Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Triệu hồi.


Ảnh của Piaggio trên trang Tuổi Trẻ Online.

Lâu nay đọc trên báo chí, thấy có những từ ngữ rất đơn giản nhưng viết trên báo thấy... chướng quá, thoạt đầu cứ tưởng có ai đó sử dụng nhầm 1 lần, không dè cứ thấy viết sai hoài, chẳng hạn từ "triệu hồi". Thỉnh thoảng có hãng xe như hãng Toyota của Nhật có lần phải ra lệnh "thu hồi" lại một đợt xe sản xuất bị lỗi, lên đến cả hàng trăm ngàn chiếc. Thay vì dùng chữ "thu hồi", thì trên báo lại dùng chữ "triệu hồi". Như tôi lại mới đọc một tin trên Tuổi Trẻ Online (30-5-2014), "Piaggio Việt Nam triệu hồi hơn 10.000 xe Primavia", nguyên nhân là có thể bị chảy dầu phanh (tiếng miền Nam là dầu thắng).

Từ triệu hồi không phải là một từ khó hiểu, phức tạp hay cổ xưa gì, tuy không thông dụng lắm nhưng cũng chỉ là một từ bình thường. Chúng ta thấy từ triệu hồi thường được dùng trong ngành ngoại giao, khi một chính phủ cần gọi một viên chức về nước. Tôi thử tra trên 2 quyển Từ điển tiếng Việt thông dụng, một quyển Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, NXB khoa học Xã hội xuất bản năm 1967 tại Hà Nội, Triệu hồi có nghĩa là: Gọi một viên chức về: Triệu hồi đại sứ về nước. Quyển thứ nhì là quyển Tự điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí, Nhà sách Khai Trí ấn hành năm 1971 tại Saigon, Triệu hồi: gọi về (triệu hồi đại sứ). Như vậy chúng ta thấy từ "triệu hồi" là để gọi người về, chứ không dùng để gọi vật dụng như chiếc xe.

Có một từ khác là "thu hồi", khi ta muốn muốn thu lại đồ vật, vật dụng, hay một sự việc... Cũng theo 2 quyển từ điển tiếng Việt bên trên, Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên), giải thích chữ thu hồi: Lấy lại cái đã nhường, phát... cho người khác: Thu hồi tiền tệ; Thu hồi đất đai. Tự điển Việt Nam (Ban Tu Thư Khai Trí), thu hồi: rút lại, thu về: Thu hồi một hỏa tiễn, thu hồi một dự án.

Những lỗi như thế này ngày trước đi học mà mắc phải chắc sẽ bị thày trừ vài điểm... Nếu có thể viết triệu hồi cái xe, thì cũng có thể viết thu hồi đại sứ lắm... Hì hì!





Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

Hồn phách Tây Nguyên.


Biểu diễn nghệ thuật các điệu múa của đồng bào Tây Nguyên. Ghi chú của ảnh - copy từ Lao Động.


Lang thang trên mạng, tình cờ đọc được một bài trên trang Lao Động, viết về một buổi "Tọa đàm khoa học về giải pháp bảo tồn và phát triển văn hóa Tây Nguyên". (Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông và UBND tỉnh Phú yên tổ chức vào sáng 24-5-2014, tại TP. Tuy Hòa - Phú Yên). 

Tôi không đề cập đến nội dung buổi tọa đàm, chỉ ngạc nhiên về tấm hình có lẽ là được chụp trong phần biểu diễn để minh họa cho buổi tọa đàm đó. Tấm hình được ghi chú bên dưới "Biểu diễn nghệ thuật các điệu múa của đồng bào Tây Nguyên". Trước năm 1975 tôi may mắn đã có thời gian được ở trong những ngôi làng người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, tại Pleiku, Kontum..., được nhìn ngắm và nghe họ đánh cồng chiêng, nhìn ngắm họ nhảy múa, được tham dự vào những nghi lễ của họ, như lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ mừng cơm mới... hay khi trong buôn làng họ có tang ma...

Thật sự khi nhìn tấm hình bên trên tôi không thấy có một chút gì về "ký ức Tây Nguyên" của tôi, từ hình dáng của những thanh niên, thiếu nữ, cho đến khuôn mặt, cách ăn mặc, kể cả điệu múa... trên ảnh. Từ trước năm 1975 đến nay đã 40 năm rồi còn gì? Hay những thanh niên, thiếu nữ Tây Nguyên trong những buôn làng bây giờ họ thế?

Có lẽ tôi lạc hậu quá mất rồi!





Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Chuyện chữ nghĩa.


Tịnh xá Ngọc Điền, thôn Long Bình, thị trấn Long Điền, huyện Long Đất (nay là Long Điền) Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh chụp lại từ sách 100 ngôi Tịnh xá tiêu biều, NXB Tổng Hợp TP.HCM - Quý I-2014. 

Ở entry trước tôi có giới thiệu về quyển sách "100 ngôi tịnh xá tiêu biểu" của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam. Ông bạn Bulukhin vào xem và phát hiện ra trong từ điển Hán-Việt không có chữ Tịnh xá, mà chỉ có chữ Tinh xá (    ) (chữ Tinh  bộ Mễ, như trong Tinh túy, Tinh thông, Tinh tế), và chữ Tinh xá theo Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội-1931) giải nghĩa: Tinh xá    là: Nhà học: Giảng đạo ở Tinh xá. Từ điển Hán Việt Đào Duy Anh giải nghĩa: Tinh xá    là: Nhà học, nhà chùa

Chữ Tịnh  bộ Thủy có nghĩa là sạch sẽ, tinh khiết, thuần, ròng, trong Thanh tịnh 清淨 (trong sạch, yên lặng), Tịnh thổ (Tịnh độ: đất Phật) 淨土, Tịnh thất 淨室 (chỗ tu hành - Từ điển Trích dẫn trên mạng, Từ điển Hán-Việt Thiều Chửu). 

Thoạt đầu ông bạn Bulukhin nghĩ chữ Tịnh trong Tịnh xá chỉ nơi tu hành (chùa) của Hệ phái Khất sĩ, tiếng Hán-Việt cũng viết giống như chữ Tịnh  trong Tịnh Thổ (Tịnh độ淨土, hay như chữ Tịnh thất 淨室, nhưng không ngờ chữ Tịnh trong Tịnh xá nếu đọc đúng âm Hán Việt và theo Từ điển phải viết và đọc là Tinh , không có dấu nặng. Thoạt tiên tôi cũng nghĩ như ông bạn Bu, nhưng rồi có suy nghĩ thêm, hay chữ Tinh xá    là từ ngữ Hán-Việt xưa, còn chữ Tịnh xá để chỉ nơi tu hành là từ sau này của hệ phái Khất sĩ (sáng lập từ năm 1944), là chữ Tịnh như trong chữ Tịnh thất?. Bởi cũng có một số nơi tu hành của hệ phái Khất sĩ thay vì gọi là Tịnh xá thì được gọi bằng Tịnh thất, như Tịnh thất Liên Hoa ở Cần Thơ, Tịnh thất An Lạc ở Hậu Giang... Cách tốt nhất là phải tìm được cho ra chữ Tịnh viết bằng chữ Hán trong Tịnh xá nơi các ngôi Tịnh xá bây giờ, bởi chữ quốc ngữ thì chữ Tịnh nào cũng giống chữ Tịnh nào.

Tôi tìm trong quyển sách 100 ngôi tịnh xá tiêu biểu mới mua, gần như không mấy hy vọng bởi các Tịnh xá chỉ thấy ghi chữ quốc ngữ, không thấy viết chữ Hán. May thay có ngôi Tịnh xá Ngọc Điền ở Bà Rịa Vũng Tàu có viết tên bằng chữ Hán-Việt (hình chụp phía dưới). Dưới mái trên cao có hàng chữ quốc ngữ TỊNH XÁ NGỌC ĐIỀN, còn dưới mái thấp phía dưới có hàng chữ Hán, tuy hơi mờ nhưng vẫn còn đọc được, theo âm Hán-Việt từ phải qua là NGỌC ĐIỀN TINH XÁ (nếu đọc đúng âm theo từ điển là TINH XÁ chứ không phải TỊNH XÁ)


Hàng chữ quốc ngữ dưới mái cao là TỊNH XÁ NGỌC ĐIỀN. Hàng chữ Hán phía dưới từ phải qua (nếu đọc đúng âm Hán-Việt) là NGỌC ĐIỀN TINH XÁ (chữ TINH không có dấu nặng, chữ thứ ba từ phải qua). Như vậy chữ TINH trong TINH XÁ, được đọc là TỊNH

Entry bên trên tôi chỉ tra sách vở về chuyện chữ nghĩa, để thấy chữ nghĩa trong trường hợp này đúng như ông bạn Bulukhin viết trong comment "Chữ nghĩa rắc rối thiệt"

Ghi chú: xin bổ sung thêm, trong những quyển từ điển tôi có (Từ điển Việt Nam xưa nay xuất bản trên cả 2 miền đất nước, cũng như Từ điển Hán-Việt, kể cả Từ điển chữ Nôm, khoảng trên 20 quyển đều không thấy giải nghĩa chữ Tịnh xá).



Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Tịnh xá.


Sách 100 ngôi tịnh xá tiêu biểu.

Tình cờ tôi mua được quyển "100 ngôi tịnh xá tiêu biểu" của hệ phái Khất sĩ Việt Nam (sách giới thiệu 100 ngôi tịnh xá tiêu biểu tại Việt Nam, trên khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam). Sách mới được in quý I - 2014, để kỷ niệm 70 năm Đạo Phật Khất sĩ hiện diện tại Việt Nam, và Đại lễ tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng.

Trong một entry trước tôi có viết về tên gọi của một số cơ sở tôn giáo tại Việt Nam, trong đó có Tịnh xá. Tịnh xá là tên gọi một ngôi chùa Phật giáo, nhưng tên Tịnh xá là để chỉ ngôi chùa Phật giáo theo hệ phái Khất sĩ. Hệ phái Khất sĩ ở Việt Nam hiện nay do Tổ sư Minh Đăng Quang (1923-1954) khai sáng tại miền nam Việt Nam. Tìm hiểu Phật giáo ta hay thấy nói đến Phật giáo Bắc truyền (PG Đại thừa), và Phật giáo Nam truyền (PG Nguyên thủy). Ở Việt Nam có thêm hệ phái Khất sĩ với những đặc điểm sau:

1. Đặc điểm của hệ phái Khất sĩ: dung hòa hai nền giáo lý Nam truyền và Bắc truyền, cụ thể:

- Kế thừa Bắc truyền (phổ biến ở khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Tạng..., Việt Nam, tuy Việt Nam thuộc Đông Nam Á): chọn ăn chay, thâu nhận ni giới, giảng kinh Pháp Hoa, kinh A Di Đà... triển khai các khái niệm của PG Đại thừa như Phật tánh, Chân như...

- Kế thừa Nam truyền (phổ biến ở khu vực Đâng Nam Á như Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Cambodia, Lào) : chọn cách ăn mặc theo truyền thống Ấn Độ thuở xưa, dùng y bát theo như Nam truyền, khất thực, ăn ngọ, giảng về y bát chân truyền và đạo quả A La Hán...

2. Hệ phái Khất sĩ với thực hành Tứ Y Pháp Trung Đạo:

- Người xuất gia chỉ được ăn thực phẩm xin được khi đi khất thực, ngày hội thuyết pháp được ăn tại chùa.

- Người xuất gia phải lượm những mảnh vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ được nhận.

- Người xuất gia phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều, am nhỏ một cửa, bằng lá thì được ở.

- Người xuất gia chỉ được dùng phân uế của bò mà làm thuốc khi đau, nhưng có ai cúng thuốc, dầu, đường thì được dùng.

(Theo trang mạng Đạo Phật Khất Sĩ).

Tu sĩ thuộc hệ phái Khất sĩ. Ảnh Internet.

Như chúng ta đã biết, theo thời gian, một số điểm trong cách tu tập của hệ phái Khất sĩ đã đổi khác, chẳng hạn hiện nay tăng lữ không còn khất thực (do bị kẻ xấu mạo danh), do vậy có lẽ không còn dùng thực phẩm khất thực. Ngày xưa tôi có thấy những vị Khất sĩ đi khất thực với áo khoác may bằng những mảnh vải nhỏ nhiều màu sắc, nay không còn thấy. Hiện nay Khất sĩ xuất gia đã tu tập nơi những Tịnh xá khang trang, không còn nghỉ dưới cội cây, hoặc lỡ đau ốm chắc sẽ đến cơ sở y tế và dùng thuốc men thông thường...

Trong quyển sách "100 ngôi tịnh xá tiêu biểu", ở Saigon có tịnh xá Ngọc Phương thuộc phường 1, quận Gò Vấp. Đây là ngôi tịnh xá do Ni sư Huỳnh Liên (1923-1987) thành lập từ năm 1957. Các bạn ở Saigon trước năm 1975 chắc không quên danh tiếng của Ni sư Huỳnh Liên, vị Ni sư đã đấu tranh trong phong trào Phật giáo từ năm 1960 đến năm 1975.

Tịnh xá Ngọc Phương do Ni sư Huỳnh Liên thành lập.

Và một chi tiết nữa về những ngôi tịnh xá, đa số các ngôi tịnh xá của hệ phái Khất sĩ Việt Nam đều có tên bởi chữ "Ngọc" đứng đầu, như tịnh xá Ngọc Phương, Ngọc Diệp, Ngọc Quang, Ngọc Thành, Ngọc Trung, Ngọc Đăng, Ngọc Hương, Ngọc Hiệp (ở Tiền Giang có 2 tịnh xá tên Ngọc Hiệp)... Trong 100 ngôi tịnh xá chỉ có khoảng 5, 6 ngôi là không có chữ Ngọc như tịnh xá Trung Tâm, tịnh xá Trúc Lâm, tịnh xá Mộc Chơn, tịnh xá Kỳ Viên... Và trong quyển "100 ngôi tịnh xá tiêu biểu", thì khu vực miền Bắc chỉ thấy có một ngôi duy nhất là Ngọc Quán Tự ở Hà Nội.

Nhân mùa Phật đản vừa qua, xin giới thiệu một vài thông tin cơ bản về một hệ phái Phật giáo Việt Nam mà có thể chúng ta ít được biết.





Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

"Chuộc lỗi".


Các em học sinh đọc sách trong sân trường THCS Chu Văn An (Thị trấn Chư Sê - Gia Lai). Ảnh B.B - Báo Tuổi Trẻ.

"Chuộc lỗi" ở đây là "Khi thầy hiệu trưởng chuộc lỗi", một bài đăng trên trang Giáo dục -  Khoa học của báo Tuổi Trẻ thứ bảy (17-5-2014). Theo bài báo thì sáng hôm qua (16-5), gần 2.000 học sinh Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) đã vây kín các quầy sách, ngồi tràn ra các gốc cây dưới sân trường để đọc sách trong một sự kiện được nhà trường lần đầu tổ chức: ngày hội đọc sách gắn với tuyên truyền biển đảo.

Nhưng điều bài báo muốn nói ở đây, là ý kiến của thày hiệu trưởng: "Tôi cũng có một phần lỗi", và lỗi mà thày hiệu trưởng cảm nhận, vì đây chính là ngôi trường mà tháng trước đã có em học sinh bị bảo vệ của một siêu thị trong huyện bắt trói, đeo bảng ăn trộm ở trước ngực, khi em bị cáo buộc lấy 2 quyển sách trong siêu thị. Điều "tệ" hơn là người thanh niên của siêu thị đeo biển ăn trộm lên ngực em học sinh, cũng từng học ở trường trung học này, và bị đuổi học.

Sau khi sự việc xảy ra, lùm xùm ít ngày trên báo, trên mạng, mọi việc rồi cũng qua đi, đấy là một chuyện không hay, nhưng may mắn từ cái không hay, nếu biết suy nghĩ, người ta sẽ tìm ra được cái hay để thay thế. Thông tin từ bài báo cho biết để tổ chức ngày hội sách cho các em, nhà trường đã huy động gần 30.000 (ba mươi ngàn) đầu sách sẵn có trong thư viện, và mượn thêm của thư viện huyện Chư Sê. Đọc đến đây tôi có đôi chút suy nghĩ, 30.000 đầu sách là nhiều hay ít? Có thể nói là nhiều, rất nhiều đối với một thư viện trường học miền núi. Tôi chỉ có số sách chưa bằng 1/100 (một phần trăm) mà đã thấy đầy nhà, tha hồ tra cứu. Nhưng nhiều với điều kiện là sách chọn lọc, thực sự cần thiết và có ích lợi cho người đọc.

Tuy không được "mục sở thị" 30.000 quyển sách ấy, nhưng tôi có thể hình dung được đó là những loại sách gì? Có lẽ đại đa số là sách giáo khoa qua nhiều thời kỳ, có nhiều quyển không còn được dùng nữa, một số sách được tặng (bởi phụ huynh, những nhà hảo tâm...), một số sách do nhà trường mua... Nói tới đây tôi lại nhớ đến một vài điều liên quan đến sách. Mấy năm trước khi còn làm việc, có lần nơi phòng làm việc mấy vị cựu chiến binh khệ nệ vác về mấy quyển sách rất nặng ký, ít nhất là về nghĩa đen, sách bìa cứng, giấy bên trong trắng phau. Sách phải mua duyệt theo giấy giới thiệu, đó là mấy quyển sách của (hay nói về) vị Đại tướng mới mất cách nay không lâu. Sách mua về để ở trên bàn, thỉnh thoảng có người lật vài tờ rồi gấp lại. Quyển sách cứ để đó mãi, ngay cả người mua về cũng không hề đọc một trang... Lần khác tôi cũng được nghe một bạn trẻ trong cơ quan nói chuyện, đoàn Thanh niên, Công đoàn thỉnh thoảng cũng đi mua sách, nhưng là những quyển sách... khô như ngói, mua về rồi cất trong tủ, cho có, chẳng hề ai muốn lấy đọc...

Mới cuối tháng trước là Ngày sách, được tổ chức lần đầu tại Việt Nam, dĩ nhiên ngày sách phải có Hội sách, bày bán sách. Theo như thông tin, hình ảnh trên báo thấy có rất nhiều người (đại đa số là các bạn trẻ), tham dự, xem, mua sách, cũng thấy mừng, nhưng nếu để ý đọc kỹ hơn, ta có thể thấy các bạn trẻ bây giờ mua và đọc những sách gì? Mười đầu sách bán chạy nhất, thì hết chín là loại tiểu thuyết tình cảm, nhẹ nhàng (có một quyển Đắc nhân tâm do học giả Nguyễn Hiến Lê dịch, quyển sách trong tủ sách Học làm người được in từ trước năm 1975, đã được tái bản rất nhiều lần). Tôi không hề ngạc nhiên khi thấy các bạn trẻ tìm đọc loại tiểu thuyết tình cảm, nhẹ nhàng, có bạn trẻ nói, chú ơi bây giờ cuộc sống đã đủ thứ mỏi mệt rồi, đọc cái gì cho đầu óc nó thư giãn. Và trên mạng các bạn trẻ cũng hay làm thơ, viết những tản văn tình cảm, hơn là tìm hiểu để viết những vấn đề thuộc về xã hội, kiến thức...

Có lẽ những ai thuộc thế hệ 4x, hoặc 5x ở miền Nam của thế kỷ trước còn nhớ, một học sinh tốt nghiệp trung học thôi, ít nhiều cũng đã biết đến văn học cổ điển, hiện đại trong và ngoài nước, biết đến những Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương, Cao Bá Quát... Biết thơ Văn Cao, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận... Thơ mới, thơ cũ... Biết Tự lực Văn đoàn... Tôn Dật Tiên, Lỗ Tấn... Biết Victor Hugo, Albert Camus, Tolstoi, Dostoievki, Shakespeare... Biết Cách mạng Pháp 1789... Biết về triết học... Cũng hồi còn đi làm, một bạn trẻ đã tốt nghiệp đại học, trong một buổi thi tìm hiểu trong cơ quan nhân ngày Quốc khánh 2 tháng 9, không hề biết bác Tôn (chủ tịch nước Tôn Đức Thắng) là ai?

Trở lại chuyện "Chuộc lỗi" của vị hiệu trưởng, nếu bài báo có thêm được thông tin nhà trường kết hợp với Siêu thị nơi em học sinh "bị nạn", tổ chức ngày hội sách này thì hay quá, từ cái dở chúng ta có thể sửa thành cái hay. Tổ chức một cái thư viện cho ra hồn trong trường học (việc làm trong tầm tay) là điều mà hình như chẳng có nhà trường nào nghĩ đến. Ngày trước, khi học Trung học đệ nhị cấp (cấp 3 - THPT), tôi đã thường xuyên đến Thư viện thành phố, hay Thư viện của một tổ chức tôn giáo, hoặc thư viện của nước ngoài để học, và tìm sách đọc. Có lẽ vị hiệu trường, ngành giáo dục bây giờ... cũng nên hiểu thêm điều này, một ngày Hội sách để "chuộc một lỗi lầm" là không đủ. Ngày Hội sách "Chuộc lỗi" này chỉ là một bước khởi đầu chập chững, cho một công việc cần thiết và lâu dài.

Có lẽ chẳng ai trong chúng ta sợ thua Thái Lan 95 năm về vật chất (như thua về số xe hơi chạy trên đường phố, hay thua về số nhà cao tầng), chúng ta chỉ sợ thua về văn hóa, giáo dục... Mà điều này thì "nhỡn tiền" rồi...





Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

"Em đến thăm anh một chiều mưa".


Tôi đọc tin nhạc sĩ Tô Vũ, một tác giả từ thời Tiền chiến đã từ trần từ hôm qua trên trang báo mạng. Có lẽ các bạn ở Saigon từ ngày xưa chắc còn nhớ nhạc sĩ Tô Vũ, ông nổi tiếng với các bài hát Em đến thăm anh một chiều mưa, Tạ từ, Tiếng chuông chiều thu (*)..., trong đó có lẽ bài hát Em đến thăm anh một chiều mưa được nhiều người biết đến nhất. Hôm nay báo giấy cũng đưa tin, sáng đang ngồi ở nhà với tách cà phê nghe bà xã tôi hỏi: "Ủa, nhạc sĩ Tô Vũ mất rồi, mà sao có hai ông Tô Vũ mất cùng lúc?".

Nghe lạ quá, tôi ghé mắt nhìn vào tờ báo Tuổi Trẻ ngày 14-5-2017 bà xã tôi đưa. Bài báo nói về nhạc sĩ Tô Vũ có đoạn ghi: (Tôi chép lại nguyên văn)

"Tại TP.HCM, lễ viếng nhạc sĩ Tô Vũ bắt đầu từ 8g ngày 14-5 tại Nhà tang lễ TP.HCM. Lễ truy điệu lúc 13g ngày 14-5, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa. Tại Hà Nội, lễ viếng tại gia đình (số 3 ngách 75, ngõ 173 đường Hoang Hoa Thám) vào ngày  16 và 17-5; an táng tại nghĩa trang Phi Liệt, TP Hải Phòng lúc 8g ngày 18-5".

Bài báo chỉ nói về việc nhạc sĩ Tô Vũ mất và việc an táng ông như thế. Tôi đọc hết cả bài báo và đọc đi đọc lại đoạn viết về tang lễ của ông, suy đoán, lễ truy điệu ông tại Nhà tang lễ TP.HCM vào ngày 14-5 sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, còn lễ viếng ông tại gia đình (Hà Nội) vào ngày 16 và 17-5, an táng tại nghĩa trang Phi Liệt, TP Hải Phòng lúc 8g ngày 18-5, là sau mấy ngày. Có lẽ (tôi đoán thế), ông mất tại TP. HCM (bài báo chỉ thông tin ông mất, không thấy nói mất ở đâu?), sau lễ truy điệu vào ngày 14-5 rồi hỏa táng tại TP.HCM, tro cốt của ông sẽ được chuyển ra Hà Nội, để làm lễ viếng tại gia đình, rồi mới an táng ông tại nghĩa trang Phi Liệt (Hải Phòng) vào ngày 18-5.

Tôi nói với bà xã là tôi đoán thế, chứ làm gì mà có hai ông nhạc sĩ Tô Vũ? Khi mất, một ông hỏa táng trong Nam, còn một ông an táng ngoài Bắc.

Mục đích cao nhất của báo chí là thông tin, thông tin càng rõ ràng, càng minh bạch càng tốt, mà ở đây việc thông tin xem ra mù mờ quá!


(*) Theo trang Wikipedia, nhạc sĩ Tô Vũ tên thật là Hoàng Phú sinh ngày 9-4-1923, mất ngày 13-5-2014 (cập nhật ngày mất rất nhanh). Ông là em ruột của nhạc sĩ Hoàng Quý (tác giả bài hát Cô láng giềng cũng rất nổi tiếng tại miền Nam vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước). Nghệ danh Tô Vũ là do bạn bè đặt cho ông, mượn tên Tô Vũ của nhà ngoại giao thời Hán Vũ Đế (Trung Hoa).









Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Viết nhanh.



Mấy ngày hôm nay vào mạng tràn ngập những tin tức về biển Đông, tin trên biển, tin trong đất liền. Những đụng độ ngoài khơi quanh cái giàn khoan khủng đã lấn vào chủ quyền đất nước. Phản ứng của giới hữu trách, sự bày tỏ lòng yêu nước của người dân, ở khắp nơi, chưa bao giờ thấy sôi sục như thế. Buổi sáng tôi ghé sạp báo gần nhà, chị bán báo đưa tờ báo cho tôi chỉ vào hình ảnh chiếc tàu ở trang nhất nói, theo ngôn ngữ bình dân, nó cứ ép mình mãi, sợ nó quá thì nó sẽ lấn miết, uýnh bỏ xừ nó đi chớ...

Tôi đọc ở một trang mạng khác, một bài viết của một nhà văn*, có lẽ ông sống ở Hà Nội, ông viết "những người Hà Nội càng ngày càng trở thành những người lười đọc sách", và ông cũng viết tiếp một tin liên quan đến sách, rằng: "gã khổng lồ Macdonald đã thôn tính xong một trong những địa chỉ văn hóa có tiếng ở Hà Nội. Đó là trung tâm sách ở phố Nguyễn Xí. nếu sự thật đúng như vậy thì đây là một tin quá xấu".

Ở ngoài biển thì gã khổng lồ xấu tính tráo trở thôn tính biển bằng giàn khoan, trên đất liền giữa thủ đô thì một gã khổng lồ khác thôn tính nhà sách bằng món thức ăn nhanh, hụ hụ!

Ở một trang mạng khác (Vietnamnet) tôi đọc dược tin cũng về sách, vị cựu sĩ quan công an vướng vào vụ án của anh trai, ông đang "nghiên cứu sách Phật giáo trong tù", bài báo viết, luật sư của vị sĩ quan cho hay vị sĩ quan thường nhắn người nhà gởi sách Phật giáo, thiền, yoga để đọc.

Không rõ khi còn tại chức, vị sĩ quan này có đọc sách (sách nói chung), hay sách viết về Phật giáo, tôn giáo hay không? Nhưng bây giờ, ông ấy đã tìm đọc sách Phật giáo. Nói theo triết lý nhà Phật, ông ấy đang phải trả cái nghiệp của mình, nói theo dân gian, ông ấy đang gặp cái xui, hay nói theo pháp luật ông ấy đang chịu hình phạt cho việc làm sai trái. Nhưng biết đâu đấy, trong cái rủi cũng có cái may, trong cái không cũng có cái , lúc đang phải trả cái nghiệp, hay đang chịu cái vận xui kia..., khi đọc những quyển sách Phật giáo, mong rằng ông sẽ tìm được những giây phút bình yên trong tâm hồn...



* Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (bài trong báo điện tử Một Thế Giới - 10-5-2014).



Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Đọc sách trong sân chùa.


Những viên đá có vân tự nhiên trong buổi triển lãm "Thạch thiền" tại chùa Phật học Xá Lợi, Saigon.

Tôi hay làm tài xế "xe ôm" chở bà xã đi chùa, khi bà xã vào lễ Phật thì tôi thường chọn một góc trong sân chùa đọc vài trang sách mang theo, thường là một quyển sách viết về Phật giáo mà trên kệ sách của tôi cũng có được vài quyển (đến chùa đọc sách Phật cho nó đề huề). Thỉnh thoảng tôi cũng có dịp được ngồi uống trà đàm đạo đôi câu với một vị trụ trì, Sư Thày có, Ni sư có. Thấy tôi đọc sách Phật giáo, cũng đôi khi hỏi đôi điều về tôn giáo, có lần một vị Ni trụ trì quen (Ni còn nhỏ tuổi) hỏi tôi: "Sao chú không vào tụng kinh cùng cô?". Tôi chỉ cười trừ.

Tôi cũng hay đến một ngôi chùa để xem những buổi triển lãm về nghệ thuật Phật giáo, như tranh, tượng, những Pháp khí..., trong dịp Phật đản, rằm tháng bảy..., hoặc cũng có khi để nghe một buổi nói chuyện của một vị Thượng tọa, chẳng hạn về âm nhạc Phật giáo, hay cách Tán, Tụng trong kinh sách, cách Lễ bái, thỉnh chuông, thỉnh mõ... Tôi đi xem triển lãm Phật giáo, hoặc đi nghe nói chuyện vì thích tìm hiểu những gì mình chưa biết... Còn đến chùa để tung kinh, hay nghe kinh, nghe Pháp thì thực là chưa có duyên.






Buổi sáng cuối tuần hôm nay tôi chở bà xã ghé một ngôi chùa khá lớn ở Saigon, một ngôi chùa ở gần kế bên sân bay Tân Sơn Nhất. Có một cuộc triển lãm tranh, tượng và sách Phật giáo ở đó, trong khi chờ đợi tôi ghé xem phòng triển lãm, và mua một quyển sách của Giáo sư Cao Huy Thuần. Ông là GS. đại học ở Pháp, gốc người Huế, tốt nghiệp đại học Luật Saigon năm 1960, đã từng dạy ở đại học Huế vào những năm 1962-1964, sau đó ông sang Pháp bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Đại học Paris. Ông cũng đã về Việt Nam nhiều lần tham dự những buổi hội thảo về chính trị, xã hội.

Sách "thấy Phật" của GS. Cao Huy Thuần.

Cuốn sách tôi mua có tựa là "thấy Phật" của GS. Cao Huy Thuần (NXB Tri Thức tái bản-2013), gồm nhiều truyện ngắn, ông viết có khi rất ngắn, nhưng súc tích, cô đọng, viết về triết lý Phật giáo nhưng bình dị, dễ hiểu chứ không cao siêu. Ngoài quyển sách này trước đây GS. cũng đã viết một số sách về Tôn giáo. Trong khi chờ bà xã, tôi tìm một góc trong sân, ngồi xem quyển sách mới mua. Trong chùa cũng có những tán cây cao, mùa này trời oi ả, trên cao nắng chói chang nhưng ngồi dưới những tán cây trong sân chùa, nghe những tiếng chuông và tiếng ve râm ran, giở một quyển sách đọc đôi dòng, thật thú vị...

Câu truyện đầu tiên tôi đọc được trong sách là ông viết về đất nước Bhutan, kể về một cuốn phim của Bhutan, một đất nước Phật giáo nhỏ bé nằm trong lục địa Nam Á, giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Bhutan theo chế độ quân chủ. Đất nước không có biển, toàn đồi núi, nằm dài 500 cây số lên tới đỉnh Himalaya băng giá. Họ chỉ có non một triệu dân với thủ đô là Thimphu 30.000 người, dân số ít nhưng người dân của họ thật hiền hòa. Trong truyện ngắn có tựa đề "thênh thang trên xứ non cao" này, GS. Cao Huy Thuần viết:

"Cho đến gần đây, thế giới hãy còn cười mũi, chế nhạo đề nghị của nước này lấy hạnh phúc làm thước đo phát triển. Thay vì lấy tổng sản phẩm quốc nội làm chỉ tiêu và đặt ba chữ GDP để thờ trên bàn thờ phát triển, Bhutan ngược ngạo phản biện: giàu nghèo mà làm gì nếu phát triển kinh tế không đưa đến hạnh phúc? Thay vì đo bằng GDP (Gross Domestic Product), ta hãy đo bằng GNH, Gross National Happiness! Ba chữ lạ hoắc GNH bây giờ bỗng lọt vào mắt xanh của Bộ Ngoại giao Nhật, của báo Mỹ, của đại học Mỹ. Bhutan đề nghị đo hạnh phúc trên bốn tiêu chuẩn: phát triển đồng đều trong xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng một chính thể có trách nhiệm.

GDP của Bhutan là 500 triệu đô la. GDP của Nhật là 4.400 tỉ. Một giọt sương bên cạnh bát nước đầy. Nhưng người Nhật có hạnh phúc hơn ông già nông dân bán táo Bhutan trong phim không?... Bhutan nghèo nhưng không khổ, không có người ăn xin, nhà nào cũng có ruộng vườn, có trâu bò, có khung dệt, đủ ăn, đủ mặc. Họ không phải lo về giáo dục, y tế vì miễn phí. Bhutan là nước nghèo duy nhất  trên thế giới có rừng còn nguyên vẹn, là nước nghèo duy nhất trên thế giới hạn chế tối đa du lịch, là nước duy nhất trên thế giới cấm săn bắn, đánh cá. Nếu muốn, Bhutan có thể trở thành như bất cứ nước nào trên thế giới, nhưng nếu muốn, không nước nào có thể trở thành Bhutan. Không ở đâu trời đất còn nghe tiếng nông dân hát ngoài đồng trong mùa gặt. Trong thế giới càng ngày càng phức tạp, Bhutan lựa chọn sống đơn giản. Người dân không có gì trong tay bởi vì họ có cả thế giới. Họ không tìm kiếm gì, bởi vì tất cả đều ở đấy rồi. Bởi vậy, người trong phim không vội vã. Không vội vã nên họ tự do. Và tự do là hạnh phúc...".

Đọc những dòng của GS. Cao Huy Thuần viết về một đất nước Phật giáo nghèo nhưng hạnh phúc, họ biết cần và tìm những gì trong cuộc sống, họ không chạy theo những phù phiếm. Tự nhiên tôi nghĩ đến hai hình ảnh, một thường thấy trên những chuyến xe điện ngầm của Nhật, hình ảnh những người Nhật ngủ gà ngủ gật khi đi, hoặc trở về nhà, hay trên đường phố, họ đi bộ rất nhanh, rất gấp gáp... Một hình ảnh khác của người nông dân Bhutan, họ ca hát trên những cánh đồng, hoặc hình ảnh vui vẻ của một nhà sư trẻ Bhutan thong thả kể chuyện trên một chuyến xe cọc cạch, chở đầy ắp người và nông sản, trên con đường dốc quanh co của đất nước họ... Họ luôn bình thản, mọi người đều là anh em bất kể thân, sơ, không có ai định lừa ai, không có ai định khủng bố, chiếm đoạt quyền hành, chiếm đoạt của cải kẻ khác... Họ quan tâm đến bình an của người khác, như thế họ đem bình an đến cho chính mình... Và họ hạnh phúc...

Khi nói về đất nước Bhutan đề nghị đo hạnh phúc bằng bốn tiêu chuẩn: "phát triển đồng đều trong xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng một chính thể có trách nhiệm.". GS. Cao Huy Thuần viết tiếp:

"Nói gì bốn cho nhiều, chỉ mỗi tiêu chuẩn thứ tư ấy mà thôi, nếu thực hiện được, đã phước ba đời rồi".


Saigon, mùa Phật đản tháng 5 - 2014.



Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Chữ nghĩa.


Trái quýt bên trái còn xanh, 2 trái phía sau đã chín, ở giữa là trái ương (nửa xanh nửa chín). Ảnh Internet

Mấy hôm nghỉ lễ tuần trước rảnh chiều ghé nhà bạn chơi, trời nóng quá ra trước hiên nhà bạn ngồi uống cà phê. Bạn hỏi, chữ ươn (g) viết có g không? Con bạn mới hỏi mà bạn không biết trả lời ra sao. Tôi chơi với bạn đã lâu, bạn là người gốc miền Bắc, nhưng các cụ của bạn đã vào Nam từ hồi đi "Tân thế giới" năm bốn mươi mấy của thế kỷ trước, sanh bạn ra ở miền Nam, thuở nhỏ bạn lại ở trong xóm chơi với toàn bọn trẻ con cùng lứa miền Nam, nên nói tiếng Nam, bạn cũng hay lẫn lộn từ ngữ kiểu thế này. Tôi hỏi lại, nhưng bạn muốn nói chữ ươn (g) gì? Bạn nói, thì người ta hay nói dở dở ươn (g) ươn (g) đó. À, bạn muốn nói đến câu dở dở ương ương, nếu vậy thì chữ này phải là ương (có g) chứ không phải là ươn.

Chắc bạn đã quên mất câu thơ hồi còn đi học của Tú Xương:

Vị Xuyên có Tú Xương
Dở dở lại ương ương
Cao lâu thường ăn quịt
Thổ đĩ lại chơi lường!

(Trần Tế Xương - Tự Vịnh)

Về từ ngữ thì chữ ươnương đều có ý nghĩa, và ý nghĩa của hai chữ khác nhau. Chữ ươnương (trong dở dở ương ương) là từ tiếng Việt, không phải từ Hán Việt. Chữ Nôm viết ươn ), bộ Nhục bên trái (chỉ ý) và chữ An  (chỉ âm) bên phải, có nghĩa là: 1. thực phẩm không còn tươi. 2. Biếng nhác. 3. Khó ở. Và ương (  ), chữ đầu  mượn nguyên chữ ương  của chữ Hán Việt (tai ương, phép Giả tá), chữ sau  gồm chữ ương  (trung ương) của chữ Hán (bên phải, chỉ âm), ghép thêm bộ Tâm (chỉ ý) bên trái, thành chữ ương, có nghĩa là: 1. Gan lì, khó bảo. 2. Trái cây sắp chín.

Tôi cũng lấy giải nghĩa của ba quyển từ điển tiếng Việt qua những thời kỳ là Đại Nam Quấc âm tự vị của Hùinh Tịnh Paulus Của. Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, và Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) để làm căn cứ xem xét:

Đại Nam Quấc âm tự vị ghi: 

- Ươn: quá cử, hết tươi, có mùi hôi, dở dang, yếu đuối, không yên trong mình.
- Ương ương: lỡ dở, không được, không không, không ra bề gì.

Việt Nam tự điển ghi:

- Ươn: 1. Nói về cá thịt không tươi, gần thối. 2. Khó ở trong mình.
- Ương: nói trái cây gần chín: ổi ương. Nghĩa bóng: nói tính gàn dở, bướng bỉnh: người có tính ương.

Từ điển tiếng Việt ghi:

- Ươn: 1. (Tôm, cá) không còn tươi nữa, bắt đầu có mùi hôi. 2. (Kết hợp hạn chế). Không được khỏe lắm, hơi ốm (lối nói kiêng tránh). 3. Hèn, kém.
- Ương: (Quả cây) ở trạng thái gần chín.
- Ương: Gàn, cứ theo ý mình, không chịu nghe ai.

Đấy là giải nghĩa về chữ ươn, và ương, còn về chữ dở trong dở dở ương ương, có nghĩa là dở dang, dở chừng, chứ không phải là hay - dở.

Ở đây tôi chỉ ghi những từ liên quan đến chữ cần nói, không ghi những chữ đồng âm nhưng khác nghĩa.

Ngoài từ điển giải nghĩa từ, thì những quyển từ điển khác về chính tả, như Từ điển chính tả thông dụng của GS. Nguyễn Kim Thản, Từ điển chính tả tiếng Việt của Như Ý, Thanh Kim, Việt Hùng, đều ghi nhận chữ viết đúng là dở dở ương ương.

Thuở nhỏ tôi hay nghe người lớn trong nhà nói "quả này còn ương đấy đừng ăn", có nghĩa là trái cây này chưa chín đừng ăn, hoặc là "quả này ương ương", có nghĩa là quả này chưa chín (thậm chí còn xanh). Hình như chữ ương để chỉ trái cây gần chín, hay ương ương để chỉ trái nửa xanh nửa chín là phương ngữ(*) miền Bắc? Bởi tôi chỉ nghe người lớn trong nhà nhắc bọn trẻ tụi tôi như thế, còn khi nghịch phá leo cây hái trái với tụi nhóc tì "Nam bộ" trong xóm, thì tụi nhóc gọi thứ trái ương, hay ương ương đó là trái "hường hường", hoặc cũng có khi nói thành "hườm hườm".

Trong những quyển từ điển xuất bản tại miền Nam trước năm 1975, như Đại Nam Quấc âm tự vị (Hùinh Tịnh Paulus Của 1895-1896), Việt Nam Tân tự điển của Thanh Nghị - NXB Thời Thế Saigon-1951), Tự điển Việt Nam (Ban Tu thư Khai Trí-Saigon 1971), hoặc gần đây là quyển Từ điển Từ ngữ Nam bộ của TS Huỳnh Công Tín (NXB Chính Trị Quốc Gia-2009)..., đều không có từ ương, hay ương ương để chỉ trái cây chưa chín.

Nhưng đến câu thành ngữ dở dở ương ương thì phải hiểu theo nghĩa khác, là nghĩa bóng, không còn nói về trái cây nữa. Chắc chúng ta đã từng nghe câu nói "đồ dở dở ương ương", hoặc "hắn ta dở dở ương ương quá", để chỉ một người theo như nghĩa bóng của Việt Nam tự điển giải thích là người có tính có tính bướng bỉnh, gàn dở. Hoặc của từ điển tiếng Việt là gàn, cứ theo ý mình, không chịu nghe ai. 

Theo Đại Nam Quấc âm tự vị cũng có thể dùng từ ương ương để nói về một đồ vật lỡ dở, không được, không ra bề gì. Chẳng hạn có lần tôi được anh em ở ngoại quốc gởi cho một cái áo sơ mi, mà màu sắc sặc sỡ, "chim cò" (từ "chim cò" để chỉ sự lòe loẹt trong ăn mặc của quý anh, quý ông, bây giờ ít ai dùng), áo mặc đi làm cũng không được mà đi chơi cũng chẳng xong, đúng là một cái áo dở dở ương ương, (điều này cũng hoàn toàn đúng khi nói về người, một người lỡ dở không được, không ra bề gì, hiền không ra hiền, dữ không ra dữ, khôn không ra khôn, ngu không ra ngu, gàn dở...), nghĩa là... dở dở ương ương, dân miền Nam còn gọi là "đồ cà chớn"...

Như vậy câu dở dở ương ương, viết Ương ương chứ không phải ươn ươn, người ta hay dùng để chỉ người có tính bướng bỉnh gàn dở, chẳng chịu nghe ai mà cũng chẳng giống ai... Hoặc trong chừng mực ít hơn cũng có thể dùng chỉ đồ vật, để chỉ những đồ vật lỡ dở, chẳng dùng được vào việc gì...


Ghi chú:

- Tham khảo các Từ điển đã dẫn.

(*) Phương ngữ: Còn gọi là Tiếng địa phương, được chia ra: Phương ngữ lãnh thổ (tiếng phổ biến ở một vùng nhất định), và Phương ngữ xã hội (Tiếng phổ biến của một cộng đồng, hoặc một nhóm người trong xã hội) (theo Từ điển Giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Giáo Dục-2003).


Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Hình nhà bạn.


Hình tôi copy từ trang nhà bạn NangTuyet.


Tôi rất thích xách máy ảnh đi đây đó để chụp được những tấm ảnh đẹp, vừa được du lịch, vừa có những tấm ảnh mình yêu thích, nhưng lâu rồi tôi không có dịp đi để chuyên về chụp hình như thế, nên vẫn thường sang nhà những bạn như Marguerite, NangTuyet... du lịch ké và xem hình ảnh. Bạn NangTuyet ở Pháp, có điều kiện đến những vùng núi, biển, những vùng quê châu Âu... Bạn chụp hình đẹp, thường đưa lên những hình ảnh phong cảnh, kiến trúc, biển, núi, sông hồ, hoa cỏ... rất hay.

Bên nhà bạn vừa đưa lên những hình ảnh của một vùng núi (Les Alpes) châu Âu, trong đó có một tấm hình bạn chụp, tựa như ảnh đồi cát ở Việt Nam, nhưng là... đồi tuyết. Một nhóm người trượt tuyết đang bước đi trên một triền núi ngập tuyết và nắng (như... nick name của bạn là NangTuyet - Nắng Tuyết, tôi thấy một vài bạn gọi là Nàng Tuyết, cũng rất hay). Tôi mạn phép bạn copy về, coupe lại chút xíu, để nổi bật lên chủ đề, là những con người nhỏ bé, giữa một thiên nhiên đồi núi và tuyết trắng mênh mông...

Ảnh tôi coupe lại để nổi bật lên chủ đề "Con người và thiên nhiên".


Cám ơn bạn NangTuyet lần nữa về tấm ảnh rất đẹp này.




Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Chuyện thời sự.


Thực sự thì chuyện thời sự của nước ta hay nói rộng ra là của khu vực, thế giới, bây giờ nhiều quá. Giữa thời buổi bùng nổ thông tin như thế này thì không gì có thể che dấu được nữa. Ngày trước người dân chỉ hoàn toàn trông chờ vào báo chí, các hãng thông tấn (phóng viên, báo, đài...). Chỉ có họ mới có nghiệp vụ, phương tiện như máy ảnh, máy quay phim, hay máy ghi âm... trong tay, để mà tác nghiệp. Và sáng sáng ông bố sai đám nhóc tì chạy ra đầu hẻm mua tờ "nhựt trình", để theo dõi tin tức thời sự, hay tối đi làm về rảnh dán mắt vào cái Tivi, cái "đài" mà xem, mà nghe tin tức...

Bây giờ mọi chuyện đã khác, những chuyện trên thế giới, ở bất cứ đâu, máy bay mất tích, phà chìm, lở đất, bạo động, chiến tranh... Hoặc mọi điều nổi bật đang diễn ra ở trong nước..., đều được cập nhật hàng giờ, thậm chí hàng phút... Trên những trang mạng. Không phải bởi những phóng viên báo đài... chuyên nghiệp nữa, mà bởi tất cả mọi công dân trên thế giới, trong đất nước... Ai cũng có thể trở thành phóng viên đưa tin chỉ với một cái máy điện thoại "thông minh" trong tay, và mạng xã hội toàn cầu đã làm một cuộc đại cách mạng về thông tin, gần như những gì xảy ra ở những nơi công cộng, thuộc về thời sự, cộng đồng, chỉ trong chớp mắt có thể sẽ được phơi bày trên thế giới...

Một câu chuyện thời sự trên đất nước bây giờ là giáo dục, trên nhiều trang báo truyền thống, trang mạng xã hội đã và vẫn đang đề cập đến chuyện giáo dục nước nhà, chẳng hạn báo TT chủ nhật (4-5-2014) ngay ở trang nhất có bài và hình ảnh với tựa "Ngậm ngùi cử nhân", viết về những cử nhân tốt nghiệp xong không xin được việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo, có cô gái trẻ tốt nghiệp cao đẳng Quản trị kinh doanh tối tối đi làm "tiếp thị bia" nơi những quán nhậu, hay cô gái khác tốt nghiệp cử nhân ngành Quản lý đô thị đi bán quần áo chợ trời, và nhiều người khác nữa, cũng do không tìm được việc làm thích hợp... Tại sao có chuyện như thế này? Có lẽ chỉ nằm trong 2 nguyên nhân: Thứ nhất cung đã vượt quá cầu. Thứ nhì sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu xã hội. Một thông tin khác tôi đọc được ít bữa trước, là hiện nay có rất nhiều thạc sĩ, cử nhân... ghi tên đi học lại... trung cấp nghề, để mong tìm được việc làm, giải quyết trước mắt chuyện cơm áo...

Đấy là những câu chuyện của cá nhân trong giáo dục, những bi kịch nho nhỏ. Tôi cũng đọc được những câu chuyện thuộc về giáo dục, nhưng ở tầm "vĩ mô", chẳng hạn chuyện ba mươi mấy ngàn tỉ để đổi mới giáo dục nước nhà, bởi giáo dục bê bết quá, chẳng hạn người ta nói giáo dục bây giờ tạo nên những sản phẩm, những con người "dối", qua cách dạy, cách học vẹt, nhồi nhét, học mẫu, cách thi cử, giá trị bằng cấp ảo (như câu chuyện cử nhân không kiếm được việc làm bên trên), thực tế những gì học sinh đã thu thập được nơi nhà trường qua mười mấy năm đèn sách..., (và cũng nhờ có thông tin nhiều nguồn mới biết ba mươi mấy ngàn tỉ người ta nói như đùa), đây chính là một bi kịch lớn.

 Cũng có nhiều người nói, tiền bạc là cần thiết, nhưng trước khi nói đến tiền bạc phải nói đến một thứ cần thiết hơn, cũng "vĩ mô" không kém, thuộc về "triết lý", nghe khá cao siêu, đó là "triết lý giáo dục". Với nhiều người (trong đó có tôi) chẳng rõ "triết lý giáo dục" là gì? Thì nghe vị đứng đầu ngành giáo dục khẳng định ngay, triết lý giáo dục chính là cái Nghị quyết số... Nghe thì biết vậy, chứ tôi cũng chưa được rõ mặt mũi cái Nghị quyết ấy ra sao, trong đó "triết lý" cái gì?

Thời may tôi có một quyển sách của nhà văn Nguyên Ngọc (ông cũng là một người nặng lòng với nền giáo dục nước nhà), quyển sách "nghĩ dọc đường" (NXB Văn Nghệ, xuất bản năm 2006), quyển sách tôi đã mua và đọc đã khá lâu. Đấy là một quyển sách tập hợp nhiều suy nghĩ, bài viết ngắn của ông về nhiều vấn đề trong cuộc sống, tôi nhớ trong sách nhà văn Nguyên Ngọc có viết vài bài về giáo dục, trong đó ông có trích ý kiến của GS. Hoàng Tụy: "Để khắc phục khó khăn hiện nay, chỉ có một lối thoát duy nhất là hiện đại hóa giáo dục". Và nhà  văn Nguyên Ngọc viết tiếp:

"Tôi hoàn toàn đồng tình với phương hướng đó. Nhưng thế nào là hiện đại hóa giáo dục, thế nào là một nền giáo dục hiện đại? Tôi nghĩ rằng một nền giáo dục hiện đại trước hết là ở trong tính hiện đại của triết lý giáo dục mà nó theo đuổi. Và triết lý giáo dục hiện đại là xây dựng một nền giáo dục không phải để nhằm tạo nên những cái máy tinh xảo được nạp một bộ nhớ kiến thức khổng lồ (như hiện nay ta đang ra sức làm, ngay từ bậc phổ thông, và do đó làm mụ mị đi bao nhiêu đầu óc đáng thương của lớp trẻ chúng ta, khiến họ càng học càng đần đi, một sự lãng phí sức lực cả về thể chất lẫn tinh thần, trí tuệ của thế hệ tương lai quý nhất của dân tộc, sự lãng phí thậm chí có thể coi như một tội ác), mà là tạo nên những con người tự do, biết và dám độc lập suy nghĩ, biết cách tự mình chiếm lĩnh lấy kiến thức, tự mình đi khám phá ra chân lý, lẽ phải, và từ đó làm chủ cuộc sống của mình, của đất nước...".

Hết trích, (những chữ in đậm là do tôi muốn nhấn mạnh).

Triết lý giáo dục hiểu theo như nhà văn Nguyên Ngọc đã viết mà tôi trích bên trên không rõ có đúng không? Nhưng nếu với triết lý giáo dục như nhà văn Nguyên Ngọc đã giải thích như thế, thì với một người chữ nghĩa, học hành... lôm côm như tôi hoàn toàn có thể hiểu...


Saigon, đầu tháng 5 - 2014.






Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Ngày lễ tôn giáo.


Trang trí hoa sen mừng Phật đản trên dòng kênh Nhiêu Lộc. Ảnh Internet.


Nhà tôi ở gần kế bên một ngôi chùa, cũng gần nơi một nhà thờ lớn, cho nên những ngày lễ của Phật giáo và Thiên Chúa giáo tôi đều... rành hết, bởi cứ thấy chùa, nhà thờ treo đèn kết hoa cờ phướn rợp trời là biết. Tháng tư vừa rồi thấy có chủ nhật giáo dân đi lễ mỗi người cầm một vài nhánh lá là biết lễ lá, tuần sau là lễ Phục sinh ngày Chúa sống lại, một ngày lễ trọng của người Thiên Chúa giáo. Mấy hôm nay thấy nhà chùa nhộn nhịp hoa đăng, nhìn lịch đã sang tháng tư ta, sắp Phật đản, ngày Đức Phật ra đời. Nhân Phật đản, tôi thử tìm, post lên một vài thông tin về vài điều cơ bản ta hay gặp nơi Phật giáo:

- Phật đản佛誕 ): là ngày kỷ niệm Đức Phật Thích Ca Nâu Ni ( ) ra đời tại vườn Lâm Tì Ni vào năm 624 truớc Công nguyên. Đến nay (2014) đã được: 624 + 2014 = 2638 năm. Tiếng Pali là Vesak, tiếng Sanscrit là Vaisàkha, là ngày trăng tròn của tháng tư (âm lịch), vào khoảng tháng 5 dương lịch. Trước đây lễ Phật đản được các nước Đông Á kỷ niệm vào ngày 8 tháng tư âm lịch, nhưng Đại hội Phật giáo Thế giới lần thứ nhất họp tại Colombo, thủ đô của Tích Lan (Sri Lanka) vào ngày 25 tháng 5 đến 8 tháng 6 năm 1950, các phái đoàn thành viên của Giáo hội Phật giáo Thế giới đến từ 26 quốc gia, đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch. Theo Phật giáo Nam truyền (PG nguyên thủy), ngày lễ Vesak còn gọi là ngày Tam hợp, kỷ niệm chung Phật đản, Phật thành đạo, và Phật nhập niết bàn.

- Phật lịch: Phật đản là từ năm Phật ra đời, thì Phật lịch được tính từ năm Ngài nhập diệt, tức là bắt đầu từ năm Ngài đã 80 tuổi (khác với Công nguyên được tính từ năm Chúa giáng sinh là năm thứ nhất). Phật lịch tính đến nay (2014) đã được: 624 - 80 = 544 + 2014 = 2558 năm.

- Chữ Vạn: người ta quen gọi là chữ, nhưng thực ra không phải là chữ, là một trong 32 hảo tướng vị trí nằm trên ngực của Đức Phật. Tuy có những ý kiến khác nhau về chiều xoay của chữ Vạn (xoay sang bên trái hay bên phải), nhưng đa số công nhận chữ Vạn xoay sang bên trái hay bên phải đều được. Ở Trung Hoa chữ Vạn là 10.000, ý nói Phật pháp là vô lượng, vô chung. Trong Thiền, chữ Vạn tượng trưng cho Phật tâm ấn.



Chữ Vạn trong trang trí. Ảnh Internet.

- Bánh xe chuyển Pháp luân: cũng có tên gọi trong đại chúng là Bánh xe luân hồi, được biểu tượng bằng một bánh xe bên trong có 8 hoặc 12 nhánh, tượng trưng cho Bát chánh đạo, hoặc Thập nhị nhân duyên. Tuy nhiên trên nhiều trang Phật giáo gọi là Bánh xe chuyển Pháp luân hơn là Bánh xe luân hồi, và theo Từ điển Phật học (Nguyên Hảo, Về Nguồn xuất bản-1999) gọi là Pháp luân, tiếng Sanscrit là Dharma-Charka. Trong Phật giáo bánh xe Pháp luân tượng trưng cho Giáo pháp do Đức Phật dạy, đó là Tứ diệu đế, Bát chánh đạo và Trung đạo. Bánh xe Pháp luân thường được vẽ có 8 nhánh hoặc 12 nhánh. Theo truyền thống Pháp luân được chuyển 3 lần: 1/ Lần chuyển đầu ở Lộc Uyển (Sàrnath), Đức Phật dạy kinh Chuyển pháp luân sau khi chứng quả. 2/ Lần chuyển thứ nhì dạy các kinh Đại thừa. 3/ Lần chuyển thứ ba dạy kinh Kim cang thừa.

Bánh xe chuyển Pháp luân có 8 nhánh. Ảnh Internet.

Bánh xe chuyển Pháp luân gồm 12 nhánh. Ảnh Internet.

- Lá cờ Phật giáo: chúng ta thường thấy lá cờ Phật giáo tung bay, hoặc được treo rất nhiều trong những buổi lễ của Phật giáo nơi những ngôi chùa, một lá cờ nhiều màu sắc. Theo Thư viện Hoa Sen, Người phác họa ra lá cờ Phật giáo lại là một vị Đại tá Hoa Kỳ, phục vụ trong Hải quân. Ông tên là Henry Stell Olcoott sinh ngày 2/8/1832 tại New Jersey (Hoa Kỳ, mất ngày 17/2/1907 tại Adgar (Ấn Độ). Ông là một người hoạt động tích cực cho phong trào Phật giáo Tích Lan. Năm 1880 ông trình lên Ủy ban Phật giáo Colombo đề nghị tạo cho Phật giáo một lá cờ, dựa vào sáu vòng hào quang của Đức Phật và những màu sắc của cầu vồng.

Lá cờ được chính thức chấp nhận trên đất Tích Lan vào dịp lễ Phật đản 28-4-1885. Tuy nhiên mãi đến ngày 25-5-1950, trong Hội nghị Phật giáo quốc tế ở thủ đô Colombo - Tích Lan gồm 26 quốc gia, thì lá cờ ngũ sắc này mới được toàn thể Hội nghị chấp nhận, nói lên tinh thần thống nhất của Phật giáo thế giới. Ngày 24-2-1951, Tỳ kheo Thích Tô Liên, đại diện Ủy ban Phật giáo Thế giới tại Việt Nam, đã mang lá cờ này về Việt Nam.

Hình thức của lá cờ gồm sáu sọc chia đều nhau theo chiều dọc, theo màu sắc của cầu vồng nhưng chỉ chọn 5 màu: xanh dương, vàng nhạt, đỏ, trắng, cam (hoặc vàng nghệ), màu thứ sáu của lá cờ tổng hợp năm màu vừa kề, cách giải thích thường thấy về sáu sọc trên như sau:

- Sọc thứ nhất màu xanh dương tượng trưng cho Từ bi.
- Sọc thứ nhì màu vàng tượng trưng cho Trung đạo.
- Sọc thứ ba màu đỏ tượng trưng cho Đạo đức.
- Sọc thứ tư màu trắng tượng trưng cho Đạo pháp, vượt ra ngoài Không gian và Thời gian.
- Sọc thứ năm màu cam (hoặc vàng nghệ) tượng trưng cho Trí tuệ.
- Sọc thứ sáu tổng hợp các màu trên tượng trưng cho Sự thật Tuyệt đối.

Lá cờ Phật giáo gồm sáu sọc. Ảnh Internet.

Năm nay Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2014 (hay Đại lễ Vesak 2014) lần thứ 11, sẽ được tổ chức tại Việt Nam (chùa Bái Đính - Ninh Bình), từ ngày 7 đến ngày 12 tháng 5 năm 2014 (chỉ còn vài ngày nữa). Đại lễ Phật đản 2014 dự kiến sẽ đón khoảng 10.000 người tham dự, trong đó có 1.500 lãnh đạo các Giáo hội, Hệ phái Phật giáo, các Giáo sư, Tiến sĩ, Học giả Phật giáo... thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ khoảng 90-100 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp thế giới, và khoảng 8.500 đồng bào Phật tử Việt Nam.

Hy vọng những thông tin ngắn gọn trên đây có thể sẽ giúp ích một chút nào khi ta ghé thăm một ngôi chùa nhân mùa Phật đản...



Tổng hợp từ nhiều nguồn.