Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Đầu tuần.



Sáng thứ hai, đầu tuần, ngồi ở nhà nhâm nhi ly cà phê đen, nghe tiếng kinh kệ từ ngôi chùa gần nhà vọng lại nhìn lịch mới hay rằm tháng 3, thời gian trôi qua nhanh thiệt, cứ như có gắn cái hỏa tiễn liên lục địa sau đuôi. Dở tờ báo TT ra đọc (14-4-2014), thấy có một vài tin hay hay.

Đó là tin về Festival Huế vói cái tựa Ngước mắt xem ảnh. Ấy là nói về hai cuộc triển lãm ảnh của nghệ sỹ Pháp Sebastien Laval (từ ngày 12 đến 20-4-2014) tại cầu Trường Tiền - Huế. Bài báo viết lời giới thiệu về cuộc triển lãm "đã gây ấn tượng với người xem không phải bởi những bức ảnh đẹp, mà bởi sự sắp đặt trong những góc nhìn sáng tạo".

Ảnh triển lãm treo cao nơi cầu Tràng Tiến - Huế. Ảnh báo TT Online.

Đọc thì tôi cứ tưởng bài báo muốn viết về sự sắp đặt trong những góc nhìn sáng tạo của những tấm ảnh do nhà nghệ sỹ Pháp chụp. Nhưng đọc tiếp thì không phải, sự sắp đặt trong những góc nhìn sáng tạo ở đây chính là cái không gian trưng bày ảnh, là ảnh được treo trên những cái dầm sắt trên cao của cầu Tràng Tiền (hình). Có tất cả 62 bức ảnh đen trắng được triển lãm, chụp những người dân tộc thiểu số vùng cao tại Việt Nam. Nghệ sỹ Sebastien nói: "Thường một cuộc triển lãm, các tác phẩm sẽ được đặt ngang tầm mắt của người xem. Nhưng lần này tôi muốn mọi người ngước mắt lên, đó cũng là sự thay đổi cái nhìn về người dân tộc thiểu số... Lâu nay chúng ta thường nhìn về người thiểu số bằng cái nhìn từ trên xuống, còn bây giờ chúng ta cần nước mắt lên". Một suy nghĩ kể cũng khá độc đáo của một nghệ sỹ nhiếp ảnh Pháp.

Tuy nhiên ở một góc nhìn khác tôi nhận thấy, việc treo những tác phẩm nhiếp ảnh cho công chúng thưởng ngoạn như thế, kể cũng có điều gì đó kỳ kỳ:

- Thứ nhất là an toàn cho người lưu thông trên cầu. Nhìn vào hình chụp của báo về cuộc triển lãm ảnh này thấy nguy cơ xảy ra tai nạn cho xe cộ khá cao, xe gắn máy, xe du lịch, xe tải chạy ken đầy trên cầu, và người ta vừa phải... một mắt lo lái xe và trông chừng xe cộ, còn một mắt xem triển lãm ảnh. Không những thế còn phải luôn... ngước mặt nhìn đời nữa (tựa của bài báo là ngước mắt xem ảnh). Chạy xe như thế rất dễ móc tay lái vào nhau (với xe gắn máy), hoặc xe này tông đít xe kia, quả là nguy hiểm. Ở Saigon cũng hay có những cuộc triển lãm ảnh ngoài trời trong những dịp lễ hội, nhưng người ta treo ảnh trong công viên, hoặc dọc theo vỉa hè rộng rãi của những con đường có nhiều người đi bộ, như đường Đồng Khởi (quận 1), để mọi người thưởng lãm, chưa thấy treo ảnh... cao cao lại ở trên cầu xe cộ qua lại cho người lái xe ngắm như thế, chứ không phải cho người đi bộ.

- Thứ nhì là cách xem ảnh "mắt trên mắt dưới" lướt qua như thế chắc chẳng mang lại hiệu quả gì mấy. Thường thường những buổi triển lãm nghệ thuật tranh, ảnh, hay trưng bày sản phẩm nghệ thuật tranh. tượng... tôn giáo, tôi thấy muốn hiểu rõ một chút người xem phải quay trở lại xem đến lần thứ nhì, có khi đến lần thứ ba. Hiểu đôi chút về nhiếp ảnh, trong những cuộc triển lãm ảnh tôi thường phải như thế. Có những bức ảnh phải đứng xa rồi đứng gần, ngắm nghía xem góc tác giả chụp, ánh sáng, bố cục, nội dung... của ảnh. Đối với ảnh đen trắng chủ đề về người thiểu số lại càng quan trọng, bởi nét đẹp của họ là ở những nếp nhăn (với người già), một ánh mắt hồn nhiên (với trẻ thơ), hay những đặc tả về vẻ mạnh mẽ, rắn rỏi, hoang sơ của những thanh niên, thiếu nữ... Vừa chạy xe, vừa trông chừng tai nạn, vừa phải ngước mặt nhìn lớt phớt ảnh như thế thì xem ảnh cũng... bằng không.

Chẳng rõ những suy nghĩ của mình có đúng không?

Một tin khác cũng trên báo TT sáng nay mà tôi đã được đọc trên vài trang mạng vào hôm qua, có tựa đề "Các vua Hùng sống lâu đến kinh ngạc". Bài báo nói về Khu tưởng niệm các vua Hùng, nằm trong một khu công viên ở Pleiku.

Một trong các bia đá dưới chân tượng vua Hùng ở Khu tưởng niệm tại Pleiku. Ảnh Internet.

Hihi, thực ra thì trong sách sử cũng có nói đến chuyện sống lâu của các vua Hùng, bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên viết vào nửa cuối thế kỷ XV có chép:

"Hùng Vương nối nghiệp của Lạc Long, chăm ban đức huệ, để vỗ yên dân, chuyên nghề làm ruộng, chăn tằm, chẳng có can qua chinh chiến, con cháu nối dòng đều gọi là Hùng Vương, phúc gồm 18 đời, trải hơn 2.000 năm...". Mười tám đời mà trải hơn 2.000 năm thì mỗi đời vua Hùng trị vì cũng phải trên 100 năm.

Hay như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, được viết vào khoảng nửa đầu thế kỷ thứ XX, có nói rõ hơn tí chút:

"Họ Hồng Bàng làm vua được 18 đời, đến năm Quý mão (258 trước Tây Lịch) thì bị nhà Thục lấy mất nước.
Xét từ đời Kinh Dương Vương đến đời Hùng Vương thứ 18, cả thảy 20 ông vua, mà tính từ Năm Nhâm tuất (2879 trước Tây lịch) đến năm Quý mão (258 trước Tây lịch) thì vừa được 2622 năm. Cứ tính hơn bù kém, mỗi ông vua trị vì được non 150 năm! Dẫu là người đời thượng cổ nữa, thì cũng khó lòng mà có nhiều người sống lâu được như vậy. Xem thế cũng đủ biết tuyện đời Hồng Bàng không chắc là truyện xác thực".

Ta hãy nghe những người trong cuộc nói về chuyện này. Ông GĐ. công viên có khu tưởng niệm ấy nói, gần đây ông ấy đã nhận được nhiều phản ánh của cơ quan báo chí, du khách về chuyện này, và đã giao cho bộ phận chuyên môn tìm hiểu.

Còn ông GĐ Sở Văn-Thể-Du (chữ người đời gọi Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch) tỉnh Gia Lai cho biết, những chi tiết về các đời vua Hùng là trích dẫn từ cuốn Giới thiệu khu di tích lịch sử đền Hùng của tác giả Vũ Kim Biên (Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Phú Thọ xuất bản năm 2006). Ông ấy nói tìm hiểu điều này rất khó, vì thông tin về các đời vua Hùng mang tính chất huyền sử, cho nên Sở ông chỉ chọn những thông tin dựa trên các tư liệu đã được nghiên cứu và xuất bản, các thông tin như năm trị vì, số con cháu cũng mang tính huyền sử, chủ yếu để phục vụ việc tưởng nhớ về công ơn các đấng dựng nước.

Haha, các vị GĐ. nói thế thì mình cũng chỉ biết thế, thôi thế cũng được. Nhưng ông GĐ. Sở kia quên không biết rằng ghi như vậy những tấm bia đá đã sai bét nhèm rồi, đấy là chưa nói về nội dung, chỉ nói về nguyên tắc ghi ghép. Bia đá ở một khu tưởng niệm, lại là tưởng niệm Quốc tổ, mang nhiều thông tin đến cho khách thăm viếng, đã ghi thì phải đầy đủ, phải ghi chú nguồn thông tin được trích dẫn từ đâu (sách sử nào, truyền thuyết, cổ tích nào), chứ cứ ghi khơi khơi một cách khẳng định như thế, để đến khi nghe thiên hạ thắc mắc mới "đổ tại này kia" sao được?

Còn một vấn đề nữa, có lẽ một học sinh cấp 3 cũng biết rằng tất cả các sách sử xưa nay, kể cả các sách về truyền thuyết như Lĩnh Nam chích quái, Truyền kỳ mạn lục, Việt điện u linh... cho đến những sách viết về Cổ tích nước Nam... đều không hề ghi chép chi ly về nhân thân của các vua Hùng (lấy số liệu đâu mà chép?). Đọc những con số trên bia (vua Hùng Chiêu Vương sống đến 692 năm sắp bằng ông... Bành Tổ), người ta có cảm tưởng như ai đó đã nắm rõ được gia phả của vua Hùng, hay đã được tổ chức cung cấp cho bản lý lịch trích ngang của các đời vua. Đã là huyền thoại, là truyền thuyết thì lấy đâu ra những con số "chắc như đinh đóng cột" như thế? Mà đã có những con số cụ thể thì sao không đưa ra năm sinh, năm mất, năm lên ngôi vua, năm thoái vị... chứ không phải là những con số ghi theo kiểu người già, trẻ em đi khám bệnh ở trạm y tế phường xã...

Bây giờ người ta làm văn hóa như thế....

Định chấm dứt entry này ở đây, nhưng sáng nay (15-4-2014), lại đọc được tin này trên báo TT (hôm qua cũng đã có đưa trên mạng). Tin có tựa "Bị làm nhục vì lấy cắp hai cuốn truyện". Câu chuyện cũng xảy ra tại Pleiku - Gia Lai. Một em nữ sinh nữ lớp 7 bị bảo vệ và nhân viên của một siêu thị bắt trói vào lan can sắt bên trong siêu thị, trước ngực treo tấm biển to có chữ "TÔI LÀ NGƯỜI ĂN TRỘM". Em bị làm nhục như thế bởi đã bị kết tội lấy hai quyển sách đáng giá 20.000 ngàn đồng của siêu thị.

Tôi không đưa hình em nữ sinh bị bắt trói lên. Báo đưa tin những người bắt trói em là một bảo vệ (nam), và 3 nhân viên bán hàng. Ông bảo vệ còn lấy điện thoại chụp hình để chiều tung lên Facebook "chém cho vui". Còn bà kế toán người đã in dòng chữ treo trước ngực em nữ sinh thì nói "Tôi không lường trước được sự việc đã đi quá xa như thế".

Thật sự tin này làm tôi kinh hoàng, một kiểu tàn ác thời trung cổ vẫn còn sót lại nơi con người ngày nay. Hành động ăn cắp (cho dù có đúng là em lấy đi nữa) là ăn cắp 2 cuốn sách chỉ đáng giá 20.000 đồng của em nữ sinh là xấu, bắt được cùng lắm là cảnh cáo em rồi cho về, chứ không ai lại nhẫn tâm và có quyền làm như thế. Những người lớn hành động như thế có bao giờ nghĩ rằng, con mình cũng có thể phạm một tội như vậy? Xã hội bây giờ tựa như có những con người đã mất hết lòng nhân, người ta tra tấn đến chết một người đã bị bắt không còn kháng cự, cả làng xúm vào đánh chết kẻ trộm chó, người ta xông vào chém giết nhau chỉ vì những cái cớ không đâu... Cái ác sao hồn nhiên quá. Cái hồn nhiên mà ta thường thấy nơi loài động vật cấp thấp con này ăn thịt con kia, sống chỉ với một mục đích duy nhất là để tồn tại...

Tin cuối cùng cũng ở báo TT hôm nay, nói về Tính xấu người Việt. Tôi post lại câu ghi bằng một hàng chữ in đậm trong ngoặc kép trên trang báo để khép lại entry này, để nói về sự thay đổi giữa các triều đại xưa. Trong diện tích vẻn vẹn chỉ 1,8 ha ở Hoàng Thành Thăng Long mà có đến bốn, năm tầng văn hóa của các triều đại chồng lên nhau:

Ảnh của báo TT Online.

"Một triều đại mới bắt đầu là một sự thay đổi tận gốc rễ, nhiều "nguyên khí quốc gia", nhiều tư tưởng lớn bị phế bỏ chỉ vì không cùng "nhóm", có phải vậy mà giá trị, chuẩn mực đạo đức truyền thống đến hôm nay chỉ còn là những mảnh ghép rời rạc".


Saigon, những ngày tháng 4-2014.








23 nhận xét :

  1. 1- Cái ông nhiếp ảnh Tây góp thêm tai nạn giao thông cho dân Việt ta.
    Nếu có một ai đó mãi nhìn các đồng chí dân tộc thiểu số lủng lẳng trên cao mà tai nạm chết người thì ông Tây kia tính sao. Mà tại sao ông Huế cũng cứ làm theo, hay là do sùng Tây quá.
    2- Trước kia loạn giá, loạn tiền, loạn quốc ca này thêm loạn sử.
    Sử ta lâu nay nói 18 đời vua Hùng chiếm mất 2000 năm, mỗi đời vua 111,1 năm đã là quá tào lao. Các sử gia như Trần Trọng Kim (VN sử lược) Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Định Công vĩ ( Nhìn lại lịch sử) đều cho kỉ Hồng Bàng là sự bịa dặt. Một đời vua cùng lắm là 20 năm 18 dời vua Hùng cho là 400 năm. hihihi nay không chỉ 2000 năm mà bu tui cộng lai thành ra 2796 năm
    Hèn chi có người nói "Lịch sử là nói cái tệ hại ngày hôm qua để chịu đựng cái tệ hại ngày hôm nay"
    Đúng là chúng ta đang điên dầu chịu đựng...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xem ra người Tây nó cũng có những cái... lôi thôi giống ta quá hả bác Bu :-)

      Đúng là bây giờ loạn sử, ai cũng có thể viết sách, làm bia đá để đời, muốn viết, muốn khắc cái gì trên đó cũng được.

      Điên đầu thật :-(((

      Xóa
  2. Bác Bu điểm báo hay quá.
    -Vụ triển lẫm trên cầu dở , vì chỗ đó không ai để tâm xem hình được.
    -Vụ Vua Hùng, lâu nay người quan tâm đến sử đều biết chuyện các vua Hùng là huyền thoại thôi, hư hư thực, bây giờ cái gì cũng bê tông hóa, cũng dự án ABC nên mới làm con trẻ ngã ngửa vì không hiểu làm sao...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Huyền thoại, mà ông GĐ Sở kia nói là huyền sử nó hư ảo khôn lường, mà đám dưới quyền kia làm bia đá viết cứ như thật, mà lại nói căn cứ theo sách vở của nơi có Đệ nhất đền Hùng thì lạ quá. Xứ ta có nhiều chuyện lạ, kiểu giựt gân, câu khách...

      Xóa
  3. thấm nhất đoạn cuối cùng....
    đáng để thấm thật thấm :(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thỉnh thoảng gặp được bài viết hay trên báo :-)

      Xóa
  4. Để đón nhận và hiểu biết ý nghĩa về một bức tranh , quả thật không dễ gì ngoại trừ cần phải có óc mỹ thuật , chứ nếu không ..chẳng những chẳng hiểu bức tranh nó nói gì mà trái lại đôi khi còn bị choáng nữa cơ ( điển hình là em nè , nhìn hoài mà chẳng hiểu gì ..thế là chạy tét ...) ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ảnh thì dù sao cũng dễ xem hơn tranh, tôi đi xem tranh hoài, nhiều khi xem tới xem lui không hiểu, hìhì, chắc tại mình dở quá thôi.

      Xóa
  5. Hề hề…Có lẽ chúng ta là hậu duệ của những ông vua đến từ vũ trụ nên Hùng Chiêu Vương sống đến 692 tuổi thì: - cũng thường thôi. Hãy xem Nhà Văn hóa anh hùng Vũ Khiêu (mà sĩ phu Bắc Hà gọi là Nhà Văn hóa Hoa Mào Gà) giáng bút ca ngợi làng pháo Bình Đà thời Lạc Long Quân là “Đất rồng chầu phượng múa – Phật chở che: Trăm trứng – Trăm con”. Đạo Phật mới có chưa đến 2.600 năm, trong khi thời đại Hùng Vương theo truyền thuyết là 4.000 năm, thế mà Phật lại vẫn chở che cho trăm trứng trăm con. Thật là phi thường. Vậy nên: - cũng thường thôi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, cũng phải cười theo bác BoBi vì chẳng lẽ huhu mãi, những người làm văn hóa thời nay nó buồn cười, hời hợt, cẩu thả, ngốc nghếch... Phật chở che cho Lạc Long Quân, Ngô Thì Nhậm thì gọi là "đồng chí"..., đình chùa thì đưa những... quái thú vào. Những chuyện quái đản thế rồi trở thành bình thường. Đúng là đại họa cho đất nước!

      Xóa
  6. Cách đây vài hôm, bạn gửi cho một email, ghi đồng chí Ngô Thời Nhiệm là đảng viên đảng Cộng Sản, thấy mà sảng hồn! (https://www.facebook.com/photo.php?fbid=615118281918610&set=a.422030994560674.1073741825.100002613303158&type=1&) Bây giờ lại thêm những việc này, hết nói nỗi dẫu biết rằng mọi thứ sẽ tệ hơn nhưng không ngờ TỐC ĐỘ TỆ NHANH ĐẾN THẾ!
    Linh mục Nguyễn Phương, thầy dạy của HN hồi đại học nói rằng việc nâng quốc thống của VN lên đến năm 2879 là có ý muốn ngang vài phải lứa với Tàu thôi bác ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng đó bác HN, cũng bia đá đàng hoàng ghi Ngô Thì Nhậm là "đồng chí". Một cái xã hội tan nát về văn hóa. Chỉ nghe ông GĐ Sở loanh quanh chống chế thấy ngao ngán. Ông GĐ Sở văn hóa như thế, thì đám con dân có tí quyền trong siêu thị ngang nhiên bắt trói làm nhục người chỉ vì 2 quyển sách đáng giá 20.000 đồng có gì lạ?

      Nhật Bản 20 năm sau khi thảm bại họ thành cường quốc, ở ta thì sắp 40 năm thống nhất xã hội thành ra... đám xà bần. Bây giờ ngành GD đề xuất đề án mấy chục ngàn tỉ để cứu vãn GD, người ta e cứ đà này tiền rồi cũng sẽ trôi ra sông biển mà không khá hơn được :-(((((((

      Xóa
  7. Nhào vô đập chí chết , rồi lúng búng chả biết xây theo kiểu gì cho phải , cho nên thành ra ... đám xà bần như bác nói ? Chắc vậy rồi ):
    Cái bia đặt trong khu tưởng niệm , thật mà cứ y như đùa nhỉ. Chờ cái bia này mòn dễ cũng phải đến trăm năm , trong một trăm năm đó con cháu ta có khi ...khùng mất (:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, mấy chục ngàn tỉ để làm đề án đổi mới toàn diện nền GD, rồi mai mốt ông khác lên lại cải, lại cách, lại đề án, dự án... cứ... xà quần (xà quần ta hiểu là loay hoay, nhưng thực ra nó là tiếng Miên, có nghĩa là say xỉn), có dự án tỉ tỉ thì sẽ có "xà quần" dài dài.

      Bây giờ đâu đâu cũng ham làm bia đá, viết lăng nhăng, cái bia đá ở Bình Đà gì đó mà cụ GS. anh hùng giáng bút cho bài phú, còn ghi rõ ở làng đó có mộ Quốc tổ Lạc Long Quân (cụ tổ được các vua Hùng và dân làng an táng). Lạc Long Quân là truyền thuyết mà lại có mộ thật, lạ quá. Mai mốt con cháu ta đọc các bia đó, rồi đọc sử đúng là sẽ khùng mất :-(((((

      Xóa
  8. 1- Ông Tiến sĩ Hòa thượng Thích Nhật Từ đang làm cách mạng Phật Giáo. Ông Đưa ra hai khái niệm Phật giáo pháp môn và Phật giáo nguyên chất. Nguyên chất chớ không phải nguyên thủy, nguyên thủy có thể không nguyên chất ...hihi
    2- Phật giáo pháp môn mà thiết lý của nó do các tổ đề đề xướng, chẳng hạn: Duy thức tông do hai đại sư là Vô Trước và em trai ông là Thế Thân sáng lập, Thiên thai tông do Trí Khải sáng lập, Tịnh độ tông do Cao tăng Huệ Viễn sáng lập...Theo thầy Từ thì các pháp môn này đi khỏi gốc gác Thích Ca quá xa. Người ta say sưa với các tổ nhánh mà quên luôn ông tổ gốc là đức Như Lai. Vậy nên thầy Từ khuyến cáo phải quay lại với Phật giáo nguyên chất mà cụ thể là các kinh trong hệ Nikaya. Kinh nay đang được Viện Phật học Việt Nam ấn hành có tên là ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM NAM TRUYỀN gồm 10 quyển mỗi quyển dày khoảng 5 cm..(10 quyển dày nửa mét tây!!!). Huhuhu bu tui ếch ngồi đáy giếng mới tìm kiếm được 5 quyển. Đọc chưa hết 10 quyển này thì đã đi chầu ông bà ông vải rồi....Thấy nhà Phật học PNH nói chuyện Đại thừa Tiểu thừa thì cũng thuận tay tán thêm vài câu vậy.

    1- Bạn PNH à
    Bu chép lại còm ở bài Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa
    Đại ý bu muốn nói Thích Nhật Từ cổ xúy cho Phật giáo nguyên chất trong bộ Đại tạng kinh Việt Nam nam truyền chớ không nói ông ấy là dịch thuật hay biên soạn.
    Bộ này do ngài THÍCH MINH CHÂU DỊCH NXB Tôn giáo 2013

    2- Khi nói nhờ bạn xem các nhà sách ..bu .lại không nói rõ ai dịch nên PNH vất vả, thành thật xin lỗi. Sau gáy sách (bu có ảnh trong bài viết của bạn) có đề chữ số thường và số La Mã. Theo chữ số thường bu đã có tập 1,2,3,4,5 không hiểu còn bao nhiêu tập nữa. Nếu 37 tập thì không kham nổi rồi....Bu sẽ theo địa chỉ bạn nói, hôm nào lên SG đi tìm và ngắm chơi hihihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, vậy đúng là bộ này là của ngài Thích Minh Châu, gồm 37 quyển chứ không phải 10 quyển. Tôi hỏi thì người ta nói giá tiền đâu mấy triệu, tôi không nhớ rõ nhưng nếu chia cho 37 quyển thì không đắt. Tôi nghĩ nếu bác Bu muốn có để nghiên cứu lai rai cũng hay.

      Tôi sẽ đi coi lại chính xác, hôm nào bác lên Saigon tôi với bác đi cà phê xem nữa.

      Xóa
    2. Nhất trí cao với PNH
      Người biếu tôi sách nói có 10 quyển
      Có lẽ phải nhìn tận nơi, không mà thấy cũng sướng hihihi

      Xóa
    3. Hihi viết thiếu: Không mua mà...

      Xóa
    4. Không rõ những nơi tôi hỏi họ có đủ bộ này không? Tại mình không mua nên không dám hỏi kỹ lắm, nhưng chỉ nghe họ nói vậy chứ không thấy đưa mẫu sách cho coi. Có khi những loại sách này khó bán nên muốn mua mình phải đến đặt hàng trước đó bác Bu. Thảo nào tôi hỏi vị Đại đức trụ trì quen ngài cũng không biết, ngài nói với tôi có muốn lấy số ĐT của ngài Thích Nhật Từ để hỏi thẳng không thì ngài cho, tôi thấy ngại nên thôi, hihi!

      Hôm nào bác ghé Saigon alô cho tôi, tôi với bác đi lòng vòng xem, cái này tôi cũng khoái.

      Xóa
    5. Mới hay mê cái gì khổ cái ấy

      Xóa
    6. Nhưng có cái mê là sướng rồi bác Bu, chỉ sợ chẳng biết mê cái gì? Hì hì!

      Xóa
  9. Không đọc báo mạng nữa vào đây đọc bác Hiệp điểm báo sướng hơn lại còn có bình luận rất tuyệt nữa. Cám ơn đồng chí Phạm Ngọc Hiệp, he he

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hehe, lâu lâu mới thấy "đồng chí bạn" xuất hiện, cám ơn đã ghé thăm, hy vọng "đồng chí bạn" sẽ có thời giờ ghé bạn bè đều đều. :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))