Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Tiết Trung Nguyên (中元節) - Rằm Tháng Bảy.


Tranh cảnh thọ hình dưới âm phủ. Ảnh Internet.

Hôm nay là ngày 14 tháng Bảy âm lịch, ngày mai là rằm tháng Bảy, còn gọi là Tiết Trung Nguyên (中元節) hay Tết Trung Nguyên (Thượng Nguyên là rằm Tháng giêng, Trung Nguyên là rằm Tháng bảy, Hạ nguyên là rằm tháng mười), một ngày lễ lớn của Phật giáo trong năm. Sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn có viết:

Sách Mộng Hoa Lục chép: Tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy) người ta bày đồ mã áo bằng giấy màu, lấy tre làm cái giương ba chân hình trạng giống như cái bầu dầu trong cây đèn, gọi đó là Vu Lan Bồn (*), người ta treo áo giấy và đồ mã ở trên mà đốt.

Ông Lục Du (**) nói: Thói tục đến ngày rằm tháng bảy làm đồ chay cúng tế tổ tiên, chuốt tre làm bồn chậu đựng tiền giấy rồi lấy cọng tre mồi lửa mà đốt.

Sách Thích Thị Yếu Lãm chép: Tiếng Phạn nói Vu Lan cũng như tiếng Trung Hoa nói cứu đảo huyền là cứu gỡ cha mẹ đang bị thọ hình treo ngược ở địa ngục.

Nếu bên Phật giáo có tháng Bảy (âm lịch) là tháng dành cho những người đã khuất, chùa chiền thường tổ chức những buổi lễ cầu siêu, và những hoạt động tuyên xưng và tưởng nhớ đến công ơn các bậc cha mẹ. Trong dân gian người ta cũng làm những mâm cúng cho những người thân đã khuất, và những cô hồn không nơi nương tựa, thì bên Thiên Chúa giáo cũng có một tháng như thế, đó là tháng Mười một (dương lịch), gọi là Tháng các linh hồn, hay Tháng các đẳng linh hồn, nơi nhà thờ cũng có những buổi lễ cầu cho các linh hồn đã khuất. Những hoạt động mang tính chất hiếu đễ, tưởng nhớ của con người.


Ghi chú:

(*) Vu Lan Bồn, tiếng Phạn (S) là Ullambana có nghĩa là treo ngược, ngụ ý rất khốn khổ. Ngày rằm tháng bảy người ta bố thí để báo đền công ơn của cha mẹ đã khuất, tin là có thể cứu cha mẹ bị thọ hình treo ngược nơi địa ngục.

(**) Lục Du (1125-1210), người tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, thi đỗ tiến sĩ, là nhà thơ, làm quan dưới thời Nam Tống.



8 nhận xét :

  1. Ah , vậy ra rằm tháng 7 cũng là ngày Tết . Biết vậy , hồi chiều này Marg đã nói với mẹ , ngày mai cũng là ngày Tết nhưng là Tết Trung nguyên rồi . Trong lúc chuyện trò, bà hỏi sắp Tết rồi phải không ? M nói không, mới là rằm tháng 7 , còn gần 5 tháng nữa mới Tết . Chẳng là bà hỏi thăm các cháu đang đi học xa Tết có về không . Nói là Tết các cháu sẽ về . Có lẽ bà trông đến Tết nên hỏi : " Sắp Tết rồi phải không ? " ((-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình quen gọi Tết là ngày... Tết Nguyên đán đầu năm, chứ thực ra "tết" là nói trại từ chữ "tiết" (節), tiếng Hán Việt, có nghĩa là ngày lễ, ngày hội, và một năm thì có nhiều ngày "tết", chẳng hạn tiết (tết) Nguyên đán, tiết Thượng nguyên, Trung nguyên, Hạ nguyên, tiết Thanh Minh, tiết Đoan ngọ, tiết Hàn thực, tiết Trùng dương.

      Chúc mừng cụ bà, vậy là cụ bà vẫn còn nhớ Tết sẽ gặp được đầy đủ con cháu :-)))

      Xóa
  2. Chỉ là một vài trích dẫn ngắn gọn nhưng cung cấp cho người đọc những thông tin mà đôi lúc cần cũng phải mất thì giờ mà lan man nữa. Rằm tháng bảy trong dân gian còn gọi là ngày "Xá tội vong nhân", những người khuất mặt trước đây có tội được "giàm án" (có vẻ như ngày 02/9 hàng năm ở VN tù nhân được chủ tịch nước cho giảm án). Hihi.Cám ơn bác Hiệp nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác HN ghé chơi ngày rằm tháng 7, sáng nay ngôi chùa gần nhà làm lễ chẩn tế từ sớm giờ đã 9g sáng vẫn còn lễ, có cả phường bát âm, chiêng trống nghe rất hay. Bác HN ở bên Thái chắc họ cũng làm lễ lớn?

      Ngày xưa nhà bác học LQĐ đã rất giỏi trong việc thông tin, chỉ một vài trích dẫn đã khái quát được cả một cái lễ lớn của dân gian. Điều này thì cho đến tận bây giờ, trong xã hội thông tin này người ta còn làm cho... rối tinh rối bời lên.

      Cũng là một ngày "Xá tội" thời hiện đại phải không bác HN? Hìhì!

      Xóa
  3. Trong tháng bảy này Giáo cũng có một cái tang vào ngày 11 Âm lịch, là bà Ngoại Giáo mất. Nên tháng này Giáo cũng nhớ bà Ngoại nhiều!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày giỗ đã qua, nhưng cũng xin cầu cho cụ được an lành nơi miền Cực lạc.

      Xóa
  4. Hạ nguyên xưa ở quê em không có cúng bái gì nhưng chú trọng tết 10-10 âm lịch và hồi nhỏ em thấy nhà thờ họ nhà em có lễ Thường tân - cúng cơm mới. Hồi đó thường thấy cúng xôi bằng gạo nếp đồ, dạng như cốm anh ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hình như Hạ nguyên người mình không cúng lớn như Thượng nguyên (rằm Tháng giêng và Trung nguyên rằm Tháng bảy), nhưng tôi thấy bên Phật giáo như bà xã tôi có cúng trùng cửu 9 tháng 9 ÂL và Song thập 10 tháng 10 ÂL, cũng như mùng 5 tháng 5 Đoan ngọ.
      Cúng cơm mới xưa trên Tây nguyên tôi thấy người dân tộc thiểu số cũng làm, có lẽ là một nét văn hóa xưa của người Việt mình.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))