Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Về một từ ngữ.

Tình cờ coi chương trình Giọng hát Việt 2013 (The Voice Việt Nam 2013), tôi nghe một nữ ca sĩ Huấn luyện viên nói ít nhất hai lần về từ "thảo mai", đại khái trong khi tranh luận để "dành" thí sinh, cô ca sĩ HLV đã nói: "này này, đừng có mà thảo mai...", một từ ngữ mà lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại.

                                  
                                          Ảnh copy từ The Voice VN 2013.


Thuở nhỏ thỉnh thoảng tôi cũng nghe người lớn trong nhà nói với tụi nhóc chúng tôi như thế, khi có đứa nào không trung thực, nói một đằng làm một nẻo, từ ngữ của dân miền Bắc là nói điêu, điêu ngoa... Đây là một lời trách mắng nhưng nhẹ nhàng, không đến nỗi là lời la rầy dẫn tới chuyện bị phạt. Lúc nhỏ ấy chẳng có đứa nào thắc mắc hỏi người lớn xem thảo mai là gì? Rồi bẵng đi bao nhiêu năm cái từ thảo mai ấy đã chìm vào quên lãng, tôi không còn nghe ai nói đến nữa. Đến bây giờ đột nhiên tôi lại được nghe lại.

Tôi đã thử tra tìm trong tất cả những sách vở đã có, những từ điển tiếng Việt xưa nay, trong Nam ngoài Bắc, những từ điển Thành ngữ - Tục ngữ, từ điển Tầm nguyên, từ điển Từ cổ Việt Nam, từ điển truyện Kiều, các quyển từ điển Hán-Việt, Việt-Hán, từ điển Điển cố Trung Hoa, kể cả từ điển tiếng Mường là ngôn ngữ cổ của người Việt, cũng chẳng có một chút dấu vết gì về từ ngữ thảo mai mình muốn tìm cả...

Trong sách vở không có, đành thử tra trên mạng. Về ý nghĩa của từ thảo mai, một vài trang mạng cũng có nói đến, đại khái cũng giải thích như tôi hiểu bên trên. Trang mạng có tên là Thần Tượng có bài viết cho biết nguồn gốc của từ thảo mai là tên của một cô gái, trong câu ca dao: "Thảo Mai rao bán chỉ vàng/ Vào đến giữa làng lại bán chỉ xanh". Rõ ràng qua câu trên thì cái cô gái bán chỉ tên là Thảo Mai là người không trung thực, rao bán chỉ vàng (chỉ may màu vàng) nhưng lại đi bán chỉ màu xanh, kiểu treo đầu dê bán thịt chó. Nhưng đoạn giải thích nguồn gốc của từ thảo mai trong bài viết cũng chỉ nói có thế, là ca dao, không thấy nói được trích dẫn theo sách vở nào...

Tôi có quyển Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan, lại thử tra xem có câu bên trên không? Cũng chẳng thấy, thật là bóng chim tăm cá...

Gia đình tôi gốc miền Bắc, khi tôi còn nhỏ hồi mới vào Nam năm 54, bố mẹ tôi, người lớn trong nhà tôi nhớ vẫn còn sử dụng khá nhiều phương ngữ miền Bắc để nói chuyện, chẳng hạn các cụ không nói trời mưa ra ngõ lầy lội, mà nói là đáng* lắm. Như vậy chắc chắn thảo mai là một từ cổ của miền Bắc ngày xưa, chứ không phải là một từ mới được sáng chế ra bây giờ, không biết ở miền Bắc từ này bấy lâu nay có còn được dùng không?, nhưng có lẽ đến cả nửa thế kỷ tôi mới được nghe nói lại ở miền Nam (người nói là cô ca sỹ người miền Bắc). Thảo mai là từ Hán Việt, nhưng nếu tách riêng từng chữ hay gộp lại để giải thích cũng không có nghĩa gì cả. Như vậy nói từ Thảo Mai là tên của một cô gái trong câu ca dao, như bài báo mạng tôi đã trích dẫn bên trên, cũng có lý, nhưng không rõ câu ca dao này có bắt nguồn từ một điển cố, điển tích xưa nào...?

Có bạn nào biết được nguồn gốc của từ này không?


* Đáng, từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học, nhiều tác giả, Hoàng Phê chủ biên, do NXB Đà Nẵng in lần thứ 5 năm 1997, giải thích là lầy lội, có bùn lầy (phương ngữ).


Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Một cái tên.

Hôm qua tôi ghé nơi vỉa hè bán sách cũ, nơi đường Trần Nhân Tôn giáp giữa quận 10 và quận 5 ở Saigon. Trong đám sách vở đủ thứ tầm tầm bày dưới đất, tình cờ trên một bìa sách cũ* tôi thấy một cái tên quen quen: "Thu Trang Công Thị Nghĩa". Tôi chợt nhớ trên một entry bác Bulukhin có viết về cái tên này, dưới bài viết "Hoa hậu là gì?", và bài viết của bác Bu theo những thông tin trên mạng, cho biết đây là hoa hậu đầu tiên ở Saigon, đăng quang năm 1955 lúc 23 tuổi.


Bìa sách đề tên Tiến sĩ Thu Trang Công Thị Nghĩa.


Dĩ nhiên là tôi "chớp" liền quyển sách này, với giá của ly cà phê nơi quán cóc hè phố (tôi đã mua được những quyển từ điển xưa đủ loại, xuất bản ở Saigon trước năm 75, có những quyển từ điển Việt Nam, Pháp Việt, Việt Pháp, Hán Việt, Việt Hán... của Thanh Nghị, Đào Duy Anh, Đào Đăng Vỹ, Ban Tu Thư Khai Trí... in ở Saigon những năm 1950, 1952, 1956, 1957, 1961, 1967..., những quyển sách này rất hay ở chỗ từ điển tiếng Việt có những từ ngữ xưa, có cả thêm nghĩa tiếng Pháp, từ điển tiếng Pháp như của Đào Duy Anh có in thêm cả chữ Hán, từ điển tiếng Hán có cả tiếng Pháp, cung cấp được cho người cần tra cứu rất nhiều kiến thức và thông tin bổ ích. Sách ở hè phố này thường được lọc từ ve chai, giá rất "mềm", thường không quá một tô phở bình dân. Trong khi vào một tiệm sách cũ chuyên nghiệp sách xưa như thế giá có khi bạc triệu, có lần tôi thấy quyển từ điển Việt Nam của hội Khai Trí Tiến Đức bản in lại ở Saigon năm 1967, quyển này tôi có, mua từ hồi còn đi học may còn giữ được. Sách đã mất bìa, xộc xệch, thử hỏi giá chủ tiệm nói một triệu mấy).

Đây là một quyển sách của Bà đã viết và được xuất bản năm 2001, đến nay cũng đã được 12 năm, sách về văn hóa du lịch của nhiều nước, và ở Việt Nam, sau những lần bà trở về Việt Nam. Một quyển sách viết rất hay, với lời đề tựa của nhà văn Tô Hoài.



Trang Wikipedia cho biết Tiến sĩ Công Thị Nghĩa từng là Thành viên đoàn chủ tịch Hôi Người Việt Nam Tại Pháp, nguyên Tổng thư ký Hội Khoa Học Xã Hội của Hội Người Việt Nam Tại Pháp, và là Tiến sĩ Sử học.

                                       Hình thời trẻ của Bà Công Thị Nghĩa. Ảnh: Internet.

                                                   Bìa sau của cuốn sách.


Trang Wikipedia cũng cho biết Công Thị Nghĩa sinh năm 1932 tại làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội, năm nay (2013) Bà cũng đã xấp xỉ 80 tuổi. Một người đẹp một thời của Việt Nam, trở thành Tiến sĩ Sử học ở trời Tây. Nhan sắc rồi cũng phôi pha, nhưng tri thức, trí tuệ của Bà sẽ còn mãi với thời gian, thật đáng khâm phục.


* Quyển sách có tựa đề "Du lịch văn hóa ở Việt Nam, tác giả Tiến sĩ Thu Trang Công Thị Nghĩa, NXB Trẻ, xuất bản năm 2001.


Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Dơi và Chuột (2).

Entry trước tôi đã post lên những con dơi bằng giấy, entry này tôi sẽ post lên những chú chuột nhắt, cũng bằng những sợi giấy cuốn kiểu như làm những tấm thiệp theo trò chơi quilling của Châu Âu.



Chuột là giống gặm nhấm, phá hại và truyền dịch bệnh, dĩ nhiên là chẳng ai ưa cả, ngoại trừ những món nhậu từ chuột đồng trên bàn hoặc trên chiếu nhậu của những đệ tử lưu linh. Nơi nào có con người chắc chắn là cũng có chuột, chúng hiện diện khắp nơi, cắn phá đủ thứ, lúa, hoa màu ngoài đồng ruộng, trong nhà thì kinh khủng hơn, chúng xơi và cắn bất cứ cái gì lọt vào tầm... răng của chúng, thực phẩm, quần áo, cả đến dây điện trong xe cộ, máy móc...






Chuột là giống mắn đẻ kinh khủng, một năm chúng sinh sản ba, bốn lứa, mỗi lứa có khi cả chục con, vài tháng là lũ chuột con đã trưởng thành, tiếp tục vòng đời của chúng. Thời trung cổ ở Châu Âu đã có lần bị dịch hạch do chuột gieo rắc, chết xoẳn 1/3 dân số Châu Âu lúc bấy giờ...










Đám chuột nhắt đủ màu sắc mà tôi làm bằng những sợi giấy cuốn bên trên may thay chẳng phá phách, chúng như những đứa trẻ con dễ thương đang đùa chơi với nhau... Rảnh rỗi ngồi làm những con vật nhỏ bé này, hôm nào những đứa cháu của tôi đến chơi chúng sẽ xin sạch. Hihi, ngồi tỉ mỉ làm ra chúng, thổi vào những sợi giấy vô tri một cái hồn, cũng như người ngồi thiền hay tụng kinh vậy.



Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Dơi và Chuột. (1)

Tôi làm những con dơi và những con chuột bằng những sợi giấy vụn, một trò chơi của... mọi lứa tuổi, từ 7 đến... 70, miễn là mắt mũi chưa đến nỗi quá... kèm nhèm. Trò chơi cuốn những sợi giấy này thành những con vật nho nhỏ chim chóc, ve, dế, chó, mèo, chuột, tắc kè, chuồn chuồn, cánh cam, bọ ngựa... nói chung là những con vật ở quanh chúng ta, dễ thương hay đáng sợ... tôi đã làm lâu nay, có thời gian ngưng nghỉ để... thoát khỏi nó, bây giờ rỗi rỗi, tĩnh tâm ngồi làm lại, hình như cũng thấy khác. Con người ta chừng như thế, chẳng phải lúc nào cũng giống nhau, như... Ông trời vậy, lúc mưa, lúc nắng...

Trong entry này tôi sẽ post lên hình ảnh những con dơi tôi đã làm bằng giấy trước, một trò chơi có lẽ giống như trò chơi Origami, nghệ thuật xếp giấy của người Nhật.


Dơi và chuột hình như có họ hàng xa gần với nhau, tuy một con bay trên trời, còn một con chui rúc trong góc nhà, ít nhất cũng là qua hình dạng. Là loài hữu nhũ, dơi là động vật có vú duy nhất thực sự biết bay. Trong quá trình tiến hóa hàng triệu năm, chừng như có một loài chuột sống trên cây ăn côn trùng, hoa trái... phát triển đôi cánh, và bay vào không trung. Nhưng tại sao chúng lại chọn ban đêm để sống nhỉ? Săn mồi ban đêm có vẻ khó khăn hơn ban ngày nhiều. Nhưng không phải như vậy, ban đêm chúng lại bắt được nhiều côn trùng, hoa trái hơn, vì ít bị cạnh tranh hơn ban ngày...








"Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài..."*, nói đến những con dơi, tôi chợt nhớ đến một câu hát thời còn trẻ. Quả thật những con dơi mù trong bóng đêm, nhưng bù lại chúng phát triển một khả năng khác. Người ta làm một thí nghiệm, bắt những con dơi, bịt mắt thả vào một căn phòng tối đen có treo những quả chuông nhỏ, chúng bay mà không hề đụng vào những quả chuông. Ngoài thiên nhiên để sống được trong bóng đêm, chúng phát triển một khả năng khác để nhìn, như chúng ta đã biết đó là hệ thống nhận biết những tiếng dội của sóng siêu âm, để điều chỉnh đường bay, và điều này thì những con dơi là bậc thày của con người. Chúng ta bắt chước những con dơi để chế tạo ra radar, hữu dụng trong rất nhiều lãnh vực, dân sự, y tế, quân sự...









Người Tây phương không thích những con dơi, giống gì chẳng phải chim cũng chẳng phải chuột, và trông mặt mũi chúng như... quỷ. Có những con dơi khá nhỏ nhưng chúng sống bằng cách hút máu những động vật to lớn như trâu, bò, chứ không xơi muỗi hay hoa quả, chẳng khác gì Dracula vậy. Cũng có những loài dơi rất to, như những con dơi ở chùa dơi Sóc Trăng, sải cánh của chúng đến cả mét. Cái chùa dơi này đáng chán, một ngôi chùa cổ cả trăm năm, mấy năm trước chẳng hiểu nhang đèn ra sao mà để cháy rụi...

Nhưng người Trung Hoa lại thích con dơi, chúng ta thường thấy hình ảnh, phù điêu những con dơi ở nhiều nơi, chùa chiền, nhà cửa..., và một số nơi ở Việt Nam cũng thế. A ha, chẳng qua trong tiếng Hoa (hình như tiếng Quảng Đông), tiếng gọi con dơi đồng âm với chữ Phúc, cho nên người ta tin con dơi sẽ mang đến cho họ những điều tốt lành...






* Trong bài hát "Tình khúc thứ nhất", thơ Nguyễn Đình Toàn, nhạc Vũ Thành An.


Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Một góc ký ức Saigon.

Mấy hôm trước tôi ghé chùa Phổ Quang, một ngôi chùa khá bề thế ở trên con đường cùng tên nơi quận Tân Bình, gần sân bay Tân Sơn Nhất. Trong khi chờ bà xã vào lễ nơi chính điện mới được xây dựng, tôi đi rảo chơi ngó quanh sân chùa. Đây là một ngôi chùa lớn có khuôn viên khá rộng, sân rộng rãi, nhưng không được bàn tay trụ trì tài hoa coi sóc, nên cảnh trí chẳng có gì đặc sắc. Tôi đã đến ngôi chùa này nhiều lần, nhưng thật bất ngờ, nơi một góc khuất, tình cờ tôi nhìn thấy một ngôi mộ xây theo kiểu thường thôi, chứ không phải mộ cổ ô dước gì cả, nhưng trên bia mộ có cái tên quen thuộc, đó là nơi an nghỉ của nữ sinh Quách Thị Trang. Một cái tên mà có lẽ ai sinh trưởng lâu năm ở Saigon cũng biết. Không mang theo máy hình, tôi chụp ngôi mộ bằng điện thoại di động.


                  Ngôi mộ Quách Thị Trang.

Ai đã ở Saigon từ thập niên 60 của thế kỷ trước chắc sẽ biết nữ sinh Quách Thị Trang, người đã bị bắn chết trong một cuộc biểu tình chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm vào ngày 25 tháng 8 năm 1963, tại quảng trường trước chợ Bến Thành (nay là một vòng xoay có dựng tượng của Quách Thị Trang). Vào khoảng những năm đầu của thập niên 60, Saigon dưới chế độ của TT Ngô Đình Diệm đầy những biến động. Khởi đầu vào ngày 11 tháng 11 năm 1960 với cuộc đảo chính bất thành do đại tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu (cuộc đảo chính diễn ra trong hai ngày 11 và 12). Đại tá Nguyễn Chánh Thi đã cướp máy bay quân sự cùng những sĩ quan cầm đầu đảo chính chạy sang Cam Bốt lưu vong. Một sĩ quan khác tham gia đảo chính là đại úy Phan Lạc Tiên cũng đã đào thoát qua biên giới bằng đường bộ.

Đến tháng 2 năm 1962, hai viên trung úy không quân trong quân đội Saigon là Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử, đã lái hai chiếc máy bay khu trục AD6, ném bom dinh Độc Lập làm hư hỏng nặng cánh trái của dinh, TT Ngô Đình Diệm cùng gia đình chuyển sang ở và làm việc tại dinh Gia Long, và cho xây lại dinh Độc Lập bởi thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ như chúng ta thấy ngày nay. Năm 1962 cũng là năm người Mỹ chính thức tham chiến tại miền Nam.

Năm 1963 Saigon rơi vào hỗn loạn với những cuộc biểu tình chống độc tài của nhiều tầng lớp, trí thức, công nhân, học sinh, sinh viên, Phật giáo... Ngày 11 tháng 6 Hòa thượng Thích Quảng Đức* đã tự thiêu tại ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng trước tòa đại sứ Cam Bốt (nay là CMT 8 - Nguyễn Đình Chiểu, hiện đã xây tượng đài của Hòa thượng tại đây). Ngoài Hòa thượng Thích Quảng Đức, sau đó còn hai vị Đại đức nữa đã tự thiêu để phản đối chế độ, đó là Đại đức Thích Quảng Hương tự thiêu ngày 5 tháng 10 trước chợ Bến Thành. Đại đức Thích Thiện Mỹ tự thiêu ngày 27 tháng 10 trước Nhà thờ Đức Bà.

Ngày 25 tháng 8 năm 1963 trong một cuộc xuống đường biểu tình của thanh niên, sinh viên, học sinh Saigon trước chợ Bến Thành, một nữ sinh của trường Trung học Trường Sơn là Quách Thị Trang tham gia biểu tình đã bị cảnh sát bắn chết,  người sát hại chị là viên cảnh sát có tên là Nguyễn Văn Khánh.  Những cuộc bạo động kéo dài cho đến đầu tháng 11 năm 1963 thì chế độ Ngô Đình Diệm đã sụp đổ sau một cuộc đảo chính của các tướng lãnh chế độ Saigon**. Chế độ độc tài và số phận của hai anh em TT Ngô Đình Diệm-Ngô Đình Nhu đã kết thúc trong một chiếc xe bọc thép M113, trên đường phố Saigon. Sau khi hai Ông đã từ dinh Gia Long chạy vào trú tại nhà thờ Cha Tam*** nơi Chợ Lớn, và bị người của lực lượng đảo chính bắt giữ.



Bia đá đề ngày sinh 4-1-1948 tại Thái Bình, và ngày mất 25-8-1963 tại Saigon của nữ sinh Quách Thị Trang.


Trên vách tường cạnh ngôi mộ có một bài báo viết về việc dựng bức tượng của nữ sinh Quách Thị Trang tại bùng binh trước chợ Bến Thành.



                               
         Ngôi chính điện chùa Phổ Quang mới được xây dựng lại.


Năm 1963, khi ấy tôi chỉ là một chú nhóc mới bước chân vào Trung học, thấm thoát đến nay (2013) đã 50 năm, với biết bao nhiêu đổi thay, dâu biển. Nửa thế kỷ đã trôi qua, mới đó mà đã hơn nửa đời người...

* Hòa thượng Thích Quảng Đức (Bồ tát Quảng Đức), tên thế tục của ngài là Nguyễn Văn Khiết (1897-1963), quê ở làng Hội Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, ngài xuất gia năm 1904, pháp danh Thị Thủy, hiệu là Thích Quảng Đức, đã trụ trì chùa Long Vĩnh ở Gia Định nên còn được gọi là Hòa thượng Long Vĩnh.
** Cuộc đảo chính lật đổ chế độ độc tài của TT Ngô Đình Diệm do đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam lúc bấy giờ là Cabot Lodge giữ vai trò chủ mưu, đưa tướng Dương Văn Minh (Big Minh) lên làm Chủ tịch Hội đồng quân nhân. Vào tháng 4 năm 1975, Ông Dương Văn Minh đã làm vị TT cuối cùng của chính quyền miền Nam.
*** Nhà thờ cha Tam, tên chính thức là Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê, thuộc Giáo xứ Chợ quán, Tổng Giáo phận Saigon, tọa lạc tại đường Học Lac, quận 5 trong khu Chợ Lớn của người Hoa. Nhà thờ do linh mục Pierre d'Assou, có tên gọi theo người Hoa là Đàm Á Tố (Tam An Su, nên được gọi tắt là Cha Tam) đứng ra mua đất khởi công xây dựng từ năm 1900, khánh thành vào năm 1902.

Tham khảo:

- Từ điển Thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh, nhiều tác giả, NXB Trẻ xuất bản năm 2001.

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Điện Ngọc Hoàng (3).

Trong hai entry trước tôi đã giới thiệu tổng quát về tầng trệt của ngôi Điện Ngọc Hoàng ở Saigon, với những tượng thờ Tam giáo rất độc đáo. Ngôi Điện Ngọc Hoàng còn một tầng lầu nằm trên khu chính điện, đi lên bằng một cầu thang gỗ cũ kỹ. Điện thờ đầu tiên trên tầng lầu sau khi lên cầu thang là Ngọc Anh Dao Đài, thờ Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn, là đấng tối cao của tông phái Minh Sư, chỉ tượng trưng bằng một tấm gương soi chứ không có tượng thờ. Diêu Trì Kim Mẫu là biểu tượng của Vô Cực, là Mẹ của vũ trụ. Theo Dịch Lý thì Vô Cực sinh Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi (Âm - Dương), Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng (Thái Dương - Thiếu Dương - Thái Âm - Thiếu Âm), Tứ Tượng sinh Ngũ Hành (Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ). Ngũ Hành vận chuyển sinh ra vũ trụ, vạn vật.

Trên tầng lầu có một điện thờ tên Đại Hùng Bảo Điện với bàn thờ chính thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, hai bên có Thiện Tài Đồng Tử và Long Nữ đứng hầu, phía dưới có bài vị thờ chư Phật, Thánh, Tiên.


                          Khám thờ Quán Thế Âm Bồ Tát và chư Phật, Thánh, Tiên.


Tại tầng lầu cũng có bàn thờ của Tổ Phật giáo đầu tiên Trung Hoa là Bồ Đề Đạt Ma quảy một chiếc giày vượt qua biển.


                           Tổ Bồ Đề Đạt Ma quảy một chiếc giày.

Trên tầng lầu có một cung thờ tên là Vương Tướng Đường, nơi đặt bài vị thờ Tổ tiên của bổn đạo Minh Sư. Tôi cũng thấy trên tường treo hình của mấy vị có công khai phá, lập nên Điện Ngọc Hoàng.


                         Bài vị thờ Tổ tiên của bổ đạo Minh Sư.

          

Đứng trước một khoảng sân nhỏ trên tầng lầu chúng ta có thể nhìn thấy rõ phần mái của dãy nhà Đông Sương (Đông Lang), lợp ngói lưu ly với những đầu đao cong trạm trổ. Trên mái chúng ta cũng có thể nhìn thấy những tượng người, rồng... bằng gốm. Cùng với bộ tượng Mười Hai bà Mụ được trưng bày tại điện thờ Kim Hoa Thánh Mẫu, đây là dòng sản phẩm đặc biệt được làm dành riêng cho các chùa, miếu của lò gốm Bửu Nguyên Chợ Lớn một thời, tiếc là dòng sản phẩm gốm độc đáo này nay không còn nữa.


     Mái điện lợp bằng ngói lưu ly với các tượng gốm của lò Bửu Nguyên - Chợ Lớn.


Đứng ở sân trước của tầng lầu, chúng ta cũng nhìn thấy hai câu đối treo hai bên cửa ra vào với hàng chữ (đọc từ trên xuống và từ trái sang phải): "Đạo vận tam kỳ/ Môn quang tứ biểu". Trong sách Một số cơ sở tín ngưỡng dân gian tại TP HCM, thấy ghi câu này là "Đạo vận tam kỳ/ Ân quang tứ biểu" và giải nghĩa "Đạo chuyển Kỳ ba/ Ân soi bốn phía". Không hiểu sao có sự khác biệt giữa chữ "Ân" trong sách vở và chữ "Môn" tôi chụp bây giờ. Theo Minh Sư Đạo, từ thuở dựng nên trời đất đến nay, được chia làm ba kỳ: Thượng Nguyên, Trung Nguyên, và Hạ Nguyên. Mỗi Nguyên lại được chia làm 12 Hội, có tên gọi từ Tý đến Hợi, hiện nay sắp hết Kỳ ba (Hạ Nguyên), tông phái Minh Sư ra đời độ cho người có căn lành. Ở Việt Nam có Đạo Cao Đài cũng thờ Tam tông, cũng chia thời gian làm Ba kỳ (bây giờ là Kỳ ba), là một tôn giáo tương đối mới, chịu ảnh hưởng nhiều của Minh Sư Đạo.


                Hai câu đối ngoài hiên của tầng lầu.


        Nến thắp trong đĩa trên bàn thờ hay thấy trong những đền, điện của người Hoa.


Qua ba entry, tôi đã giới thiệu khái quát về ngôi Điện  Ngọc Hoàng của Minh Sư Đạo, nơi còn lưu giữ những tượng thờ rất độc đáo và đặc sắc, là một nhánh của tông phái Phật giáo người Hoa xưa ở Saigon. Người Pháp xưa và người Việt quen gọi là Chùa (la pagode). Thực ra chữ Điện (le temple) có nghĩa là nơi thờ thần linh thì chính xác hơn, như qua mấy entry tôi đã giới thiệu, rất nhiều thần linh được thờ trong ngôi điện này. Như chúng ta cũng đã biết, những gì được thờ trong ngôi Điện này gần như tất cả chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người, từ Ngọc Hoàng Thượng Đế (người mình gọi nôm na là Ông Trời), đến Thập Nhị Nương Nương, Thổ Địa, Thần Tài..., may ra có Đức Phật Thích Ca là người lịch sử đã ghi chép. Tuy nhiên nắm được ý nghĩa phần nào về ngôi Điện này có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy thích thú hơn, khi có dịp ghé thăm.


Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Điện Ngọc Hoàng (2).


Điện thờ Kim Hoa Thánh Mẫu, các vị Tiên Sư, Tổ Sư, Thánh Sư, và Thập Nhị Nương Nương.



Phía bên dãy nhà Đông Sương của Điện Ngọc Hoàng có một điện thờ, ở giữa là Kim Hoa Thánh Mẫu, Tiên Sư, Tổ Sư, Thánh Sư, cùng Thập Nhị Nương Nương. Bộ tượng gốm rất độc đáo này do lò Bửu Nguyên ở Chợ Lớn sản xuất (gốm Cây Mai, Saigon), đây là những tác phẩm mỹ thuật đặc biệt.


                 Kim Hoa Thánh Mẫu (tượng chính ở giữa).

Kim Hoa Thánh Mẫu là nữ thần của người Hoa chủ quản việc sinh đẻ, người Quảng Đông gọi là Huệ Phúc Phu Nhân. Cùng với Kim Hoa Thánh Mẫu còn có Thập Nhị Nương Nương còn gọi là Thập Nhị Hoa Bà, hay gọi theo như cách gọi dân gian của người Việt là Mười Hai Bà Mụ, Bà Mụ, Mẹ Sanh. Đối với người Hoa là các Bà: Vạn Tứ Nương: Bà chú thai; Lâm Cửu Nương: Bà thử thai; Lâm Thất Nương: Bà an thai; Trần Tứ Nương: Bà chú sinh; Lý Đại Nương: Bà chuyển sinh; Nguyễn Tam Nương: Bà giám sinh; Tăng Ngũ Nương: Bà bảo tống; Hứa Đại Nương: Bà hộ sản; Lưu Thất Nương: Bà chú nam nữ; Cao Tứ Nương: Bà dưỡng sinh; Trúc Ngũ Nương: Bà bảo tử. Mã Ngũ Nương: Bà tống tử.

                                  
                Tượng những Bà Mụ trong Thập Nhị Nương Nương.

Kế bên gian thờ Thập Nhị Nương Nương là gian thờ có những bức phù điêu bằng gỗ được chạm trổ rất đẹp và công phu, những phù điêu có chạm hình Quán Thế Âm, và Thập Điện Diêm Vương, với những phù điêu bằng gỗ tả cảnh Mười điện dưới Âm phủ. Những bức phù điêu này tả những cảnh Diêm Vương đang xử án.


                   Phù điêu Quán Thế Âm và Diêm Vương xử án.




                    Phù điêu tả cảnh Thập Điện Diêm Vương.

Tại chính điện của Điện Ngọc Hoàng có một bệ thờ gọi là Thủy Nguyệt Cung, thờ Chuẩn Đề Vương Bồ Tát vị thần cai quản cõi Thủy Nguyệt Cung, với tượng thờ nhìn giống như tượng Quán Thế Âm trăm tay (tượng có tất cả 18 tay).


                                   Tượng Chuẩn Đề Vương Bồ Tát.
                                
Cũng ở tầng trệt của Điện Ngọc Hoàng cũng có tượng thờ hai vị thần không thể thiếu được của người Hoa, đó là Thổ Địa và Thần Tài. Thần Tài với tên chữ là Bạch Lão Gia, là tượng thờ được khoác thêm áo trắng, đội mũ trắng, tay cầm quạt. Khi ghé đến bàn thờ Thần Tài bạn có thể thỉnh một hai gói giấy đỏ trong cái rổ lộc trước mặt Thần Tài lấy may mắn. Phía sau lưng Thần Tài có chữ Tâm viết bằng chữ Hán, tôi hỏi thì được cho biết, cầu "Tài" nhưng đừng quên cái "Tâm"


                                                      Thổ Địa.

               Thần Tài với rổ đựng lộc trước mặt, sau lưng Thần Tài có chữ "Tâm".

Tôi đi ngang qua một Tăng phòng tại dãy Tây Sương thấy trên vách có treo bức tranh vẽ Bồ Tát Di Lặc bằng mực Tàu khá đẹp.

                                    Tranh vẽ Bồ Tát Di Lặc.
                
Phần 1 và phần 2 là những tượng thờ chính ở tầng trệt của Điện Ngọc Hoàng của người Hoa tại Saigon, một Điện thờ đặc trưng cho tục thờ đa thần của người Hoa. Để giới thiệu với các bạn tương đối đầy đủ về ngôi Điện đặc sắc này, tôi sẽ tiếp tục đưa những hình ảnh của tầng lầu ngôi Điện trong phần 3.

(Hết phần 2).



Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Điện Ngọc Hoàng (1).

                
                 Chính diện Điện Ngọc Hoàng với hàng chữ Hán "Ngọc Hoàng Điện".

Có một ngôi chùa Tàu với hệ thống tượng thờ rất phong phú và độc đáo ở Saigon, mà tên chính thức ngày xưa là Ngọc Hoàng Điện, chứ không phải là Miếu hay Hội quán như các chùa Tàu khác, tọa lạc tại số 73 Mai Thị Lựu (trước năm 1975 là đường Phạm Đăng Hưng) ở phường Đakao (Đất Hộ), quận 1. Người Pháp xưa gọi là La pagode deuteronomy l' Empereur de Jade à Dakao (tạm dịch là chùa thờ Ngọc Hoàng ở Dakao). Từ năm 1981 thì ngôi Điện thờ của người Hoa ở Saigon này gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với tên gọi là Phước Hải Tự (chùa Phước Hải).

Không có tài liệu chính thức nào cho biết Điện Ngọc Hoàng được xây dựng từ năm nào. Theo bài vị lưu truyền vị trụ trì đầu tiên là Thích Từ Quảng, và Điện được xây dựng bởi Lưu Đạo Nguyên (tục gọi là Lưu Minh), một nhà sư theo tông phái Phật giáo Minh Sư ở Trung Quốc lưu lạc sang Việt Nam. Thoạt đầu sư Lưu Minh cùng một nhà sư Minh Sư khác là Trương Đạo Tân, từ Quảng Đông lưu lạc đến Hội An truyền đạo. Một thời gian sau Lão sư Trương Đạo Tân viên tịch, sư Lưu Minh vào Saigon lập nên Điện Ngọc Hoàng.

 Sư Lưu Minh đã xây dựng Điện vào khoảng năm 1896. Điều này có lẽ đúng vì tấm biển bằng đá đề 3 chữ nổi Ngọc Hoàng Điện, có chép là do Lưu Đồng Quang viết vào mùa thu Năm Canh Tý (1900). Trong Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển gọi Điện là chùa Ngọc Hoàng, có viết "chùa tạo lập lối năm 1905, ăn lạc thành năm 1906". Chùa do "Một người Tàu tên Lưu Minh ăn chay ròng, giữ đạo 'Minh Sư', lập chí quyết lật đổ nhà Mãn Thanh, xuất tiền tạo lập vừa để thờ phượng vừa  để làm nơi hội kín". Xét như thế Điện Ngọc Hoàng được xây dựng trong khoảng cuối thế kỷ thứ XIX đến đầu thế kỷ XX, tính theo niên đại thì vào cuối đời vua Đồng Khánh sang đến đời vua Thành Thái.


    Du khách ngoại quốc trên sân của tầng lầu chánh điện. Bên cạnh là mái ngói của Điện.

Chúng ta cũng nên biết qua về Minh Sư, đó là một tông phái Phật giáo của người Hoa, chủ trương kết hợp Tam Giáo, trong điện thờ có một bức hoành phi đề "Tiên Phật Nho tông", vì chủ trương kết hợp Tam Giáo cho nên tượng thờ của Điện rất phong phú, từ Ngọc Hoàng Thượng Đế, cho đến Phật A Di Đà, Thích Ca, Bồ Đề Đạt Ma, Thành Hoàng, Thập Nhị Nương Nương (người Việt gọi là Mười hai Bà mụ), Thổ Địa, Thần Tái, Thái Tuế, Lỗ Ban... Điện Ngọc Hoàng được xây dựng trên một khu đất rộng, theo kiểu "nội công ngoại quốc", chữ "công" ở đây đã được biến thể thành chữ "tam", là trục các điện chính, hai bên phải trái là hai dãy nhà Tây Sương (Tây Lang), và Đông Sương (Đông Lang), được dùng làm Tăng phòng, và nơi thờ phượng các vị Thần khác. Nếu tính từ ngoài nhìn vào phía trước sân có hồ phóng sinh thả cá, bên góc phải có thêm một hồ phóng sinh nữa thả rùa, cá tượng trưng cho như ý, còn rùa tượng trưng cho trường thọ.


                     Hồ phóng sinh thả rùa.

    Trên lưng một con rùa trong hồ có đề tên tuổi người phóng sinh cùng chữ "cầu tự".


Vào cửa chính hiện nay sẽ thấy một khám thờ, ở giữa là tượng Phật A Di Đà, tượng Phật này nguyên thủy là của một ngôi chùa ở Saigon, khi người Pháp quy hoạch làm đường Catinat vào năm 1920 (nay là Đồng Khởi) chùa bị giải tỏa, bức tượng lưu lạc một thời gian rồi được đưa về Điện Ngọc Hoàng đến ngày nay. Trên khám thờ bên cạnh tượng A Di Đà còn có tượng Quán Thế Âm trăm tay, hình và tượng Phật nhỏ hơn, những tượng và hình ảnh này còn mới.




                                    Tượng Quán Thế Âm.

Tử Tiêu Điện ở tầng trệt là nơi thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, đầu đội mũ bình thiên, hai tay nâng hốt ngọc, mình mặc hoàng bào. tượng cao khoảng 3m, là chúa tể Trời - Đất. Trong điện thờ Ngọc Hoàng, đứng chầu hai bên có đầy đủ Tiên đồng, Tiên cô, Nam Tào, Bắc Đẩu, các vị Thiên thần trên Thượng giới.


                                  Tượng thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế.


    Tượng thờ các vị thần đứng chầu hai bên Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, và các vị Thiên thần.

Cũng tại tầng trệt tại trung điện hai bên có hai bệ thờ hai vị Thần Thanh Long và Bạch Hổ, thể hiện bằng hai bức tượng Thần cầm kiếm, dưới chân có khắc hình rồng và hổ.


                                             Tượng thần Thanh Long.

                                         Tượng thần Bạch Hổ.


Tại trục chính điện còn có Ngọc Hư Cung, thờ Huyền Thiên Thượng Đế, hóa thân của Ngọc Hoàng Thượng Đế, biểu thị bằng một bức tượng đạo sĩ, để râu tóc dài, tay cầm kiếm, chân đạp lên tượng rùa và rắn.


                         Huyền Thiên Thượng Đế, hóa thân của Ngọc Hoàng Thượng Đế.


Theo sách vở cho biết những tượng thờ chính ở Điện Ngọc Hoàng được làm rất đặc biệt, đều bằng cốt tre, rất lớn, bên ngoài bồi giấy, sơn thếp và đắp hoa văn, nhiều pho tượng không theo tỉ lệ cân đối, có những tượng nét mặt nghiêm trang, có những tượng nét mặt dữ tợn, quái đản. Trong khung cảnh mờ tối của ánh đèn, nến, khói nhang càng làm tăng lên vẻ huyền ảo của Điện Ngọc Hoàng.

 Trong điện có gian thờ Thành Hoàng, với hai bên tả hữu thờ Thái Tuế và Lỗ Ban Tiên Sư. Thành Hoàng của người Hoa khác với Thành Hoàng của người Việt, Thành Hoàng của họ kiêm luôn chức năng về sinh tử tại địa phương, cho nên dưới quyền Thành Hoàng còn có một số Thần khác giúp việc như Phán Quan, Nhật Tuần Du, Dạ Tuần Du, Ngưu Đầu, Mã Diện, Quỉ Sứ với hai thuộc hạ Bạch Vô Thường và Hắc Vô Thường.


                                        Thành Hoàng.


    Những vị Thần giúp việc cho Thành Hoàng.


                       Thần Thái Tuế dưới hình ảnh một đứa trẻ mặc yếm để đầu ba vá.

                        Thần Lỗ Ban, vị thần xây dựng, tượng trưng cho sự khéo léo.



                              Tượng Xích Thố.



Hôm tôi ghé Điện Ngọc Hoàng tình cờ trong chính điện đang làm lễ, tôi có chụp mấy tấm hình và hỏi thăm được biết đây là một buổi lễ cầu siêu, cầu an của người Hoa, có những nhà sư, sãi, những người phụ lễ... Họ đọc kinh Địa tạng bằng tiếng Hoa, trong nhang khói, tiếng nhạc bát âm của người Hoa rất ấn tượng. Tôi post lên vài hình ảnh trong buổi lễ dưới đây...

                     
 


                         Chuông và mõ trong buổi lễ.

(Hết phần 1).

Sách tham khảo:

- Một số cơ sở tín ngưỡng dân gian ở TP HCM, Ban Quản lý di tích lịch sử Văn hóa và Danh lam thắng cảnh, xuất bản năm 2001.