Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Bản Kiều UNESCO.

Bản Kiều UNESCO.


Hôm chủ nhật (29-12-2013), lan man vào một  nhà sách, tình cờ thấy một quyển Kiều bản mới toanh, có cái tên khá lạ TRUYỆN KIỀU BẢN UNESCO. Từ trước đến nay tôi chỉ nghe qua những bản Truyện Kiều chữ Nôm như bản Kiều Duy Minh Thị (bản Kiều này được in bốn lần ở tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc: Bản Kim Ngọc lâu-1872, bản Văn Nguyên đường-1879, bản Bảo Hoa các-1879, bản Thiên Bảo lâu-1891), những bản này phổ biến ở miền Nam nước ta. Trong khi bản Kiều Liễu Văn đường được in hai lần vào năm 1866 và 1871, phổ biến ở miền Bắc. Ngoài ra còn có những bản Kiều Nôm khác như của Lâm Nọa Phu (1870), Thịnh Mỹ đường (1879), Kiều Oánh Mậu (1902), Quán Văn đường (1925)... Một quyển sách giáo khoa về Truyện Kiều sử dụng trong nhà trường tại miền Bắc xuất bản năm 1972 đã viết, có đến 23 bản Kiều Nôm, và bản Kiều cổ nhất in năm 1871. Từ năm 1972 đến nay (2013) đã trên 40 năm, có lẽ  ít nhất đã có thêm hai bản Kiều là bản Liễu Văn đường in năm 1866, và Lâm Nọa Phu (1870) đã được tìm thấy, và bản Kiều Liễu Văn đường in năm 1866 hiện được xem là bản cổ nhất ở nước ta.

Nói về những bản Kiều Nôm thì có trên hai mươi bản Kiều Nôm đã được tìm thấy kể trên, thực ra không phải là hai mươi mấy bản có nội dung câu chữ được in khác nhau, chẳng hạn như bản Kiều của Duy Minh Thị được in đến bốn lần bởi các nhà in khác nhau (tựa như nhà xuất bản bây giờ), thời gian khác nhau, nhưng sách vở nói nội dung thì vẫn giống nhau, kể cả những chữ được khắc sai. Bản Kiều của Liễu Văn đường được in hai lần cũng thế. Có lẽ ngày xưa việc in sách được thực hiện bằng mộc bản, việc sửa chữa, hiệu đính phải khắc lại bản khác, rất công phu và tốn kém, mất thời gian, không như về sau này in bằng máy móc, hoặc bây giờ có vi tính việc sửa chữa dễ dàng, cho nên tuy có trên hai mươi bản Kiều Nôm, nhưng có lẽ những bản Nôm in khác nhau cũng không nhiều lắm.

 Bản Nôm Kiều Duy Minh Thị, NXB Khoa Học Xã Hội-2010.
 
Ngoài những bản Kiều Nôm, thì xưa nay còn rất nhiều bản Kiều được in bằng quốc ngữ, tôi kể ra vài bản tiêu biểu: Bản Kiều quốc ngữ xưa nhất là bản Kiều do Trương Vĩnh Ký phiên âm in vào năm 1875, bản Truyện Thúy Kiều do Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ hiệu khảo, bản Kim Vân Kiều do Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu chú giải (1925), Kim Vân Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, bản Truyện Kiều Chú Giải do Lê Văn Hòe chú giải, hiệu đính và bình luận, bản Kim Túy Tình Từ do Phạm Kim Chi san định in năm 1917...

Hiện nay đã có khá nhiều bản Kiều Nôm và bản cổ nhất được xác định là bản Liễu Văn đường in năm 1866. Tiểu sử của Nguyễn Du trong đa số sách vở chép ông sinh năm 1766 (có sách chép 1765), mất năm 1820. Về thời gian Nguyễn Du viết Truyện Kiều không có sách nào chép rõ ràng, nhiều sách cho là ông viết sau khi đi sứ Trung Hoa ở Yên Kinh về, trong khoảng thời gian từ 1814 đến trước khi ông mất (1820), lý do là khi đi sứ Trung Hoa Nguyễn Du mới đọc được truyện Vương Thúy Kiều trong tập Ngu Sơ Tân Chí của Đạm Tân Dư Hoài, và nhất là Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, đây là quyển sách được viết theo thể văn xuôi mà từ nội dung, nhân vật của sách này Nguyễn Du đã viết thành Truyện Kiều. Người ta cho là thời của Nguyễn Du không dễ dàng gì một tác phẩm không mấy nổi tiếng như hai quyển trên (hai quyển Vương Thúy Kiều của Đạm Tân Dư Hoài, và Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân) là những tác phẩm không được xem là tác phẩm hay của Trung Hoa, như Kim Bình Mai, Hồng Lâu Mộng, Thủy Hử, Tam Quốc Chí..., khó lòng hai quyển này có mặt tại Việt Nam lúc bấy giờ.

Kim Vân Kiều Tân Truyện, bản Duy Minh Thị.

Vương Thúy Kiều trong tập Ngu Sơ Tân Chí của Đạm Tân Dư Hoài là một người được cho là có thật. Trong truyện cũng có những nhân vật như Từ Hải, một tướng cướp giang hồ ngang dọc, ông quan Hồ Tôn Hiến..., nhưng không nhiều nhân vật như Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, hay Kim Vân Kiều Tân Truyện (Đoạn Trường Tân Thanh) của Nguyễn Du. Vương Thúy Kiều của Đạm Tân Dư Hoài sau cùng trầm mình xuống sông Tiền Đường và chết, chứ không được cứu sống và gặp lại Kim Trọng, như trong tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân và của Nguyễn Du.

 Một trang chữ Nôm của bản Kiều Duy Minh Thị.

Tuy có khá nhiều bản Kiều Nôm đã được tìm thấy, và bản cổ nhất được in năm 1866, nhưng giới nghiên cứu cũng không thể xác định được trong số đó có bản nào là nguyên tác do chính Nguyễn Du viết. Từ khi Nguyễn Du mất năm 1820 đến năm 1866  in bản Kiều của Liễu Văn đường là 46 năm, gần nửa thế kỷ đã trôi qua. Trong bản Kiều Nôm Liễu Văn đường 1866 có một bài đề tựa theo thể thơ Đường Thất ngôn bát cú của Phạm Quý Thích (1760-1825), người sống cùng thời, có ra làm quan dưới triều Lê và triều Nguyễn, là bạn của Nguyễn Du, giới nghiên cứu Truyện Kiều cho là bản này có thể gần với nguyên tác nhất.

Trở lại Truyện Kiều Bản UNESCO được in ở trang bìa quyển sách. Đây là quyển Kiều được đính kèm trong Hồ sơ khoa học của Việt Nam, đề nghị vinh danh Nguyễn Du đã được đánh giá cao, và ngày 12/4/2013 Ban chấp hành UNESCO họp tại Paris đã ra Nghị quyết 191EX/32 đề nghị Đại hội đồng UNESCO vinh danh Nguyễn Du, cùng 92 Danh nhân văn hóa thế giới của các nước được vinh danh đợt 2014-2015. Sách đã được biên soạn theo các tiêu chí đã được giới thiệu trong Hồ sơ khoa học của Ban vận động trình UNESCO. Tuy ghi như thế nhưng sách cũng không cho biết tiêu chí của UNESCO gồm những gì? Và khi soạn sách này Ban Biên tập đã căn cứ chính trên những bản Kiều chữ Nôm và bản Kiều quốc ngữ nào? (Tuy ở phần Tài liệu tham khảo bản Kiều UNESCO có ghi khá nhiều quyển Kiều Nôm và Kiều quốc ngữ). Sách gồm ba phần: Phần giới thiêu giá trị Truyện Kiều, phần văn bản Truyện Kiều, và phần chú giải câu chữ. Và sách đã được in dưới tên như tôi đã viết trên tựa.

 Một trang in hình của bản Kiều UNESCO.

Tôi cũng chỉ mới đọc xong phần đầu của sách (phần giới thiệu), thấy đã khá hay, thử đọc lướt qua một số đoạn của phần hai (phần Truyện Kiều), thấy bản Kiều UNESCO có phần theo sát chữ của những bản Kiều Nôm, tương tự như bản Tìm nguyên tác Truyện Kiều của Vũ Văn Kính mà tôi đã nói ở entry trước, chẳng hạn như ở câu Kiều số 4 Những điều trông thấy đã đau đớn lòng (đa số bản quốc ngữ chép chữ ), hoặc câu số 8 Phong tình lục còn truyền sử xanh (đa số bản quốc ngữ chép là cổ), câu 648 Giờ lâu ngã giá, vâng ngoài bốn trăm (đa số bản quốc ngữ chép là vàng). Ở đây tôi không muốn đào sâu vào việc tìm kiếm những chữ khác biệt của bản Kiều UNESCO với các bản Kiều quốc ngữ thông dụng xưa nay, mà chỉ muốn trích lại vài nội dung liên quan đến Truyện Kiều thấy hay, mà sách đã viết ở phần thứ nhất là phần giới thiệu:

Truyện Kiều của Nguyễn Du đã sớm bước vào học đường từ năm 1914, trong chương trình Việt văn của các trường Trung học Pháp-Việt. Cuốn Sách Việt văn hợp tuyển giảng nghĩa của Lê Thành Ý-Nguyễn Hữu Tiến in năm 1925, giảng 6 trích đoạn Truyện Kiều, Cuốn Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm trích 7 đoạn Truyện Kiều. Hiện nay các trích đoạn Truyện Kiều đã được giảng dạy trong chương trình bậc Trung học và Đại học tại Việt Nam. Từ năm 1973 ở Mỹ Truyện Kiều cũng đã được đưa vào giảng dạy tại một số trường Đại học, trong các môn dạy về Việt Nam và Đông Nam Á.

 Trang đầu của truyện Kiều trong bản Kiều UNESCO, hàng trên là quốc ngữ, hàng dưới là chữ Nôm.

Truyện Kiều đã được trình diễn trên sân khấu, với vở Kim Vân Kiều của Trương Duy Toản, được gánh hát cải lương Châu Văn Tú (Năm Tú) trình diễn lần đầu năm 1920 ở Mỹ Tho. Vở Kiều của Nhà hát cải lương Hà Nội được công diễn ở Thụy Sĩ 12 đêm liên tục năm 1995. Năm 1924 bộ phim Kim Vân Kiều do hãng phim và chiếu bóng Đông Dương (Indochine films et cinémas) của Pháp quay tại Hà Nội và làm hậu kỳ ở Pháp. Ngày 19-9-1924 bộ phim Kim Vân Kiều đã được công chiếu buổi ra mắt tại rạp Casino Saigon. Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ trên thế giới.

Từ năm 1953, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được in tại Paris, trong bộ "Từ điển các tác phẩm của mọi thời đại và của mọi xứ sở", cùng với các kiệt tác của thế giới từ cổ đại Ai Cập, cổ đại Trung Hoa, đến Âu Mỹ hiện đại. Năm 2000, khi đến thăm Việt Nam, Tổng thống nước Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton đã đọc hai câu Kiều, trong lời đáp từ tại buổi chiêu đãi của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam ở Hà Nội ông nói: "Nhân dân Hoa Kỳ vui mừng vì đã đến lúc chúng ta có thể trở thành đối tác, như trong Truyện Kiều đã viết Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân". Quả là một câu nói ngoại giao tuyệt vời của Tổng thống Mỹ.

Hôm nay là ngày 31-12-2013, ngày cuối cùng của năm tính theo Tây lịch, tôi lan man nói về một chuyện của Ta là Truyện Kiều, cũng mong có thể Mua vui cũng được một vài trống canh. Thân chúc các bạn xa gần môt năm mới Cát Tường & Như Ý.

Saigon, ngày cuối năm 31-12-2013


Tham khảo:

- Truyện Kiều, Đặng Thanh Lê trích, giới thiệu và chú thích, NXB Giáo Dục-Hà Nội in lần thứ ba-1972.
- Tìm nguyên tác Truyện Kiều, Vũ Văn Kính, NXB Văn Nghệ TP. HCM & TT Nghiên Cứu Quốc Học-1998.
- Tìm hiểu Văn học cổ điển Việt Nam, Võ Đại Mau-Võ Thị Diễm Hương, NXB Đại Học Quốc gia TP. HCM-2003.
- Truyện Kiều, bản Nôm Duy Minh Thị, Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo đính, NXB Khoa Học Xã Hội- 2010.
- Truyện Kiều Bản UNESCO, Ban Biên soạn TS Phan Tử Phùng (chủ biên), Phan Văn Các, Thế Anh, Nguyễn Khắc Bảo, Trần Thế Hào, Trần Đình Tuấn, NXB Lao Động-Quý IV 2013.



Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Nhân đọc một bài viết bàn về Truyện Kiều.

Kim Vân Kiều Tân Truyện. Ảnh Internet.


Từ xưa tới nay, kể từ khi Nguyễn Du viết truyện Kiều (đúng tên là Đoạn Trường Tân Thanh, tên khác Kim Vân Kiều Tân Truyện) bằng chữ Nôm đến nay, đã có biết bao nhiêu bài viết bàn về truyện Kiều. Người ta giảng Kiều, ngâm Kiều, vịnh Kiều, chèo Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều, và cả bói Kiều... Mới đây tôi được đọc một bài viết trên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay (số 841, 20-12-2013), của tác giả Cổ Mộ nhân về hai bài viết Cò kè bớt một thêm hai... của Nguyễn Cẩm Xuyên (Tạp chí KTNN số 836), và Đúng là "vâng ngoài bốn trăm" của Nguyễn Quảng Tuân (Tạp chí KTNN số 838), bàn về Truyện Kiều. Việc bàn này ở chữ thứ 5 trong câu 648 của truyện Kiều: Giờ lâu ngã giá vâng/vàng ngoài bốn trăm. Câu này nằm trong đoạn Kiều bán mình chuộc cha.

Để tiện theo dõi tôi sẽ chép lại đoạn này, khi Mã Giám Sinh đến hỏi Kiều về làm thiếp, theo bản Kiều của Đào Duy Anh, được in trong Từ điển Truyện Kiều, lần xuất bản đầu in năm 1974:

Mối rằng: Giá đáng nghìn vàng
Dớp nhà nhờ lượng người thương dám nài
Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm (câu 648)

Bài báo của tác giả Cổ Mộ viết: "Từ điển Truyện Kiều in lần thứ 2 do Phan Ngọc bổ sung và sửa chữa (NXB Khoa học & Xã hội-1989), diễn giải chữ "vâng" trong câu Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm: "Các bản nôm đều chép là vâng, nhiều bản quốc ngữ phiên là vàng. Theo nguyên Truyện (Kiều), Mã Giám Sinh mua Kiều với giá 430 lạng bạc. Anh N.Q.T (Nguyễn Quảng Tuân?) đã đề nghị đổi là vâng, trong lần tái bản, cụ Đào đã đổi lại là vâng trước khi có ý kiến của N.Q.T. (tr.499). Đoạn viết này cho chúng ta biết, trong bản Kiều xuất bản trước đó, cụ Đào Duy Anh đã từng chép là "vàng". Thêm các bản Kiều của Lê Văn Hòe (1953), Bùi Kỷ (1958), Nguyễn Thạch Giang (1972) cũng phiên là vàng, chứng tỏ đây không phải là do "lỗi đánh máy", mà là sự sửa chữa có chủ ý, vì không thể có chuyện các học giả về cổ học tinh thông chữ Hán, chữ Nôm như kể trên lại nhầm lẫn , (vâng) với (vàng) được. Tác giả Cổ Mộ cũng ghi nhận tiếp: "vấn đề vâng/vàng chính là ở chỗ "nhuận sắc".

Từ điển Truyện Kiều - Đào Duy Anh, bản in lần đầu năm 1974.



Từ điển Truyện Kiều, tái bản. Ảnh Internet.

Trở lại với câu thơ (648) trong truyện Kiều của Nguyễn Du ghi trên, ngoài vấn đề ghi vâng theo như các bản chữ Nôm, hay vàng theo như "nhuận sắc", các học giả, những nhà nghiên cứu còn bàn về "ngoài bốn trăm" ở đây là ngoài bốn trăm lạng vàng hay bạc. Chuyện này theo bài viết của tác giả Cổ Mộ có 2 ý kiến của 2 phái như dưới đây:

- Về phái vàng: đứng đầu là GS Mai Quốc Liên* với ý kiến: "Cụ Tiên Điền viết văn Kiều cho người Nam đọc, theo cái cách nghĩ, cái tâm thức Việt: quý như vàng. Nàng Kiều tuyệt sắc của ta phải bán 400 lạng vàng, mới là Kiều - còn 400 lạc bạc thì hơi yếu, nó làm 'giảm giá' Kiều đi đấy. Vả lại, về mặt âm vận, vàng là một âm trầm, bình thanh, đi sau một âm bổng, bình thanh (giọng ngang). Nhưng nhất là 'vâng', nói như một giáo sư cũng soạn sách giáo khoa, nó thụ động quá".

- Về phái bạc: có thể lấy ý kiến của cụ Nguyễn Quảng Tuân** làm đại diện. Ông đã dựa trên thực tế văn bản Nôm, đồng thời đối chiếu với lam bản Truyện KiềuKim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân cũng như thực tế "thị trường" để khẳng định "vâng" là "chữ của tác giả" (Nguyễn Du) và "ngoài bốn trăm" là hơn 400 lạng bạc, bác bỏ "vàng".

Qua nôi dung bài viết trên, và ý kiến của hai "phái" về vấn đề chữ thứ 5 của câu 648 truyện Kiều là vâng hay vàng, và ngoài bốn trăm lạng Mã Giám Sinh "mua" Kiều là vàng hay bạc, theo thiển ý:

- Trước hết tôi muốn nói qua về Truyện Kiều, như chúng ta đã biết, Truyện Kiều, tên chính thức là Đoạn Trường Tân Thanh, Kim Vân Kiều Tân Truyện là do Nguyễn Du (1765-1820, cũng có sách chép 1766-1820) viết, dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, có sách chép là biệt hiệu của Từ Vị (1521-1593), người đời Minh, tự là Văn Tường, hiệu là Thanh Đằng Đạo Sĩ, Thiên Từ Sơn Nhân, Điền Thủy Nguyệt. Về nội dung, cốt truyện, tên nhân vật thì Truyện Kiều đã được Nguyễn Du lấy nguyên mẫu theo như Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, đối với Truyện Kiều của Nguyễn Du thì bản Kim Vân Kiều Truyện thường được gọi là lam bản hay nguyên truyện Kiều.

Trong một quyển sách viết về Truyện Kiều dùng trong trường học, do NXB Giáo Dục Hà Nội xuất bản vào năm 1972 ghi chú có tất cả 23 bản Truyện Kiều chữ Nôm, cổ nhất là bản in năm 1871 được lưu trữ ở Thư viện trường Sinh ngữ Phương Đông, Paris, bản Kiều chữ Nôm gần nhất là bản in năm 1939. Còn bản Kiều in bằng chữ quốc ngữ xưa nhất vào năm 1875. Pétrus Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên dịch Truyện Kiều từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ, có lẽ bản in năm 1875 là bản của Trương Vĩnh Ký. Từ năm 1972 đến nay đã có thêm ấn bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm đã được tìm thấy. Học giả Nguyễn Quảng Tuân cũng đã cho xuất bản Truyện Kiều bản Liễu Văn Đường in năm 1866, là bản Kiều cổ nhất đến nay do ông khảo đính.

 Ảnh Internet.

Trở lại chuyện trong câu Kiều 648 thì chữ thứ 5 là vâng hay vàng? Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm? hay vàng ngoài bốn trăm? Như tôi đã viết bên trên, trong bài viết của tác giả Cổ Mộ đã ghi rõ, trong lần in thứ hai của Từ điển Truyện Kiều do Phan Ngọc bổ sung và sửa chữa, đã sửa chữ vàng của câu 648 trong lần xuất bản đầu thành chữ vâng, và cũng ghi thêm "các bản nôm đều chép là vâng". Như vậy chữ thứ 5 của câu 648 này là vâng chứ không phải là vàng. Trong khi bản Truyện Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo ghi là vàng, thì bản Kiều trong quyển "Tìm nguyên tác Truyện Kiều" của Vũ Văn Kính*** đã phiên âm đúng là vâng. Bản Kiều Duy Minh Thị**** bằng chữ Nôm in năm 1872 do học giả Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo đính cũng ghi là vâng

Như vậy câu 648 của tất cả các bản Nôm Kiều đều ghi là Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm. Sau này rất nhiều bản Kiều in chữ quốc ngữ đã sửa thành vàng. Như ta đã biết chữ Nôm vâng , với vàng chép rất khác nhau, không thể nhầm lẫn chữ này sang chữ kia như vângvàng của chữ quốc ngữ. Những bản chép là vàng, là đã có chủ đích sửa vâng thành vàng, chứ không thể là nhầm lẫn khi dịch từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ, ngoại trừ trường hợp không dịch, mà chép lại từ bản quốc ngữ đã được sửa chữ vâng thành vàng.

Việc sửa chữa này được tác giả Cổ Mộ gọi là "nhuận sắc". Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ, Hoàng Phê chủ biên giải nghĩa chữ "nhuận sắc" như sau: Sửa chữa, trau chuốt (một tác phẩm) cho thêm hay. Về vấn đề này, thiết tưởng cũng nên nhắc lại ý kiến của cố GS Nguyễn Tài Cẩn, người đã có nhiều công trình nghiên cứu về truyện Kiều. Bài viết trên Tri Thức Thời Đại (02-4-2013) có nhắc lại ý kiến của ông: "Đó là chưa kể đến cái tật "nhuận sắc" tùy theo sở học và thị hiếu của từng người. Đã có những ông hoàng xứ Huế tự ý chữa thơ Nguyễn Du cho... hay hơn"

Tôi thiết nghĩ người ta có thể hiệu đính, hiệu khảo, hay khảo đính, tức là "Xem xét, đối chiếu và chữa lại văn bản cho đúng", hay "Tra cứu để chữa lại cho đúng" một tác phẩm, là xem xét những chỗ sai, hoặc vô nghĩa, ý nghĩa không rõ..., có thể là những lỗi do in ấn..., để cho tác phẩm hoàn chỉnh hơn, chứ không thể nào "nhuận sắc" tự ý thay đổi chữ nghĩa của bản đã căn cứ để dịch, như trường hợp chữ thứ 5 trong câu 648 Kiều ghi trên. "Nhuận sắc" chỉ có thể được khi do chính tác giả tác phẩm ấy làm, khi tác giả muốn thay đổi ý nghĩa, câu cú của tác phẩm. Nếu ai cũng có thể "Nhuận sắc" kiểu này thì Truyện Kiều của Nguyễn Du sẽ ra sao? Lúc ấy sẽ chỉ còn toàn là những chữ, những ý của những người "nhuận sắc" Truyện Kiều, chẳng còn kiếm đâu ra chữ và ý của cụ Nguyễn Du nữa.

"Nhuận sắc" như thế, cũng tựa như chuyện người ta đang cố tình cải tạo, tự ý thêm thắt những chi tiết kiến trúc mới theo ý của mình, phá vỡ đi cái kiến trúc xưa của những công trình đền đài, đình, chùa cổ cần được bảo tồn. Có lẽ cũng bởi nhận ra điều này mà ở lần tái bản (in lần thứ 2) của Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, NXB Khoa học Xã hội-1989, do Phan Ngọc bổ sung, sửa chữa, đã sửa chữ vàng thành chữ vâng, đúng theo các bản Kiều Nôm.

Chữ vâng trong câu Kiều 648 Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm tôi thấy rất hay. Chúng ta thử xét: Đây là đoạn tả sau khi nhà Vương ông bị gã bán tơ vu oan, quan quân nhân đó kéo đến cướp bóc, bắt Vương ông và Vương Quan đem giam cầm tra khảo, may nhờ có người nha dịch già họ Chung ở nha phủ có lòng từ tâm, bày cho Kiều ba trăm lạng lo lót cho quan thì mới mong cha và Vương Quan thoát cảnh tù tội, và Kiều đã phải nhờ mai mối bán mình cho Mã Giám Sinh để có tiền cứu cha và Vương Quan. Bởi thế cho nên mới có đoạn "ngã giá" mai mối Kiều cho Mã Giám Sinh (đoạn này tôi chép từ bản Kiều Duy Minh Thị):

Mối rằng: "Đáng giá nghìn vàng,
Rớp nhà nhờ lượng người thương dám nài".
Và cuối cùng là:
Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm.

Mối (mai mối) thì "quảng cáo" cho "món hàng" của mình là Thúy Kiều "Đáng giá nghìn vàng", có lẽ chữ nghìn vàng không phải để chỉ con số chính xác một nghìn lạng vàng phía bên người mối muốn đòi hỏi, mà đây chỉ là con số có ý nghĩa tượng trưng người mối muốn nói đến giá trị của một con người tài hoa Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh như Thúy Kiều. Sau một hồi "Cò kè bớt một thêm hai", thì người mối mới đành thở dài vâng (chữ vâng nghe như là "đành vậy", trong lúc cùng quẫn và gấp gáp cần có tiền để lo lót cứu Vương ông, đành chịu ngoài bốn trăm lạng vậy), hoặc là sau hồi lâu ngã giá thì người mối đành đồng ý gật đầu nói vâng, và giá được "chốt" trong việc mua Thúy Kiều của Mã Giám Sinh là ngoài bốn trăm lạng.

Đấy là nói về chữ vâng hay chữ vàng trong câu kiều 648. Tất cả các bản Nôm cổ đều chép là vâng, không có bản nào chép là vàng. Người dịch cần phải tôn trọng chữ nghĩa của bản gốc.

- Sau nữa là ngoài bốn trăm này là gì? Ngoài bốn trăm lạng bạc hay lạng vàng? Trong câu 648 của Truyện Kiều không nói rõ, bản thân tôi thấy ý kiến của học giả Nguyễn Quảng Tuân là hợp lý, ông đã căn cứ trên nguyên truyện Kiều là Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân là ngoài bốn trăm lạng bạc, chứ không phải là vàng để xác định, vì rõ ràng Truyện Kiều của Nguyễn Du viết hoàn toàn dựa theo nội dung, cốt truyện, nhân vật, thời gian, không gian của Kim Vân Kiều Truyện, nếu nói theo từ ngữ bây giờ thì Truyện Kiều là một tác phẩm mà Nguyễn Du đã phóng tác từ Kim Vân Kiều Truyện. Thanh Tâm Tài Nhân là người sống dưới thời nhà Minh, Kim Vân Kiều Truyện được ông lấy bối cảnh thời của ông, xã hội thời ấy chắc hẳn đơn vị quý kim giao dịch trong dân là bạc chứ không phải là vàng, Truyện Kiều ngay ở những câu đầu đã khẳng định thời gian của câu truyện "Rằng: năm Gia Tĩnh triều Minh" (Gia Tĩnh: niên hiệu vua Thế Tông,  Trung Hoa-1522-1566). Vả lại khi muốn "nâng giá" của Kiều từ bạc thành vàng, "giới vàng" đã phải thay chữ vâng bằng chữ vàng ở chữ thứ 5 để xác định giá trị của ngoài bốn trăm lạng, đã tự ý bỏ mất một chi tiết rất hay là chữ vâng, chi tiết này diễn tả cái "cũng đành gật đầu đồng ý với giá ngoài bốn trăm lạng" của người mối.

Cố nâng giá trị của Kiều từ bạc lên vàng có lẽ cũng chẳng hay, đấy là một ý tưởng có vẻ nghiêng về... vật chất và thực dụng, bởi vì giá trị đích thực của Thúy Kiều thiết nghĩ đâu phải ở chuyện vàng hay bạc?

Ghi chú:

* GS Mai Quốc Liên: Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, Tổng Biên tập Tạp chí  Hồn Việt - Hội Nhà Văn Việt Nam. Ông được trao giải thưởng Balaban của Hội Bảo tồn Di sản Chữ Nôm (VNPF) trong việc bảo tồn văn hóa di sản Hán Nôm.

** Nguyễn Quảng Tuân: Nhà văn, nhà thơ, cựu học sinh trường Bưởi Hà Nội, ông chuyên về nghiên cứu Hán Nôm, là một người say mê nghiên cứu Truyện Kiều của Nguyễn Du. Trong một bài báo viết về ông, ông cho biết có cả ngàn bản Truyện Kiều in ấn xưa nay, cả chữ Nôm và chữ quốc ngữ, ông đã viết và xuất bản rất nhiều biên khảo riêng về Truyện Kiều. Năm 2010 ông đã được Hội Bảo tồn Di sản Chữ Nôm (VNPF) trao giải thưởng Balaban nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của ông trong việc bảo tồn văn hóa di sản văn hóa Hán Nôm.

*** Vũ Văn Kính: là tác giả của Tự Điển Chữ Nôm, soạn chung với Nguyễn Quang Xỹ do Trung Tâm Học Liệu - Saigon in năm 1971, và Đại Tự Điển Chữ Nôm, NXB Văn Nghệ TP. HCM & TT Nghiên Cứu Quốc Học-2010 (tôi may mắn có được 2 quyển từ điển chữ Nôm này để thỉnh thoảng tra cứu). Ông là một người rất am hiểu về chữ Nôm. Quyển Tìm nguyên tác Truyện Kiều của ông viết rất kỹ lưỡng, cẩn thận, ông đối chiếu đến 3 bản Kiều Nôm và 5 bản Kiều quốc ngữ (có ghi rõ là những bản nào, do ai in ấn, hiệu khảo, xuất bản năm nào, một nguyên tắc cần thiết và khoa học của nhà nghiên cứu), cùng những nhận xét, so sánh, lý luận, để cố gắng đưa ra một bản Truyện Kiều mà ông cho là "gần với nguyên tác" nhất. Khi chọn một chữ nào đó ở những bản in khác nhau, ông đều ghi chú chữ của các bản khác biệt, và giải thích vì sao lại chọn chữ ấy. Chẳng hạn ngay ở những câu đầu của Truyện Kiều "Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy đã đau đớn lòng". Ông dùng chữ đã bởi vì cả 3 quyển Kiều Nôm đều chép là đã, trong khi rất nhiều bản Kiều quốc ngữ quen thuộc viết là , , hai chữ đã chữ Nôm hoàn toàn khác biệt. Một quyển sách cần thiết cho những ai muốn tìm hiểu về Truyện Kiều.

**** Duy Minh Thị: là bút hiệu một cư sĩ người Minh Hương, tên thật là Trần Quang Quang đã tân san Truyện Kiều và đưa in ở Quảng Đông-Trung Quốc, thợ Trung Quốc khắc bản gỗ không giỏi, không những sai chữ Nôm mà còn sai cả chữ Hán ở những chữ rất thông dụng như PHÚC, LỘC, THỌ. Nhận xét về bản Kiều Duy Minh Thị GS Nguyễn Tài Cẩn đã nói "đầy rẫy sai lầm", còn GS Hoàng Xuân Hãn "nhiều khi người ta cho là bản một người dốt chép lại".


Tham khảo:

- Kiều có giá bao nhiêu? Cổ Mộ, Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 841/20-12-2013.
- Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh, NXB Khoa Học Xã Hội, bản in lần đầu-1974.
- Truyện Kiều, Đặng Thanh Lê trích, giới thiệu và chú thích, NXB Giáo Dục-Hà Nội in lần thứ ba-1972.
- Tìm nguyên tác Truyện Kiều, Vũ Văn Kính, NXB Văn Nghệ TP. HCM & TT Nghiên Cứu Quốc Học-1998.
- Kiều, Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, NXB Thanh Niên-1999.
- Tìm hiểu Văn học cổ điển Việt Nam, Võ Đại Mau-Võ Thị Diễm Hương, NXB Đại Học Quốc gia TP. HCM-2003.
- Truyện Kiều, bản Nôm Duy Minh Thị, Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo đính, NXB Khoa Học Xã Hội- 2010.


Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Những Địa danh mang tên cây cỏ, hoa ở Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh.

Ảnh Internet.

TP. HCM bây giờ xưa kia được gọi là Sài Gòn, và tên gọi Sài Gòn đã có ít nhất trên ba thế kỷ nay. Sách Gia Định Thành Thông Chí viết: "Mùa xuân năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Nguyễn Hữu Kính (còn gọi là Nguyễn Hữu Cảnh) làm kinh lược, lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, đặt dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa) và dinh Phiên Trấn (tức Gia Định). Mỗi dinh đều đặt chức lưu thủ, cai bạ, ký lục để cai trị". Trải qua hơn ba trăm nay lịch sử Sài Gòn có rất nhiều thay đổi về mọi mặt, những thay đổi về địa lý, chính trị, xã hội... trong đó có những thay đổi về địa danh... Xưa kia khi còn thuộc Chân Lạp Sài Gòn có tên là Prey Nokor có nghĩa là "phố ở giữa rừng", còn là một vùng rừng rậm hoang vu đầy sông rạch, do phó vương Chân Lạp Nặc Ong Nộn cai trị. Sài Gòn năm xưa, và TP. HCM ngày nay có khá nhiều địa danh mang tên cây cỏ, có những tên hiện nay vẫn còn được sử dụng trong sách vở, hoặc trong dân gian, cũng có những địa danh về hoa mới được đặt sau này.

Trên địa bàn thành phố qua ba thế kỷ có đến 271 địa danh mang tên cây cỏ, khoảng 132 địa danh chỉ sông rạch, và có gần 100 loài cây cỏ được kể tên. Trong bài Gia Định phú (tác giả vô danh) có kể đến một số địa danh mang tên cây cỏ như: Vườn Mít (Xóm Vườn Mít ở khu vực quận 1, khoảng tòa án TP bây giờ); Chợ Cây Da Thằng Mọi (Chợ Cây Da Thằng Mọi cũng ở quận 1, khu vực đường Cống Quỳnh-Ngã Sáu Nguyễn Trãi); Làng Cây Gõ, Cầu Cây Gõ (Làng Cây Gõ, Cầu Cây Gõ ở vùng Phú Lâm nay thuộc quận 6); Gò Vấp (Gò Vấp, tên chính là Gò Vắp, gò có trồng nhiều cây vắp. Vắp có nguồn gốc từ tiếng Khmer Kompăp, là một loại cây gỗ cứng như gỗ lim được dùng trong xây dựng, trong một câu phú khác có nói đến gỗ cây vắp "Cái rạch cầu Con Miên, thấy làm nguyên cột vắp ván trai", cầu Con Miên (Cao Miên), sau đổi tên thành Cầu Hoa, ngày nay là Cầu Bông, giáp ranh quận 1 và quận Bình Thạnh bây giờ); chợ Cây Vông (Chợ Cây Vông gần Cầu Bông, ở lối nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, bây giờ là công viên Lê Văn Tám quận 1); Chùa Cây Mai" (Chùa Cây Mai nay không còn, xưa tọa lạc trên Gò Cây Mai, thuộc quận 11).

Tôi thử kể tên một số các loài cây cỏ, hoa được đặt cho địa danh trong khắp các quận, huyện của Sài Gòn xưa cũng như ngày nay là TP. HCM:

Quận 1: Hẻm Cây Điệp (quận 1), Rạch Cây Cám (Cám là loại cây lớn, trái có phấn nhám như cám); Quận 3: Chợ Vườn Chuối, Nhà thờ Vườn Xoài; Quận 4: Cầu Dừa; Quận 5: Chợ Bàu Sen, Xóm Trĩ (Trĩ là loại cây sác); Quận 6: Cây Da Xà (cây Da có nhiều rễ nhánh xuống đất, gọi chệch thành ), Kênh Hàng Bàng (Hàng Bàng ở đây là hàng cây bàng); Quận 7: Rạch Bàng (Bàng ở đây là một loại cỏ gọi là cỏ bàng),Quận 8: Đường Cây Sung, Xóm Cui, Rạch Cui (Cui là một loại cây to gỗ tạp cứng nhưng giòn); Quận 9: Cầu Rạch Chiếc (Chiếc có tên gốc Khmer Prêk Cèk, là loại cây bụi thường mọc ở ven sông rạch, lá có thể ăn như rau), Rạch Bần (còn gọi là Thủy liễu, là loại cây to thường mọc ven bờ nước, lá có vị chua, chát); Quận 10: Vườn Lài (Lài, hoa nhài); Quận 11: Đầm Sen; Quận 12: Gò Sao (Sao là loại cây cổ thụ cao, thân thẳng có trái tới mùa rơi quay tít trong gió, gỗ dùng để đóng ghe thuyền).

Ở quận Bình Thạnh có: Cầu Sơn (Sơn là cây sơn ta dùng trong sơn mài), Ngã Ba Hàng Xanh (tên đúng là Sanh, cây sanh một loại cây như cây si), Ngã Ba Cây Quéo, Chợ Cây Quéo (Quéo là một giống xoài trái nhỏ, hơi tròn, vị chua), Ngã Tư Cây Thị, Chợ Cây Thị (Cây Thị trong truyện Tấm Cám, quả có mùi thơm); Quận Phú Nhuận: Cầu Kiệu (củ kiệu); Quận Tân Bình: Vườn Điều (hạt điều làm thực phẩm); Quận Tân Phú: Gò Dầu (Dầu là cây gỗ dùng trong xây dựng); Quận Thủ Đức: Rạch Quao (Quao là loại cây có lá có chất nhuộm màu đen), Suối Lồ Ồ (Suối bắt nguồn từ Bình Dương chảy qua quận Thủ Đức, Lồ Ồ là một loại tre thân to), Gò Dưa (tên vùng đất); Huyện Hóc Môn: Môn là cây môn nước; Vườn Trầu (Mười tám thôn Vườn Trầu), Rạch Nhum (Nhum là loại cây giống như cau), Giồng Bằng Lăng (Bằng lăng là loại cây gỗ dùng trong xây dựng); Huyện Củ Chi: Củ Chi là tên dân gian gọi cây mã tiền, dùng làm thuốc, Bàu Lách (Lách là một loại cỏ thân tròn, cao đến 2-3m, có đốt như mía), Ấp Cây Sộp (Sộp là loại cây mộc thân to lá xanh đậm, mọc chùm dày, đọt trắng, mùi vị chua, chát), Ấp Cây Trôm (Cây Trôm là loại cây cổ thụ cho mủ trong, ăn mát); Huyện Bình Chánh:  Rạch Bà Môn (Môn là cây môn nước); Huyện Cần Giờ: Cầu Dần Xây (Dần Xây tên đúng là Giằng Xay, tên một loại cây dân gian dùng làm thuốc), Sông Cần Giuộc (Cần Giuộc tên gốc Khmer là Kantuôt, là cây Chùm Ruột, Tầm Ruột), Rạch Chà Là (Cây Chà Là có trái làm mứt)...


Mấy năm trở lại đây ở TP HCM có những con đường mang tên các loài hoa, những con đường này ở quận Phú Nhuận, thuộc khu dân cư mới được chỉnh trang, xây dựng, quanh khu vực đường Phan Xích Long. Các con đường có tên là đường Hoa Mai, Hoa Đào, Hoa Sứ, Hoa Cúc, Hoa Sữa, Hoa Huệ, Hoa Hồng, Hoa Lan. Những con đường mang tên các loài hoa nghe khá lãng mạn...


Tham khảo:

- Từ điển TP Sài Gòn - Hồ Chí Minh, nhiều tác giả, NXB Trẻ-2001.
- Hỏi đáp về Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh, nhiều tác giả, NXB Trẻ-2006
- Sổ tay Địa danh TP. HCM, Lê Trung Hoa - Nguyễn Đình Tư, NXB Văn Hóa & Văn Nghệ-2012.



Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Giáng sinh xóm đạo.



Hôm nay đã là 22 tháng 12, chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày lễ Giáng sinh, tiếng Pháp gọi là Noel, tiếng Anh là Christmas, là ngày lễ kỷ niệm Chúa Jesus ra đời, như vậy theo lịch là 2013 năm. Noel, là từ tiếng Pháp có nguồn gốc từ tiếng Latin "natalis", có nghĩa là "(ngày) sinh". Cũng có ý kiến khác cho là Noel bắt nguồn từ tước hiệu Emanuel, tiếng Hebrew (tiếng Do Thái cổ) có nghĩa là "Thiên chúa ở cùng chúng ta", đã được chép trong sách phúc âm Matthêu.

Trong tiếng Anh lễ Giáng sinh được gọi là Chistmast (viết tắt là Xmas), chiết tự gồm 2 chữ: Christ (tiếng Việt phiên âm là Ki Tô hay Cơ Đốc, có nghĩa là Đấng được xức dầu), để gọi Chúa Jesus, chữ Mas có nghĩa là Thánh lễ. Christmas có nghĩa là Ngày lễ của Đức Ki Tô. Chúa Jesus, người sáng lập ra Thiên chúa giáo, nhưng ngày lễ kỷ niệm ngày sinh của Ngài không chỉ các giáo dân Thiên chúa giáo đón mừng, còn là một ngày lễ chung vui trên thế giới, cho mọi người.



Nói đến lễ Giáng sinh, có lẽ không thể không nhắc đến Ông già Noel, Ông già tuyết, người Pháp gọi là Le père Noel, Papa Noel, người Anh gọi Santa Claus, thánh Nicolas, một nhân vật có thật theo sách vở, sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ III đầu thế kỷ thứ IV ở vùng Lycea (Tiểu Á) ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Truyền thuyết cho rằng Ông già Noel sống ở Bắc Cực với những người lùn, Ông là một người vui tính, dành đa số thời gian trong năm để chuẩn bị quà, đồ chơi cho trẻ em vào dịp lễ Giáng sinh, với sự trợ giúp của các chú lùn. Vào dịp lễ Giáng sinh Ông già Noel nhận được rất nhiều thư của trẻ em từ khắp nơi trên thế giới gởi đến, và vào đêm Chúa giáng sinh 24 tháng 12, Ông sẽ đến từng nhà của những đứa trẻ trên chiếc xe trượt tuyết do những con tuần lộc kéo, trong bộ quần áo màu đỏ, đội mũ len đỏ, để phát những gói quà và những món đồ chơi cho chúng.

Trong dịp lễ Giáng sinh cũng là dịp đón mừng năm mới, khu trung tâm đường phố Saigon rực rỡ ánh đèn màu, và tiếng nhạc rộn rã trong các cửa hiệu. Xa hơn, trong những khu vực xóm đạo, có nhiều giáo dân cư ngụ như khu Xóm Mới (Gò Vấp), khu Bình An bên quận 8, hay khu vực có những giáo xứ như Bùi Phát, Vườn Xoài, Tân Hòa, Tân Chí Linh, Tân Sa Châu... nơi quận 3, Phú Nhuận, Tân Bình... Trong những con hẻm nhỏ cũng lấp lánh ánh đèn, những hang đá không chỉ sáng đèn trong nhà giáo dân, mà được làm ngay trong những con hẻm, mang đến một không khí vui tươi, trong cái se lạnh cuối năm...













Tôi post lên đây một vài hình ảnh ấy, Giáng sinh nơi một xóm đạo, với lời chúc an lành đến với tất cả chúng ta.

Saigon, Giáng sinh 2013.


Tham khảo:

- Trang Wikipedia.





Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Cuối năm.



"Dĩ nhiên các con tôi sẽ có máy tính. Nhưng trước hết chúng phải có sách đã". Bill Gates.

Đây là một câu nói của Bill Gates, ông sinh ngày 28-10-1955, là ông vua phần mềm của máy vi tính, với các phiên bản Microsoft Windows hiện diện trên các máy vi tính, và với phiên bản đầu tiên được phát hành vào ngày 20-11-1985, cùng với Paul Allen, Bill Gates là người sáng lập ra Tập đoàn Microsoft lừng danh. Ông luôn có mặt trong tốp vài người giàu nhất thế giới trong nhiều năm qua (trong nhiều năm ông luôn đứng đầu danh sách những người giàu nhất thế giới, kể cả năm 2013), với tài sản luôn được tính bằng nhiều chục tỉ đô la Mỹ. Không những là một nhà kinh doanh có một bộ óc siêu hạng về kiến thức khoa học, về gần cuối sự nghiệp ông còn là một người nổi tiếng trong lãnh vực từ thiện, ông đã quyên góp và ủng hộ những số tiền rất lớn cho những tổ chức từ thiện và nghiên cứu khoa học, thông qua Quỹ Bill & Melinda Gates, một Quỹ từ thiện mang tên ông và vợ bà Melinda French. Họ có kế hoạch dành tới 95% tài sản cho từ thiện, một con số thật đáng nể phục.

Cuối năm, sắp đến Tết tây, rồi Tết ta, nhà chỉ có ba người lớn mà cũng thấy bộn bề, cũng phải loay hoay dọn dẹp lại nhà cửa gọi là đón năm mới, cu cậu con trai thì "biến" tối ngày, công ăn chuyện làm, bạn bè... Thật ra mọi thứ cũng đã đâu vào đấy, quần áo trong tủ, đồ đạc cũng có chỗ của nó, báo chí thì thỉnh thoảng gom lại... bán ve chai, chỉ còn sách vở, trên kệ, trong tủ sách, trên giá sách, trên bàn... Sắp xếp lại những quyển sách thì cứ như là "thày bói dọn cỗ", nghĩa là chỗ này để sang chỗ kia, cố gắng sắp lại theo chủ đề để dễ lục tìm khi cần đến, cái chuyện sách vở trong nhà là tôi bị bà xã cằn nhằn nhiều nhất. Sách cứ luôn được khuân về, đôi khi bề bộn, cũng may là bà xã tôi cũng thuộc loại chịu mua sách, tuy bây giờ chỉ hay mua và đọc những sách về Phật giáo. Còn tôi thì thú thiệt, cũng như ông bạn Bulukhin mê sách đã nói, có lẽ tôi phải mất nhiều năm nữa mới đọc hết được số sách có mà chưa đụng tới.

Hôm nọ tôi cùng bà xã ghé một cuộc trưng bày và bán sách của một nhà xuất bản có tiếng ở thành phố, nơi Nhà trưng bày thành phố. Những buổi trưng bày và bán sách như thế tôi và bà xã vẫn luôn đi xem, thường tôi cũng kiếm được ở đó một vài quyển sách phù hợp với mình, giá có giảm hơn thường ngày. Cũng có khi may mắn tìm được vài quyển sách "tồn kho" rất hay mình cần, mà không còn bày bán trong nhà sách. Hôm đó cuối tuần nên rất đông người đến xem và mua sách, đa số là các bạn trẻ, điều này thật đáng mừng. Rất nhiều sách của nhà xuất bản này, cả chục ngàn đầu sách, nhưng thú thật tôi và bà xã chen toát mồ hôi mà không lựa được cho mình một quyển nào. Đây là một nhà xuất bản lớn, nhưng sách của họ chỉ chuyên về tiểu thuyết, gần như không có những sách về kiến thức, lịch sử, văn hóa... Có lẽ những loại sách tôi vừa kể không thu hút được giới trẻ, bây giờ giới trẻ không mấy người đọc nữa, họ càng không mua những loại sách đó (qua cu cậu con tôi thì biết). Ở Saigon có những nhà xuất bản như nhà xuất bản Trẻ, nhà xuất bản TP HCM... là những nhà xuất bản chú trọng in nhiều đầu sách về những thể loại tôi vừa kể. Trong quyển Tự học một nhu cầu thời đại, học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết "hiện thời ở nước nào sự giáo dục sau khi ra trường cũng hóa ra cần thiết, những lớp học cho người lớn, những loại sách, báo phổ thông tri thức càng phải phát triển mạnh".

Nhắc tới học giả Nguyễn Hiến Lê ở miền Nam, trong một entry trước ông bạn Bulukhin đã nói ở Saigon có sách của học giả Nguyễn Hiến Lê là được nhất. Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn. Trong tủ sách của tôi từ xưa đến nay có khá nhiều sách của ông, những quyển sách như Sử ký Tư Mã Thiên, Chiến quốc sách (viết chung với Giản Chi), Đại cương văn học sử Trung Quốc, và những quyển trong bộ sách "học làm người", như Đắc nhân tâm, Gương kiên nhẫn, Gương thành công, Kim chỉ Nam của học sinh, Luyện tinh thần, Tự học một nhu cầu thời đại, Sống 365 ngày một năm... Ông giỏi chữ Hán, Anh, Pháp..., là một tấm gương của hiếu học và tự học. Sách của ông viết hay dịch đều rất dễ hiểu, nhiều tri thức. Ông cũng là người đã từ chối giải thưởng văn học của chính quyền Saigon trước năm 1975, khi nhận thấy đây chỉ là một giải thưởng không có thực chất. Ông viết: "Từ khi có bản "Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền" của các nhà cách mạng ở Pháp, dần dần dân trong mỗi nước văn minh được tham gia chính trị. Quốc gia không phải là của riêng một nhóm nào nữa và ai cũng có bổn phận lo việc nước. Thực đúng như lời cổ nhân: Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách". Hoặc: "Trong trường học, giáo sư nên khuyến khích những học sinh tự đọc thêm sách, chứ đừng khen những trẻ giỏi học thuộc lòng".

Goethe đã nói: "Một cuốn sách dở tới đâu cũng có chỗ hay". Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với câu của đại văn hào người Đức sống ở nửa cuối thế kỷ thứ XVIII và đầu thế kỷ thứ XIX (1749-1832), có nghĩa là đại văn hào khuyên người ta nên đọc nhiều sách. Khi chúng ta đã quen với việc đọc sách, đã có một nhận thức cơ bản, chúng ta dễ dàng nhận ra cái hay, cái dở trong những quyển sách đã đọc, và quả thật, kể cả những quyển sách dở, thậm chí sai sót, cũng cho ta học được nhiều điều... Ngạn ngữ cổ có câu: "Tôi sợ người nào chỉ đọc có mỗi một quyển sách". Mạnh Tử 孟子 cũng có nói "Tận tín thư bất như vô thư "  ( tin hết ở sách, thà đừng đọc sách). Điều quan trọng khi đọc sách, là cần phải biết suy xét.

Học giả Nguyễn Hiến Lê rất coi trọng sách của Lệ thần Trần Trọng Kim viết, ông viết thời còn trẻ ông đi làm trong ngành công chánh ở vùng đồng bằng Nam bộ, tình cờ mua được bộ Nho giáo của Trần Trọng Kim trong một tiệm tạp hóa, bán chung với nhang đèn, và đã say mê đọc. Nhưng ông cũng nói, cần phải đọc nhiều sách, của những tác giả có tiếng, viết nghiêm túc, chẳng hạn nếu muốn tìm hiểu lịch sử Việt Nam, mà chỉ đọc mỗi một cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim thì không đủ. Sử chép Hồ Quý Ly là tên loạn thần có tội với quốc gia; ta có thể chưa tin mà còn xét lại. Càng có nhiều sách, nhiều nguồn để đối chiếu, ta càng đến được gần hơn sự thật...

Tôi thường tra nghĩa của một chữ trên nhiều quyển từ điển, chứ không chỉ tra trên một quyển, cho dù đó là quyển từ điển có tiếng được nhiều người dùng, do một người, hay một "ê kíp" nổi tiếng viết. Đó cũng là lý do tại sao ông bạn Bulukhin ghé nhà chơi về đã cho tôi là một người "sưu tầm từ điển". Từ điển tiếng Việt, Hán Việt, Việt Hán, Pháp Việt, Anh Việt, Việt Pháp, Việt Anh..., và từ điển điển cố, tầm nguyên, văn học... từ loại dùng cho trẻ em, học sinh, đến cho người lớn... cùng nhiều loại từ điển khác. Mỗi loại tôi có nhiều bản, qua nhiều thời kỳ, của mọi miền... Sách về sử cũng thế, tôi may mắn có được khá nhiều... Khi đối chiếu, tôi thấy được những khác biệt, cũng cùng một từ cách nay năm bảy chục năm có thể được viết khác, hiểu khác, rồi cái hiểu cũng tùy theo từng vùng miền... Bây giờ đọc lại những sách thời ấy ta cứ nghĩ họ viết sai, dùng từ không đúng, nhưng qua từ điển xưa ta mới thấy ngày xưa lại được viết và hiểu thế, khác bây giờ. Hiểu được "tương đối" một vấn đề chứ chưa dám nói là "hiểu tường tận", cũng là một cái thú.


Nói đến sách mà không nhắc đến mạng xã hội là một thiếu sót lớn, thế giới bây giờ có thể thiếu sách chứ không thể thiếu Internet. Dĩ nhiên cái gì cũng có "hai mặt của một vấn đề", tôi không muốn bàn sâu về chuyện đó, vì sẽ khôn cùng. Mạng xã hội mà ta gọi là Internet* bây giờ quá phổ biến, trẻ con học tiểu học, thậm chí mẫu giáo cũng biết sử dụng mạng, để chơi trò chơi, có khi còn rành hơn cả người lớn. Mạng không như sách, sách dù sao cũng còn phải có nhà xuất bản, in ấn, kiểm duyệt, giấy phép..., còn mạng thì... vô tư, thượng vàng hạ cám trên đó. Bill Gates, một ông vua về truyền thông đã nói: "Nét đẹp của Internet chính là thuộc tính mở của nó. Nó không thể bị kiểm soát, bị thống trị hoặc bị cắt lìa, vì nó đơn giản chỉ là một chuỗi các liên kết liên tục thay đổi. Nó là một phương tiện sáng tạo và linh động đến mức cho đến giờ không một ai có thể hiểu thấu đáo toàn bộ các cơ hội của nó". Tôi cũng nhớ khi đọc quyển Thế giới phẳng (The world is flat) của Thomas Friedman, một cây viết trong chuyên mục ngoại giao, kinh tế của tờ tạp chí nổi tiếng New York Times, ông có viết về một câu nói cũng của một người có tiếng trong lãnh vực truyền thông (tôi không nhớ tên), "Google là Thượng đế, cái gì không biết cứ hỏi Google".


Internet khiến thế giới trở nên nhỏ hẹp, những khoảng cách bị xóa nhòa. Internet kết nối mọi người, thế giới trở nên "đại đồng" theo nghĩa rộng. Mọi người bình đẳng trên Internet, cũng như bình đẳng trước Thượng đế, bạn có thể là bất cứ ai, màu da, tôn giáo, chủng tộc, giàu nghèo, chức danh, bằng cấp không còn giá trị. Tất cả chỉ còn là một "thực tế ảo", và "giá trị" của bạn là những gì bạn đã thể hiện trên đó. Tờ New Yorker ngày 5/7/1993 có bức tranh biếm họa của Peter Steiner vẽ hình hai chú chó nói chuyện với nhau, với lời chú thích "Trên mạng Internet, không ai biết bạn là một chú chó". Người ta nói Internet có tính toàn cầu, và một trong những mặt tích cực của nó là tăng cường tính minh bạch. Với một chiếc điện thoại di động có chức năng quay phim, một người dân bình thường có thể dễ dàng quay được những cảnh "bất bình" trên đường phố, chẳng hạn như cảnh nhân viên công lực lạm quyền và tung lên mạng. Cái sai không thể bị che dấu, chối cãi, và bị xã hội lên án.

Thật tuyệt vời khi chúng ta có thể xem trực tiếp một trận bóng đá tranh cúp vô địch thế giới ở cách chúng ta nửa vòng trái đất, nhưng cũng thật bi thảm khi phải chứng kiến vụ khủng bố, nhìn tòa tháp đôi sụp đổ trên màn hình ở New York với cả ngàn người bên trong. Internet kết nối mọi người, là một xã hội thu nhỏ "Khái niệm 'tôi thuộc về một quốc gia nào đó' sẽ không còn chi phối nhiều đến các cá nhân như đã từng xảy ra trước đây. Về nhiều phương diện, đây là một điều tốt lành". Bill Gates cũng đã nói như thế. Nhưng Internet cũng có những vấn đề của nó, khi những biên giới trở nên mong manh, ông nói tiếp "Có thể cuối cùng bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc sẽ phai nhạt đi và nếu quả như vậy thì điều đó thật đáng tiếc". Và khi những "người chơi" không tuân thủ những "quy định bất thành văn" của nó, chẳng hạn những vấn đề thuộc về đạo đức, khi những cái xấu, cái ác, đồi trụy... bị phơi bày quá trần tục... Như chúng ta cũng đã thấy trên nhiều tờ báo bị cho là "lá cải"...

Internet cũng có những mặt trái, không ít lần trong quán cà phê tôi thấy vài ba bạn trẻ ngồi chung trong một bàn, nhưng mỗi bạn lại chăm chú vào chiếc điện thoại hoặc laptop hay máy tính bảng mang theo. Các bạn ngồi chung với nhau nhưng lại quên những "bạn thật" trước mặt, mà chăm chăm vào màn hình với những "bạn ảo" xa tít đâu đó. Alain Blinder đã nói "kỹ năng giao tiếp với người khác còn quan trọng hơn kỹ năng vi tính". Thế giới cũng còn những điều khác, đâu chỉ dành cho mỗi máy vi tính. Các nhà khoa học nói "Khoa học viễn tưởng có nói rằng rồi đến một ngày hàng trăm người sẽ lên tàu vũ trụ khổng lồ để thực hiện chuyến du hành kéo dài hàng mấy thế hệ để tới một vì sao nào đó. Ví dụ, có thể cháu chắt của những nhà du hành đầu tiên sẽ đến được vì sao đó". Và đây là suy nghĩ của ông vua máy tính Bill Gates: "Có lẽ như vậy thật, nhưng tôi sẽ không có mặt trên chuyến tàu đó! Tôi sẽ bám trụ nơi này. Ở đây chúng ta có những hồ nước lung linh, có những dòng sông róc rách, những núi non hùng vĩ. Trái đất vẫn là nơi có nhiều ngạc nhiên thú vị hơn tất cả những hành tinh cách chúng ta vài năm ánh sáng". Đúng là rất thú vị khi chúng ta được sống với thiên nhiên, hồ ao, sông núi, cây cỏ... Tôi thường vào nhà các bạn Marguerite, NangTuyet... để xem những cảnh đẹp thiên nhiên ấy.

Và điều sau cùng để khép lại năm 2013, cũng là một câu nói của Bill Gates: "Được sống, là quãng thời gian thật tuyệt vời". Chúc các bạn xa gần luôn bình yên trong cái không gian tuyệt vời ấy.

Saigon, 20/12/2013.

* Internet: là một hệ thống gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau trên phạm vi toàn thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ truyền thông dữ liệu, như đăng nhập từ xa, truyền các tệp tin, thư tín điện tử, và các nhóm thông tin.


Tham khảo:

- Tự học một nhu cầu thời đại, Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn Hóa & Thông Tin-2003. 
- Bill Gates đã nói như thế, Vũ Tài Hoa, Hoài Nam, Nguyễn Văn Phước, Ban biên tập FIRST NEWS, NXB Trẻ-2004.
- Thế giới phẳng, Thomas L. Friedman, nhóm biên dịch và hiệu đính Nguyễn Quang A, Nguyễn Hồng Quang, Vũ Duy Thành, Lã Việt Hà, Lê Hồng Vân, Hà Thị Thanh Huyền, NXB Trẻ-2009.

- Từ điển cho người sử dụng máy vi tính, Ph.D. Bryan Pfaffenberger, người dịch Bùi Xuân Toại, NXB Giáo Dục - 1995.



Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Thánh nhân.


 Ảnh Internet.

Còn mươi ngày nữa là đã đến lễ Giáng sinh, một ngày lễ lớn trong năm không phải chỉ riêng với người Thiên chúa giáo, Giáng sinh, mà người Âu Mỹ gọi là Noel, Christmas, đã trở thành một ngày lễ chung cho mọi người, mang tính toàn cầu trong dịp đón năm mới.

Chúa Jesus, người sáng lập ra Thiên chúa giáo, được nhân loại tuyên dương như một vị Thánh, cùng với Đức Phật, Khổng Tử, Lão Tử... Những bậc thánh nhân chừng như đều được sinh ra ở Phương Đông, một Phương Đông xa xôi huyền bí. Chúa Jesus ở Do Thái (Palestine-Israel), Đức Phật ở Ấn Độ (India), Khổng Tử, Lão Tử ở Trung Hoa (China)... Theo sách vở thì Chúa Jesus giáng sinh đã được đúng 2013 năm. Dương lịch mà ta hay gọi là Tây lịch lấy năm sinh của Chúa Jesus làm khởi điểm. Những bậc thánh nhân như Chúa Jesus, Đức Phật, Khổng Tử, Lão Tử... là những con người của lịch sử, được sách sử nhắc đến, nghĩa là những con người bằng xương bằng thịt, được nhân loại tôn thờ, tuy thế cuộc đời của các ngài, nhất là lúc sinh thành theo sử sách ghi chép đều nhuốm vẻ huyền bí, truyền thuyết...

Theo Kinh thánh Tân ước của Thiên chúa giáo, Chúa Jesus (Yêsu), tiếng Việt còn gọi là Đức Kitô, thuộc dòng dõi Đavit, Tổ phụ là Abraham, Chúa Jesus là con của ông Yuse và bà Maria. Tổng cộng các đời như sau: từ Abraham đến Đavit là 14 đời, từ Đavít đến thời lưu đày Babylon là 14 đời, từ thời lưu đày Babylon đến Đức Kitô cũng được 14 đời. Kinh thánh Tân ước chép: "Maria, mẹ ngài đã đính hôn với Yuse, trước khi ông bà về sống chung thì bà Maria đã có thai bởi thánh thần. Yuse chồng bà là người công chính không muốn tố giác bà, định âm thầm ly dị. Sau khi ông đã quyết tâm như vậy, thì Thiên thần hiện ra cho ông trong mộng và bảo rằng: Yuse, Con vua Đavit, chớ sợ rước Maria về nhà, thai nơi bà là do tự Thánh thần, bà sẽ sinh con trai và ông sẽ đặt tên là Yêsu (Jesus), vì chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi".

 Ảnh Internet.

Khi Chúa Jesus sinh ra thì có một ngôi sao lạ rực sáng trên bầu trời, và có ba Đạo sĩ theo ngôi sao lạ tìm đến chiêm bái Đấng cứu thế. Đây là một ngôi sao chổi. Khi ấy những Đạo sĩ đến Jerusalem từ phương Đông đã hỏi: "Vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài bên trời Đông và chúng tôi đến bái yết Ngài". Câu hỏi được tâu lên vua Hêrôđê, nhà vua trị vì hoảng hốt và cả thành Jerusalem cũng hoảng hốt. Bấy giờ vua Hêrôđê sai quân lính tìm giết hết các hài nhi trong xứ và những vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, nhưng ông Yuse và bà Maria đã được Thiên thần mách bảo, đem hài nhi Jesus trốn qua xứ Ai cập.

Đến năm 30 tuổi thì Chúa Jesus đi rao giảng về nước Trời trong 3 năm, năm 33 tuổi Ngài bị nộp mình và bị đóng đinh trên Cây Thánh giá. Kinh thánh chép sau 3 ngày Ngài đã sống lại và lên Trời.



Đức Phật, Đức Thích Ca Mâu Ni - S(H)ÀKYAMUNI, người sáng lập ra Phật giáo, một tôn giáo lớn của thế giới, Ngài tên là Kiều Đạt Ma Tất Đạt Đa - KOSALA SIDDHÀRTHA, con vua Tịnh Phạn - SUDDHODANA và hoàng hâu Ma Da - MAHÀMÀYÀ nước Ca Tỳ La Vệ - KAPILAVATTHU. Theo nhiều sử liệu Đức Phật đản sinh năm 565 trước Công nguyên, mất năm 486 tr. CN (gần như cùng thời với Khổng Tử ở Trung Hoa). Ngài thọ 80 tuổi. Truyền thuyết về chuyện Đức Phật đản sinh như sau: Một đêm hoàng hậu Ma Da nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà từ trên không trung ngậm đóa sen trắng, đi xuống vòng quanh Bà ba vòng, rồi từ hông bên phải mà vào, từ hôm đó bà thọ thánh thai bậc Như Lai Đại Giác. Đức Phật đản sinh từ bên hông phải của hoàng hậu Ma Da trong vườn Lâm Tỳ Ni, với bảy đóa sen đỡ bước chân, một tay Ngài chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà nói: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn" (trên trời dưới đất, chỉ có trí huệ siêu phàm của bậc Giác Ngộ mới là tôn quý).

Đức Phật sinh ra đã có 32 tướng tốt, và 80 vẻ đẹp của Thánh nhân, lớn lên Ngài rất thông minh, đĩnh ngộ, cảm ngộ được cái vô thường của thế gian, và sự biến hóa khôn lường của đời người. Năm 29 tuổi Ngài quyết định xuất gia tu hành, tìm con đường giải thoát. Trải qua bao thăng trầm Ngài đã tìm được Giác Ngộ dưới gốc cây Bồ đề sau bảy ngày đêm Thiền định. Đức Phật tịch diệt vào năm 80 tuổi, sau một bữa ăn cúng dường vì ngộ độc, cũng có truyền thuyết nghi ngờ Ngài bị trúng phải thuốc độc.

Khổng Tử 孔子. Ảnh Internet.

Khổng Tử 孔子 được cho là thủy tổ của Nho giáo, như tên gọi Nho giáo, Đạo Nho, nhưng cũng có nhiều sách cho Ông là người khai sáng ra một học phái (Nho gia), có ảnh hưởng to lớn và lâu dài không những chỉ ở Trung Hoa, mà cho cả phương Đông. Khổng Tử tên là Khổng Khâu , tự là Trọng Ni , người ấp Thủ nước Lỗ, sinh năm 551, mất năm 479 trước công nguyên thời Xuân Thu, con của ông Thúc Lương Ngột là một võ quan thời vua Linh Vương đời nhà Chu - Trung Hoa, mẹ là bà Nhan Thị. Vì hiếm muộn con trai nên đến khi về già Thúc Lương Ngột mới lấy người vợ lẽ thứ nhì (người vợ lẽ đầu cũng có một con trai nhưng bị tật ở chân từ lúc mới sinh, còn người vợ đầu tiên sách chép có đến 9 con gái), vì thường lên núi Ni Khâu cầu tự, nên Khổng Tử mới có tên là Khổng Khâu. Cũng có sách chép vì trán Ngài cao và gồ lên nên mới đặt là Khâu, Khâu có nghĩa là cái gò.

Được tuyên dương là bậc Thánh nhân, nên chuyện sinh ra đời của Khổng Tử cũng khá ly kỳ. Vào những ngày trước khi sinh, có một con kỳ lân vào nhà dâng tờ ngọc thư có dòng chữ: Thủy Tinh chi tử, kế suy Chu vi tố vương (con của Thủy Tinh, sẽ nối nhà Chu đã suy vi, làm vua thiên hạ mà không ngồi trên ngai vàng). Bà Nhan Thị liền lấy dải lụa bộc vào sừng con kỳ lân. Được mấy hôm thì con kỳ lân đi mất. Ngày Khổng Tử ra đời có cặp rồng vàng xuống cuốn quanh nhà, và có năm vì sao trên trời biến thành năm ông lão đứng hầu ở trước sân. Trong buồng, bà Nhan Thị nghe có tiếng nhạc mừng và có tiếng nói: Thiên cảm sinh thánh tử (trời cảm được lòng thành cầu nguyện mà cho sinh ra con thánh).

Sử sách chép trong suốt cuộc đời Khổng Tử bôn ba qua các nước cùng các môn đồ mong mang tài trí ra giúp đời, nhưng không được vì vua nào dùng. Cuối đời Khổng Tử trở về nước Lỗ, mở lớp chuyên dạy học trò ở quê nhà và san định, biên soạn sách vở, chấn hưng giáo dục. Ông cùng học trò để lại cho hậu thế những công trình lớn lao như Ngũ Kinh (thực ra là Lục kinh, gồm Kinh Thi. Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Dịch, và Kinh Xuân Thu, còn Kinh Nhạc đã thất truyền). Tứ Thư gồm Luận Ngữ, Đại Học, Trung Dung, và Mạnh Tử. Trọng tâm học thuyết của ông là Nhân , ông nói Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân , , Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người, và coi đó là phương pháp thực hành Nhân.

Tháng 4 năm Nhâm Tuất, năm thứ 41 trị vì của Chu Kinh Vương (479 trước công nguyên) Khổng Tử mất, thọ 73 tuổi (tính theo tuổi ta). Khi ông chào đời có kỳ lân xuất hiện, trước khi ông mất 2 năm có người nước Lỗ đi săn được một con kỳ lân bị què chân trước bên trái. Khổng Tử thấy thế bưng mặt khóc, ông ngửa mặt lên trời than Ngô đạo cùng hĩ, Đạo của ta đã đến lúc cùng rồi sao?

 Ảnh Internet.

Lão Tử   tức Lão Đam , không rõ năm sinh và năm mất, theo truyền thuyết ông họ Lý tên Nhĩ , tên tự là Bá Dương , tên thụy là Đam , người thôn Khúc, hương Lệ, huyện Hỗ, nước Sở. Ông từng giữ chức Thủ tàng thất, giữ kho sách của nhà Chu. Lão Tử chủ trương vô vi, Đạo Đức Kinh   một trước tác rất quan trọng của Trung Hoa cổ đại được người đời mệnh danh là của Lão Tử. Tuy người đời coi Lão Tử là người khai sáng ra Đạo giáo, nhưng cũng như Khổng Tử, Lão Tử được cho là người khai sinh ra một Học phái hơn là một tôn giáo. Cuộc đời của Lão Tử cũng mang đầy tính chất huyền thoại. Truyền thuyết kể rằng mẹ của Lão Tử đã mang thai ông không phải chín tháng mười ngày, mà hơn bảy mươi năm (70 năm). Đến khi sinh ra Lão Tử đã là một ông cụ hơn bảy mươi, cho nên người đời mới gọi là Lão Tử. Cái chết của ông người đời không biết ra sao. Có một truyền thuyết khác, nhân Khổng Tử đến kinh đô nhà Chu, gặp Lão Tử ông hỏi về lễ, Lão Tử đáp:

- Ta từng nghe nói, kẻ khéo buôn bán thì thường giấu kín của cải, thoạt trông tưởng như chẳng có gì, người quân tử cũng vậy, thoạt trông thường tưởng là đứa ngu.

Khổng Tử quay trở ra, môn đệ hỏi:
- Lão Tử là người thế nào?

Khổng Tử đáp:
- Chim ta biết có thể bay. Cá ta biết có thể lội. Muông thú ta biết có thể chạy. Đối với loài biết bay ta có thể dùng cung tên để bắn, loài biết bơi ta có thể dùng lưới để bắt, loài biết chạy ta có thể dùng bẫy để săn. Duy chỉ có con rồng xé gió, có thể lên trời, xuống đất, thì ta chẳng biết làm thế nào để bắn, để bắt hay để săn. Lão Tử chính là con rồng vậy.

Trong bốn bậc thánh nhân của nhân loại kể trên, có hai bậc được người đời sau kỷ niệm ngày sinh rất tưng bừng, trọng đại, đó là Đức Jesus và Đức Phật, và thế giới đang sửa soạn chào đón ngày ra đời của Đức Jesus. Nhưng qua Kinh thánh, tôi cũng có một chút băn khoăn về dịp kỷ niệm Ngài Giáng sinh, là đã có khá nhiều đứa trẻ vô tội cùng lứa với Ngài, đã bị vua Hêrôđê sát hại.


Tham khảo:

- Kinh Thánh Tân Ước, bản sắp chữ tại Nguyệt San Đức Mẹ - Saigon 1970, in tại Hongkong, Nha Tuyên Úy Công Giáo QLVNCH phát hành.
- Từ điển Phật học, Nguyên Hảo, Về Nguồn xuất bản, Canada - 1999.
- Cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Chùa Viên Giác TP. HCM, NXB Tôn Giáo-2012.
- Từ điển Văn học Cổ điển Trung Quốc, Nguyễn Tôn Nhan, NXB Văn Nghệ TP HCM - 1999.
- Nho giáo, Trần Trọng Kim, NXB TP HCM - 1992.
- Đại Cương Lịch sử Văn hóa Việt Nam, tập II, III, Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo Dục - 2004, 2007.



Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Truyện xưa tích cũ.

Hình chụp bài báo về 2 cô công chúa Trung Phi và TT Bokassa.


Hôm trước viết chơi về Xóm nghề tại Saigon năm xưa, tôi có nhắc tới Xóm Gà ở Gia Định. Đó là một khu xóm ngày xưa ở Gò vấp thuộc ngoại ô thành phố, nhưng cũng không xa trung tâm thành phố là mấy, nơi có nhiều người lao động nhập cư sinh sống. Thời Pháp thuộc nơi đây có những nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng một thời như Phan Khôi, Tản Đà, Ngô Tất Tố, Tế Xuyên... đến tá túc và làm việc. Sau này nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Bùi Giáng cũng có sống tại Xóm Gà... Tình cờ tôi đọc được một bài báo trong tờ Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay (số 820, ngày 20-5-2013, tác giả Từ Kế Tường), nói về một câu chuyện trước năm 1975 có liên quan đến Xóm Gà, với những nhân vật trong câu truyện mà có lẽ những ai ở Saigon vào khoảng năm 1972 chắc vẫn còn nhớ.

Đấy là câu chuyện như trong cổ tích của một vị Tổng Thống tên là Bokassa, nước Cộng Hòa Trung Phi* đi tìm đứa con chưa biết mặt, và đứa con gái giả hiệu được tìm thấy ở Xóm Gà. Nguyên ông Jean Bedel Bokassa, Tổng thống nước Cộng hòa Trung Phi thời đó (Central African Republic), lúc Pháp còn chiếm đóng Việt Nam đã có mặt trong đội quân viễn chinh Pháp đóng ở Saigon tại khu vực Chánh Hưng (các bạn ở Saigon chắc cũng còn nhớ cái tên "lò heo Chánh Hưng" nổi tiếng bên cầu Chữ Y, quận 8 trước năm 1975). Thời gian đó ông Bokassa mang cấp bậc Trung sĩ (tiếng Tây: Sergent), ông có sống chung với một phụ nữ Việt Nam tên Nguyễn Thị Huệ, và đến ngày 20-7-1954 khi ông phải theo đội quân viễn chinh Pháp lên tàu há mồm rút về nước thì ông mang cấp bậc Thượng sĩ nhất (Adjudant), và bà Huệ lúc ấy đang có một đứa con trong bụng. Ông Bokassa và bà Huệ đứt liên lạc từ đó.

Đến năm 1966 thì ông Bokassa lên làm Tổng thống của nước Cộng Hòa Trung Phi tuốt bên xứ Phi châu. Khoảng năm 1972 ông Bokassa sực nhớ tới đứa con mà ông chưa hề biết mặt, cũng chẳng hề biết là trai hay gái với bà Huệ. Ngẫm nghĩ sao đó mà ông Tổng thống Trung Phi thông qua nước Pháp đã nhờ tòa Tòa Đại sứ Pháp tại Saigon, tìm giúp ông đứa con chưa biết mặt ấy. Thế là Tòa Đại sứ Pháp bèn nhờ tiếp chính quyền Saigon lúc bấy giờ tìm hộ. Chỉ một thời gian rất ngắn sau, chính quyền Saigon lúc bấy giờ đã tìm thấy tại Xóm Gà - Gò Vấp một cô gái 17 tuổi lai da đen, tên là Baxi có mẹ tên là Thân đưa qua cho ông Bokassa nhận làm con. Hồi ấy chưa có vụ kiểm tra A Đê En (ADN) A Đê Iếc gì cả, không biết tin tưởng sao mà ông Bokassa nhận ngay tút xuỵt, đón về xứ cho làm Công chúa. Câu chuyện tưởng chừng như đã khép lại.

Đùng một cái lúc bấy giờ nhật báo Trắng Đen, là một tờ báo tư nhân tại Saigon đã tung ra loạt bài cô Baxi này là... đồ dỏm, tức là giả hiệu. Chẳng phải nhật báo Trắng Đen này có tài "ngoại cảm" tìm ra được cô Công chúa thật, và dám xâm mình làm chuyện "cỡi lưng cọp" ấy, vì cô Baxi được cho là giả hiệu là do chính quyền Saigon bấy giờ tìm giúp chứ chẳng phải chuyện chơi. Chuyện này đụng chạm tới uy tín nhà cầm quyền, đụng chạm tới ngoại giao, thể diện quốc gia lúc ấy..., nghĩa là nhật báo Trắng Đen đã làm một việc quá mạo hiểm. Trước khi đến báo Trắng Đen, người cậu này đã đến một tờ báo khác là báo Tin Sáng, nhưng tờ báo này thấy việc quá nguy hiểm nên không dám nhận. Nhưng cũng may, người cung cấp thông tin cô Công chúa thật, chính là người nhà của cô con gái thất lạc của ông Tổng thống Bokassa, và sau khi đã âm thầm bàn tính, điều tra, biết chắc chắn sự thật báo Trắng Đen mới dám công bố chuyện động trời này.

Bài báo cho biết người đến nhật báo Trắng Đen để nói cô Baxi Xóm Gà là giả hiệu, chính là Cậu (em của mẹ) cô gái được ông này cho là con của TT Trung Phi thật. Số là sau khi đọc và xem những hình ảnh câu chuyện rùm beng ông TT Trung Phi tìm được cô con gái sau mười mấy năm thất lạc trên báo chí lúc bấy giờ, gia đình ông này nhìn hình và tên của ông TT Bokassa, thì thấy ông TT xứ Trung Phi này chính là cha ruột của cô gái mà họ đang có, chứ không phải cái cô Baxi giả hiệu ở Xóm Gà. Sau khi xem xét cẩn thận những giấy tờ, tên tuổi, cả 2 tấm hình chụp lúc ông Bokassa còn ở Việt Nam và chung sống với bà Nguyễn Thị Huệ. Báo Trắng Đen đưa mẹ con bà Nguyễn Thị Huệ đến một nơi bí mật, và tung phóng viên (dĩ nhiên là phải cải trang, hành tung tuyệt mật), đến tận Đặc Khu Rừng Sác (huyện Cần Giờ bây giờ),  là nơi bà Nguyễn Thị Huệ đã sống sau khi chia tay với Thượng sĩ nhất Bokassa, và cô con gái thật sự của TT Bokassa tên là Martine được sinh ra và làm giấy chứng sinh ở đó.

Cái mấu chốt của sự việc là phóng viên của báo Trắng Đen đã tìm ra được bản gốc tờ giấy chứng sinh của cô Martine, còn lưu giữ trong hộ tịch tại Đặc Khu Rừng Sác nơi bà Huệ đã ở khi sinh cô. Giấy chứng sinh này ghi rõ cả tên người cha của cô Nguyễn Thị Martine là JB Bokassa, bà Huệ sau này chỉ có tờ giấy Thế vì khai sinh của cô không ghi tên người cha. Giấy chứng sinh khi cô Martine sinh là vào khoảng năm 1954-1955. Đến năm 1972 phóng viên báo Trắng Đen đi tìm là đã gần 20 năm, lại ở một nơi thuộc vùng sâu vùng xa như Rừng Sác (Cần Giờ, thời ấy chưa có đường bộ để đến như sau này).

Khi chính thức công bố sự việc trên tờ báo của mình, tờ Trắng Đen cũng đã chịu rất nhiều áp lực, đe dọa về phía chính quyền Saigon lúc bấy giờ, nhưng do tờ báo đã chuẩn bị hết mọi tình huống, một mặt tung bài trên mặt báo, một mặt gởi tài liệu chứng minh cho tòa Đại Sứ Pháp ở Saigon (lúc ấy VN không có quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Trung Phi), và kể cả gởi cho đặc phái viên của tờ báo ở Paris, thông qua chính phủ Pháp gởi công điện cho TT Bokassa. Trước sự thật hiển nhiên bằng hình ảnh, giấy tờ chứng sinh, Tổng thống Bokassa của Cộng hòa Trung Phi chấp nhận cô Martine là con của mình, và một cuộc thu xếp để mẹ con bà Nguyễn Thị Huệ, cô Martine, vợ chồng ông chủ bút báo Trắng Đen được mời qua xứ Trung Phi để 2 cha con ông TT Bokassa và cô Martine gặp mặt.

Dĩ nhiên công đầu về việc tìm thấy cô Martine, con gái thật của vị Tổng thống Trung Phi này thuộc về tờ báo Trắng Đen, chắc chắn vợ chồng ông chủ bút được trọng thưởng hậu hĩ, còn bà Nguyễn Thị Huệ mẹ cô Martine trở lại Việt Nam, vì đã có gia đình khác, sau đó hàng tháng bà Huệ nhận được một số tiền rất lớn từ người chồng cũ của bà đang làm Tổng thống. Câu chuyện về cô công chúa Martine cũng kết thúc có hậu tại đây (khi còn ở Việt Nam gia đình cô rất nghèo, cô phải đi làm bốc xếp tại Nhà máy xi măng Hà Tiên Thủ Đức), và TT Bokassa cũng nhận luôn cô giả hiệu Baxi Xóm Gà, làm con nuôi. Về sau dựng vợ gả chồng cho cả 2 cô.

Nhưng sau đó số phận của những người trong câu chuyện cổ tích này ra sao? Sau thời gian tuyên bố làm Tổng thống suốt đời, thì ông Bokassa này tuyên bố tiếp lên ngôi... Hoàng đế, đổi nước Cộng hòa thành Vương quốc từ năm 1976. Báo chí hồi đó nói ông Hoàng đế Bokassa này tính tình khá bất thường, có một chi tiết tôi còn nhớ, là ông ta có một cái vương miện bằng vàng ròng nặng khoảng 2 kí lô, và lúc nào cũng đội trên đầu, kể cả lúc đi ngủ (đúng là tội nợ). Đến năm 1979 một cuộc đảo chính đã khiến gia đình ông Hoàng Đế Trung Phi này phải lưu vong sang Pháp. Oái oăm là người đảo chính lại là chồng của cô công chúa Baxi con nuôi, một Đại úy trong quân đội của ông Bokassa, tức là con rể của Hoàng đế Bokassa. Nhưng sau đó một cuộc đảo chính khác lại lật đổ vị Đại úy này, số phận của cô Baxi và chồng cô, vị Đại úy đã kết thúc trong cuộc đảo chính tiếp theo đó. Ông Bokassa đã bị kết án tử hình nhưng vẫn trở về Trung Phi, sau đó được ân xá và mất vào năm 1996. Chồng cô Martine cũng bị phe đảo chính sau giết chết sau khi bị bắt và thú nhận đã ra lệnh giết vị Đại úy đảo chính chồng của cô Baxi và cô Baxi. Riêng số phận của cô Martine thì có khá hơn, cô sống lưu vong ở Pháp, sau làm chủ mấy nhà hàng.

Từ năm 1972 đến năm 1979, hai cô gái lai được hưởng khoảng 7 năm "nhung lụa", trong đó từ năm 1976 đến năm 1979 được chính thức làm Công chúa xứ Trung Phi.

Câu chuyện cổ tích của cô công chúa xứ Trung Phi được khép lại, có mấy chuyện liên quan đến câu chuyện cổ tích này:

- Thứ nhất là hệ thống lưu trữ văn thư, hộ tịch tuyệt vời của thời xưa. Năm 1954-1955 bà Nguyễn Thị Huệ về tuốt Rừng Sác sanh và làm giấy chứng sinh cho cô Martine, con của ông Bokassa. Một nơi xa xôi hẻo lánh như thế mà đến năm 1972 phóng viên báo Trắng Đen còn tìm lại được bản gốc tờ giấy chứng sinh này, đủ thấy nền hành chính, lưu trữ thời ấy làm việc nghiêm túc như thế nào.


Báo Trắng Đen với bài về "Con ma vú dài". Ảnh Internet.


- Thứ nhì là chuyện về tờ nhật báo Trắng Đen, trước năm 1975 là một tờ báo tư nhân do ông Việt Định Phương làm chủ bút. Thời ấy Miền Nam có cả mấy chục tờ báo, chỉ có vài tờ báo của chính quyền, quân đội, còn bao nhiêu là báo tư nhân. Nhật báo Trắng Đen trước khi làm thiên phóng sự đi tìm cô công chúa thật Martine, có số phát hành khoảng 40, 50 ngàn tờ. Đến khi họ làm phóng sự số phát hành tăng lên 80, 100, 160, rồi 200 ngàn tờ... Một con số "khủng" thời đó. Nhật báo Trắng Đen hồi đó nổi tiếng là báo "lá cải", tức là loại báo chuyên khai thác những chuyện giật gân 4 T (tình, tiền, tù, tội), chuyện đời tư nghệ sĩ, diễn viên sân khấu, ca nhạc, điện ảnh..., chuyện ma quỷ (tờ báo này cũng có loạt bài "Con ma vú dài" tầm sàm một thời),  cũng giống như một số báo bây giờ vậy (mới đây trong buổi chất vấn của Quốc hội, vị đứng đầu ngành Thông tin trả lời khẳng định VN không có báo lá cải, đại khái bởi báo chí là của nhà nước, và do nhà nước quản lý). Hihi, "lá cải" hay không là ở nội dung của tờ báo, đâu phải cứ "mang nhãn hiệu" nhà nước là không "lá cải"?

* Cộng Hòa Trung Phi:
Diện tích: 622.984 cây số vuông. Dân số: 3.742.482 (2004). Thủ đô: Bangui. Ngôn ngữ: tiếng Pháp (chính thức), Sangho, các ngôn ngữ bộ tộc. Nguồn lợi chính: khai thác kim cương, bông vải, cà phê, gỗ, thuốc lá sợi.

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Bạn cũ.


 Ảnh Internet.




Thỉnh thoảng tôi lại nhận được một cái tin nhắn của bạn bè ngày xưa, thời còn đi học, một người bạn nào đó từ nước ngoài về chơi, rủ bạn bè cũ gặp mặt, có thể buổi gặp mặt sẽ trong một quán cà phê, cũng có thể trong một tiệm ăn hay nơi một nhà hàng. Tôi thích bạn bè gặp nhau nơi quán cà phê hơn. Ở Saigon có nhiều quán cà phê có được cái không gian khá thân thiện, gần gũi, nhạc mở vừa phải hoặc buổi tối có nhạc sống với những ca khúc nhẹ nhàng, dành cho một buổi gặp mặt bạn bè, hơn là một quán ăn hay một nhà hàng, mà ở đó luôn có những thực khách mặt bự xừ đỏ gay, sẵn sàng giơ cao ly 1, 2, 3... dzô...

Bạn bè thuở tôi còn đi học khá đông, nhưng lại không phải là những người bạn ở trường học, mà là những người bạn trong cuộc sống thời còn đi học. Có những bạn lớn tuổi hơn, cũng có người nhỏ tuổi hơn, nhưng tựu trung cũng sàng sàng một lứa. Thuở còn đi học tôi hay tham gia những đoàn thể, hội đoàn trong xã hội, như hướng đạo, những sinh hoạt của học sinh, sinh viên, thanh niên các tôn giáo..., đến bây giờ vẫn còn gặp một số những bạn bè ấy.

Lần này là một anh bạn từ nước Úc về chơi, ở Saigon có một bạn làm "đầu tàu", những liên lạc gì giữa các bạn đều qua bạn này, bạn có số điện thoại của tất cả bạn bè. Một bạn nào đó về Việt Nam muốn gặp lại bạn bè cũ, chỉ cần a lô cho bạn này, sắp xếp địa điểm, ngày giờ..., thế là bạn này sẽ thông báo đến tất cả các bạn khác, thường khi nhận được tin nhắn đến được hay không, các bạn sẽ điện thoại hoặc nhắn tin trả lời cho bạn biết.

Những buổi gặp lại bạn cũ như thế này rất vui, thỉnh thoảng gặp lại bạn bè cũ như thế, nhìn lại bạn, và bạn cũng nhìn lại mình, những người còn ở trong đất nước này, những người đã ra đi đến một chân trời khác, cũng có những bạn đã ra đi mãi mãi... Nhiều bạn đã lên chức ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại, có bạn có đến 5 đứa cháu nội ngoại lóc nhóc, dĩ nhiên đa số con cái đã lớn tướng, trưởng thành, nhưng cũng có vài bạn chẳng hiểu lý do mà xưa nay vẫn độc thân vui tính, tuy ngày trước khá xinh gái, nhiều người theo, cũng có bạn dang dở chuyện gia đình...

Thỉnh thoảng gặp nhau như thế ai cũng vui, chừng như ai cũng trở lại thời mười tám đôi mươi hồn nhiên. Bạn bè đa số đã về hưu, con cái đã trưởng thành, thời gian rỗi rảnh có bạn đến với tôn giáo, chùa chiền, nhà thờ, nơi đó ngoài chuyện tín ngưỡng, cũng thường có những hoạt động xã hội như từ thiện, hành hương. Một bạn nói đang học Kinh thánh nơi một nhà thờ và rủ tôi nếu rảnh đến nghe giảng Phúc âm. Một bạn khác lại thường đến chùa tụng kinh, nghe thuyết về cõi Tịnh độ, làm "Phật sự" cũng rủ tôi rảnh đến chùa nghe thuyết pháp. Đấy là mấy bạn nữ, còn mấy bạn nam thì khỏi nói, ông nào cũng mang một cái bụng bia rủ hôm nào lai rai vài chai chơi...

Tôi đã nói với bạn hay đến nhà thờ cũng như bạn hay ghé chùa, là thỉnh thoảng tôi cũng có đến nhà thờ, và cũng đến chùa, bởi một vài người thân phía bên gia đình tôi để hình nơi nhà thờ, và những người thân bên phía bà xã tôi để hình thờ ở chùa. Chúa (Đức Jesus) và Phật (Đức Thích Ca) thì tôi thích mê, nhưng tôi cũng thú thật là tôi ít thích các chức sắc tôn giáo và Giáo hội, tuy rất kính trọng họ và Giáo hội. Tôi hỏi hai bạn thường đến nhà thờ và chùa là khi đến những nơi ấy các bạn cảm thấy sao? Bạn nói dĩ nhiên cảm thấy an lành, vui vẻ mới đến. Tôi nói thế là quá được, cõi Tịnh độ, hay cõi Thiên đường quá xa xôi, chẳng biết nơi nào, nhưng một khi các bạn đến nhà thờ và chùa mà cảm thấy an lạc, thì đấy chính là Tịnh độ, là Thiên đường, chẳng phải đi tìm ở đâu xa. Cũng như khi gặp được bạn bè cũ như thế này, tôi có được những giây phút vui vẻ, với tôi cũng chính là Tịnh độ và Thiên đường rồi...

Bạn cũ gặp nhau huyên thuyên, các bạn nói với tôi, ai cũng có nhiều thay đổi, nhưng Hiệp xưa nay vẫn thế, từ hình dáng... cò ma (ngoài bốn chục ký giác), cho đến tính tình chẳng thấy thay đổi... Thế cũng là mừng.




Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Ghi nhanh.


 Người biểu tình Thái Lan dọn dẹp đường phố. Ảnh Việt Phương (TTO).



Thái Lan là một nước lân bang thuộc khu vực Đông Nam Á cùng với Việt Nam. Mấy năm gần đây nước này khá bất ổn về chính trị, hết chính phủ này đến chính phủ khác bị lật đổ, hoặc phải từ chức, những cuộc biểu tình xảy ra liên miên, phe này, phái kia, đảng nọ... Những cuộc biểu tình có khi kéo dài cả tháng, với cả trăm ngàn lượt người tham dự, có những đụng độ giữa các phe phái, với nhà cầm quyền, có cả tổn thất về nhân mạng, và dĩ nhiên thiệt hại khá nặng về tiền của, kinh tế, du lịch...

Tôi không muốn nói nhiều về động cơ biểu tình của họ, lý do họ chống đối chính phủ, đấy là những chuyện của người dân và chính phủ nước họ. Nhưng đọc báo Tuổi Trẻ ngày 5-12-2013 có một tin ngắn làm tôi rất "khoái" những người biểu tình nói riêng, và khoái người dân Thái Lan nói chung, đấy là tin sau khi ngưng biểu tình, họ vẫn để lại khoảng 1.000 (một ngàn) người trên đường phố, chẳng phải họ tính "chốt chặn" hay "quấy rối" gì, mà để làm công việc "vệ sinh, dọn dẹp đường phố". Thật không thể nào tin được là "dân trí" và tinh thần trách nhiệm của người dân Thái Lan đã đạt được đến mức như thế, đối với xã hội, với cộng đồng của họ. Người dân Thái Lan đã xử sự đích thực có văn minh, văn hóa, và có trách nhiệm với cộng đồng.


Trông người lại nghĩ đến ta...


Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Tên xưa của một số quốc gia.


 Ảnh Internet.

Đọc bên nhà bác Hồng Ngọc thấy có nói về những cái tên cũ của một số nước mà bây giờ ít thấy ai nói hay viết, Chẳng hạn như Hương Cảng (Hongkong), Tân Gia Ba (Singapore, bây giờ hay gọi ngắn gọn là "Sinh"), Nam Dương (Indonésia, cũng rút gọn thành "In Đô"). Tuy nhiên vẫn còn một số nước như Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ... vẫn còn được dùng trong ngôn ngữ và văn viết.

Thời tôi còn nhỏ cách nay năm, sáu mươi năm, đọc sách báo hoặc nghe người lớn nói chuyện vẫn thấy hoặc nghe được những từ ngữ như vậy. Chẳng hạn báo chí viết về một trận túc cầu (ngày ấy cũng không dùng từ đá banh hay bóng đá) giữa đội Nam Hoa của Hương Cảng và đội Ngôi Sao Gia Định của Saigon, hay giữa đội tuyển Tân Gia Ba, Mã Lai Á với đội tuyển Việt Nam. Nước Pháp thì viết là Pháp Lan Tây, nước Nga gọi là Nga La Tư, sau này gọi là Nga Xô, Liên Xô, nước Đức gọi là Nhật Nhĩ Man, hay nước Nam Tư còn gọi là Tư Lạp Phu... Những tên gọi như vậy có lẽ bây giờ nói, hay viết ra chắc có nhiều người thấy lạ.

Những tên gọi như thế bắt nguồn từ đâu? Tôi coi trong sách vở, tra từ điển thấy đó là âm theo Hán Việt. Người Trung Hoa ngày xưa viết tên các nước như thế, và người mình đọc, viết theo âm Hán Việt. Tôi chép lại một số tên nước chúng ta thường thấy, theo mẫu tự a, b, c:

- A (Á) Căn Đình    . Tiếng Pháp: Argentine. Tiếng Anh: Argentina.
 - A Lạp Bá (Ả Rập)     . Arabie - Arabia.
- A Phú Hãn  阿富汗. Afghanistan - Afghanistan.

- Ai Cập    . Egypte - Egypt.

- Ai Lao   . Laos - Laos.
- Anh Cát Lợi   英吉利. Angleterre - United Kingdom.
- Ái Nhĩ Lan    . Irlande - Irland.
- Áo Địa Lợi   . Austriche - Austria.
- Ấn Độ   . Inde - India.
- Ba Lan . Pologne - Poland.
- Ba Lạp Khuê   . Paraguay - Paraguay.
- Ba Lợi Duy Á      . Bolivie - Bolivia.
- Ba Tây   西. Brésil - Brazil.
- Ba Tư . Perse - Iraq.
- Bảo Gia Lợi . Bulgarie - Bulgaria.
- Bỉ Lợi Thì    . Belgique - Belgium.
- Bồ Đào Nha . Portugal - Portugal.
- Cao Ly 高麗. Corée - Korea.
- Cao Miên 綿. Cambodge - Cambodia.
- Do Thái . Juif - Israel.
-  Đan Mạch  . Danemark - Danmark.
-  Đài Loan 臺灣 . Formose - Taiwan.
- Gia Nã Đại     . Canada - Canada.
- Hoa Kỳ   = Mỹ  . États Unis d'Amérique - United States.
- Hà (Hoà) Lan . Hollande - Netherlands.
- Hung Gia Lợi   . Hongris - Hungary.

- Hy Lạp   . Grèce - Greece.
- Hương Cảng . Hongkong - Hongkong.
- Mã Lai Á      . Malais - Malaysia.

- Miến Điện 緬甸. Birmanie - Burma (Myanmar).
- Mông Cổ . Mongolie - Mongolia.
- Nam Dương  . Indonésie - Indonesia.
- Nam Tư . Yougoslavie - Yougoslavia.
- Nga La Tư . Russie - Russia.
- Nhật Bản日本 . Nippon, Japon - Japan.
- Nhật Nhĩ Man (Đức) . Allémagne, Germains - Germany.        
- Pháp Lan Tây   西. France - France.
- Phần Lan  . Finlande - Finland.
- Phi Luật Tân .Philippines - Philippines.
- Tân Gia Ba 新加坡. Singapore - Singapore.
- Tân Tây Lan  西 . Nouvelle Zélande - New Zeland.
- Tây Ban Nha 西班牙. Espagne - Spain.
- Thổ Nhĩ Kỳ 土耳其. Turquie - Turkey.
- Thụy Điển 瑞典. Suède - Sweden.
- Thụy Sĩ 瑞士. Suisse - Swuitzeland.
- Tô Cách Lan 蘇格蘭. Écosse -  Scotland.
- Trung Hoa 中華. Chine - China.

- Xiêm La . Siam - Thailand.
- Ý Đại Lợi  . Italie - Italia.
- Úc Đại Lợi . Australie - Australia.


Tham khảo:

- Hán - Việt Từ Điển, Đào Duy Anh, Trường Thi xuất bản - Saigon 1957.
- Tự Điển Việt - Pháp, Đào Văn Tập, Nhà sách Vĩnh Bảo - Saigon 1950.
- Pháp - Việt Tân Từ Điển, Thanh Nghị, NXB Thời Thế, Saigon 1961.
- Sổ Tay Các Nước Trên Thế Giới, Vĩnh Bá - Lê Sĩ Tuấn, NXB Giáo Dục - 2005.
- Từ điển mạng Hán - Việt.