Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Trong cuộc tồn sinh.

 Hôm nay thứ bảy (30-11-2013), đã cuối tuần, cuối tháng, và sắp cả cuối năm. Trước khi viết tiếp về mấy từ ngữ trong một số bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bính, để thay đổi không khí tôi post lên vài hình ảnh và viết... nhăng cuội ít dòng về mấy con vật nho nhỏ quanh ta, cho đầu óc thư giãn chút đỉnh...

Từ thuở nhỏ tôi đã nghe câu ca dao "Tò vò mà nuôi con nhện/ Đến khi nó lớn nó quện nhau đi/ Tò vò ngồi khóc tỉ ti/ Nhện ơi nhện hỡi mày đi đàng nào?". Chắc hẳn ông bà ta xưa đã nghĩ ra câu ca dao ấy khi nhìn thấy hình ảnh con tò vò bắt con nhện đem về tổ.

 

Tôi tình cờ quan sát và chụp được hình ảnh một con tò vò đang tóm cổ một con gián chứ không phải con nhện, về chiều dài thì hai con vật có vẻ bằng nhau, nhưng con gián trông ú ù bự hơn con tò vò gấp mấy lần. Hình như con tò vò có nọc độc, khi đụng độ con gián đã bỏ chạy, nhưng chỉ sau vài cú tiếp cận "xáp lá cà" thì con gián xụi lơ, để mặc cho con tò vò lôi xềnh xệch về tổ là một cái khe ở vách tường.




Trong thế giới loài vật cũng có trường hợp loài này nuôi con của loài khác, chẳng hạn chim sáo hay chim chích nuôi chim tu hú. Nhưng đây là trường hợp vô tình phải nuôi chứ không phải tự nguyện. Chim tu hú là loài không biết ấp trứng và nuôi con, nó ranh mãnh tìm tổ của các loài chim khác chẳng hạn như tổ chim sáo hoặc chim chích và đẻ trứng vào đó. Chim sáo hay chim chích cứ thế mà ấp, đến khi nở ra chim con thì chim tu hú thường nở trước, theo bản năng nó ủi cái trứng chim kia ra khỏi tổ, nếu nó có nở sau đi nữa thì với sức vóc to lớn nó cũng dễ dàng chiếm lĩnh độc quyền cái tổ, và chim sáo hay chim chích bố mẹ chẳng mảy may suy nghĩ gì hết, cứ thế mà lo đi kiếm ăn về cung phụng cho đứa con... lạc loài to gấp mấy lần mình...

Chim chích nuôi chim tu hú. Ảnh Internet.

Con tò vò thì khác, nó bắt con nhện hay con gián về tổ là để có thức ăn nuôi đám nhện con chứ chẳng phải nuôi nấng gì con của "người" khác, như người xưa nghĩ chi cho mệt. Đến kỳ sinh sản tò vò đi bắt một con côn trùng khác như con nhện trong ca dao hay gián bên trên, nó đẻ trứng vào con gián và thế là hết nhiệm vụ. Khi trứng nở ra những ấu trùng, ấu trùng này lấy ngay thân xác con gián làm thức ăn nuôi sống chúng, cho đến khi con gián chỉ còn cái vỏ thì chúng đủ lớn thành tò vò tự đi kiếm sống, bắt đầu một vòng đời khác. Nhưng trong cuộc tồn sinh thì con nhện lại có một cái cách độc đáo khác. Thỉnh thoảng bạn bắt gặp một con nhện đen cẳng dài ôm một cái bọc trứng trắng đục bằng cỡ đồng xu dưới bụng. Nó đeo cái bọc trứng như thế cho đến khi lũ nhện con nhỏ li ti chui ra, và lạ lùng (cũng kinh khủng thay) những con nhện con ấy đục thủng thân nhện mẹ và chui vào bên trong cơ thể nhện mẹ mà sống, và cũng đến khi nhện mẹ chỉ còn cái vỏ thì đám nhện con đã trưởng thành tự sống lấy một mình. Nếu bạn nhìn thấy nơi góc kẹt xác một con nhện khô như thế là nó đã làm xong nhiệm vụ cao cả của một bà mẹ nhện.

Nhện cái cũng có một độc chiêu nữa trong bắt cặp, khi giao phối, xong việc nàng nhện cái xơi tái luôn anh chàng nhện đực (giống như ở loài bọ ngựa). Cũng có anh chàng nhện đực láu lỉnh, có kinh nghiệm chiến trường, đúng hơn là tình trường (nhện đực nhỏ hơn nhện cái nhiều lần), biết cách thoát hiểm bằng cách khi "cặp" với nhện cái, anh chàng "thủ" theo một con ruồi hay con bọ bắt được. Sau khi đã đạt được mục đích, chàng nhện ma le bỏ lại con mồi cho cô nàng và... nhanh chân tẩu thoát.

Tôi rất thích tìm hiểu thế giới động vật trên sách báo (mua khá nhiều sách nói về các loài động vật), hoặc xem trên phim ảnh truyền hình, thường xuyên là "khách hàng thân thiết" của những kênh truyền hình Animal Planet, hoặc Discovery Channel. Trên phim ảnh chúng ta thường thấy nơi thiên nhiên hoang dã con này rình bắt con kia, nhưng đấy là cái lẽ thường tình của trời đất, con sư tử hay con hổ, con beo... tóm con huơu con nai, con nhện bắt con ruồi, con bọ ngựa xưc con cào cào... Chúng xơi tái con khác không phải vì "niềm vui thích", mà chỉ vì mỗi một nhiệm vụ vinh quang và cao cả mà Ông trời đã ban cho chúng, là tồn tại... Điều này thì hoàn toàn khác với con người.

Tôi post lên dưới đây vài con vật nho nhỏ bằng giấy tôi đã làm sau khi đã quan sát kỹ những con vật này.

Những con nhện.

Bọ ngựa và nhện.

Bọ ngựa và cào cào.

Xem ra trong cuộc tồn sinh thiên nhiên cũng có nhiều điều lạ lùng và thú vị...




Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông...


 Lá trầu. Ảnh Internet.

Nhân lai rai nói về chuyện chữ nghĩa, đọc trên báo Tuổi Trẻ hôm nay (28-11-2013) thấy có một bài viết ngắn của một thày giáo về chữ "Trầu" hay "Giầu"? Chuyện như thế này, thày dạy trò môn ngữ văn lớp 10, thày đọc hai câu thơ trích trong bài thơ Tương tư của nhà thơ Nguyễn Bính: "Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào". Có học trò nói: "Thưa thầy! Thầy đọc sai rồi ạ. "giầu" chứ không phải "trầu" ạ".

Nghe thế thày mới ngớ người, học trò đưa sách của trò cho thày xem thì thấy viết là "giầu" thật. Cũng may thày xem lại sách của mình thì thấy viết là "trầu" chứ không phải là "giầu". Thày đành mang hai quyển sách nói cho trò rõ sách của thày viết là "trầu", còn sách của trò viết là "giầu", bài viết nói, cũng cùng là sách của NXB Giáo Dục phát hành, sách của thày là bản in trước thì chép là "trầu", còn sách của trò là sách tái bản thì chép là "giầu", khi tái bản không có chú thích dễ gây nhầm lẫn cho người dạy lẫn người học. Câu chuyện chữ nghĩa trên đây cho tôi mấy suy nghĩ.

- Thứ nhất là về bản thân của chữ, viết "trầu" là đúng, hay "giầu" là đúng? "trầu" (hay giầu) là danh từ tiếng Việt, không phải từ Hán Việt. Theo Đại Từ Điển Chữ Nôm của Vũ Văn Kính, chữ Trầu   (lá trầu, trầu cau) là chữ hình thanh, gồm bộ Thảo + chữ Lâu  . Thoạt tiên chữ trầublù, như blờitrời, blùtrầu... (Từ điển chữ Nôm trên mạng). Còn viết và đọc là giầu là theo phương ngữ miền Bắc ngày trước, như chúng ta vẫn còn thấy trong những chữ Ông Trời = Ông Giời, Thời tôi còn nhỏ thấy kinh thánh viết Đức Chúa Blời, Đức Chúa Lời, Đức Chúa Giời = Đức Chúa Trời. Ông Giăng (trong bài đồng dao Ông Giẳng Ông Giăng) = Ông Trăng, bánh Tro = bánh Gio (người miền Nam cũng gọi là bánh Ú, một loại bánh làm vào dịp mùng 5 tháng 5). Cỏ tranh = cỏ gianh... Như vậy về nghĩa chúng ta có thể thấy chữ trầu hoặc giầu là từ đồng nghĩa, trong bài thơ của Nguyễn Bính có nghĩa là lá trầu (trầu cau).

Vấn đề ở đây là nhà thơ Nguyễn Bính đã viết như thế nào? Trầu hay là giầu? Xem lại tiểu sử của nhà thơ Nguyễn Bính thấy viết, ông tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh năm 1918 mất năm 1966, ông là người miền Bắc, quê của ông ở xóm Trại, thôn Thiện Vịnh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định*. Theo tôi thì chữ trong bài thơ Tương tư (bài thơ này được in trong tập Lỡ bước sang ngang năm 1940), ông đã dùng phương ngữ miền Bắc viết là giầu chứ không phải là trầu. Bởi ông là người miền Bắc, làm bài thơ này đã cả hơn 70 năm nay. Trong quyển Tuyển tập Nguyễn Bính của NXB Văn Học in năm 1986 cũng ghi hai câu thơ này là "Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào". Chữ thôn Đoài, thôn Đông (thôn phía Tây, thôn phía Đông) cũng là phương ngữ miền Bắc.

- Thứ nhì là về kiến thức và nhanh nhạy của người thày khi gặp tình huống như trên. Nếu có đủ kiến thức người thày sẽ dễ dàng giảng giải cho học trò hiểu được điều khác biệt về chính tả, và ý nghĩa giống nhau của chữ trầu và chữ giầu như đã nêu, và trong trường hợp này người thày có thể khẳng định được với trò là "Tuy sách của thày với trò viết khác nhau như thế, nhưng thày nghĩ sách của trò viết là giầu đúng với chữ gốc của nhà thơ hơn sách của thày viết là trầu". Đấy chính là bản lĩnh của người đứng trên bục giảng.

- Thứ ba là chuyện của những người soạn sách giáo khoa và nhà xuất bản, nếu họ cẩn thận (và suy nghĩ thấu đáo) chắc trong bản sách (của thày) đã ghi là giầu chứ không phải là trầu, và nếu có lỡ ghi ở ấn bản trước như thế, thì với tinh thần trách nhiệm ở lần tái bản (sách của trò), cũng phải có cái đính chính và giải thích rõ khi thay chữ trầu bằng chữ giầu, cho cả thày lẫn trò đều hiểu.


* Theo Từ điển Tác giả Tác phẩm Văn học Việt Nam, Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Duy Tân, Nguyễn Như Ý (đồng chủ biên), NXB Đại Học Sư Phạm - 2009.





 

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Tôn giáo hay Tông giáo?

Hàng ngày chúng ta thường nghe hay đọc được từ "Tôn giáo", chẳng hạn Phật giáo là một tôn giáo lớn trên thế giới, và gần như tất cả sách vở tôi đọc được đều viết là Tôn giáo. Tuy nhiên khi đọc những sách của Trần Trọng Kim tôi lại thấy viết là Tông giáo (có thêm chữ g ở chữ Tôn).

Tôi thử tra chữ Tôn giáo trên một vài từ điển, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của - Saigon 1895, 1896 không có chữ Tôn giáo hoặc Tông giáo. Đa số các từ điển tiếng Việt xưa nay, xuất bản trong Nam, ngoài Bắc đều ghi là Tôn giáo, chẳng hạn như Việt Nam Tân Từ Điển của Thanh Nghị - xuất bản tại Saigon 1952. Tự Điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khái Trí - Saigon 1971, đều ghi là Tôn giáo.


Từ Điển Tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, Hà Nội-1967. Từ Điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên - Hà Nội 1997 cũng ghi là Tôn giáo. Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ - 2007 ghi cả hai chữ Tôn giáo, Tông giáo với nghĩa: danh từ. Đạo, đường lối tu hành, tin tưởng, lấy một hay nhiều vì thần làm chủ, với một giáo lý vững chắc, với một tổ chức chặt chẽ, luôn luôn khuyên tín đồ làm lành lánh dữ để mau tới cõi siêu thoát.

Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức - Hà Nội 1931 ghi Tông giáo ( ): giáo lý lấy thần đạo mà thiết lập ra, có giới ước để khiến người ta phải sùng bái và tín ngưỡng. Việt Nam Tự Điển cũng giải thích chữ Tông (宗): thường đọc trạnh là tôn, có nghĩa: 1/ dòng họ (như tông chi ). 2/ lý thuyết, tư tưởng xác chính để làm gốc, làm chủ (tông giáo -  , tông chỉ - ). 

Tôn giáo hay Tông giáo là một từ Hán Việt, bao gồm chữ Tôn, Tông () và chữ giáo (). Từ Điển Hán Việt của Nguyễn Tôn Nhan ghi nhận có 18 chữ Tông, và chữ Tông giáo ( ): Tức Tôn giáo, có nghĩa là điều dạy dỗ giáo hóa của một tông phái. Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh ghi nhận chữ Tông, tôn: có 5 nghĩa: 1/ Ông tông (ông tổ thứ nhất là tổ, ông tổ thứ hai là tông), tổ tiên. 2/ Họ (hàng). 3/ Phe, dòng, phái. 4/ Sự, món, kiện, vụ. 5/ Chủ, chính.

Riêng Tự Điển Hán Việt của Đào Duy Anh (Trường Thi - Saigon 1957) giải nghĩa rõ nhất về từ Tôn giáo, Tông giáo. Trong mục từ chữ Tôn ghi nhận: Tôn Tổ cao nhất là Tổ, tổ thứ hai là tôn - Nhà thờ tổ tôn - Giòng họ - Một giáo phái hay học phái - Nguyên đọc là Tông. Trong mục từ Tông ghi nhận: Nguyên chữ này trước Nguyễn triều vẫn đọc là tông, sau vì kiêng tên húy đời vua Minh Mạng mới đọc là Tôn. Và mục từ Tôn giáo ghi: Một thứ tổ chức lấy thần đạo làm trung tâm mà lập ra nền giới ước để khiến người ta tín ngưỡng (religion). Có ghi chú thêm tiếng Pháp, tiếng Anh cũng viết là religion.     

Như vậy chữ Tôn trong Tôn giáo nguyên là chữ Tông, vì kỵ húy tên vua Minh Mạng (Nguyễn Phúc Miên Tông) mà đổi thành Tôn. Việc kỵ húy tên vua chúa là do ta học theo Tàu. Sách sử chép việc kỵ húy có từ đời vua nhà Trần, và đến đời vua Minh Mạng triều Nguyễn đã được áp dụng gắt gao. Như chúng ta vẫn thấy ở miền Nam việc kỵ húy tên vua chúa (nhất là tên vua chúa triều Nguyễn) được tôn trọng khá triệt để, có lẽ do miền Nam chịu nhiều ảnh hưởng của triều Nguyễn, như những tên đường Lê Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn (thay vì Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông), hoa đổi thành bông, huê, ba, kỵ húy tên bà Hồ Thị Hoa (Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu) vợ vua Minh Mạng, cảnh đổi thành kiểng, kỵ húy tên của hoàng tử Cảnh...

 Tôi thấy miền Bắc vẫn dùng những tên như phố Lê Thánh Tông, phố Trần Nhân Tông...(không kỵ húy chữ Tông). Tuy nhiên đến chữ Tông trong Tông giáo, sách vở trong Nam ngoài Bắc khi viết, và khi nói vẫn dùng chữ Tôn giáo. Còn về chuyện kỵ húy tên vua chúa, lẽ ra vua Minh Mạng (Nguyễn Phúc Miên Tông) nhà Nguyễn phải kỵ húy chữ Tông mới đúng, vì các vì vua như Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông... đã có trước nhà Nguyễn đến mấy trăm năm...



Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Mua... sách.

Entry trước là chuyện Bán sách (người ta bán), còn entry này là chuyện Mua sách. Mua bán đề huề. Chắc thấy chuyện sách vở khô khan quá, bạn Mùa Thu Buồn vào nói tôi thỉnh thoảng nhớ viết về món ăn bình dân đọc đỡ ghiền, thế thì tôi sẽ kết hợp chuyện mua sách với chuyện món ăn vậy.

Ngoài những quyển sách tôi đã mua của mấy ông tử, tử gì đó như lời bác Bu, tôi cũng mua đủ mọi loại sách khác, đủ thứ, một số về triết lý ăn uống, cả sách dạy nấu món ăn chay mặn, đông tây kim cổ, món nấu món xào, pha chế thức uống, uống trà. Bản thân còm nhom, ốm nhách, nhưng sách về ăn uống trong nhà chắc sắp xếp cũng được một tủ nho nhỏ, tôi chụp và post lên đây vài quyển minh họa, và nhân tiện cũng viết sơ qua vài món ăn chơi phục vụ cho bạn Mùa Thu Buồn và các bạn.









Chuyện ăn uống là chuyện của... ngàn xưa, chuyện muôn thuở của mọi giống loài. Ở xứ ta về địa lý thuở nhỏ đi học đã thấy được chia ra ba miền Bắc - Trung - Nam, đại khái là như thế, với nhiều thứ khác nhau, giọng nói, trang phục, nết ở... và cả trong ăn uống, một vài chuyện nhỏ nhỏ chẳng hạn người miền Bắc thích chấm nước mắm "y", tức là nước mắm mặn không pha chua ngọt, xưa kia mắm tôm là món không thể thiếu trong mâm cơm của người miền Bắc, kể cả trong bữa cỗ. Ngày thường thì cà pháo mắm tôm, quà thì có bánh đúc chấm mắm tôm, bún riêu bún ốc nêm thêm chút mắm tôm, bữa giỗ làm thịt con lợn có cỗ lòng hẳn là phải có món lòng, món dồi chấm mắm tôm, nêm nếm ở nhiều nơi cũng bằng mắm tôm, mắm tôm có lẽ là món "quốc hồn quốc túy" ở miền Bắc một thời.

Người miền Trung cũng thường ăn mặn nhưng thêm nhiều ớt rất cay, trong quyển Văn hóa ẩm thực Huế của BS Bùi Minh Đức (một người Huế sống tại Hoa Kỳ), có nói đến món "muối Huế", từ hạt muối sống, người Huế đã chế biến thành muối rang, muối hầm, muối tiêu, muối ớt, muối sả, muối ruốc (con ruốc kho với muối), muối riềng, muối gừng, muối mè, muối đậu phụng, muối tỏi phi... Và Huế cũng có món mắm, đủ mọi loại mắm, mắm gạch cua (chế biến rất cầu kỳ, là món "ngự thiện" ngày xưa vua chúa), mắm ruột, mắm ruột cá ngừ, mắm cà pháo ruột cá ngừ, mắm ngừ, mắm thu chao, mắm thính, mắm cá chuồn, mắm cá mòi,, mắm nêm cá cơm, mắm cá nục... quá xá món mắm.

Người miền Nam lại thích ăn ngọt, béo... sẵn có dừa họ chế biến ra đủ thứ món ăn có dừa, trong sách Khám phá ẩm thực truyền thống Việt Nam của GS Ngô Đức Thịnh, có nói đến một số món ăn của người Nam bộ chế biến từ dừa như, nước màu dừa (người Bắc gọi là kẹo đắng được thắng từ đường để kho thịt, cá), người miền Nam thắng từ nước dừa tươi, rất thơm ngon. Các món khác như thịt heo kho nước dừa, cá bống kho nước dừa, tép rang dừa, cá biển kho dừa, cá biển chiên dừa, bí đỏ nấu canh nước dừa, cá tra nấu cháo dừa, lươn om dừa, ốc bươu hầm dừa, ốc leng xào dừa. Không thể thiếu những món "truyền thống" Nam bộ như rắn xào dừa, chuột quay nước cốt dừa... và mấy món ăn chơi như kẹo dừa, bánh tráng dừa...









 


Bây giờ thì tôi sẽ chọn mỗi miền một món ăn chơi (nhưng cũng đủ no) tương đối đặc sắc cho bạn Mùa Thu Buồn thèm chơi, những món gì nhỉ? Đối với miền Bắc có lẽ tôi sẽ chọn món "Bún thang", miền Trung món "Bánh khoái", còn miền Nam có món "Bún nước lèo". Trong vài quyển sách tôi đã mua cũng có nói đến và dạy cả cách làm với ba món ăn đó.

- Bún thang: món bún miền Bắc quen thuộc hay nghe nói tới là bún riêu, bún ốc, nhưng một món bún khác rất ngon và khá độc đáo là món bún thang. Bún thang nấu khá cầu kỳ với rất nhiều nguyên liệu, không kể bún thì nấu bún thang phải có đầu, xương gà, thịt ức gà, trứng gà, giò lụa, tôm khô loại ngon, nước mắm ngon, muối, đường, hành lá, rau răm, chanh ớt..., và 2 món không thể thiếu đó là mắm tôm và cà cuống. Đối với món bún thang thì nước dùng phải nấu thật trong (hớt hết bọt khi nấu), giò lụa phải thái chỉ chứ không cắt miếng, ức gà cũng thế, thịt phải xé sợi, trứng gà đánh tan đều chiên thật mỏng và cũng thái chỉ. Tôm khô luộc chín giã nhỏ, chấy khô, hành thái nhỏ, răm thái chỉ... Khi ăn dọn kèm bát mắm tôm nhỏ, thêm chút cà cuống, bún thang không ăn kèm rau sống. Nấu bún thang cực như thế cho nên có người nói lẽ ra phải gọi là "bún than", nấu cực quá nên than thở mới đúng.

Tô bún thang miền Bắc. Ảnh Internet.

- Bánh khoái: là một món ăn quen thuộc của miền Trung cũng không kém phần cầu kỳ, bánh được làm từ bột gạo, tôm tươi, thịt ba rọi, nấm rơm, gan heo, trứng vịt, tương đậu nành, đậu phộng giã nhỏ, mắm, muối, đường, dầu ăn... Bánh khoái ngon hay không là từ ngay khâu pha bột, khi tráng chín bánh có độ giòn mềm, màu vàng hấp dẫn. Cái đặc biệt khi ăn món bánh khoái là ở chén nước chấm, nước chấm bánh khoái không phải pha từ nước mắm như ăn món bánh xèo miền Nam. Nước chấm bánh khoái được chế biến từ gan, thịt heo băm nhuyễn cùng tương đậu nành của người Huế, cho thêm đậu phộng giã nhỏ, chén nước chấm bánh khoái hơi  sền sệt, màu nâu vàng có mùi vị thơm đặc trưng. Khi ăn cuộn với các loại rau sống, xà lách chấm với nước sốt vừa kể. Tại sao lại gọi là bánh khoái? Có người giải thích tại ăn thấy khoái, khoái khẩu, người khác nói đúng ra là "bánh khói" chứ không phải "bánh khoái", người Huế nói khói trại thành khoái, khi "đổ bánh" (cũng gọi là đúc bánh), nấu bằng than củi, mở nắp vung khói lên nghi ngút nên gọi thế. Cách giải thích nào thấy cũng có lý... Món bánh khoái Huế ăn nóng xốt vào những ngày mưa Huế lạnh lẽo thì hết xẩy, tuyệt cú mèo. 

Người ta cũng nói khi người vùng ngũ Quảng vào miền Nam thời các vua chúa nhà Nguyễn, thì món bánh khoái được cải biến thành món bánh xèo, bánh xèo vì đổ muỗng bột vô chảo nghe cái "xèo", cũng là một món ngon, món bánh xèo miền Nam với thương hiệu Mười Xiềm mấy năm trước đã xuất ngoại đi sang tận nước Mỹ.


Bánh khoái miền Trung. Ảnh Internet.

- Bún nước lèo: miền Nam có một món ăn chơi cũng khá cầu kỳ trong chế biến đó là bún nước lèo. Là một món ăn có xuất xứ từ người Khmer Nam bộ, được cộng đồng người Việt, Khmer, Hoa ưa chuộng. Nguyên liệu chính nấu bún nước lèo là mắm, có thể dùng mắm cá linh, mắm cá sặc, cá lóc, hay mắm bò hóc của người Khmer. Ngoài ra còn có thịt heo quay, tôm tươi, cá lóc, mực, nước mắm, đường, muối, bột ngọt, ớt, xả, chanh... các loại rau sống, rau thơm, bắp chuối..., và cũng không thể thiếu một món đặc trưng Nam bộ là nước dừa tươi. Cũng như các loại nước dùng, bí quyết nấu nước lèo là nước dùng phải thật trong, khi nấu nước cốt mắm và nước lèo phải hớt kỹ bọt. Thịt quay chặt miếng, cá lóc cắt miếng hấp chín để giữ ngọt. Tôm cũng hấp chín, mực trụng chín. Khi ăn chan nước lèo thật sôi, kèm với các loại rau sống, chấm nước mắm mặn, chanh ớt.

Tô bún nước lèo miền Nam. Ảnh Internet.

Những món ăn ba miền kể trên bây giờ đã nằm trong nhà hàng, quán ăn đặc sản của ba miền, chứ không còn là món ăn bình dân nữa, nhưng cũng không đến nỗi đắt đỏ lắm, chừng nào bạn Mùa Thu Buồn về Việt Nam nhớ thưởng thức, còn các bạn khác ở Saigon chừng nào muốn đi ăn nhớ "hú" tôi :-)))


Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Bán... sách!



Hai ngày hôm nay (20, 21-11-2013) tôi đọc trên báo Tuổi Trẻ về loạt bài "Bán sách... "vá" nhà" của các tác giả Thái Lộc và Lam Điền. Bài báo viết về chuyện "Thực tế đang diễn ra tại Huế với hàng loạt sách cổ, sách quý hiếm từ các nhà sưu tầm, nghiên cứu uy tín đang được ráo riết tìm mua. Chuyện mua bán chẳng ồn ào nhưng một phần gia tài văn hóa quan trọng của Huế nay đã lặng lẽ rời khỏi Huế".

Những quyển sách cổ có giá trị về lịch sử, văn học, khảo cứu, tôn giáo, các loại tạp chí, báo... chẳng hạn như bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn... Tạp chí Nam Phong, Đối Diện, Bách Khoa Thời Đại, Sáng Tạo, Văn Nghệ... Báo chí như Nông Cổ Mín Đàm, Phụ Nữ Tân Văn, Tao Đàn... Còn rất nhiều nữa, sách Hán, Nôm, tiếng Tây, tiếng Ta... Toàn những loại ấn phẩm quý hiếm, có những ấn phẩm đã được in ấn cả trăm năm nay, đang lần lượt đội nón ra đi khỏi những tủ sách gia đình ở Huế... Có những quyển sách không chỉ được bán ra khỏi Huế, mà đã đi ra "định cư" ở nước ngoài bởi những nhà sưu tầm, những thương lái mua đi bán lại.

Đọc xong bài báo tôi đã "bần thần" cả người. Nhà nghiên cứu văn hóa Bửu Ý đã nói về tình trạng "chảy máu sách" này, chẳng hạn thời tiết mưa ẩm ở Huế đã khiến cho sách dễ hỏng, nhiều sách quá cũ đã và đang mục nát, hầu hết sách cổ đã được dịch và đưa lên Internet (sách chỉ còn giá trị cổ vật), thế hệ sau này không còn quan tâm đến sách, và những nhà nghiên cứu, sưu tầm nay tuổi đã già, không thể sống lâu với sưu tập của mình... Cũng còn một điều rất quan trọng khác là "họ cũng phải sống nữa...", như một nhà sưu tầm khác nói: "Tiếc lắm nhưng buộc phải bán vì không cách chi để có tiền cả". Họ phải dứt ruột bán đi những quyển sách quý giá, để có tiền sửa lại căn nhà đang dột nát, hay đơn giản hơn là để sống.

Nhà nghiên cứu văn hóa Bửu Ý cũng nói: "các cơ quan chức năng như Trung tâm học liệu Đại học Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế, Thư viện tỉnh Thừa Thiên - Huế và các Thư viện đại học nên nghĩ đến chuyện làm giàu bằng cách mua những tác phẩm cổ kinh ấy. Tình hình nghiên cứu khoa học trong các đại học đang đi xuống ở mức hết sức thấp. Nếu đại học đẩy mạnh nghiên cứu thì nhất định những người nghiên cứu sẽ tìm tới các tủ sách này ngay".

Một nhà nghiên cứu khác sở hữu một thư viện gia đình lớn ở Huế chua xót: "Sách quý bị bán đi, cổ vật bị "chảy máu", giá trị văn hóa mai một, kể cả người tài cũng rời bỏ... Với cái đà này tôi e rằng một thời gian nữa thôi Huế sẽ trở nên rỗng tuếch. Các nơi khác nếu giá trị văn hóa mai một còn có nhiều thứ khác để phát triển. Với một thành phố như Huế mà văn hóa còn rỗng tuếch thì lấy chi để phát triển?".

Đấy là một câu chuyện buồn về sách, về một thành phố cổ kính có bề dày văn hóa như Huế. Những người phải bán đi những quyển sách mình đã gìn giữ cả đời chắc phải đau lòng, nhưng thật thông cảm cho họ, biết làm sao được, cuộc sống hiện tại với cái ăn, cái ở vẫn là trên hết, có thực mới vực được đạo. Lâu nay, tiếp xúc với nhiều người tôi nhận ra điều này, không có nhiều người có nhiều tiền để ý đến sách, ngoại trừ số ít có tiền mà thích đọc hay sưu tầm sách, còn phần đông những kẻ thích đọc, mua sách lại là những người ít tiền, và họ cũng ít có khả năng (thế lực) hay tài năng để kiếm ra tiền, đấy là một thực tế như chuyện bán sách cổ ở Huế của báo Tuổi Trẻ đã nêu. Tôi cũng là một người "mê" sách ngót nửa thế kỷ nay, trong nhà cũng có được một tủ sách nho nhỏ, được tậu qua năm tháng, qua nhiều thời kỳ, đủ để thỉnh thoảng cần tra cứu cái gì thì có mà lục lọi. Mua sách với tôi cũng là một "cái thú", có lẽ cũng như cái thú "shopping" nơi nhiều người, và tôi cũng nằm trong cái đa số mê sách mà không có nhiều tiền, hì hì!

Cho nên dẫu có khoái sách cỡ nào thì với loại sách cổ ở Huế kể trên cũng nằm ngoài tầm với, đọc thấy nói một tờ báo xưa giá cả trăm ngàn, một quyển sách giá bạc triệu, một bộ sách cổ giá vài chục hoặc vài trăm triệu, hoặc tính bằng con số ngàn đô la... Ngay cả với những quyển sách in mới bày trong nhà sách bây giờ mình thấy đọc được, thích mà cũng ít dám đụng tới, bởi giá cả bây giờ cái gì cũng cao ngất, chỉ thỉnh thoảng ghé nhà sách ngắm nghía xem có quyển sách mới nào hay không? Cho... đỡ ghiền. Từ thời còn đi học muốn mua sách tôi vẫn hay đến mấy tiệm bán sách cũ, hay sách bán "xon" ở vỉa hè. Ngày xưa trước năm 1975 vỉa hè Lê Lợi, trước nhà sách Khai Trí là nơi để đám sinh viên học sinh, những người mê sách rảo rảo, một quyển sách bán nơi quày sách vỉa hè giảm giá khoảng 30% theo giá bìa, trong nhà sách cách vài bước chân thì bán đúng giá, tội gì, để tiền dư ghé Cinéma Vĩnh Lợi coi phim cao bồi Mỹ, đi uống cà phê nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn và xơi chè Hiển Khánh hay kem Công Trường ở Hồ Con Rùa sướng hơn.

 Sách mới tinh xuất bản quý 3-2013 bán giảm giá 25% ở tiệm bán sách cũ.


 Sách còn rất mới, xuất bản đã mấy năm nay (2009) của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm bán xon ở vỉa hè.

Sách Đạo Đức Kinh có đóng dấu Thư viện Quốc gia.

Trang sách Đạo Đức Kinh có đóng dấu của Thư viện Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa.



Sách Nho Giáo của Lệ Thần Trần Trọng Kim đóng dấu của Thư viện trường Đại học Sư Phạm TP HCM.

Sách có chữ ký tặng của dịch giả.




 Sách có chữ ký cá nhân của tủ sách gia đình.

Ở tiệm sách cũ và sách xon vỉa hè dĩ nhiên sách không nhiều bằng những nhà sách quốc doanh chính qui, nhưng tôi lại hay tìm được những quyển sách có giá trị mà mình thích, nhiều khi là sách "độc", đủ mọi loại và thể loại. Sách mới in, sách còn mới nhưng in đã lâu, sách cũ, có những quyển sách từ Thư viện trường đại học, và cả Thư viện Quốc gia. Bộ sách Nho Giáo của Trần Trọng Kim xuất bản bởi Trung Tâm Học Liệu Saigon trước năm 1975, tôi đã bị mất trong đợt "sách nạn" sau tháng 4 năm 1975, tôi đã mua được bản in lại sau năm 1975, sách có đóng dấu Thư viện của một trường đại học. Quyển Đạo Đức Kinh của Lão Tử, dịch giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần, nhà sách Khai Trí Saigon xuất bản năm 1961 (tính đến nay đã 52 năm, hơn nửa thế kỷ), sách bị xé mất bìa trước, in song song chữ Hán và chữ Việt rất tiện để đối chiếu, có đóng dấu Thư viện Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa... Và những quyển khác nữa từ tủ sách gia đình, giá cả dĩ nhiên khá mềm, chỉ bằng gói xôi hay ổ bánh mì, đắt lắm bằng tô phở bình dân...

 Cho nên tôi mới có sách để đọc, thỉnh thoảng tra cứu, tán gẫu với bạn bè :-)))


Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Mộc bản.

Mộc bản khắc kinh Phật giáo.


Mộc bản là những tấm ván gỗ ngày xưa được dùng khắc lên những hình vẽ hay chữ để in thành tranh hay sách. Những tài liệu cho biết mộc bản ở nước ta đã tồn tại cả ngàn năm nay, từ thế kỷ XI, và tiếp tục phát triển ở những thế kỷ tiếp theo, từ thế kỷ XII đời nhà Lý, mộc bản gắn liền với tên tuổi nhà sư Tín Học. Sư Tín Học sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống về nghề in mộc bản chuyên in kinh Phật. Không rõ nhà sư Tín Học sinh năm nào, chỉ biết mất ngày 15-12-1190. Ông là người làng Chu Minh, phủ Thiên Đức, trụ trì chùa Quang Đính trên núi Không Lộ (Sơn Tây cũ).  Đến đời nhà Hồ (1400-1407) kỹ thuật in mộc bản ở nước ta đã phổ biến rộng rãi và có lẽ đã đạt đến trình độ khá cao trong việc Hồ Quý Ly cho in tiền giấy, trong dân gian cũng có người tên Nguyễn Nhữ Các đã trốn vào núi Thiết Sơn để lén in tiền giả.

Tuy nhiên mộc bản ở nước ta sang đến đời nhà Lê sơ (1428-1527) mới hoàn thiện qua việc Thám hoa Lương Nhữ Hộc (1420-1501), đi sứ sang Tàu, bằng sự khéo léo và kiên nhẫn ông đã học lóm được nghề  nghề in mộc bản của họ. Về nước Thám hoa Lương Nhữ Hộc đã truyền lại nghề in mộc bản đã học được cho người dân. Ông được tôn làm ông Tổ của nghề in, hiện nay còn đền thờ ông tại thôn Hồng Lục gọi là đình Sinh. Ở Liễu Tràng trong chùa có thờ ông. Lễ cúng Tổ sư được tổ chức trong 3 ngày vào trung tuần tháng 8 âm lịch. Ngày 13 thôn Liễu Tràng cúng cơm, 14 thôn Hồng Lục làm giỗ, 15 thôn Khuê Liễu hóa vàng.

 Nghề in mộc bản.

Gỗ ván in mộc bản là gỗ của cây thị, gỗ cây thị có đặc điểm là thớ nhỏ, mềm và mịn, bền chắc, dễ khắc, khi khắc không bị sứt mẻ, tấm mộc bản để lâu cả trăm năm không bị mối mọt. Khi khắc tranh hay chữ miếng gỗ được đánh nhẵn cả hai mặt, miếng ván gỗ có kích cỡ tùy theo sản phẩm sẽ in, như tranh, sử, hay sách học... Chữ hay tranh được viết, vẽ lên một tờ giấy trong được dán lên tấm ván khắc. In chữ viết phải có bản thảo, người thợ in viết chữ để dán lên bản khắc phải biết rành chữ Hán, chữ Nôm, chữ viết phải đẹp. Dán xong lại đánh cho tấm giấy dán mỏng đi để lộ ra tranh hay chữ ngược, sau đó người thợ dùng dao nhọn khắc tranh hay chữ viết lên tấm ván in, theo mẫu của tờ giấy đã dán. Khi in người thợ đặt bản in lên cái đệm rơm, dùng chổi quét đều một lớp mực in lên ván in, xong đặt tờ giấy in lên tấm ván khắc, dùng một tấm xoa bằng xơ mướp xoa cho giấy in ăn đều mực. Bóc tờ giấy in ra là đã có một tấm tranh hay một trang sách, một ngày người thợ giỏi có thể in được cả ngàn bản in. Kỹ thuật in mộc bản như thế tồn tại cả mấy trăm năm, cho đến đầu thế kỷ XIX, kỹ thuật in typo của Châu Âu đã dần thay thế nghề in mộc bản ở nước ta, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của là một trong những quyển sách in typo sớm nhất nước, bởi nhà in Rey et Curiol - Saigon.


Một bản kinh in mộc bản.

Như chúng ta đã biết, mộc bản gồm in tranh và in chữ viết. Về tranh mộc bản có nhiều nơi in, nhưng nổi tiếng hơn cả có dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống ở miền Bắc, và tranh mộc bản làng Sình (chuyên về tranh thờ) ở Huế.

- Tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ: là dòng tranh của làng Đông Hồ (Bắc Ninh), khi xưa thường được bày bán vào dịp Tết Nguyên đán, với những bức Tranh gà, Đàn lợn, Đám cưới chuột... Tranh Đông Hồ được in trên một loại giấy gọi là "Giấy điệp" (vỏ con điệp biển nghiền mịn trộn với hồ làm từ bột gạo tẻ hay gạo nếp quết lên mặt của giấy dó) và những màu sắc in tranh lấy từ thiên nhiên, màu đen từ than ỗ xoan hay than lá tre, màu xanh từ gỉ đồng, màu vàng của hoa hòe, màu đỏ của sỏi son, gỗ vang....



Tranh dân gian Đông Hồ.

- Tranh Hàng Trống: được làm chủ yếu từ phố Hàng Trống, Hàng Nón Hà Nội xưa, gồm tranh thờ và tranh trang trí ngày Tết. Tranh thờ Hàng Trống phục vụ cho những Đền, Phủ... của Đạo Mẫu, như tranh Ngũ Hổ, Tứ Phủ... Tranh trang trí ngày Tết có tranh Tứ bình... Tranh Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in mộc bản nửa vẽ. Tranh chỉ in ván để lấy hình, còn màu là thuốc nước được tô bằng bút lông mềm. Tranh cũng được thực hiện trên giấy dó, hoặc giấy báo.

Tranh thờ Đạo Mẫu.

Tranh trang trí Hàng Trống.

- Tranh làng Sình (Huế): loại tranh mộc bản được sản xuất tại làng Sình - Huế, nằm ven bên bờ sông Hương. Tranh làng Sình được làm chủ yếu phục vụ cho việc thờ cúng, nên khi cúng xong tranh được đem đi đốt. Cũng có loại tranh với những hình ảnh sinh hoạt xã hội như Đấu vật, Bài chòi. Cũng như dòng tranh Đông Hồ hay tranh Hàng Trống, tranh làng Sình cũng được in từ giấy dó quét điệp, sử dụng màu lấy từ thiên nhiên, ván in của tranh làng Sình thường được làm từ gỗ mít.

Tranh thờ làng Sình.

 Tranh Bài Chòi ngày Tết.
 
Tranh đấu vật.

Về chữ, có Mộc bản triều Nguyễn đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là "Di sản tư liệu thế giới" vào ngày 31-07-2009, hiện nay Mộc bản triều Nguyễn đang được lưu trữ tại Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia IV (Đà Lạt-Lâm Đồng), ngày xưa là Biệt điện của bà Trần Lệ Xuân thuộc Khu di tích của TP Đà Lạt. Đây là kho tư liệu Hán - Nôm quý báu của Việt Nam. Theo những sách mộc bản còn lưu lại những nhà nghiên cứu phân loại "nhà in" ngày xưa làm ba khu vực:

- Khu vực triều đình quản lý: do có nguồn tài chính, nguồn bản thảo, kỹ thuật và phương tiện dồi dào nên chuyên in những bộ sách lớn quan trọng có giá trị, như quốc sử, thi văn của vua chúa, địa chí, sách kinh điển... Những bộ sách sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên, Đại Nam thực lục, Việt sử thông giám cương mục... Thời nhà Nguyễn có Quốc Sử Quán chuyên in những bộ sách có giá trị về lịch sử. Những bản in này thường được gọi là "bản kinh".


- Khu vực nhà chùa, quán đảm trách: do nhu cầu in ấn kinh Phật để truyền bá đạo pháp, và những sách khác dùng trong việc dạy học như Ngọc âm chỉ nam, Tam thiên tự... Xưa có chùa Xiển Pháp, Liên Phái, Linh Quang, Hòe Nhai, hay đền Ngọc Sơn (Hà Nội)... hoặc sách về thuốc như bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông do chùa Đồng Nhân (Hà Bắc) in...

Mộc bản kinh Phật.

- Khu vực tư nhân: những nơi in ấn thuộc khu vực của tư nhân như Lê Quý Đôn, Nguyễn Mậu Kiến (Thái Bình), Bùi Huy Bích, Nguyễn Văn Siêu (Hà Nội), Cao Xuân Dục (Nghệ Tĩnh)... các phường in như Liễu Chàng, Hồng Lục... Tại trung tâm như Thăng Long - Hà Nội có những "Văn đường" (nhà in sách) như Liễu Văn Đường, Quảng Văn Đường, Cẩm Văn Đường... Hưng Yên có Hướng Thiện Đường, Ninh Phúc Đường ở Hà Nam Ninh, Hải Dương có Hải Học Đường của Ân Quang Hầu Trần Công Hiến... Khu vực tư nhân thường in các tác phẩm liên quan đến học vấn, thi cử của sĩ tử như Tứ thư, Ngũ kinh, kinh điển của Nho gia... Các truyện Nôm dân gian như Nhị độ mai, Phạm Công - Cúc Hoa, Trạng Quỳnh, Truyện Kiều... Những bản in tại khu vực in tư nhân thường được gọi là "bản phường", để phân biệt với "bản kinh", là bản của triều đình in.


 Mộc bản Truyện Kiều.

Những mộc bản hiện còn lưu lại được trong dân gian, hay trong Trung tâm lưu trữ quốc gia là nguồn tư liệu rất quý trong lãnh vực khảo cứu về lịch sử, văn hóa, xã hội, nghệ thuật... của nước nhà. Nhiều tư liệu, những bộ lịch sử của Việt Nam đã được dịch từ chữ Hán, Nôm sang chữ quốc ngữ, và Mộc bản triều Nguyễn xứng đáng được UNESCO công nhận là "Di sản tư liệu thế giới".


Tham khảo:

- Hành trình chữ viết, Lê Minh Quốc, NXB Trẻ tái bản lần thứ nhất - 2002.
- Các vị Tổ ngành nghề Việt Nam, Lê Minh Quốc, NXB Trẻ - 1999.
- Trần Công Hiến với Hải Học Đường, Nguyễn Huy Khuyến, Tạp chí Kiến thức Ngày Nay số 827 - 01-08-2013.
- Trang mạng Wikipedia.

* Ảnh Internet.