rộng lớn, so với dân số và tổ chức nhà nước thời bấy giờ, Biên giới phía bắc đến tận Động Đình hồ, phía Nam đến nước Hồ Tôn là Chiêm Thành (Quảng Nam). Trải qua nhiều biến động lịch sử, trong đó có cả ngàn năm bị phương Bắc đô hộ. Đến đời nhà Lý triều vua Lý Thánh Tông (1054-1072), đổi quốc hiệu là Đại Việt (). Sách Việt Nam sử lược của Lệ Thần Trần Trọng Kim chép, năm 1069 vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Chế Củ xin dâng ba châu là châu Địa Lý, châu Ma Linh, và châu Bố Chính để chuộc tội. Lý Thánh Tông nhận ba châu ấy rồi cho Chế Củ về nước. Ba châu này nay thuộc Quảng Bình và Quảng Trị. Đến triều nhà Trần đời vua Trần Anh Tông (1307) thâu nhận thêm hai châu Ô và Rí của Chiêm Thành, do vua Chế Mân dâng làm sính lễ cưới Huyền Trân Công chúa, đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu (Thuận-Hóa). Hai châu này tương đương với khu vực phía Nam Quảng Trị và vùng Thừa Thiên Huế.

Như vậy ta có thể so sánh, Toàn thư chép vào thời Hùng Vương cương vực của nước ta phía Nam đến nước Hồ Tôn (Quảng Nam bây giờ), thì đến đời Trần Anh Tông, sau khi được vua Chiêm là Chế Mân dâng hai châu Thuận-Hóa (Thừa Thiên Huế), thì lãnh thổ Đại Việt về phía Nam đã bị thu hẹp so với thời Văn Lang của Hùng Vương (biên giói phía Bắc cũng thế).

Sang đến triều Lê, đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), vào nửa cuối thế kỷ XV thì vua Lê của nước Đại Việt đã mở cuộc chiến tranh về phía Nam với vương quốc Champa, đến tận Phú Yên bây giờ.

Nhưng địa danh Đàng Trong như nơi tựa của quyển sách tôi đang đọc xuất hiện khi nào? Và lãnh thổ của Đàng Trong thuộc những vùng đất từ đâu đến đâu? Trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị  của Huình Tịnh Paulus Của xuất bản vào năm 1895-1896 có chép về địa danh Đàng Ngoài: Các tỉnh ở phía Bắc (nói về nước An-nam). Đàng Trong: Các tỉnh ở phía Nam. Giải thích này còn chung chung. Xa hơn là quyển Dictionnarivm Annamiticvm Lvsitanvm, Et Latinvm Ope, mà ta thường gọi là Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre De Rhodes, xuất bản vào năm 1651, trong phần tiếng Việt đã có từ Đàng Ngoài (vùng lãnh thổ Tunquini, thuộc miền Bắc, tiếng Việt là Đông Kinh). Đàng Thổ để chỉ vùng lãnh thổ thuộc Champa (Chiêm Thành), và có từ Đàng Tlên để chỉ Đàng Trong , sách Tìm hiểu Lịch sử chữ Quốc ngữ của Hoàng Xuân Việt viết, ở vào năm 1632 khi chữ Quốc ngữ còn sơ khai viết đàng ngoày (đàng ngoài), đàng tlên (đàng trong), thăạn hoá (thuận hóa), Thanh hoă (Thanh hoa, sau này đổi thành Thanh hóa)...

Trang viết về Đàng Ngoài, Đàng Thổ, Đàng Trong (Từ điển Việt-Bồ-La, đầu trang 201).

Như vậy từ Đàng Trong phải có từ trước năm 1651 là năm xuất bản sách. Trong cuộc phân tranh giữa hai họ Trịnh-Nguyễn, đang là thông gia bỗng trở thành thù địch (Trịnh Kiểm lấy  chị ruột của Nguyễn Hoàng). Khi ấy thế lực của Trịnh Kiểm đang mạnh, Trịnh Kiểm mưu toan tiếm quyền vua Lê, muốn trừ khử Nguyễn Hoàng là trung thần. Nguyễn Hoàng ở thế yếu, thấy trước việc có thể bị hại, đã tới hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhà Nho được tôn là "trạng" thời bấy giờ. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trả lời Nguyễn Hoàng: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (Một dải núi Ngang có thể dung thân muôn đời), và Nguyễn Hoàng nghe theo, đã nhờ chị của mình là vợ của Trịnh Kiểm thuyết phục Trịnh Kiểm cho ông đi trấn Thuận Hóa, một vùng đất xa xôi bấy giờ, mà mãi đến tận về sau này người ta còn gọi là vùng đất "chó ăn đá, gà ăn muối". Sự kiện lịch sử này cho ta thấy lúc ấy thế lực và quyền hành của Trịnh Kiểm lớn thế nào. Thay vì phải xin vua Lê cho đi trấn Thuận Hóa, thì Nguyễn Hoàng đã phải xin Trịnh Kiểm.

Trong quyển sách XỨ ĐÀNG TRONG Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17-18, tác giả LI TANA viết "Nguyễn Hoàng đã thành công với nước cờ thí này. Lúc ấy là năm 1558", vào đời vua Lê Anh Tông. Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, mang theo gia đình, và cả những quan lại, binh lính không ưa chúa Trịnh lúc ấy đang lộng quyền. Có lẽ ban đầu giống như bị lưu đày, nhưng đây lại là một sự kiện quan trọng, khởi đầu cho một cuộc Nam tiến về sau này của các đời chúa Nguyễn, kết thúc bằng việc họ Nguyễn đã giành được toàn bộ vùng đất phía Nam của Chiêm Thành và Chân Lạp, tiến đến việc thành lập một Vương triều, thống nhất đất nước thành một cõi như ngày nay.

Xứ Đàng Trong (khoảng lãnh thổ màu vàng nhạt có viền vàng đậm hơn bên tay phải của đất mang tên Royale de Camboye (Chân Lạp) màu nâu, chiếu theo bản đồ này thì Xứ Đàng Trong lúc ấy dọc ven biển miền Trung, từ sông Gianh (Quảng Bình) đến Bình Thuận, tương đương với vùng đất thuộc Chiêm Thành một thời. Bản đồ của Joachim Ottens năm 1710. Ảnh chép từ trang Wikipedia (Đàng Trong).

Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép từ đầu thế kỷ XVII (1600) tình hình giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn càng ngày càng trở nên căng thẳng, có tất cả bảy trận chiến tranh Trịnh-Nguyễn nổ ra, lần đầu vào năm 1627, cho đến trận thứ bảy vào năm 1661. Trong bảy cuộc chiến tranh ấy chủ yếu diễn ra tại vùng đất thuộc châu Bố Chính (Quảng Bình), phía Bắc Bố Chính thuộc chúa Trịnh, phía Nam Bố Chính thuộc chúa Nguyễn. Cuối cùng vào năm 1661 thì lấy sông Gianh (Quảng Bình, còn có tên khác là Linh Giang) làm ranh giới phân giới hạn Nam Bắc.

Như vậy chúng ta có thể thấy, vùng đất gọi là Đàng Ngoài thuộc chúa Trịnh (vua Lê khi ấy chỉ còn hư vị), và vùng đất thuộc về Đàng Trong thuộc chúa Nguyễn, tên gọi ấy sớm nhất có thể bắt đầu từ khoảng nửa cuối thế kỷ XVI, khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa  (1558), cho đến đầu thế kỷ XVII (1660) khi đối đầu giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn ngày càng căng thẳng, hoặc từ năm 1627, khi hai bên chính thức có trận chiến tranh đầu tiên, và muộn nhất là vào trước năm 1651, để đến năm 1651 khi Alexandre De Rhodes ấn hành quyển từ điển Việt-Bồ-La đã có tên gọi Đàng Ngoài - Đàng Trong, cũng còn được viết dưới tên Xứ Đàng Ngoài hoặc Xứ Đàng Trong.

Trong các sách vở ngày trước ta còn thấy một từ tiếng Việt khác để chỉ Đàng NgoàiBắc Hà, và Đàng TrongNam Hà. sách sử thời nhà Nguyễn cũng dùng từ Nam Hà để chỉ vùng đất phía Nam sông Gianh do chúa Nguyễn cai quản. ở đây là để chỉ sông Gianh, Bắc Hà là phía Bắc sông Gianh, Nam Hà là phía Nam sông Gianh. Từ Bắc Hà, Nam Hà chắc chắn có sau năm 1661, sau khi hai bên Trịnh - Nguyễn lấy sông Gianh làm ranh giới vào năm 1661.

Về tên gọi Đàng Ngoài ta có thể thấy cương vực của nó đã ổn định, từ sông Gianh trở ra cho đến hết lãnh thổ Đại Việt, nghĩa là đến biên giới với nước Trung Hoa. Còn cương vực Đàng Trong thì tùy từng thời kỳ nhà Nguyễn mở rộng lãnh thổ, bắt đầu từ đầu thế kỷ XVII, là vùng đất Thuận Hóa, cho tới tận thời cận đại về sau này, khi nhà Nguyễn đã có toàn cõi miền Nam, bao gồm dải đất miền Trung của Chiêm Thành, và phần đất đồng bằng Nam bộ của Chân Lạp.

Với những tài liệu của người nước ngoài, chúng ta còn thấy những tên gọi khác chỉ Đàng Ngoài (Bắc Hà) là Tunquin, Tonquin, Tonquing, Tongking, Tongkin, Tonkin. Tiếng Việt là Đông Kinh, hay Đàng Trong (Nam Hà) là Cochichine, Cochichina. Từ Cochichine, Cochichina, để chỉ vùng đất Đàng Trong được hiểu tùy theo nhiều giai đoạn lịch sử phát triển của Đàng Trong. Chẳng hạn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, năm 1884 người Pháp xâm chiếm xong nước ta, chia việc hành chính lãnh thổ làm 3 kỳ: Bắc kỳ Pháp gọi là Tonkin, Trung kỳ Pháp gọi là Annam, và Nam kỳ Pháp gọi là Cochinchine.

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trong bài viết Địa danh Cochichina gây nhiều hiểu lầm đáng tiếc, trên Tạp chí Xưa và Nay***, nguồn gốc của từ Cochichina, Cochichine như sau (tôi tóm lược nội dung chính):

"Tên đất nước ta xưa nhất viết bằng hai chữ Hán 交趾 mà ta đọc là Giao Chỉ, người Hoa phổ thông đọc là Kiao Tche, người Quảng Đông đọc là  KawCi, người Nhật đọc là Koci, người Mã Lai hát âm lại là Kuchi, , Kuching, hay Kochi. Người Hoa, người Việt, người Nhật cùng theo Hán văn...

Từ năm 1512 đến 1515. Tpmé Pires viết sách Suma Oriental, trong có đoạn tóm tắt như sau: Vương quốc Cauchy Chyna nằm giữa nước Champa và Trung Hoa. Người Hoa gọi nước này là Caochò (Giao Chỉ) còn người Xiêm và Mã Lai gọi là Cochichina (Giao Chỉ phía Trung Hoa) để phân biệt với xứ Cochy bên Malabar (Ấn Độ)... Tới đầu thế kỷ XVI, người Bồ Đào Nha thấy bên Ấn Độ có một thành phố mang tên là Cochin giống với tên Cocin (Giao Chỉ), nên phải gọi cho rõ là Cochin gần China tức Cochichina. Cho đến  cuối thế kỷ XVI, các dạng ghi âm khác nhau của từ Giao Chỉ hay "Giao Chỉ ở phía China" đều để chỉ toàn quốc Đại Việt".





Ghi chú:

* XỨ ĐÀNG TRONG Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17-18, Tiến sĩ LI TANA (sinh năm 1953).

** Trích từ bài "Nguồn sử liệu quan trọng", Vũ Dương Ninh - Đại học Quốc gia Hà Nội, Tạp chí Xưa và Nay số  351 (tháng 3 - 2010).

*** Bài viết Địa danh Cochichina gây nhiều hiểu lầm đáng tiếc của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, đăng trong Tạp chí Xưa và Nay số 351 (tháng 3 -2010).


Tham khảo:

- Đại Việt Sử ký Toàn thư, NXB Văn hóa Thông tin - 2004.
- Việt Nam Sử lược, Trần Trọng Kim, NXB Thanh Hóa - 2006.
- XỨ ĐÀNG TRONG Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17-18, LI TANA, Nguyễn Nghị dịch (tái bản lần thứ 2), NXB Trẻ - 2014.
- Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793) - A Voyage to Cochichina in the year 1792-1793). John Barrow, người dịch Nguyễn Thừa Hỷ, NXB Thế Giới - 2008.
- Tập Du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài - Relation nouvelle et singulière du Royaume de Tunquin, Jean-Baptiste Tavernier, NXB Thế Giới - 2011.
- Lịch sử Nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Tạ Chí Đại Trường, Nhã Nam & NXB Tri Thức - 2015.
- Tìm hiểu Lịch sử Chữ Quốc ngữ, Hoàng Xuân Việt, NXB Văn hóa Thông tin - 2007.






Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Gấm vóc lụa là...


Áo dài gấm (trong ảnh có ghi chú bên dưới "Gia đình một ông quan").
Ảnh Internet.

Tết có dịp ngồi cà phê với mấy người bạn cũ, toàn bạn già đã về hưu. Bình thường thi thoảng có việc gì gặp thì bạn cũng như mình, về hưu già cả rồi ăn mặc tuềnh toàng, tết ai cũng trông bảnh hơn thường ngày. Có câu nói "Chiếc áo không làm nên thày tu",  nhưng cũng có câu khác "Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân". Có bạn đùa nói trông cả bọn cứ như đi hỏi vợ cho con vậy, rồi lan man về các loại vải vóc ngày xưa như gấm, vóc, lụa, the, lĩnh... hóa ra ngày xưa các cụ cũng đâu kém gì ngày nay trong việc ăn mặc, đủ loại vải lụa hết, không biết phân biệt ý nghĩa ra sao, chỉ biết rằng quần áo thời xưa mà may bằng gấm, vóc, lụa... thì dành cho quan lại, người giàu có, còn các loại khác như the, lĩnh, nhiễu... thì dành cho người bình dân hơn, như vậy thì chắc gấm, lụa đắt tiền và đẹp hơn the, lĩnh... Bạn hỏi tôi có rành về tên gọi các loại vải ngày xưa không? Hì hì, nghe bạn nói tôi cũng... ú ớ luôn. Tôi nói với bạn tôi cũng chỉ biết về lụa, gấm... như các bạn vậy. Đa số là qua sách vở (thơ văn), như cô gái trong bài thơ Chùa Hương của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp:

Khăn nhỏ đuôi gà cao,
Em đeo dải yếm đào,
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.

Hay bài thơ Chân quê của thi sĩ Nguyễn Bính:

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Một câu thơ khác của nhà thơ Nguyên Sa:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát,
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.

Không chỉ ngày xưa mới có nhiều thứ vải, ngày nay cũng thế, ta có thể nghe nói vải kaki, vải jean, vải cô tông (cotton), vải tê tơ rông (tetron), vải pô ly ét te (polyester), vải ka tê (Kate), vải ốc pho (Oxford), vải pô pơ lin (popeline), vài mút sơ lin (mousseline), vải tuyn (twill)...v.v... tùy loại vải mà độ bền, độ dày mỏng có khác nhau, có loại chỉ chuyên dùng cho nữ để may váy, áo dài, có loại vải chuyên để may quần tây, đồ vét (veston)...

Nhưng trước khi nói đến các loại vải thời xưa, thì dân tộc ta biết dệt vải và sử dụng vải để may quần áo che thân từ bao giờ? Sách Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh-Kiều Phú biên soạn ở thế kỷ 15, trong truyện Hồng Bàng Thị có chép: "Kinh Dương Vương có tài đi dưới Thủy phủ, lấy con gái vua Động Đình là Long Vương, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân dạy dân việc cày cấy làm ruộng trồng dâu, đặt ra thứ bậc vua tôi tôn, ti, các đạo cha con, vợ chồng". Bởi vì: "Hồi quốc sơ, dân không đủ đồ dùng, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ gianh làm chiếu, lấy nước cốt gạo làm rượu...". Như vậy sách cho ta biết, thời hoang sơ trước Lạc Long Quân dân ta chưa biết đến áo quần bằng tơ lụa, mà phải lấy vỏ cây làm áo, chỉ đến thời Lạc Long Quân mới dạy dân cày cấy làm ruộng trồng dâu (trồng dâu để nuôi tằm, dệt lụa). Nhưng trước khi biết dệt vải thì dân ta đã biết lấy nước cốt gạo làm ra rượu để... nhậu rồi (đúng là truyền thống!).

Theo truyền thuyết thì công chúa Thiều Hoa, con gái của vua Hùng Vương thứ 6 là người tìm ra con tằm và phát minh ra nghề dệt lụa ở nước ta. Truyền thuyết kể rằng công chúa là người tài sắc vẹn toàn nhưng không lấy chồng, có tài nói chuyện với chim, bướm. Một ngày kia vào rừng, công chúa gặp hội bướm đủ màu sắc rực rỡ, riêng con bướm nâu chỉ đậu một chỗ ngắm bạn bè. Công chúa hỏi thì bướm nâu nói: "Em không quen múa hát, em khác với các bạn kia". Công chúa hỏi: "Khác thế nào?". Bướm nâu đáp: "Em không biết ăn lá ngô, lá lúa, chỉ ăn lá dâu để đẻ ra trứng, trứng nở ra sâu, sâu nhả ra sợi tơ vàng óng mượt". Bướm nâu dẫn công chúa ra bãi dâu ở ven sông, nơi đó có hàng ngàn con sâu đang làm kén, những cái kén được đan bằng những sợi tơ óng mượt. Công chúa mang những cái kén về, nghĩ ra cách dệt những sợi tơ thành tấm vải mỏng để may áo rất đẹp. Công chúa đặt tên cho bướm nâu là ngài, sâu nhả ra tơ là tằm, và loại vải dệt ra gọi là lụa.

Lụa tơ tằm. Ảnh Internet.

Truyền thuyết cũng có chép sau này trong dân gian vào đời vua Lê Thánh Tông, có vợ chồng kia người chồng tên là Trần Vĩ làm quan ở Thăng Long, về hưu mở trường dạy học ở Nghi Tàm, đã già chưa có con, luôn cầu khẩn Trời, Phật. Một hôm ông nằm mộng được Ngọc Hoàng cho biết công chúa Liễu Hạnh đã xuống trần rồi, còn một công chúa nữa cho đầu thai vào nhà Trần Vĩ. Sau đó vợ ông đã ngoài 50 tuổi hạ sinh được một người con gái đặt tên là Quỳnh Hoa. Lớn lên Quỳnh Hoa được gả cho con một người bạn, người chồng tên là Liễu Nghị đỗ tiến sĩ làm tri phủ ở Thanh Hóa. Vợ chồng Liễu Nghị có công đánh giặc Chiêm Thành, Liễu Nghị được phong làm Đô đài ngự sử. Quỳnh Hoa được phong làm Quận phu nhân, lưu ở cung dạy nghề nuôi tằm dệt vải cho cung nữ. Khi chồng mất Quỳnh Hoa xin về Nghi Tàm (nay thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ - Hà Nội), bà giúp dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Khi mất bà được người dân nhớ ơn tôn là Bà chúa tằm, dựng đền thờ làm Thành Hoàng ở Nghi Tàm, và các vùng lân cận.

Sách vở cũng chép trạng Bùng Phùng Khắc Khoan sau khi đi sứ ở Trung Quốc, học được nghề dệt lượt, về truyền lại cho dân. Người dân làng Bùng tôn ông là Tổ nghề dệt lượt. Ông cũng đã mang được giống lúa Ngô (cây ngô, bắp) của người Tàu về dạy cho dân gieo trồng.

Kén tằm. Ảnh Internet.

Nghề tằm tơ, dệt lụa ở nước ta đã có từ lâu đời như thế, sản phẩm làm ra không những chỉ đáp ứng cho cái mặc của người dân trong nước, mà từ xưa thương nhân của nước ngoài đã đến nước ta mua sản phẩm tơ lụa mang về nước. Trong tập du ký của tác giả phương Tây Jean-Baptiste Tavernier, được in lần đầu bằng tiếng Pháp từ năm 1681, về chuyến du ký Đàng Ngoài vào thời vua Lê, chúa Trịnh. Trong du ký viết: ""Ở Vương quốc Đàng Ngoài có rất nhiều tơ lụa, bởi vậy mọi người trong xứ, giàu cũng như nghèo, đều mặc áo tơ lụa". Các tàu buôn người Hà Lan, người Nhật Bản, Trung Quốc đến mua tơ lụa mang về nước. Xứ Đàng Ngoài thời đó xuất khẩu chủ yếu là tơ lụa, xạ hương, trầm hương, và cả lúa gạo, trầm hương ở xứ ta có chất lượng cao, được người nước ngoài rất ưa thích.

Về hàng dệt xưa ở nước ta có 2 loại, loại hàng dệt bằng tơ tằm, và loại hàng dệt bằng bông (cây bông). Ở bài này xin nói về loại hàng dệt bằng tơ tằm (như sách vở truyền thuyết đã dẫn có từ rất xa xưa). Tôi thử kể tên (theo thứ tự a, b, c): Địa, đoạn, đũi, gấm, là, lĩnh (lãnh), lụa, lượt, nái, nhiễu, nhung, sồi, thao, the, xuyến, vân, vóc... (có lẽ chưa đủ, bạn nào biết xin bổ sung). Tôi thử tra ý nghĩa của các loại hàng dệt trên theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội năm 1931). Đa số mặt hàng dệt là tiếng Việt, không phải là từ Hán Việt.

- Địa: nền the, nền sa: tấm sa, tấm địa.
Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của ghi: Địa bắc thảo: thứ hàng mỏng dệt có bông hoa ở đất Bắc-thần.

- Đoạn (): một thứ hàng tơ, mặt nhám.

- Đũi: thứ hàng dệt bằng tơ gốc.

Trong quyển Sổ tay Địa danh Việt Nam của tác giả Đinh Xuân Vịnh (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 2002), trong mục từ Chợ Đuổi giải thích: - Chợ Đuổi: chợ ở góc phố Thái Phiên và Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Nổi tiếng về ẩm thực lòng lợn, tiết canh. - Chợ Đuổi: ở làng Tân Chiêm, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, nay thuộc khu Bàn Cờ, ở góc đường Võ Văn Tần và Cách mạng tháng 8, TP. Hồ Chí Minh.

Tôi không rành về Chợ Đuổi ở Hà Nội, nhưng về Chợ Đuổi nay thuộc khu Bàn Cờ, nơi góc đường Võ Văn Tần - Cách mạng tháng 8, quận 3, TP. HCM, ( trước năm 1975 đường Võ Văn Tần là Trần Quý Cáp, Cách mạng tháng 8 là Lê Văn Duyệt), thì sách đã ghi sai tên. Chợ này tên gọi là Chợ Đũi (nay không còn, nhà thờ Huyện Sỹ thuộc họ đạo Chợ Đũi), trước năm 1975 là chợ chuyên bán Đũi, là loại vải dệt bằng tơ như giải thích trong Việt Nam Tự Điển ghi trên.

- Gấm: thứ hàng dệt, có hoa, nhiều sắc.

- Là: hàng tơ dệt thưa và mỏng.

- Lĩnh (lãnh): thứ hàng tơ, mặt bóng.

- Lụa: hàng dệt bằng tơ.

- Lượt: hàng tơ dệt thưa, thường dùng làm khăn.

- Nái: hàng dệt bằng tơ gốc.

- Nhiễu: thứ hàng tơ, mặt nổi cát.

- Nhung (): thứ hàng tơ dệt có tuyết mượt.

- Sồi: hàng dệt bằng tơ gốc, mặt sù sì.

- Thao: tua kết bằng chỉ: nón thúng quai thao.
Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của ghi: Thao: thứ hàng dệt chỉ sốn (sống?)

- The (sa): thứ hàng dệt bằng tơ, không bóng, cũng gọi là "lương".

- Vân: thứ hàng tơ, mình có vân.

- Vóc: thứ hàng tơ, nền bóng.

- Xuyến: thứ hàng dệt bằng tơ dệt mau sợi, thưa giãn.



Tham khảo:

- Những sách đã dẫn ghi trong bài viết.
- Các vị Tổ ngành nghề Việt Nam, Lê Minh Quốc, NXB Trẻ - 1999.
- Các Thành Hoàng & Tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội, Nguyễn Vinh Phúc - Nguyễn Duy Hinh, NXB Lao Động - 2009.
- Tập Du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài, Jean-Baptiste Tavernier, người dịch Lê Tư Lành, hiệu đính Nguyễn Thừa Hỷ, NXB Thế Giới - 2011.