Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Nhặt nhạnh chữ nghĩa.




Tôi đọc lại một quyển sách của một tác giả khá nổi tiếng hay viết về những vấn đề có liên quan đến chữ nghĩa (sách mới xuất bản năm 2013, tôi sẽ không nêu tên tác giả và sách đọc), quyển sách ông viết về những sai sót trong từ ngữ, câu cú, cách dùng từ... ta thường hay gặp bây giờ trên báo chí, truyền hình... và những cách để sửa chữa từ sai thành đúng. Sách viết hay, có ich cho người đọc, tuy nhiên có một từ sách viết tôi thấy không chính xác. Sách viết:

- Hậu quả cho AC Milan thật tai hại: bị UEFA trừ hai điểm đội này lọt xuống cuối bảng, ngoài ra trong hai trận trên sân nhà tiếp theo phải đá trên sân cách xa Milan tới 300km! (b., 23-10-1994).

Người ta nói lọt vào bán kết', lọt vào mắt người đẹp'... nhưng không nói 'tụt vào bán kết'. Tụt là đi xuống, nên nói 'tụt hạng', 'tụt dốc', 'tụt hậu',... nghĩa là từ lọt có thể dùng để chỉ một sự kiện tốt đẹp, còn tụt thì không. Vậy cần sửa lại là: 'tụt xuống cuối bảng'.

Đây là một đoạn tôi copy lại trong sách khi tác giả nói về việc dùng chữ lọt trong một bản tin trên một tờ báo, theo ý kiến bên trên của tác giả sách thì bài báo viết "lọt xuống cuối bảng" là không đúng vì từ lọt "có thể dùng để chỉ một sự kiện tốt đẹp", (tôi ghi đậm chữ muốn nói), và tác giả sách kết luận, cần phải sửa lại là "tụt xuống cuối bảng".



Ý kiến của tác giả sách về cách dùng chữ lọt như trên có đúng không? Trước hết tôi thử xem trong một số câu nói hoặc câu viết thường gặp:

- "Hôm qua tôi nằm võng bị lọt xuống sàn", (Hôm qua tôi nằm võng bị rớt xuống sàn), hoặc "Tuần trước tôi về quê chạy xe bị lọt xuống mương", (Tuần trước tôi về quê chạy xe bị rớt xuống mương) rõ ràng từ lọt ở hai câu này có nghĩa là rớt. Một câu khác "Bị lọt vào vòng vây của địch" thì từ lọt dùng ở đây có nghĩa là rơi (rơi vào).

Chưa kể chữ lọt được dùng trong những trường hợp khác, tùy theo từng "ngữ cảnh" mà chữ lọt được hiểu theo những nghĩa khác nhau, thí dụ:

- "Bóng đã lọt lưới", lọt ở đây là nằm gọn trong lưới.

Nhưng khi nói "Con cá đã lọt lưới", thì lại có hai cách hiểu trái ngược nhau, cách hiểu thứ nhất là "con cá đã nằm gọn trong lưới", như "Bóng đã lọt lưới". Cách hiểu thứ nhì ngược lại là "con cá đã chui ra (lọt ra) khỏi lưới".

Đấy là những câu ta gặp trong cuộc sống, còn theo sách vở chữ lọt được giải thích:

- Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của (Saigon 1895-1896) giải thích chữ lọt như sau: Lọt: Thâu qua, chun qua, thoát khỏi, sổ sút, rớt xuống, lau chùi. Chữ lọt trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị ngoài các nghĩa khác còn có nghĩa là rớt xuống.

- Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hanoi-1931) giải thích: Lọt: Qua được, vào được chỗ hổng, chỗ hở. Nghĩa bóng: vượt qua khỏi những việc khó khăn. Chữ lọt trong Việt Nam Tự Điển không có nghĩa là rơi, rớt xuống.

- Từ điển Tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, NXB Khoa Học Xã Hội- Hà Nội 1967 (xuất bản ở miền Bắc trước năm 1975), giải thích từ Lọt: 1. Thổi vào, lùa vào. 2. Rơi qua lỗ xuống dưới. 3. Len lỏi vào. 4. Thấm vào. 5. Qua được.

- Tự điển Việt Nam, Ban Tu Thư Khai Trí, Nhà sách Khai Trí-Saigon 1971 (xuất bản ở miền Nam trước năm 1975), giải thích từ Lọt: Qua được lỗ hổng, chỗ hở. Rơi vào. Vượt qua khỏi chỗ khó khăn.

- Từ điển Tiếng Việt: Quang Hùng-Khắc Lâm, Viện Ngôn Ngữ-NXB Từ điển Bách Khoa-2007 (xuất bản hiện nay), giải thích chữ Lọt: Rơi từ trên xuống dưới. Qua được chỗ hẹp. Rơi vào chỗ hẹp. Thoát được khó khăn. Tên một thứ bột làm thành sợi.



Như vậy ta thấy ngoài những nghĩa khác, từ "lọt" cũng được sử dụng với nghĩa rơi, rớt, rơi xuống dưới, rơi vào, rơi từ trên xuống dưới. Bài báo do tác giả sách trích dẫn bên trên viết "đội này lọt xuống cuối bảng" (đội bóng AC Milan), có nghĩa là "đội AC Milan rơi, rớt (lọt) xuống cuối bảng" (đang từ thứ hạng cao rơi, rớt (lọt) xuống cuối bảng), cách viết này là hoàn toàn đúng, từ lọt dùng xưa nay không phải chỉ có nghĩa "để chỉ một sự kiện tốt đẹp" (lọt vào bán kết), như tác giả sách đã viết, mà còn có nghĩa là rơi, rớt xuống, để nói một sự việc không mấy tốt đẹp (lọt xuống sàn, lọt xuống mương, lọt vào vòng vây của địch chắc chắn là những việc không tốt đẹp), và không cần thiết phải sửa lại theo ý tác giả sách là: "tụt xuống cuối bảng".


Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Lại nói chuyện... xôi.


Xôi gấc trong đám cưới. Ảnh Internet.

Trong entry trước tôi có viết về món ăn dân dã xôi lúa (còn được gọi là xôi ngô, xôi bắp), hôm nay sắp cuối tuần rồi, nhân đây xin nói thêm ba điều bốn chuyện chữ nghĩa nữa về... xôi.

Ít nhất nói nghiêm túc xôi cũng có hai nghĩa (ở đây xin không bàn đến nghĩa... giang hồ). Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ (Hoàng Phê chủ biên), xôi được giải thích như sau:

- Xôi: I. danh từ: 1. món ăn bằng gạo nếp đồ chín. 2. (phương ngữ): cơm nếp.
          II. động từ (cũ): nấu xôi. Xôi một chõ xôi.

Chữ xôi ở đây (nghĩa thứ II.) có nghĩa là nấu, những từ đồng nghĩa: nấu, xôi, thổi. Như: nấu một nồi cơm, thổi một nồi cơm, thổi một nồi xôi, xôi một chõ xôi). Chữ xôi có nghĩa là nấu còn hiện diện trong câu nấu sử, xôi kinh (hay xôi kinh, nấu sử), cũng được viết là nấu sử, sôi kinh.

Trong Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội-1931), chữ xôi cũng có hai nghĩa:

- Xôi: 1. Thứ đồ ăn bằng gạo nếp nấu cách thủy.
           2. Dôi ra, nở ra. Sinh xôi nảy nở.

Sau này chữ xôi ở nghĩa thứ 2. được viết dưới dạng sôi: Sinh sôi nảy nở.

Trong entry này tôi muốn nói đến từ xôi (danh từ), có nghĩa là món ăn được đồ từ nếp, và một số câu thành ngữ, ca dao nói về món xôi.

- Ăn mày đòi xôi gấc:  Là ăn mày đi xin người ta cho thứ gì thì biết thứ ấy, còn đòi xôi gấc (xôi gấc là thứ xôi thường được sử dụng trong đám cưới, đám giỗ), ý chỉ kẻ tham lam.

- Ăn xôi chùa ngọng miệng: đã ăn của người khác cái gì rồi thì không dám mở miệng chê bai phê bình nữa.

- Ăn xôi chùa, quét lá đa: Ăn xôi của chùa thì phải quét lá đa, ý nói khi đã được hưởng cái gì của người khác thì phải làm gì đó bù đắp lại, tựa như câu có qua có lại mới toại lòng nhau.

- Ăn xôi đòi đĩa: Có lẽ câu này có hai ý: 1. đã được cho ăn xôi còn đòi luôn cả đĩa đựng (chẳng hạn kẻ ăn mày ghé đám giỗ nhà người ta xin, được cho nắm xôi ăn, còn đòi phải đựng trong đĩa), ý nói kẻ không biết điều. 2. đựợc ăn xôi còn đòi (lấy) luôn cả đĩa đựng xôi, ý nói kẻ tham lam, tựa như câu được voi đòi tiên.

- Chết chẳng muốn, muốn ăn xôi: xôi là thứ thường có trong đám cúng giỗ, ý nói muốn hưởng nhưng lại không muốn đánh đổi lại cái gì.

- Cho xôi không bằng đòi đĩa: khi cho xôi thường xôi được đựng trong đĩa, đã có lòng tốt cho (biếu) ai xôi, lỡ người ta quên (hay chưa kịp trả đĩa), thì việc đi đòi đĩa là hành động khó khăn, không được tế nhị.

- Có thịt đòi xôi: Cũng tựa như câu ăn mày đòi xôi gấc.

- Có xôi nói xôi dẻo, có thịt nói thịt bùi: xôi dẻo, thịt bùi là thức ăn ngon, ý nói người thích khoe khoang, món nào mình có cũng cho là ngon.

- Cơm tẻ ăn no, xôi vò chả thiết: xôi vò là món ăn ngon, ngày xưa thường có trong lễ giỗ, lễ cưới, ý nói đã no (đầy đủ) rồi thì không thiết gì nữa.

- Hết xôi rồi việc: Hết xôi thì cũng xong chuyện, ý nói chỉ vì miếng ăn chứ không vì tình nghĩa, cũng tựa như câu hết cơm hết gạo hết ông tôi.

- Xôi giả vạ thật: ý nói lợi lộc đâu không thấy, chỉ thấy tai họa.

- Xôi hỏng bỏng không: xôi và bỏng là hai món ăn dân gian, xôi được đồ từ gạo nếp, bỏng là hạt thóc nếp (lúa nếp) rang nổ bung ra, bỏ đi lớp vỏ trấu bên ngoài, thường hạt bỏng được ngào thêm với mật, đường, nắm lại thành nắm tròn bằng nắm tay hay đóng thành bánh, là món ăn chơi trẻ con ngày xưa ưa thích. Câu thành ngữ ý nói xôi, bỏng cũng hỏng ăn (không được ăn), làm việc gì đó nhìn thấy có lợi mà cuối cùng không thu được kết quả gì.

- Xôi thịt nó bịt lấy miệng: cũng như ăn xôi chùa ngọng miệng.

- Xôi thịt thì ít, con nít thì nhiều: ý nói cái lợi thì ít mà có nhiều người giành giật, như mật ít ruồi nhiều.

Trong bài thơ Làm lẽ của nhà thơ Hồ Xuân Hương có câu:

Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,
 Cầm bằng làm mướn, mướn không công.

 Chữ "hẩm" ở đây có nghĩa là đồ ăn bị thiu, ôi, mốc không còn ăn được (cơm hẩm, gạo hẩm, xôi hẩm).

Một vài câu ca dao liên quan đến xôi:

Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một như đường mía lau.

- Chuối ba hương: chuối chín thắp ba tuần hương (Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam, Vũ Dung-Vũ Thúy Anh- Vũ Quang Hào, NXB văn Hóa-Thông Tin-1998). Chuối ngon chín tới.
- Xôi nếp một: xôi nấu bằng nếp một (nếp hạng nhất).
- Đường mía lau: mía lau là loại mía cây nhỏ hơn mía thường, có vị ngọt thanh chứ không ngọt gắt, cũng là vị thuốc, thường được nấu làm nước mát uống mát gan, giải nhiệt, giải độc cùng với một số cây cỏ vị thuốc khác như rễ tranh, mã đề, râu bắp, hoa cúc...

Câu ca dao trên không ví mẹ già với những gì sang trọng, xa vời, mà ví với những sản vật rất dân dã nhưng ngon ngọt, quen thuộc quanh ta...

Vài câu ca dao khác:
Có duyên lấy được chồng già,
Ăn xôi bỏ cháy, ăn gà bỏ xương.

Ăn trầu thì phải có vôi,
Cúng rằm thì phải có xôi có chè.

Có oản anh tính phụ xôi
Có cam phụ quýt, có người phụ ta.

Mẹ em tham thúng xôi dền
Tham con lợn béo tham tiền Cảnh Hưng.
Bây giờ kẻ thấp người cao,
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.

- Xôi dền: xôi vừa chín đến, Việt Nam Tự Điển, Hội Khai Trí Tiến Đức. Xôi đồ vừa chín tới (cũng như chuối ba hương là chuối được thắp ba tuần hương vừa chín tới), những gì vừa chín tới đều ngon. Thúng xôi, con lợn béo, tiền Cảnh Hưng ngày trước được dùng trong sính lễ cưới, hỏi (Giúp em một thúng xôi vò/ Một con lợn béo, một vò rượu tăm - Tát nước đầu đình).

...

Chắc chắn còn thiếu nhiều, xin mời các bạn bổ sung.




Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

Xôi bắp, xôi ngô, hay xôi lúa?



Ảnh Internet.

Cuối tuần tôi ngồi uống cà phê với mấy người bạn cũ nơi vỉa hè trước nhà bạn. Trời chiều chạng vạng một chiếc xe đẩy đi ngang, trên xe có mấy nồi xôi bốc khói nghi ngút hấp dẫn, bạn kêu mua mấy hộp (xôi bây giờ được đựng trong cái hộp xốp trắng, ít thấy gói bằng lá). Thỉnh thoảng ta thấy nơi đường phố đông đúc Saigon một chiếc xe đẩy di động như thế, bán đủ thứ xôi với đủ màu sắc, xôi đậu xanh, xôi bắp, xôi nếp cẩm màu tím... Nhìn màu tím của xôi nếp cẩm không biết có phải được đồ bằng lá cẩm thật không? Ngay cả màu xanh của xôi đậu xanh (nấu theo kiểu miền Nam) trông cũng như được nhuộm màu, chỉ còn xôi bắp màu trắng là coi có vẻ "thật". Ngày trước món xôi thường được ăn lót dạ vào bữa sáng, nhưng ở thành phố Saigon này thì bây giờ xôi còn được bán cả vào buổi chiều tối, trên những chiếc xe đẩy như thế này, cũng tiện lợi, xôi lại rẻ hơn những món ăn khác như phở, hủ tíu mì, ăn chắc dạ, phù hợp với túi tiền của mọi người.

Câu chuyện của mấy ông bạn già xoay quanh hộp xôi bắp. Một người bạn Nam bộ nói, dân miền Nam tụi tui kêu là xôi bắp, còn dân Bắc như mấy ông chắc gọi là xôi ngô?. Đúng, tôi là dân Bắc có nghe người ta gọi xôi này là xôi ngô, cũng như người miền Nam kêu là bắp (trái bắp, hột bắp, chè bắp), còn người miền Bắc thì gọi là ngô, hạt ngô, chè ngô, hay như con heo và con lợn vậy. Nhưng còn một tên gọi nữa mà từ thuở bé tôi đã nghe người lớn trong nhà nói, đó là xôi lúa.

Hồi còn bên Multifly, tôi cũng có viết sơ về chuyện xôi lúa này, có lẽ lần này tôi sẽ viết kỹ hơn.

Trong quyển "Văn hóa ẩm thực Việt Nam - Các món ăn miền Bắc" của các tác giả Băng Sơn và Mai Khôi (nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2002). Tác giả Băng Sơn có viết một bài tựa là Xôi lúa. Đại ý nói về một món ăn sáng ở Hà Nội (chỉ được bán vào buổi sáng) được làm bằng bắp nếp bung thật nhừ, trộn với một ít nếp cho có độ dính, có đỗ xanh trộn lẫn và đỗ xanh đồ tơi nắm thành từng nắm, lấy dao xắt lát mỏng phủ lên xôi, cuối cùng là rưới lên một ít hành củ bào mỏng phi vàng với mỡ, cũng có người cho thêm ít đường cát trắng vào xôi khi ăn. Xôi lúa ăn có đủ vị bùi, béo, ngọt, thơm, dẻo. Xôi lúa Hà Nội ngày xưa được gói trong một mảnh lá sen, khi ăn còn thoảng mùi thơm hương sen, mùa không có lá sen thì được gói trong lá chuối hoặc lá bàng. Ở vùng Mai Động, Yên Phụ xưa có những gia đình làm xôi lúa bán đã mấy đời, mẹ truyền cho con gái. Ở cuối bài tác giả viết "Và một điều đặc biệt là chỉ Hà Nội gọi là xôi lúa, chứ không ai gọi món ăn sáng này là xôi ngô. Có lẽ từ ngữ cổ, giữa ngôlúa có gì trùng nhau không, nhưng đây cũng là một nét riêng Hà Nội".

Lúa, là loài cây lương thực thuộc họ Hòa bản, từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên giải thích như sau: Lúa: 1. danh từ, cây lương thực, thân cỏ rỗng, hoa lưỡng tính, không có bao hoa, quả có vỏ trấu bao ngoài gọi là hạt thóc. 2. phương ngữ, thóc.

Như chúng ta đã biết, món xôi lúa hoặc xôi ngô là một món ăn chơi của miền Bắc, khi du nhập khi vào miền Nam được gọi là xôi bắp, có biến tấu đôi chút là rắc thêm ít dừa bào tơi, bởi miền Nam là xứ sở của dừa, và cho thêm khá nhiều đường (dân miền Nam có lẽ "hảo ngọt" hơn, thường món ăn nào cũng có vị ngọt). Dĩ nhiên nguyên liệu chính để làm ra xôi là hạt  bắp, hay hạt ngô. Còn theo như giải thích của từ điển tiếng Việt lúa hạt thóc, hay thóc bên trên, thì chẳng ai có thể lấy lúa tức là hạt thóc, hay thóc là hạt gạo còn nguyên vỏ trấu để đồ thành món xôi lúa. 

Tác giả bài viết về xôi lúa bên trên nêu câu hỏi: "Có lẽ từ ngữ cổ, giữa ngô và lúa có gì trùng nhau không". Tôi cũng đã từng thắc mắc như thế, cho đến khi đọc trong sách Vân Đài Loại Ngữ (Quyển 9 - Phẩm vật) của Lê Quý Đôn (NXB Văn Hóa Thông Ti-1995), tôi nghĩ là đã tìm được lời giải đáp. Sách chép như sau:

"Sách Bổn Thảo chép: ngọc Thục thử giống như cây ý dĩ (cây bo bo), cây cao ba bốn thước, lòng cây mọc ra một cái bông, bông này mọc lên râu trắng, bông tách ra, hột chi chít gom lại màu vàng vàng trắng trắng. Hột có thể rang mà ăn. Rang thì hột nổ như rang nếp. Ăn nổ này thì điều trung khai vị (điều hòa nội tạng và làm cho biết ăn ngon).

Hột này nước Nam gọi là lúa ngô (bắp).

Người ta lấy dao xoi đất rải hột mà trồng.

Từ đầu niên hiệu Khang Hy (1662-1723) nhà Thanh, Trần Thế Vinh, người ở huyện Tiên Phong thuộc lộ Sơn Tây, đi sứ mới bắt đầu được thứ giống lúa ngô này đem về nước. Cả một lộ Sơn Tây nhờ thứ lúa ngô này làm lương thực. Con trẻ ăn lúa ngô nhiều có thể đầy ruột".

Sách đã cho chúng ta biết ngô (gọi theo miền Bắc), hay bắp (gọi theo miền Nam), ngày xưa được gọi là lúa ngô, tức là lúa của người Ngô, do Trần Thế Vinh đi sứ mang giống về. Chữ lúa là để chỉ hạt ngô, hạt bắp, còn Ngô ở đây là để chỉ nước Trung Hoa, người Việt ngày trước hay dùng từ Ngô, Hán, Đường để chỉ nước Trung Hoa hay người Trung Hoa (chẳng hạn từ Ngô trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, hoặc trong câu tục ngữ "giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng"). Trong Vân Đài Loại Ngữ cũng cho biết ngày xưa người ta dùng chữ lúa để chỉ chung cho các loại ngũ cốc, như trong câu "Phương Đông nhiều lúa đạo, lúa thử". Thử là nếp, còn đạo là từ chỉ chung cho các loại hạt khác của ngũ cốc. Điều này ta có thể tìm thấy thêm trong giải thích của Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội-1931). Trong mục từ Lúa được giải thích: 1. Nói chung về loại ngũ cốc: lúa mì, lúa mạch, lúa ngô. 2. Nói riêng về thứ cây trong ngũ cốc sinh ra thóc. Có khi nói riêng về thóc.

Như vậy chúng ta đã thấy, xưa kia khi mới du nhập từ Trung Hoa vào nước ta, loại lương thực bây giờ trong Nam gọi là bắp, ở miền Bắc gọi là ngô, khi ấy được gọi là lúa ngô. Sau này từ lúa vẫn còn hiện hữu nơi món ăn xôi lúa như theo cách gọi của người Hà Nội mà tác giả Băng Sơn đã viết (lúa ở đây chính là lúa ngô chứ không phải là thóc lúa). Còn từ ngô thì được dùng để chỉ một loại cây như ta đã biết người miền Nam gọi là bắp.

Tóm lại, món ăn dân dã xôi bắp, xôi ngô, hay xôi lúa cũng chỉ là một, tùy theo cách gọi của từng vùng, miền...





Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Sách, như một phần không thể thiếu.


Sách Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX của GS. Lê Thành Khôi.

Tôi ghé một tiệm bán sách quen, gọi là tiệm nhưng thực ra đây là một quầy sách tư nhân chừng mươi mét vuông mướn mặt tiền của một căn nhà phố. Quầy sách bán vừa sách mới vừa sách cũ, không nhiều nhưng được cái sách tương đối chọn lọc, "kén" người đọc, thỉnh thoảng tôi vẫn tìm được ở nơi này một vài quyển sách hay. Vừa dựng được chiếc xe bước vào cửa hàng chị bán hàng đã hỏi tôi: "Bác có quyển Lịch sử Việt Nam của ông Khôi gì đó chưa?". À, quyển Lịch sử Việt Nam của Lê Thành Khôi, một vị Giáo sư đã sống nhiều năm ở bên Pháp, mấy hôm trước tôi đã đọc được bài viết về quyển sách này. Tôi nói với chị chủ tiệm sách là chưa có, chị ấy lấy sau quầy quyển Lịch sử Việt Nam đưa cho tôi, sách vẫn còn bao trong giấy bóng kính trong.

Chị chủ tiệm nói tiếp: "Mấy hôm trước tôi lấy được 10 quyển, tưởng loại sách này khó bán, ai ngờ mang về có vài ngày mà người ta đã mua hết, tôi còn đúng một quyển giữ lại xem bác có cần không, chứ nhiều người hỏi mà tôi không bán". Tôi cám ơn chị chủ tiệm và lấy ngay quyển sách, vì tôi cũng đang định tìm quyển sách này, đây là quyển sách "mới ra lò còn nóng hổi" (QĐ xuất bản vào tháng 8-2014). Ở tiệm sách này có điều khá đặc biệt là sách mới toanh, nhưng bán giảm giá, cho dù là loại sách bán chạy, thường là giảm 20%. Quyển Lịch sử Việt Nam cũng thế, giá bìa đề 180.000 đồng, giảm còn 144.000 đồng.

Quyển Lịch sử Việt Nam của GS. Lê Thành Khôi (tựa đủ là Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX) được dịch ra tiếng Việt từ nguyên tác viết bằng tiếng Pháp bởi hai quyển sách. Thứ nhất là trọn quyển Histoire du Viet Nam, des origins à 1858 (Lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến năm 1858), do NXB Sud Est Asie, Paris ấn hành năm 1982, và mục V (chương VII) và chương  IX  của cuốn Le Viet Nam, Histoire et Civilisation (Việt Nam, Lịch sử và Văn minh), do NXB Minuit, Paris ấn hành năm 1955. Sách được dịch ra tiếng Việt bởi Nguyễn Nghị và hiệu đính bởi Nguyễn Thừa Hỷ, do Nhã Nam và NXB Thế Giới ấn hành. Chắc chắn đây là một quyển sách viết về lịch sử Việt Nam mà bất cứ người đọc sách nào cũng cần phải có trong tủ sách.

Về nhà tôi thử giở sách xem sơ qua, sách viết rất công phu, được tra cứu từ nhiều nguồn, những thư tịch cổ của Việt Nam, Trung Hoa, những sách được in trong Nam, ngoài Bắc xưa nay, cùng nhiều sách vở, tài liệu... được xuất bản ở nước ngoài. Không chỉ viết về lịch sử, sách còn trích dẫn những nghiên cứu về khảo cổ, địa chất, về văn hóa... để thuyết minh cho lịch sử, cho nên đã cung cấp cho độc giả một cái nhìn toàn diện, với rất nhiều thông tin có ích. Trong phần viết về Triệu Đà, sách đã trình bày vương quốc Nam Việt và nhân vật này như một sự kiện lịch sử, chứ không phải như một vị vua của nước Việt cổ đại.

Tuy nhiên, theo như tựa sách Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, nên sách chỉ dừng lại vào năm 1954, sau khi đã giới thiệu khá đầy đủ lịch sử từ cổ đại cho đến cận đại, sách có viết về cuộc kháng chiến chống Pháp cùng việc thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc Việt Nam, mà không có một mảng lịch sử khác cũng rất quan trọng là việc thành lập nước Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam, bắt đầu từ năm 1954 cho đến năm 1975, và cuộc sống về xã hội, văn hóa, học thuật... của cả hai miền trong thời gian này. Không rõ là GS. Lê Thành Khôi có viết về giai đoạn lịch sử đương đại ở Việt Nam thời kỳ này không? Tôi tin rằng với một vị GS. đã sống ở nước ngoài lâu năm như GS., cái nhìn về lịch sử của GS. sẽ khoa học, khách quan, trung thực và chính xác.





Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Tháng chín và những Hoàng Tử Bé.



Này tháng chín, mùa thu về rất sẽ
Em biết không? tôi kẻ đứng bên đường
                                                             Thơ Du Tử Lê (Khúc tháng chín).


Ảnh Internet.


Tháng chín mưa lê thê, thành phố lạ kỳ, mưa không thể biết trước, có khi thoắt đó đang nắng đã ào xuống mưa, chưa ướt hè phố đã lại nắng, có khi mưa mấy tiếng ầm ầm, "phố bỗng là dòng sông uốn quanh..."*.

Thành phố xưa cũ, cái xưa cũ của những hàng cây sao, cây me cổ thụ, của vài công trình kiến trúc may mắn chưa bị đụng tới, còn giữ lại được cái hồn phố hiếm hoi của một thời tuổi nhỏ, cái tuổi nhỏ của một hai thế hệ giờ đây đã già, nhiều khi đi giữa thành phố mình đã sống hơn nửa cuộc đời mà ngơ ngác..

Thành phố hiện đại, cái hiện đại khập khiễng, người ta muốn tiến lên hiện đại nhưng lại bỏ quên con người, bỏ quên ký ức. Nhà cao mấy chục tầng mọc lên lô nhô, trong đó con người hối hả, ngược xuôi, như xe cộ chạy ngoài đường. Ngược xuôi như những chuyến tàu đến và đi trong câu chuyện Hoàng Tử Bé của nhà văn Pháp Saint Exupéry. Những hành khách làm gì trong những toa tàu ấy? Người bẻ ghi trả lời Hoàng Tử Bé:

- Họ ngủ gật hoặc ngồi ngáp vặt trong đó. Chỉ có những đứa trẻ là dán mũi vào cửa kính thôi.
- Chỉ có những đứa trẻ là biết mình tìm cái gì, ông hoàng nhỏ nói, chúng mất thì giờ vì một con búp bê bằng giẻ rách, và con búp bê ấy trở nên quan trọng lắm, ai lấy đi của chúng, chúng sẽ khóc.
- Chúng thật may mắn, người bẻ ghi nói.

Có lẽ chỉ những đứa trẻ con là còn may mắn, chúng biết mình muốn gì, ít ra cũng mong là như thế...


Saigon, Trung thu 2014.


*Nhạc Trịnh Công Sơn.










Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Chữ, nghĩa.




Đọc tin trên báo Thanh Niên Online (05-9-2014): "Nam sinh viên nhảy cầu Thủ Thiêm tự vẫn", ở đây tôi không muốn đi vào chi tiết của tin, chỉ muốn nói thuần về từ ngữ mà bản tin đã viết. "Tự vẫn" không phải là hành động tự nhảy xuống sông nước. Chữ "vẫn" là từ Hán-Việt () có nghĩa là "lấy dao đâm vào cổ", và "tự vẫn" () có nghĩa là "tự lấy dao đâm vào cổ". Báo chí hay dùng sai những từ Hán-Việt như thế.

Nếu viết chung chung, có thể dùng chữ "tự tử, tự sát", còn nếu muốn viết đúng phải dùng chữ "tự trầm". "Trầm" () cũng là từ Hán-Việt có nghĩa là "chìm, đắm". Cũng như sách sử đã viết "Hai Bà Trưng nhảy xuống dòng Hát Giang tự trầm".

Sách vở nói trong tiếng Việt dùng hằng ngày có đến 70-75% là từ Hán-Việt, cho nên muốn viết, nói đúng tiếng Việt chúng ta buộc phải nắm vững được ý nghĩa của những từ Hán-Việt. Có lẽ chẳng phải vô cớ mà mới đây, trong một bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Hán-Nôm, học giả Nguyễn Quảng Tuân trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay (số 859, 20-6-2014). Khi người phỏng vấn hỏi: Cả một đời gắn bó với chữ, điều gì trăn trở nhất với ông? Học giả Nguyễn Quảng Tuân đã trả lời, đại ý: "Trăn trở thì nhiều, nhưng ông ước giá như trường học bây giờ dạy thêm cho trẻ học chữ Hán, không phải để trở thành một ông đồ Nho, hay làm nhà nghiên cứu, mà học chữ Hán, từ Hán-Việt chính là để hiểu hơn tiếng mẹ đẻ, hiểu hơn văn hóa cội nguồn dân tộc..."





Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Người xưa đi sứ.


Ảnh Internet.

Chuyện đi sứ Trung Hoa đã có từ xa xưa, với một ngàn năm bị xâm chiếm và cũng cả ngàn năm luôn phải chống chọi với thế lực phương Bắc. Người xưa buộc phải đi sứ, để triều cống, để cầu phong, để cầu hòa... Thường những vị quan đi sứ được nhà vua của nước ta cử đi là những người tài cao học rộng, giỏi đối đáp, cương trực. Một vài chuyện đi sứ của người xưa chép trong sử sách đã nói lên những điều đó.

- Mạc Đĩnh Chi (1272- 1446) là một người thông minh, học rộng, giỏi văn thơ, có tài đối đáp, thi đỗ Trạng nguyên dưới triều vua Trần Anh Tông. Ông làm quan dưới ba đời vua nhà Trần, Anh Tông, Minh Tông và Hiến Tông. Không những giỏi văn chương, ông còn là một nhà ngoại giao tài giỏi. Có nhiều chuyện kể về tài đối đáp của ông khi đi sứ với vua quan nhà Nguyên. Vua Nguyên đã phong cho ông là "Lưỡng quốc Trạng nguyên" (Trạng nguyên của hai nước). Một lần khi đi sứ, ông có đến thăm phủ Tể tướng nhà Nguyên, trên vách có treo bức trướng thêu con chim sẻ đậu trên cành trúc, nghệ thuật thêu đạt đến mức hoàn hảo trông như thật. Mạc Đĩnh Chi tưởng lầm nên đưa tay lên định bắt con chim sẻ khiến người nhà Nguyên cười òa. Ông thản nhiên cầm luôn lấy bức trướng ném xuống đất, nói:

"Tôi nghe người ta thường vẽ chim sẻ đậu cành mai chứ không vẽ chim sẻ đậu cành trúc. Hỡi ôi! Chim sẻ là tiểu nhân, cành trúc là quân tử, tại sao lại cho tiểu nhân ở trên quân tử? Tôi sợ đạo tiểu nhân ngày một thịnh, đạo quân tử ngày một suy nên vì thánh triều mà trừ bỏ điều xấu ấy đi".

Tể tướng nhà Nguyên biết ông chữa thẹn, nhưng cũng phải phục tài ứng đối của ông nên không giận.

- Nguyễn Đăng Đạo (1651-1719), đỗ Trạng nguyên năm 1683, làm quan đời vua Lê Hy Tông, đã hai lần đi sứ Trung Hoa. Ông giỏi văn chương, có tài  đối đáp, lập luận sắc bén. Một lần đi sứ vào triều gặp Hoàng đế Khang Hy nhà Mãn Thanh, vua nhà Thanh muốn thử tài Trạng nguyên nước Nam đưa ra một câu đối hết sức lắt léo, bảo ông đối lại. Vế xuất đối của Khang Hy như sau: Xuân tiêu phong nguyệt, nguyệt thiếm hoa sắc, phong tống hoa hương, hương sinh sắc, sắc sinh hương, hương hương sắc sắc mãn xuân tiêu, tương tư khách hứng tương tư khách. (Đêm xuân gió trăng, trăng thêm sắc cho hoa, gió đưa hương cho hoa, hương sinh sắc, sắc sinh hương, hương hương sắc sắc đầy đêm xuân, khách tương tư nhớ khách tương tư).

Trong vế xuất đối vua nhà Thanh chơi chữ, tỏ rõ vế xuất đối là lời của một người thích chuyện gió trăng, không phải là người trang nghiêm, chữ nghĩa rất khó đối. Nhưng Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo đã đối đáp ngay: Hạ nhật cầm thi, thi ngụ ngã tình, cầm hòa ngã tính, tình viên tính, tính viên tình, tính tính tình tình ngu hạ nhật, tri âm nhân thức tri âm. (Ngày hạ đàn thơ, thơ mang tình ta, đàn hòa tính ta, , tình nâng tính, tính nâng tình, , tính tính tình tình vui ngày hạ, người tri âm hiểu người tri âm).

Vế đối của Trạng nguyên chẳng những chỉnh về câu chữ, mà còn tỏ rõ nếp sống thanh cao tao nhã, hơn hẳn vế xuất đối của vua Khang Hy nhà Thanh.

- Một câu chuyện đi sứ khác, không nói về tài văn thơ, nhưng kể về sự cương trực và đối đáp của sứ thần nước Nam. Năm Thiệu Trị thứ nhất Tân Sửu (1841) vua sai Lý Văn Phức (1785-1849) đi sứ sang Trung Hoa cầu phong nhà Thanh. Lý Văn Phức đến Yên Kinh (nay là Bắc Kinh), vào sứ quán thấy người Thanh viết 4 chữ lớn "Việt di hội quán" (越 夷  ) ở trên tường. Lý Văn Phức giận lắm trách quan ban tiếp ở trong quán, từ lời nói đến nét mặt đều giận dữ, không chịu vào quán. Sai người thông ngôn xé bỏ chữ "di" () mới đi vào. Rồi làm bài luận "Biện di" cho người Thanh xem. Bài luận ấy đại khái nói: "Nước Nam vốn dòng dõi thánh đế Thần Nông, là "hoa" chứ không phải là "di", đạo học thì theo Khổng, Mạnh, Trình, Chu. Pháp độ thì theo Chu, Hán, Đường, Tống, chưa từng kết tóc khép vạt áo bên trái theo phong tục người di. Vả lại, vua Thuấn sinh ở Chư Phùng, vua Văn Vương sinh ở Kỳ Chu, người đời không dám coi Thuấn Văn là "di" mà lại dám coi ta là "di" à? Người Thanh cả thẹn nhận lỗi. Khi gặp, vua Thanh vặn hỏi: "Đã là nước nhỏ tôn thờ nước lớn, cớ sao lại đổi đặt tỉnh hạt, thiết lập quan chức". Ông tâu rằng: "Việc ấy cha làm, con theo".

Việc vua quan Trung Hoa luôn tự cao tự đại, và coi các dân tộc khác là "di, hồ" (mọi, rợ), đã có từ xưa. Khi Lê Quý Đôn (1726-1783) đi sứ sang Trung Hoa, ông cũng đã từng phản đối các quan lại nhà Thanh gọi đoàn sứ của nước ta là "di quan, di mục". Tính cương trực, tài đối đáp và hiểu biết rộng của Lê Quý Đôn khi ông đi sứ, cũng đã khiến cho vua quan nhà Thanh và sứ thần của nước Triều Tiên có mặt khi ấy phải nể phục.



Tham khảo:

- Kể chuyện danh nhân Văn hóa Việt Nam, Lê Minh Quốc, NXB Trẻ - 1999.
- Trông lại ngàn xưa, Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo Dục - 1999.
- Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Đinh Xuân Lâm-Trương Hữu Quýnh chủ biên, NXB Giáo Dục - 2000.
- Quốc sử di biên, Phan Thúc Trực, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam - Viện Sử Học, NXB Văn Hóa - Thông Tin - 2009.