Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Cây.


Một con đường ở Hà Nội có hàng cây cổ thụ xà cừ, loại cây sẽ bị chặt. Ảnh Võ Hải.

Cây, đây là cây xanh, cây cối, chứ không phải... cây vàng bốn số chín như tiếng... giang hồ thường gọi. Mấy ngày hôm nay Hà Nội đang "sục sôi" chuyện đốn hạ cây xanh trên đường phố, mà chuyện không chỉ bị người dân phản đối ở Hà Nội, mà hầu hết người dân các nơi không đồng tình với việc triệt hạ cây ồ ạt này. Chuyện thỉnh thoảng ồn ào trên báo chí (báo giấy, báo mạng), các phương tiện truyền thông, hay trên các trang mạng xã hội ta thấy vẫn hay xảy ra, chẳng hạn như chuyện "chém lợn", chuyện học sinh đánh nhau...

Một cây xanh khá to, gốc còn tươi tốt bị triệt hạ. Ảnh Internet.

Nhưng chuyện cây xanh Hà Nội mấy ngày nay có vẻ như "nóng" hơn những chuyện vừa kể, truyền thông vào cuộc, các trang mạng xã hội lên tiếng, họp báo của cơ quan chức năng (đưa ra những lý lẽ phải chặt cây, trong đó có lý lẽ là những cây mục, cong cần phải chặt, có báo đã khôi hài là cây cong thì phải chặt để trồng cây thẳng, nhưng đường đang thẳng thì uốn thành "đường cong mềm mại"). Cũng có cả cảnh phản đối của người dân trên đường phố, người ngoại quốc ở Hà Nội cũng tham gia. Hôm qua bà xã đưa cho tôi coi, trên trang mạng 24h đưa tin nghệ sĩ Chiều Xuân thấy đội cưa cây đến cưa cây trước cửa nhà, thế là chị "điên" lên, tuy đã đến giờ đi diễn chị cũng bỏ, chị báo công an, phường, kèm theo ảnh chụp khuôn mặt nghệ sĩ Chiều Xuân đầm đìa nước mắt, chị nói "Tôi gào khóc như mụ điên để bảo vệ cây", cuối cùng thì đám công nhân hạ cây phải bỏ về. Ở một tấm hình khác trên mạng, ta thấy hồi 2013 có 2 phụ nữ còn... leo tuốt ngồi vắt vẻo trên cây... tử thủ để ngăn cản không cho chặt cây xoài trước cửa nhà... Chuyện chặt cây mấy ngày qua hãy nghe GS. Nguyễn Lân Dũng trả lời báo điện tử Ngày Nay Online:

"Đã đi qua rất nhiều nước trên thế giới từ Pháp, Thái Lan, Nhật Bản… tôi nhận thấy không có thành phố nào sở hữu những hàng cây xanh cổ thụ lớn và đẹp như ở Thủ đô Hà Nội".

Những điều phản ứng này có thể sánh ngang với chuyện khi anh hàng xóm to xác của ta mang giàn khoan khủng vào Biển Đông hồi nào... Vậy ta có thể thấy, người dân coi chuyện vội vàng triệt hạ cây xanh ngang bằng với chuyện chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm...

Ảnh chụp năm 2013 của báo Người Lao Động.

Hình ảnh một bạn trẻ ở Hà Nội bên một cây xanh sẽ bị đốn. Ảnh Internet.

Một người ngoại quốc với biểu ngữ bảo vệ cây xanh tại Hà Nội. Ảnh Nguyễn Sơn.

Ở đây tôi chỉ muốn nói đến chuyện xưa nay cây cối quan trọng như thế nào đối với con người. Ta có thể thấy, nơi nào không có cây xanh thì con người không thể sinh sống, như sa mạc, chỉ có cát, nắng và gió, con người trong điều kiện bình thường có thể đi ngang qua, nhưng không thể sinh sống. Sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường, nói người Mường và người Kinh có nguồn gốc từ cây Si. trong dã sử của người Việt, ta thấy từ thời vua Hùng đã có chuyện An Tiêm với quả (cây) dưa hấu, cây trầu, cây cau với chuyện Trầu cau, quả (cây) thị với truyện Tấm Cám, truyện Cây tre trăm đốt, ngay cả chiếc quạt Mo của anh chàng Bờm cũng là từ chiếc mo cau. Câu chuyện cây đa chú Cuội thì cây đa không phải chỉ ở mặt đất nữa, mà cây đa đã được bay tuốt lên Cung trăng, với chú Cuội, chị Hằng, Thỏ Ngọc...

Trong dân gian ta thấy tín ngưỡng thờ Thành hoàng ở làng mạc khi xưa, có những ngôi đền, ngôi đình thờ thần đá, thần cây. "Thần cây đa/ Ma cây gạo", cây đa, cây gạo, hoặc những cổ thụ sống lâu năm theo dân gian đều có quỷ thần trú ngụ, nơi gốc cây đa thường có những miếu thờ. Lũy tre làng, cây đa đầu làng, là những hình ảnh mà bất cứ người dân quê nào khi đi xa cũng đều nhớ.

Miếu thờ ở gốc cây si cổ thụ. Ảnh Internet.

Ở Saigon những tên gọi, địa danh chỉ cây cối khá nhiều, ta thấy có khu Vườn Chuối, chợ Vườn Chuối, khu Vườn Xoài, nhà thờ Vườn Xoài, khu Bàu Sen, Đầm Sen, khu Vườn Lài, rạp hát Vườn Lài, Chợ cây Da thằng Mọi (ngày xưa ở quân 1), hẻm cây Điệp, khu Cây Da Xà, Ngã ba Cây Quéo, Ngã tư Cây Thị, bót Hàng Keo (hàng cây keo), ngã ba Hàng Xanh (đúng là Sanh, cây sanh, cây si), cầu Sơn (sơn là cây sơn ta), Gò Vấp (đúng ra là Vắp, tên từ tiếng Khmer Kompăp, một loại cây gỗ cứng như gỗ lim), cầu Cây Gõ, Hóc Môn (Hóc, Hói là từ xưa chỉ con rạch nhỏ, Môn là cây khoai môn), Gò Dưa (vùng này trên đường đi Thủ Đức trước trồng nhiều dưa leo), Gò Sao (quận 12, trước có nhiều cây sao), Củ Chi (cây mã tiền để làm thuốc), Rạch Chiếc (Chiếc có gốc Khmer Prêk Cèk là tên một loại rau sống dưới nước), Gò Cây Mai... Còn rất nhiều tên gọi chỉ các loài cây. Hiện nay ở quận Phú Nhuận có một khu vực đường phố được đặt tên theo các loài hoa, như đường Hoa Hồng, Hoa Sứ, Hoa Lan...

Chúng ta đã thấy những trận lũ, lụt để lại hậu quả nghiêm trọng về người và của cải, nơi những vùng rừng núi mà ở đó nạn phá rừng thường xuyên xảy ra. Rừng nói chung và cây cối nói riêng chính là lá phổi của trái đất. Màu xanh của cây lá không phải chỉ cần thiết cho rừng núi, mà còn rất cần thiết cho thành phố, nơi chỉ thấy những khối bê tông của những tòa nhà cao ngất, và những tấm kính phản chiếu ánh mặt trời chói chang. Như thế đủ thấy cây cối thân thiết và quan trọng với chúng ta như thế nào...








22 nhận xét :

  1. chuyện chặt cây nếu như cây mục rỗng thì không nói nhưng khi mấy ổng nói ra toàn là tào lao mía ghim ko.
    Cháu thấy dzô dziên nhất là cha nội Phan Đang Long (người ta giờ gọi ổng là Phan Đắng Lòng) làm tuyên giáo tự nhiên đâu đâu nhảy vào chuyện này. Đúng là chuyện gì cũng có mâm của Đang Hỏi hết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, mấy ngày nay thấy báo chí loan tin về chuyện này mà ngán cho các vị, họ cứ như là những người ở trên trời rơi xuống.

      Xóa
  2. Nói tóm lại là tới giờ vẫn nghe ù ù , không hiểu tại sao phải thay hàng loạt cây xanh . Bác H không chịu tranh thủ ra Hà Nội , ít lâu nữa chắc ... tiêu hềt ! Phải ít nhất 50 năm mới có được một con đường cây xanh cổ thụ đẹp như ở Hà Nội

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy là sẽ phải ìm lại Hà Nội qua câu nhạc của TCS thôi "Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ... mùa hoa sữa về thơm từng căn phố...". Những loài cây này được xếp vào cây tạp sẽ bị chặt, trồng thay bằng "vàng tâm" là loại cây gỗ quý như sưa, giáng hương (nhưng nhà chuyên môn sau khi xem cây trồng lại nói không phải vàng tâm). vậy cũng đỡ, chứ trồng vàng tâm thật, 30 năm nữa cây lớn, sẽ phải thuê nguyên công ty vệ sĩ ban đêm ra canh bảo vệ cây khỏi bị chặt trộm, hì hì!

      Tự nhiên giờ nghe nói đến Hà Nội... đâm sợ :-)

      Xóa
    2. hihi, chắc bác H sợ ... con người thôi , chứ cảnh vật thiên nhiên , văn hóa lịch sử của một thành phố , đô thị bao giờ cũng đáng cho mình tìm hiểu , cảm nhận . Mấy thứ đó mà mất đi là tiếc lắm

      Xóa
    3. Cảnh vật thiên nhiên, văn hóa lịch sử thì thích lắm, nhưng mà thấy ba cái vụ lễ hội chém giết, gianh giựt, rồi đến chặt cây. hết "trảm lợn" đến "trảm cây"... hãi quá :-(((

      Xóa
    4. Bởi thế giang hồ vỉa hè mới có thơ: Xứ đâu xứ lạ xứ lùng/ Miếu đình trảm lợn, phố phường trảm cây". Khiếp!

      Xóa
  3. Thật là tiếc anh Hiệp nhỉ ? Em chưa hề thấy hàng cây xanh đẹp ở Hà Nội như anh đã đề cập ở trên . Cây xanh ngoài việc góp phần làm đẹp cho thành phố , cho thủ đô mà nó còn bảo vệ môi trường nữa ! Nếu ta cứ đốn sạch xanh hết để xây nhà tòa nhà cao ốc thì hậu quả về thiên tai lụt lội sẽ không chừa ...giống như ở miền Nam nước Pháp cũng vậy , họ đã tận dụng tối đa đất đai , phá rừng , đốn cây xanh để xây nhà cửa bít bùn và hậu quả là cứ bị lụt lội hàng năm đó thôi ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chặt phá rừng, cây cối... nói chung xâm hại đến thiên nhiên thì hậu quả đã rõ, biến đổi khí hậu gây giông bão, lụt lội, Trong vài ngày mấy ngàn cây xanh bị chặt, họ làm cả trưa, ban đêm... Tôi cũng nghĩ, rồi những loài chim chóc, sóc... làm tổ trên cây, những loài này coi vậy chứ cũng góp phần sinh thái cho thành phố ngột ngạt hết... cây để sống.
      Thôi, càng nghĩ càng ngán NangTuyet.

      Xóa
  4. Rừng tại thủ đô còn bị tàn phá thế kia thì bảo vệ làm sao nỗi rừng Trường Sơn các bác ơi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhìn thấy những cổ thụ bị chặt hạ, có cây gốc đến hai, ba người ôm, gỗ còn tươi rói, cây thẳng tắp mà đau lòng bác Bu, không đổ thừa được là cây mục, cong, sâu bệnh, người ta nói cây này "không đúng chủng loại, rễ ăn nông, dễ bị ngã đổ"... sao cũng chống chế được. Ngày xưa tôi ngồi trực thăng ở Trường Sơn nhìn xuống chỉ thấy một màu xanh bạt ngàn (nơi che dấu quân cách mạng), ở Buôn Mê Thuột rừng vào tận phố. Hơn mười năm trước tôi trở lại vùng này, dọc đường miền núi còn ít thấy cây to, người ta chặt hết rồi. Rừng không còn, trách chi mới đầu mùa khô mà đã hạn nặng, mùa mưa thì chưa chi lũ đã đổ về, huhu!

      Xóa
  5. Ở Hà Nội giờ dân có điều kiện rồi các bác à. Họ xài máy lạnh nên ít ra bóng cây hóng mát như hồi trước. Các bác "ở trển" thì nghĩ "sâu xa" cho vài chục năm sau, nghĩ cho thế hệ con cháu. Mai này gỗ quý khi bị phá rừng hết rồi thì thủ đô vẫn sẵn. Không phải đi nhập khẩu từ nước bgoài nữa. Con là con "ủng hộ" việc làm này lắm! Huhu. Trình độ của các quan thầy toàn thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư. Còn con thì học thua các thầy nên con nghĩ các thầy làm sẽ tính toán sâu xa lắm ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng, đúng, các bác "ở trên" bây giờ đã quen với máy lạnh rồi. Ở công sở dĩ nhiên máy lạnh rì rào, về nhà cũng thế. ra ngoài đường một bước lên ô tô con cũng máy lạnh mát rượi, dân lao động cà phê, ăn uống quán cóc vỉa hè mới cần bóng cây, chứ quan vào nhà hàng đặc sản có người lau mặt nữa ấy chứ, cho nên họ chẳng cần chi đến cây cối ngoài đường.
      Ủng hộ, ủng hộ, huhu!

      Xóa
    2. Quan liêu, quan cách là đây bác ơi! Khổ lắm. Chế độ xếp hàng cả ngày là thế đó.

      Xóa
  6. Nhân tiện đây có bác Hiệp, bác Bu và bác Vu Nho. Các bác cho con hỏi vấn đề này. Có bác nào biết về tục thờ Tứ Hải Long Vương không ạ? Xuất xứ, nghi thức và tại sao có tục đó ạ? Con cám ơn các bác nhiều. Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói theo Đấu trường 100 thì đây là câu hỏi khó, tôi thử tra nhanh trên mấy quyển sách có, và mạng, thấy đại ý như sau:

      - Về từ "Tứ Hải Long Vương", thì theo ý nghĩa của chữ, đây là những vị thần nơi bốn biển (tứ hải). Bốn biển (Bắc hải, Đông hải, Nam hải, Tây hải) theo địa lý thì nước Tàu rộng lớn mới có. Tứ Hải Long Vương là bốn vị thần biển trú trì bốn biển của họ.

      - VN không có Tứ hải, nhưng ở VN tín ngưỡng dân gian thờ Thủy thần nói chung (thần sông, biển, đầm lầy, hồ ao), là phổ biến ngày xưa (tại miền Bắc vùng châu thổ sông Hồng, bao gồm Thăng Long, và những vùng ven biển có nhiều Thủy thần, như thần sông Tô Lịch, thần hồ Dâm Đàm (Hồ Tây), thần đầm Dạ Trạch...), có những thần mang danh hiệu miền biển, như Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng (một nhân vật lịch sử triều Lý, vừa rồi "nổi đình nổi đám trong vụ chém lợn"), Nam Hải Đại Vương Phạm Tử Nghi... Hai vị thần này có sắc phong của triều đình. Còn nhiều nơi thờ thần biển (như tục thờ cá Ông), thường gọi là Ông Nam Hải. Cũng có vùng biển thờ Phật Bà Nam Hải, như ở Bạc Liêu đang xây dựng một khu với tên gọi như thế rất lớn.

      Xóa
    2. Riêng những tục thờ Thủy thần nói chung, hoặc như thờ Đông Hải, Nam Hải Đại Vương..., hay Ông Nam Hải... muốn biết về xuất xứ (thần tích), nghi thức (rước, lễ...), thì phải tùy từng trường hợp cụ thể của từng vị thần mới có thể nói được.

      Xóa
    3. CÁm ơn bác. Cái này con sẽ hỏi lại. Tại con ko biết là rắc rối như vậy nên con chỉ hỏi miếu thờ ai thôi ạ? :-)

      Xóa
  7. Người dân có dốt thì chỉ làm hại bản thân hoặc một cộng đồng nhỏ. Lãnh đạo mà dốt đến thế này thì mức độ tàn hại đến đâu hở bác Phạm? Nếu Giáo ở HN, chắc Giáo cũng sẽ vác biểu ngữ ngồi đồng ở mấy gốc cây sắp bị chặt, hy vọng có người thấy tội cung cấp nước uống và... cớm tấm thịt sườn nướng! huhu...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bản thân dốt thì hại một người, gia đình dốt thì hại vài ba người, thành phố dốt thì hại triệu người, đất nước dốt thì hại trăm triệu, huhu!
      Giáo mà đi biểu tình tôi biết sẽ gởi ủng hộ ổ bánh mì thịt Như Lan, cùng chai nước suối Vĩnh Hảo, hì hì!

      Xóa
  8. Vui quá chào các Bác. Câu nói của bác Hiệp quá đúng . Mấy ổng bây giờ cà lăm hết rồi ,rồi cũng sẻ có vài ông nhỏ nhỏ đứng ra lãnh đạn cho mấy ông to to mà thôi
    Các Bác có đi giữ cây ( Bận không đi được ) tôi sẽ ủng hộ mỗi Bác một suất cơm tấm Kiều Giang kèm một chai dr thanh. He he

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì! Vụ Hà Nội chặt cây chưa lắng thì thấy Đồng Nai lấp sông, đất nước đảo điên hết rồi. Tôi đọc báo thấy viết ông lãnh đạo tỉnh ĐN phát biểu, qua dự án lấp sông thấy chủ đầu tư rất "tâm huyết". Lãnh đạo ơi là lãnh đạo, cho dù thật sự chủ đầu tư có tâm huyết ngàn phần trăm đi nữa thì trên cương vị nhà nước (ký dự án), ai lại đi nói như thế, cái thằng dân đen ưa nhiễu sự sẽ nghĩ ngay chuyện khác trong câu nói đó.
      Rảnh bác Salam cứ ghé chơi :-)

      Xóa

:) :( :)) :(( =))