Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ.


                                   Bồ đề Đạt ma. Tượng gốm Biên Hòa.


Tựa bên trên tôi trích trong bài thơ Một ngày nhàn rỗi của Nguyễn Bắc Sơn, một nhà thơ được nhiều người biết đến ở miền Nam vào thời trước năm 1975. Về đâu cũng là về đâu đó/ Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ. Trong câu thơ của Nguyễn Bắc Sơn có nói đến chữ Hồ, trong sách vở Phật giáo, Bồ đề Đạt ma được gọi là "Bích nhãn hồ", tên rợ mắt xanh, để tôi lại lan man về Bồ đề Đạt ma, vị Tổ sư đầu tiên của thiền tông Trung Hoa.

Đất Hán thì chúng ta ai cũng biết là đất của người... Hán, tức là người Hoa, đất của người Trung Hoa xưa, Trung Hoa với cái nghĩa mà người Hán xưa coi như trung tâm của vũ trụ, trung tâm của tinh hoa thế giới. Bởi thế cho nên người Hán mới coi thiên hạ là... cỏ rác, ngoài Trung Hoa ra thì thì tất cả các tộc người ở khắp nơi đều là mọi rợ, man di. Những dân tộc du mục phương Bắc họ gọi là hồ, có nghĩa là mọi, rợ, các dân tộc ở phương Nam họ gọi là man, di, cũng cùng có một ý nghĩa như thế. Ấn Độ là một nước có một nền văn minh, văn hóa tư tưởng không thua gì Trung Hoa, nhiều nhà sư Trung Hoa như Chu Sĩ Hành (thời Tào Ngụy), được coi là tăng nhân đầu tiên của Trung Hoa đi về phương Tây cầu pháp, hay như Sa môn Pháp Hiển (thời Đông Tấn), người được xem là nhà tu hành ưu tú bậc nhất của Trung Hoa vào đầu thế kỷ thứ V, hoặc như Đường tăng Trần Huyền Trang khoảng hơn 100 năm sau Pháp Hiển (năm 645) cũng đã đi Tây phương cầu pháp, mang về Trung Hoa đến 520 rương với 657 bộ kinh Phật Tiểu thừa và Đại thừa, cũng như các thư tịch, tượng Phật.

Nếu 3 nhà sư kể trên từ Trung Hoa đi đến phương Tây bằng đường bộ trên Con đường tơ lụa nổi tiếng xưa kia, thì một nhà sư Trung Hoa khác là Nghĩa Tĩnh, người Tế Nam tỉnh Sơn Đông, năm 671 Đường Cao Tông thứ nhì, đã đến Ấn Độ bằng đường biển. Ông cũng mang về gần 400 bộ kinh, hơn 50 vạn bài tụng, làm phong phú thêm cho kho tàng kinh sách Phật giáo Trung Hoa. Nói lên những điều này, để thấy rằng nếu Trung Hoa có Lão Tử và Khổng Tử, thì ở Ấn Độ cũng có Đức Phật Thích ca Mâu ni người tương truyền sống cùng thời, mà ảnh hưởng của ngài về sau ở Trung Hoa cũng không hề kém Lão Tử và Khổng Tử.


                                   Chân dung Bồ đề Đạt ma. Ảnh Internet.


Trong tất cả những vị Tổ sư của Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa (với Ấn Độ là 28 đời, người khởi đầu là Đức Phật Thích Ca, và người cuối cùng là Bồ đề Đạt ma. Trung Hoa với 6 đời người đứng đầu là Bồ đề Đạt ma và người cuối là Lục tổ Huệ Năng). Trong tất cả những vị Tổ sư thiền tông ấy thì tôi thích nhất là Bồ đề Đạt ma, vị Tổ sư có những tư tưởng, hành vi, và cả một diện mạo khác thường so với những vị Tổ sư khác. Hình ảnh của vị "Tổ sư Bồ đề" như chúng ta thấy qua những hình vẽ thật khác người, là một nhà sư nhưng ngài để râu tóc trông như một tên cướp biển, với đôi mắt lộ quằm quằm trắng dã, bộ dạng hoàn toàn không giống một nhà tu hành. Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, tác giả Nguyễn Lang đã căn cứ theo Tục cao tăng truyện của Đạo Tuyên viết nhân vật Bồ đề Đạt ma đã đến Việt Nam trước khi sang Trung Hoa.

Ngay cả năm sinh, năm mất, thân thế của vị Tổ sư này cũng mờ ảo. Ngài sinh và mất năm nào? Không sách vở nào chép rõ, Chỉ có những điều sau đây giữa Đức Phật Thích Ca và Bồ đề Đạt ma là giống nhau, sách vở chép các ngài cùng là con của các vị vua ở miền Nam Ấn Độ, thuở nhỏ rất thông minh, đĩnh đạc, và cuối đời là những nghi vấn quanh việc các ngài qua đời vì bị những người ganh ghét đầu độc. Bồ đề Đạt ma cũng thế, cũng có những nghi vấn về việc ngài bị đầu độc mà mất y như Đức Phật Thích Ca, theo Truyền pháp bảo ký của Thiền Tông thì vị sư tổ Bồ đề Đạt ma bị hạ độc đến sáu lần. Những điều này cho hậu thế thấy điều gì? Là cả khi đã thành Phật, đã giác ngộ và đắc đạo, được nhiều người yêu mến, các ngài vẫn có những kẻ ganh ghét, thù hằn muốn hãm hại...

Cũng như tên gọi Phật, là rút gọn của từ Phật Đà, phiên âm tiếng Hán của từ Buddha (tiếng Phạn Sanscrit và Pali), tiếng Việt cũng có một tên gọi khác là Bụt (nghe có vẻ Tiên ông Đạo cốt hơn từ Phật), thoạt đầu không phải là tên của một người, đại khái Phật có nghĩa là Giác ngộ, Đại giác, dứt khỏi luân hồi... Bồ đề Đạt ma cũng thế, có nghĩa là Đạo Pháp (tiếng Phạn Sanscrit là Bodhidharma). Sách vở được nhiều người biết đến ghi chép vào năm 520 đời Lương Võ Đế Bồ đề Đạt ma đi thuyền đến Trung quốc, ở kinh đô Nam Kinh ngài gặp nhà vua, vua hỏi cả đời vua xây dựng tự viện, cúng dường Tam bảo, vì Phật pháp mà làm rất nhiều điều như vậy có công đức không? Câu trả lời của Đạt ma là "Không có công đức". Vì câu trả lời đi thẳng vào bản thể của vấn đề mà vua Lương Võ Đế không lĩnh hội được, nên nhà vua phật ý (chữ phật trong phật ý thuộc bộ Tâm, có nghĩa là giận dữ, không vừa lòng, khác với chữ phật thuộc bộ Nhân có nghĩa là giác ngộ), nhà vua đã đuổi Đạt ma ra khỏi đất Lương.



                                                "Bích nhãn hồ".  Ảnh Internet.


Bồ đề Đạt ma ra khỏi đất Lương vượt sông Dương Tử, có truyền thuyết nói ngài vượt sông trên một cọng cỏ lau đi về phương Bắc, vào Lạc Dương đến chùa Thiếu Lâm ở dãy Tung Sơn lặng lẽ diện bích suốt chín năm, nên được người thời bấy giờ gọi là "bích quán Bà la môn" (người Bà la môn nhìn vách). Thiền mà Đạt ma truyền thừa lấy Lăng Già kinh làm quán chiếu, ông đưa ra phương pháp tu hành "Lý nhập" và "Hành nhập". Lý nhập chính là bích quán, thật ra cái gọi là bích quán chỉ là một ẩn dụ, ý nói thông qua cách thiền định này tâm con người trở nên vững như tường vách, không nghiêng, không dựa bên nào. Chăm chú nhìn vào một bức vách, ở nơi đó không có Ta và cũng không có Người, không có Phàm cũng không có Thánh, hay nói khác đi Ta - Người - Phàm - Thánh, cũng chỉ là một...

Thiền pháp của Đạt ma không chú trọng về câu chữ, kinh kệ, trong lần gặp gỡ với vua Lương Võ Đế, vua hỏi về ý nghĩa cao nhất của Phật pháp, sư trả lời "Trống rỗng, không có gì là cao cả". Điều này đối nghịch với các tông phái khác ở Trung Hoa lúc bấy giờ, là chìm đắm trong việc luận bàn kinh sách, say mê với những từ ngữ siêu hình viễn vông. Kể từ Đức Phật Thích Ca, kinh nghiệm bản thân mới là điều quan trọng nhất, như người uống nước tự biết nóng lạnh, tất cả những kinh sách về sau chỉ là ngón tay để chỉ vào cái kinh nghiệm ấy. Và từ Bồ đề Đạt ma, Thiền tông của Trung Hoa ra đời...

Trong câu chuyện sau đây một lần nữa, Bồ đề Đạt ma đã nêu cao tư tưởng của ngài. Khi gần viên tịch, ngài gọi những môn nhơn lại nói: "Các ngươi xuất gia theo ta học đạo đã lâu, vậy bây giờ có chỗ sở đắc gì hãy nói cho ta nghe?". Có người tên là Đạo Phó bước ra thưa:

- Theo chỗ hiểu của con chẳng chấp văn tự cũng chẳng lìa văn tự, đó là đạo dụng".

Bồ đề Đạt ma nói:

- Ngươi đã được phần da của ta.

Người khác là Ni Tổng Trì thưa:

- Theo chỗ thấy của con, ví như ngài Khánh Hỷ, chỉ thấy cõi nước Phật A Súc có một lần, không thấy được lần thứ hai.

Bồ đề Đạt ma đáp:

- Ngươi đã được phần thịt của ta.

Đạo Dục Thiền sư, một môn nhơn khác bước ra thưa

- Bạch thày, tứ đại vốn không, ngũ uẩn chẳng có, chỗ thấy của con không có một pháp gì có thể đạt được, như thế là đạo.

Bồ đề Đạt ma nói

- Ngươi được phần xương của ta.

Đến phiên Huệ Khả bước ra, đảnh lễ ngài ba lạy rồi trở về đứng tại chỗ cũ, chẳng nói chẳng rằng.

Bồ đề Đạt ma liền nói

- Ngươi đã được phần cốt tủy của ta rồi.

Huệ Khả chính là người đã được Bồ đề Đạt ma truyền cho y bát, trở thành tổ thứ nhì của Thiền tông Trung Hoa.

Câu chuyện Bồ đề Đạt ma trao y bát cho Huệ Khả cũng phảng phất hương vị của chuyện Đức Phật trao y bát cho ngài Ma ha Ca diếp. Khi Đức Phật đăng đàn thuyết pháp ngài không nói gì chỉ cầm một đóa hoa đưa ra trước tăng chúng, mọi người ngơ ngác nhìn nhau, duy chỉ có Ma ha Ca diếp mỉm cười, và Ma ha Ca diếp đã được Đức Phật chọn làm người kế vị, là tổ thứ nhì của Thiền tông Ấn Độ.


                                            Đạt ma quảy dép. Ảnh Internet.

Chín năm ngồi diện bích
đã tưởng đến Vô cùng
cuối đời quảy chiếc dép
mới thấy lòng ung dung.

Có một hình ảnh tôi rất thích về vị "Tổ sư Bồ đề", đó là hình vẽ ngài quảy trên đầu gậy một chiếc dép. Câu chuyện ngài quảy một chiếc dép cũng không xa lạ với mọi người, tôi muốn kể lại để kết thúc câu chuyện về một vị Tổ sư lừng danh của Thiền tông.

Truyền thuyết nói rằng Bồ đề Đạt ma sống đến 150 tuổi, cuối đời ngài bị đầu độc và chôn ở Hồ Nam. Sau có sứ thần nước Ngụy là Tống Vân từ Sung Đỉnh (biên giới Ấn Độ - Trung Hoa) về, gặp Bồ đề Đạt ma quảy một chiếc dép trên núi Hùng Nhĩ, sư cho biết đang trên đường về Ấn Độ, và Trung Hoa sẽ tiếp nối dòng thiền của mình. Về tới kinh đô sứ thần tâu chuyện cho vua biết. Vua cho cho đào mả mở áo quan của Đạt ma chỉ thấy quan tài rỗng không còn có một chiếc dép. Vua ban chiếu thờ chiếc dép tại Thiếu Lâm Tự, nay đã mất tích. Cũng ghi chép khác cho rằng một nhà sư đi thỉnh kinh về từ Ấn Độ gặp Đạt ma giữa đường, hỏi Đạt ma trả lời tương tự như trên, khi về nhà sư mới hay Bồ đề Đạt ma đã mất liền cho đệ tử mở áo quan, chỉ còn thấy một chiếc dép. Vì câu chuyện này mới có hình ảnh sư quảy một chiếc dép như chúng ta đã thấy.


Tham khảo

- Từ điển Phật học, Ban Biên dịch Đạo Uyển, Chân Nguyên, Nguyễn Tường Bách, Thích Nhuận Châu, Cty sách Thời Đại & NXB Thời Đại xuất bản năm 2011.
- Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang. NXB Văn Học xuất bản năm 2011.
- Lịch sử Phật giáo, Nguyễn Tuệ Chân biên dịch, NXB Tôn Giáo xuất bản năm 2011.
- Lịch sử Phật giáo Trung quốc, Pháp sư Thánh Nghiêm, dịch Thích Tâm Trí, NXB Phương Đông xuất bản năm 2010.
- Tinh hoa triết học Phật giáo, JUNJIRO TAKAKUSU, Tuệ Sỹ dịch và chú, NXB Phương Đông tái bản lần thứ 3 năm 2011.
- Thế giới Phật giáo - Phương diện lịch sử văn hóa và minh triết, Điền Đăng Nhiên, dịch giả Thích Ngộ Thành, NXB Văn Hóa Sài Gòn xuất bản năm 2009.
- Bồ đề Đạt ma, Phạm Công Thiện, NXB Tôn Giáo xuất bản năm 2003.
- Góp nhặt lời  Phật tổ và Thánh hiền, dịch giả HT Thích Duy Lực, NXB Tôn giáo ấn hành năm 2007.

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Từ Bồ đề Đạt ma đến Thế giới phẳng.



Có chút thời giờ rảnh tôi đọc lại hai quyển sách Bồ đề Đạt ma của Phạm Công Thiện, và "Thế giới phẳng" của Thomas L. Friedman, nhà báo của tờ The New York Times, ông đã nhiều lần đoạt giải Pulitzer, một giải thưởng danh giá của Mỹ trong lãnh vực báo chí. Học giả Phạm Công Thiện là một người viết có lẽ không xa lạ gì đối với độc giả ở miền Nam trước năm 1975. Bồ đề Đạt ma là một thiên khảo luận của ông về vị tổ sư thứ nhất của Thiền tông Trung Hoa, viết từ những năm 60 của thế kỷ trước, còn Thế giới phẳng là một quyển sách rất hay của Thomas L. Friedman viết sau cuốn Chiếc Lexus và cây ô liu, một quyển sách cũng rất hay khác của ông.

Như chúng ta đã biết, Bồ đề Đạt ma, vị tổ sư đời thứ 28 và cũng là vị tổ sư cuối cùng của Thiền tông Ấn Độ, mà người đứng đầu là Thích ca Mâu ni, nhưng Bồ đề Đạt ma là vị tổ đầu tiên của Thiền tông Trung Hoa. Đối với Bồ đề Đạt ma, một nhân vật có khá nhiều huyền thoại bao quanh, nhiều học giả, nhiều sách vở coi ông không có thật. Nhưng có nhiều học giả, nhiều sách vở khác coi vị tổ huyền thoại này là một nhân vật lịch sử, người ta cho là ông đã đến Trung Hoa vào khoảng những năm 486 đến 536, hoặc 420 đến 479, hay trễ hơn là vào khoảng năm 547.

Bồ đề Đạt ma được biết đến dưới khuôn mặt của một... hải tặc, hay của một... lục lâm thảo khấu chứ không phải như khuôn mặt hiền lành của Phật Thích ca, lông mày quặm, râu đen, mắt luôn trợn trắng. Người Trung Hoa gọi Bồ đề Đạt ma là "bích nhãn hồ", có nghĩa là "tên rợ mắt xanh", hoặc ngắn gọn hơn là "tên rợ". Đấy không phải là một tên gọi phạm thượng hay bất kính, mà chính là một tên gọi chân thành của các vị Thiền sư, họ hay dùng những nghịch lý để diễn tả ý niệm của mình.

Theo truyền thuyết được nhiều người chấp nhận, thì Bồ đề Đạt ma rời Ấn Độ sang Trung Hoa vào năm 520, cũng như vị tổ sư thứ nhất của thiền tông Ấn Độ là Thích ca Mâu ni, ông là con trai thứ ba của một vị vua ở miền Nam Ấn Độ. Sách vở nói ông là một người "thông minh tuyệt vời, rực rỡ và thâm trầm, học gì cũng hiểu tường tận hết mọi sự". Khi sang Trung Hoa, sau khi đối đáp với vua Lương Võ Đế, một vị vua mộ đạo Phật, nhưng không hiểu được lý lẽ của đạo. Chúng ta thử xem lại vài câu trong bài thuyết pháp của Bồ đề Đạt ma trước triều đình của vua Lương Võ Đế: "Đi tìm một sự vật nào ngoài tâm mình là muốn bắt lấy sự rỗng không. Phật là mỗi người tự tạo trong tâm bằng tư tưởng của mình. Tâm là Phật và Phật chính là tâm. Tưởng tượng Phật ở ngoài tâm, hình dung rằng thấy Phật ở một nơi ngoài, đó là mê sảng". Ở một đoạn khác: "Không có bất cứ một cuốn kinh nào, hay bất cứ sự tu khổ hạnh nào có thể đưa ta ra khỏi luân hồi". 

Tiếc là nhà vua không hiểu được những gì Bồ đề Đạt ma thuyết giảng, thất vọng Bồ đề Đạt ma bỏ đi về Giang Bắc, đến Lạc Dương ngụ nơi chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn ngồi diện bích suốt chín năm, chín năm diện bích trong niềm cô đơn tuyệt đối, có lẽ chỉ có sư mới biết được mình muốn tìm điều gì?.

Trong Thế giới phẳng của Thomas L. Friedman?, ít nhất cũng là khi con người ngồi trước cái màn hình vi tính hay truyền hình, hoặc chiếc điện thoại di động, cả thế giới ở trên cái màn hình phẳng đó. Không rõ có cái thống kê nào đối với những người thường "sống" trên thế giới phẳng đó không? Nhưng có lẽ phải có rất nhiều, rất nhiều người nhất là ở nơi những đô thị bỏ phần lớn thời gian trong thế giới phẳng, từ những nhân viên văn phòng, cho đến những học sinh, sinh viên... và cả những đứa trẻ chưa đến tuổi vào lớp một, bây giờ nhiều trẻ con ở thành phố suốt ngày ngồi trước màn hình truyền hình với những phim hoạt hình, có cả những đứa trẻ như thế sử dụng chiếc máy tính bảng iPad đắt tiền để chơi trò chơi, nhanh hơn là cầm muỗng, đũa.

Ngồi trước màn hình, là cả thế giới ở trước mặt bạn, chúng ta có thể xem một trận bóng đá tranh cúp vô địch thế giới ở cách nửa vòng trái đất, có thể nói chuyện, nhìn thấy người thân cũng với ở một khoảng cách xa như thế. Một tấm hình, một đoạn video clip khi đang đi du lịch, họp bạn, có thể được gởi đến ngay cho người thân đang ở xa tít tắp. Thế giới phẳng ra trên màn hình, không còn hình cầu, như ngày xưa Kha Luân Bố tìm ra Châu Mỹ. Nhưng thật là kinh khủng khi gần như cùng một lúc ở mọi nơi trên thế giới, chúng ta nhìn thấy cảnh hai tòa tháp của Trung tâm thương mại ở New York sụp đổ vào ngày 11/9/2001 bởi bọn khủng bố, sự sụp đổ của hai tòa tháp Trung tâm thương mại, không hẳn chỉ là sự sụp đổ của người khổng lồ có cái gót chân achilles. Cũng cùng một sự kiện chấn động như thế, cả thế giới cũng cùng một lúc nhìn thấy bức tường Berlin sụp đổ vào ngày 9/11/1989. 11 tháng 9 và 9 tháng 11, những con số vô tình mà rất lý thú, hai biểu tượng đối lập nhau, tưởng chừng như bất diệt, đã tan rã như bong bóng xà phòng... Trong thế giới phẳng, cuộc sống, số phận của con người có lẽ cũng mong manh như thế...

Có một câu nói khá dí dỏm về Thế giới phẳng, đại khái như thế này: "Google là Thượng đế, muốn tìm gì cứ hỏi Google". Đúng là bây giờ đối với nhiều người sử dụng máy tính, muốn tìm kiếm gì cứ vào Google, tất cả mọi thứ đều có trên đó, từ Kinh thánh cho đến Kinh Phật, từ sex cho đến kiến thức phổ thông, từ lịch sử cho đến những gì của hiện tại, và của cả tương lai..., nhưng Google là một Thượng đế thiếu mất một trái tim, ngài trưng bày ra tất cả mọi thứ, cả những sai trái, không thiếu những thông tin sai lạc trên đó... Google, một vị Thượng đế không toàn năng trong Thế giới phẳng.


Chín năm Bồ đề Đạt ma ngồi diện bích, nhìn vào bề mặt phẳng của một vách đá, đối diện với cái Ta duy nhất, nhỏ bé và vô cùng... và bây giờ những màn hình phẳng mà chúng ta vẫn chăm chú nhìn vào mỗi ngày, cả thế giới mênh mông thu hẹp lại trong đó, có điều gì giống và khác nhau?



Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Về hai bức tượng Quán Thế Âm.

Vừa qua tôi có ghé thăm một cuộc triển lãm về Di sản văn hóa Phật giáo nhân mùa Phật Đản tại chùa Phật học Xá Lợi tại quận 3 - Saigon. Tôi có chụp một số hình ảnh đưa lên, trong đó tôi rất thích những bức tượng gốm Biên Hòa và tượng gốm Cây Mai-Saigon, dòng tượng tín ngưỡng bây giờ đã không còn sản xuất. Trong những bức tượng gốm Biên Hòa và Saigon này có 2 bức tượng, một của dòng gốm Biên Hòa, và một của dòng gốm Cây Mai Saigon, trong triển lãm đều được ghi chú là tượng Quán Thế Âm, bức tượng gốm Biên Hòa bạn Thu Thủy vào xem có nhận xét "Phật bà Quan Âm cầm Bình nước cam lồ và cành dương liễu, sao lại thay bằng cành hoa sen?". Bức tượng gốm Saigon cũng được ghi chú là Quan Thế Âm thì cưỡi lên con cá, ông bạn Bulukhin nhận xét "Tượng Quán Thế Âm được thể hiện dưới 33 dạng khác nhau, thường cưỡi trên sư tử, đứng trên hoa sen..., thấy tượng gốm Quan Âm của Saigon sản xuất cưỡi trên cá thấy lạ". Bạn Nguoigia vào xem cũng cùng chung một nhận xét như ông bạn Bulukhin... Tôi post lại hai bức tượng đó dưới đây:

                                  Tượng gốm Biên Hòa, tay cầm hoa sen tay cầm bình.


                          Tượng gốm Saigon Quan Thế Âm cưỡi trên cá.


Tìm hiểu lại đôi chút về lịch sử của hai dòng gốm tín ngưỡng Biên Hòa và gốm Saigon, tôi nhận thấy đây là hai dòng gốm phục vụ cho tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian của người Việt và người Hoa xưa, thường thấy là tượng Quán Thế Âm, Di Lặc, Ông Địa, tượng Bát Tiên, Quan Công, Lý Thiết Quài... Trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa có một nhân vật thuộc Bát Tiên là Hà Tiên Cô, biểu tượng của Hà Tiên Cô là tay cầm cành sen hồng. Trong truyện Đông du ký của Ngô Nguyên Thái đời Minh, sau khi dự Hội bàn đào của Tây Vương Mẫu, Bạch Vân Tiên Trưởng ở đảo Bồng Lai ngoài biển Đông mời Bát Tiên quá hải uống rượu bàn chuyện chơi, và Bát Tiên đã dùng pháp khí của mình làm phương tiện vượn biển...


                                  Bát Tiên quá hải. Ảnh Internet.

Qua câu chuyện trên tôi đoán chừng hai bức tượng bên trên là  tượng Hà Tiên Cô, một trong tám vị Bát Tiên của tín ngưỡng dân gian Trung Hoa. Tượng thứ nhất cầm cành hoa sen, tượng thứ nhì vượt biển cưỡi trên cá, trên bức tượng cưỡi cá chúng ta thấy Hà Tiên Cô đeo trên cổ tấm Ngọc Bội, và kiểu để tóc, hình ảnh rất thường thấy nơi người Trung Hoa xưa.




Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Phật Đản (2).

Nhân mùa Phật Đản tôi post tiếp lên đây một số tượng Phật giáo mà tôi đã xem trong buổi triển lãm đã nói ở chùa Xá Lợi, những tượng Phật, Quán Thế Âm, La Hán, Di Lặc... gồm đủ chất liệu, đồng, gỗ, gốm, ngà voi, ngọc...








                                   Tượng Quán Thế Âm. Gốm Biên Hòa.










Ngoài những tượng các loại, tôi cũng đặc biệt chú ý đến một chiếc Thủ lư (Thủ lô - lư hương cầm tay của các nhà sư trong buổi lễ) bằng đồng xưa trong buổi triển lãm, một cái mõ gỗ, và những trang kinh Phật in từ ngày xa xưa... Lần thứ nhì tôi trở lại buổi triển lãm là để nghe một vị Thượng tọa tọa đàm về "Nghi thức Phật giáo" (Thượng tọa Thích Lệ Trang - Trú trì chùa Định Thành, quận 10), một buổi thuyết trình rất hay về những nghi thức của Phật giáo.


                        Chiếc Thủ lư bằng đồng, không thấy bảng đề xuất xứ.

                                           Mõ gỗ.

                               Sách kinh Phật xưa.


Buổi triển lãm ở Hội trường chùa Xá Lợi, là một ngôi chùa Phật học, trong tấm hình đầu tiên trên cao trong Hội trường có hàng chữ "Tu mà không học là tu mù/ Học mà không tu là đãy sách". Thoạt tiên tôi không rõ lắm câu thứ nhì "Học mà không tu là đãy sách" là gì? Sau tôi mới chợt nhớ đãy là cái túi, nói theo từ ngữ nhà Phật đó là cái tay nải, một loại túi may bằng vải đeo bên vai, chúng ta thường thấy các nhà tu hành hay xách để đựng đồ đạc lặt vặt. Câu này có ý nghĩa học mà không tu thì chỉ là cái túi, cái tay nải đựng sách, có lẽ tương đương với câu giá áo túi cơm...


Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Gốm Biên Hòa và gốm Cây Mai - Saigon qua tượng Phật giáo.

Trong buổi triển lãm Di Sản Văn Hóa Mỹ Thuật Phật Giáo tại chùa Xá Lợi - Saigon, tôi cũng đặc biệt chú ý đến những tượng gốm Biên Hòa, và tượng gốm Cây Mai-Saigon nay cả hai dòng tượng tín ngưỡng này đã thất truyền, cùng với dòng gốm Lái Thiêu vẫn còn tồn tại, gốm Biên Hòa và gốm Saigon phát triển và tồn tại trong khoảng hơn nửa đầu thế kỷ XX. Tôi post lên đây một số tượng gốm đã chụp, những bức tượng gốm mang đậm nét dân gian:


                        Phật Thích Ca  nhập Niết bàn.

                                 Tượng Di Lặc.

                                                    Bồ Đề Đạt Ma.


Những hình ảnh bên dưới là tượng gốm Biên Hòa Quán Thế Âm.










 Tượng gốm Phật giáo Saigon (cũng đã thất truyền):

                                  Tượng gốm Di Lặc Saigon và tượng La Hán gốm Lái Thiêu.

                          Tượng Quán Thế Âm (gốm Saigon) và tượng Di Lặc (gốm Lái Thiêu)
                              Tượng Quán Thế Âm và Di Lặc (gốm Saigon).



Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Phật Đản.

Bây giờ đang mùa Phật Đản, Phật lịch 2557, kỷ niệm khi xưa Đức Phật sinh ra nơi khu vườn Lâm Tỳ Ni. Phật lịch hơi khác Dương lịch, trong khi Dương lịch tính từ năm Chúa Jesus ra đời, thì Phật lịch tính từ năm Phật Thích Ca nhập diệt. Nhân lễ Phật Đản, chùa Xá Lợi ở Saigon có tổ chức một cuộc triển lãm lấy nhan đề Triển lãm Mỹ thuật Di sản Văn hóa Phật giáo (từ 17-5 đến 24-5-2013). Tôi có ghé xem, một cuộc triển lãm rất hay và tôi rất thích cuộc triển lãm này. Trong triển lãm trưng bày những bảo vật Phật giáo qua nhiều thời kỳ, Lý, Trần, Lê, Nguyễn (từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX), gồm tượng, pháp bảo, pháp khí, các vật phẩm sử dụng trong thờ cúng...

Tôi thích nhất là những tượng Phật đản sanh của nhà sưu tầm Nguyễn Thanh Chương, những bức tượng rất dân gian, rất có duyên, và rất đời thường, không giống như những bức tượng Đản sanh mỹ thuật mà bây giờ tôi thường thấy trong dịp lễ Phật Đản nơi những ngôi chùa... Tôi sẽ post những bức tượng đó dưới đây:

       Tượng Phật đản sanh của nhà sưu tầm Nguyễn Thanh Chương (TP HCM).