Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

Tục trồng cây nêu ngày Tết.


Trồng cây nêu ngày tết. Tranh dân gian.

Theo tập tục xưa, cứ đến ngày cuối của năm, mà người dân gọi là trừ tịch, cùng với việc làm mâm cơm cúng mời tổ tiên về ăn tết với con cháu, người ta dựng lên trước cửa nhà một cây nêu, gọi là lên nêu hay trồng nêu, đến mùng 7 tết mới hạ xuống, gọi là hạ nêu. Trong dân gian có những câu ca dao nói về cây nêu:

Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Trông mau tới tết dựng nêu ăn chè.

Hay:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Nhưng trước hết "nêu" có nghĩa là gì? Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của chép:

Nêu: Cắm cây làm dấu hiệu. 

Tre nêu: Cây tre dùng mà nêu, trong mấy ngày tết.
Lên nêu: Trồng một cây tre trước nhà trong mấy ngày tết, cho biết là năm mới, cũng nhắc tới cây bàn đào của bà Tây-vương-mẫu, là chỗ quỉ ở, thường có hai con quỉ lớn kêu là Thần đồ, Uất lũy, hay bắt các quỉ xấu mà ăn, cũng kêu là cây đào phù, nghĩa là bùa đào.

Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức viết:

Nêu: Cây cắm cao lên để làm dấu hiệu. Nêu cao nhưng bóng chẳng ngay/ Sợ gì ma quỉ phải trồng cây nêu (Câu đối tết). Nghĩa bóng: tiêu biểu cho người ta theo: Nêu gương tiết nghĩa để nghìn thu.

Về tục dựng cây nêu sách Gia Định thành thông chí ở vào thế kỷ 19 của Trịnh Hoài Đức chép:

"Ngày trừ tịch,mọi nhà đều trồng nêu tre ở trước cửa lớn, trên buộc cái sọt bằng tre, trong để trầu cau và vôi, bên cạnh treo giấy vàng bạc, gọi là trồng nêu".

Về sự tích của cây nêu, truyện liên quan đến nhà Phật kể:

Xưa có con quỉ dữ chiếm toàn thể đất đai, con người phải đi làm thuê cho nó, quỉ tham lam đòi lấy hết hoa màu làm ra. Con người mới cầu cứu Đức Phật. Nhờ Phật chỉ dẫn khi quỉ đòi ăn ngọn, người ăn gốc, thì người đi trồng khoai. năm sau quỉ đòi ăn gốc thì người trồng lúa. Năm tới đòi ăn cả ngọn lẫn gốc thì Phật chỉ người đi trồng bắp. Quỉ tức quá không cho người làm trên đất của nó. Người lại cầu cứu đến Phật, Phật dạy người dùng tiền năn nỉ quỉ nhượng lại cho một mảnh đất bằng chiếc áo cà sa, quỉ tham tiền đồng ý. Phật tung chiếc áo cà sa lên đọt tre rồi dùng phép làm cho cây tre cao mãi lên tận trời, bóng áo cà sa che phủ hết mặt đất. Quỉ không còn đất ở phải lùi ra biển, chúng nài nỉ mỗi năm một lần đến tết cho chúng về thăm lại mộ tổ tiên cha ông ở đất liền. Phật ưng thuận, do đó theo lệ, cứ cuối năm con người lại trông cây nêu bằng tre để cho quỉ biết nơi đó có Phật che chở, mà không dám bén mảng tới.

Vào hôm trừ tịch, người dân chọn một cây tre để làm cây nêu, cây tre được tước bỏ hết nhánh chỉ giữ lại một ít lá trên ngọn. Người ta buộc vào gần ngọn một cái vòng tre, dưới vòng tre buộc một chiếc mũ thần, những miếng trầu, lá dứa và cây xương rồng, có cả những con cá nhỏ bằng giấy, chuông và khánh bằng đất nung, để gió thổi sẽ phát ra những âm thanh. Trên ngọn còn treo một cái lồng đèn để thắp sáng vào ban đêm. Ở dưới đất người ta còn rắc vôi bột trước cửa nhà để cấm cửa quỉ.

Khi xưa người ta buộc vào cây nêu những vật như thế với ý nghĩa để chỉ đường cho tổ tiên về ăn tết với gia đình, trầu cau, vôi, giấy vàng bạc là để cho người quá cố sử dụng, còn chuông khánh phát ra tiếng kêu, lá dứa, xương rồng gai góc làm cho ma quỷ sợ hãi. Người ta còn buộc vào cây nêu một tấm phên tre gồm 4 nan dọc và 5 nan ngang, gọi là bùa "tứ tung ngũ hoành" là một thứ bùa mang tính ma thuật của thầy phù thủy để chống lại ma quỉ, 4 nan dọc và 5 nan ngang có ý nghĩa như bờ rào, bờ giậu để ngăn chặn. Cũng có thể hiểu vạch ngang (hoành) tượng trưng cho không gian, vạch đứng (tung) tượng trưng cho thời gian. Không gian - thời gian tượng trưng cho vũ trụ.

Hình dạng tấm phên tre "tứ tung ngũ hoành" buộc vào cây nêu để trừ ma quỉ.

Cũng có một cách hiểu khác, cây nêu biểu tượng cho sự tiến hóa của vũ trụ luôn vươn lên trên cao. cây tre là loại cây có đốt, mỗi đốt tượng trưng cho một bậc thang đi lên. Gốc của cây nêu được cắm xuống đất, ngọn vươn lên trời. Cây nêu và Con người biểu tượng cho vũ trụ ba tầng: Thiên - Địa - Nhân.

Hôm trừ tịch, tức là ngày cuối năm 30 tết, sau khi lên nêu, người dân cũng làm một mâm cơm cúng mời ông bà tổ tiên về ăn tết với con cháu, đồng thời cũng cúng thỉnh Ông Công, Ông Táo trở về nhà, Nhân đây cũng xin viết lại một bài văn khấn cổ người xưa thường khấn trong lễ mời tổ tiên cuối năm:

Duy Đại Việt quốc, Ất Mùi niên, xuân thiên thập nhị nguyệt, sơ thập tam nhật.
Kim thần phụng sự: (tên: thí dụ Nguyễn Văn Tèo). Quê quán: làng, xã - tổng - phủ - huyện - tỉnh. Cư ngụ: nơi ở hiện tại (số nhà, phường, quận, tỉnh, thành phố). Đồng gia quyến khê thủ, đốn thủ bách bái.
Cẩn dĩ phù lưu thanh chước, kim ngân, hương đăng, hoa quả, mâm bàn cụ vật, thứ phẩm chi nghi, cảm kiền cáo vu.
Cung thỉnh
Lịch đại tổ tiên, cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỉ, tằng tổ khảo, tằng tổ tỉ, tổ khảo, tổ tỉ, hiền khảo, hiền tỉ (*), thúc, bá, huynh, đệ, cô, dì, tỉ, muội, đồng lai lâm chứng giám.
Ngưỡng vọng.
Bảo hộ gia đình, tự lão chí ấu, hạnh phúc an khang, vạn sự hanh thông, nhân tăng vật vượng.

Thượng hưởng.

Diễn nôm:

Nước Đại Việt, năm Ất Mùi, tiết Xuân tháng Chạp, ngày ba mươi.
Nay con giữ việc thờ phụng tên là Nguyễn Văn Tèo. Quê quán:............ Cư ngụ:............ Cùng gia quyến cúi đầu trăm lạy.
Kính cẩn có hương đèn, vàng bạc, hoa quả, cỗ bàn rượu thuốc, trầu cau, cùng mọi vật phẩm dâng lên.
Kính mời tổ tiên, cụ, kỵ, ông, bà, cha, mẹ, chú, bác, anh, em, cô, dì, chị em cùng về chứng giám.
Giám mong
Tiên tổ bảo hộ gia đình, từ già đến trẻ, hạnh phúc an khang, vạn sự hanh thông, người tăng vật vượng.

Thượng hưởng.

Trong phần cung thỉnh, nếu gia chủ làm lễ cúng nơi bàn thờ Ông Công, Ông Táo sẽ thay phần mời Tổ tiên, khấn như sau:

Cung thỉnh
Bổn gia Thổ Công, Bổn địa Thổ thần, Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ thần quân.
Lai lâm chứng giám, ủng hộ gia chủ, tự lão chí ấu, bình an hưởng phúc, vô tai vô nạn, vô hạn vô ách, tăng tài tiến lộc. vạn sự hanh thông.

Thượng hưởng.


Ghi chú:

(*) Con cháu lúc lễ khấn cần phân biệt các hàng kỵ, cụ, ông, bà, cha, mẹ. Đàn ông khấn chữ khảo, đàn bà khấn chữ tỉ.
Cao tằng tổ khảo kỵ ông, đồi với người khấn là năm đời. Cao tằng tổ tỉ kỵ bà
Tằng tổ khảo cụ ông, đối với người khấn là bốn đời (chắt). Tằng tổ tỉ cụ bà.
Tổ khảoông, đối với người khấn là ba đời (cháu). Tổ tỉ .
Hiền khảocha, hiền tỉmẹ.
Kể từ đời thứ sáu trở đi thì không phải mời nữa.

Tham khảo:

- Các sách liên quan ghi trong bài viết.

- Đặc khào về tín ngưỡng thờ gia thần, Huỳnh Ngọc Trảng - Nguyễn Đại Phúc, NXB Văn hóa Văn nghệ - 2013.
- Phong tục thờ cúng trong gia đình Việt Nam, Toan Ánh, NXB Đồng Tháp-1996.







8 nhận xét :

  1. Muốn dựng cây nêu trên blog phải làm sao ta? Bác Phạm bày giùm nhe!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì Giáo cứ lên Gú gồ sơợc một tấm hình cây nêu rồi "trồng" vào entry mới với tít là "trông nêu ăn tết" :-)

      Xóa
  2. Cám ơn bác Hiệp! Thú vị nhất là bài khấn cổ.
    Thân phụ tôi khi còn sống, cụ đã chép vào cuốn sổ cho tôi các bài cúng giỗ, cúng mụ, cúng ba ngày tết. Tôi chỉ việc giở sổ ra...đọc. Ngày xưa, cụ thuộc lòng, chẳng cần sổ sách.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Vũ Nho để ý chắc sẽ thấy bài văn khấn cổ không hề có câu Nam mô A Di Đà Phật mở đầu (bân giờ mấy quyển sách văn khấn đều có câu này), và bài văn khấn cổ rất chú trọng đến quê quán, mỗi thời mỗi khác. Bà xã tôi cũng có một quyển do các cụ chép để lại, rất hay.

      Xóa
  3. Bu tui ở trong cái chung cư 21 tầng, nó là cây nêu cao lắm rồi..không trồng thêm chi nữa Thánh thần có trách phạt gì không đây.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, các chung cư trong thành phố giờ cứ như những cây nêu sừng sững quanh năm. À, không biết ở Vũng Tàu nơi bác có không, chứ ở tôi nhiều nơi lề đường nhà nước trồng những cây... cột cờ và treo cờ ăn tết, một tục lệ mới thay cho cây nêu xưa chăng?

      Xóa
    2. Chắc là nhà nước không định trồng cây nêu, vì nó không phải tre, không phải chỉ thọ có 7 ngày mà là mãi mãi. Nhà nước muốn bảo dân chúng phải hướng về tổ quốc XHCN do đảng lãnh đạo thế thôi

      Xóa
    3. Tạm gọi là phong trào trồng cây cờ, hi hi!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))