Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Đọc hồi ký (2).


Quyển Hồi ký Lý Quang Diệu (1965-2000).

Tôi đang đọc cuốn hồi ký của Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew)*, quyển hồi ký của ông viết về giai đoạn 1965 - 2000, những năm tháng ông làm Thủ tướng Singapore sau khi Singapore tách ra từ Liên bang Malaysia và độc lập vào ngày 9-8-1965. Có điều khá thú vị là ngay từ đầu của cuốn Hồi ký, ông Lý Quang Diệu cho biết đất nước Singapore không đấu tranh để dành được độc lập, mà: "Đùng một cái, vào ngày 9-8-1965, chúng tôi bị buộc phải ra riêng, thành một quốc gia độc lập. Người ta yêu cầu chúng tôi tách khỏi Malaysia và tự đi trong cảnh không có lấy một cái biển chỉ đường để biết nơi sẽ đến".

Làm Thủ tướng Singapore ở tuổi 42, cái tuổi còn khá trẻ, trên một đảo quốc theo ông: "Chúng tôi đứng trước những lạc lõng khủng khiếp cùng một cơ may tồn sinh không chắc gì đạt được. Singapore chẳng phải một đất nước tự nhiên mà là một đất nước nhân tạo, một chặng dừng chân buôn bán mà người Anh đã triển khai thành địa điểm chính thức trong đế quốc hàng hải thế giới của họ. Chúng tôi thừa hưởng hòn đảo này và không có được chỗ dựa lục địa, y như cảnh một trái tim không cơ thể".

Với diện tích 692,7 km2**, sau khi vào năm 1960 Singapore đã san lấp biển tăng thêm diện tích, gồm 1 đảo lớn và 63 đảo nhỏ. Chỉ lớn hơn chút ít so với đảo Phú Quốc của Việt Nam (diện tích Phú Quốc 589,23 km2*** với 22 đảo. Khi Singapore chưa san lấp biển thì diện tích hai nơi xấp xỉ nhau). Về dân số thì khi lập quốc Singapore chỉ có khoảng 2 triệu người, cho đến năm 2008 là gần 5 triệu người, gồm quá nửa là người gốc Hoa, số còn lại là người Mã Lai, Nam Dương, Ấn Độ... Năm 1819 (khi Việt Nam đã ổn định bởi vua Gia Long), hòn đảo Singapore chỉ là một ngôi làng với 129 ngư dân. Với một đất nước như thế, không có tài nguyên thiên nhiên, ngay đến cả nước uống hằng ngày cũng phải nhập khẩu từ Mã Lai, vậy mà chỉ sau vài thập kỷ ngắn ngủi, họ đã là một quốc gia hàng đầu ở Đông Nam Á, đất nước của họ là một trung tâm thương mại và tài chính lớn của thế giới. Chính là nhờ tài dẫn dắt của Thủ tướng Lý Quang Diệu, một người biết người, biết ta, biết dùng người, suy nghĩ thấu đáo, chín chắn, luôn đặt lợi ích của quốc gia và người dân lên trên hết... Ông viết trong hồi ký "Tài sản lớn nhất của chúng tôi là sự tin tưởng và niềm tự tin của dân chúng... Một tài sản quý báu khác mà chúng tôi có chính là nhân dân chúng tôi - cần cù, dè sẻn, ham học. Tuy bị chia cắt thành nhiều chủng tộc, nhưng tôi tin tưởng rằng một chính sách công bằng, xử sự bình đẳng, sẽ giúp họ sống chung hòa bình với nhau...".

Khởi đi từ một đất nước không có lực lượng vũ trang, Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore đã khôn khéo nhờ người Israel (Do Thái) chứ không phải người Mỹ bước đầu giúp xây dựng quân đội riêng của họ, chắc hẳn ông Lý Quang Diệu đã so sánh đất nước Singapore và Israel, cũng chỉ có vài triệu dân, đất đai không nhiều, tồn tại bên những thế lực Hồi giáo. Năm 1966, 1967... trong khi người Mỹ đã hiện diện cả nửa triệu quân ở miền Nam Việt Nam, thì Singapore chỉ mời mấy chục cố vấn người Israel đến giúp, những người Israel phải giữ bí mật khi đến Singapore, vì chung quanh nước này là những nước theo Hồi giáo (Malaysia, Indonésia) không ưa gì người Do Thái, Singapore không muốn làm mất lòng những nước láng giềng ấy. Người Singapore cũng gởi quân đội đến Đài Loan nhờ huấn luyện, có lẽ bởi Đài Loan cũng đã vươn lên từ một đảo quốc nhỏ giống như họ. Khi người Mỹ đến Việt Nam họ đã mang theo mọi thứ, tiền bạc, vũ khí, cái tốt và cái xấu, làm thay người bản xứ mọi việc và bị sa lầy, trong khi người Israel chỉ trợ giúp việc huấn luyện ban đầu và chuyển giao để người Singapore nỗ lực bước những bước tiếp theo. Năm 1965 khi Singapore trở thành quốc gia độc lập nước này không có khả năng tự bảo vệ. Vào năm 1990, chỉ hai mươi lăm năm sau, quân đội Singapore (SAF) đã phát triển thành một lực lượng chuyên nghiệp, được huấn luyện bài bản. Với một đất nước không nhiều về dân số, họ không dựa trên số đông mà dựa trên hiện đại, hiện nay ngoài thế mạnh về thương mại, dịch vụ,  họ còn xuất khẩu vũ khí, cả máy bay và xe tăng hạng nhẹ.

Trong Hồi ký của mình ông Lý Quang Diệu có nói đến sự quan hệ của đất nước Singapore trên trường quốc tế, đến sự sai lầm của người Mỹ ở Việt Nam, đến sự sụp đổ của đại cường Liên Xô, hoặc với phép lạ của người Nhật khi họ đi lên từ những đổ nát sau khi bại trận, đấy là tấm gương mà Singapore đã học hỏi. Ông cũng nhắc đến nước Mỹ, Châu Âu, đến Trung Quốc và cả một chương viết về sự kiện Thiên An Môn, phê phán một cách thẳng thắn mà không e ngại, ông cũng nói đến Hồng Kông, Đài Loan, đến Hàn Quốc và Triều Tiên, đến Myanmar, Cambodia, cuộc chiến tranh Việt Nam, và Việt Nam với Thủ tướng Võ Văn Kiệt...

Những dòng cuối của cuốn Hồi ký dày hơn 900 trang, ông Lý Quang Diệu viết:

"Tương lai đầy hứa hẹn cũng như đầy bất ổn. Xã hội công nghiệp sẽ nhường chỗ cho một xã hội đặt trên cơ sở tri thức. Ranh giới mới trên thế giới sẽ nằm giữa những nước có tri thức và những nước không có tri thức. Chúng tôi phải học tập và trở thành một phần của thế giới dựa trên tri thức. Thành công của chúng tôi trong ba thập niên mới đây không có nghĩa là chúng tôi cũng thành công như thế trong tương lai. Tuy nhiên chúng tôi có cơ hội tốt hơn để không bị thất bại nếu chúng tôi tuân theo những nguyên tắc cơ bản đã giúp chúng tôi phát triển: sự đoàn kết xã hội thông qua việc chia sẻ lợi ích của sự phát triển, cơ hội đồng đều cho mọi người, và sự đãi ngộ nhân tài, chọn người giỏi nhất cho công việc, đặc biệt là trong vai trò lãnh đạo chính phủ".

Một đất nước như Singapore, không có một nền văn hóa lâu đời, cũng không có vinh quang quá khứ để tự hào. Nhưng may mắn thay họ có những nhà lãnh đạo sáng suốt như ông Lý Quang Diệu, họ đã chọn một hướng đi đúng, và đã phát triển trên những nền tảng cơ bản như thế.


Hồi ký của bà Hillary Clinton.****

Tôi cũng có một quyển hồi ký khá dày nữa để đọc, đó là quyển hồi ký của bà Hillary Clinton, với lời giới thiệu của một vị tướng Việt Nam, Đại tướng Mai Chi Thọ, quyển này do cô cháu gái từ bên Úc về tặng hôm tết. Sẽ đọc...





Ghi chú:

* Hồi ký Lý Quang Diệu (1965-2000), bản dịch Pham Viêm Phương và Huỳnh Văn Thanh, NXB Văn Nghệ TP. HCM - 2001).
** Số liệu của Cổng Thông Tin Điện Tử Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
*** Số liệu của trang mạng Wikipedia.
**** Hồi ký của bà Hillary Clinton, người dịch Xuân Quang, NXB Văn Hóa Sài Gòn - 2006.




Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Đọc hồi ký. (1)




Đọc những sách viết dưới dạng hồi ký, hay đọc hồi ký đối với tôi cũng là một thú vị như các loại sách khác. Ngoài một số hồi ký của những tác giả trong và ngoài nước đã được in trong nước, như sách của nhà văn Tô Hoài (ông mới mất, như quyển Chiều chiều, Cát bụi chân ai), của nhạc sĩ Phạm Duy (Nhớ), của học giả Vương Hồng Sển (Sài Gòn năm xưa, Hơn nửa đời hư, Hậu Giang - Ba Thắc, Bên lề sách cũ...). Hồi ký của GS. TS. Trần Văn Khê, hồi ký của học giả Nguyễn Hiến Lê, hồi ký của vị tướng Sài Gòn Đỗ Mậu, hoặc sách viết về hồi ký của các tướng lãnh miền Nam trước năm 1975. Hồi ký của những nhân vật nổi tiếng quốc tế có hồi ký của ông Lý Quang Diệu (Singapore), của bà Bill Clonton (Mỹ)... Tôi cũng có thể tìm đọc hồi ký của nhà sử học Trần Trọng Kim, hay hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy trên mạng.

Đọc quyển Chiều chiều của nhà văn Tô Hoài (NXB Hội Nhà Văn - 1999) cho ta một cái nhìn khái quát về tình hình xã hội, văn nghệ miền Bắc từ 1955 đến 1970. Trong sách ông viết về những chuyện thời cải cách ruộng đất ở một nơi nghèo không có địa chủ, đến phú cũng không có chứ đừng nói địa, nhưng rồi xã ấy được đưa lên trọng điểm, rồi qui theo tỉ lệ phải bổ năm phần trăm địa cho mỗi xã, cho nên "Ai cũng cố tìm ra địa, qui thành địa, không ai nghĩ rằng ở đồng đất này người ta tự tay cày cuốc khai phá nên cái ăn". Nhà văn Tô Hoài cũng kể về chuyện sản xuất thời ấy, có nơi thấy báo đăng tấm ảnh bên Trung Quốc, trẻ con trèo lên chạy chơi trên mặt thóc ruộng lúa cấy dầy đã chín. Bạn trình bày kỹ thuật canh tác mới sang năm bình quân mẫu sẽ trăm tấn. Cũng có kỹ sư nông nghiệp của ta đi tham quan về, làm báo cáo mẫu của bạn cho 6 tấn (đã nâng từ 4 triệu lên 6 triệu, gần gấp 3 hiện tại), trên bảo vừa đi tham quan nơi tiên tiến nhất không thể xoàng thế. Ra hội nghị nống lên nữa thành 7 triệu...

Chưa hết, người ta cũng mượn một miếng ruộng xin mạ về cắm liền tù tì, ngày ngày tát nước, bỏ phân, ủ phân xanh, cả phân tươi. cây lúa chen chân lên cũng xanh mỡ mượt mà, nhưng lúa xít gốc, nóng hầm hập, hút nước tợn, phải lập kế hoạch quạt cho lúa mát, vào làng mượn cái quạt thóc cánh phẳng nặng như cái cùm mà quạt. Báo cũng có nói kinh nghiệm cấy lúa dày phải quạt. Quạt vài hôm, lay thử, thì cả khóm lúa bềnh bồng ngã ngửa, lá vàng ỏng, thối rễ. Ông cũng viết trong sách Một thời hoang dại của con người ta, gân cổ cãi cọ những ngược đời và đam mê...

Nhà văn Tô Hoài cũng có nhắc đến rất nhiều tên tuổi của văn nghệ sỹ miền Bắc thời ấy, Trần Dần, Phùng Quán...  những nhà văn, nhà thơ của thời Nhân văn - Giai phẩm, chuyện nhà thơ Phùng Quán khi đi thực tế ở nông thôn, sớm sớm trời còn tối đã quảy gánh đi gắp phân về ủ phân để lấy bón ruộng... Đến nhà triết học Trần Đức Thảo bên Tây về mặc áo đại cán đi guốc mộc, đạp xe đạp giữa phố Hà Nội. Nhà văn Tô Hoài viết tiếp về nhà trí thức, triết gia Trần Đức Thảo, nhưng không ai để ý và thấu nỗi từ cái năm ở nông trường Ba Vì được về, Trần Đức Thảo chỉ tháng ngày quanh quẩn cơm niêu nước lọ một mình lâu dần đến đỗi không muốn quen thêm một người nào nữa, người đã sợ cả người... Trần Đức Thảo ở nhà của sứ quán (Pháp). Các bạn đã mướn một bà người Việt bếp núc giỏi nấu nướng cơm nước cho Thảo. Anh ăn món thịt bò bít tết và satôbriăng với rau sà lách dầu dấm mà anh rất khen. Nhưng thỉnh thoảng lại đòi mì ăn liền và nấu lấy. Khi ăn cầm cả xoong, đỡ một thao tác đổ mì ra bát. Triết lý, triết lý đấy. Ôi Thảo!

Ông cũng có nhắc đến cả những văn nghệ sỹ đã ở miền Nam, như nhà thơ Vũ Hoàng Chương, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, hay đã ra nước ngoài như tiến sỹ sử học Thu Trang (Công Thị Nghĩa - Pháp).



Quyển Nhớ của nhạc sĩ Phạm Duy (NXB Trẻ - 2005) ông cũng viết về thời còn trẻ ở miền Bắc vào cuối thập niên 30, thập niên 40... của thế kỷ trước, cho đến khi ông vào miền Nam trong những thập niên 50, 60, 70... và cả những ngày tháng ông di cư sang Mỹ sau 1975. Trong sách nhạc sĩ Phạm Duy có nhắc đến vào những năm 1935, 1936 ông học ở trường Thăng Long (Hà Nội), thày dạy của ông là Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Tuyên, Phan Anh, Khuất Duy Tiến... Ông cũng nhắc đến Nhạc sĩ Văn Cao với Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi... Đặng Thế Phong với Con thuyền không bến, Giọt mưa thu... Nhà thơ Hoàng Cầm với bài thơ Tình Cầm ông đã phổ nhạc, Quang Dũng với Tây tiến, Lưu Trọng Lư với Tiếng thu, Vần thơ sầu rụng, Thú đau thương... La Hối với Xuân và tuổi trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với Dư âm, Lê Thương với Trường ca Hòn Vọng phu..., và nhiều văn nghệ sĩ khác cùng thời như kịch sĩ Vũ Đức Duy, nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Những ngày tháng ông ở chiến khu Việt Bắc, chuyến du hành trong gánh hát xuyên Việt Đức Huy - Charlot Miều, những bài hát của ông sáng tác, từ Bà mẹ Gio Linh viết ở chiến khu Quảng Trị, cho đến Tình ca, Trường ca Con đường cái quan, Tâm ca, Tục ca, Đạo ca...



Với học giả Vương Hồng Sển thì sách của ông viết về Nam bộ, từ Sài Gòn cho đến quê nhà Sốc Trăng của những năm xa xưa, về người Thổ (Miên), người Việt, người Hoa, về thời ông đi dạy ở đại học Huế, cũng là dịp để ông tìm mua đồ cổ thỏa cái thú chơi đồ cổ của ông. Trong Bên lề sách cũ ông giải thích về nhiều địa danh vùng đồng bằng sông Cửu Long, chẳng hạn tên địa danh Vĩnh Long là từ Hán Việt, nhưng theo ông lại có nguồn gốc từ tiếng Thổ (Miên, Khmer), người Thổ xưa gọi là Kompong Luong, sách vở dịch là Tầm Phong Long, nhưng dân gian ở Hậu Giang gọi là Vũng Luong, Vũng Long rồi thành Vĩnh Long. Một địa danh khác là Bến Tre, nghe rất Việt Nam, cũng được ghi theo âm Hán Việt là Trúc Giang, nhưng cụ Vương lại quả quyết cũng do tiếng Thổ, người Thổ gọi là Sroc treây (Sroc có nghĩa là xứ), và cụ Vương nói phải gọi là Sốc Cá (Xứ Cá - Kompon treây hay Sroc treây) bởi Bến Tre còn nhiều địa danh nhắc đến , như cầu cá lóc, cầu cá trê... Là một người làm việc lâu năm ở Viện Bảo tàng Sài Gòn, say mê sưu tầm cổ vật, sách cũ... cho nên trong những trang sách của ông cũng viết rất nhiều về những đề tài này...

Đọc những quyển sách viết dưới dạng hồi ký như thế này, đã cho tôi một cái nhìn khái quát về một thời đã qua của đất nước, với những cảm xúc buồn vui lẫn lộn...








Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Địa danh.


Cầu Kiệu bắc ngang qua kênh Nhiêu Lộc - Saigon. Ảnh Internet.

Đâu đâu ta cũng gặp tên gọi của một địa danh, là tên đất, như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đồng Nai, Vũng Tàu, Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ, Sa Đéc, Cà Mau..., hoặc là tên một địa điểm, nơi chốn như chợ, cầu cống, tên sông, núi... như chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Đầm (Nha Trang), chợ Bến Thành (Sài Gòn)... cầu Trường Tiền (Huế), núi Nhạn (Tuy Hòa), sông Tiền, sông Hậu (miền Tây Nam bộ)... Nôm na những tên như thế để chỉ một nơi chốn được gọi chung là "Địa danh", cũng như người, ai cũng có một cái tên, được gọi chung là "Nhân danh".

Có những địa danh đã tồn tại cả ngàn năm nay, chẳng hạn theo sách sử tên gọi Thăng Long 升  (từ một truyền thuyết của vua Lý Thái Tổ, có nghĩa là rồng bay lên) được đặt từ thời Lý, khi Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) dời đô về Đại La (Thăng Long sau này được người dân gọi là Kẻ Chợ), cũng tên gọi Thăng Long 升  (chỉ cùng một nơi chốn), nhưng lại có nghĩa là "thịnh vượng" thì được đặt bởi vua Gia Long (năm Gia Long thứ tư 1805, thay cho chữ Thăng Long là rồng bay lên, khi nhà Nguyễn lên ngôi kinh đô được chuyển về Huế thì rồng cũng "bay" theo). Có những địa danh đã tồn tại cả ngàn năm, thì ngược lại, cũng có những địa danh mới ra đời, như những nơi giãn dân, khu kinh tế mới, khu chế xuất mới mở...

Như chúng ta đã biết, những địa danh thường đã tồn tại rất lâu, đa phần do người dân đặt, phần khác do nhà nước đặt, thường là địa giới hành chính (chẳng hạn như tên Thăng Long kể trên). Địa danh đã có lâu đời, nhưng "Địa danh học" ở Việt Nam là một môn học rất mới. Địa danh học được hình thành dựa vào những "tổng kết", những đặc thù  của địa danh Việt Nam. Nói chung một địa danh trên đất nước ta từ xưa đến nay nằm trong hai yếu tố cơ bản sau:

I/- Các yếu tố từ bản thân của địa danh: là những yếu tố từ chính bản thân của địa danh, hay những yếu tố có liên quan mật thiết đến địa danh để đặt tên:

      1. Từ chính bản thân của địa danh để đặt tên: yếu tố này liên quan đến hình dạng, đặc điểm thiên nhiên, kích cỡ, tính chất, kiến trúc... để đặt tên, chẳng hạn cầu Chữ Y, cầu Hang, Ngã Bảy, kênh Ruột Ngựa, cầu Ba Cẳng... Chợ Nhỏ, Chợ Lớn, Chợ Cũ, Xóm Mới... cầu Mống, cầu Sạn, cầu Quay... (TP. HCM).

      2. Dựa vào những yếu tố có liên quan đến địa danh để gọi: như cây trồng, cầm thú, sản phẩm sản xuất hoặc buôn bán, đặc điểm kiến trúc liên quan, theo nhân vật, theo nguồn gốc xây dựng... chẳng hạn khu Vườn Xoài, Vườn Lài, Vườn Chuối, Bàu Bèo, Hóc Môn, Ngã ba Cây Thị, hẻm Cây Điệp... rạch Cá Trê, Đồng Nai, Hố Bò, Bàu Sấu... Chợ Đũi (chợ chuyên bán các loại vải, đũi...), Xóm Chiếu, Xóm Trĩ, Xóm Củi, rạch Lò Gốm... khu Đèn Năm Ngọn (quận 5, TP. HCM, vì ngày xưa nơi đây có một ngọn đèn đường tại một ngã tư có 5 ngọn đèn)... cầu Thị Nghè*, cầu Ông Lãnh**, Ngã ba Ông Tạ, Chợ Bà Chiểu... Ngã năm Chuồng Chó (khu vực ở quận Gò Vấp, TP. HCM ngày trước nơi đây có đóng một đơn vị quân khuyển)... đường Tên Lửa (trên đường có doanh trại một đơn vị phòng không)... Xa lộ Đại Hàn (ở Saigon, do quân đội Đại Hàn làm trước năm 1975), cầu Cao Miên (cầu bằng gỗ là tên gọi cũ của cầu Bông, do người Cao Miên xây dựng...).

II/- Chuyển hóa hoặc mượn tên từ một địa danh khác: Tên từ một địa danh có trước, được chuyển sang thành tên của một địa danh khác, tên có nguồn gốc ngôn ngữ khác, hoặc đã được Việt hóa...
     
      1. Tên được chuyển hóa hoặc mượn từ địa danh có trước: như cầu Ông Lãnh là tên gọi có trước, do Lãnh binh Thăng xây dựng, sau có ngôi chợ lập ra dưới khu chân cầu được gọi là chợ Cầu Ông Lãnh, khu Xóm Kiệu bên bờ kênh Nhiêu Lộc (trồng củ kiệu) có trước, cây cầu làm sau bắc ngang kênh tại đây được gọi là cầu Xóm Kiệu, sau gọi tắt là Cầu Kiệu, khu Vườn Xoài có trước sau xây ngôi nhà thờ được gọi là nhà thờ Vườn Xoài, hoặc TP. Sài Gòn có trước, sau có chợ Sài Gòn, cầu Sài Gòn. Ngược lại thì Chợ Lớn (là ngôi chợ có quy mô lớn để phân biệt với Chợ Nhỏ trong quận 5) có trước, sau lập ra khu Chợ Lớn (thời Pháp-Cholon ville), cầu Thị Nghè có trước sau lấy tên đặt cho đoạn kênh chảy ngang là rạch Thị Nghè, kế bên cầu có ngôi chợ được lấy tên chợ Thị Nghè, cũng mượn từ tên Thị Nghè của cầu Thị Nghè...

       Tên của địa danh mới được chuyển hóa hoặc mượn từ một địa danh gốc, địa danh mới và địa danh gốc thường cùng ở một nơi chốn, hoặc địa danh mới nằm trong địa danh gốc hay ngược lại. Khi tên được mượn để chỉ một địa danh mới, thì ý nghĩa ban đầu để hình thành địa danh trong tên gọi của địa danh gốc sẽ không còn đối với địa danh mới. Chẳng hạn cầu Ông Lãnh do ông Lãnh binh Thăng xây dựng, nhưng chợ Cầu Ông Lãnh chỉ là tên được mượn, không phải do ông Lãnh binh Thăng xây. Cầu Thị Nghè, tương truyền do một bà vợ của ông Nghè xây dựng, rạch Thị Nghè không phải do bà vợ ông Nghè đào, cũng như chợ Thị Nghè không phải do bà vợ ông Nghè lập. Xóm Kiệu thuộc vùng Phú Nhuận - Saigon, nằm bên bờ kênh Nhiêu Lộc được gọi như thế vì ngày trước khu xóm này trồng kiệu (củ kiệu), đến khi có cây cầu ở đây bắc ngang kênh thì cầu được gọi là cầu Xóm Kiệu, sau gọi tắt là cầu Kiệu, cầu Kiệu chỉ là mượn tên của Xóm Kiệu, chứ cầu chẳng có... trồng kiệu gì hết.

      2. Tên có nguồn gốc từ ngôn ngữ khác, hoặc đã được Việt hóa: ở Việt Nam có khá nhiều địa danh trên khắp các vùng miền được gọi bằng tên của các ngôn ngữ khác, nhiều nhất là tên của các dân tộc thiểu số, hoặc những tên ấy đã được Việt hóa: như Pleiku, Kontum, Dak Lak, Dak Nông, Pleime (vùng đất), Dakbla (tên sông), Mang Yang (núi, đèo)... (tên gọi của các dân tộc thiểu số vùng cao nguyên Trung phần). Những tên gọi khác có nguồn gốc xa xưa từ ngôn ngữ bản địa đã được Việt hóa, nhiều nhất ở vùng Nam bộ, đã được Việt hóa từ tiếng Khmer, như Sài Gòn (Prey Nokor), Sốc Trăng (Srôk Kléang), Tha La (Sa La), Trà Cú (Prêk Comnik Thkó), Cần Thơ (Kìn Tho), Cần Giuộc (Srôk Kantuôt), Cái Răng (Kàrăn), Cái Vồn (Srôk Tà Von), Trà Vinh (Srôk Prah Trapeng)... Ở Saigon có chợ Nancy, Nancy là tên của một thành phố bên Pháp, trong thế chiến thứ nhất quân Pháp đã thắng quân Đức tại đây, khi Saigon còn thuộc Pháp, họ đã lấy tên đặt cho ngôi chợ.

Ngoài hai yếu tố cơ bản hình thành địa danh bên trên (thường là những tên gọi "nôm na" do người dân đặt), một địa danh cũng được gọi bởi do nhà nước đặt tên, tên những địa danh này thường được dùng bằng từ Hán Việt, có ý nghĩa tốt đẹp (cả ngàn năm nước ta dùng chữ Hán làm chữ viết chính), chẳng hạn như Thăng Long như đã nói bên trên, Hà Nội (đặt dưới thời vua Minh Mạng), Hải Phòng... Hanh Thông (đọc trại thành Hạnh Thông)... Những địa danh khác được đặt bởi từ Hán Việt, cũng có những ý nghĩa tốt đẹp như Phú Thọ, Nhật Lệ, Phú Mỹ, Phú Mỹ Hưng, An Phú, Long Bình, Hòa Hưng, Phú Nhuận... Ở Tây nguyên, thời Đê nhất Cộng hòa (TT Ngô Đình Diệm), có những địa danh có chữ Lệ đứng đầu, như Lệ Minh, Lệ Chí, Lệ Cần, Lệ Ngọc, Lệ Thanh, Lệ Thủy... là lấy tên những người thân trong gia đình bà Trần Lệ Xuân (vợ ông Ngô Đình Nhu) để đặt.

Trên đây là những nét cơ bản của sự hình thành địa danh Việt Nam. Khi bàn về nguồn gốc, ý nghĩa tên gọi của một địa danh, ngoài những tư liệu ghi chép rõ trong sách vở (sử sách), chẳng hạn như tên Thăng Long (升 ) được đặt từ thời nhà vua Lý Công Uẩn có ý nghĩa "rồng bay lên", còn tên Thăng Long (升 ) được đặt từ thời vua Gia Long có ý nghĩa là "thịnh vượng", hoặc như truyền thuyết về chùa Thiên Mụ ở Huế về một bà già mặc áo đỏ, hiện ra trên một ngọn đồi báo trước với dân sẽ có chúa bồi đắp long mạch, phá thể yểm của Cao Biền là thày địa lý đời Đường không để cho nước Nam hưng vượng, cho nên chúa Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng ngôi chùa, và đích thân đề tặng ba chữ THIÊN MỤ TỰ... Hoặc núi Non Nước ở Đà Nẵng được gọi tên Ngũ Hành Sơn là do vua Minh Mạng có sắc chỉ ban gọi...

Còn ngoài ra khi chưa có tài liệu xác định rõ, thì nguồn gốc, ý nghĩa tên gọi của một địa danh sẽ được ghi nhận theo những giả thuyết được chấp nhận. Chẳng hạn như tên gọi Sài Gòn, có đến mấy giả thuyết về ý nghĩa tên gọi Sài Gòn, Sài Gòn có nghĩa là "củi gòn" (Trương Vĩnh Ký căn cứ vào mặt chữ Hán và chữ Nôm trong Gia Định Thành Thông Chí để giải thích từ ngữ), thuyết khác cho là từ tiếng Khmer Prey Kor (rừng gòn, ngày xưa vùng này có nhiều cây bông gòn). Nhà bác học Trương Vĩnh Ký cũng cho rằng Prey Nokor, tiếng Khmer có nghĩa là "Thị trấn trong rừng" là nguồn gốc của địa danh Sài Gòn. Căn cứ theo những biến âm của từ ngữ, và vùng Sài Gòn ngày xưa là nơi Phó vương người  Khmer đóng đô,  giả thuyết này được nhiều người chấp nhận hơn cả, được nhiều người chấp nhận hơn chứ không phải là giả thuyết này đúng và những giả thuyết khác về ý nghĩa tên gọi Sài Gòn là sai.



Ghi chú:

* Cầu Thị Nghè: còn gọi là cầu Bà Nghè, nối giữa quận 1 và quận Bình Thạnh TP. HCM. Do bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan Khâm sai Nguyễn Cửu Vân cho xây dựng, bà là vợ của một ông Nghè (không rõ tên gì, Nghè là người đã đỗ tiến sĩ), bà cho xây dựng ban đầu bằng gỗ, sau người Pháp cho đúc lại bằng bê tông, cầu bắc qua con rạch để chồng tiện đường đi làm việc.

** Cầu Ông Lãnh: bắc từ quận 1 qua quận 4. Do Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (1798-1866), một tướng nhà Nguyễn tham gia chống Pháp, người gốc huyện Giồng Trôm (Bến Tre) cho xây dựng, ban đầu cầu làm bằng gỗ, đến năm 1929 người Pháp đúc lại bằng bê tông.


Tham khảo:

- Đại Nam Nhất Thống Chí, Quốc sử quán triều Nguyễn, bản dịch Hoàng Văn Lâu, NXB Lao Động - TT Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây - 2012.
- Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, NXB Thanh Hóa - 2006.
- Từ điển TP. Sài Gòn - TP. HCM, nhiều tác giả, NXB Trẻ - 2001.
- Từ điển Ngôn ngữ Văn hóa Du lịch Huế xưa, Trần Ngọc Bảo, NXB Thuận Hóa - 2005.
- Địa danh học Việt Nam, PGS. TS. Lê Trung Hoa, NXB Khoa Học Xã Hội - 2011.
- Sổ tay địa danh thành phố Hồ Chí Minh, Lê Trung Hoa - Nguyễn Đình Tư, NXB Văn Hóa - Văn Nghệ - 2012.




Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Đọc bút ký.




Tôi thích đọc những bút ký, như những bài viết của ông bạn Hồng Ngọc, hiện đang ở Thái Lan viết về những nơi mà bạn đã có dịp ghé thăm. Những bài viết với nhiều thông tin về những nơi bạn đã đến (và những "tự sự" vừa đủ về bản thân, người thân của bạn trong chuyến đi), cùng những hình ảnh bạn đã chụp, làm cho bài bút ký thêm sinh động. Không ai có thể đi khắp mọi nơi, đến mọi miền, nên những bút ký như thế này thật có ích cho ai muốn tìm hiểu về những vùng đất mình chưa biết.

Trên kệ sách của tôi cũng có một số những bút ký viết dưới dạng du ký, như quyển "Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài" của Jean-Baptiste Tavernier, một người ưa thích phiêu lưu, thám hiểm được triều đình Pháp phong tước. Ông đã đi nhiều nơi như Nhật Bản, Ấn Độ, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ..., và đã đến vương quốc Đàng Ngoài (Tonquin-Đông Kinh) của nước Đại Việt, nơi có kinh đô Checho (Kẻ Chợ) vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII. Người Châu Âu thiên về khoa học, có óc quan sát, phân tích, nên bút ký của ông viết rất cặn kẽ về xứ Đàng Ngoài thời bấy giờ. Ông viết cặn kẽ về diện tích, địa thế, khí hậu, mùa màng, cây trồng, nghề nghiệp thủ công, về văn hóa, phong tục tập quán từ nơi đô hội đến chốn thôn quê... Chẳng hạn vào thời ấy (nửa cuối thế kỷ XVII) thì xứ Đàng Trong (Cochinchine), được coi là xứ sở láng giềng chứ chưa thuộc Đại Việt. Thời ấy theo nhận xét của ông thì người Đàng Ngoài vẫn ưa thích sống trên nước hơn trên cạn, cho nên sông ngòi đầy thuyền bè, và được người dân thay cho nhà ở...



Trong khi quyển bút ký của Jean-Baptiste Tavernier cho ta biết ít nhiều về tình hình, cuộc sống ở Đàng Ngoài dưới thời vua Lê, chúa Trịnh vào nửa cuối thế kỷ XVII, thì một quyển bút ký khác viết về xứ Đàng Trong (Cochinchine, cũng gọi là Nam Hà, Đàng Ngoài - Tonquin được gọi là Bắc Hà), của nhà phiêu lưu người Anh John Barrow trong 2 năm, với tựa "Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793)", cho ta biết phần nào tình hình nhà Nguyễn (Nguyễn Ánh), và cuộc chiến tranh với anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ ở phía Nam, ông cũng tả lại trong bút ký khi Nguyễn Ánh sang Xiêm cầu viện, đã giúp vua Xiêm đánh thắng quân Miến Điện. Barrow cũng có viết về Húe (Huế), Turon (Đà Nẵng), Quin-nong (Qui Nhơn), Don-nai (Đồng Nai), Sai-gong (Sài Gòn)... Cũng như quyển bút ký viết về Đàng Ngoài, Barrow viết khá chi tiết về khí hậu, phong tục, sản phẩm địa phương... Cho ta một cái nhìn khái quát về xứ Đàng Trong vào cuối thế kỷ XVIII...

Một quyển sách cũng viết dưới dạng bút ký khác nhưng ở trong nước, đó là quyển "Thượng kinh ký sự" của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, khi ông đang ở ẩn tại làng quê Nghệ An, thì được lệnh lên Kinh đô Thăng Long vào phủ chúa Trịnh chữa bệnh cho chúa. Bút ký của ông viết về chuyến đi ấy, bài ký chủ yếu nói về chuyện chữa bệnh ở phủ chúa Trịnh lúc bấy giờ, thời điểm vào năm Nhâm Dần (1781), khoảng nửa cuối thế kỷ thứ XVIII.

Cùng viết trong một giai đoạn, đọc bút ký của các tác giả Châu Âu chúng ta có thể thấy ngay óc nhận xét, phân tích của họ, bài viết của họ cho ta rất nhiều thông tin về nơi họ đã đến, tuy có những điều chưa chính xác (vì họ không phải là những cư dân địa phương), nhưng thực sự những bút ký của họ là những tư liệu quan trọng ghi chép được rất nhiều điều mà ngay cả sử sách của ta cũng không đề cập. Trong khi bút ký của Hải Thượng Lãn Ông chủ yếu là "tự sự", nói về công việc mình đang làm (chữa bệnh cho chúa Trịnh), nói về chuyện thơ văn trong việc gặp gỡ những bậc túc nho khi ở kinh đô, ông ít đề cập đến ngoại cảnh, ngoại vật chung quanh. Đấy là những điều dễ nhận thấy nhất, có lẽ đó cũng là sự khác biệt giữa văn hóa "phương Đông" và "phương Tây", một bên hướng nội còn một bên hướng ngoại.

Người Việt mình ngày trước không có thói quen ghi chép cặn kẽ, chẳng hạn về tên người, năm tháng. Trong sách sử dễ thấy có những tên người, nhất là phụ nữ cho dù là công chúa chỉ được chép họ, hoặc phổ biến gọi bằng chức vụ của chồng (như Bà huyện Thanh Quan, Thị Nghè...), về năm tháng thường ghi năm Tân Dậu, năm Ất Mùi..., mà tính như thế thì cứ 60 năm tên đó lại quay lại, cho nên thời gian càng xa càng khó tra cứu chính xác (có tra được cũng không rõ ngày, tháng). Bà nội của tôi mất và được an táng tại làng quê miền Bắc vào khoảng thập niên 40 của thế kỷ trước, mấy năm trước đây người nhà về quê cải táng, thì thấy trên bia mộ về tên chỉ ghi có dòng chữ "Madame Hàn Thu", may mà an táng ở làng quê nhà có người còn nhớ chỗ. Hàn là "phẩm" được phong của ông nội tôi, còn Thu là tên của ông nội, chứ bà hoàn toàn không có tên trên bia mộ. Cháu chắt bây giờ nếu không được nghe người lớn tuổi nói thì chẳng thể biết được bà tên gì.



Những bút ký của các tác giả Việt Nam thời hiện đại viết có khác. Tôi thích đọc những bút ký của GS. Trần Văn Khê, viết về những chuyện ông đi đây đó trong công việc dạy học, nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Bút ký của học giả Nguyễn Hiến Lê (như quyển Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, viết về thời gian ông làm việc tại vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng thập niên 1940-1950), bút ký của học giả Vương Hồng Sển hay nhà văn Sơn Nam viết về Nam bộ trong khoảng thời gian mấy mươi năm của thập kỷ 20. Tôi cũng thích đọc những bút ký của nhà văn Nguyên Ngọc viết về Tây nguyên, của nhà văn Nguyễn Khải viết về nông thôn miền Bắc của những năm 50, 60... thế kỷ trước...

Ngoài những cảm nghĩ của chính người viết, về bản thân, về công việc họ đang làm, thì những bút ký như thế cho ta một cái nhìn khá phong phú và chính xác về xã hội thời họ đang sống. Cũng như những bút ký của các tác giả Tây phương viết về những chuyến thăm viếng Việt Nam ở những thế kỷ trước, những bút ký như thế là những tư liệu hay để bổ sung cho lịch sử.


Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Câu chuyện giáo dục.



Đọc trên trang mạng Vietnamnet hôm nay (17-7-2014) bài viết "Bộ trưởng Giáo dục giải toán đầu cừu, đuôi thuyền trưởng". Tôi copie lại phần chính của bài viết:

Xuất phát từ bài toán “con cừu và tuổi thuyền trưởng” gây tranh cãi, cuộc đối thoại của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận và GS Nguyễn Lân Dũng xoay quanh chủ đề dạy trẻ cách tư duy độc lập.

Đề bài toán "cừu" của học sinh lớp 2 (số 4)*, xin lưu ý đề toán số 4 có đánh dấu *, tức là bài toán đã được lưu ý. Ảnh Internet.

Từ con cừu đến lớp học online
Cuộc đối thoại vừa diễn ra trong chương trình Chuyện đương thời của Đài Truyền hình Việt Nam.
Từ bài toán gây tranh cãi trên mạng thời gian qua (“Trên một chiếc tàu thủy có 45 con cừu, 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?”) VTV đã làm khảo sát nhanh các học sinh. 3/4 học sinh lớp 2 cho ra đáp án tuổi thuyền trưởng là 40 (sai). Các em không dám đặt ra nghi vấn về một vấn đề nào đó.
Trao đổi tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: “Suy nghĩ của học sinh vẫn còn thụ động, các em chưa trải qua những đề thi ra sai và chưa biết rằng đề thi ra sai là chuyện bình thường.”
Một khách mời khác của chương trình, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Đây không phải là vấn đề của riêng các em học sinh lớp 2 mà cả các lớp học trên. Các em thường gắn với kiến thức sách vở, nên ít động não. Chúng ta đang đào tạo những bộ óc chứ không phải đào tạo những bộ sách. Đừng nhét kiến thức vào đầu các em mà phải cung cấp kiến thức để các em động não tốt hơn”.
(Hết copie)
Bài báo nói câu chuyện bên trên về đề toán lớp 2 gây tranh cãi thời gian vừa qua. Đây là một đề toán cố ý ra sai (vô lý, không thể có đáp số), chứ không phải là do sai sót của người ra đề hay do lỗi in ấn. Qua khảo sát nhanh của VTV như đã ghi bên trên, có 3/4 học sinh cho ra đáp án tuổi của thuyền trưởng là 40 (sai). Nói sai cũng không đúng lắm vì đây là bài toán vô lý, không có đáp số. Không rõ trong  số những bài toán của cả niên học của học sinh lớp 2 kể trên có bao nhiêu bài toán như thế này? Và nhằm mục đích gì? Tôi có mấy suy nghĩ:
1/- Nếu nhằm "dạy trẻ cách tư duy độc lập", như chủ đề của cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (điều này rất nên làm, hoan hô, rõ ràng cách tư duy độc lập là cái rất thiếu trong học sinh bây giờ), như GS. Nguyễn Lân Dũng nói ở cả các lớp học trên, nói rộng ra là ở ngay cả nhiều thành phần khác trong xã hội (khi người ta muốn tất cả mọi người phải đi cùng một lề), thì trong suốt niên học của trẻ mỗi tháng (chẳng hạn như thế), nên có một bài toán đại loại như thế. Đây là đề toán được ra để "trắc nghiệm" sự thông minh, óc suy xét của trẻ, chứ không phải là một đề thi bình thường (đề thi hoặc bài làm để lấy điểm), và sau khi nhận kết quả từ học sinh, giáo viên sẽ giảng giải cho học sinh biết chỗ sai, bất hợp lý của đề toán. Sau một niên học với những đề toán như thế, cuối năm giáo viên sẽ tổng kết lại xem tỉ lệ hiểu biết (phân biệt được cái sai, cái vô lý của đề) có tiến triển khả quan hay không?
2/- Trong đối thoại ghi trên có đoạn: "Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: “Suy nghĩ của học sinh vẫn còn thụ động, các em chưa trải qua những đề thi ra sai và chưa biết rằng đề thi ra sai là chuyện bình thường”. Tôi xin nhấn mạnh dòng chữ "đề thi ra sai và chưa biết rằng đề thi ra sai là chuyện bình thường". Ở đây phải hiểu ra sao với câu đề thi ra sai và chưa biết rằng đề thi ra sai là chuyện bình thường? Phải hiểu ra sao với một đề toán vô lý "trắc nghiệm" sự thông minh, suy xét của trẻ (như đề toán con cừu bên trên, loại này có lẽ không phải là đề thi), với một đề thi ra sai trong một kỳ thi? (đề thi trong kỳ thi bình thường), hai vấn đề này khác xa nhau chứ? Và đành rằng sai sót trong ra đề thi cũng là điều khó có thể tránh được, nhưng có lẽ nó cũng chỉ được chấp nhận với một tỉ lệ rất nhỏ, được hạn chế đến mức thấp nhất. Chứ nếu coi chuyện đề thi ra sai là chuyện bình thường, thì quả là... bất thường.




Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Xe tăng Đức về đích.


Đội tuyển quốc gia Đức với cúp vàng FIFA 2014. Ảnh Internet.


Word Cup 2014 đã khép lại sau đúng một tháng tranh tài (13-6-2014 đến 14-7-2014), với đội tuyển bóng đá nước Đức dưới sự dẫn dắt của HLV Joachim Loew đã đoạt cúp vàng FIFA 2014 trên đất Nam Mỹ, ngay tại thánh địa Estadio do Maracana của thủ đô Rio de Janeiro - Brazil, trước đội bóng Argentina trong trận chung kết kéo dài 120 phút với 2 hiệp đấu chính và 2 hiệp đấu phụ. Trước đó ở trận bán kết cỗ xe tăng Đức đã đè bẹp đội chủ nhà Brazil với tỉ số không tưởng 7-1. Lần này thì họ vượt qua Argentina, một đội bóng hàng đầu Nam Mỹ khác với tỉ số 1-0 trong những phút cuối cùng của hiệp phụ thứ nhì, để tránh phải đối đầu trong loạt sút 11m đầy may rủi.

Cú ngả người vô lê bằng chân trái của Goetze ở phút 113 trong vòng 5 mét 50, mang cúp vàng về cho đội Đức. Ảnh Internet

Nhìn chung trận chung kết 2 đội đá ngang ngửa, đội tuyển Đức giữ bóng nhiều hơn, vẫn với lối đá thiên về kỹ thuật, thể lực, chiến thuật đồng đội, dựa trên những cá nhân xuất sắc như Klose, Muller, Lahm.... Phía đội Argentina sử dụng chiến thuật phòng ngự phản công, với át chủ bài là Messi không ít lần đã làm chao đảo khung thành và làm thót tim cổ động viên đội tuyển Đức.

Mario Goetze (19), cầu thủ Đức được đưa vào sân ở phút thứ 88 thay lão tướng Klose đã làm nên chiến thắng 1-0 lịch sử cho đội tuyển Đức. Ảnh Internet.

Cầu thủ Mario Goetze ghi bàn thắng lịch sử cho đội tuyển Đức là một cầu thủ trẻ, năm nay chỉ mới 22 tuổi (sinh năm 1992) đá cho đội Bayer Munich của Đức. Goetze khoác áo đội tuyển Đức từ năm 2010, là cầu thủ trẻ nhất khoác áo đội tuyển Đức. Mario Goetze là cầu thủ có kỹ thuật tốt, xử lý bóng nhanh. Bàn thắng vào lưới đội Argentina ở phút thứ 113 của trận đấu đã chứng minh điều ấy, Goetze đỡ bóng kỹ thuật bằng ngực từ một đường chuyền bổng từ cánh trái, và tung cú vô lê dứt điểm hạ thủ môn đội Argentina.

Thủ tướng Đức bà Angela Merkel đã có mặt trong trận chung kết để cổ vũ cho đội tuyển Đức. Ảnh Internbet.

Đây là lần thứ tư đội tuyển Đức đoạt cúp vàng FIFA, và là lần đầu tiên một đội bóng ngoài Châu Mỹ đoạt cúp vàng ngay tại xứ sở của bóng đá Nam Mỹ. Châu Âu đã toàn thắng trong Word Cup 2014 tổ chức tại Brazil, khi 2 đại diện của họ đã toàn thắng trong trận tranh hạng ba (Hà Lan đá bại Brazil 3-0) và đội tuyển Đức đoạt chức vô địch trong trận tranh hạng nhất với Argentina.



Hình ảnh tương phản giữa sự vui mừng của cổ động viên Đức và những giọt nước mắt của cổ động viên Argentina sau  tiếng còi kết thúc trận chung kết. Ảnh Internet.


Cầu thủ Messi của đội Argentina thất vọng sau trận đấu. Ảnh Internet.

Đội Argentina cũng còn một chút an ủi, là cầu thủ xuất sắc nhất của họ là Messi đoạt quả bóng vàng Word Cup 2014.

Trong entry trước, khi đội Đức loại đội Brazil với tỉ số 7-1, ông bạn Bulukhin đã vào comment "người ta bảo mặt tượng Chúa ở Brazil giống bà Mecken", và ông bạn Bu đoán xe tăng Đức sẽ đứng đầu thế giới. Lời tiên đoán của ông bạn Bu đã thành sự thật. Trong những trận đấu của đội tuyển Đức ta hay thấy ống kính truyền hình chiếu hình ảnh bà Thủ tướng Đức Angela Merkel mặc áo đỏ (màu may mắn chăng?) đang cổ vũ cho đội tuyển Đức trên khán đài. Nếu không phải là Chúa Trời phù hộ cho đội tuyển Đức, thì ít ra bà Merkel cũng là một "Thiên thần"* đem đến sự may mắn cho đội tuyển Đức.

Đội tuyển Đức xứng đáng đăng quang Word Cup 2014. Tạm biệt Word Cup, hẹn bốn năm nữa.


* Trong tên Angela Merkel của bà Thủ tướng Đức, thì chữ Angel tiếng Anh có nghĩa là "Thiên thần".




Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Hương ước*.


Luận văn Thạc sỹ Luật của anh bạn Toro.

Vừa qua tôi nhận được quyển luận văn của anh bạn Toro ở Hà Nội, một bạn Blog đã từ lâu rồi trở thành bạn trong cuộc sống. Thỉnh thoảng anh bạn Toro đi công tác vào Saigon lại phone anh em gặp nhau cafe. Quyển luận văn viết về "QUYỀN CON NGƯỜI VÀ HƯƠNG ƯỚC Ở VIỆT NAM (Qua Khảo Cứu Một Số Hương Ước Vùng Đồng Bằng Bắc Bộ Nửa Đầu Thế Kỷ XX). Đây là quyển luận văn Thạc Sỹ Luật Học của anh bạn Toro (xin bật mí, anh bạn Toro đã tốt nghiệp hạng Ưu với luận văn này).

Để viết luận văn, anh bạn Toro đã sử dụng nhiều tư liệu, trong đó có những tư liệu là hương ước của một số vùng tại Bắc bộ trong nửa đầu thế kỷ XX, như hương ước làng Ngọc Cục (Nam Định, tên làng nghe ngồ ngộ), hương ước xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây)... Biết tôi quê quán ở Nam Định (Làng Ngọc Cục, Tổng Hành Thiện, Phủ Xuân Trường), nên anh bạn Toro đã gởi tặng tôi một quyển luận văn, cùng bản photo hương ước của làng Ngọc Cục, được lập vào năm 1942 tại làng. Ông cụ thân sinh ra tôi sinh quán tại làng Ngọc Cục năm nay đã 89 tuổi vẫn còn minh mẫn, đã rất vui khi tôi đưa cho cụ xem bản hương ước ấy. Trong hương ước có viết nhiều điều khoản nói về trách nhiệm của những người điều hành làng lúc bấy giờ, như Lý trưởng, Xã trưởng, Thư ký, Thủ quỹ...., cùng trách nhiệm của người dân sống trong làng, từ người ngụ cư đến người mới nhập cư.

Bản hương ước như một quyển sách luật "tổng hợp" về luật lệ, đủ cả những điều khoản trách nhiệm, nghĩa vu (đời, đạo), việc phạt vạ... trong ấy, những quy định về việc hôn nhân, cách ăn ở trong gia đình, việc làng việc nước, chuyện khao vọng, trật tự trị an, khi xảy ra thiên tai, đê điều, chuyện học hành, chuyện thờ cúng, đến cả chuyện quản lý chó thả rông... Tất cả mọi chuyện trong cộng đồng của làng đều được bàn bạc soạn thảo đưa vào hương ước. Trong bản hương ước tôi còn thấy nhắc đến những nơi thờ tự trong làng. Làng Ngọc Cục có: một đền thờ đức Thành Hoàng, một ngôi nhà thờ đức Thánh Mẫu, một ngôi chùa thờ Phật, một Văn Chỉ, một miếu Bách Linh, một miếu Nhà Bà, một Nhà Thờ họ trên, một Nhà Thờ họ dưới. (Chép nguyên văn). Một ngôi làng mà có đủ tất cả những nơi thờ phụng như thế, nghe ông cụ tôi nói xưa làng Ngọc Cục là làng lớn, sung túc.

Một trang photo của bản hương ước làng Ngọc Cục (Nam Định). 

Cũng có cả điều khoản chia lễ sau buổi lễ ở đình làng, chẳng hạn điều khoản của hương ước làng Ngọc Cục ghi rõ một con lợn sau khi lễ cái thủ chia cho ai, hai cái cẳng cho ai... Bộ lòng được làm cỗ chung..., rồi đến xôi, oản... thật chi tiết. Người dân ngày xưa nhiều khi cả đời không ra khỏi lũy tre làng, ít người biết chữ (Hán, Nôm, Quốc ngữ, tiếng Pháp), và cũng không dễ tiếp cận được với sách báo để biết luật lệ quốc gia (thời ấy không nhiều sách vở, tài liệu cũng như những thông tin), cho nên chỉ biết đến bản hương ước của làng. Hương ước là trên hết, bởi vậy trong dân gian mới có câu "Phép vua thua lệ làng" là thế. Ở đây xin không bàn đến chuyện hay dở của hương ước, mà chỉ nói đến như chuyện "thế thời phải thế"..

Nói về hương ước, trong một quyển sách** nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã viết: Sách Tục lệ cổ truyền làng xã Việt Nam kể rằng ở hương ước nhiều làng đàn ông cũng như đàn bà khi gặp viên quan sai trên phái về hỏi, thì việc gì cũng phải bảo là không biết. Nếu máy mồm trả lời, "bản xã phát hiện ra sẽ phạt nặng".

Mới đây tôi đọc được thông tin trên mạng về chuyện tước giải báo chí của một nhà báo (là Tổng biên tập một tờ báo, cũng xin không đi sâu vào tên tuổi, chi tiết) do gian dối (không phải là tác giả của bài báo được giải). Chuyện này có vẻ như đã trở thành bình thường ở xứ ta (một hình thức của đạo văn, đạo nhạc... xảy ra khá nhiều trong xã hội). Tuy nhiên trên một trang mạng tôi chú ý đến một thông tin, một người có chức trách trong Hội nhà báo Việt Nam đã đề nghị tờ báo đã phanh phui việc gian dối, và các báo khác không nên đăng tin về quyết định tước giải này, với lý do là để tránh gây ảnh hưởng xấu tới Hội đồng Giải báo chí Quốc gia, Hội Nhà báo Việt Nam.

Không rõ thông tin đề nghị không đăng tin tước giải trên trang mạng ấy của vị quan chức có đúng không? Giữa thời buổi thông tin toàn cầu như thế này thì những chuyện như thế làm sao giấu nổi, trang mạng BBC Tiếng Việt cũng đã đưa tin về việc tước giải ấy. Lẽ ra trước một chuyện như thế này thì Hội đồng Giải báo chí Quốc gia, và Hội Nhà báo Việt Nam cần phải minh bạch thông báo rộng rãi, như thế thì mới có tác dụng răn đe, ngăn ngừa những chuyện tương tự tái diễn. Thông tin rộng rãi như thế theo tôi không làm ảnh hưởng xấu, mà ngược lại, sẽ nâng cao uy tín của các cơ quan hữu trách liên quan.

Chuyện đề nghị các báo Việt Nam không đưa tin làm tôi nhớ đến câu chuyện về hương ước của nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã viết bên trên. Nếu đúng vậy, thì giữa thời buổi bùng nổ thông tin như thế này, mà người ta còn suy nghĩ và hành xử như ở cái thời còn hương ước?


Ghi chú:

* Hương ước (鄉 ): hương (): làng (lấy nghĩa chính liên quan), ước (): điều các bên thỏa thuận với nhau (lấy nghĩa chính liên quan). Những luật lệ nơi làng quê ngày trước, do dân làng thỏa thuận với nhau đặt ra.

** Quyển Những chấn thương tâm lý hiện đại, Vương Trí Nhàn, NXB Trẻ & Thời báo Kinh Tế Sài Gòn - 2009.




Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Hà Lan lỡ mất cơ hội.


Thủ môn Argentine chặn một quả phạt 11 mét. Ảnh Reuters trên Thanh Niên Online.

Cơn lốc màu Da cam đã dừng lại ở bán kết Word Cup sau khi đã để thua Argentine 2-4, sau 120 phút bất phân thắng bại. Ở vòng tứ kết Hà Lan đã vượt qua Costa Rica cũng bằng những quả sút pénalty luân lưu, lần này thì thần may mắn không đứng về phía họ, vả lại một đội Argentine lừng danh dẫu sao cũng hơn một đội Costa Rica còn non kinh nghiệm. Trước mắt những người "Hà Lan bay" còn một trận tranh hạng 3 với đội chủ nhà Brazil.

Trận bán kết thứ nhì giữa Hà Lan và Argentine không phải là một trận đấu "mở" như trận Đức và Brazil, cái gương Brazil còn sờ sờ ra đó, đội nào mà để thủng lưới trước là có nguy cơ mất trắng, nên hai đội đá rất thận trọng, các cơ hội ghi bàn không nhiều, những chân sút của cả 2 đội như Robben, Sneijder (Hà Lan), hay Messi, Perez (Argentine) đều không thể đưa bóng được vào lưới đối phương.

Một cổ động viên Argentine. Ảnh Vietnamnet.

Kết thúc 120 phút bất phân thắng bại, đội Hà Lan lại một lần nữa bước vào lượt đá luân lưu 11 mét, lần này thì người Argentine hay và may mắn hơn họ. Cầu thủ và cổ động viên Argentine reo hò nhảy múa trên sân, trong khi những người Hà Lan bay chết lặng. Bóng đá luôn luôn là như thế, khi kết thúc một trận đấu như thế này, một bên là nụ cười và phía bên kia là nước mắt.

Nếu tôi nhớ không lầm thì Hà Lan đã 3 lần vào đến trận chung kết Word Cup nhưng đều thất bại, lần này họ dừng bước ở bán kết. Với dân số khoảng gần 17 triệu người (năm 2012) Hà Lan không phải là một nước đông dân, nhưng bóng đá của họ thật tuyệt. Đội Hà Lan không vào được trận chung kết cũng có một chút tiếc nuối cho người hâm mộ, nhưng Argentine vào cũng xứng đáng. Một trận đấu đỉnh cao tranh ngôi vô địch thế giới giữa một đội hàng đầu Châu Âu như đội Đức, và một đội hàng đầu Nam Mỹ như đội Argentine sẽ hấp dẫn hơn. Đây cũng là một kết cục hợp lý.

Trước mắt dân ghiền bóng đá Việt Nam còn 2 trận để mà thức nữa, mờ cả mắt.



Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Không tưởng.


Cú sút ghi bàn của Klose. Ảnh Báo Thanh Niên Online.

Đó là tỉ số 7-1 nghiêng về phía đội Đức sau trận đấu bán kết 1 giữa Đức và Brazil vào rạng sáng hôm nay 9/7 (giờ Việt Nam). Một trận thua với tỉ số không ai có thể tưởng tượng ra được cho đội chủ nhà Brazil, đội đã từng 5 lần vô địch Thế giới. Một trăm năm nữa người Brazil cũng sẽ không quên được trận thua này, và người ta cũng vẫn còn nhắc đến trận thua không tưởng này của họ.

Trước trận đấu giới am hiểu bóng đá đã đặt đội Brazil vào cửa dưới, khi đội này thiếu mất 2 cầu thủ quan trọng, trung vệ đội trưởng (thủ quân Thiago Silva) ở hàng thủ, và Neymar trên hàng công. Mất hai cầu thủ chủ chốt người ta tiên đoán các chiến binh Brazil sẽ khó chống lại cỗ xe tăng Đức, cũng như đội Uruguay đã "lên đường" khi cả đội chỉ biết trông chờ vào cầu thủ Suarez (cầu thủ bị cấm thi đấu sau cú cắn vào vai cầu thủ Ý), nhưng cũng chỉ là cách biệt một bàn, "Fan" nào của đội Đức lạc quan và tếu táo nhất cũng chỉ có thể bắt đội Đức chấp Brazil đến một trái rưỡi, còn họa là... tâm thần mới dám nói đội Đức thắng cách biệt đội Brazil hai hoặc ba bàn, nói gì đến tỉ số cách biệt 7-1, sau khi đã dẫn trước đến 7-0. Mà đừng quên trận đấu diễn ra ngay trên đất Brazil, thánh địa của Túc cầu giáo chứ không phải là ở Châu Âu, hay ở nước Đức.

Sau trận đấu với tỉ số không tưởng này tự nhiên tôi lại nhớ đến một bài kinh Phật giáo. Đó là bài kinh ngắn "Hải đảo tự thân". Đại ý như sau, khi hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiều liên vừa nhập diệt (là hai đệ tử tài năng của Đức Phật, được tăng chúng yêu mến), Đức Phật nhận thấy có một khoảng trống lớn trong tăng chúng, mọi người đều buồn bã, mất tinh thần. Khi thuyết pháp Đức Phật đã dạy, với một cái cây thì những nhánh lớn sẽ bị tàn lụi và gãy đổ trước những nhánh nhỏ, tất cả đều phải theo một lẽ vô thường là có sanh ắt có diệt, chính ta chẳng bao lâu nữa cũng sẽ phải ra đi. Vì vậy phải tập làm hải đảo tự thân, phải nương tựa vào chánh pháp (có thể hiểu rộng hơn là nương tựa vào chính mình), chứ đừng mong nương tựa vào một hải đảo khác hay một ai khác.

Bởi thế về sau này người ta còn truyền tụng câu nói của Đức Phật: Hãy tự đốt đuốc lên mà đi.


Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Dễ còn mấy ai.






Ở gần chỗ tôi ở có một tủ kem của một bà cụ trông chắc cũng xấp xỉ tám mươi, cụ ngồi bán trước cổng một ngôi nhà to, tủ của cụ bán kem cây và kem hộp thuộc loại cao cấp, hãng kem mang tủ và kem tới, cụ chỉ việc ngồi bán. Bà cụ ở trong ngôi nhà to ấy. Thỉnh thoảng tôi có ghé mua một hộp kem, nghe giọng nói của cụ tôi biết cụ là người miền Bắc, hình như là vào Saigon sau này (sau năm 1975). Nhưng giọng Bắc của cụ nghe rất chuẩn, nhẹ, kiểu như giọng của người Hà Nội xưa, không ngọng nghịu, và phong cách của cụ cũng rất phong nhã chứ không có dáng vẻ tất bật của người quen lao động. Vài lần ghé mua kem nghe cụ nói con cháu cụ đi cả ngày, chẳng biết làm gì buồn quá ra đây ngồi bán nhìn người ta đi qua đi lại cho vui.

Hôm qua tôi đi ngang thấy bà cụ có thêm 2 rổ măng cụt để cạnh tủ kem. Tôi ghé vào mua. Bà cụ giới thiệu đây là măng cụt vườn nhà trồng, đến mùa ăn không hết cụ mang ra ngồi bán. Có hai rổ măng thì một rổ quả măng to hơn ở rổ kia, giá cao hơn quả nhỏ chút đỉnh. Tôi định mua măng quả to. Bà cụ hỏi, "ông định mua biếu ai hay mua về ăn?". Tôi nói, "dạ cháu mua về ăn". Bà cụ nói, "nếu vậy thì ông mua quả nhỏ đi, quả lớn trông đẹp nhưng ăn không ngon bằng quả nhỏ, mà múi măng bên trong quả nhỏ ít hạt, quả lớn nhiều hạt lắm".

Quả thật đúng như bà cụ nói, quả măng trông nhỏ nhưng vị đậm đà, múi bên trong nhỏ ít hạt, và thêm một điều nữa, một kí măng của cụ có đến mấy chục quả, trông có vẻ nhiều hơn mua ở chợ, tôi thử cân lại thì thấy già hơn một kí, chả bù cho mua ở chợ, một kí còn chín lạng hay chín lạng rưỡi đã là tử tế, chứ mua ở mấy người bán dạo lề đường còn tệ hơn, một kí có khi chỉ còn bảy, tám lạng. Bà cụ bán hàng nhưng quan tâm đến cái lợi của người khác hơn đến cái lợi của mình.

Bà cụ làm tôi nhớ đến mẹ tôi. Thời buổi này những người như thế dễ còn mấy ai.



Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Tìm sách.


Tranh chăn trâu Thiền tông.

Ở entry vừa rồi tôi có viết đi tìm mua quyển "Nhà văn như Thị Nở", một quyển sách thuộc thể loại phê bình văn học của Phạm Xuân Nguyên, in chính thức trong nước, được giới thiệu, nói đến nhiều trên các trang mạng (cả những báo mạng "chính thống" như VnExpress, tạp chí Tia Sáng, Thời báo Ngân Hàng...). Tôi vào các nhà sách tại Saigon, mà chưa thể tìm được. Quyển sách này đã xuất bản cách nay cả tháng, thế mà vào những nhà sách lớn quốc doanh không thấy bày bán, thậm chí nhân viên bán hàng ngơ ngác khi nghe nói tên sách và tên tác giả. Vào những tiệm sách nhỏ của tư nhân cũng ù ù cạc cạc, có người nói sách đã bị cấm, có người nói tiệm sách của họ có nhận về một số, chưa kịp bán đã bị thu hồi. Lên mạng xem thấy chẳng có tin gì nói sách bị cấm, lạ quá.

Mới đây tôi lại đọc được trên mạng giới thiệu một quyển sách khác của Nguyễn Thị Từ Huy, quyển sách có tựa đề "Gửi người yêu và tin". Tôi coi giới thiệu quyển sách này trên những trang mạng, kể cả bài phỏng vấn tác giả về quyển sách. Tôi biết tên tác giả qua một số bài viết trên mạng, và qua vụ Nhã Thuyên. Tác giả cùng một vài người viết hiếm hoi khác trong đó có Phạm Xuân Nguyên viết quyển "Nhà văn như Thị Nở", đã lên tiếng bảo vệ cho Nhã Thuyên. Tôi định ngày mai rảnh sẽ đi tìm mua quyển sách "Gửi người yêu và tin". Nhưng rồi cũng rủi thay khi coi giới thiệu sách mới biết sách được in ở nước ngoài chứ không phải ở Việt Nam. Đối với quyển sách "Nhà văn như Thị Nở" tôi thấy có nơi nhận mua sách qua mạng, tôi gởi mua một quyển, để lại thông tin Email cá nhân, số điện thoại, theo yêu cầu, nhưng mấy ngày nay không thấy phản hồi.

Tôi có một số người quen ở nước ngoài, có thể gởi nhờ họ mua quyển sách của Nguyễn Thị Từ Huy, chuyển qua bưu điện hay nhờ ai đó quen thuộc khi về Việt Nam chuyển lại cho tôi, nhưng suy đi nghĩ lại lại thôi, với một vài lý do khó nói ra.

Tìm một quyển sách mà cũng khó như Tìm trâu trong những bức tranh Chăn trâu của Thiền tông, hì hì, hù hù!





Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Mua sách.


Bìa quyển sách Nhà văn như Thị Nở. Ảnh Internet.

Hôm nọ đọc trên mạng thấy mới phát hành quyển sách phê bình văn học "Nhà văn như Thị Nở" của Phạm Xuân Nguyên, quyển sách đầu tay của ông viết về chân dung 51 văn nghệ sỹ, trí thức nổi bật của văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX tới nay. Thấy giới thiệu đây là quyển sách đầu tay của Phạm Xuân Nguyên, tuy hình ảnh của ông đầu tóc đã bạc trắng. Tôi không chú ý gì mấy đến chức vụ Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội mà ông đang giữ, nhưng có chú ý đến chữ dùng khá ấn tượng của ông nhân chuyện "vụ án Nhã Thuyên" vừa qua mà tôi đã đọc được trên mạng, chữ của ông là "Phê bình chỉ điểm".

Tôi ghé mấy nhà sách lớn như nhà sách Fahasha, Nguyễn Văn Cừ... mà trước đây người dân hay gọi là nhà sách quốc doanh, nhưng chẳng thấy nơi nào bày bán. Tôi có hỏi mấy cô bán hàng, có cô hỏi lại tôi tên tựa sách, tác giả đến mấy lần rồi nói "cháu chưa bao giờ nghe nói đến tên sách Nhà văn như Thị Nở và tác giả Phạm Xuân Nguyên bao giờ cả". Ghé nhà sách quốc doanh lớn không có, tôi thử đến những nhà sách tư nhân nhỏ hơn, cũng chẳng ai biết sách và tên tác giả, duy có một cô bán sách khẳng định chắc nịch với tôi, sách này bị cấm rồi.

Bán tín bán nghi tôi thử tra trên mạng, thấy nhiều nơi giới thiệu về quyển sách này, cùng hình ảnh sách (tôi copy lại bên trên), như báo mạng VnExpress, tạp chí Tia sáng, Thời báo Ngân hàng... cùng nhiều trang mạng khác cũng nói đến, không thấy thông tin nào nói sách bị cấm đoán gì hết. Chiều nay tôi lại thử ghé một nhà sách tư nhân khá lớn, hỏi người bán "có sách Nhà văn như Thị Nở của Phạm Xuân Nguyên không?". Thì được trả lời "hôm nọ có nhập về một số, nhưng đã bị thu hồi trả lại rồi". Tôi hỏi "vậy là sách bị cấm?". Anh chàng đứng ở quày sách có vẻ e dè "cháu không rõ nữa".

Thật lạ!





Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Bóng đá và... Ca trù.


Dĩ nhiên bóng đá thì chẳng liên quan gì đến Ca trù cả, chẳng qua bây giờ quá chán chê chuyện thế sự nên lấy chuyện thời sự bóng đá và nghe, đọc âm nhạc dân gian làm vui.

Sáu trận đầu của vòng 1/16 Word Cup đã qua, đã xác định được 6 đội đi tiếp vào tứ kết, vẫn là những đội bóng lừng danh thế giới. Brasil, dĩ nhiên tuy "hút chết" trước một đội bóng Nam Mỹ khác là Chile, Brasil mà không vào được vòng tiếp theo thì nước này đại họa. Colombia vượt qua Uruguay vì đội Uruguay đã bị đuổi mất cầu thủ biết ghi bàn duy nhất trong đội (cầu thủ có tuyệt chiêu "cẩu xực" Suarez). Tiếp đến là đội Hòa Lan cũng "trở về từ cõi chết" trước một đội Châu Mỹ khác là Mexico, rồi đến đội Costa Rica cũng vượt qua nghẹt thở trước đội bóng Hy Lạp.

Hai cặp mới đá đêm qua và rạng sáng nay (30-6 và 1-7) là Pháp-Nigeria (2-0), và Đức-Algeria (2-1) với kết quả đi tiếp cho 2 đội bóng hàng đầu Châu Âu tuy khá nhọc nhằn. Vậy là 2 đại diện cuối của bóng đá Chậu Phi cũng đã nói lời chia tay với Word Cup sau những đội bóng Châu Á, đúng với thực lực của bóng đá thế giới.

Tôi có được mấy quyển sách viết về âm nhạc dân tộc, của GS Trần Văn Khê, Lê Mạnh Thát, Toan Ánh... Trong đó nổi trội hơn cả là những biên khảo, nghiên cứu của GS Trần Văn Khê. Chúng ta có thể đọc được những bài viết rất hay về Ca trù, Quan họ, Hát xẩm... của miến Bắc, Ca Huế, hò Huế, hát Bài chòi... của miền Trung, đến Hò Lô tô... Rồi ca Vọng cổ, Đờn ca tài tử, ca Cải lương... của miền Nam.

Đọc về Ca trù, hiểu qua chút đỉnh,  rồi nghe Ca trù mới cảm thấy được phần nào cái hay của Ca trù. Theo GS Trần Văn Khê Ca trù là một loại hình nghệ thuật thanh nhạc đặc biệt tại miền Bắc Việt Nam, thuộc thể loại nhạc thính phòng tức là loại âm nhạc do một số ít diễn viên đờn ca, cho một số nhỏ người nghe trong một không gian không rộng lớn.

Ca trù còn được gọi là hát Ả Đào, hát Nhà tơ, hát Cửa quyền, hát Nhà trò, hát Cửa đình, hát Cửa đền, hay hát Cô đầu... Ca trù đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể vào ngày 1-10-2009. Về lịch sử Ca trù không có sách vở nào chép rõ ràng, sách Vũ Trung Tùy bút của Phạm Đình Hổ có nhắc đến Ca trù, nhưng ở vào thời Cảnh Hưng (1740-1786) đào nương không còn biết hát những điệu cổ của thời Hồng Đức (1470-1497). Một số thông tin cho biết Ca trù đã thịnh hành từ thế kỷ XV.

Nghệ nhân Ca trù. Ảnh Internet.

Tên gọi Ca trù có cách giải thích, chữ "trù" trong Ca trù là tấm thẻ làm bằng tre, trên thẻ có ghi sẵn số tiền, hoặc quy định ngầm số tiền cho mỗi thẻ, thẻ dùng để thưởng cho Đào nương trong khi hát. Cuối chầu hát sẽ căn cứ vào số thẻ Đào nương có được để tính thành tiền thưởng cho Đào nương hoặc cho Giáo phường. Người quyết định cho việc thưởng này chính là vị quan viên nghe hát, là người cầm chầu (sử dụng trống chầu).

 Trong hát Ả Đào thì người hát được gọi là Đào nương. Có ý kiến cho rằng "Đào" là cô gái họ Đào xuất phát từ một tích xưa, thời vua Lý Thái Tổ trong cung có một cung nữ hát rất hay gọi là Đào thị. Sau mỗi lần thưởng thức giọng hát nhà vua lại thưởng cho Đào thị hậu hĩ. Về sau dân gian gọi những người con gái hát hay là "Ả Đào".

Cũng có một sự tích khác về tên gọi Ả Đào. Trong sách "Công dư tiệp ký" (ghi chép nhanh lúc rảnh rỗi việc công) của Vũ Phương Đề (1697-?), viết vào khoảng giữa thế kỷ XVIII. Vào cuối đời  nhà Hồ quân Minh sang xâm chiếm nước ta. Giặc đóng tại làng Đào Xá, buổi tối khi ngủ thường chui vào bao bố để tránh muỗi và nhờ người cột bao lại. Trong làng có một ca nương họ Đào hát rất hay được quân giặc tin tưởng giao cho cô nhiệm vụ cột miệng bao. Thừa dịp đêm đêm cô phục rượu chờ chúng chui vào bao bố ngủ say bèn cột chặt miệng bao, rồi báo cho trai làng đến mang đi dìm xuống sông. Sau một thời gian giặc Minh hoang mang khi thấy quân số hao hụt mà không tìm ra nguyên nhân nên hoảng sợ rút khỏi làng. Sau người dân nhớ ơn ca nương họ Đào ấy nên đặt tên thôn nơi ca nương sinh sống là thôn Ả Đào.

Trong hát Nhà tơ thì "tơ" là đọc trại của "ty" có nghĩa là cửa quan, vì vậy còn có tên là hát Cửa quyền. Cũng còn có tên khác là hát Nhà trò, vì ngày xưa người hát còn có cả múa nữa. Còn hát Cửa đình, Cửa đền là khi được hát ở đình, đền trong tín ngưỡng dân gian, hát Cửa đền thường là hát những bài hát ca ngợi công đức của tiền nhân, có người đã hiển thánh như đức Thánh Trần....

Trong hát Cô đầu thì có người cho rằng "Cô đầu" là do "Cô đào" nói trại ra. Nhưng thật ra từ "Cô đầu" trong giới Ca trù xuất phát từ tục lệ những ả đào sau khi ra nghề nhớ ơn thày, nên khi nhận được thù lao đều trích ra một ít tiền đầu để tặng lại cho thày, từ đó có từ hát Cô đầu. Ngày xưa hát Cô đầu có Cô đầu hát và Cô đầu rượu. Cô đầu rượu là phường bán phấn buôn hương đã làm cho nhiều người hiểu lầm về nghệ thuật Ca trù.

Một nhóm Ca trù thường gồm ba người, người ngồi giữa là đào nương vừa hát vừa nhịp phách. Phách là một thanh tre hay một miếng gỗ được gõ bằng 2 cái dùi, một dùi tròn có chuôi nhọn và một dùi chẻ làm hai, tượng trưng cho âm dương. Gõ phách là một nghệ thuật rất cao, âm thanh phát ra một tiếng trong một tiếng đục, một tiếng cao một tiếng thấp, một tiếng mạnh một tiếng nhẹ, tức là một tiếng dương một tiếng âm.

Ngồi hai bên đào nương là một nghệ nhân đờn đáy và một người đánh trống chầu. Theo truyền thống người đờn và người hát thường có quan hệ mật thiết, như chồng đờn vợ hát, anh đờn em hát, cha đờn con hát... họ phải tập luyện nhuần nhuyễn ăn ý cách đờn và nhịp phách, để ra vào câu hát cho phù hợp. Đờn đáy là một nhạc cụ vô cùng độc đáo của người Việt, thùng đờn hình thang hay chữ nhật ba tấc bề dài hai tấc bề ngang, mặt đờn bằng gỗ cây ngô đồng, đặc biệt gọi là đờn đáy nhưng đờn lại không có đáy, Đờn có cần rất dài khoảng 1,2 mét, có 10 hoặc 11 phím, phím đầu gắn chính giữa đờn. Đờn đáy có 3 dây: dây hàng (dây to), dây trung và dây tiếy (dây nhỏ). Đờn được nghệ nhân gảy bằng dăm tre, tay phải gảy tay trái nhấn nhá.

Người đánh trống chầu xưa thường là khách thưởng thức (quan viên), là một người am hiểu Ca trù, thông thạo lề lối đánh trống. Trống có hình ống, bề cao và đường kính mặt trống là 22 phân. Cách ngồi, tay vịn, tay cầm roi phải đúng phong cách. Roi đánh xuống phải nằm ngang mặt trống. Trống dùng để chấm câu, phải đánh đúng lúc không bịt miệng ả đào. Có nhiều khổ trống để khen giọng hát tiếng đờn, mang tên Liên châu, Chánh diện, Thượng mã, Phi nhạn. Thùy châu, Xuyên tâm.

Những bài Ca trù quen thuộc mà ta thường gặp trong những buổi biểu diễn là Hồng Hồng Tuyết Tuyết của Dương Khuê, Tỳ bà hành một bài thơ của thi hào Bạch Cư Dị, Tràng An hoài cổ của Cao Bá Quát...

Mời các bạn nghe Đào nương Vân Mai với bài Tràng An hoài cổ được post lại từ Youtube.







Tham khảo: những sách viết về âm nhạc dân tộc của GS Trần Văn Khê:

- Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam (NXB Trẻ-2004).
- Trần Văn Khê & Âm nhạc dân tộc (NXB Trẻ-2000).
- Văn hóa với âm nhạc dân tộc (NXB Thanh Niên-2000).