Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Cóc ba chân.


Thiềm thừ ngậm tiền, trên lưng có 7 hạt đá tượng trưng cho chòm sao Bắc Đẩu, hai chân trước và một cái chân sau đuôi.

Có người bạn nói với tôi có biết con cóc ngậm tiền bây giờ người ta hay đặt ở bà thờ Ông Địa (còn gọi là Ông Thiềm thừ) có mấy chân không? A ha, nhà tôi cũng có một con cóc như thế ở bàn thờ Ông Địa, Thần Tài, cả một Ông Tỳ hưu nữa, những thứ này là do mấy năm trước bà xã tôi đi du lịch Trung Quốc mang về, nhưng thật là từ hồi nào tới giờ tôi cũng không chú ý lắm về những vật nghe gọi bằng "Ông" này. Nay bạn hỏi chẳng biết nói sao, tôi nghĩ những vật đặt nơi bàn thờ Ông Địa, Thần Tài là để cầu mong tài lộc, Tỳ hưu thì không có chỗ để bài tiết chất thải (ý nói không muốn ra của), vậy thì có lẽ Thiềm thừ phải có năm sáu chân cho có số nhiều chăng (nhiều của)? Bạn nói không phải, chỉ có ba chân thôi, và cũng không biết tại sao? Trong khi con cóc bình thường thì ai cũng biết là có bốn chân.

Thiềm thừ, từ Hán Việt có nghĩa là con cóc, và tôi coi lại con cóc nơi bàn thờ Ông Địa ở nhà thì quả nhiên chỉ có ba chân (bắt đầu từ đây tôi gọi là cóc, cụ cóc, con cóc cho tiện việc nhà nước), hai chân trước và một chân sau nằm dưới cái đuôi. Ở nhà tôi có vài quyển sách nói về phong thủy, những linh vật người ta thờ, đại khái thấy nói Thiềm thừ là một trong những linh vật của người Trung Hoa, đứng hàng thứ nhì sau Tỳ hưu. Cụ cóc này đem lại may mắn, tài lộc cho con người, trên lưng cụ có đính 7 hạt đá trắng, cổ đeo xâu tiền, và miệng cũng ngậm đồng tiền xưa. Có lần tôi nghe mấy bà nói, buổi sáng thì đặt Thiềm thừ quay mặt ra cửa, và buổi tối thì đặt quay mặt vào trong nhà, ý nói buổi sáng con cóc đi ra khỏi nhà và buổi tối quay trở lại mang tiền về, chẳng biết sao chứ thoạt đầu lúc mới mang về bà xã tôi cũng nói thế, nhưng nhớ ra để sáng quay con cóc ra  và tối quay vào cũng hết hơi.

Quan sát nơi Thiềm thừ tôi thấy có những đặc điểm: thứ nhất dễ nhận thấy nhất là những đồng tiền, trên cái tượng nhỏ bằng nắm tay mà đâu cũng thấy tiền, tiền dưới chân cóc, ngậm nơi miệng, xâu thành chuỗi đeo ở cổ, tượng trưng cho Tiền tài, đây là cái mà người ta chú ý đến và "khoái"  nhất khi đặt cụ cóc vào chỗ thờ phượng. Thứ nhì là 7 hạt đá trắng đính trên lưng con cóc, tượng trưng cho chòm sao Bắc Đẩu. Theo tôi đây mới là cái ý nghĩa đáng chú ý nhất nơi cụ cóc này. Như chúng ta đã biết chòm sao Bắc Đẩu là chòm sao quan trọng trên bầu trời đêm, ngày xưa còn nhỏ bạn nào có đi hướng đạo đã được dạy cho nhận biết chòm sao Bắc Đẩu trong việc định hướng mưu sinh thoát hiểm, người Pháp còn có Bắc Đẩu bội tinh là một huân chương cao quý của họ. Theo triết học Đông phương 7 ngôi sao của chòm sao Bắc Đẩu, 2 ngôi sao tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng (âm, dương) và 5 ngôi sao tượng trưng cho Ngũ hành (Thủy - Hỏa - Mộc - Kim - Thổ), tất cả tượng trưng cho sự hòa hợp.

                                                Chòm sao Bắc Đẩu.

Nhân nói về âm dương, ngũ hành tôi cũng xin "tán" thêm, phương Bắc thuộc hành Thủy, phương Nam thuộc hành Hỏa, phương Đông thuộc hành Mộc, phương Tây thuộc hành Kim, Trung ương thuộc hành Thổ. Rồi Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy. Đấy là quan hệ tương sinh của ngũ hành. Có tương sinh ắt sẽ có tương khắc. Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy. Rồi lại có vật biểu cho mỗi phương, chẳng hạn vật biểu cho phương chính Nam là Chim, cho phương Đông là Rồng, cho phương Tây là Hổ, cho phương Bắc là Rùa, cho Trung ương là Người. Có vật biểu thì lại có màu biểu, Thủy-Hỏa tương khắc màu biểu là đen, đỏ (hai phương Bắc-Nam), ứng với hai hành Mộc-Kim là xanh, trắng. Màu vàng ứng với hành Thổ ở Trung ương.


                                                             Ngũ hành.


Đối với người Á Đông như Việt Nam, phương Nam và phương Đông là hai phương của nền văn hóa gốc nông nghiệp nên được coi trọng hơn phương Bắc và phương Tây, hai phương của nền văn hóa gốc du mục. Theo truyền thuyết Nam Tào-Bắc Đẩu, thì thần Nam Tào giữ sổ sinh (coi về sự sống) ở phương Nam, bên trái của Ngọc Hoàng, còn vị thần Bắc Đẩu giữ sổ tử (coi về sự chết), ở phương Bắc, bên phải Ngọc Hoàng. Màu đỏ phương Nam là màu của may mắn, của niềm vui, màu xanh của phương Đông là màu của sự sống, sinh sôi, thì màu trắng của phương Tây, và màu đen của phương Bắc tượng trưng cho chết chóc...

                                                Bát tiên quá hải.


Còn một điều đáng lưu ý nữa nơi cụ cóc là cụ chỉ có 3 chân, hai chân trước, và một chân sau nằm dưới cái đuôi, chứ không phải 4 chân như những con cóc bình thường. Chẳng biết người Trung Hoa có truyền thuyết gì về chuyện này không? Chứ sách chỉ viết, đại khái Thiềm thừ ngày xưa là một con yêu tinh, chuyên đi quậy phá thiên hạ, điều này làm tôi nhớ lại chuyện Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, hay chuyện Tam Tạng thỉnh kinh, con gì cũng là yêu quái được cả, chồn, cáo, cua, cá... đám này tu hành lâu năm thành tinh có phép thuật, chuyên đi quấy phá người... Sau con yêu tinh Thiềm thừ gặp Đạo sĩ Lưu Hải là đệ tử của Tiên ông Lã (Lữ) Động Tân thu nhận (một trong Bát tiên gồm: Hán Chung Ly, Lã Động Tân, Tào Quốc Cưu, Trương Quả Lão Lam Thể Hòa, Lý Thiết Quài, Hàn Chung Tử, Hà Tiên Cô), khi gặp Đạo sĩ Lưu Hải thì con cóc đi quậy phá ở đâu đó bị chúng đánh cho tơi tả,  thương tích đầy mình, rụng mất một chân chỉ còn có 3 chân...

                                      Tranh dân gian Đông Hồ đứa bé ôm con cóc.
                                                


Ấy là theo sách vở chép như thế. Trong truyện cổ tích Việt Nam cũng có nhiều truyện viết về con cóc, dân tộc Kinh, dân tộc Mường, hay dân tộc thiểu số ở Tây nguyên, dân tộc nào cũng đều có, nhưng không liên quan gì đến Thiềm thừ của người Hoa. Riêng ca dao, tục ngữ Việt Nam có câu "Con cóc là cậu ông trời/ Ai mà đánh nó thì trời đánh cho". Nước mình xưa nay trọng về nghề nông, mỗi khi nắng hạn nghe cóc kêu thì trời mưa, cóc lại ở đồng ruộng ăn sâu bọ hại lúa, là vật có ích, mang lại lợi lộc cho nông dân nên được coi trọng như cậu của ông trời. Con cóc cậu ông trời Việt Nam mang lại lợi ích cho người dân như thế, có nét tương đồng với Thiềm thừ đem đến tiền tài của người Hoa chăng?

Nhưng về ý nghĩa, tính nhân văn thì tôi nghĩ con cóc cậu ông trời của Việt Nam hơn hẳn ông Thiềm thừ của người Trung Hoa.

                                  






Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Tín ngưỡng dân gian.

Ở entry trước tôi nói về đền Trần ở Saigon, bạn TT có vào comment với câu thành ngữ "Tháng tám giỗ Cha tháng ba giỗ Mẹ", và nói: Mẹ ở đây là Mẫu nghi thiên hạ-Chúa Liễu Hạnh và Cha là Vua cha Bắc Hải hay là Đức Thánh Trần?". Bây giờ đang là tháng tám âm lịch, với tôi đây là câu hỏi thật thú vị, và khá khó trả lời. Để có thể trả lời được (khó có thể trả lời cặn kẽ trong một cái comment liền sau câu hỏi), nên tôi nói với bạn TT sẽ thử viết tiếp một bài, lạm bàn về những gì bạn thắc mắc. Ngoài những hiểu biết ít ỏi có được trong cái "trí nhớ nhỏ nhoi" của mình (chữ của nhạc sĩ TCS trong một bài hát của ông), thì tôi lại phải "cầu viện" đến sách vở, cũng may, tôi có vài quyển sách nói về chuyện này.

Trước hết xin nói, câu thành ngữ "Tháng tám giỗ Cha tháng ba giỗ Mẹ" ghi trên theo tôi là một câu có lẽ đã xưa lắm, của Đạo Mẫu, một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

"Tháng ba giỗ Mẹ", Mẹ ở đây là chúa Liễu Hạnh, một trong Tứ bất tử của Việt Nam (Bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, bao gồm Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương (Thánh Gióng), Chử Đồng tử, và Liễu Hạnh Công chúa). Trong hệ thống đạo Mẫu, thờ Tam phủ hoặc Tứ phủ, Tam phủ gồm có: Thiên phủ (miền trời), Nhạc phủ (miền rừng núi), Thoải (Thủy) phủ (miền sông nước), nếu thuộc hệ thống Tứ phủ, ngoài Tam phủ kể trên thêm một phủ nữa là Địa phủ (miền đất đai).

                                                   Tam Tòa Thánh Mẫu.

Tam Tòa Thánh Mẫu là tín ngưỡng thờ Mẫu để chỉ hệ thống sáng tạo ra vũ trụ, gồm 3 vị Thánh Mẫu cai quản 3 miền của vũ trụ. Mẫu Thượng thiên cai quản miền Trời là hóa thân của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, được xem là vị Thánh Mẫu cao nhất, mang tư cách như một vị Giáo chủ còn gọi là Mẫu Đệ Nhất. Cai quản miền núi là Mẫu Thượng Ngàn là Mẫu Đệ Nhị, Mẫu Thoải (Thủy) cai quản miền sông nước là Mẫu Đệ tam. Tam Tòa Thánh Mẫu được thờ chung hàng ngang, Mẫu Thượng Thiên choàng khăn đỏ ngồi giữa, Mẫu Thượng Ngàn choàng khăn xanh bên trái, Mẫu Thoải choàng khăn trắng bên phải. Tam Tòa Thánh Mẫu, có lẽ cũng tương tự như trong những tôn giáo khác có số 3 linh thiêng, Tam Thế Phật (Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai) của Phật giáo, Ba Ngôi (Cha, Con, và Thánh thần) của Thiên Chúa giáo, hoặc Thiên, Điạ, Nhân của triết học Đông phương...

Sự tích của Liễu Hạnh Công chúa - Mẫu Liễu Hạnh, khá dài nên tôi không chép lại ở đây, chỉ nhắc sơ qua, theo truyền thuyết, Mẫu Liễu Hạnh vốn là Đệ nhị tiên chủ Quỳnh Nương ở chốn Thiên cung, vì phạm lỗi đánh vỡ chén ngọc phải đày xuống trần gian, ở lần đầu thai thứ nhì Bà (truyền thuyết nói Bà có 3 lần đầu thai xuống trần) vào nhà họ Lê ở Phủ Giầy, Vụ Bản, Nam Định từ đời Thiên Hựu (1557), bố mẹ đặt tên là Giáng Tiên, năm 18 tuổi lấy chồng là Đào Lang, sinh được một con trai, mấy năm sau hết hạn xuống trần mất đột ngột trở về lại Thiên đình... Truyền thuyết có nói tới chuyện sau Bà nhớ chồng con lại xin Thượng đế cho xuống trần, chuyện bà gặp Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan ở Lạng Sơn, ở Hồ Tây, chuyện bà trừng phạt một hoàng tử lúc ấy, ở đèo Ngang vì dám ve vãn Bà... Sau Bà thường giúp quân triều đình dẹp giặc, giúp dân chúng tai qua nạn khỏi được nhân dân lập đền thờ, triều đình phong tặng là Chế thắng Hòa diệu Đại vương, người dân tôn Bà làm Thánh Mẫu. Lễ hội giỗ Mẫu Liễu Hạnh được người dân tổ chức vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch.

                                          



"Tháng tám giỗ Cha", Cha ở đây là Bát Hải Đại Vương (Bát Hải chứ không phải Bắc Hải), theo GS-TS Ngô Đức Thịnh, Bát Hải Đại Vương hóa thân thành một vị võ tướng của Hùng Vương, thuộc hệ thống thờ Thoải Phủ trong Đạo Mẫu, theo truyền thuyết Quan Tam Phủ là con của Bát Hải Đại Vương. Trong dân gian có người coi Đức Thánh Trần là Bát Hải Đại Vương, nhưng thực ra  không phải, trong Đạo Mẫu Đức Thánh Trần được quy về dòng Long Vương, Bát Hải Đại Vương thuộc Thoải Phủ. Cũng có nơi đã đặt Đức Thánh Trần riêng thành một Phủ - Phủ Nhân Thần, Phủ Trần Triều. Có khi ngài được đồng nhất sánh với Thánh Mẫu, với Bát Hải Đại Vương. Ngày giỗ và lễ hội của ngài cũng đồng nhất với ngày giỗ Bát Hải Đại Vương, ngày mất của Đức Thánh Trần là 20 tháng 8 âm lịch, ngày mất của Bát Hải Đại Vương là 28 tháng 8 âm lịch.

Dưới đây là một đoạn Văn chầu Trần triều hiển thánh:

Lòng thành đốt một nén hương
Trần triều thượng đẳng thánh vương thuở này
Xem trong quốc sử mới hay
Chép biên thánh tích khi nay tỏ tường...









Cũng theo GS-TS Ngô Đức Thịnh trong Đạo Mẫu tuy mỗi địa phương có những khác biệt trong việc thờ phượng, nhưng có thể đưa ra một hệ thống điện thần của Đạo Mẫu như sau:
- Phật Bà Quán Âm.
- Ngọc Hoàng.
- Tam vị Thánh Mẫu ( Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Địa Tiên Thánh Mẫu).
- Ngũ vị Quan Lớn (Từ Đệ Nhất đến Đệ Ngũ).
- Tứ vị Chầu Bà (hay Tứ vị Thánh Bà) là hóa thân trực tiếp của Tứ vị Thánh mẫu.
- Ngũ vị Hoàng Tử (từ Đệ Nhất đến Đệ Ngũ).
- Thập nhị Vương Cô (gọi theo thứ tự từ 1 đến 12).
- Thập nhị Vương Cậu (gọi theo thứ tự từ 1 đến 12).
-  Ngũ Hổ.
- Ông Lốt (rắn).

Nói tới Đạo Mẫu hay tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần mà không nói chuyện lên đồng thì thật thiếu sót (ở đền Đức Thánh Trần Saigon không có hình thức lên đồng, chỉ có tế lễ thánh qua lễ tế nam và lễ tế nữ). Lên đồng còn gọi là hầu đồng, hầu bóng... là một nghi thức trong tín ngưỡng dân gian, không chỉ là của Việt Nam, mà còn của nhiều dân tộc. Đây là một hình thức giao tiếp giữa thần linh và con người, thông qua những bà đồng, cô đồng, hay ông đồng. Tín ngưỡng dân gian trong lên đồng tin rằng các thần linh có thể nhập vào các bà đồng, ông đồng nhằm phán truyền, chữa bệnh, diệt trừ tà ma, cứu nạn cứu khổ, hay phát lộc, thường là oản, kẹo, bánh, có khi là tiền, mang lại sự may mắn cho tín đồ. Khi thần linh nhập vào họ thì các bà đồng, ông đồng không còn là họ, mà là hiện thân của thần linh.

                                         Tế nữ ở đền Đức Thánh Trần Saigon.




Có tất cả 38 vị thánh được thờ trong hệ thống điện thờ Tứ Phủ, tương ứng với 38 giá đồng. Lễ hầu đồng thường diễn ra ở các điện, phủ... trong một không khí rất đặc thù, kính cẩn, trang nghiêm, giữa không gian mờ ảo đèn nến, mùi nhang khói, những màu sắc mạnh của điện, phủ (điện, phủ thường được sơn phết bằng những màu rất chói như màu đỏ, vàng...), giữa những tiếng nhạc, đàn ca của những nhạc cụ bát âm, giữa những động tác, điệu múa, y phục, nét mặt... của đồng cô, đồng cậu khi thánh thần nhập... Trong một không gian như thế, con người dễ có cảm giác hòa nhập với thần linh, với những gì mình tin tưởng. Một buổi lễ lên đồng thường theo những bước sau đây:

- Mời thánh nhập (thánh giáng)
- Kể sự tích và công đức thánh.
- Xin thánh phù hộ.
 - Đưa tiễn (thánh thăng), khi thánh thăng, giá đồng thường chấm dứt với câu hát "xe loan thánh giá hồi cung" của cung văn.

Cũng không thể không nhắc tới cung văn trong một buổi lên đồng. Đó là giàn nhạc hầu bóng gồm những nhạc công sử dụng những nhạc khí cổ truyền. Thường có một đàn nguyệt, một đàn nhị, một trống con, một cảnh đôi, một phách. Trong những buổi lễ lên đồng lớn có thể có thêm trống lớn, chiêng, sáo, tiêu...




Người đứng hầu đồng thường gọi chung là thanh đồng, nam giới được gọi là cậu, nữ giới được gọi là cô hay bà đồng. Trong một buổi lên đồng có nhiều giá đồng, thanh đồng đang ở giá đồng nào thì những người phụ đồng phải thay mới bộ trang phục tương xứng với vị thần linh trong giá đồng đó. Thường có 2 hoặc 4 người phụ đồng trong một buổi lên đồng, gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ, những phụ đồng này có nhiệm vụ chọn lựa y phục thích hợp với thần linh trong giá đồng, qua dấu hiệu của cô đồng, ông đồng khi thần linh đã nhập (giáng). Đối với vị thần giáng là thần thuộc Thiên Phủ y phục của cô đồng, ông đồng có màu đỏ, Nhạc Phủ thì màu xanh, Thoải Phủ mặc màu trắng, và Địa Phủ mặc màu vàng. Thần là võ tướng thì cô đồng, ông đồng sẽ cẩm kiếm, đao mà múa, nếu thần thuộc Thoải Phủ thì cầm bơi chèo, thần thuộc Nhạc Phủ (Phủ Thượng Ngàn, miền rừng núi) thì mặc quần áo của người dân tộc thiểu số...





Lên đồng có phải là mê tín? Nếu đã xem đây là một tín ngưỡng dân gian thực tế đã có từ bao đời nay, thuộc lãnh vực tâm linh của con người thì không thể nói là mê tín, bởi nói cho cùng tôn giáo nào chẳng có ít nhiều mê tín? Có điều mảnh đất đồng bóng, đồng cốt, xưa nay dễ phát sinh những chuyện không hay, lợi dụng niềm tin của người khác để làm điều xằng bậy, trục lợi (điều này không phải là tín ngưỡng), hoặc như bây giờ tôi nghe nói, đây đó người ta lên đồng, nhưng hình như đa phần chuyện lên đồng bị lợi dụng, nghe gọi là "đồng đua, đồng diễn"...


Tham khảo:

- Những kiêng kị dân gian Việt Nam, Ánh Hồng biên soạn, NXB Thanh Hóa xuất bản năm 2004.
- Hành trình vào thế giới Folklore Việt Nam, GS Vũ Ngọc Khánh, NXB Thanh Niên xuất bản năm 2005.
- Lên đồng - Hành trình của thần linh và thân phận, GS-TS Ngô Đức Thịnh, NXB Trẻ xuất bản năm 2008.
- Nghi lễ thờ Mẫu, Thuận Phước, NXB Thời Đại xuất bản năm 2011.

* Ảnh internet.


Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Giỗ Thánh.

Hôm nay là ngày 20 tháng tám âm lịch, ngày giỗ Đức Thánh Trần. Tôi ghé đền Đức Thánh Trần ở Saigon thắp một nén hương cho ngài. Ngày giỗ của ngài được tổ chức mấy ngày, thường có tế lễ, và những nghi thức khác.





                               Ngựa, voi, thuyền rồng bằng giấy trong lễ giỗ.

Như chúng ta đã biết, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1231-1300), là một nhà quân sự kiệt xuất, ngài là con của An Sinh vương Trần Liễu, được công chúa Thụy Bà em ruột của Trần Liễu đem về nuôi như con, ngài thông minh tuấn tú hơn người, lớn lên văn võ toàn tài. Ngài là người đã lãnh đạo, chỉ huy 3 cuộc kháng chiến chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược. Chính ngài là người đã đọc bài Hịch tướng sĩ nổi tiếng trước ba quân, nói lên quyết tâm bảo vệ tổ quốc. Một lần khi đội quân  của Thành Cát Tư Hãn xâm lược nước Đại Việt, thế giặc lúc ấy đang mạnh, vua nhà Trần phải bỏ kinh thành Thăng Long cùng Trần Hưng Đạo rút về phía nam. Thượng hoàng Thánh Tông lo lắng hỏi ngài xem có nên hàng hay không. Ngài đã khẳng khái trả lời: "Bệ hạ hãy chém đầu thần trước, rồi hãy hàng". Tháng 4 năm 1288, lần thứ 3 quân Nguyên mang quân sang xâm lược, ngài đã chỉ huy quân sĩ đánh tan quân giặc nơi sông Bạch Đằng, tướng giặc là Ô Mã Nhi bị chém chết, thủy quân của chúng tan rã, quân bộ bị truy đuổi đến tận biên giới. Vó ngựa của đội quân nhà Nguyên đã từng dẫm nát Châu Âu mà phải từ bỏ tham vọng xâm chiếm nước ta. Ngài đã được vua nhà Trần phong chức Đại vương.

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn không chỉ là một nhà quân sự đại tài, ngài là người không ham danh vọng, phú quý. Sau khi dẹp yên giặc ngài xin về thái ấp Vạn Kiếp, vui sống điền viên những năm tháng cuối đời. Năm 1300 ngài lâm trọng bệnh, vua Trần Anh Tông đến thăm, có hỏi ngài: " Chẳng may giặc phương Bắc lại đến thì làm thế nào?" Ngài đáp: "Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước". Tháng 9 năm 1300 ngài mất ở Vạn Kiếp. Vua Trần đã truy tặng ngài chức Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công, tước Nhân Võ Hưng Đạo đại vương. Nhân dân coi ngài như một vị Thánh.



                               Đội nữ tế đền Đức Thánh Trần trong một lần tế lễ.

Thỉnh thoảng đến đền đức Thánh Trần, tôi cũng hay gặp những buổi lễ khác, như có những gia đình đến xin làm lễ cầu an, hay cầu siêu, hoặc "khoán" con cho Thánh để mong đứa bé được Thánh che chở, thông minh, khỏe mạnh.


                                              Một buổi lễ cầu an.

                                               Làm lễ "khoán" con cho Thánh.

Tình cờ nơi một góc sân Đền tôi thấy tượng một con chó đá trơ vơ. Con chó đá này hẳn nhiên trước đây là vật của Đền, có lẽ là một linh vật dân gian được thờ. Bây giờ con chó đá được "dụi" vào một góc sân, trong khi ở sân Đền bây giờ có đặt cả bàn thờ Thổ Địa.

                                                Con chó đá nơi góc sân.

Nhìn tượng con chó đá, tôi chợt nhớ đến câu truyện cổ tích khi xưa được nghe từ lúc nhỏ, câu chuyện anh học trò nghèo và con chó đá, chắc các bạn còn nhớ câu chuyện này. Đại khái có một anh học trò nghèo nhưng vẫn gắng học hành, một hôm trên đường đi tới nhà thày đồ, ngang qua nơi có đặt tượng con chó đá, chợt con chó vẫy đuôi mừng rỡ. Anh chàng học trò lấy làm lạ hỏi: "Tại sao mày lại vẫy đuôi mừng tao?". Con chó đá trả lời: "Khoa này chỉ có mình thày đậu thôi, Trời đã định thế nên tôi vẫy đuôi mừng thày".

Anh học trò về kể cho cha mẹ nghe, người cha từ đó tỏ ý lên mặt hống hách với hàng xóm. Có lần trâu nhà dẫm lên lúa hàng xóm, bị nhắc nhở, ông ta nói: "Phen này con ông đỗ, rồi sẽ biết tay". Ngày sau anh học trò đi học ngang qua chỗ con chó đá, không thấy chó đá vẫy đuôi mừng nữa. Anh học trò hỏi: "Mọi hôm tao qua đây mày vẫy đuôi mừng, sao hôm nay không thấy?". Con chó đá đáp: "Tại cha thày đã hống hách với xóm làng, Trời đã gạch tên thày không đỗ nữa, nên tôi không mừng". Anh học trò về nhà nói chuyện với cha, người cha kinh sợ, quả nhiên khoa thi ấy anh học trò không đậu. Người cha hối hận tu thân, còn anh học trò vẫn gắng quyết chí học hành. Mấy năm sau sắp đến kỳ thi, anh học trò đi ngang qua chỗ con chó đá, lại thấy chó đá vẫy đuôi mừng. Con chó đá nói: "Nhờ nhà thày đã tích đức tu thân. Khoa này Trời lại cho thày đậu". Anh học trò mừng rỡ nhưng không dám về nói với cha mẹ, quả nhiên khoa thi năm đó anh đậu cao.

Khi xưa, con chó đá được thờ như một vị thần ở sân đình, sân đền, có nơi gọi kính cẩn bằng tên Quan lớn Hoàng Thạch, cũng có nơi chôn chó đá trước cổng nhà như linh vật canh giữ, trừ tà...

Vật đổi sao dời, như tấm hình thứ nhì từ trên xuống tôi chụp tượng đức Trần Hưng Đạo, các bạn thấy dưới chân tượng của ngài có con sư tử đá kiểu của Trung Hoa đứng há mồm nhe răng (một cặp sư tử dưới chân tượng), còn con chó đá dân gian nép mình nơi một góc sân...




Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Chuyện chữ nghĩa.

Lai rai đọc lại một vài quyển sách cũ, trong quyển Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam (tập I, gồm 5 tập, của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo Dục tái bản năm 2005), có nói về chữ VIỆT trong quốc hiệu của nước ta.

Theo sách chữ VIỆT trong quốc hiệu ĐẠI CỒ VIỆT - ĐẠI VIỆT có tự dạng khác với chữ VIỆT trong quốc hiệu VIỆT NAM Hình tôi chụp lại hai chữ trong sách dưới đây:


Quốc hiệu ĐẠI CỒ VIỆT ở nước ta có từ thời Nhà Đinh năm 968, bởi Tiên Hoàng Đế (Đinh Tiên Hoàng). Đến đời nhà Lý đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) đổi quốc hiệu thành ĐẠI VIỆT. Còn quốc hiệu VIỆT NAM chúng ta có từ năm Giáp Tý (1804) đời vua Gia Long. Quốc sử quán triều Nguyễn chép vua Gia Long sai Lê Quang Định mang thơ sang Tàu xin cầu phong, quốc thơ cầu phong nói: "Mấy đời trước mở đất Viêm Giao, càng ngày càng rộng, gồm cả nước Việt Thường và nước Chân Lạp, đặt quốc hiệu là NAM VIỆT, truyền nối hơn 200 năm. Nay tôi lấy hết cõi Nam, có toàn cả đất Việt, nên theo hiệu cũ để chính quốc danh". Tuy nhiên vua nhà Thanh lúc bấy giờ cho rằng nước Nam Việt xưa bao gồm cả Quảng Đông, Quảng Tây nên không đồng ý và đổi lại thành VIỆT NAM, sai sứ là Bố Sâm mang cáo sắc và Quốc ấn sang tuyên phong. Nước ta có quốc hiệu VIỆT NAM từ đó.

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần có ghi chú và lưu ý: "Chữ VIỆT mà thư tịch cổ của ta cũng như Trung Quốc dùng để chỉ người VIỆT hay nước ĐẠI VIỆT có mặt chữ Hán khác hẳn với chữ VIỆT (trong quốc hiệu VIỆT NAM) do nhà Mãn Thanh đặt ra sau này. Một số người nhân thấy chữ VIỆT (trong quốc hiệu Việt Nam) có bộ tẩu (nghĩa là chạy) ở bên trái nên cho rằng VIỆT NAM nghĩa là chạy xuống phương Nam. Theo chúng tôi, nhìn từ bất cứ góc độ nào cũng là một ý kiến hoàn toàn sai".

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần có nói sự khác biệt giữa hai chữ VIỆT, nhưng tác giả chỉ giải thích chữ VIỆT trong VIỆT NAM có bộ tẩu (nghĩa là chạy), còn chữ VIỆT trong quốc hiệu Đại Cồ Việt Đại Việt tác giả nói dùng để chỉ người Việt, nhưng không giải thích rõ nghĩa thêm. Trong từ điển Hán Việt của Thiều Chửu thì chữ VIỆT trong VIỆT NAM, cũng để chỉ nước Việt, đất Việt, giống người Việt.

Như chúng ta đã biết, theo sử sách đến đời nhà Hồ (1400-1407), Hồ Quý Ly đã đổi quốc hiệu là ĐẠI NGU, và sang đời vua Lê Thái Tổ (1428-1433) quốc hiệu của nước ta được đặt trở lại là ĐẠI VIỆT. Chữ VIỆT trong ĐẠI VIỆT của nhà Lê về tự dạng, cũng giống nhu chữ VIỆT trong ĐẠI CỒ VIỆT thời nhà Đinh, và ĐẠI VIỆT thời nhà Lý, điều này được biết qua bộ sử Đại Việt sử ký toàn thư.

Hình tôi chụp trang bìa của bộ sử Đại Việt sử ký toàn thư với chữ VIỆT (hàng chữ lớn ở giữa từ trên xuống là Đại Việt sử ký toàn thư, chữ VIỆT đứng thứ nhì):



Phần giới thiệu của Viện Sử Học về Đại Việt sử ký toàn thư viết, "Sách Đại Việt sử ký toàn thư là một bộ sử ký lớn của Việt Nam, chép từ đời Hồng Bàng đến Lê Gia Tôn năm thứ 2 tức năm Ất Mão (1675) , đầu tiên là Sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên dựa vào bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, và bộ Sử ký tục biên của Phan Phu Tiên mà viết ra vào nửa cuối thế kỷ XV (Biểu dâng sách của Ngô Sỹ Liên chép năm Kỷ Hợi Hồng Đức thứ 10 - 1479, tiết Đông chí). Đến năm Ất Tỵ (1665) đời vua Lê Huyền Tông (Cảnh Trị thứ 3), Tây vương Trịnh Tạc sai Phạm Công Trứ khảo đính bộ Sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên và viết thêm phần Bản kỷ tục biên. Đại Việt sử ký toàn thư được Phạm Công Trứ sửa chữa bổ sung, mười phần mới in được năm, sáu. Đến năm Đinh Sửu (1697) đời vua Lê Hy Tông, Định Vương Trịnh Căn lại sai Lê Hi và Nguyễn Quý Đức sửa chữa và viết nốt phần Bản kỷ tục biên từ năm 1663 đến năm 1675. Như vậy bộ Đại Việt sử ký toàn thư hiện nay không chỉ do Ngô Sỹ Liên biên soạn, mà do nhiều người viết ở những thời kỳ khác nhau".

Tôi đã thử tra những quyển từ điển Hán - Việt hiện có trên kệ sách, từ quyển của Đào Duy Anh, Thiều Chửu, Nguyễn Tôn Nhan, cho đến Trần Văn Chánh, đều không thấy có chữ VIỆT trong quốc hiệu ĐẠI CỒ VIỆT và ĐẠI VIỆT hay của sách Đại Việt sử ký toàn thư, mà chỉ thấy chữ VIỆT trong quốc hiệu VIỆT NAM. Như vậy có phải chữ VIỆT trong quốc hiệu VIỆT NAM sau này là biến đổi của chữ VIỆT trước đó? Có lẽ không phải như thế.

Trong tác phẩm Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi cũng có nhắc đến hai chữ VIỆT NAM, chẳng hạn trong đoạn sau: "Những sách, chương của Thiên Vương, có lúc gọi Việt Nam, Nam Việt, Giao Chỉ, An Nam. Nay cũng gọi là Việt Nam". Trong phần chú thích của sách có ghi chú: Thiên Vương là chỉ vua Trung Quốc.


Hình bên trên tôi chụp lại trong Dư Địa Chí bản in chữ Hán của Nguyễn Trãi (còn có tên gọi là An Nam Vũ cống, vì được viết theo thể văn của thiên Vũ cống - Kinh thư), với chữ VIỆT NAM ở trên cùng, hàng bìa bên tay phải. Nếu so sánh chữ VIỆT trong VIỆT NAM của sách Dư Địa Chí và chữ VIỆT trong quốc hiệu VIỆT NAM đời vua Gia Long, hai chữ hoàn toàn giống nhau. Đại văn hào Nguyễn Trãi sinh năm 1380 và mất năm 1442, trong khi bộ Đại Việt sử ký toàn thư mãi đến năm 1697 mới được in ấn hoàn chỉnh. Như vậy chúng ta có thể thấy từ thời Nguyễn Trãi vẫn tồn tại hai chữ VIỆT, một chữ VIỆT viết như chữ VIỆT của Đại Việt sử ký toàn thư, và quốc hiệu ĐẠI CỒ VIỆT, ĐẠI VIỆT mà tôi không tìm thấy trong sách vở, và một chữ VIỆT khác viết trong sách Dư Địa Chí, viết giống chữ VIỆT trong quốc hiệu VIỆT NAM vẫn còn được dùng đến tận bây giờ. Điều này làm tôi khá thắc mắc.

Ghi chú của bản dịch Dư Địa Chí trong quyển Nguyễn Trãi toàn tập tôi có ghi nơi tham khảo, có nói hiện có 5 bản chép tay ở thư viện Hán - Nôm (Hà Nội), và lưu ý là tác phẩm Dư Địa Chí đã được người đời sau viết thêm, sửa chữa, cho nên cần lưu ý khi sử dụng. Tuy nhiên rõ ràng là chữ VIỆT trong Đại Việt sử ký toàn thư còn tồn tại đến năm 1697 (cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII) khi in.

Trong sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (1882-1953), tên người, tên đất, quốc hiệu, đều ghi chú thêm bằng chữ Hán, sử gia Trần Trọng Kim khi nói về quốc hiệu ĐẠI CỒ VIỆT, ĐẠI VIỆT, VIỆT NAM đều chỉ chép một chữ VIỆT có tự dạng giống như chữ VIỆT trong quốc hiệu VIỆT NAM.

Không biết ông bạn Bulukhin, bạn Vũ Nho và các bạn khác, có bạn nào rành hay có tài liệu nào nói về ý nghĩa khác, hoặc giống  nhau của hai chữ VIỆT này không? Xin được chỉ giáo.


Tham khảo:

- Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo Dục tái bản năm 2005).
- Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Văn hóa Thông tin, xuất bản năm 2004.
- Nguyễn Trãi toàn tập, Mai Quốc Liên, Nguyễn Khuê, Nguyễn Quảng Tuân, NXB Văn Học - TT Nghiên cứu Quốc học xuất bản năm 2001.
- Quốc sử quán triều Nguyễn - Quốc triều chính biên toát yếu, Tổng tài Cao Xuân Dục chủ biên, NXB Thuận Hóa xuất bản năm 1998.
- Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, NXB Thanh Hóa xuất bản năm 2006.

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Thần.




Hôm nọ tôi nghe được một bác người Bắc ở gần nhà "đe" đứa cháu nhỏ: "Này, không được chạy ra ngoài đường, ông ba bị bắt đấy". Lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại từ ông ba bị. Ông ba bị, hay đầy đủ hơn là câu ngày xưa tôi nghe các cụ nói để dọa con trẻ trong nhà "Ông ba bị chín quai, mười hai con mắt, hay bắt trẻ con". Thời nhỏ mà nghe dọa Ông ba bị là sợ dúm người, tuy chẳng rõ Ông ba bị là ai..

Tình cờ đọc lại quyển Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam (Nguyễn Khắc Thuần - NXB Giáo Dục xuất bản năm 2004), có nói tới Ông Ba Bị và coi như một vị Thần dân gian của người Việt, như thần bếp, thần đất, thần núi, thần sông, thần cửa, thần giếng... cùng với ký họa của Henri Oger (đầu thế kỷ XX), vẽ một ông to lớn khuôn mặt dữ tợn, râu ria lởm chởm, đeo trên người ba cái bị bằng tre hay bằng cói, trong mỗi bị có khuôn mặt của đứa trẻ con ló ra. Ông Ba Bị, chính là một ông đeo... ba cái bị, chuyên đi bắt trẻ con như hình vẽ... Và Ông ba bị này ngày xưa chừng như là sản phẩm của Đàng ngoài (miền Bắc), chứ không phải Đàng trong (miền Nam), tôi sống từ nhỏ đến lớn ở miền Nam không thấy người miền Nam dọa trẻ con bằng Ông ba bị, mà nói tới Ông kẹ, người lớn miền Nam sẽ nói "ra đường Ông kẹ bắt à".

Thử xem một vài quyển tự điển trong Nam, ngoài Bắc giải thích từ Ba bị. Tôi bắt đầu bằng từ điển trong miền Nam trước, theo thời gian. Quyển từ điển xưa là Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (xuất bản năm 1895-1896 tai Saigon) viết: "Ông bị, tiếng nhát con nít, có người hiểu là thần". Huỳnh Tịnh Của viết là Ông bị chứ không phải Ba Bị. Việt Nam tân từ điển của Thanh Nghị (NXB Thời Thế Saigon xuất bản năm 1952), giải thích chữ Ba Bị: ". Một thứ ông kẹ bịa đặt ra để dọa con nít. Croquemitaine. Ba Bị chín quai. Ba Bị y hà: ogre, croquemitaine". Croquemitaine, ogre, tiếng Pháp, đại khái nghĩa tiếng Việt là Ông ba bị, ông kẹ , quỷ sứ... Từ điền tiếng Việt, Hán Việt, hay Pháp Việt, Việt Pháp ngày xưa của Thanh Nghị, Đào Duy Anh, hay ghi chú thêm tiếng Hán, tiếng Pháp trong giải nghĩa, rất hay, bây giờ không thấy nữa. Tự điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí xuất bản năm 1971 tại Saigon giải thích: Ba Bị: "một thứ ông kẹ bịa đặt để dọa con nít". Quyển Từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Văn Xô chủ biên (NXB Trẻ xuất bản tại TP. HCM năm 2000) ghi, Ba Bị: "Tên gọi một người có hình thù quái dị đặt ra để dọa con nít".
.
Sang đến sách vở miền Bắc, Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, Bản in tại Saigon năm 1967 in lại bản in năm 1931 của Hà Nội, giải nghĩa chữ Ba Bị: "Giống quái lạ người ta bịa ra để dọa trẻ con; Ba bị chín quai, mười hai con mắt. Nghĩa bóng là tồi tàn xấu xí: đồ ba bị". Từ điển Tiếng Việt (Văn Tân chủ biên, NXB Khoa Học Xã Hội xuất bản năm 1967 tại Hà Nội), giải thích tương tự như tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức. Ba Bị: "Giống quái vật người ta bịa ra để dọa trẻ con: Ba bị chín quai, mười hai con mắt, hay bắt trẻ con". Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học Hà Nội xuất bản năm 1997), ghi, Ba Bị: "Tên gọi một người có hình thù quái dị bịa ra để dọa trẻ con". Từ điển Tiếng Việt (Minh Tân - Thanh Nghi - Xuân Lãm, NXB Thanh Hóa xuất bản năm 1998) cũng ghi nghĩa chữ Ba Bị như Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên. Từ điển Tiếng Việt của NXB Từ điển Bách Khoa Hà Nội xuất bản năm 2007 ghi, Ba Bị: "Ông Kẹ, ông già cả, nhân vật tưởng tượng trưng ra để dọa trẻ con".

Như vậy chúng ta có thể thấy đại đa số từ điển đều giải thích Ba bị là một nhân vật tưởng tượng để dọa trẻ con (tiếng miền Nam gọi là con nít), chỉ có Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, một quyển từ điển xưa, gọi là Ông bị, tiếng nhát con nít, có người hiểu là thần. Và cũng theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, trong mục từ giải thích chữ Bị, có ghi: cái bao rộng đáy. Một cái bị một cây gậy, là đồ nghề ăn mày. Mang bị: đi ăn mày.

Không biết Ông ba bị, có phải lấy từ hình ảnh của một ông ăn mày không? Như chúng ta đã biết, trước đây có từ "bị gậy" để chỉ chung cho giới ăn mày, bởi ăn mày ngày xưa là dân lang thang không nhà không cửa, sống bờ bụi, đích thị là người cùng khổ trong xã hội. Không nhà không cửa thì đi đâu họ cũng phải mang vài ba cái bị đựng tất cả "tài sản" của họ trên người, xưa người ăn mày thường già yếu, bệnh hoạn, họ chống thêm cây gậy để đi đứng cho vững, cũng là để đối phó với lũ chó, trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung gọi là đả cẩu bổng, một vật bất ly thân của dân Cái bang, và trong giới giang hồ đả cẩu bổng pháp là một thế trận võ hiệp, tuyệt chiêu của Cái bang, đứng đầu bởi một nhân vật khoái hoạt là Lão ngoan đồng Hồng Thất Công. Bây giờ những người ăn mày thường chỉ đi xin ngoài đường với đủ "chiêu trò" và nhiều khi họ kiếm được khá nhiều tiền nhờ lòng trắc ẩn của bá tánh, chứ thuở nhỏ tôi nhớ có những ông ăn mày rách rưới, có khi tàn tật, đeo vài ba cái bị như thế thỉnh thoảng xộc vào tận cửa nhà để xin, không cho lắm khi họ đứng ăn vạ khá lâu, và lúc còn nhỏ thì bản thân tôi rất sợ khi thấy những người ăn mày như thế.

Đấy là tôi thử cố tìm hiều về Ông ba bị, thế còn chín quai mười hai con mắt là gì nhỉ? Ba bị chín quai, có phải là ba cái bị thì có chín cái quai? Kiểu như cái giỏ xách ngày nay, hai quai để xách và một quai dài để đeo ngang người? Nghe cũng tạm ổn. Còn mười hai con mắt? Ở đây là mắt gì mà có mười hai cái? Có liên quan đến cái bị như chín quai (quai với bị mà) không? Chín quai, có vẻ như là con số chính xác, thế còn mười hai con mắt? Nếu là con số chính xác như chín quai thì nó nằm ở đâu nhỉ? Mười hai con mắt chia cho ba bị vị chi mỗi bị có bốn con mắt, nghĩ mãi chẳng ra bốn con mắt này nằm ở đâu trên mỗi bị. Hay đây là con số ước lệ mà người ta nói khống lên để quái dị hình ảnh Ông ba bị mà hù dọa trẻ con, đấy chính là mục đích mà người lớn dựng lên hình ảnh của Ông ba bị. Một người đeo ba cái bị và có đến mười hai con mắt thì quả là đáng sợ, như nhiều quyển từ điển đã viết Ba bị (Ông ba bị) là giống người quái lạ, quái dị, giống quái vật...?


Còn từ Ông kẹ mà ở miền Nam thường dùng, ngoại trừ nghĩa như Ông ba bị, tôi xem trong sách vở cũng chưa thấy đâu giải thích rõ gốc tích của Ông kẹ, chỉ biết ngày xưa người miền Nam cũng hay dọa con nít "hư quá coi chừng Ông kẹ bắt", tuy nhiên từ Ông kẹ cũng còn được dùng để ám chỉ những kẻ dữ dằn trong đời sống, chẳng hạn một Ông cò (cò bót khi xưa) có tiếng ăn hối lộ, nhũng nhiễu, người dân cũng dùng từ "Ông kẹ" để gọi.



Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Rằm tháng tám nhớ chuyện đèn lồng và bánh trung thu.


                                         Đèn lồng phất bằng giấy bóng kính.

                                                      Đèn ông sao.

Sắp đến rằm tháng tám, Tết trung thu, một cái tết cổ truyền của trẻ em Á đông nói chung, và của trẻ em Việt Nam nói riêng (tạm không nói tới chuyện Trung thu lâu nay là của người lớn, là dịp để họ biếu xén, ơn nghĩa qua lại...), đối với Trung Hoa có tích Hằng Nga - Hậu Nghệ, Đường Minh Hoàng du Nguyệt điện, còn người Việt thì có tích Chị Hằng, Chú Cuội, Thỏ Ngọc... Nói đến Trung thu là nói đến đèn lồng con cá, con thỏ, tàu bay, đèn ông sao, đèn xếp... phất bằng giấy bóng kiếng màu dành cho con trẻ, và cũng không thể không nhắc đến các loại bánh trung thu, dành cho... người lớn nhiều hơn là cho trẻ em.

 Đèn xếp.




Đối với đèn lồng trung thu, ở đây tôi cũng chỉ muốn nhắc đến loại đèn cổ truyền, làm bằng giấy, chứ không nói đến loại đèn bằng nhựa thắp sáng bằng pin, và có nhạc điện tử eo éo bây giờ. Đèn trung thu thường có 2 loại, loại có khung bằng nan tre phất giấy bóng kính để trẻ nhỏ xách đi rước lòng vòng trong xóm, đèn hình con cá, con chim, con gà, con bướm... dành cho trẻ nữ, và đèn tàu bay, tàu thủy, xe tăng..., sau này có đèn Tề Thiên, Trư Bát Giới, Đô Rê Môn, hay Siêu nhân... dành cho trẻ nam, loại khung tre phất bằng giấy còn có đèn kéo quân, khi đốt nến hay thắp đèn điện bên trong hơi nóng tỏa lên làm quay một cái cánh quạt, chuyển động những hình người hay con vật, in lên thành của đèn rất đẹp, loại này thường để treo trong nhà. Một loại đèn bằng giấy khác đơn giản hơn không có khung tre, được xếp bằng giấy mờ, có dạng hình ống, hoặc tròn như quả bí ngô (bí rợ)... gọi chung là đèn xếp. Còn ngày xưa lũ nhóc tì nhà nghèo không có tiền mua đèn, thường chế lấy đèn để chơi, một loại đèn đơn giản nhưng khá sáng tạo. Tụi nhóc xin người lớn một lõi chỉ bằng gỗ đã hết chỉ làm bánh xe, một cọng dây kẽm cứng và một cái ống lon sữa bò bỏ đi, thế là đã có chiếc đèn trung thu tự chế, khi đẩy chiếc lon sữa bò quay tít, bên trong lon cũng có đốt cây nến nhỏ tỏa ra ánh sáng lung linh...

                                                         Đèn kéo quân.

                                            Đồ chơi "cải biên" từ vỏ lon bỏ đi.

Nói tới đèn trung thu ở Saigon, có lẽ không thể không nhắc đến "xóm làm lồng đèn" ở khu vực Phú Bình thuộc khu vực Bình Thới quận 11, nguyên là một xóm đạo di cư từ miền Bắc năm 54. Từ khi vào định cư tại miền Nam, trên nửa thế kỷ nay những giáo dân đã làm ra những lồng đèn xinh xắn phục vụ cho đám trẻ con khắp vùng, thậm chí những tỉnh lân cận cũng về lấy hàng. Những lồng đèn con cá, con bướm, tàu bay, tàu thủy... luôn hấp dẫn đám trẻ nhỏ, ngày xưa khi còn nhỏ đó là những món đồ chơi đáng mơ ước của lũ trẻ con nhà nghèo mỗi dịp trung thu về. Làm lồng đèn chỉ là nghề tay trái của họ, bởi mỗi năm chỉ làm được một mùa trung thu, chủ yếu kiếm thêm chút thu nhập, họ làm chủ yếu là yêu nghề, một cái nghề đã truyền mấy đời từ quê hương đất Bắc.

Làm ra một chiếc đèn lồng coi vậy mà có khá nhiều công đoạn, từ chọn loại tre thích hợp mang về cưa xẻ, chẻ thành từng chiếc nan tre, từ những chiếc nan tre uốn và cột lại với nhau thành những chiếc khung lồng đèn, sau khi hình thành chiếc khung đến công đoạn hoàn thiện, phất giấy bóng kiếng, tất cả là một nghệ thuật, họ dán sao đó mà tấm giấy bóng kiếng của lồng đèn thẳng băng, không chùng quá cũng không căng quá, chùng quá trông lồng đèn xấu, nhăn nheo, căng quá khi thắp nến hơi nóng làm giấy căng quá mức có thể làm đèn bị rách, phất giấy bóng xong đến khâu vẽ trang trí, họ dùng màu tô điểm thêm mắt, cánh, hoa văn. Mỗi cái lồng đèn được gắn thêm một cái đế bên trong để cắm ngọn nến nhỏ. Mấy năm gần đây nghề làm lồng đèn có nguy cơ mai một, vì đã bị những món đồ chơi bằng nhựa, điện tử khác áp đảo...


                                                 Xóm làm lồng đèn.


Về bánh trung thu ở Saigon bây giờ có khá nhiều loại, nội có, ngoại có, với nhiều hương vị, và những nhà sản xuất bánh có tiếng, sản xuất theo dây chuyền công nghiệp hợp vệ sinh, những thương hiệu Tây ngày xưa chuyên làm bánh Tây như Givral nay cũng làm bánh trung thu. Ở đây tôi cũng chỉ nhắc đến vài loại bánh trung thu cổ truyền quen thuộc. Trước hết phải kể đến bánh nướng và bánh dẻo. Đây là hai loại bánh phổ biến nhất xưa nay, thường làm thành hình vuông, hoặc hình tròn. Ngày xưa bánh nướng là do người Hoa làm, đây là loại bánh "đặc sản" của họ, cách làm hoàn toàn thủ công, vỏ bánh được làm từ bột mì theo bí quyết riêng, sau khi nướng chín vỏ bánh vẫn mềm, mịn chứ không bị khô. Xưa tôi ở bên cạnh nhà một người Hoa chuyên làm bánh trung thu, một năm họ chỉ làm một mùa bánh trung thu, và một mùa mứt tết là dư dả ăn cả năm. Nghe người ta nói để làm vỏ bánh mỏng, mềm, mịn là ở nước đường, họ phải nấu trước cả năm, hoặc ít nhất mấy tháng, dĩ nhiên đấy chỉ là một cách giải thích, còn cách nấu nước đường như thế nào, có cho gì vào nữa không thì đấy là bí quyết nhà nghề của họ, chẳng bao giờ họ nói cho người ngoài biết.

Bánh nướng có nhiều loại nhân, đậu xanh, hạt sen, khoai môn, thập cẩm, cao cấp có thập cẩm vi cá, gà quay, lạp xưởng, hạt dưa..., và có thêm một, hoặc hai cái lòng đỏ hột vịt muối... Bánh nướng như tên gọi, phải đem bỏ vào xửng cho vào lò nướng chín mới ăn được. Bánh nướng theo hương vị của người Hoa họ thường ăn rất ngọt, béo, mới ăn thấy ngon nhưng mau ngán, nhất là các loại bánh thập cẩm. Khi chiếc bánh đến tay người tiêu thụ thấy thơm ngon hấp dẫn là thế, nhưng xưa có nhìn thấy những sản xuất ra chiếc bánh theo cách thủ công của họ mới thấy sợ, mức độ mất vệ sinh có một không hai...




                                                           Bánh nướng.

Một loại bánh trung thu khác là bánh dẻo, khi xưa là loại bánh của người Bắc, ở Saigon trước năm 75 có nhà làm bánh người Bắc di cư hiệu Bảo Hiên Rồng Vàng mùa trung thu làm bánh dẻo có tiếng. Bánh dẻo được làm từ bột gạo nếp rang chín xay mịn thành bột, người làm bánh ngon vỏ bánh mềm không khô, không nhão, ngọt vừa, nhân bánh dẻo thường bằng đậu xanh, hạt sen, cũng có loại nhân thập cẩm gồm mấy thứ mứt, sau này cũng bắt chước như bánh nướng người ta cho thêm lòng đỏ hột vịt muối, đặc biệt bánh dẻo thơm mùi nước hoa bưởi... Bánh dẻo không phải nướng chín như bánh nướng, bởi bột gạo nếp làm lớp vỏ đã được rang chín trước khi xay thành bột, chỉ trộn bột với nước đường để làm vỏ bánh, cũng như bánh nướng, bánh dẻo ăn cũng khá ngán, ai ăn một lúc hết được nửa cái bánh nướng hoặc nửa cái bánh dẻo cũng đã là giỏi, hẳn là người hảo ngọt..


                                                              Bánh dẻo.



Những cái bánh nướng và bánh dẻo ngày xưa bánh được nhồi trong những cái khuôn bằng gỗ, rồi đập ra thành hình như ta thường thấy, mỗi một cái khuôn là một hoa văn khác nhau. Xưa kia trong Chợ Lớn, khu vực Bưu điện quận 5 bây giờ có những ông Tàu chuyên làm khuôn bánh cung cấp cho các lò bánh, họ thực sự khéo tay, xứng danh là nghệ nhân.

                                                         Khuôn bánh bằng gỗ.



Ngoài bánh nướng và bánh dẻo hình vuông, tròn, còn có những loại bánh nướng, bánh dẻo hình con heo, con cá, trông khá vui mắt, loại này ăn không ngon vì thường chỉ có bột, nhưng nếu nhà nào bày cỗ bàn thì trẻ con rất thích.



                                  Bánh nướng, bánh dẻo hình con heo, con cá.

Khi xưa có một loại bánh trung thu nữa mà ngày nay hiếm thấy, đó là loại bánh tương tự như bánh khảo của người miền Bắc, hay bánh in của người miền Nam, bánh được làm bằng bột gạo nếp như loại bột làm bánh dẻo. Bánh được đóng vào khuôn tròn to như cái dĩa, màu trắng trông như hình mặt trăng, trên mặt bánh cũng có hoa văn khá đẹp... Bây giờ có một loại được làm trông như chiếc bánh nướng, bánh dẻo, nhưng bằng rau câu nhiều màu sắc chứ không phải là bằng bột bánh, bày trên mâm cỗ cũng rất đẹp...



                                                 Bánh trung thu bằng rau câu.

Xưa nhà có vài đứa trẻ con, tết trung thu bố mẹ thường bày một mâm cỗ, vài cái bánh nướng bánh dẻo, ít trái cây, thêm vài cái lồng đèn buổi tối thắp nến lung linh, trẻ con trong xóm tụ nhau lại rước đèn, ca hát, xong được phá cỗ, thật ra trẻ nhỏ cũng chẳng ăn được gì mấy, nhưng rất vui...


* Ảnh Internet.