Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Không gian và Thời gian




Tựa tôi viết bên trên, chỉ là một... cái tựa, viết cho vui. Thơ Xuân Diệu cũng có câu chữ về không gian: "Không gian như có dây tơ/ Bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tiêu". Một câu nhạc khác có câu chữ về thời gian: "Thời gian ơi xin dừng lại...", và một câu nhạc khác nữa của nhạc sĩ Phạm Duy lại có cả không gianthời gian:

"Nhịp chân êm êm thánh thót/ Đừng cho trăng tan dưới gót/ Chớ để mộng vỡ mơ tàn - dịu dàng/ Đừng cho không gian đụng thời gian".
Thương tình ca - Phạm Duy.

Tôi có một quyển sách, một quyển từ điển của một vị Giáo sư, GS. Trịnh Xuân Thuận, ông là một nhà khoa học người Mỹ gốc Việt trong lãnh vực Vật lý Thiên văn, còn khá trẻ (sinh năm 1948 tại Hà Nội). Đồng thời cũng là một nhà văn, một nhà thơ, và là một Phật tử. Ông là GS. chuyên ngành Vật lý Thiên văn tại Mỹ, Pháp... Ông cũng là một nhà hoạt động cho Môi trường và Hòa bình. Đã nhận lãnh nhiều giải thưởng trong lãnh vực Thiên văn và Xã hội. (Theo Bách khoa Toàn thư mở Wikipédia).

Quyển sách của ông viết bằng tiếng Pháp có tựa DICTIONNAIRE AMOUREUX DU CIEL ET DES ETOILES, được dịch sang tiếng Việt là Từ điển yêu thích Bầu trời và Các vì sao (Phạm Văn Thiều & Ngô Vũ, NXB Tri Thức - 2012).

Đây là một quyển từ điển có cái tựa có vẻ văn học, nhưng thực ra là một quyển sách chuyên ngành, viết về bầu trời, những ngôi sao và vũ trụ, nghĩa là một quyển sách viết về khoa học chứ không phải văn chương. Quyển sách tôi mua từ khi mới được xuất bản, thỉnh thoảng mở ra đọc bất cứ từ trang nào, những dòng viết của ông, ông viết về khoa học, nhưng lồng vào trong đó là những từ ngữ, những khái niệm về văn chương, triết học, tôn giáo... khá hấp dẫn. Chẳng hạn có những chương, những từ, đoạn... ông viết: Chúa của Einstein, Chúa và Phật giáo, Chúa và sự phức tạp của vũ trụ, Chúa và Thời gian, Chúa và vũ trụ học... hoặc Khoa học và Minh triết, Khoa học và Phật giáo, Khoa học và Tâm linh, Khoa học và Thi ca... Sự sống và Cái chết... Thời gian tâm lý và thời gian vật lý, Thời gian và quan hệ nhân quả... Vũ trụ luân hồi, Vũ trụ thần linh...

Trong chương Chúa của Einstein ông đã viết: Chúa của Einstein không phải là một vị Chúa nhân hóa thường xuyên can thiệp vào công việc của con người, mà là một Chúa phi nhân hóa, chịu trách nhiệm điều chỉnh hài hòa thế giới.

Ở một trang khác ông viết: Khái niệm "nhân quả" cũng mất đi ý nghĩa thông rhường của nó khi đề cập đến vũ trụ. Khái niệm này giả định trước sự tồn tại của thời gian: nguyên nhân đến trước kết quả. Thế nhưng vũ trụ học hiện đại lại cho rằng thời gian và không gian đã được sáng tạo ra đồng thời với vũ trụ... Thành ngữ "Và Chúa đã tạo ra vũ trụ" có nghĩa là gì nếu như thời gian còn chưa tồn tại?... Một Chúa nằm bên ngoài thời gian sẽ không thể đến cứu giúp chúng ta. Nếu Chúa vượt lên trên thời gian, thì ngài đã biết tương lai. Vậy thì tại sao ngài lại phải quan tâm đến sự tiến bộ trong cuộc đấu tranh của con người chống lại cái ác? Kết quả là điều Chúa đã biết từ trước. Một Chúa nằm bên ngoài thời gian sẽ không tư duy nữa, vì tư duy cũng là một hoạt động theo thời gian.... 

Như vậy  vũ trụ học hiện đại  cho chúng ta một sự lựa chọn giữa một Chúa có bản ngã nằm trong thời gian, nhưng không toàn năng, và một Chúa toàn năng, nhưng phi bản ngã và tồn tại bên ngoài thời gian. (Chúa và thời gian).

Một câu truyện dân gian chắc chúng ta ai cũng biết, truyện Từ Thức lấy vợ tiên trong sách Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Câu truyện kể từ đời nhà Trần có một người ở Hòa Châu tên là Từ Thức trả ấn tín, từ quan về quê ngao du sơn thủy. Một hôm lạc vào chốn Bồng lai gặp tiên là Giáng Hương kết duyên. Một năm trôi qua nhớ nhà xin được về thăm. Giáng Hương cản không được đành ngậm ngùi ly biệt. Từ Thức về đến quê nhà thấy cảnh vật thay đổi, người đã xa lạ chẳng còn ai quen thuộc. Hỏi thăm mới biết cụ tổ tam đại tên là Từ Thức đi vào núi mất đã hơn tám mươi năm. Bèn quay trở ra định về lại cõi tiên thì cỗ xe đã biến thành chim loan bay mất, đành mặc áo cừu, đội nón vào núi Hoành Sơn chẳng rõ đi đâu...

Câu truyện cho chúng ta biết một năm tiên giới bằng tám mươi năm ở cõi trần gian, nghe có vẻ hoang đường. Nhưng câu chuyện khoa học của ngày hôm nay lại tương đồng kỳ lạ với câu truyện cổ tích được viết từ tận thế kỷ thứ XVI. Lý thuyết của khoa học ngày nay đã cho chúng ta biết, nếu ta có điều kiện du hành trong vũ trụ với vận tốc bằng 99% vận tốc của ánh sáng, thì thời gian và quá trình lão hóa sẽ giảm đi bảy lần so với mặt đất. Nếu vận tốc lên đến 99,99999999% vận tốc ánh sáng thì 1 giây của người du hành sẽ bằng 6,2 giờ của người ở mặt đất. Một người du hành vào năm 2000 với vận tốc bằng 99% vận tốc ánh sáng, 10 năm sau, năm 2010 anh ta trở về thì lịch ở trên trái đất đã là năm 2070, chắc chắn anh ta không còn cơ may nào gặp lại người thân, bạn bè... (Thời gian và du hành tới tương lai).

Vào thế kỷ thứ XVI, đã 500 năm trôi qua hình như cha ông chúng ta đã biết được "Nửa năm tiên giới một bước trần ai...".

Lý thuyết về vũ trụ hôm nay nói nếu Chúa hiện diện ở ngoài thời gian và không gian, sẽ có một Chúa toàn năng nhưng không có khả năng can thiệp vào cuộc sống của con người. Nếu thế thì cuộc sống sẽ không có phép lạ? Và cũng không thể có sự trừng phạt của đấng Tối cao về một Ngày tận thế cho những tội lỗi của con người xưa nay? Như chúng ta vẫn thường được đọc trong kinh sách tôn giáo?

Cũng có đấy, cái phép lạ tôi nghĩ lớn nhất mà Con người được hưởng nơi Tạo hóa mà trong quyển từ điển của GS. Trịnh Xuân Thuận có nhắc đến nằm trong chương Sinh vật ngoài trái đất. Như chúng ta đã biết trong hệ mặt trời, chỉ có duy nhất Trái đất của chúng ta có sự sống, có tôi và bạn, có con người, có trí tuệ. Thế liệu trí tuệ này có thể tìm thấy được đâu đó trong vũ trụ mênh mông ngoài hệ mặt trời không?

Một tính toán nhỏ của nhà thiên văn người Mỹ Frank Drake (sinh năm 1930) đưa ra cho phép ước lượng các nền văn minh mà chúng ta có thể trao đổi bằng thông điệp radio: Ngân hà của chúng ta chứa 100 tỉ ngôi sao, nếu mỗi ngôi sao lại được hộ tống bởi một đoàn các hành tinh, thì sẽ có 100 tỉ hệ hành tinh; nếu mỗi hệ hành tinh chứa trung bình 10 hành tinh (Hệ mặt trời của chúng ta có 9 hành tinh), thì sẽ tồn tại 1.000 tỉ hành tinh trong thiên hà của chúng ta... 

Một nhà vật lý khác người Italia tên là Enrico Fermi (1901-1954) đưa ra một lập luận đơn giản: Vì Trái đất trẻ hơn rất nhiều so với vũ trụ (4,5 tỉ năm, so với 14 tỉ năm), nên các nền văn minh công nghệ ngoài Trái đất có thể đã phát triển cách đây nhiều tỉ năm, đã có đầy đủ thời gian để xâm chiếm toàn bộ Ngân hà, kể cả hành tinh xanh yêu quý của chúng ta. Vậy mà không có bất kỳ dấu hiệu đáng tin cậy nào chứng tỏ các sinh vật ngoài Trái đất đã ở giữa chúng ta, hoặc đã đến thăm chúng ta trong quá khứ. Như vậy không có sinh vật ngoài Trái đất, và chúng ta chắc chắn là duy nhất trong vũ trụ.

"Chúng ta chắc chắn là duy nhất trong vũ trụ", điều này không phải là một phép lạ quá lớn lao mà Tạo hóa đã dành cho Con người hay sao?

Thế còn ngày Tận thế mà chúng ta vẫn thường hay nghe nói đến? Trước đây khi còn Chiến tranh lạnh người ta vẫn lo sợ về một ngày Tận thế bởi chính Con người chứ không bởi một đấng Thần linh, với những kho vũ khí nguyên tử, hóa học khổng lồ... Theo thời gian con người khôn ngoan hơn, dần hạn chế những thứ nguy hại ấy... Rồi cũng có thể đến một ngày nào đó Con người sẽ trở nên rất thông minh, loại bỏ được hoàn toàn mọi nguy hiểm, sống hòa bình và nhân ái, thì cái ngày Tận thế vẫn còn đó. Sáu mươi lăm triệu năm trước (65 triệu năm) loài khủng long và 3/4 thực vật, sinh vật trên trái đất đã biến mất, sau vụ va chạm kinh hoàng của một tiểu hành tinh có đường kính khoảng 15km vào trái đất. Nhưng cho dù tương lai không có một vụ va chạm nào như thế nữa, thì chắc chắn ngày Tận thế sẽ đến với Con người trong khoảng 4,5 tỉ năm nữa.

Như chúng ta đã biết nếu không có Mặt trời thì cuộc sống trên Trái đất sẽ không tồn tại. Mặt trời được sinh ra cách nay khoảng 4,55 tỉ năm, với 98% là hydro và heli. Mỗi giây Mặt trời chuyển hóa 4,3 triệu tấn hydro thành ánh sáng và năng lương. Trái đất, nền văn minh của Con người tồn tại nhờ nguồn năng lượng khổng lồ này. Nhưng Mặt trời sẽ không tồn tại mãi mãi. Trong 4,5 tỉ năm nữa Mặt trời sẽ chuyển hóa toàn bộ lõi hydro của nó thành heli, và sẽ có khởi đầu cho một kết thúc... (Mặt trời sinh ra, sống và chết).

Mặt trời sẽ chết sau khi đã sống một cuộc sống đẹp trong khoảng thời gian 10 tỉ năm. Ngày Tận thế sẽ đến nếu con cháu chút chít... của chúng ta không thực hiện một cuộc di dân xuyên các vì sao, để đến được một cõi Địa đàng khác, ở đâu đó trong vũ trụ mênh mông...

Lúc ấy có lẽ lại bắt đầu một chương mới của sách Sáng thế (*)...



(*) Sáng thế: một chương của Kinh thánh Cựu Ước, nói về việc Thượng đế tạo dựng nên vũ trụ và vạn vật trong vòng 7 ngày.


Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Festival (2).


Festival Huế chưa lắng xuống bởi những khen chê, thì trên báo lại thấy dấy lên câu chuyện vé vào cửa của Hội An (TT ngày 23-4-2014), và những cách làm không mấy thân thiện của những người được giao nhiệm vụ kiểm soát viên, đã gây nên những phản ứng của du khách. Khách du lịch, cả quốc tế và nội địa cũng đều than phiền về giá vé tham quan phố cổ, người ngoại quốc 120.000 đồng tham quan được 5 điểm, trong khi người Việt Nam 80.000 đồng tham quan được 3 điểm. Một du khách người Úc nói, ở Rome giá vé tham quan là 1 Euro/ngày (khoảng 30.000 đồng VN). Vị du khách còn nói: "Họ đang nghĩ gì ở Hội An vậy? Họ chưa thu thuế đủ từ 600 cửa hàng may tại đó hay sao?"... Tôi đã đến Hội An 2 lần, và thực sự thích Hội An hơn nhiều nơi khác vì nhiều lẽ (trong đó có không gian sống và con người hiền hòa ở Hội An). Hội An là nơi tôi còn muốn trở lại. Những thông tin này làm tôi cảm thấy nao lòng...

Đèn lồng Hội An. Ảnh Internet.

Tôi sực nhớ trên kệ sách của mình có một quyển sách của nhà văn Nguyên Ngọc, ông có bài viết nói về Hội An nói riêng, và lễ hội nói chung. Tôi thử lục tìm lại bài viết ấy. Đó là một bài ngắn có tựa đề "Một câu hỏi mới của Hội An: nên chăng các "lễ hội du lịch?", và toàn quyển sách có tựa nghĩ dọc đường. Sách do NXB Văn Nghệ ấn hành năm 2006. Tôi trích trong sách:

"Bây giờ, như ai cũng biết, đã thành mốt, thành phong trào, liên miên lễ hội khắp nước, mọi lúc, mọi dịp. dù nhỏ nhất, là lập tức đẻ ra, bịa ra lễ hội. Mục đích cũng chẳng phải giấu giếm: để thu hút khách du lịch...
Trong các lễ hội ở Hội An, dù đó là lễ hội nằm trong các tua du lịch, như kiểu các "Hành trình di sản" lâu nay, vẫn thấy người dân chơi thật, chứ không phải lễ hội giả, lễ hội "đóng kịch". Nghĩa là đến đây, ta bắt gặp được văn hóa thật, chứ không phải cái giả làm ra văn hóa...
Tuy nhiên, nghĩ cho kỹ hơn nữa, hình như vẫn không phải hoàn toàn không có vấn đề... Hội An đang tự nêu ra một câu hỏi, một câu hỏi khiến chúng ta rất ngạc nhiên: có nên tổ chức lễ hội như lâu nay nữa không?
.......
Hội An là một thành phố văn hóa. Hội An không muốn đi theo con đường phi văn hóa, không muốn đem bán cho khách du lịch những sản phẩm văn hóa dỏm. Hội An sẽ trở lại với những lễ hội thật của mình, những lễ hội của dân, ở các làng, có tự ngàn xưa, là những ngày vui và thiêng liêng thật sự của các cộng đồng dân cư ở đây. Và xin mời khách du lịch đến vui cùng dân Hội An trong những ngày hội văn hóa thật ấy...".

Hy vọng rằng những câu chuyện về giá cả tham quan, và cách đối xử với du khách sẽ được sửa đổi. Hội An đừng để mất đi trong lòng du khách những hình ảnh và tình cảm tốt đẹp, và một ngày nào đó tôi sẽ lại muốn quay trở lại Hội An để tham dự vào những lễ hội thật...

Trên báo TT Online tôi cũng đọc được một tin khác: "Âm vang đại ngàn - Lễ hội văn hóa Tây nguyên". Trong 2 ngày 26 và 27 tháng 4-2014, tại TP. Buôn Ma Thuột tỉnh Dak lak sẽ có Một lễ hội tái hiện những nét đặc sắc của xứ sở cồng chiêng và sử thi mang tên Âm vang đại ngàn.

Tượng nhà mồ Tây nguyên. Ảnh Internet.

Tôi đã có những năm tháng tuổi trẻ ở Tây nguyên trên cao nguyên Trung phần, trong những làng Thượng Pleiku, Kontum, Buôn Mê Thuột..., từng sống với những con người hoang sơ nhưng chất phác, với tiếng cồng chiêng âm vang giữa bản làng và núi rừng của họ, họ chỉ đánh cồng chiêng trong những buổi lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ mừng cơm mới... Hay trong buôn làng khi có người chết. Tiếng cồng chiêng, hay chính con người họ là một phần của thiên nhiên, của rừng núi, của sông suối... Tiếng cồng chiêng tựa như những tiếng kinh cầu, là cầu nối giữa họ với những đấng thần linh ngàn đời...

Mang tiếng cồng chiêng về thành phố, hay cho dù trong một buôn làng, nhưng được tấu lên trong một "lễ hội diễn", hoặc theo như nhà văn Nguyên Ngọc là "bịa ra lễ hội" hay "lễ hội giả, lễ hội đóng kịch", để thu tiền vé vào cửa của du khách, điều này làm tôi liên tưởng đến những cái ấn đền Trần được "người ta phát để thu lại tiền thật", trong cảnh chen chúc nhau giành giật, của cái gọi là "Lễ hội khai ấn đền Trần" hằng năm, thì đúng như ông đã nói ở cuối bài viết: "Tất cả các thứ "sân khấu hóa" rất lắm khi kệch cỡm trong các vụ gọi là "lễ hội văn hóa du lịch" nhan nhản đang là một thứ tai nạn xã hội bây giờ".


Saigon, những ngày cuối tháng 4-2014.




Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Mơ.


Quả mơ.

Sáng nay chở bà xã đi chợ, khi ở chợ ra thấy khệ nệ xách một bịch to tướng những quả màu vàng tròn như hòn bi ve, vừa đi vừa cười, thì ra là quả mơ miền Bắc. Năm nào cũng vậy, đến mùa mơ là bà xã tôi thường hay mua mấy ký về ngâm trong một cái keo thủy tinh bự, cách ngâm đại khái như vầy, cứ một ký mơ thì một ký đường cát trắng, quả mơ rửa sạch để cho ráo đổ vào keo, xong đổ đường cát trắng lên, khoảng một tuần lễ, mươi ngày sau thì đường tan, trong keo bắt đầu có nước, khi đó cho khoảng một chung nhỏ rượu trắng loại ngon vào, thế là xong, cứ để như thế khoảng một tháng sau trong keo sẽ có một lượng nước vàng óng ánh ngập trái mơ là có thể lấy nước và mơ pha uống, nước có mùi thơm của quả mơ. Mùa nóng thế này đi đâu về có ly nước mơ mát lạnh uống là hết ý (hết ý đấy là nói theo kiểu miền Bắc bây giờ, còn trong Nam gọi là hết sảy, hay còn gọi là tuyệt cú mèo...).

Kể ra làm một hũ mơ như thế cũng không khó, lại rẻ tiền (mơ giá hai mươi lăm ngàn đồng một ký, thời giá hiện tại), ngâm như thế ta có nước mơ uống quanh năm, nhưng chú ý khi rửa phải cho sạch và để cho quả mơ khô, ráo nước. Quả mơ rửa không sạch, hay cái keo đựng không sạch khi ngâm dễ bị lên men chua.

Tôi muốn nói thêm ở đây là chuyện bà xã tôi xách bịch mơ vừa đi vừa cười. Câu chuyện nghe bà xã tôi kể khi mua mơ của cô bán mơ trong chợ, đây là một cô bán hàng người miền Bắc và chắc là ngoan đạo (đạo Thiên chúa, ấy là tôi đoán thế), chỉ là một câu chuyện ngắn, nhỏ nhưng thấy cũng vui vui. Chuyện như sau:

Đối thoại giữa bà xã tôi và cô bán mơ, bà xã tôi hỏi, Năm nay thấy chợ ít bán mơ, cô hàng trả lời, Chúa sống lại thì hết mơ. Thoạt nghe xong bà xã tôi không hiểu cô bán mơ muốn nói gì nên hỏi lại, Ủa cô nói vậy nghĩa là sao? Cô bán mơ nói, Dạ, cứ đến lễ Phục sinh Chúa sống lại thì hết mùa mơ. Thì ra thế, là một Phật tử thường xuyên đến chùa tụng kinh, nên bà xã tôi không rành chuyện Chúa chịu chết hay sống lại, nhưng nhà tôi ở gần khu vực có nhiều nhà thờ, tuần lễ vừa qua đi qua nhiều nhà thờ thấy có những ngày như thứ sáu (ngày Chúa chịu chết) và ngày chủ nhật (lễ Phục sinh, ngày Chúa sống lại), nơi nhà thờ có rất nhiều con chiên bổn đạo đi lễ (có cả đoàn bà Sơ đến nhà thờ), nên hỏi tôi là ngày gì? Tôi nói đây là lễ Phục sinh, là ngày lễ lớn của đạo Thiên chúa. Nghe cô bán mơ giải thích thì hiểu ra ngay và xem chừng rất khoái chí với cách nói của cô bán mơ...

Tiếng Việt mình nhiều khi nghe khó hiểu, hay nghe một đàng có khi lại hiểu sang một nẻo... Mà đấy chỉ là một câu chuyện ngắn ngoài chợ, từ ngữ nói cũng bình thường, chứ không dùng... điển cố hay điển tích gì hết...

Nhân đây, tôi copy từ trang mạng Youtube bài hát Cô hái mơ (thơ Nguyễn Bính - nhạc Hoàng Thanh Tâm) do Xuân Sơn hát lên đây. Bạn nào ở Saigon trước năm 1975 chắc biết ca sĩ Xuân Sơn, cô ca sĩ có giọng hát trong veo, cô ít hát, nhưng tôi rất thích những bài cô đã hát, như Trăng sáng vườn chè (nhạc Văn Phụng), Cô hái mơ, Trên ngọn tình sầu (thơ Du Tử Lê - nhạc Từ Công Phụng), Mùa thu cho em (nhạc Ngô Thụy Miên)...







Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Festival.

Lễ hội ánh sáng (đốt lửa) của đoàn Pháp ở cầu Trường Tiền vào tối 18-4-2014.

Festival, tiếng Anh có nghĩa là "ngày hội, lễ hội..." (tiếng Pháp là Fête), thì chắc ai cũng rõ, bây giờ nó trở thành một từ mang tính chất quốc tế, phổ thông... Học sinh cấp 2 bây giờ có khi nói Festival còn hiểu hơn là nói... lễ hội.

Nước ta là một nước có rất nhiều lễ hội, theo thống kê một năm ta có khoảng đâu trên 8.000 (tám ngàn) lễ hội trên khắp cả nước, có lẽ chưa kể những lễ hội nho nhỏ của tôn giáo, hội đoàn... Như vậy tính bổ đồng (bình quân) một ngày nước ta cũng có trên 20 lễ hội diễn ra đâu đó. Lễ hội cũng có nghĩa là dịp để vui chơi, vui vẻ, thường là kèm theo giao du, ăn uống, ca hát, nhảy múa... Nghĩa là sẽ có rất nhiều tiếng cười. Thảo nào mà có lần tôi đọc được ở đâu đó, nói dân ta được xem là một trong 10 dân tộc hạnh phúc nhất trên thế giới...

Bây giờ đang diễn ra một festival có lẽ là lớn nhất nước ở Huế (từ ngày 12-4-2014 đến ngày 20-4-2014, cứ 2 năm một lần tổ chức festival và là lần tổ chức thứ 8), lớn nhất vì lễ hội vượt ra khỏi khuôn khổ của một tỉnh, thậm chí là một quốc gia, tôi đọc trên báo thấy có gần 40 quốc gia cử đoàn đại diện đến tham dự. Rất tiếc là tôi chưa có dịp nào được tham dự vào một lễ hội tầm cỡ như vậy. Chỉ được xem trên truyền hình, báo chí, thấy có nhiều tiết mục rất hoành tráng. Cũng thấy có nhiều tiếng khen (thường là trên báo chí chính thống), rồi cũng thấy có nhiều tiếng chê (tường là những ý kiến của các trang mạng cá nhân).

Khen như chúng ta đã thấy, chẳng hạn một tờ báo mạng chính thống viết bài khen với tựa "Lễ hội bia hoành tráng tại festival Huế 2014", với những chương trình như "Tinh hoa bia", "Tinh hoa ẩm thực"... đua ghe truyền thống, và đua cả thuyền rồng trên sông Hương... hay cầu Trường Tiền bừng sáng bởi 4000 ngọn lửa rực rỡ vào tối 18-4 trong suốt 3 giờ của đoàn nghệ thuật Carabosse đến từ Pháp. Hoặc như việc Tế lễ đàn Nam Giao vào lúc 3g30 sáng 17-4...

Chê cũng thấy đây đó trên những trang mạng cá nhân, chẳng hạn như có trang nói festival Huế càng ngày càng đi quá xa tinh thần Huế, không còn thấy hình dáng gì của Huế nữa, bởi Huế là một thành phố cổ kính trầm mặc chứ không phải là một nơi để trình diễn tạp kỹ. Chắc có lẽ chúng ta đã từng xem những hình ảnh trên báo chí, hoặc trên truyền hình những lễ hội ở các nước khác, chẳng hạn lễ hội Carnival ở Brazil, chỉ nhìn một vài hình ảnh, một đoạn video clip vài giây là nhận ra ngay, hoặc lễ hội ném cà chua, bị bò rượt ở Tây Ban Nha, lễ hội Hoa anh đào ở Nhật, lễ hội Hoa hồng ở Mỹ... Những lễ hội của họ có những nét đặc trưng mang tính dân tộc rất cao, nhìn là nhận ra ngay, không phải là kiểu  "Trình diễn tạp kỹ" như những gì đang diễn ở festival Huế.

Ngay cả một hình ảnh rất xa xưa, rất Việt Nam, là chuyện phục dựng lại việc tế lễ đàn Nam Giao. Thấy nói là không còn cảnh lấy diễn viên đóng giả làm vua cho các bô lão thật lạy. Vậy đây là chuyện tiếp nối một truyền thống đã có từ xưa? Nhưng hình ảnh trên một trang báo mạng thì chẳng phài là vị đứng đầu đất nước (bây giờ có thể là 3 vị đứng đầu nhà nước), trên một trang mạng cá nhân thì thấy hình ảnh được đưa lên và nói đó là vị Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế. Lễ tế đàn Nam Giao là một Lễ tế cầu Quốc thái Dân an rất quan trọng của thời phong kiến, ở Huế là vào thời nhà Nguyễn, đích thân nhà vua phải đứng làm chủ tế, chỉ có 2 lần vào thời Tự Đức vua khó ở không tham dự, và thời Duy Tân vua đã bị bắt đi đày. Một vị Đại thần được chỉ định thay vua, nhưng chỉ được tế ở Phương đàn, chứ không được tế ở Viên đàn là nơi vua tế. Xem ra muốn "diễn lại" hoặc "tiếp nối" một truyền thống không phải là chuyện dễ, muốn làm gì thì làm...

 Khen, chê một festival chắc cũng là chuyện bình thường, điều quan trọng là từ những khen chê này, người ta có chịu xem lại và rút ra được những kinh nghiệm để lần tổ chức sau tốt hơn lần tổ chức trước...



Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Từ ngữ.




Đã lâu lật từ điển để tìm một chữ thì lại thấy một chữ khác. Hồi nào tới giờ đọc sách báo thỉnh thoảng thấy chữ "Truân chuyên", có nghĩa là khổ sở, vất vả, nhưng Đại Nam Quấc Âm Tự Vị in năm 1895-1896 lại không có chữ "Truân chuyên", mà chỉ có "Truân chiên" (), với nghĩa là "gian nan, khốn khổ", như "Gian truân". Tưởng cụ Hùinh Tịnh Paulus Của là người Nam bộ, đọc chữ "chuyên" thành ra "chiên", thử giở vài quyển từ điển khác, như Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức in năm 1931 tại Hà Nội, cũng thấy ghi "Truân chiên" () với nghĩa là "gian nan, vất vả", không có từ "Truân chuyên". Tiếp đến là Việt Nam Tân Từ Điển của Thanh Nghị in tại Saigon 1951 cũng thế, chỉ có từ "Truân chiên" không có từ "Truân chuyên". Từ điển Việt Nam của nhà Khai Trí in tại Saigon 1971 cũng y hệt.

Tôi tìm thấy từ "Truân chuyên", đồng nghĩa với từ "Truân chiên" với nghĩa là "khó nhọc, vất vả" trong những quyển từ điển sau: Từ Điển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, in tại Hà Nội năm 1967, Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên in năm 1997, Từ điển tiếng Việt của Minh Tân-Thanh Nghi-Xuân Lãm in năm 1998, Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học in năm 2007... Những quyển từ điển in thời gian về sau này đều có cả 2 mục từ "Truân chiên" và "Truân chuyên", còn những từ điển trước đây chỉ ghi nhận một từ "Truân chiên".

Tôi có dăm bảy quyển sách thuộc loại từ điển tầm nguyên, truy nguyên điển cố, điển tích, và vài quyển từ điển thành ngữ, điển cố Trung Quốc, nhưng đều không tìm thấy từ "Truân chiên". Ý nghĩa từ ngữ đã rõ, nhưng tôi muốn biết xem nguồn gốc của từ "Truân chiên" là từ đâu?

Mới đây thời may tôi có kiếm được quyển "Ngữ liệu văn học" của Đặng Đức Siêu do NXB Giáo Dục in từ năm 1999, sách không thấy giới thiệu gì về tác giả, nhưng có lẽ không phải là cụ Đặng Đức Siêu (1750-1810), làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ dưới thời các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn. Sách được viết dưới dạng từ điển tầm nguyên. Trong mục từ "Truân chiên" có giải nghĩa: vất vả, khó khăn, gian nan nguy hiểm. Kinh Dịch quẻ Truân lời hào Lục nhị: "Truân như chiên như, thừa mã ban như" (vất vả khó khăn, như người cưỡi ngựa lòng vòng chẳng tiến lên được).

Gia đình xảy gặp truân chiên,
Ngậm sầu cố quốc, đeo phiền tha hương.
                                           (Phạm Thái)

Thủa trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chiên.
                              (Đoàn Thị Điểm)

Tra từ điển Hán - Việt của Nguyễn Tôn Nhan, thì thấy chữ Truân chiên (), bao gồm 2 từ:

- "Truân" (): khó khăn.

- "Chiên" (): trắc trở, khó khăn, không tiến lên được.

Như vậy "Truân chiên" () là một từ đẳng lập, có nguồn gốc từ Kinh Dịch, cả 2 chữ đều có nghĩa là khó khăn, trắc trở, và được hiểu là gian nan, vất vả, khốn khó...

Còn chữ "Truân chuyên" bây giờ thấy thường dùng, thì chữ "chuyên" có những nghĩa như "chuyên môn, chuyên biệt, chú tâm, cẩn trọng, tên nước xưa, gạch nung, cây xà gác trên mái...", xem ra chẳng liên quan gì đến chữ "Truân""khó khăn, trắc trở".

Trong cuộc sống đầy ắp những lo toan, đôi khi hiểu thêm dù chỉ một chữ cũng cảm thấy thích thú.






Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Đầu tuần.



Sáng thứ hai, đầu tuần, ngồi ở nhà nhâm nhi ly cà phê đen, nghe tiếng kinh kệ từ ngôi chùa gần nhà vọng lại nhìn lịch mới hay rằm tháng 3, thời gian trôi qua nhanh thiệt, cứ như có gắn cái hỏa tiễn liên lục địa sau đuôi. Dở tờ báo TT ra đọc (14-4-2014), thấy có một vài tin hay hay.

Đó là tin về Festival Huế vói cái tựa Ngước mắt xem ảnh. Ấy là nói về hai cuộc triển lãm ảnh của nghệ sỹ Pháp Sebastien Laval (từ ngày 12 đến 20-4-2014) tại cầu Trường Tiền - Huế. Bài báo viết lời giới thiệu về cuộc triển lãm "đã gây ấn tượng với người xem không phải bởi những bức ảnh đẹp, mà bởi sự sắp đặt trong những góc nhìn sáng tạo".

Ảnh triển lãm treo cao nơi cầu Tràng Tiến - Huế. Ảnh báo TT Online.

Đọc thì tôi cứ tưởng bài báo muốn viết về sự sắp đặt trong những góc nhìn sáng tạo của những tấm ảnh do nhà nghệ sỹ Pháp chụp. Nhưng đọc tiếp thì không phải, sự sắp đặt trong những góc nhìn sáng tạo ở đây chính là cái không gian trưng bày ảnh, là ảnh được treo trên những cái dầm sắt trên cao của cầu Tràng Tiền (hình). Có tất cả 62 bức ảnh đen trắng được triển lãm, chụp những người dân tộc thiểu số vùng cao tại Việt Nam. Nghệ sỹ Sebastien nói: "Thường một cuộc triển lãm, các tác phẩm sẽ được đặt ngang tầm mắt của người xem. Nhưng lần này tôi muốn mọi người ngước mắt lên, đó cũng là sự thay đổi cái nhìn về người dân tộc thiểu số... Lâu nay chúng ta thường nhìn về người thiểu số bằng cái nhìn từ trên xuống, còn bây giờ chúng ta cần nước mắt lên". Một suy nghĩ kể cũng khá độc đáo của một nghệ sỹ nhiếp ảnh Pháp.

Tuy nhiên ở một góc nhìn khác tôi nhận thấy, việc treo những tác phẩm nhiếp ảnh cho công chúng thưởng ngoạn như thế, kể cũng có điều gì đó kỳ kỳ:

- Thứ nhất là an toàn cho người lưu thông trên cầu. Nhìn vào hình chụp của báo về cuộc triển lãm ảnh này thấy nguy cơ xảy ra tai nạn cho xe cộ khá cao, xe gắn máy, xe du lịch, xe tải chạy ken đầy trên cầu, và người ta vừa phải... một mắt lo lái xe và trông chừng xe cộ, còn một mắt xem triển lãm ảnh. Không những thế còn phải luôn... ngước mặt nhìn đời nữa (tựa của bài báo là ngước mắt xem ảnh). Chạy xe như thế rất dễ móc tay lái vào nhau (với xe gắn máy), hoặc xe này tông đít xe kia, quả là nguy hiểm. Ở Saigon cũng hay có những cuộc triển lãm ảnh ngoài trời trong những dịp lễ hội, nhưng người ta treo ảnh trong công viên, hoặc dọc theo vỉa hè rộng rãi của những con đường có nhiều người đi bộ, như đường Đồng Khởi (quận 1), để mọi người thưởng lãm, chưa thấy treo ảnh... cao cao lại ở trên cầu xe cộ qua lại cho người lái xe ngắm như thế, chứ không phải cho người đi bộ.

- Thứ nhì là cách xem ảnh "mắt trên mắt dưới" lướt qua như thế chắc chẳng mang lại hiệu quả gì mấy. Thường thường những buổi triển lãm nghệ thuật tranh, ảnh, hay trưng bày sản phẩm nghệ thuật tranh. tượng... tôn giáo, tôi thấy muốn hiểu rõ một chút người xem phải quay trở lại xem đến lần thứ nhì, có khi đến lần thứ ba. Hiểu đôi chút về nhiếp ảnh, trong những cuộc triển lãm ảnh tôi thường phải như thế. Có những bức ảnh phải đứng xa rồi đứng gần, ngắm nghía xem góc tác giả chụp, ánh sáng, bố cục, nội dung... của ảnh. Đối với ảnh đen trắng chủ đề về người thiểu số lại càng quan trọng, bởi nét đẹp của họ là ở những nếp nhăn (với người già), một ánh mắt hồn nhiên (với trẻ thơ), hay những đặc tả về vẻ mạnh mẽ, rắn rỏi, hoang sơ của những thanh niên, thiếu nữ... Vừa chạy xe, vừa trông chừng tai nạn, vừa phải ngước mặt nhìn lớt phớt ảnh như thế thì xem ảnh cũng... bằng không.

Chẳng rõ những suy nghĩ của mình có đúng không?

Một tin khác cũng trên báo TT sáng nay mà tôi đã được đọc trên vài trang mạng vào hôm qua, có tựa đề "Các vua Hùng sống lâu đến kinh ngạc". Bài báo nói về Khu tưởng niệm các vua Hùng, nằm trong một khu công viên ở Pleiku.

Một trong các bia đá dưới chân tượng vua Hùng ở Khu tưởng niệm tại Pleiku. Ảnh Internet.

Hihi, thực ra thì trong sách sử cũng có nói đến chuyện sống lâu của các vua Hùng, bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên viết vào nửa cuối thế kỷ XV có chép:

"Hùng Vương nối nghiệp của Lạc Long, chăm ban đức huệ, để vỗ yên dân, chuyên nghề làm ruộng, chăn tằm, chẳng có can qua chinh chiến, con cháu nối dòng đều gọi là Hùng Vương, phúc gồm 18 đời, trải hơn 2.000 năm...". Mười tám đời mà trải hơn 2.000 năm thì mỗi đời vua Hùng trị vì cũng phải trên 100 năm.

Hay như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, được viết vào khoảng nửa đầu thế kỷ thứ XX, có nói rõ hơn tí chút:

"Họ Hồng Bàng làm vua được 18 đời, đến năm Quý mão (258 trước Tây Lịch) thì bị nhà Thục lấy mất nước.
Xét từ đời Kinh Dương Vương đến đời Hùng Vương thứ 18, cả thảy 20 ông vua, mà tính từ Năm Nhâm tuất (2879 trước Tây lịch) đến năm Quý mão (258 trước Tây lịch) thì vừa được 2622 năm. Cứ tính hơn bù kém, mỗi ông vua trị vì được non 150 năm! Dẫu là người đời thượng cổ nữa, thì cũng khó lòng mà có nhiều người sống lâu được như vậy. Xem thế cũng đủ biết tuyện đời Hồng Bàng không chắc là truyện xác thực".

Ta hãy nghe những người trong cuộc nói về chuyện này. Ông GĐ. công viên có khu tưởng niệm ấy nói, gần đây ông ấy đã nhận được nhiều phản ánh của cơ quan báo chí, du khách về chuyện này, và đã giao cho bộ phận chuyên môn tìm hiểu.

Còn ông GĐ Sở Văn-Thể-Du (chữ người đời gọi Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch) tỉnh Gia Lai cho biết, những chi tiết về các đời vua Hùng là trích dẫn từ cuốn Giới thiệu khu di tích lịch sử đền Hùng của tác giả Vũ Kim Biên (Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Phú Thọ xuất bản năm 2006). Ông ấy nói tìm hiểu điều này rất khó, vì thông tin về các đời vua Hùng mang tính chất huyền sử, cho nên Sở ông chỉ chọn những thông tin dựa trên các tư liệu đã được nghiên cứu và xuất bản, các thông tin như năm trị vì, số con cháu cũng mang tính huyền sử, chủ yếu để phục vụ việc tưởng nhớ về công ơn các đấng dựng nước.

Haha, các vị GĐ. nói thế thì mình cũng chỉ biết thế, thôi thế cũng được. Nhưng ông GĐ. Sở kia quên không biết rằng ghi như vậy những tấm bia đá đã sai bét nhèm rồi, đấy là chưa nói về nội dung, chỉ nói về nguyên tắc ghi ghép. Bia đá ở một khu tưởng niệm, lại là tưởng niệm Quốc tổ, mang nhiều thông tin đến cho khách thăm viếng, đã ghi thì phải đầy đủ, phải ghi chú nguồn thông tin được trích dẫn từ đâu (sách sử nào, truyền thuyết, cổ tích nào), chứ cứ ghi khơi khơi một cách khẳng định như thế, để đến khi nghe thiên hạ thắc mắc mới "đổ tại này kia" sao được?

Còn một vấn đề nữa, có lẽ một học sinh cấp 3 cũng biết rằng tất cả các sách sử xưa nay, kể cả các sách về truyền thuyết như Lĩnh Nam chích quái, Truyền kỳ mạn lục, Việt điện u linh... cho đến những sách viết về Cổ tích nước Nam... đều không hề ghi chép chi ly về nhân thân của các vua Hùng (lấy số liệu đâu mà chép?). Đọc những con số trên bia (vua Hùng Chiêu Vương sống đến 692 năm sắp bằng ông... Bành Tổ), người ta có cảm tưởng như ai đó đã nắm rõ được gia phả của vua Hùng, hay đã được tổ chức cung cấp cho bản lý lịch trích ngang của các đời vua. Đã là huyền thoại, là truyền thuyết thì lấy đâu ra những con số "chắc như đinh đóng cột" như thế? Mà đã có những con số cụ thể thì sao không đưa ra năm sinh, năm mất, năm lên ngôi vua, năm thoái vị... chứ không phải là những con số ghi theo kiểu người già, trẻ em đi khám bệnh ở trạm y tế phường xã...

Bây giờ người ta làm văn hóa như thế....

Định chấm dứt entry này ở đây, nhưng sáng nay (15-4-2014), lại đọc được tin này trên báo TT (hôm qua cũng đã có đưa trên mạng). Tin có tựa "Bị làm nhục vì lấy cắp hai cuốn truyện". Câu chuyện cũng xảy ra tại Pleiku - Gia Lai. Một em nữ sinh nữ lớp 7 bị bảo vệ và nhân viên của một siêu thị bắt trói vào lan can sắt bên trong siêu thị, trước ngực treo tấm biển to có chữ "TÔI LÀ NGƯỜI ĂN TRỘM". Em bị làm nhục như thế bởi đã bị kết tội lấy hai quyển sách đáng giá 20.000 ngàn đồng của siêu thị.

Tôi không đưa hình em nữ sinh bị bắt trói lên. Báo đưa tin những người bắt trói em là một bảo vệ (nam), và 3 nhân viên bán hàng. Ông bảo vệ còn lấy điện thoại chụp hình để chiều tung lên Facebook "chém cho vui". Còn bà kế toán người đã in dòng chữ treo trước ngực em nữ sinh thì nói "Tôi không lường trước được sự việc đã đi quá xa như thế".

Thật sự tin này làm tôi kinh hoàng, một kiểu tàn ác thời trung cổ vẫn còn sót lại nơi con người ngày nay. Hành động ăn cắp (cho dù có đúng là em lấy đi nữa) là ăn cắp 2 cuốn sách chỉ đáng giá 20.000 đồng của em nữ sinh là xấu, bắt được cùng lắm là cảnh cáo em rồi cho về, chứ không ai lại nhẫn tâm và có quyền làm như thế. Những người lớn hành động như thế có bao giờ nghĩ rằng, con mình cũng có thể phạm một tội như vậy? Xã hội bây giờ tựa như có những con người đã mất hết lòng nhân, người ta tra tấn đến chết một người đã bị bắt không còn kháng cự, cả làng xúm vào đánh chết kẻ trộm chó, người ta xông vào chém giết nhau chỉ vì những cái cớ không đâu... Cái ác sao hồn nhiên quá. Cái hồn nhiên mà ta thường thấy nơi loài động vật cấp thấp con này ăn thịt con kia, sống chỉ với một mục đích duy nhất là để tồn tại...

Tin cuối cùng cũng ở báo TT hôm nay, nói về Tính xấu người Việt. Tôi post lại câu ghi bằng một hàng chữ in đậm trong ngoặc kép trên trang báo để khép lại entry này, để nói về sự thay đổi giữa các triều đại xưa. Trong diện tích vẻn vẹn chỉ 1,8 ha ở Hoàng Thành Thăng Long mà có đến bốn, năm tầng văn hóa của các triều đại chồng lên nhau:

Ảnh của báo TT Online.

"Một triều đại mới bắt đầu là một sự thay đổi tận gốc rễ, nhiều "nguyên khí quốc gia", nhiều tư tưởng lớn bị phế bỏ chỉ vì không cùng "nhóm", có phải vậy mà giá trị, chuẩn mực đạo đức truyền thống đến hôm nay chỉ còn là những mảnh ghép rời rạc".


Saigon, những ngày tháng 4-2014.








Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Một câu truyện Nhật.

Vào mùa xuân tháng 4 và tháng 5 là mùa hoa anh đào nở tại Nhật Bản, tôi có một người quen đang du lịch ở Nhật Bản để chụp hoa anh đào. Tôi có vào Facebook xem những hình ảnh hoa anh đào được đưa lên, tuyệt đẹp. Hoa anh đào mà người Nhật gọi là Sakura là quốc hoa của nước Nhật, mùa hoa anh đào nở cả nước Nhật chìm trong một màu hồng phấn, và người Nhật tổ chức những lễ hội chào đón hoa anh đào trên khắp đất nước. Truyền thuyết Nhật Bản cho rằng Sakura là từ tên của nữ thần Konohana Sakuya Hime, một vị thần được nhắc đến trong lịch sử Nhật Bản, theo truyền thuyết vị nữ thần này là người đã gieo hạt giống cây hoa anh đào trên núi Phú Sĩ. Hình ảnh của hoa anh đào đã được đúc trên đồng tiền xu 100 yên Nhật . Theo ngôn ngữ nhà Phật thì hoa anh đào là biểu tượng của sự vô thường.

Hoa anh đào Nhật Bản. Ảnh Internet.

Đồng tiền xu 100 yên của Nhật có hình hoa anh đào. Ảnh Internet.

Nước Nhật là một đất nước khá kỳ lạ, là môt nước có nền kinh tế hiện đại, hùng mạnh vào bậc nhất trên thế giới, họ sản xuất ra rất nhiều hàng hóa thiết yếu cho nền văn minh của con người, từ nồi cơm điện, máy xay trái cây, chảo không dính dùng trong nhà bếp, đến máy chụp ảnh, máy nghe nhạc bỏ túi khi đi du lịch, những thiết bị điện tử trang bị cho văn phòng, cho đến những chiếc xe hơi "de luxe"... Nhưng đồng thời họ vẫn giữ được những truyền thống cổ xưa. Theo thống kê, 60% người dân Nhật vẫn tôn trọng và gìn giữ những gì thuộc nếp sống cổ truyền... Người lãnh đạo của họ vẫn cúi rạp người xin lỗi công chúng hoặc từ chức, nếu có những sai sót trong ngành họ lãnh đạo.

Người ta thường nói tới Tính cách Nhật, hay Tinh thần Nhật. Có quá nhiều thứ tạo nên điều này. Theo Thần đạo - hệ thống tín ngưỡng của người Nhật, dân tộc Nhật là hậu duệ của nữ thần Mặt trời Amaterasu, người sinh ra vị Thiên Hoàng huyền thoại Zimmu, lên ngôi vào năm 660 trước CN. Chính vị hoàng đế này mở đầu cho các triều đại Thiên hoàng Nhật Bản, thay nhau trị vì xứ sở suốt từ đó cho tới bây giờ. Chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, những tôn giáo chính của họ xưa nay là Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo... hòa cùng với Thần đạo... tạo nên tính một tính cách rất riêng biệt, chi phối toàn bộ đời sống của người dân Nhật.

Đạo giáo của Lão Tử đưa họ trở về hòa với thiên nhiên, mùa xuân họ ngắm hoa anh đào, đến mùa thu, hay trong những đêm hè, người Nhật lắng nghe tiếng những con dế, tiếng côn trùng, ếch nhái..., hay tiếng ve kêu, họ đánh cờ hay đàm đạo bên ấm trà theo phong cách trà đạo bên khu vườn Nhật. Sang mùa đông họ lặng yên ngắm những bông tuyết rơi...

Đạo Khổng của Khổng Tử cho họ lòng trung thành, tôn sư trọng đạo, chữ tín luôn là điều được người Nhật Bản đặt lên hàng đầu, các thế hệ sau cũng luôn luôn tôn kính thế hệ đi trước, và họ sống có trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng... Phật giáo của Đức Thích Ca lại cho họ tính kham nhẫn. Người Nhật giỏi chịu đựng, họ không hay than van, rất can trường nhưng không nổi loạn. Phật giáo theo đuổi mục đích đạt ngộ, không có mục tiêu nào khác của người Phật tử là đạt đến giác ngộ, hòa mình làm một với đức Phật, người Thày vĩ đại của họ hơn hai ngàn năm trước.

Nhưng người Nhật không chỉ "hòa làm một với đức Phật", mà như đã nói họ còn "hòa làm một với thiên nhiên". Zen (Thiền) của tiếng Nhật là từ tiếng Trung Hoa Chian, và từ Chian thì bắt nguồn từ Dhyàna tiếng Phạn Sanscrit có nghĩa là tĩnh lặng, chiêm nghiệm, đem hết tâm trí để phát giác những chân lý sâu xa... Ở vào thế kỷ XVII nhà thơ Matsuo Basho (1644-1694), cũng là một thiền sư với thể thơ cổ Haiku cô đọng Nhật Bản, đã dùng ngôn ngữ để vẽ nên bức tranh thiên nhiên, bàng bạc hơi thở của thiền:

Trên cành cây trụi lá
một con quạ đậu, cô liêu.
chiều thu.

Hay một bài thơ khác:

Vắng lặng bốn bề
tiếng ve khẽ ngân
thấm vào lòng đá.

Một đức tin, một tôn giáo cổ xưa của người Nhật là Thần đạo, với Thái Dương Thần Nữ, là trung tâm của Thần giáo. Thần đạo, con đường của những vị thần, cũng đã chi phối và làm nên tinh thần Nhật. Thần đạo không có những điều răn, cũng không có những điều luật buộc phải theo. Người theo Thần giáo không quan tâm đến khái niệm kiếp sau, cũng không cầu nguyện cho một hạnh phúc tương lai, những thứ có vẻ mơ hồ. Người Nhật đi đến những ngôi đền thờ Thần đạo để cầu nguyện cho những thứ rõ ràng trong cuộc sống, như thực phẩm, phúc lợi quốc gia, hay hạnh phúc của ngày hôm nay... Thần giáo không có những hình ảnh của những vị thần cụ thể như những tôn giáo khác, mà sử dụng biểu tượng của các vị thần. Trên kệ thờ thần là những bài vị, hay những mảnh giấy ghi tên những vị thần mà họ tôn kính...

Một đức tính nữa đã làm nên Tính cách Nhật, và Tinh thần Nhật, đó là tính kỷ luật. Mấy năm trước đây, khi nhiều nơi tại Nhật Bản bị sóng thần tàn phá. Thế mà họ vẫn giữ vững được tinh thần nhờ tính kỷ luật, không hề có cướp bóc, không hề có rối loạn... Thế chiến thứ hai chấm dứt, có một câu chuyện về một nhóm lính Nhật tại Phi Luật Tân đã nói lên tính kỷ luật cao độ của họ.

Giữa tháng 3-1974, gần 30 năm sau ngày thế chiến thứ hai chấm dứt, một đơn vị nhỏ quân Nhật đã tham chiến tại Phi Luật Tân từ trước năm 1945 mới chịu ra hàng tại đảo quốc này. Đơn vị chỉ còn sống sót có mỗi mình viên chỉ huy là thiếu úy Onoda. Sự việc được cả thế giới biết đến lúc bấy giờ, qua nhà báo Yuri Bandura, câu truyện đại để như sau:

Cuối năm 1944, chỉ huy trưởng các đơn vị đặc nhiệm Nhật ở Phi Luật Tân là thiếu tá Taniguchi, giao một nhiệm vụ cho thiếu úy Onoda:

- Anh phải đưa toàn đội đến ẩn náu trong các rặng núi hiểm trở trên đảo Lubang. Mục đích là tiến hành các hoạt động phá hoại và thu thập các tin tức của đối phương. Mai kia, khi quân ta trở lại Lubang, hoạt động của anh sẽ là hỗ trợ cho cuộc đổ bộ. Nhiệm vụ là tôi hạ lệnh, ngoài tôi ra không có bất cứ viên chỉ huy nào được bãi lệnh.

Thế là Onoda đã đem  đơn vị do anh chỉ huy đến hòn đảo Lubang đầy rừng rậm, nhóm biệt kích nhỏ của anh gồm có anh, thiếu úy Onoda, hạ sĩ Shimada và hai binh nhất Akatsu và Kotsuda. Tất cả nhóm quân nhân Nhật Bản bốn người ấy đã chiến đấu suốt nhiều năm sau đó, từ khi chiến tranh chấm dứt. Người đầu tiên bị loại là binh nhất Akatsu vào mùa xuân năm 1951, anh ta ra hàng. Ba năm sau, vào tháng 5-1954 trong một trận đụng độ với một đơn vị du kích Phi Luật Tân, hạ sĩ Shimada tử trận. Mười tám năm sau, năm 1972 binh nhất Kotsuda bỏ mạng sau một cuộc giao tranh với một toán tuần tiễu địa phương. Đơn vị chỉ còn mỗi một mình thiếu úy Onoda. Và chiến tranh chỉ thật sự chấm dứt với thiếu úy Onoda vào ngày 10-3-1974, tức 29 năm 3 tháng sau ngày anh nhận lệnh của thiếu tá Taniguchi.

Cuộc chiến đã chấm dứt với thiếu úy Onoda ra sao?

Tháng 3-1946. Một toán lính Mỹ đã dắt theo một quân nhân Nhật, họ mang theo loa phóng thanh đi lùng sục khắp rừng núi của đảo Lubang, loan tin Nhật Bản đã đầu hàng. Bốn mươi thủy quân lục chiến Nhật trốn tránh đã ra hàng. Nhưng nhóm của thiếu úy Onoda vẫn tiếp tục chiến đấu.

Sau khi binh nhất Akatsu ra hàng vào năm 1951, và hạ sĩ Shimada đã tử trận, tháng 5-6/1954 phía Nhật đã cho một đoàn đại biểu sang đảo Lubang để tìm cách cứu Onoda và Kotsuda. Họ đem theo cả thân nhân và đồng đội cũ của hai người. Suốt 3 tuần họ đi khắp rừng núi Lubang nhưng không có kết quả. Từ tháng 5 đến tháng 12/1956 thêm 3 nhóm tìm kiếm nữa, trong đó có cả em ruột thiếu úy Onoda, viên thiếu úy Onoda nghe được những lời kêu gọi của người em nhưng vẫn im lặng. Sau khi binh nhất Kotsuda tử trận năm 1972, từ rháng 11-1972 đến tháng 4-1973 bốn đoàn tìm kiếm nữa đã sang đảo Lubang. Lần này có cả thân sinh Onoda theo, ông đã già được cõng đi khắp rừng núi Lubang, vừa gọi con vừa ngâm một bài haiku cổ với hy vọng con mình sẽ động lòng:

Bao hoài niệm
Đã trỗi dậy trong lòng ta, xao xuyến
Ôi, những cành đào vườn cũ rộ hoa!

Nhưng một lần nữa thiếu úy Onoda, lúc ấy chỉ còn một mình vẫn im lặng.

Cuộc chiến đấu của người lính Onoda lúc ấy đã về già có lẽ sẽ tiếp tục cho đến khi ông mất, nếu như không tình cờ gặp một du khách Nhật trẻ tuổi. Trong cuộc trò chuyện ông tuyên bố ông sẽ còn tiếp tục chiến đấu để thi hành nhiệm vụ đã được giao phó gần 30 năm trước bởi thiếu tá Taniguchi, người chỉ huy và hạ lệnh cho ông. Người du khách trẻ Nhật Bản trở về nước. Lần này người ta phái một phái đoàn nữa, may mắn thay là trong đoàn có viên thiếu tá Taniguchi, người đã ra lệnh cho thiếu úy Onoda gần 30 năm trước.

Vào một buổi chiều tháng 3-1974, viên thiếu tá Taniguchi đã tìm được thiếu úy Onoda trên một cao điểm hiểm trở và bãi bỏ lệnh cũ. Lúc ấy viên thiếu úy Onoda mới buông khẩu súng trường cũ kỹ xuống đất. Ông chấp hành mệnh lệnh từ người chỉ huy cũ. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai tới giờ phút đó mới thực sự chấm dứt với ông.

Tính kỷ luật của người lính Thiên Hoàng năm xưa thật đáng nể phục... Đấy cũng là một yếu tố chính để làm nên một đất nước Nhật như chúng ta đã thấy ngày nay...


Tham khảo:

- Người Nhật, V. Pronikov, I. Ladanov, Đức Dương biên soạn, NXB Tổng Hợp TP. HCM - 2004.
- Những tôn giáo lớn trong đời sống nhân loại, TS. Floyd H. Ross & GS. Tynette Hills, dịch giả Thích Tâm Quang, NXB Tôn giáo - 2007.
- Nghệ thuật Zen, Stephen Addiss, người dịch Tư Tam Định, NXB Văn hóa Thông tin - 2001.









Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Những ngày tháng 4.


Trời Saigon tháng tư nóng, cái nóng oi bức ngột ngạt của những ngày chuyển mùa. Saigon với hai mùa mưa nắng, đã chợt đến, chợt đi bao nhiêu lần trong một đời người. Mấy hôm trước có việc đi Bình Dương, buổi trưa ghé ngang ngôi chùa cổ Hội Khánh, lắng nghe tiếng ve kêu inh ỏi trên những tán cây sao trong sân chùa, đợi người nhà vào lễ Phật, tôi ngồi nơi bậc thềm của chùa đọc vài trang trong quyển sách tôi đã mang theo,

Đây là một quyển sách mấy hôm trước tôi đã mua lại được nơi đám sách "lạc xoong" vỉa hè, một quyển sách mà trước năm 1975, trong một lần về phép Saigon tôi đã mua, tôi rất thích quyển sách này vì câu truyện của nó, quyển sách tôi đã mang theo ba lô rồi bị mất vào tháng tư năm 1975, trong khi từ cao nguyên trở về. Đó là quyển Cây đàn Miến Điện, do Đỗ Khánh Hoan dịch (*), một quyển sách của nhà văn Nhật Bản Takeyama Michio viết năm 1946, khi chiến tranh thế giới lần thứ hai vừa chấm dứt. Nội dung quyển sách xoay quanh một đại đội lính Nhật Bản bị bắt làm tù binh ở Miến Điện trong chiến tranh thế giới lần thứ hai khi Nhật Bản bại trận, và nhân vật chính là một người lính Nhật, trung sĩ Mizushima.

Quyển Cây đàn Miến Điện bản dịch của Đỗ Khánh Hoan, Sáng Tạo xuất bản tại Saigon năm 1972. Ảnh Internet.

Quyển cây đàn Miến Điện do NXB Văn Nghệ tái bản - 1995.

Phim Cây đàn Miến Điện - 1956. Ảnh Internet.

Nhà văn Nhật Bản Takeyama Michio viết quyển Cây đàn Miến Điện, có lẽ không nổi tiếng bằng những nhà văn Nhật khác viết cùng thời với ông, như Yasunari Kawabata (giải Nobel văn chương năm 1968), hay nhà văn Kenzabura Oe (giải Nobel văn chương năm 1994)... Nhưng tôi thích quyển Cây đàn Miến Điện của ông vì tính nhân văn của cốt truyện, tôi tóm lược lại nội dung dưới đây:

Trên một chuyến tàu biển hồi hương của những người lính tù binh Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, người ta thấy có những người lính luôn ca hát. Họ luôn ca hát, vui tươi, khác với những hình ảnh u sầu, vì bệnh tật, và vì việc họ là kẻ bại trận của những người lính khác. Đó là hình ảnh của một đại đội bộ binh Nhật Bản dưới sự chỉ huy của một viên đại úy đại đội trưởng, một nhạc sĩ trẻ tuổi đã tốt nghiệp trường âm nhạc. Trong suốt thời gian chiến tranh, rồi bị bắt làm tù binh ở Miến Điện, ông đã hướng dẫn cho đại đội của ông lòng yêu âm nhạc, lúc nào cũng ca hát khi có thể, kể cả khi đất nước Nhật Bản bại trận, và đại đội do ông chỉ huy đã bị quân Anh bắt làm tù binh...

Những người lính trong đại đội của ông đã tự chế đủ thử nhạc cụ để hòa âm với tiếng hát của họ, và một người là trung sĩ Mizushima đã chế ra cây đàn thụ cầm, bắt chước theo loại đàn của người Miến Điện, khi anh ta chơi âm thanh phát ra nửa giống như đàn dương cầm, nửa giống như đàn tỳ bà Nhật, và trung sĩ Mizushima chơi cây đàn Miến Điện này rất thành thạo, và trông anh ta chơi như thể một người đang lạc vào một thế giới nào khác... Trung sĩ trẻ Mizushima được tất cả đại đội yêu mến.

Cuộc sống của người lính trong chiến tranh, xa quê hương, lại ở một nơi rừng núi hoang vu như Miến Điện thật gian khổ, nhưng nhờ viên đại úy chỉ huy đại đội đã tốt nghiệp trường âm nhạc dạy ca hát, đại đội bộ binh ấy luôn giữ vững tinh thần, ngay cả khi họ đã trở thành tù binh... Sau khi họ bị bắt, trong rừng núi Miến Điện vẫn còn những toán quân Nhật Bản chống trả quyết liệt, biết quân Anh sắp sửa tấn công và tiêu diệt những người lính Nhật Bản như thế ở một đỉnh núi gần đó, viên đại úy đề nghị người Anh cho họ đi kêu gọi đồng đội buông súng, bởi ông nghĩ sự hy sinh lúc này thật vô ích, những người lính bại trận phải trở về Nhật để xây dựng lại đất nước, và ông cử viên trung sĩ Mizushima đến. Trung sĩ Mizushima nhận nhiệm vụ, ra đi với cây đàn Miến Điện khoác trên vai.

Tinh thần của những người lính Nhật thật dũng cảm, viên trung sĩ Mizushima đến gặp những đồng đội của mình, họ không những không nghe, còn miệt thị và suýt giết ông, họ quyết chiến đấu đến chết... Cuộc tấn công của quân Anh tiếp tục, và trung sĩ Mizushima ôm cây đàn Miến Điện chơi những bản nhạc giữa 2 làn đạn, ông bị thương, tiếng súng ngưng, thêm một số đồng đội của ông hy sinh, nhưng một số khác còn sống sót và bị bắt. Bản thân trung sĩ Mizushima được thổ dân người Miến Điện cứu sống, ông khoác áo nhà sư và vào sống trong những ngôi chùa Miến Điện. Có lần ông đến một nơi còn lại dấu tích của một đạo quân Nhật, thấy những xương cốt, vật dụng của họ còn vương vãi. Ông cầu nguyện cho họ và chôn cất những bộ xương ấy.

Trở thành một tu sĩ khất thực lang thang, ông gặp lại những đồng đội cũ nơi trại tập trung của họ, họ cũng nhận ra ông qua tiếng nhạc của cây đàn Miến Điện, nhưng ông lẩn tránh họ, cuối cùng những người lính bại trận Nhật Bản ở Miến Điện được hồi hương, đồng đội của ông tìm cách nhắn ông trở về Nhật. Ông nhờ người gởi cho họ một bức thư dài. Trên chuyến tàu biển trở về Nhật Bản, viên đại úy đọc cho đại đội của ông nghe lý do tại sao trung sĩ Mizushima không trở về Nhật cùng họ, bởi ông đã trở thành một tu sĩ Phật giáo, ông phát nguyện sẽ tìm kiếm những hài cốt của những đồng đội, và của cả lính Anh, những thường dân bỏ mình trong chiến tranh để chôn cất, và suốt đời ông nguyện sẽ ở lại Miến Điện cùng với những đồng đội đã nằm xuống...

Quyển truyện Cây đàn Miến Điện của nhà văn Nhật Bản Takeyama Michio, không đề cao lòng can đảm của những Thần phong (kamikaze) lao máy bay vào tàu địch trong chiến trận, hay sự hy sinh "harakiri" (tự sát kiểu Võ sĩ đạo bằng cách tự mổ bụng) khi Nhật Bản bại trận..., mà chúng ta thường thấy người Nhật đã làm trong hai cuộc thế chiến. Một câu truyện cảm động thấm đẫm tình người, của người Nhật, và của cả nhân loại...

Saigon, những ngày tháng 4 - 2014.



Ghi chú:

(*) Tác phẩm Cây đàn Miến Điện (Biruma no Tategoto) của nhà văn Nhật bản Takeyama Michio xuất bản vào năm 1946 tại Nhật, sau khi nước Nhật đầu hàng, đã đem lại cho nhà văn giải văn chương do cơ quan báo chí Mainichi trao tặng. Bản dịch đầu tiên quyển sách Cây đàn Miến Điện do Đỗ Khánh Hoan dịch theo bản tiếng Anh Harp of Burma, và nhà Sáng Tạo xuất bản tại Saigon vào năm 1972. Ông là một Giáo sư gảng dạy tại Đại học Văn Khoa Saigon trước năm 1975, chuyên nghiên cứu và giảng dạy môn Lịch sử Văn chương Anh - Mỹ. Ông cũng dịch nhiều thơ của nhà thơ Ấn Độ R. Tagore như Tâm tình hiến dâng, Lời dâng, Tặng vật...

Quyển Cây đàn Miến Điện tái bản vào năm 1995 là của NXB Văn Nghệ. Câu truyện trong sách đã được Nhật Bản quay thành phim đen trắng tại Miến Điện vào năm 1956 bởi đạo diễn Kon Ichikawa. Cuốn phim đen trắng tả lại câu truyện cảm động này đã được rất nhiều khán giả trên thế giới yêu thích.

Một vài nhận xét của học giả Tây phương đối với người Nhật:

"Tại Nhật Bản đương đại, người người hiện vẫn cố bảo tồn các truyền thống cổ, những trang sử xa xưa, những di tích lịch sử ngàn năm. Ai cũng cố gắng bảo tồn những chuẩn tắc ứng xử, những truyền thống văn háo bất di bất dịch, từng kế thừa từ các thế hệ đi trước. Nét tiêu biểu của người dân Nhật là trân trọng nếp sống đã hình thành với tư cách một di sản văn hóa, chú trọng chẳng những tới nội dung cách ứng xử, mà cả hình thức thể hiện ra ngoài, tới cốt cách tư phong, nhờ vậy nên hình thức ứng xử không hề bị mai một theo năm tháng. Cuộc sống hiện thời tại Nhật chứng tỏ các truyền thống vẫn còn đầy sức sống cả trong nếp tư duy chính trị, lẫn trong cách ứng xử ngoài đời. Tinh thần tôn trọng truyền thống đã ảnh hưởng rộng khắp đến sinh hoạt chính trị - xã hội của đất nước Nhật". (Trích "Người Nhật", V. Pronikov, I. Ladanov, NXB Tổng Hợp TP. HCM-2004).

Và chỉ hai thập niên sau ngày nước Nhật bại trận, từ một đất nước bên ngoài tan nát vì bị tàn phá bởi chiến tranh, bên trong thương tổn, người Nhật đã trở thành một cường quốc của thế giới... Máy thu thanh, thu hình, máy ảnh, máy nghe nhạc, xe hơi, xe gắn máy... của họ đã tràn ngập thị trường các nước đã từng đánh bại họ về quân sự. Nhưng vượt lên hơn hết, không phải là những sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng mà người Nhật đã bán ra khắp thế giới, mà là tinh thần Nhật, một tinh thần coi trọng tất cả những gì trong cuộc sống. Tất cả với người Nhật là Đạo, từ cách cắm hoa, uống trà, thiền, võ thuật... Và Đạo với người Nhật không chỉ là Con đường đi tới sự hoàn thiện, mà là Cách họ ứng xử với mọi người, bất kể là anh em hay kẻ thù cũ, họ đều trân trọng. Họ biết tôn trọng mình, và cũng biết tôn trọng người...

Những người đã từng chiến thắng họ giờ đây đã phải ngả mũ chào...







Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Tụng và Tán trong kinh Phật giáo.



Dàn nhạc phụ họa trong một buổi lễ tại chùa.

Thỉnh thoảng tôi có dịp ghé một ngôi chùa dự một buổi lễ, nhân một buổi gì đó, như cầu siêu, chung thất.... Kinh kệ thì tôi không biết đọc, nhưng tôi lại thường chú ý đến cách đọc, cách tụng kinh ở chùa, bởi hình như tùy theo từng buổi lễ, từng ngôi chùa (chùa gốc ở miền nào), lại có những cách đọc, cách tụng kinh khác nhau, có khi lại thấy cả những nhạc cụ phụ họa, và các thày đọc kinh nghe như hát... Nhân đọc mấy quyển sách của GS. TS Trần Văn Khê về âm nhạc dân tộc, tôi "ngộ" ra một vài điều...

Theo GS. Trần Văn Khê ở Châu Á có ba trường phái nhạc Phật giáo:

1- Bắc tông: Kinh tiếng Phạn Sanscrit được phiên âm hay phiên dịch sang tiếng Trung Quốc, Phật tử của các nước Đông Á tụng theo ngôn ngữ và phong cách bổn xứ. Âm nhạc dùng cho những buổi tụng là âm nhạc truyền thống của các nước ấy. Việt Nam và các nước Trung Quốc, Nhật Bổn, Triều Tiên thuộc trường phái Bắc Tông.

2- Nam tông: Kinh tiếng Phạn Pali đọc đúng theo âm Pali chứ không phiên âm hay phiên dịch. Nét nhạc không khác nhau lắm. Các nước Đông Nam Á như Myanmar, Thái Lan, Cambodia, Lào thuộc trường phái Nam Tông.

3- Mật tông: Kinh đọc bằng tiếng Phạn Sanscrit, bằng một giọng thật trầm, không có nét nhạc theo truyền thống mà đặt trọng tâm vào những câu thần chú với âm "Om". Nhạc lễ rất đặc biệt, sử dụng những loại kèn ngắn, dài có dăm và không dăm, những chập chõa nhiều cỡ khi thì đánh nhạc khí để đứng lúc lại đánh nằm. Phật giáo Mật tông chỉ gặp ở Tây Tạng, Mông Cổ.

Kèn dài, một loại nhạc khí thường dùng trong các buổi lễ của Phật giáo Mật tông Tây Tạng. Ảnh Internet.

Chúng ta thường nghe nói "đọc" kinh, nhưng "đọc" chỉ là một cách vì ngoài đọc còn có trì, niệm, bạch, xướng, thỉnh, hô, và tụng, tán là hai cách thường gặp trong những khóa lễ của Phật giáo ở Việt Nam.

Tụngđọc lớn lên theo một phong cách riêng của những bài kinh.

Tán là khen tặng, thường là những bài văn vần, viết bằng chữ Hán được tán theo một nét nhạc và một tiết tấu đặc biệt.

Những điểm giống và khác nhau giữa Tụng Tán:

- Điểm giống: 

Tụngtán đều dùng giọng tự nhiên, chỉ hơi lớn hơn tiếng nói bình thường.
Giọng cao thấp trong nét nhạc thay đổi tùy theo thanh giọng của lời kinh.
Các thanh giọng được cách điệu hóa và độ cao của các thanh giọng giống như độ cao các chữ nhạc trong thang âm ngũ cung của nhạc truyền thống.
Có hai điệu thức dùng trong tụng và tán. là điệu Thiền nghiêm trang và điệu Ai u buồn tùy theo nội dung bàn tán và nơi hành lễ.

- Điểm khác:

Tụng dùng cho những bài kinh viết theo thể thơ (như bài Khai kinh), hoặc văn xuôi (như kinh A Di Đà, kinh Bát Nhã).
Tán dùng trong những bài kinh viết theo thể văn vần (tán Khệ thủ, tán Nhứt điện), không dùng cho kinh viết bằng văn xuôi.
Trong tụng, mỗi chữ trong kinh chỉ dùng một âm. Trong tán có thể dùng nhiều âm.
Tụng không nhất thiết phải đồng giọng, các giọng cao thấp khác nhau tùy theo điệu thức, theo hơi Thiền hoặc hơi Ai chứ không theo luật hòa âm của Tây phương.
Tán thì có một nét nhạc cố định mà mọi người phải theo như các bài tán Dương chi tịnh thủy, Nhứt điện... Ở miền Nam thỉnh thoảng trong mấy bài tán có thể chuyển giọng cao thấp khác nhau nhưng phải giữ đúng hơi Ai hơi Thiền.
Trong các điệu tán miền Trung có tán rơi, tán xấp, tán trạo, có cách nhịp tang, mõ khác nhau. Theo miền Nam có cách chọi đẩu - dùng hai cái đẩu gõ đối nhịp.
Khi tụng, mỗi chữ trong câu kinh có tiếng mõ gõ đều theo, chuông chỉ gõ khi hết đoạn, hết bài, hoặc sau khi xướng tên các vị Phật hay Bồ Tát.
Khi tán, miền Trung có gõ mõ và tang theo câu tán. Miền Nam khi tán có chọi đẩu, khi cùng một tiếng khi xen kẽ rất tinh vi.
Trong những lễ lớn có dàn tiểu nhạc phụ họa theo những bài tán. Có cả trống đánh nhịp.

Nơi chùa Viên Giác tại quận Tân Bình - Saigon, thỉnh thoảng trong những lễ lớn tôi thấy cả một dàn nhạc truyền thống Việt Nam trong buổi lễ, như đờn cò, đờn nguyệt, đờn tranh, sáo...

Những nhạc khí dùng trong âm nhạc Phật giáo:

- Nhạc khí bằng gỗ:

Mõ gia trì hình con cá hay hình lục lạc bằng gỗ sơn đỏ đặt trên một gối tròn.
Mộc bảng là miếng gỗ hình chữ nhựt dùng để gõ gọi tăng ni thức dậy.

Mõ.

- Nhạc khí bằng đồng:

Tích trượng: gậy bằng tre hoặc gỗ trên đầu có năm khoen bằng đồng, thường dùng trong các lễ lớn. Sám chủ (người chủ lễ) thường dộng tích trượng xuống sàn cho tiếng khoen đồng khua vang.
Chuông: có 4 loại: - Chuông gia trì hình cái bát đặt trên một gối tròn. - Chuông báo chúng, để gọi tăng ni đến Phật đường làm lễ. - Đại hồng chung, hay chuông Bát nhã. - chuông nhỏ, chỉ để lắc khi tụng, tán, còn gọi là linh.
Tang (đẩu): một loại thanh la nhỏ bằng đồng cầm bằng bàn tay trái, tay mặt dùng chiếc đũa để gõ. Miền Trung gọi là tang, miền Nam gọi là đẩu.

Đại hồng chung.

- Nhạc khí có mặt da (trống): có hai loại, dùng trong chùa hay trong các buổi lễ, do những nhà sư sử dụng.

Trống đạo: trống nhỏ, như loại trống dùng trong hát bội, cách đánh phức tạp không thua gì cách đánh trống chiến trong hát bội.
Trống Bát nhã: trống lớn, còn gọi là trống Sấm, nhưng không treo, cũng không để trên giá nghiêng như trống chầu hát bội, mà để nằm ngang trên một giá gỗ.

Trống Bát nhã (trống Sấm). Ảnh Internet.

Ngoài ra trong một dịp lễ lớn của Phật giáo cũng thường dùng nhạc khí khác, ở miền Trung sử dụng dàn Đại nhạc hay Tiểu nhạc của Nhạc cung đình triều Nguyễn, hoặc các nhạc khí truyền thống như kèn bầu, đờn nhị, trống, mõ, nguyệt, sáo...Ở miền Nam trong một buổi lễ Phât giáo, tôi còn thấy cả đàn guitare điện phím lõm dùng trong đờn ca tài tử Nam bộ.

Tôi post lên dưới đây bài chú Om Mani Padme Hum, tụng theo Mật tông Tây Tạng:

Om Mani Padme Hum - Tibetan Incantations (COMPLETO)





Tham khảo:

- Văn hóa với âm nhạc dân tộc, GS. TS Trần Văn Khê, NXB Thanh Niên - 2000.
- Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, GS. TS Trần Văn Khê, NXB Trẻ - 2004.
- Âm nhạc Cung đình triều Nguyễn, Trần Kiều Lại Thủy, NXB Thuận Hóa - 1997.



Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Chữ với nghĩa.


Hình trích từ trang mạng Tễu.

Tôi đọc được trên một trang mạng viết về tấm bia đá ở đền nội Bình Đà thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, đây là một di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tấm bia đá nói về một bài phú của GS Vũ Khiêu. Tôi không có ý định bàn gì về bài phú được ghi trên bia là "áng văn tuyệt tác", nhưng không biết ai đã viết để khắc tấm bia này (bia ở đền thờ Quốc tổ tại một di tích cấp Quốc gia), lại dùng chữ rất thiếu chính xác. Đó là chữ "giáng bút", bài phú là "giáng bút" của Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu.

Tôi thử lục trong từ điển tiếng Việt của Hội Khai Trí Tiến Đức:

Giáng (  ): xuống (quỉ thần giáng phúc).

Trong mục từ Giáng còn những ví dụ khác, Giáng lâm: nói về trời, phật, thần, thánh xuống để chứng minh. Giáng sinh, Giáng thế: nói về thần tiên sinh xuống làm người...

Như vậy là chữ Giáng là nói về sự xuống (thế), hay ban phát (một điều gì) của thần thánh.

GS. Vũ Khiêu viết bài phú này khi vẫn còn... sống (chắc thế). Và hình như bác GS. này vẫn còn đang tại thế, chưa trở thành thần tiên, thế thì tại sao trên văn bia lại dùng chữ "Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu đã giáng bút"?. Ông GS. chỉ có thể "giáng bút" một khi đã lên cõi Trời (hay một cõi thần tiên nào đó), và "cho" bài phú qua hình thức cầu đảo thánh thần thường được gọi là "cầu cơ". Một tấm bia đá sẽ tồn tại cả trăm năm, cả ngàn năm, mai mốt đây khi chắt chút chít, nghĩa là con cháu chúng ta đọc tấm bia này sẽ hiểu ngay là ngày xửa ngày xưa, có một bậc... thần tiên tên là Vũ Khiêu qua một cuộc cầu đảo, đã khai cơ giáng bút xuống cho chúng sinh một áng văn tuyệt tác.

Có vẻ như người viết tấm bia đặt tại một ngôi đền thờ Quốc tổ, được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia, không hiểu được chữ nghĩa tiếng Việt.

Chán nhỉ!!! :-(((((((((((((((((




Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

Coda (*).




Tình cờ đi ngang qua "chiếu sách  lạc xoong" vỉa hè, tôi "lụm" được một quyền sách in đã lâu của GS. TS Trần Văn Khê, quyển sách có tựa là Tiểu Phẩm do NXB Trẻ xuất bản năm 1997. Quyển sách GS. viết dưới dạng hồi ký, GS. Trần Văn Khê viết tản mạn về nhiều thứ, như lần GS. từ Pháp về Việt Nam từ năm 1976, gặp các nghệ nhân Ca trù, Chèo, Quan họ... bà Quách Thị Hồ, ông Đinh Khắc Ban (đàn Đáy), cụ Trúc Hiền Nguyễn Như Lâm (trống chầu)... Để ghi âm về ca nhạc truyền thống Việt Nam cho UNESCO. Trong sách cũng có một bài GS Trần Văn Khê viết về lần được mời tham dự việc bảo vệ luận án Cao học của cô gái Nhật Bản Michiko Yoshii (**) tại Đại học Paris VII (còn gọi là Đại học Juissieu), vào năm 1991 ở Paris, thủ đô nước Pháp nơi GS. Trần Văn Khê đang sống lúc bấy giờ.

Michiko qua nét vẽ của TCS - 1988.

Đề tài luận án Cao học của cô gái Nhật Michiko là "Nhạc phản chiến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn". Theo GS. Trần Văn Khê thì đây là lần đầu tiên âm nhạc của một nhạc sĩ Việt Nam được dùng làm đề tài cho một luận án Cao học, do một nghiên cứu sinh ngoại quốc bảo vệ tại nước ngoài. Trước một Ban giám khảo gồm: GS. Philippe Langlais, trưởng khoa "Ngôn ngữ và Văn học Đông Á" (gồm các Phân khoa: Trung Quốc, Nhật Bổn, Triều Tiên, và Việt Nam) của trường Đại học Paris VII, và GS. Phạm Đăng Bình. GS. Nguyễn Phú Phong chỉ đạo luận án nhưng do đang công tác điền dã tại Việt Nam nên GS. Phạm Đăng Bình thay thế. Ngoài Ban giám khảo còn có các GS. giảng viên của Phân khoa Việt Nam như GS. Đặng Tiến, các GS. Georges Boudarel, GS. Võ Quang Yến, và các bạn bè Việt, Pháp của thí sinh Michiko đến tham dự.



GS. Trần Văn Khê viết, trong buổi bảo vệ luận án Cao học, theo yêu cầu của Ban giám khảo, mở đầu cô gái Nhật Michiko hát hai bài hát "Đại bác ru đêm" và "Ca dao mẹ" của nhạc sĩ TCS bằng tiếng Việt, với tiếng đệm của đàn Lục huyền cầm do chính của cô thực hiện, và khi cô dứt tiếng hát thì cả Ban giám khảo chấm luận án lẫn những người đến dư thính đều vỗ tay tán thưởng.

Chân dung Michiko - TCS.

Phần tiếp theo là cô gái Nhật Michiko bảo vệ luận án của mình, với những ý chính:

- Tại sao cô nghĩ đến việc nghiên cứu những bài ca phản chiến của TCS.
- Định vị trí của nhạc TCS trong các loại nhạc Việt Nam.
- Trong hơn 160 bài hát của nhạc TCS có bao nhiêu tình ca, bao nhiêu bài nhạc phản chiến, bài nào hay, bài nào chưa đạt.
- Nhận xét về thái độ của nhạc sĩ đối với chiến tranh... Và những ảnh hưởng của nhạc phản chiến TCS đối với nước ngoài...

Cô gái Nhật Michiko kết thúc phần thuyết trình bảo vệ luận án bằng 3 bản nhạc của TCS, những người đến nghe và cả Ban giám khảo cũng hát phụ họa theo... Trong 3 bài hát có bản nhạc Tình ca người mất trí, "Tôi có người yêu chết trận Pleime, tôi có người yêu ở chiến khu D chết trận Đồng Xoài, chết ngoài Hà Nội, chết vội vàng dọc theo biên giới...". Một bản nhạc đúng nghĩa phản chiến, bài hát này nhạc sĩ TCS làm vào khoảng nửa cuối của thập niên 1960, nói lên cái tàn bạo của chiến tranh, khi chiến tranh đang leo thang rộng khắp. Ở miền Nam đêm đêm hỏa châu thắp đỏ, tiếng đại bác dội về thành phố, người Mỹ đã ném bom miền Bắc, và những cái chết phi lý chẳng từ bỏ một ai, ở bất cứ nơi đâu...

Nhạc phản chiến của nhạc sĩ TCS là một dòng nhạc trong toàn bộ gia sản âm nhạc của ông, có thể tạm kể: tình ca (Ướt mi, Diễm xưa, Còn tuổi nào cho em, Nắng thủy tinh, Biển nhớ, Cuối cùng cho một tình yêu, Quỳnh Hương...), những bài hát về thân phận con người trong cuộc sống, trong chiến tranh (Người già em bé, Ca dao mẹ, Cát bụi, Cho một người vừa nằm xuống, Đại bác ru đêm, Gia tài của mẹ, Hát trên những xác người, Hãy sống giùm tôi, Tình ca người mất trí, Đàn bò vào thành phố...), những bài hát phản kháng chiến tranh (Chính chúng ta phải thấy hòa bình, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Một ngày vinh quang, Nhân danh Việt Nam, Nối vòng tay lớn, Ta quyết phải sống, Những ai còn là Việt Nam...), và cuối cùng là những ca khúc mang hơi thở của thiền (Nguyệt ca, Đóa hoa vô thường, Ở trọ, Ra đồng giữa ngọ, Một cõi đi về, Em đi bỏ mặc con đường, Con mắt còn lại, Bống không là Bống...).

Có một điều khá đặc biệt, trong một bài viết nhạc sĩ TCS nói "Càng lớn tôi càng ít đi chùa và gần đây hầu như không có nhu cầu đó nữa...", nhưng "càng lớn" thì nhạc của ông lại càng bàng bạc chất thiền, những bản nhạc mang hơi thở về thiền của ông, đa số được ông sáng tác sau này.

Điểm số mà Ban giám khảo dành cho thí sinh Michiko là 17, đó là điểm số tối đa mà từ khi Phân khoa tiếng Việt của Đại học Paris VII thành lập chưa ai đạt được. Cô gái Nhật Michiko đậu hạng "Tối ưu" (Très bien).

Từ những thập niên 1960, 1970... âm nhạc của nhạc sĩ TCS luôn được người Nhật yêu thích, nhiều bản nhạc của ông đã được dịch sang tiếng Nhật, một bản nhạc dịch sang tiếng Nhật rất nổi tiếng của ông là bản Diễm xưa. Năm 1972 ông được giải Đĩa vàng ở Nhật với bản nhạc Ngủ đi con (trong tập Ca khúc da vàng), đã phát hành ở Nhật trên 2 triệu bản.

Có người nói cô gái Nhật Michiko cũng là một người mà nhạc sĩ TCS yêu mến. Không rõ nhạc sĩ có những bài viết (thơ, văn, nhạc) viết về cô gái Nhật này không, nhưng trong mấy chục bức tranh vẽ của TCS mà đa số là về chân dung bạn bè, người thân của ông, có ít nhất 3 bức tranh ông vẽ về cô gái Nhật Michiko Yoshii, có lẽ điều này cũng đủ nói lên tình cảm của ông với cô gái Nhật nhỏ nhắn, cũng luôn quý mến ông và những ca khúc của ông.


Saigon, những ngày đầu tháng 4 - 2014.


Ghi chú:

(*) Coda: đoạn kết của một bản nhạc.
(**) Michiko Yoshii: là GS. giảng dạy tại đại học Mie miền Trung nước Nhật, đã có gia đình từ năm 1994, chồng bà cũng là một người Việt du học tại Pháp. Bà cùng chồng đã có thời gian 13 năm sống tại Việt Nam, ông bà đã thực hiện những công tác từ thiện cho nhiều vùng nông thôn.






Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa.





Bạn hỏi về Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa, Bắc tông và Nam tông... Giữa hai hệ phái cùng thờ Phật này có gì giống nhau và có gì khác biệt? Tôi cũng đã từng thắc mắc như thế nên đã thử tìm hiểu.

A- Nguồn gốc:

Muốn hiểu đôi chút về Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa, có lẽ phải tìm hiểu vài nét bắt đầu từ giai đoạn lịch sử hình thành Phật giáo. Đức Phật Thích Ca Nâu Ni (Sakyamuni Gautana) được sinh ra ở Ấn Độ, là người sáng lập ra Phật giáo, theo ghi chép của sử liệu Phật giáo Trung Hoa, Ngài đản sinh vào năm 565 trước Công nguyên, nhập diệt vào năm 486 trước Công nguyên, thọ 80 tuổi. Theo ghi chép, khoảng 100 năm sau khi đức Phật tịch diệt, từ Giáo đoàn nguyên thủy, do có cái nhìn khác nhau về nhiều mặt, giới luật, giáo nghĩa, phương pháp tư duy, tu hành... nội bộ của Phật giáo bắt đầu chia rẽ, hình thành hai phái bộ chính, là "Đại chúng bộ", và "Thượng tọa bộ".

Đến khoảng thế kỷ thứ I trước Công nguyên (có sách chép vào thế kỷ thứ I Công nguyên), Phật giáo Ấn Độ bắt đầu hình thành một số tư tưởng, học thuyết mới, và các giáo phái mới. Một hệ phái mới bắt nguồn từ Đại chúng bộ coi mục đích của họ là "Phổ độ chúng sinh", dựa trên tính đa dạng của Giáo pháp. Phái này tự nhận là "Cỗ xe lớn" (Đại thừa, tiếng Sanscrit: Mahayana). Phái Đại thừa gọi phái bộ còn lại (Thượng tọa bộ)  là "Cỗ xe nhỏ" (Tiểu thừa, S: Hinayana), trong khi Thượng tọa bộ tự coi họ là Phật giáo Nguyên thủy (S: Theravada). Cách gọi "Cỗ xe nhỏ" (Tiểu thừa) ban đầu có tính cách châm biếm và miệt thị, nên bản thân hệ phái Thượng tọa bộ (Phật giáo Nguyên thủy) không thừa nhận danh xưng Tiểu thừa. Tuy nhiên tên gọi PG Tiểu thừa dần trở thành phổ biến và được đại chúng quen gọi. Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa ra đời từ đó.
Trước hết xin nói về chữ "Thừa""Thừa" (  ) là dịch nghĩa của từ Yana, tiếng Phạn Sanscrit (S) và Pali (P) đều gọi là Yana, âm Hán Việt là Diễn na, có nghĩa là "Cỗ xe", cũng có khi được hiểu như "Con thuyền", là phương tiện đưa hành giả đến bờ giác ngộ.

Thật ra Phật giáo không chỉ có Đại thừaTiểu thừa. Trong các từ điển, sách vở Phật giáo ghi đến Tam thừa, bao gồm  Bồ Tát thừa còn gọi là Đại thừa với đắc quả cao nhất là thành Phật. Thanh Văn thừa mà Đại thừa gọi là Tiểu Thừa với đắc quả cao nhất là A La Hán. Và Độc Giác thừa còn gọi là Duyên Giác thừa hay Trung thừa với đắc quả cao nhất là Độc Giác Phật (được xem như bậc Thánh ở quả vị khoảng giữa A La Hán Phật), Tuy sách vở nói đến "Tam thừa", nhưng chúng ta chỉ thường nghe phổ biến "Nhị Thừa" là Đại thừaTiểu thừa.

B- Giống nhau giữa Phật giáo Đại thừa (PG Đại thừa) và Phật giáo Tiều thừa (PG Tiểu thừa):

Điểm giống nhau dễ nhận thấy nhất giữa hai hệ phái lớn của Phật giáo là cùng bắt nguồn từ đức Phật, và cùng tôn kính đức Phật Thích Ca. Giáo pháp cơ bản của PG Đại thừa và PG Tiểu thừa gồm có: Tứ diệu đế (1), Thập nhị nhân duyên (2) (Mười hai nhân duyên), Bát chánh đạo (3), Nhân quả (4), Nghiệp (5)...

Tuy nhiên trong nhiều vấn đề khác, giữa hai phái có những sự khác biệt lớn.

C- Sự khác biệt giữa hai phái Phật giáo Đại thừa (PG Đại thừa) và Phật giáo Tiểu thừa (PG Tiểu Thừa): Có mấy điểm khác biệt chính giữa PG Đại thừa và PG Tiểu thừa:

- PG Đại thừa xem đức Phật như một vị Thần vạn năng, uy lực tuyệt đối. Thọ mệnh của đức Phật là vô cùng, sắc thân của Ngài là vô biên, những gì do Ngài nói ra cũng đều viên mãn không có khuyết điểm, đều là chân lý. Ngoài đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ở Tam thế (Quá khứ, hiện tại, vị lai) còn có vô số Phật các vị Phật khác, như lời của đức Cồ Đàm "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành". Trong một ngôi chùa theo hệ phái PG Đại thừa thờ rất nhiều hình tượng, Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật Dược Sư Lưu Ly, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Di Lặc, Tổ Bồ Đề Đạt Ma...

- PG Tiểu thừa coi đức Phật như một nhân vật lịch sử, một Con người và một Thày dạy, là một vị Giáo chủ chứ không phải như một vị Thần vạn năng, giáo lý của Ngài là con đường đi đến Giác ngộ, như Ngài đã khẳng định rằng mọi chúng sinh đều bình đẳng trong việc chứng ngộ chân lý, điều này không phụ thuộc vào thành phần xuất thân, mà vào hành vi đạo đức và sự hiểu biết về chân tướng của vạn pháp. Trong một ngôi chùa của PG Tiểu thừa, ta thấy chỉ thờ chủ yếu hình tượng của đức Phật Thích Ca Mâu Ni,

- PG Đại Thừa cho rằng Niết bàn (S: Nirvana) và Thế gian không khác biệt. Muốn đạt được Niết bàn chỉ là tiêu trừ Vô minh, và nhận thức được thực tướng của các hiện tượng sự vật. Cảnh giới Niết bàn không tồn tại độc lập với Thế gian.

- PG Tiểu Thừa cho rằng Niết bàn là cảnh giới đạt được sau khi thoát khỏi luân hồi sinh tử. Cảnh giới này hoàn toàn khác biệt với cảnh giới Trần thế.

- PG Đại thừa không quá chú trọng đến đời sống xuất gia, cư sĩ tại gia cũng có thể đạt đến Niết bàn với sự tế độ của chư Phật và chư Bồ tát. Niết bàn không chỉ là giải thoát khỏi Luân hồi (S&P: Samsara), mà Hành giả còn giác ngộ về Chân tâm và an trú trong đó. PG Đại Thừa xem trọng sự nhập thế, sự liên hệ mật thiết với đời sống thế tục, có như thế mới thực hiện được tính chất phổ độ chúng sinh, giúp chúng sinh vượt qua bể khổ (Bồ Tát hạnh)*.

- PG Tiểu Thừa chú trọng sự xuất gia, xa lánh thế gian, vì vậy PG Tiểu thừa quan niệm phải sống cuộc đời của kẻ tu hành. Đối với Tiểu thừa cuộc sống tại gia không thể đem đến sự giải thoát, hình ảnh tiêu biểu của Tiểu thừa là đắc quả A La Hán (S: Arhat), là người phải dựa vào chính bản thân để giải thoát. Không có thần thánh nào có thể làm việc ấy thay ta.

Ngoài ra cũng còn một số khác biệt khác giữa PG Đại thừa và PG Tiểu thừa, như:

- Kinh sách của PG Đại thừa viết bằng Phạn ngữ Sanscrit, là ngôn ngữ và chữ viết của giới quý tộc, trí thức ở miền Bắc Ấn Độ cổ đại, còn kinh sách của PG Tiểu thừa viết bằng Phạn ngữ Pali, là ngôn ngữ và chữ viết của giới bình dân ở miền Nam Ấn Độ.
Tương truyền khi sinh thời, đức Phật đã giảng Đạo pháp cho đại chúng bằng ngôn ngữ Pali.

- Giới tăng lữ của PG Đại thừa bao gồm cả Sa di, Tỳ kheo (nam tu sĩ) và Sa di ni, Tỳ kheo ni (nữ tu sĩ), trong khi tăng lữ của PG Tiểu thừa chỉ gồm Sa di, Tỳ kheo.

Còn nhiều nét khác nhau nữa giữa PG Đại thừa và PG Tiểu thừa, tuy nhiên trên đây là những nét khác nhau cơ bản dễ nhận biết giữa PG Đại thừa và PG Tiểu thừa.

D- PG Nam tông và PG Bắc tông, hay PG Nam truyền và PG Bắc truyền:

Nói PG Nam tông hay PG Bắc tông là nói theo hướng mà PG Ấn Độ truyền ra bên ngoài. PG Nam tông là tông phái PG được truyền theo hướng Nam nước Ấn Độ, cho nên cũng được gọi là PG Nam truyền chủ yếu thuộc phái Thượng tọa bộ PG, tức PG nguyên thủy (Tiểu thừa). PG Nam tông hay PG Nam truyền hiện diện ở các nước như Sri Lanka, và Đông Nam Á như Myanmar, Thailand, Cambodia, Laos... Còn PG Bắc tông, cũng gọi là PG Bắc truyền, chủ yếu thuộc Đại chúng bộ, tức PG Đại thừa, phổ biến ở các nước Đông Á như Trung Hoa, Tây Tạng, Nhật Bản, Đại Hàn... và Việt Nam...

Vài nét sơ lược về vấn đề bạn muốn tìm hiểu, hy vọng sẽ đáp ứng được phần nào...



Ghi chú:

(1) Tứ diệu đế (S: Arya Astangika Marga - P: Nidanas): là bốn sự thật quý báu, bao gồm: Khổ đế (những đau khổ của thế gian). Tập đế (kê hiện trạng của những đau khổ). Diệt đế (hoàn cảnh an lành sẽ đạt sau khi diệt trừ khổ). Đạo đế (phương pháp diệt đau khổ).

(2) Thập nhị nhân duyên (S: Pratitya Samutpada): là mười hai duyên khởi với mười hai yếu tố. các yếu tố này làm loài hữu tình mãi vướng trong luân hồi. Gồm: Vô minh (ngu dốt) - Hành (những hành động thuộc ý chí tạo nên Nghiệp) - Thức (nguyên nhân sự kết thành bào thai trong bụng mẹ) - Danh sắc (toàn bộ tâm, vật lý của một hiện hữu) - Lục nhập (sáu giác quan khi tiếp xúc: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) - Xúc (tiếp xúc, sáu giác quan tiếp xúc sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) - Thọ (cảm giác khi tiếp xúc sáu trần) - Ái (ưa thích, đam mê) - Thử (chiếm giữ) - Hữu (tồn tại) - Sinh (tái sinh) - Lão tử (già, chết).

(3) Bát chánh đạo (S: Arya Astangika Marga: là tám con đường ngay thẳng, hay tám phương tiện nhiệm màu đưa chúng sinh đến đời sống chí diệu, gồm: Chánh kiến (thấy đúng)- Chánh tư duy (suy nghĩ đúng), Chánh ngữ (nói lời đúng, không độc ác), Chánh nghiệp (không làm những việc trái giới luật), Chánh mạng (nghề nghiệp sinh sống chân chính), Chánh tinh tấn (làm việc thiện không làm điều ác), Chánh niệm (suy nghĩ chân chính), Chánh định (thiền định chân chính).

(4) Nhân quả (P: Hetuppaccaya): là nguyên nhân và kết quả, làm điều thiện sẽ hưởng an lành.

(5) Nghiệp (S: Karma, P: Kamma): kết quả của một hành động được gây ra bởi ý thức (tâm hay ngôn ngữ). Một nghiệp tốt thường mang lại một kết quả tốt.

* Bồ Tát hạnh: những người tu tập theo PG Đại thừa thường đề cao và kính yêu vị thánh từ bi, hiện thân là một Bồ Tát, như Quán Thế Âm Bồ Tát. Đó là một vị thánh đạt đạo, luôn chia sẻ những khổ đau cũng như hy vọng của tất cả chúng sinh, nên đã tự mình không vào Niết bàn cho đến khi tất cả chúng sinh có thể cùng vào Niết Bàn. Người ta thường biết đến Quán Thế Âm Bồ Tát với Mười hai đại nguyện.



Sách tham khảo:

- Từ điển Phật học, Nguyên Hảo, Về nguồn xuất bản - Canada 1999.
- Từ điển Phật học, Ban biên dịch Đạo Uyển, NXB Thời Đại - 2011.
- Phật học phổ thông, HT Thích Thiện Hoa, Thành hội PG TP. HCM ấn hành - 1992.
- Tranh tượng & Thần phổ Phật giáo, Louis Frédéric, Bản tiếng Việt: Phan Quang Định, NXB Mỹ Thuật - 2005.
- Những tôn giáo lớn trong đời sống nhân loại, TS. Floyd H. Ross & GS. Tynette Hills. Dịch giả Tâm Quang, NXB Tôn giáo - 2007.
- Thế giới Phật giáo Phương diện Lịch sử Văn hóa và Minh triết, Điền Đăng Nhiên, Dịch giả Thích Ngộ Thành - 2009.
- Lịch sử Phật giáo, Nguyễn Tuệ Chân biên dịch, NXB Tôn giáo - 2011.