Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Trở lại với những con đường Saigon.

                 Vòng xoay trước chợ Bến Thành khoảng thập niên 70. Ảnh Internet.

Hôm qua có chuyện chạy xe chở bà xã tôi đến khu Bàu Cát của quận Tân Bình. Khi đi ngang qua đường Đồng Đen, ngồi phía sau bà xã tôi chợt nói: Đường này tên là đường Đồng Đen ngộ quá nhỉ? Vậy chắc cũng phải có tên đường  Vàng Ròng hay Bạc Vụn, hay chắc tại Đồng Đen quý hiếm nên mới được đặt thành tên đường... Tôi phì cười, quả là cái tên Đồng Đen nghe khá ngộ nghĩnh, cũng may trước đây tôi có thời gian suốt ngày lông bông ngoài đường phố, nên cũng bỏ công tìm hiểu một số tên đường nghe ngồ ngộ. Đường Đồng Đen là một con đường mới mở (thực ra cũng đã 20 năm nay, từ năm 1993), nằm trong khu Bàu Cát. Đồng đen đúng là hay được biết là loại kim loại quý hiếm còn hơn vàng, như thỉnh thoảng chúng ta vẫn thường thấy trên báo chí đăng tin có người bị lừa bạc tỉ vì ham mua loại kim loại mang nhiều huyền thoại này.

Nhưng tên đường Đồng Đen thì chẳng phải là đồng đen kim loại. Đây là biệt danh của một liệt sĩ tử trận trước năm 1975, được lấy đặt tên đường, như một số con đường khác ở Saigon sau năm 1975. Cách nay một vài năm khi còn làm việc nhà nước, một hôm cũng có người trong cơ quan hỏi tôi một con đường khác, đó là đường Lũy Bán Bích nằm trên quận Tân Phú, có phải Lũy Bán Bích là người họ Lũy tên Bích không? Các bạn trẻ ngày nay ít quan tâm đến sử sách nên không biết lũy Bán Bích là tên một thành lũy được đắp từ năm 1772, do Điều Khiển Nguyễn Cửu Đàm xây dựng (Điều Khiển là một chức quan thời chúa Nguyễn). Có điều hơi buồn cười là có sách viết về Gia Định xưa giải thích "Bán Bích" là "nửa bức tường". Lũy xây có nửa bức tường thôi sao? Mà "nửa bức tường" thì thật ra nghĩa là gì? Thì ra không phải thế. Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức giải thích, Lũy Bán Bích đắp hình bán nguyệt, có hình nửa ngọc bích.

Ở bên quận Tân Phú cũng có một con đường có tên rất... hiện đại, đó là đường... Tên Lửa. Tên Lửa ở đây thì đúng nghĩa là... tên lửa, có nghĩa là hỏa tiễn. Một tên đường được đặt sau năm 1975, nơi con đường này có một đơn vị phòng không đóng quân nên lấy tên đặt cho đường. Trước năm 1975 ở miền Nam thì "tên lửa" được gọi là "hỏa tiễn", dùng từ Hán Việt để gọi, thí dụ "hỏa tiễn liên lục địa", để chỉ loại vũ khí tầm xa mà bây giờ gọi là "tên lửa vượt đại dương". Có một từ ngữ Hán Việt khác như "Thủy quân lục chiến" để kêu một loại quân thiện chiến được biên chế trong binh chủng hải quân trên thế giới, thì sau năm 1975 nghe gọi là "Lính thủy đánh bộ", thoạt tiên nghe khá kỳ cục, nửa Nôm nửa Hán, nửa Ta nửa Tàu...

Việt Nam trước đây là một trong ba nước Đông Dương bao gồm Việt - Miên - Lào, nói theo từ ngữ thỉnh thoảng hay được nghe là "ba nước anh em". Chắc có lẽ là do "Tình thương mến thương" nên từ thời Đệ nhất Cộng Hòa ở Saigon có 2 con đường mang tên thủ đô của 2 nước Miên và Lào, đến nay vẫn còn. Hai con đường này đều ở quận 5. Thứ nhất là đường Kim Biên, phiên âm Hán Việt của thủ đô Phnom Penh - Cambodia. Thứ nhì là đường Vạn Tượng, cũng là phiên âm Hán Việt của thủ đô Vientiane - Lào.

Không biết tại sao mà ở Saigon trước năm 1975 có một số đường bị đặt sai tên, chẳng hạn đường Sương Nguyệt Anh thành Sương Nguyệt Ánh, đường Đoàn Nhữ Hài thành Đoàn Như Hài, đường Hồ Huân Nghiệp thành Hồ Huấn Nghiệp, đường Phan Phu Tiên thành Phan Phú Tiên, đường Lương Như Hộc thành Lương Nhữ Học... Đấy là những tên đường mang tên những danh nhân xa xưa, còn có một tên đường mới đặt sau năm 1975 ở Thủ Đức, mang tên Kha Vạn Cân (ông giữ chức vụ Quận trưởng Saigon-Cholon thời chính phủ Trần Trọng Kim tháng 8-1945, sau tập kết ra miền Bắc, nhiều năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công Nghiệp Nhẹ 1960-1975), thật ra tên ông là Kha Vạng Cân (Vạng, có "g"  chứ không phải Vạn). Trên một số báo của tạp chí Xưa và Nay cũng có một bài khá dài viết về ông, nhưng cũng viết chữ "Vạng" là "Vạn"...

Trong một entry trước tôi đã điểm qua một số những con đường ở Saigon mang tên những danh nhân triều Nguyễn trước năm 1975 được đặt tên đường, thì sau năm 1975 đã bị thay thế gần hết. Dĩ nhiên có những con đường trước năm 1975 mang tên những người phục vụ cho chính quyền Saigon như Trần Hoàng Quân (Đại tá), Văn Điển Quang, Trần Văn Văn (nghị sĩ)... Sau năm 1975 đều bị đổi tên mới. Nhưng chỉ có một con đường là đường Huỳnh Hữu Bạc ở quận Tân Bình thuộc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, là vẫn giữ lại tên của vị Sĩ quan không quân phục vụ cho nền Đệ nhất Cộng Hòa.

Đây là một con đường nhỏ chỉ dài khoảng 150m. Ông Huỳnh Hữu Bạc là một sĩ quan không quân thuộc lớp phi công đầu tiên của Không lực VNCH, tử nạn trong một phi vụ huấn luyện máy bay tại miền Tây năm 1957. Tên của ông được đặt cho một con đường nhỏ thuộc sân bay Tân Sơn Nhất. Đến nay tên vẫn còn. Xem tiểu sử thì thấy vị sĩ quan không quân này chẳng phải "nằm vùng" chi hết, cũng chẳng hề ném bom dinh Độc Lập hay tham gia đảo chính lật đổ chính quyền. Không hiểu sao sau năm 1975 con đường mang tên ông vẫn còn cho đến ngày nay mà không bị thay thế. May thay...!




Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Rõ chán!

Mấy hôm nay đọc trên mạng thấy lùm xùm vụ Đàn Xã Tắc quá xá, mỗi người, mỗi nơi nói một phách, kể cả những người xem ra trong cuộc và có thẩm quyền, cũng như bài viết trên báo mạng. Chẳng hạn bài viết tôi mới đọc được trên trang VNExpress:

'Bảo tồn nguyên vẹn Đàn Xã Tắc là rất khó'

Trong đó có ý kiến của một vị chuyên gia Cục Di Sản Văn Hóa, khi trao đổi với VNEpress, tôi copy nguyên văn như sau:  "Phạm vi của Đàn Xã Tắc là khá rộng, giới hạn từ Đê La Thành, Khâm Thiên, Xã Đàn, Kim Liên". Ở cuối bài viết có đóng khung, tôi cũng copy nguyên văn những gì viết trong khung:

"Đàn Xã Tắc là loại đàn tế cổ, được lập để tế thần Đất, thần Nông, chiếm vị trí quan trọng đối với các vương triều xưa. Các nhà sử học cho biết, Việt Nam có 3 Đàn Xã Tắc tại Huế, Hoa Lư và Hà Nội.
Đàn Xã Tắc tại kinh thành Thăng Long được lập từ thời vua Lý Thái Tông (năm Mậu Tý 1048), đến sau thời vua Lê Chiêu Thống (1788) thì mất dấu. Sau hơn hai trăm năm mất dấu, Đàn tình cờ được các nhà khảo cổ phát hiện vào cuối năm 2006, khi xây dựng vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa.".

Chỉ với hai đọan viết trích dẫn bên đã có nhiều vấn đề để nói. Thứ nhất đó là ý kiến của một vị chuyên gia Cục Di Sản Văn Hóa, xin nhấn mạnh đây là chuyên gia của Cục Di Sản Văn Hóa. Ý kiến của vị này như tôi đã trích dẫn bên trên, cũng xin nhắc lại: "Phạm vi của Đàn Xã Tắc là khá rộng, giới hạn từ Đê La Thành, Khâm Thiên, Xã Đàn, Kim Liên". Có thật là một cái Đàn Xã Tắc nó rộng lớn mênh mông như thế không? Bao trùm đến mấy địa danh? Thứ nhì là có phải là "Các nhà sử học cho biết, Việt Nam có 3 Đàn Xã Tắc tại Huế, Hoa Lư và Hà Nội?"

Trước khi xem xét những ý kiến trên, có lẽ chúng ta cũng nên có một cái nhìn về chuyện đàn tế ngày xưa. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn có chép khá rõ. Đối với những đàn tế có quy mô nhà nước lập trước thời nhà Nguyễn, thì có 2 đàn ở kinh thành Thăng Long được lập từ thời Lý.

- Thứ nhất là Đàn Nam Giao, sách chép: Đàn này ở huyện Thọ Xương, phía Nam tỉnh thành, do triều Lý đắp lên làm chỗ tế trời đất thần kì. Năm Quang Thuận nhà Lê, dựng hai nhà giải vũ ở phía Đông, phía Tây, mỗi bên đều có bảy gian, có điện thay quần áo, có trai cung, trù phòng (nhà bếp), khí khố (kho để đồ tế), các tòa nhà ngoài có xây tường chung quanh và ba gian nghi môn. năm Quang Hưng, dựng thêm đền Chiêu Sự. Năm Cảnh Trị có sửa lại. Qui chế của Đàn: Góc có cột đá, rường, cột, kèo, rui đều chạm rồng phượng, sơn son thếp vàng. Từ thần Hồ Sĩ Dương soạn bài ký. năm Gia Long thứ nhất (1802), đắp thành, dỡ lấy gạch đá ở điện này để xây thành. Duy có chính điện ở phường Thịnh An vẫn còn (đến năm Tự Đức thứ 11-1858, bị hỏa tai cháy hết).

- Đàn Xã Tắc: Ở huyện Vĩnh Thuận, phía Tây Nam tỉnh thành, dựng năm Thiên Cảm Thánh Vũ thứ 5 đời Lý (1048), các đời sau cũng theo đó tế lễ. Nay nền cũ ở thôn Thịnh Hào vẫn còn.

Ở Thăng Long Hà Nội cũng có một Đàn Xã Tắc lập sau này vào thời nhà Nguyễn sách cũng chép, đó là Đàn Xã Tắc lập năm Minh Mạng thứ 20 (1839), ở phía Tây tỉnh thành.

Như vậy trong 3 đàn tế trên ở kinh thành Thăng Long xưa, có 2 đàn là Đàn Nam Giao và Đàn Xã Tắc được lập từ đời nhà Lý, 2 đàn này đến thời nhà Nguyễn vẫn còn dấu vết, và một đàn Xã Tắc lập thời Minh Mạng.

Về quy mô tế đàn Nam Giao và Đàn Xã Tắc, như chúng ta đã biết câu: "Thiên tử tế Nam Giao/ Chư hầu tế Xã tắc", nhà vua tế Nam Giao, tức là tế Trời - Đất, còn bề tôi thì tế Xã Tắc, là tế Thần Đất và Thần Lúa. Xét thế để thấy rằng tế Nam Giao (tế Trời - Đất) là quan trọng hơn tế Xã Tắc, phải do đích thân nhà vua đứng chủ tế, còn tế Xã Tắc (tế Thần), thì chỉ do người dưới đảm trách.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí cũng chép rất rõ, vua Gia Long đã cho xây dựng Đàn Nam Giao ở Huế nay vẫn còn di tích, và bắt đầu từ thời Minh Mạng trên khắp tỉnh thành của cả nước Việt Nam, vua Minh Mạng đã đồng loạt cho đắp mỗi nơi một Đàn Xã Tắc, đồng thời đắp thêm 2 đàn khác là Đàn Tiên Nông (thờ Thần Nông), và Đàn Sơn Xuyên (thờ Thần Núi và Thần Sông), những đàn này quy mô nhỏ, cũng do địa phương đảm trách việc tế tự.

Xét sách sử đã chép rõ như thế, để chúng ta thấy rằng riêng Đàn Xã Tắc bắt đầu từ thời Minh Mạng đã có rất nhiều tại Việt Nam, tỉnh thành nào cũng có.

Bây giờ chúng ta quay trở lại những vấn đề đã nêu:

1/ Về ý kiến thứ nhất của vị chuyên gia: "Phạm vi của Đàn Xã Tắc là khá rộng, giới hạn từ Đê La Thành, Khâm Thiên, Xã Đàn, Kim Liên". Tôi xin nêu ra đây mấy số liệu để chúng ta có thể xem xét:

Có thể so sánh với Đàn Nam Giao, là đàn do chính vua nhà Nguyễn lập để tế trời, hiện vẫn còn di tích khá rõ ở Huế.

                        Di tích Đàn Nam Giao triều Nguyễn ở Huế. Ảnh Internet.

Sách Hỏi đáp về văn hóa cố đô Huế, do NXB Quân đội nhân dân xuất bản năm 2009 viết: Khuôn viên đất Nam Giao hình chữ nhật, dài 390m, rộng 265m, giới hạn bởi một vòng rào tường thành xây bằng đá... Trong khi một cái sân bóng đá hiện nay có kích thước, dài 105m, rộng 68m. Như vậy chiều dài của toàn Đàn Nam Giao gấp khoảng 3,7 lần, và chiều rộng gấp khoảng 3,9 lần một sân bóng đá. Toàn cảnh di tích Đàn Nam Giao như hình bên trên. Nói lên kích thước của Đàn Nam Giao do chính nhà vua lập, để thấy Đàn Xã Tắc ở Hà Nội (hay bất cứ nơi đâu), cũng không thể to hơn Đàn Nam Giao của nhà vua. Đại Nam Nhất Thống Chí cũng cho ta biết một chi tiết khác. Khi xây kinh thành Huế, vua Gia Long đã cho vạt bớt chiều cao của thành Thăng Long, vì không muốn thành Thăng Long cao hơn kinh thành Huế.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí cho chúng ta biết về kích thước Đàn Xã Tắc lập tại Saigon vào năm Minh Mạng thứ 13 (1832). "Đàn vuông mỗi chiều bốn trượng dư", trượng có nhiều con số tính, nếu tính kích thước của một trượng là khoảng 4m, cho đến tối đa 4,8m, thì mỗi cạnh của Đàn Xã Tắc tại Saigon chỉ khoảng độ trên dưới 20m. Như vậy diện tích Đàn khoảng 400 mét vuông, bằng một cái biệt thự tầm tầm.

Đàn Xã Tắc phát hiện mới đây ở Hà Nội như thông tin (nếu đúng là Đàn Xã Tắc) không rõ là đàn cũ từ thời Lý, hay đàn đắp thời Minh Mạng?. Nhưng theo sử sách cũ chúng ta có thể suy đoán ra được kích thước của một Đàn Xã Tắc, dù thời nào đi nữa cũng không quá lớn, bất quá cũng chỉ vài trăm mét vuông. Chắc chắn là không quá mênh mông như ý kiến của vị chuyên gia Cục Di Sản Văn Hóa mà trang mạng VNExpress đã trích dẫn.

2/ Ý kiến thứ nhì là của trang mạng VNExpress: có 2 ý:

2.1: "Đàn Xã Tắc là loại đàn tế cổ, được lập để tế thần Đất, thần Nông, chiếm vị trí quan trọng đối với các vương triều xưa. Các nhà sử học cho biết, Việt Nam có 3 Đàn Xã Tắc tại Huế, Hoa Lư và Hà Nội." Có phải là Đàn Xã Tắc chiếm vị trí quan trọng đối với các vương triều xưa hay không? Có lẽ là không phải. Trong sử sách cũ như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, hay sách viết về địa chí cũ như Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi không thấy nhắc đến Đàn Xã Tắc. Như chúng ta đã biết sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn có nói đến, trên tất cả các tỉnh thành thời nhà Nguyễn đều có Đàn Xã Tắc, như vậy chỉ đến triều Minh Mạng (vương triều nhà Nguyễn, chứ không phải là các vương triều xưa) Đàn Xã Tắc mới được cho lập đều khắp trên các tỉnh thành của cả nước. 

Còn câu "Các nhà sử học cho biết, Việt Nam có 3 Đàn Xã Tắc tại Huế, Hoa Lư và Hà Nội.", điều này rõ ràng là không phải. Trước thời nhà Nguyễn thì chỉ có một Đàn Xã Tắc ở Thăng Long, đàn này tồn tại qua nhiều triều đại, đến tận thời nhà Nguyễn, và cho đến đời Minh Mạng thì tỉnh thành nào cũng có Đàn Xã Tắc. Chẳng lẽ các nhà sử học không biết điều này? Và câu "Việt Nam có 3 Đàn Xã Tắc tại Huế, Hoa Lư và Hà Nội", lại là những gì mà trang từ điển mạng WIKIPEDIA đã viết trong từ mục ĐÀN XÃ TẮC, có lẽ trang mạng VNEpress đã theo WIKIPEDIA, và để cho có trọng lượng bèn gán cho "Các nhà sử học cho biết". Điều này cũng cho thấy những thông tin trên những trang mạng không phải lúc nào cũng đáng tin cậy.

2.2: "Đàn Xã Tắc tại kinh thành Thăng Long được lập từ thời vua Lý Thái Tông (năm Mậu Tý 1048), đến sau thời vua Lê Chiêu Thống (1788) thì mất dấu. Sau hơn hai trăm năm mất dấu, Đàn tình cờ được các nhà khảo cổ phát hiện vào cuối năm 2006, khi xây dựng vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa.". Như đã viết, Đàn Xã Tắc cũ đời Lý "Nay nền cũ ở thôn Thịnh Hào vẫn còn", tức là đến đời nhà Nguyễn vẫn còn nền cũ (vẫn còn dấu tích), chứ không phải chỉ đến sau (?) thời vua Lê Chiêu Thống (1788) thì mất dấu, và sau hơn hai trăm năm mất dấu thì Đàn được phát hiện vào cuối năm 2006. Đàn Xã Tắc thứ 2 ở Hà Nội được đắp ở phía Tây tỉnh thành năm Minh Mạng thứ 20 (1853). Không rõ năm 2006 có xác định được đúng là tìm lại được Đàn Xã Tắc không? Nếu đúng thì đây là Đàn cũ từ thời Lý, hay Đàn từ thời Minh Mạng?

Chỉ với vài thông tin trên chúng ta đã thấy cái hỗn loạn của vụ việc. Tại sao một đất nước có đến hơn bốn ngàn năm văn hiến như nước ta lại như thế? Đất nước cũng phải có một cái cơ quan chức năng chuyên ngành về văn hóa, khảo cổ... và quan trọng hơn là phải có những người giỏi, làm việc chính xác, có tâm huyết với đất nước, đúng đắn, xác định được vụ việc và có thẩm quyền đưa ra được cái giải pháp tối ưu cần phải làm nếu đúng đây là Đàn Xã Tắc.

Thật rõ chán!


Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Ăn quán ngủ đình.

                  Đình thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Cù Lao Phố-Biên Hòa. Ảnh Internet.

Cách nay ít lâu, trong một lần ngồi nhâm nhi cà phê với một người bạn, hôm ấy có thêm vài người bạn của bạn nữa, trong đó cũng có người mới từ nước ngoài về. Ngày xưa trước năm 75 bạn học bên ngành sư phạm, có đi dạy một thời gian rồi nghỉ, những người bạn của bạn cũng thế, đa phần là bạn lưu niên dân Nam bộ thời còn là sinh viên sư phạm.

Trong câu chuyện gẫu (ngày xưa dân Saigon gọi là tán gẫu, tán dóc), có người nhắc đến cảnh cơm hàng cháo chợ, và dùng câu thành ngữ "ăn quán ngủ đình" để diễn tả. Đại khái người bạn ngồi uống cà phê dùng câu nói ấy để nói cái cảnh mình thường phải ăn uống hàng quán, vì mọi người trong nhà ai cũng bận bịu  công ăn chuyện làm, ít có thời giờ nấu bữa ăn trong gia đình. Chữ "ăn quán" trong "ăn quán ngủ đình" được hiểu là "ăn uống ở quán xá, hàng quán".

Hôm ấy nghe chuyện ai cũng cười khì, tuy tôi hiểu chữ "ăn quán" ở đây theo một nghĩa khác. Mấy hôm nay nhân đọc lại một tờ tạp chí cũ, tôi đọc được một bài viết nói về Cù Lao Phố ở Biên Hòa, một nơi tôi cũng có dịp ghé qua mấy lần. Bài viết nói về những ngôi đình ở Cù Lao Phố, với chỉ 6,6 cây số vuông nơi đây có đến 11 ngôi đình, 7 ngôi chùa và 1 Thánh thất Cao Đài, là một nơi có nhiều ngôi đình nhất Nam bộ. Bài viết có nói đến câu thành ngữ "ăn quán ngủ đình", và nói đình làng là nơi luôn luôn mở rộng cửa đón tiếp mọi người, nhất là những lúc lỡ bước. Bài viết cũng suy đoán "có lẽ câu thành ngữ ăn quán ngủ đình bắt nguồn từ Nam bộ nói chung, và Cù Lao Phố nói riêng".

Với câu thành ngữ "ăn quán ngủ đình" trên, tôi không nghĩ "ăn quán" là ăn uống nơi quán xá, tiệm ăn, như các bạn ngồi nhâm nhi cà phê, và tôi lại càng không cho câu thành ngữ này bắt nguồn từ Nam bộ nói chung, và từ địa phương Cù Lao Phố nói riêng, như bài viết của tờ tạp chí.

Trong bốn chữ "Ăn quán ngủ đình" bên trên, thì từ "ngủ đình" chắc ai cũng hiểu là... ngủ ở đình, câu thành ngữ này phải có ít nhất cũng cả trăm năm nay, khi đình làng ở mọi nơi còn mang một vị trí quan trọng trong xã hội, đình làng ngày xưa vừa là nơi thờ phượng của người dân, vừa mang tính chất hành chánh, vì thế luôn là chốn người dân có thể nhờ vả khi cần, chẳng hạn ngủ nhờ một đêm khi lỡ đường, vì xưa làm gì có sẵn khách sạn như bây giờ. Nhưng "ăn quán" có phải là ăn uống nơi hàng quán, quán xá, quán ăn không? Tôi nghĩ là không, chữ quán này có một nghĩa khác, quán, là nơi nơi thờ phượng, tín ngưỡng của Đạo giáo. Am quán là nơi ở của Đạo sĩ, đạo quán là nơi thờ phượng của Đạo giáo. Lỡ bữa ghé qua quán, có lẽ ngày xưa người ta cũng dễ dàng nhờ được một bữa ăn.

Chữ quán tôi cũng hay thấy đi đôi với chữ chùa trong "chùa quán" (Đại Nam Nhất Thống Chí mục từ Chùa Quán), để chỉ những nơi tín ngưỡng. Đây là câu thành ngữ xưa theo tôi là của miền Bắc, và bây giờ ít khi được dùng đến. Trong mấy quyển từ điển Thành ngữ - Tục ngữ Việt Nam tôi có, tôi chỉ tìm được câu "ăn quán ngủ đình" trong phần Ca dao tục ngữ của Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn Ngữ - NXB Từ Điển Bách Khoa ấn hành năm 2007, với giải thích nghĩa của câu là "Sống linh đinh vất vả".

Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức ấn hành tại Hà Nội năm 1931, quyển từ điển này có thể được xem là quyển từ điển tiếng Việt xưa, có nhiều từ thuộc phương ngữ Bắc bộ. Trong mục từ quán thì có nhiều chữ quán, và một trong những chữ quán có cái ý nghĩa của Đạo giáo như tôi đã dẫn ở trên. Còn trong quyển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của, bản ấn hành năm 1895, được xem là quyển từ điển tiếng Việt về phương ngữ Nam bộ xưa nhất, cũng ghi nhận nhiều chữ quán, nhưng hoàn toàn không có chữ quán với ý nghĩa Đạo giáo như thế.

Bởi thế nên tôi không nghĩ câu "Ăn quán ngủ đình" là một câu thành ngữ bắt nguồn từ Nam bộ, hay phát xuất từ vùng Cù Lao Phố (Biên Hòa-Đồng Nai), như bài báo trên tờ tạp chí cũ tôi đã đọc. Đình làng trong miền Nam có từ thời cư dân Việt di cư từ miền Trung, miền Bắc thời nhà Nguyễn lập nên. Trong miền Nam những đền, điện, đạo quán là nơi thời phượng của Đạo giáo ít thấy, không phổ biến như chùa hoặc đình.

Trong sử sách của nước ta, tôi thấy ghi cũng rất rõ, cùng với chùa chiền, đình, miếu... là tín ngưỡng Phật giáo, hay tín ngưỡng dân gian (thờ Thần, Mẫu, Thành Hoàng...), thì đền, điện, đạo quán là loại tín ngưỡng của Đạo giáo (thờ Thái thượng lão quân, Quan Công, Quan Bình...), cũng được xây dựng qua tất cả các triều đại vua chúa, nhất là ở Thăng Long, và toàn miền Bắc. Bậc vua chúa, trưởng thượng thì theo Đạo giáo thần tiên (tu tiên, học cách trường sinh...), còn giới bình dân thì theo Đạo giáo phù thủy (cúng tế, cầu khẩn, bói toán...). Trong sử sách có ghi chép, cùng với các nhà sư (Phật giáo), thì các Đạo sĩ (Đạo giáo) ngày xưa cũng rất hay được bậc vua chúa tin dùng. Các Đạo sĩ luôn được vời đến trong những buổi cúng tế, cầu đảo, chọn ngày giờ, xem phong thủy...

Cuối cùng thì câu thành ngữ "ăn quán ngủ đình", cũng có thể coi như một câu đối hoàn chỉnh, ăn đối với ngủ, là hai nhu cầu thiết yếu của con người, quán đối với đình, là hai nơi cùng có ý nghĩa tín ngưỡng, và ăn quán đối với ngủ đình. Nguyên câu thành ngữ này có ý nghĩa như từ điển đã giải thích: sống linh đinh (lênh đênh) vất vả. Câu thành ngữ nói lên cuộc sống và đánh dấu một thời xã hội cha ông ngày xưa.






Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Di tích.

                                   Một hố khai quật ở Hà Nội. Ảnh Internet.

Sáng nay lại... lai rai đọc báo, thấy trên tờ Phụ Nữ TP HCM (24-4-2013) có đăng một bài ngắn "Xóa tàn dư phong kiến (!?)". Tin như thế này:

"Hiệp hôi vận tải Hà Nội vừa có một văn bản gây choáng váng và phẫn nộ đối với nhiều người. Để ủng hộ việc xây cầu vượt qua đàn Xã Tắc, Hà Nội, Hiệp hội này không ngần ngại cho rằng "xóa đi đàn Xã Tắc cuối thời Lê là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân. Khôi phục, tôn thờ đàn Xã Tắc quá mức là phản cảm với khu di tích gò Đống Đa cách đó chưa đầy 1km".

Ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc về vấn đề trên: "Người NGU mới nói phá đàn Xã Tắc để xóa tàn dư phong kiến".

Như chúng ta đã biết đàn Xã Tắc ngày xưa được lập ở nhiều nơi, tỉnh thành nào cũng có. Trong khi đàn Nam Giao chỉ được lập ở nơi kinh thành (kinh đô). Kinh Lễ có câu "Thiên tử tế Nam Giao/ Chư hầu tế Xã Tắc". Đàn Nam Giao là đàn tế Trời, của triều đình và do nhà vua làm chủ tế, ngày xưa chỉ có ở Thăng Long, và sau này dưới triều Nguyễn được xây dựng ở Huế, khi kinh đô được dời từ Thăng Long vào Huế. Hiện di tích đàn Nam Giao vẫn còn ở Huế.

Xã Tắc, thì Xã là Thần đất, và Tắc là Thần lúa, là hai vị Thần của nền văn minh lúa nước ở nước ta, mà ngày xưa có đến 90% dân Việt là làm ruộng. Đàn Xã Tắc có ở nhiều nơi trên đất nước. Trong những ngôi đình ở miền Nam, trong sân đình cũng thường có hai miếu nhỏ thờ Thổ thần và Thần nông, một hình thức thờ Xã Tắc. Như vậy việc thờ Xã Tắc là của dân, và do dân thực hiện việc cúng tế Xã tắc. Xã Tắc cũng là từ ngữ để chỉ đất nước, quốc gia.

Với cái nội dung văn bản của Hiệp hội vận tải Hà Nội bên trên chắc chúng ta cũng miễn bàn tới. Ông Dương Trung Quốc đã nói rồi. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì ở Hà Nội có ít nhất hai đàn Xã Tắc, một đàn Xã Tắc có từ đời Lý ở huyện Vĩnh Thuận, phía Tây Nam tỉnh thành (Hà Nội), dựng năm Thiên Cảm Thánh Vũ đời Lý (1048), các đời sau cũng theo đó tế lễ. Nay (thời nhà Nguyễn) nền cũ ở thôn Thịnh Hào vẫn còn.

Đàn Xã Tắc thứ hai cũng Đại Nam Nhất Thống Chí chép ở phía Tây trong tỉnh thành. Đắp năm Minh Mạng thứ 20 (1839). Không biết dấu vết đàn Xã Tắc mới phát hiện ở Hà Nội là đàn từ thời Lý còn lưu lại, hay đàn thời Minh Mạng mới đắp? Và cũng chưa rõ thành phố Hà Nội sẽ quyết định xử lý di tích đàn Xã Tắc này ra sao? Có "xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát" như văn bản của Hiệp hội vận tải Hà Nội hay không?

Thiết nghĩ đàn Xã Tắc (xưa có ở nhiều nơi) nếu nay tìm lại được dấu vết, đấy chính là lịch sử của đất nước, đánh dấu một giai đoạn của cha ông, cũng nên cố gắng bảo toàn những gì còn lại. Có lẽ cũng không thể ngừng việc xây dựng cầu vượt hiện nay, nhưng nếu Hà Nội có thể tìm ra được một phương án nào đó, chẳng hạn vẫn thực hiện phát triển cái hiện tại, mà vẫn giữ được di tích lịch sử này thì thật tốt đẹp.

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Văn hóa... treo.

                             Ảnh chụp lại từ báo TT ngày 22-4-2013.

Sáng nay đọc báo Tuổi Trẻ thấy hình ảnh và bài viết về "Ngày hội sách và văn hóa đọc", tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), diễn ra ngày 20-4-2013, vừa buồn cười vừa ngán ngẩm. Nhìn hình ảnh trên báo thì các bạn thấy. Những độc giả ngồi đọc những quyển sách được treo toòng teng bằng những sợi dây. Đó là hình ảnh trong một gian phòng đọc sách miễn phí của NXB Kim Đồng trong hội sách. Các em nhỏ và các bậc phụ huynh (trên hình thì các bậc phụ huynh nhiều hơn), mồ hôi mồ kê do trời oi bức đang đọc, hoặc chờ đến lượt mình đọc. Và cái lý do ai cũng hiểu, là treo lên như thế cho khỏi mất sách. Cô gái trẻ phục vụ gian sách miễn phí khi được hỏi cho biết:

"Chúng em năm nào cũng làm gian đọc sách miễn phí, và năm nào cũng mất. Từ sáng đến chiều là tan tác, chỉ còn vài quyển lơ thơ. Bất đắc dĩ lắm mới phải treo lên thế này".

Tự nhiên câu chuyện này làm tôi lại nhớ đến một câu chuyện khác, đã xa xưa, cách nay đến cả gần 30 năm, cái thời được gọi là bao cấp làm việc cho nhà nước. Trong cơ quan tôi lúc bấy giờ có tổ chức cái bếp ăn tập thể, nấu ăn cho CB-CNV ăn bữa trưa. Cơm ăn bằng đĩa, xúc bằng thìa, muỗng, giống như ăn cơm đĩa ở các quán ăn Saigon bây giờ. Vị lãnh đạo cơ quan cũng ăn ở bếp ăn tập thể ấy một hôm kể câu chuyện từ thời ông còn trẻ tập kết ở ngoài Hà Nội, cũng trong một bếp ăn tập thể của cơ quan, ông nói: "Cái thìa bằng nhôm thời ông ấy ở cơ quan ngoài Hà Nội nó không như cái thìa bây giờ, cái thìa có đục một lỗ ở giữa, cái thìa đó không múc nước canh húp được, bởi vì múc nước canh chảy hết, chỉ còn vớt được chút rau củ lõng bõng". Mọi người ngạc nhiên hỏi tại sao thế? Thủ trưởng giải thích, nếu không đục lỗ như thế bao nhiêu thìa cũng bị mất sạch hết, chẳng còn cái nào...

Câu chuyện kể như một loại khôi hài, nhưng chắc có thật vì vị lãnh đạo cơ quan có lẽ chẳng bịa ra để làm gì. Cái thìa công dụng chính là để múc nước canh khi ăn cơm, vậy mà lại bị đục thủng lỗ để tránh bị mất cắp... Ấy là chuyện thời... xa xưa, cách nay cũng năm sáu mươi năm, lúc đó xã hội còn quá khó khăn.

Trong hai câu chuyện mới và cũ tôi viết bên trên có cái giống nhau và có cái khác nhau. Giống nhau ở điểm "chống mất cắp", ngày nay quyển sách được cột giây treo lên lủng lẳng, và ngày xưa cái thìa bị đục thủng lỗ. Và khác nhau ở điểm, một đằng chuyện xảy ra ở một bếp ăn tập thể cơ quan thời còn rất khó khăn, một đằng chuyện xảy ra bây giờ, khi cuộc sống đã khá, trong một ngày hội mang tên "Ngày hội sách và văn hóa đọc", xảy ra ở ngay trong Văn miếu Quốc Tử Giám.

Mấy hôm nay bên nhà anh bạn "Cụ đồ trẻ" Toro có viết bài "Đứt quãng văn hóa". Toro viết về một ngôi làng quê thuộc Hà Nội, làng có đình đàng hoàng nhưng hỏi ra chẳng biết thờ ai, vì đã bị ăn trộm vào lấy sạch hết sắc phong. Tuy đình làng còn một số hoành phi, câu đối chữ nghĩa tiếng Hán, nhưng trong làng mù tịt chẳng còn ai biết chút gì, thế là "máu giang hồ" (chữ của Toro) nổi lên, chàng ta bèn chụp những chữ Hán ấy đem về nghiên cứu, cũng tìm ra được chút ít manh mối cho làng... Và Toro gọi việc này là "đứt quãng văn hóa truyền thống". Trong khi ông bạn già Bulukhin thì cho rằng đây là sự biến đổi, biến dị văn hóa...

Nhưng khi hình ảnh của một ngày hội đọc sách, được tổ chức tại Văn miếu Quốc Tử Giám, mà sách đọc miễn phí được treo lủng lẳng để chống mất cắp (bởi đã bị mất cắp nhiều lần), thì nền văn hóa của xã hội đó không phải chỉ bị "đứt quãng", hay "biến đổi, biến dị" nữa, mà chúng ta có thể buồn rầu mà nói: Nền văn hóa đã gặp thảm họa.








Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Bông sứ.







Cuối tuần thay đổi không khí trang hoàng nhà của bằng mấy chùm bông sứ trắng :-)))


Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Lang thang cuối tuần.

Hôm qua có việc đi Bình Dương, một nơi cách Saigon không xa, chỉ khoảng vài chục cây số, khoảng non một giờ xe chạy. Phải nói Bình Dương là một nơi đang thay đổi từng ngày, đường phố, nhà cửa khang trang, sạch sẽ hơn...

Tôi cùng vài người trong gia đình đi thăm mộ người thân. "Thanh minh trong tiết tháng ba...", bây giờ đang tháng ba âm lịch, thời gian trong năm để tưởng nhớ đến người thân đã khuất. Vài năm gần đây, ở Saigon giải tỏa những nghĩa trang cũ quanh TP để lấy đất xây dựng, thế là mộ người thân được cải táng, đưa lên một nơi không xa Saigon mấy, đó là Nghĩa trang Công viên Bình Dương, nằm tại Bến Cát. Một nghĩa trang rất đẹp, như một công viên (nhưng không có nhà hàng, cà phê ồn ào...), rất yên tĩnh, và nhất là rất an ninh, giữa những rừng cao su... Nhiều văn nghệ sỹ khi mất được yên nghỉ tại đây, như nhà văn Sơn Nam, đạo diễn Huỳnh Phước Điền..., mới đây nghệ sỹ Hồ Kiểng cũng được đưa về đây an táng.

Thường thì khi đi như thế, tôi kết hợp hai ba việc làm một, đi thăm người thân đã khuất, khi về ghé qua một vài nơi ở Bình Dương, cũng tạm gọi là "du lịch dã ngoại" như ghé uống cà phê ở một hai quán khá dễ thương tại Bình Dương, hay ghé ăn món "đặc sản" xưa nay là bánh bèo bì, bánh ít trần... gần nơi chợ Búng. Đặc biệt mấy nơi này còn khá chân chất trong việc buôn bán, không chặt chém du khách, giá cả ăn uống chỉ bằng một nửa hoặc cao lắm là hai phần ba ở Saigon...


                       Chùa Bà Bình Dương.

Mỗi lần đi như thế tôi cũng thường ghé thăm mấy nơi, như chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương, chùa Hội Khánh, một ngôi chùa cổ đẹp, yên tĩnh gần chùa Bà, đã có gần 300 năm tuổi, và thường khi đến chùa Bà,  tôi cũng không quên ngắm nhìn ngôi nhà thờ Chánh tòa, cũng gọi là nhà thờ Phú Cường thuộc họ đạo Phú Cường - Bình Dương, nằm trên một khu đất cao kế đó. Ngôi nhà thờ có kiến trúc kiểu Pháp, được xây dựng từ thời Pháp, theo tài liệu thì vào năm 1941.

Chùa Bà được xây dựng bởi những người Minh Hương xa xứ, chắc vào khoảng thời nhà Nguyễn cho những người Minh Hương vào đất Gia Định lập nghiệp. Như vậy với 3 kiến trúc tôn giáo kể trên, tượng trưng cho 3 thời kỳ lịch sử của đất Bình Dương. Chùa Hội Khánh với gần 300 năm xây dựng, là thời kỳ đầu khẩn hoang, lập nên Gia Định. Chùa Bà của người Minh Hương thời nhà Nguyễn lập cơ nghiệp. Nhà thờ giáo xứ Phú Cường là chứng nhân cho thời Pháp thuộc cận đại.


                                   Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường cũ. Ảnh Internet.

Nhưng ngày hôm qua (17-4), khi ghé chùa Bà, tôi nhìn sang khu đồi nhà thờ Chánh tòa thì giật mình, nhà thờ cũ không còn nữa, thay vào đó là một ngôi nhà thờ mới xây, khá bề thế, đang trong giai đoạn hoàn tất. Nhà thờ được xây dựng theo lối kiến trúc "lai", phía trước với kiểu kiến trúc Gotich, trông nhang nhác như nhà thờ Đức Bà Saigon, với 2 tháp chuông vươn cao. Phía sau là một cái mái tròn, mà theo như nhận xét của bác tài tôi hợp đồng xe, là trông giống như đền thờ đạo Hồi. Bác tài hợp đồng hay chở khách đi du lịch, cho nên khá rành rẽ, bác tài cho biết thêm, công ty xây dựng ngôi nhà thờ này cũng chính là công ty xây dựng nhà thờ Ba Chuông ở Saigon.Toàn bộ ngôi nhà thờ như các bạn thấy trong hình, phủ một màu xám nhạt cho đến xám đậm.



                Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường  mới xây.

Trong khi loay hoay ngắm nhà thờ mới và chụp hình, một người dân ở đó nói với tôi, nhà thờ đẹp quá ha?, và cũng cho biết thêm, vì nhà thờ cũ đã xuống cấp hư hỏng cho nên nhà xứ cho xây lại nhà thờ mới. Và người ta khen là ngôi nhà thờ mới to đẹp hơn ngôi nhà thờ cũ.

Kể ra thì ngôi nhà thờ Phú Cường mới như các bạn đã thấy hình bên trên, trông bề thế hơn ngôi nhà thờ kiểu Tây cũ. Tuy nhiên trong suốt chuyến đi về, ngồi trên xe tôi cứ ngẫm nghĩ, và nuối tiếc. Ngôi nhà thờ Phú Cường cũ được xây từ thời Pháp, bản thân ngôi nhà thờ không còn là một ngôi nhà thờ cũ nữa, mà là chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử của Bình Dương. Thay vì đập bỏ hoàn toàn để xây nhà thờ mới, nếu có xuống cấp, nhà xứ cho sửa chữa cải tạo và giữ lại được kiến trúc cũ thì hay quá. Kiến trúc của 3 cột mốc lịch sử của Bình Dương như tôi đã nói bên trên. Chùa Hội Khánh, thời mở mang bờ cõi. Chùa Bà, thời nhà Nguyễn lập nghiệp. Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường, thời Pháp thuộc, một cột mốc lịch sử của Bình Dương nay đã mất đi vĩnh viễn...

Tôi sẽ post tiếp dưới đây những hình ảnh của chùa Hội Khánh, một ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ XVIII (1741), tuy nhiên ngôi chùa này đã bị thiêu hủy trong chiến tranh, và ngôi chùa hiện nay đã được xây dựng lại vào năm 1868 (thời vua nhà Nguyễn), từ đó đến nay cũng đã được tu sửa nhiều lần, nhưng may thay vẫn còn giữ lại được cái dáng vẻ của kiến trúc cũ. Nếu tính vào thời điểm chùa Hội Khánh được xây dựng lại (1868) đến nay (2013), chùa cũng đã được 145 năm. Trong khuôn viên nhà chùa vẫn còn giữ được những cây dầu cổ thụ cao vút như trong hình chụp. Một ngôi chùa mà mỗi khi ghé thăm, tôi luôn có một cảm giác an bình...


                              Cổng và bảo tháp chùa Hội Khánh.

                                          Chánh điện chùa Hội Khánh.



                                                   Bảo tháp.

               Tượng Phật nhập Niết bàn ở khu đất đối diện chùa cổ, cách một con đường.

                         Nhà sư nữ đang ngồi đọc sách dưới các gốc cây cổ thụ.

                       Cô giáo giảng viên mỹ thuật đang hướng dẫn học sinh vẽ ngôi bảo tháp.

Chùa Hội Khánh ngày nay là một Trung tâm tu học của Phật giáo trong vùng, trong sân chùa cũng có bia ghi nhận di tích, hôm tôi ghé và chụp mấy tấm hình, như các bạn đã thấy, có lẽ chùa cũng mới được sơn phết lại, trông phần nào mất đi vẻ cổ kính, tuy nhiên nếu các bạn có dịp nào ghé qua Bình Dương cũng nên ghé thăm ngôi chùa yên tịnh này.



Tái bút: ngôi mộ của người thân ở Công viên Nghĩa trang Bình Dương.


Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Lý lẽ Chí Phèo.

                                      Tượng Thị Nở-Chí Phèo. Ảnh Internet.


Trong văn học Việt Nam, Chí Phèo là một nhân vật nổi tiếng xưa nay. Chúng ta ai ai cũng biết, nhân vật "độc chiêu" này chừng như cũng có nét tương đồng với gã AQ của nhà văn Lỗ Tấn trong văn chương Trung Quốc. Chí Phèo ngày xưa thì cả cái làng Vũ Đại phải ngán, từ cụ Bá Kiến, cho đến già trẻ nhớn bé trong làng. Chí Phèo là một con người sống nơi đáy một xã hội phong kiến, chỉ vì 2 hào rượu thì gì gã cũng làm, và khi đã có 2 hào rượu thì gì gã cũng chửi, coi giời bằng vung...

Chí Phèo là kẻ mạt vận, hắn ta sẵn sàng cào đầu ăn vạ, ngôn ngữ của gã cũng thế, mồm miệng lu loa nhưng cũng không kém phần lý sự, cái thứ lý sự cùn, cùng quẫn của kẻ đã rơi xuống tận đáy xã hội... Cũng giống như những nhân vật văn học khác đã đi vào đời sống trong văn chương Nguyễn Du, chàng nào tính tình ba lăng quăng nay cô này mai cô khác thì đích thị Sở Khanh... Hay bà nào dữ tợn ghen tuông thì ắt hẳn Hoạn Thư... Chí Phèo của Nam Cao cũng thế, người ngang ngược, ăn nói ngang ngạnh, chẳng còn biết phân biệt phải trái, nói cho lấy được, lấy có, bất chấp lời nói của mình ra sao, mọi người sẽ nghĩ gì... Gặp con người như thế người ta hay chép miệng bảo, "Đích thị Chí Phèo" hay "ăn nói cứ như Chí Phèo" ấy...

Sáng nay (16-4-2013), giở tờ báo Tuổi Trẻ tôi đọc được một cái tin của bạn đọc gởi cho báo như thế này: đại khái một bạn đọc phản ánh việc kể từ năm 2012, Tổng Cty Điện lực TP HCM đã sử dụng đầu số hotline 1900... (và chỉ một đầu số này), để khách hàng gọi báo khi có sự cố về điện, hoặc để biết những thông tin về điện, như lịch cúp điện.... Và khi mấy lần bạn đọc gọi vào số này khi có chuyện đều bị trừ 3.000 đồng cho một phút gọi.

Bạn đọc phàn nàn rằng trước đây khi báo sự cố về điện, gọi từ điện thoại bàn cho đường dây nóng cũng là điện thoại bàn, thì chỉ mất có 200 đồng một phút (bây giờ gọi vào đầu số 1900... là 3000 đồng, gấp 15 lần), gọi bằng di động thì mất 1400 - 1600 đồng một phút. Bạn đọc thấy là cái đầu số 1900... của Đện lực giống những đầu số mà các công ty giải trí thường dùng, giá cước khi gọi đến rất cao... Có sự cố điện gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng, hoặc báo sự cố điện cho ngành điện mà bị tính giá cước cao ngất.

Đây là ý kiến của ngành điện về vấn đề bạn đọc phản ánh được đăng trong bài viết, tôi chép nguyên văn dưới đây:

"Theo đại diện Tổng công ty Điện lực TP HCM, việc chọn đầu số 1900... đã được cân nhắc kỹ, trên cơ sở lựa chọn nhiều đầu số khác nhau. Đây được coi là đầu số có giá cước rẻ nhất trong các phương án đã được đưa ra. Đối với thuê bao cố định, di động nội tỉnh, vô tuyến nội thị, thuê bao di động toàn quốc gọi vào hoặc nhắn tin vào phải trả 2727 đồng/tin hoặc 1 phút gọi (cộng 10% thuế VAT khoảng 3000 đồng /phút). Mặt khác Tổng công ty Điện lực TP chỉ thuê đầu số này, còn việc tính, thu cước do Viễn thông TP HCM (VNPT.TP) thực hiện".

Và dưới đây là ý kiến của một cán bộ thuộc Trung tâm Viễn thông khu vực 2 thuộc VNPT TP HCM, với đầu số 1900... làm tổng đài tiếp nhận các sự cố, thông tin dịch vụ về điện, Tổng công ty Điện lực TP được trích lại tỉ lệ: 1039 đồng/phút đối với cuộc gọi từ điện thoại bàn và 894 đồng/phút đối với cuộc gọi di động.

Đọc đến đây thì bất cứ ai có "đần" lắm cũng đã hiểu ra vấn đề. Trước đây Điện lực TP dùng điện thoại bàn để tiếp nhận thông tin sự cố, giá cước rẻ (từ điện thoại bàn gọi đến chỉ 200 đồng/phút, từ di động cũng chỉ 1400-1600 đồng/phút), chắc số tiền này người gọi trả thuần túy cho Bưu điện. Ông ta nhà đèn chẳng sơ múi được tí gì. Với cái đầu số 1900... kiểu thuê bao của các nơi giải trí, hay tin nhắn rác... lừa đảo, thì Điện lực TP, đã được hưởng (ăn chia) trung bình khoảng 1000 đồng/phút cho các cuộc gọi đến của khách hàng.

Vấn đề là ở đấy, hưởng 1000 đồng/phút cho một cuộc gọi nhiều khi có lợi cho công việc của ngành nghề điện (chẳng hạn người dân gọi báo cháy, nổ chập điện ngoài đường...). Hàng năm với lợi thế độc quyền về điện như bây giờ, doanh thu của Điện lực TP chắc phải lên đến con số nhiều ngàn tỉ, còn cái "doanh thu" từ những cuộc gọi vào đầu số thuê bao 1900... báo sự cố điện chắc chỉ là những đồng xu lẻ so với doanh thu khổng lồ tiền điện. Thế mà ông ta nhà đèn lại còn nỡ lòng nào nghĩ ra cái "chiêu độc" là "vét" luôn đến cả những "đồng xu lẻ" cuối cùng trong túi của người dân...

Và theo đại diện Tổng công ty Điện lực TP đã trích trên báo Tuổi Trẻ bên trên, thì có hai ý:

1/ Giá 3000 đồng một phút gọi đến báo sự cố điện, là cái giá "rẻ" nhất trong các phương án đã được (nhà đèn) đưa ra.

Ai trong chúng ta cũng biết, ngoài loại đầu số "dịch vụ" ăn chia nho nhỏ như trên, còn có những đầu số "lừa đảo khủng", mà khi người dùng lỡ nhắn tin hay gọi đến sẽ bị tính cước rất cao 15000 đồng, hay 30000 đồng/phút, hoặc cao hơn thế nữa, như thời gian vừa qua đã có nhiều người bị mắc lỡm, mà nhiều người luôn cảnh báo... 3000 đồng/phút là rẻ nhất rồi đấy! Khách hàng là Thượng đế, Ông ấy quên béng đi mất là trước đây Thượng đế gọi điện thoại bàn đến đường dây nóng là điện thoại bàn, người dân chỉ mất 200 đồng/phút.

2/ Tổng công ty Điện lực TP chỉ thuê đầu số này, còn việc tính, thu cước do Viễn thông TP HCM (VNPT.TP) thực hiện.

Ô hô! Ai tai! Ông ta nhà đèn đổ ngay cái việc thu tiền cho người khác, trong khi chính mình bày ra việc này và được hưởng phần trăm trong đấy. Bưu điện chỉ làm cái việc cung ứng dịch vụ của Bưu điện cho khách hàng, là cho ông ấy thuê đầu số theo ý chí của chính ông ấy, để phục vụ cho chính ý định của ông nhà đèn mà thôi.

Đúng là phải khóc lên 3 tiếng, cho cái cách kiếm bạc cắc, và hai cái lý lẽ mà ông ta nhà đèn đã đưa ra bên trên. Những cái lý lẽ và lý sự cùn mà có lẽ anh Chí Phèo nhà ta sống lại cũng phải chắp tay bái làm sư phụ...


Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Thiếu lâm và đại gia.


                                 Chùa và hình ảnh gia đình đại gia. Ảnh Internet.


Mấy bữa nay trên báo chí, các trang mạng, lùm xùm cái vụ một đại gia miền Tây cúng tiền cải tạo chùa chiền, và cho trưng hình ảnh gia đình, cùng bảng ghi công đức, phù điêu... của người thân nơi "Thiếu lâm tự", tại những nơi được xem là trang trọng. Cái này thì thiệt là tầm bậy.

Đại gia thích chơi sang, chơi ngông là chuyện thường thấy, đó là cái... rởm đời, thường có. Trước đây ở gần Saigon có đại gia bỏ tiền tỉ xây khu vui chơi để kinh doanh thu bạc, điều này là bình thường. Nhưng cái bất thường là ở chỗ thoạt đầu đại gia đặt tên khu vui chơi của mình có chữ "quốc tự" trong đó, một kiểu lộng ngôn. Trong khu vui chơi đại gia cho xây đền điện ngất ngưởng, mang cả tượng Phật, Vua Hùng, Bác Hồ vào để chung một chỗ, cho bá tánh đến cúng bái. Đại gia còn cho viết thư pháp những câu triết lý chẳng ra triết lý, tâm linh chẳng ra tâm linh, treo khắp nơi. Sau dân tình "quở" quá mới cho thay tên cái "quốc tự" thành tên khác.

Có đại gia khác bỏ tiền tỉ sắm xe xịn để đi diễu hành  chơi, khoe sự giàu có ngoài phố. Có đại gia lại bỏ nhiều tỉ làm đám cưới cho con cái... Nhưng chơi ngông, chơi sang thế cũng được, chẳng sao cả, đấy là tiền của đại gia (tôi không hề muốn đề cập đến nguồn tiền, đó là chuyện của đại gai), ít ra thì thiên hạ cũng được ngắm chiếc xe mãn nhãn, hay ngắm cái đám cưới khủng. Ở một tỉnh nhỏ, chẳng mấy dịp mà người ta được xem một cái đám cưới vui vẻ như một đám rước mẫu ngày hội...

Gần đây hình như vị đại gia "Thiếu lâm" này cũng vướng vào một vụ lùm xùm khác, cũng liên quan đến bạc tỉ, đó là chuyện ăn trộm vào nhà cắt mất của...quý của đại gia, đó là cái... sừng tê giác nơi một con tê giác khô nhồi bông. Chuyện này không đáng nói, có của không biết giữ, mất ráng chịu...

Còn câu chuyện chùa chiền bên trên thật hết biết. Những ngôi chùa xưa nay vốn đã hiện diện ở đấy, là nơi bá tánh thập phương đến lễ bái, đùng một cái đại gia bỏ tiền ra cải tạo. Khi xong thì trông cứ như là... chùa nhà của đại gia, hình ảnh, tên tuổi, phù điêu, tượng, bảng vàng ghi công đức gia đình đại gia giăng cùng khắp. Chúng sinh muôn nơi đến lễ bái, y như là lễ bái... toàn gia đại gia vậy...

Tiền của đại gia cúng dường vào việc cải tạo những ngôi chùa này chắc hẳn là rất nhiều, và cũng chắc chắn một điều là tiền... không cúng dường còn nhiều hơn gấp bội tiền cúng dường. Triết lý nhà Phật nói ở những kiếp xưa nào đó, con người phải tạo được phước đức nhiều lắm, kiếp này mới được hưởng như thế. Cái này cũng xin thành thật chúc mừng. Nhưng có điều phước đức tiền kiếp, cùng túi tiền kiếp này của đại gia lớn quá, vậy mà cái... trí não của đại gia (ít ra trong việc suy nghĩ đặt tên tuổi, hình ảnh... nơi thiếu lâm tự ghi trên), có lẽ nó lại tỷ lệ... nghịch với phước đức và túi tiền của đại gia. Chỉ nguyên một việc như thế này, chẳng ai lại muốn mang hình ảnh của mình, cùng những người thân thuộc, còn đang sống sờ sờ ra đấy trương lên, để cho bá tánh hàng ngày thắp nhang xì xụp lạy, cái này dân gian gọi là... tế sống...

Tôn giáo nào cũng có những nét giống nhau, đó là tính bác ái, từ bi... nhưng trên hết, có lẽ là tính khiêm nhường. Chúa Jesus đã nói:: "Khi ngươi bố thí, đừng để cho việc làm của tay phải biết việc làm của tay trái". Đức Phật cũng đã từ bỏ tất cả, cung vàng điện ngọc, ngai vàng châu báu, kẻ tung hô người hầu hạ... để đi tìm cái an lạc nơi chốn bần hàn...

Nhưng có lẽ người ta chán cái hợm hĩnh của đại gia một, thì cũng chán đến mười cái... mà cái này gọi là gì nhỉ? Tôi nghĩ đến cả năm phút mà không ra từ để nói... cái thói ham tiền của nhà chùa chăng? Chẳng lẽ nhà chùa thờ Phật mà cũng ham tiền ư? Hay là một cái gì khác? Nhà chùa mà không vì một lý do nào đó, thì chẳng có sư sãi nào chịu để cho đại gia làm cái chuyện trời ơi như thế, mà ở đây chẳng phải vì thân thích, cũng chẳng phải vì từ bi bác ái... mà nhà chùa lại làm như thế... Thế thì đành ngậm ngùi mà kết luận, đích thị cũng chỉ vì... tiền.

Mới mấy ngày trước đây, hôm mùng một tháng 3 âm lịch, tôi có chở bà xã ghé một ngôi chùa năm sao nằm ở quận Tân Bình, nơi gần bờ kênh Nhiêu Lộc. Một ngôi chùa nổi tiếng sang (phòng vệ sinh cho bá tánh của chùa gắn thiết bị cảm ứng), không gian nghiêm tĩnh, ở nơi chánh điện mà giơ máy hình chụp là bị nhắc nhở  ngay (cho dù chẳng thấy ghi bảng không chụp hình). Việc gặp vị sư trụ trì đối với bá tánh là rất khó khăn, tất cả mọi chuyện đều phải qua ban trị sự, ngay cả việc bá tánh muốn đặt lễ cúng bái... Khi đứng ngoài cổng chùa chờ bà xã tôi vào lễ, có một chiếc Lexus 7 chỗ sang trọng đỗ xịch ngay cạnh tôi, một nữ tín chủ mở cửa xe bước xuống. Cái anh Hộ pháp đoàn (bảo vệ), từ trong sân chùa phóng ngay ra đon đả chào. Nữ tín chủ nói với anh Hộ pháp đoàn cho gặp sư trụ trì, anh Hộ pháp móc điện thoại ra a lô ngay cho thày, và tức khắc mời ngay nữ tín chủ vào chùa. Anh xe ôm hay đứng đón khách ở cổng chùa nói với tôi, "mối sộp của nhà chùa đấy".

Ra thế!



Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Cà phê tháng tư - Saigon... cố cựu.

                                         Tòa Đô Chánh Saigon. Ảnh Internet.

Cố cựu, đại khái là cũ, xưa, đồ xưa, nhà cửa xưa, chuyện xưa, hoặc... người xưa... đều có thể gọi là cố cựu. Đây là từ của cố học giả Vương Hồng Sển viết trong "Sài Gòn năm xưa", vừa rồi tôi có nhắc đến, và trong một entry trước cô bạn Thu Thủy ở Hà Nội có vào comment nói tôi "Đúng là người Sài Gòn cố cựu".

Trong những entry trước khi viết về thành phố này, tôi quen gõ Sài Gòn là Saigon. Người Saigon cố cựu đọc là Sài Gòn nhưng khi viết thì lại viết dính 2 chữ Sài và Gòn lại và không có dấu. Cũng như từ Chợ Lớn vậy, phải viết là Cholon, và khi viết Sài Gòn - Chợ Lớn, thì viết là Saigon - Cholon. Đây là cách viết... cố cựu có từ thời... Pháp, trên những văn bản hành chánh, trên báo chí, cái thời tôi mới biết chữ và bố mẹ còn gọi là... thằng Cu thấy đã viết như thế. Một từ khác là Đất Hộ, được ông Tây nhà đèn viết là Datho, Dakho rồi sau thành ra Dakao (tên một vùng đất, một phường ở quận 1). Một tên khác nữa là Chí Hòa, Tây viết là Chihoa, Kyhoa, Ta đọc ba chớp ba nháng thành Kỳ Hòa, Ký Hòa, bây giờ vẫn còn tên...

Tôi hay gõ Saigon, chẳng phải vì tôi "kỵ" gì với cái tên Thành phố Hồ Chí Minh. Chẳng qua là gõ Saigon nhanh hơn, quen hơn, cũng như khi nói về vườn Tao Đàn (cách nói của người cố cựu), hoặc cố cựu hơn thì gọi là vườn Bờ Rô, hay  vườn Ông Thượng (Thượng công Lê Văn Duyệt). Vườn Tao Đàn, có lẽ ai cũng gọi thế, chứ chẳng ai dùng cái tên dài ngoằng là "Công viên Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh", thú thực nghe nó "sáo" và "rỗng" thế nào ấy, cứ như cái công viên đó nó nằm tận đâu đâu, chứ chẳng phải là cái vườn hoa xưa và đẹp nhất ở thành phố này. Trên kệ sách của tôi, tất cả những quyển sách đều có chữ ký của tôi ở trang đầu, và dòng chữ Saigon, ngày tháng năm, cùng một con dấu "triện" mực đỏ. Con dấu này là năm tuổi của của tôi chứ không phải tên, dấu triện là do một người bạn thân ái tặng...

Saigon phải nói là một vùng đất khá lạ lùng, nếu so với lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, thì Saigon còn "rất trẻ", chỉ với hơn 300 năm tạo dựng, từ thời các chúa Nguyễn mở mang bờ cõi. Những cư dân cố cựu Saigon chắc chắn là những người bổn xứ, mà xứ này xưa kia thuộc Chân Lạp (Khmer), xưa hơn nữa là nước Phù Nam cổ đại. Saigon ở vào cái thời cố cựu ban đầu chỉ là rừng rậm, sông rạch đầm lầy chằng chịt, cá sấu còn dạo chơi dưới sông như mọi nơi khác ở miền Nam, xe ngựa mà dân cố cựu gọi là xe thổ mộ, xe bò kéo còn chạy nhông nhông giữa phố Catinat. Tôi còn nhớ thuở tôi còn nhỏ ở khu vực Trường đua Phú Thọ khoảng cuối thập niên 50 của thế kỷ trước (bây giờ là quận 11). Chung quanh nhà là ao hồ cỏ dại mọc um tùm, ban đêm rắn còn bò vào nhà như ở nhà quê. Tôi lấy cái kim gút bẻ cong thành lưỡi câu, kiếm thêm sợi dây nhợ buộc vào một thanh tre trúc chặt ngoài vườn, thế là có cái cần câu, đào thêm con trùn (giun đất) nữa là thỉnh thoảng tôi câu được con cá rô, cá tràu ngay cái ao trước nhà.

Saigon cố cựu  hình thành, ban đầu gồm những cư dân tứ xứ, còn gọi là dân tứ chiếng, sách vở chép gồm đủ mọi thành phần, lính thú, dân giang hồ đi tìm vùng đất mới để làm ăn, kẻ chạy trốn sự hà khắc của việc cấm đạo Thiên chúa giáo của các triều vua nhà Nguyễn, cả tội phạm bị đi đày, hay phạm tội mà trốn lánh, tiếp đến là những đợt di cư mộ phu đồn điền vào Tân thế giới (thời trước năm 1954 người miền Bắc đi vào Saigon và các vùng phụ cận làm ăn, nói là đi Tân thế giới). Cuộc di cư "tổng lực" năm 1954, 1975,  và "lai rai" ở những năm sau, vân vân...

Cùng với cư dân bổn địa, người Chăm, dân tứ xứ, tứ chiếng giang hồ, còn đủ loại các dân tộc khác, người Minh hương chống nhà Thanh từ bên Tàu chạy qua, được chúa Nguyễn cho vào trú tại vùng Đồng Nai, Mỹ Tho, Saigon, Cholon..., rồi người Chà Và (Java), người Ấn Độ chuyên bán vải và sữa dê... Sau đó thì tới người Pháp, người Nhật, rồi thời mới gần đây là người Mỹ, kéo theo cả một lực lượng Đồng minh đông đảo, Úc, Tân Tây Lan, Đại Hàn, Thái Lan, Phi Luật Tân... Nơi hội tụ của đủ loại sắc tộc, tôn giáo, loạn xà ngầu...

Nhưng cũng không ít người Saigon cố cựu đã ra đi, vì thời cuộc, và nhiều lý do khác... Một lần ngồi cà phê bạn nói "Muốn biết người Hà Nội thì phải vào Saigon, còn muốn biết người Saigon thì phải... qua Mỹ". Câu nói khôi hài và có vẻ cường điệu, nhưng ngẫm lại cũng phần nào có lý. Tôi có những người thân, những người bạn đã ra đi từ năm 1975, hay một vài năm sau đó, ít năm trở lại đây gặp lại, lạ thay tính cách của họ, nhất là trong cách đối xử, ăn nói, họ như đã dừng lại từ thời điểm ra đi. Đúng là họ không hề thay đổi, vẫn y như người thân và các bạn của mấy mươi năm về trước, đúng là những người Saigon cố cựu...

Saigon cố cựu cũng từng là thủ phủ của nhiều thời. Thời thuộc Chân Lạp là nơi đóng đô của vị Phó vương Khmer, tiếng Khmer gọi Saigon là Prei Nokor, còn Chánh vương đóng tại Nam Vang (Phnom Penh). Thời nhà Nguyễn cũng từng đặt Thái Miếu nơi đây trước khi được dời về Huế. Còn thời Pháp thuộc thì Toàn quyền Đông Dương ở dinh tên Norodom tại Saigon, và Tổng trấn Gia Định Thành cũng đặt dinh nơi Saigon. Hết thời thuộc Pháp sang đến thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa, thì Saigon là Thủ phủ của VNCH. Dinh Toàn quyền Norodom đổi tên là dinh Độc Lập (7-9-1954). Đến tháng 2-1962 dinh bị ném bom hư hỏng nặng trong một cuộc đảo chính bất thành. TT lúc bấy giờ là Ngô Đình Diệm đã cho xây lại dinh, công trình do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế.

Khởi công từ 1-7-1962 đến 31-10-1966 mới hoàn tất. Không biết khi cho đập phá dinh cũ để xây lại dinh mới TT họ Ngô có mời thày coi phong thủy hay không, mà chỉ mới xây ít lâu, đến đầu tháng 11-1963 đã nổ ra cuộc đảo chính tiếp, và nền Đệ nhất Cộng Hòa sụp đổ. Nền Đệ nhị Cộng hòa dân gian gọi nơi đây là Phủ Đầu rồng, cũng vẫn là nơi ở và làm việc của Tổng thống. Cho đến một ngày tháng 4 năm 1975 (8-4-1975), mấy quả bom của một viên phi công Saigon được ném xuống dinh. Vào cái thời khắc ấy tôi đang ở cách dinh  Độc Lập có vài trăm thước, tiếng phản lực rít lên, mấy tiếng nổ vang rền, tiếng còi hụ báo động inh ỏi, và đủ mọi loại súng bắn rào rào.

Sàigon cố cựu là như thế, mấy trăm năm can qua, từ thưở mở mang bờ cõi. Thoạt tiên là cuộc chiến tranh kéo dài giữa "hai nhà Nguyễn". Bao nhiêu đồn lũy thành quách ở Saigon đã sụp đổ, thành Phụng, thành Quy, lũy Bán bích, đại đồn Chí Hòa... Rồi cuộc kháng Pháp, đến cuộc chiến mang nhãn hiệu "ý thức hệ", và những cuộc đảo chính tranh giành quyền lưc như cơm bữa.. Người cố cựu Saigon đã quen với biến loạn, cho nên đường phố Saigon sau mấy trái bom lúc bấy giờ thoáng chựng lại, ngơ ngác, rồi vẫn bình thản, người ta chặc lưỡi nhìn theo chiếc máy bay, chắc lại đảo chính... Và nền Đệ nhị Cộng Hòa đã cáo chung như thế...

Thời cố cựu Tây thực dân, đã đặt cho Dinh Toàn quyền là Norodom, là tên của vua Cao Mên bấy giờ. Có sách vở chép do ông vua Cao Mên này hiền lành nhất nhất nghe theo Tây, trong khi người Việt chống Tây tưng bừng, thì vua Norodom đã chịu ngay sự bảo hộ, cho nên người Pháp đã lấy tên vua Cao Mên đặt cho dinh Toàn quyền Đông Dương. Sau khi người Pháp "go home" thì dinh được đổi tên lại là Độc Lập. Thời Tây thuộc địa cũng có một con đường ở Saigon trong khu Cholon được dùng ngay tên nước Cao Mên là Cambodge đặt tên, đó là con đường ngày nay mang tên Kim Biên. Thời Pháp đường mang tên Cambodge. Từ ngày 19-10-1955 chính quyền miền Nam đổi lại thành Kim Biên, một từ Hán-Việt. Tuy thay tên Cambodge, nhưng để giữ hữu hảo với người Cao Mên, Kim Biên chính là phiên âm Hán-Việt viết theo chữ Hoa của thủ đô Nam Vang (Phnom Penh) của họ. Đường Kim Biên vẫn còn tồn tại đến nay.

Cũng có một sự trớ trêu về tên dinh Độc Lập và con đường trước mặt đâm thẳng vào dinh. Thời Pháp khi Dinh Toàn quyền được đặt tên là Norodom, thì con đường này cũng được đặt là đường Norodom. Đến thời Đệ nhất Cộng Hòa đổi tên dinh là Độc Lập thì đường được đặt là Thống Nhất. Sau tháng 4-1975, chính quyền Cách mạng Lâm thời đổi tên dinh Độc Lập thành Hội trường Thống Nhất, những tưởng như thế là ăn khớp với con đường trước mặt cũng là đường Thống Nhất, thì con đường trước mặt lại được đổi thành đường 30 Tháng 4 (rối thiệt, có lẽ để phân biệt cái Thống nhất này khác với cái Thống nhất kia), và đến năm 1986 thì lại đổi tên một lần nữa thành đường Lê Duẩn, cho đến ngày nay.

Saigon cũng thay đổi, như cuộc sống ở tất cả mọi nơi. Người Saigon cố cựu có thể là thượng lưu trí thức, nói tiếng Tây như gió, hay công chức tầm tầm bậc trung sáng cắp ô đi tối cắp ô về, hoặc giới bình dân bến xe, ăn nói bỗ bã mở miệng ra từ đầu tiên là tiếng chửi thề, nhưng dù ở tầng lớp nào cũng ít khi xảo ngôn, "chanh chua khế chát" như một lớp tân thời bây giờ. Saigon tân thời có những lớp người mới, nói theo chữ nghĩa bây giờ là thành đạt, nhưng có suy nghĩ khác, cách sống khác..., không còn giống mấy với lớp cố cựu Saigon. Cố cựu rồi đến tân thời, cuộc sống tất phải thế, không thể khác...

Và tháng tư Saigon, có người ngồi cà phê, nhớ chuyện cố cựu...



Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Cà phê tháng tư.

                                             Đền Hùng Phú Thọ. Ảnh Internet.


Ngồi uống cà phê, bạn nói, dịp này được nghỉ lễ nhiều ngày đây, giỗ Tổ nghỉ 3 ngày (10-3 ÂL), 30 tháng 4, 1 tháng 5 nghỉ tới năm ngày, mới giật mình, ừ nhỉ, nghỉ nhiều thật. Bạn còn đi làm cho nên quan tâm tới những ngày nghỉ, còn cái thằng tui bây giờ ngày nào cũng là ngày nghỉ, cho nên chẳng để ý tới những ngày lễ để làm gì. Ngày nào cũng là ngày lễ, mà ngày nào cũng là ngày... thường.

"Chim có tổ, người có tông", chim mà còn có tổ nữa huống chi là con người (hihi, cho tui đánh đồng chữ nghĩa chút xíu). Người Việt mình có cái nếp rất hay là rất coi trọng và quan tâm tới Tổ tiên. Trong nhà ngoài bàn thờ thần thánh, Chúa, Phật, thì bàn thờ Tổ tiên là nơi trang trọng hơn cả. Trong nhà có Tổ tiên, ngoài xã hội ngành nghề cũng có Tổ, chẳng hạn Tổ của nghề đúc đồng là nhị vị Thiền sư Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ. Tổ nghề kim hoàn là ba anh em Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điều. Ông Lê Công Hành là Tổ của nghề thêu. Thiền sư Tuệ Tĩnh là Tổ của nghề thuốc Nam, Tổ nghề dệt lụa là Công chúa Thiều Hoa, là con gái thứ sáu của vua Hùng Vương... vân vân... và vân vân...

Dĩ nhiên đất nước cũng phải có nguồn cội, Tổ tiên. Tổ của đất nước thì ai cũng đã biết, đó là các đời vua Hùng, mà chúng ta quen gọi là Hùng Vương. Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ xưa nay còn rành rành ra đó, Rồng - Tiên gặp nhau đẻ ra trăm trứng, trứng nở ra trăm người con trai khôi ngô tuấn tú, người theo Mẹ lên núi, người theo Cha xuống biển... Sách Lĩnh Nam Chích Quái chép Âu Cơ* và năm mươi người con lên ở đất Phong Châu, suy phục lẫn nhau cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương. Nước ta chính thức ra đời từ đó...

Đất Phong Châu bây giờ theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim thì ở vào địa hạt Bạch Hạc, Vĩnh Yên. Theo Đào Duy Anh trong sách Thời Đại Hùng Vương thì Phong Châu là địa bàn lập quốc  của 50 anh em vua Hùng, so với ngày nay thì thuộc khu vực của Vĩnh Phú, Hà Tây, Tuyên Quang, Hà Bắc, và cả Hà Nội. Hùng Vương đặt tướng văn là Lạc Hầu, tướng võ là Lạc Tướng. Con trai vua là Quan Lang, con gái là Mị Nương, quan nhỏ là Bồ Chính, quyền hành thì cha truyền con nối gọi là Phụ đạo.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển chính sử lớn nhất của nước ta được bắt đầu biên soạn vào khoảng giữa thế kỷ thứ XV, được bổ sung hoàn chỉnh và khắc, in xong vào cuối thế kỷ thứ XVII, đời vua Lê Hy Tông (Chính Hòa thứ 18 - 1697) đã khẳng định, nước Văn Lang là nhà nước đầu tiên của nước ta, khai sinh vào năm Nhâm Tuất 2879 trước Công nguyên (TCN). Như vậy đất nước Việt Nam đã có ngót bốn nghìn chín trăm năm nay rồi.

Cũng theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì nhà nước Văn Lang tồn tại 2622 năm, gồm tổng cộng 18 đời vua Hùng, tức là từ năm 2879 TCN đến năm 258 TCN. Sách Hùng Triều Ngọc Phả chép 18 đời vua Hùng gồm có: 1/ Hùng Dương (Lộc Tục); 2/ Hùng Hiền (Sùng Lãm); 3/ Hùng Lân; 4/ Hùng Việp; 5/ Hùng Hy; 6/ Hùng Huy 7/ Hùng Chiêu; 8/ Hùng Vỹ; 9/ Hùng Định 10/ Hùng Hy; 11/ Hùng Trinh; 12/ Hùng Vũ; 13/ Hùng Việt; 14/ Hùng Anh; 15/ Hùng Triều; 16/ Hùng Tạo; 17/ Hùng Nghị; 18/ Hùng Duệ. Có 2 vị vua Hùng đời thứ 5 và thứ 10 cùng tên là Hùng Hy, nhưng chữ Hy viết theo tiếng Hán khác nhau.

Như vậy tính bình quân mỗi đời vua Hùng trị vì đất nước Văn Lang tới hơn 146 năm. Đúng là thời Thượng cổ, con người sống lâu như ông Bành Tổ.

Theo Đại Việt Sử Lược,  bộ sử biên soạn trước Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đến hơn ba thế kỷ, đã cho biết về mối quan hệ giữa các Bộ của nước Văn Lang như sau: "Đến đời Trang Vương nhà Chu (698-682 TCN), ở Bộ Gia Ninh có người lạ thường, dùng ảo thuật thu phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang... Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương". Nếu theo Đại Việt Sử Lược, đến đời Trang Vương nhà Chu ở Bộ Gia Ninh mới có người đứng lên xưng là Hùng Vương, lập ra nước Văn Lang. Từ đời Trang Vương (698-682 TCN) cho đến khoảng năm 258 TCN, khi nước Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương ra đời thay thế nước Văn Lang, thì chỉ khoảng hơn 400 năm. Hơn 400 năm với 18 đời Hùng Vương, vị chi mỗi vua Hùng ở ngôi vua được hai mươi mấy ba mươi năm nghe cũng còn có lý. Chứ một đời vua Hùng làm vua đến gần 150 năm thì vô lý quá.

Những vị vua về sau có sống thọ và trị vì giỏi lắm chẳng hạn như vua Lê Dụ Tông (1680 - 1731) được 24 năm (1705 - 1729). Vua Lê Hiển Tông (1717 - 1786) cũng chỉ được 46 năm (1740 - 1786). Hay như vua Tự Đức (1829 - 1883) triều Nguyễn, ở ngôi vua được 35 năm (1848 - 1883).

Về vị trí (cương vực) của nước Văn Lang các sách vở ngày trước chép cũng có khác nhau. Cũng theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì nước Văn Lang rất rộng lớn. Phía Bắc giáp tận Động Đình Hồ (Hồ Nam Trung Quốc ngày nay), phía Đông giáp Nam Hải (biển Đông), phía Tây giáp nước Ba Thục, phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành). Một đất nước quá lớn, mà ở vào thời cách nay ba, bốn ngàn năm nước Văn Lang có được bao nhiêu dân số, để có thể chiếm hữu một vùng đất quá rộng như thế? Có lẽ điều này chỉ chung nhóm "Bách Việt" hơn là tính riêng nước Văn Lang.

Đại Việt Sử Lược, có nói khác về lãnh thổ Văn Lang: Xưa Hoàng Đế lập ra muôn nước, thấy Giao Chỉ ở xa ngoài cõi Bách Việt, không thể thống thuộc được... Bách Việt, là khu vực từ Hồ Nam đến Quảng Đông, Quảng Tây Trung Quốc. Như vậy nước Văn Lang (Giao Chỉ) tương ứng với khu vực từ đèo Hải Vân trở ra miền Bắc, lan sang đôi chút Quảng Đông và Quảng Tây Trung Quốc. Lãnh thổ này của nước Văn Lang hợp lý hơn.

Nước Văn Lang thuở ấy bao gồm 15 bộ (hoặc được chia thành 15 bộ), các sách vở xưa chép mỗi sách có khác nhau đôi chút, nhưng tựu trung vẫn gồm 15 bộ, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư gồm: 1/ Văn Lang (Bạch hạc, Vĩnh Yên); 2/ Giao Chỉ (Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình); 3/ Chu Diên (Sơn Tây); 4/ Phúc Lộc (Sơn Tây); 5/ Vũ Định (Thái Nguyên, Cao Bằng); 6/ Vũ Ninh (Bắc Ninh); 7/ Tân Hưng (Hưng Hóa, Tuyên Quang); 8/ Bình Văn (?); 9/ Dương Tuyền (Hải Dương); 10/ Việt Thường; 11/ Ninh Hải (Quảng Yên); 12/ Lục Hải (Lạng Sơn); 13/ Cửu Chân (Thanh Hóa); 14 Hoài Hoan (Nghệ An); 15/ Cửu Đức (Hà Tĩnh).

Đứng đầu nhà nước Văn Lang là Hùng Vương, truyền được 18 đời. Nhưng Hùng Vương là gì? Có phải là vị vua (vương) tên là Hùng, hay là vị vua họ Hùng? Các nhà ngôn ngữ học lịch sử có cách giải thích khác, được đa số tán thành. Hùng Vương là từ Hán Việt, được đời sau dùng để phiên âm một từ Việt cổ. Hùng Vương gồm hai thành tố Hùng và Vương. Hùng - là phiên âm từ Việt cổ, trong tiếng Mường là Kun, có nghĩa là dòng Trưởng. Khun - trong tiếng Thái, Lào, có nghĩa là người đứng đầu... Vương - do người đời sau thêm vào để tỏ rõ người thủ lĩnh ấy đứng đầu quốc gia, nhà nước (vua)...

Cuối cùng là tên nước Văn Lang, theo Nguyễn Khắc Thuần trong sách Đại Cương Lịch Sử Văn Hóa VN (Tập 1), có ít nhất 3 cách lý giải về tên nước Văn Lang. Thứ nhất, tổ tiên ta có tục xăm mình từ xưa, nên mới đặt tên nước là Văn Lang. Thứ nhì là do tục nhuộm răng, ăn trầu cau. Văn Lang là nói trại từ chữ Tân Lang (là cây cau). Thứ ba là giải thích theo Ngữ âm học lịch sử. Văn là người, nhóm người, tộc người... Lang là sông, đồng nghĩa với giang, xuyên trong âm Hán-Việt, với khoỏng trong tiếng Lào, hay kông trong tiếng Khmer... Văn Lang, có nghĩa là nhóm, cộng đồng người lập nghiệp nơi lưu vực những con sông...

Theo nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, cách giải thích thứ ba này được nhiều người tán đồng hơn cả.

Xin chấm dứt câu chuyện lịch sử của mấy ngày nghỉ lễ Hùng Vương, Quốc Tổ của đất nước...

Còn mấy ngày nghỉ lễ khác, chẳng hạn 1 tháng 5 thì mọi người đã biết, là ngày lễ Quốc Tế Lao Động. 30 tháng 4 năm 1975 là ngày Thống nhất đất nước. Thời đại Hùng Vương cách nay mấy ngàn năm, với nhiều truyền thuyết, nhiều khi khó hiểu, khá rối, vì có nhiều cách, nhiều nguồn giải thích... Nhưng với ngày 30 tháng 4 năm 1975, chỉ mới cách nay chưa đến 40 năm, mà trước đây đã có nhiều vụ lùm xùm, tranh cãi, chẳng hạn như chiếc xe tăng nào đã vào dinh Độc Lập trước nhất? Hay ai đã soạn bài viết cho TT Dương Văn Minh của chính quyền miền Nam, đọc trên đài phát thanh Saigon trong giờ phút lịch sử ấy? Chẳng hiểu sự việc ra sao? Đâu là sự thật?

Trong sách Đến Với Lịch Sử Văn Hóa VN, GS Hà Văn Tấn có viết; "Muốn viết sử, phải biết phương pháp sử học, và trước hết, phải là người trung thực, chứ không phải là tên cơ hội". Ở một đoạn khác ông viết: "Quyển Binh Thư Yếu Lược hiện có, được coi là của Trần Hưng Đạo, là một quyển sách giả từ đầu chí cuối. Các nhà nghiên cứu ở Viện Hán Nôm vừa làm một việc có ý nghĩa là chứng minh được quyển sách giả mạo đó đã hình thành như thế nào. Thế nhưng khi viết về cuộc kháng chiến chống Nguyên hay về Trần Hưng Đạo, một số người vẫn dùng quyển sách giả này. Thậm chí có lãnh tụ đã trích dẫn sách này trong diễn văn của mình".

GS Hà Văn Tấn viết tiếp: "Còn các văn bản bị biến đổi, sửa chữa qua các đời thì rất nhiều. Thậm chí cả các văn bản hiện đại. Ngay bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các em học sinh mà hiện nay trong các trường phổ thông vẫn học, vẫn trích, cũng đã sai, khác quá nhiều với văn bản đầu tiên còn được cất giữ ở Cục Lưu Trữ Trung Ương. Các văn kiện khác cũng vậy".

Lịch sử đã được đối xử như thế... Thảo nào môn sử là cái môn đáng chán nhất bây giờ đối với các em học sinh...

Saigon, tháng 4-2013.

* Sách của Sử gia Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh viết là Lạc Long Quân.

Sách tham khảo: Các sách đã dẫn, trừ Đại Việt Sử Lược.


Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Những con đường Saigon (2).


                                           Bản đồ Đô Thành SAIGON. Ảnh Internet.

"Những con đường nằm nghe nắng mưa...". TCS.

Sau năm 1975 thì có nhiều con đường ở Saigon đã đổi tên, như ông bạn Bulukhin đã viết trong một comment trước "đám tướng tá của Gia Long chống Tây Sơn đều bị thay đổi". Thay đổi ở đây là đa số những con đường ở Saigon trước năm 1975, mang tên những danh nhân dưới triều Nguyễn đều bị đổi tên, chỉ trừ lại vài ba người hiếm hoi. Các bạn nào lớn tuổi ở Saigon lâu năm chắc đã rõ. Tôi xin kể ra những tên tuổi sau đây, trước hết là các vị vua (theo thứ tự):

- Đường Gia Long: có hai con đường Gia Long, một ở trung tâm thành phố tại quận 1, và một ở tại quận Gò Vấp, đường ở quận 1 nay là đường Lý Tự Trọng. Đường ở quận Gò Vấp nay là đường Nguyễn Văn Nghi. 

- Đường Minh Mạng: có đến ba con đường mang tên Minh Mạng, một ở quận 10, nay là đường Ngô Gia Tự. Đường thứ hai ở quận Phú Nhuận, nay là đường Nguyễn Đình Chính. Đường thứ ba ở quận Gò Vấp nay  là đường Nguyễn Văn Lượng.

- Đường Thiệu Trị: có hai con đường mang tên Thiệu Trị, đường thứ nhất ở quận 6, nay là đường Nguyễn Văn Luông. Đường thứ hai ở quận Phú Nhuận, nay mang tên Trần Hữu Trang. Đường này có một ngôi chợ khá lớn cùng tên.

- Đường Tự Đức: có hai con đường mang tên Tự Đức, một ở quận 1, nay là đường Nguyễn Văn Thủ. Đường thứ nhì ở quận Phú Nhuận, nay mang tên Nguyễn Thị Huỳnh.

 - Đường Đồng Khánh: ở quận 5, nay mang tên Trần Hưng Đạo B, để phân biệt với ông Trần Hưng Đạo A là tên đường phía quận 1. Hichic!

- Đường Thành Thái: ở quận 5, nay là đường An Dương Vương. Đây là vị vua bị người Pháp bắt đưa đi đày ở đảo Réunion ( ở Châu Phi thuộc Pháp) năm 1907. Bốn mươi năm sau (1947) nhà vua được về lại Việt Nam, bị quản thúc tại Saigon. Năm 1951 được về thăm Huế. Mất tại Saigon ngày 24-3 năm Giáp Ngọ (1954), thọ 65 tuổi. Thi hài được đưa về Huế.

- Đường Duy Tân: nằm trên quận 1 và quận 3, nay là đường Phạm Ngọc Thạch. Đây là vị vua lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp vào năm 1916. Bị bắt cùng năm và bị người Pháp đưa đi đày cũng tại đảo Réunion. Vua Duy Tân từng tham gia trong lực lượng đồng minh chống Phát xít Đức, và mất trong một tai nạn máy bay vào ngày 26-12-1945 tại Bắc Phi. Thi hài nhà vua được mang về Huế an táng cạnh mộ của vua Thành Thái. Đường Duy Tân trước năm 75 là một con đường đẹp tại Saigon, con đường có hai hàng cây sao cao vút, và những ngôi biệt thự kiểu Pháp, đã được nhạc sĩ Phạm Duy đưa vào trong một bài hát với câu: "Con đường Duy Tân cây dài bóng mát/ Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát...". Khuôn viên ở trong bài hát là sân trường Đại học Luật nằm trên đường Duy Tân (bây giờ là Đại học Kinh Tế). Ngày xưa thỉnh thoảng những ngày về phép, tôi hay ghé nơi đây rủ bạn bè đi uống cà phê.

- Đường Khải Định: nằm trên địa bàn quận 8 đến giáp ranh Bình Chánh, nay là đường Nguyễn Thị Tần. Khải Định là một vị vua theo Pháp, có một cái gout thẩm mỹ khá lạ lùng.

- Hoàng tử Cảnh: ngoài tên đường là các vì vua, Hoàng tử Cảnh cũng được đặt tên cho một con đường ở Saigon trước năm 1975. Đó là tên một con đường ở quận 8, nay là đường Bùi Minh Trực.

- Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần: là vị chúa Nguyễn thứ 4, đường Hiền Vương thuộc địa bàn quận 1, quận 3, nay là đường Võ Thị Sáu.

Trong những vị vua triều Nguyễn được đặt tên đường trước năm 1975 ở Saigon (trừ vua Bảo Đại và ba vị vua tại vị ngắn ngày là Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc không được đặt tên đường), và ngoại trừ một vị vua duy nhất triều Nguyễn được giữ lại tên đường tại vị trí cũ, đó là tên đường Hàm Nghi tại quận 1, là một con đường lớn thuộc trung tâm thành phố. Có lẽ bởi Vua Hàm Nghi là người chống Pháp rất quyết liệt, nhà vua đã xuất bôn lãnh đạo phong trào Cần Vương chống lại người Pháp. Vua Hàm Nghi đã bị bắt, người Pháp đày ông sang Algérie và ông đã mất tại đây, thọ 71 tuổi.

Tuy nhiên về sau, có lẽ thấy đối xử như thế là bất công với triều Nguyễn, nên khi chỉnh trang quy hoạch lại đô thị thì tên của hai vị vua triều Nguyễn chống Pháp bị bắt đi đày là Thành Thái và Duy Tân, đã được đặt cho những con đường mới mở. Tên vua Thành Thái đã được đặt cho một con đường ở quận 10, gần khu vực trường Đại học Bách Khoa và Cư xá Bắc Hải (Cư xá Sĩ quan Chí Hòa cũ). Tên vua Duy Tân cũng đã được đặt cho 2 con đường nhỏ mở về sau này tại quận Phú Nhuận và Tân Bình.

Cùng với tên đường của các vị vua nhà Nguyễn đã bị thay đổi kể trên, thì đa số các đại thần nhà Nguyễn được đặt tên đường ở Saigon trước năm 1975, cũng đã bị thay đổi. Chẳng hạn đường Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Thoại, Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Văn Thành, Trương Vĩnh Ký, Pétrus Ký, Trương Minh Giảng, Trương Minh Ký, Trương Tấn Bửu, Võ Di Nguy, Võ Tánh, Phan Thanh Giản...

Trừ một vài đại thần triều Nguyễn có lẽ do công lao đối với đất nước quá lớn nên tên đường vẫn còn được giữ lại, như Nguyễn Tri Phương vẫn còn giữ lại ở vị trí đường cũ. Đường Nguyễn Hữu Cảnh tại quận 1 đổi thành đường Nguyễn Văn Nguyễn, tuy nhiên ít năm trở lại đây thì tên của vị đại thần nhà Nguyễn có công lớn trong những ngày đầu lập nên miền Nam, đã được đặt lại cho một con đường mới mở nối quận 1 với xa lộ Hà Nội. Đường Nguyễn Hữu Cảnh, một con đường chất lượng quá tệ, và đầy tai tiếng trong việc xây dựng...

Một vi chúa của nhà Nguyễn là Nguyễn Phúc Nguyên (người dân gọi là chúa Phật, chúa Sãi) cũng đã được lấy tên đặt cho một con đường mới mở về sau tại quận 3. Đoạn đường này nguyên trước năm 1975 là đường xe lửa nối từ ga Saigon đến ga Hòa Hưng. Sau dỡ bỏ nhà ga Saigon thành Công viên 23 Tháng 9, gỡ bỏ đường ray từ ga Saigon đến ga Hòa Hưng, và mở rộng đoạn đường xe lửa thành đường Nguyễn Phúc Nguyên...

Có lẽ đây là một chút an ủi đối với con cháu nhà Nguyễn... và cho cả những con người Saigon hoài cổ...

Saigon, Tháng 4 - 2013.



Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Những con đường Saigon.

Tháng tư ở Saigon và những con đường, không ngờ có những bạn bè, xưa từng "mòn giày dép" trên những đường phố quen, khi tôi nhắc đến những con đường lại làm cho các bạn nhớ đến những "ký ức đường phố Saigon thuở xưa còn đi học" đến thế. Nhân đây tôi cũng xin viết tiếp về một vài con đường nữa ở Saigon, những con đường mà ai ở Saigon trước năm 1975 cũng quen, cũng nhớ...

- Đường Hồng Thập Tự:

Ở entry trước bạn "Gốc mai đại thụ" có nhắc đến đường Hồng Thập Tự, một trong vài con đường xưa nhất của Saigon hoa lệ. Thuở còn đi học Trung học ngày nào tôi cũng phải đi qua con đường này, nhà tôi thuở ấy ở tuốt Quận 11, chỗ trường đua Phú Thọ, thoạt tiên vài năm đầu đi xe buýt, lớn hơn một chút, khoảng lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ) thì được đi xe đạp (sướng mê tơi). Sang đến lớp đệ tam (lớp 10) thì được sắm cho chiếc xe Honda PC 50 (lên tiên chứ chẳng chơi).

Rồi khi phải rời ghế nhà trường vào quân đội, thì đơn vị gốc của tôi nằm ở đầu đường Hồng Thập Tự, đối diện với cổng sau Thảo Cầm Viên, mà dân Saigon quen gọi là Sở thú, kế bên cầu Thị Nghè. Được một hai tháng thì tôi chuyển lên Cao nguyên, chân ướt chân ráo hứng ngay cái "Mùa hè đỏ lửa" nóng bỏng. Tháng tư năm 1975... sống sót từ Cao nguyên dông về Saigon sau gần một tháng trời đi qua Liên tỉnh lộ 7 (đoạn đường kinh hoàng nối từ Cao nguyên đến Phú Yên, đã bị bỏ hoang nhiều năm). Trở về đơn vị gốc vào đầu tháng 4-1975, và sau đó thì... về nhà đến nay...

Đường Hồng Thập Tự, đó là tên đường tồn tại từ 22-3-1955 cho đến ngày 14-8-1975. Đây là con đường huyết mạch ở Saigon có từ trước khi người Pháp đến, gọi là đường Thiên Lý. Khi người Pháp chiếm Saigon họ đổi thành đường Stratégique. Sau đó qui hoạch lại thành đường số 25. Từ 1-2-1865 đặt tên là Chasseloup Laubat. Cho đến 22-3-1955 chính quyền Đệ nhất Cộng Hòa Ngô Đình Diệm đổi thành đường Hồng Thập Tự, và đến 14-8-1975 chính quyền Cách mạng Lâm thời đổi thành Xô Viết Nghệ Tĩnh (bao gồm cả Quốc lộ 13, và đường Hùng Vương cho đến Cầu Kinh). Đến quốc khánh 1991, UBND TP đổi đoạn đường xưa là Hồng Thập Tự thành Nguyễn Thị Minh Khai như hiện nay (đoạn từ Công trường Cộng Hòa đến cầu Thị Nghè). Đúng là thời thế đổi thay.

                                          Dinh Norodom. Ảnh Internet.

Trên đoạn tường Hồng Thập Tự cũ, đi qua những công trình "để đời", đó là Thảo Cầm Viên (Sở thú), được người Pháp xây dựng đã trên một trăm năm nay (1864-1865). Người sáng lập cũng là Gám đốc đầu tiên là J.B. Louis Pierre. Ông cũng là người xây dựng vườn Tao Đàn. Dinh Norodom xây từ thời Pháp (1863 đến 1875), sau đó được xây dựng lại là dinh Độc Lập (7-9-1954), và bây giờ là Hội trường Thống Nhất (25-6-1976). Trường THPT Lê Quý Đôn hiện nay là một ngôi trường cũng xưa như con đường đi qua nó. Được xây dựng từ ngày 14-1-1874 lần lượt mang các tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), rồi Collège Chasseloup Laubat (17-8-1928) theo như tên đường lúc đó, học giả Vương Hồng Sển đã học trường này. Sau năm 1954 đổi thành Lycée Jean Jacques Rousseau cũng vẫn do người Pháp quản lý. Từ năm học 1967-1968 giao lại cho Việt Nam, trở thành Trung tâm Giáo dục Lê Quý Đôn (vẫn được học tiếng Pháp 8 giờ mỗi tuần) do người Pháp dạy. Sau ngày 30-4-1975 trường mang tên PTTH Lê Quý Đôn đến nay.

                                   Collège Chasseloup Laubat. Ảnh Internet.

Còn tại sao từ ngày 22-3-1955 đường được đổi tên là đường Hồng Thập Tự? Tại miền Nam ngày 25-12-1951, Hội Hồng Thập Tự Việt Nam được thành lập tại Saigon nằm trên con đường lúc bấy giờ mang tên Chasseloup Laubat. Đến ngày 22-3-1955 chính quyền Ngô Đình Diệm đã đổi tên thành đường Hồng Thập Tự.

- Đường Phan Thanh Giản:

Trước năm 1975 đoạn đường từ Ngã Bảy, đến cầu Phan Thanh Giản được đặt tên là đường Phan Thanh Giản. Đây cũng là một con đường cổ xưa của Saigon. Thoạt đầu đoạn từ cầu Phan Thanh Giản đến đường Lê Văn Duyệt (CMT 8 bây giờ) được mang số 29. Từ ngày 2-6-1871 người Pháp đặt là Baria. năm 1897 đổi thành Legrand de la Liraye. Đoạn từ Lê Văn Duyệt (CMT 8) đến Ngã Bảy lúc đầu mang số 20, sau đổi thành đường Polygone. Năm 1920 lại đổi là Lizé. Ngày 22-3-1955 chính quyền Saigon nhập hai đường Legrand de la Liraye và Lizé thành một đặt là Phan Thanh Giản. Còn đoạn từ cầu Phan Thanh Giản trở đi về hướng Thủ Đức đến năm 1957-1960 thuộc Xa lộ Saigon-Biên Hòa. Ngày 14-7-1975 Chính quyền Cách mạng Lâm thời nhập đoạn từ cầu Saigon đến cầu Phan Thanh Giản và đường Phan Thanh Giản thành đường Điện Biên Phủ cho đến ngày nay.

Trên đường Phan Thanh Giản có một ngôi trường nữ Trung học nổi tiếng xưa nay, đó là trường Gia Long, mà hiện nay là trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai. Trước năm 1975 tôi có vài người bạn học ở Gia Long, hiện nay có những người đã ở nước ngoài, nhưng thỉnh thoảng mỗi lần về nước tôi có gặp lại. Xưa thời còn đi học tôi có chơi với các bạn Hướng đạo, Thanh Sinh Công (Thanh niên học sinh Công giáo), các bạn ở phong trào CPS Việt Nam (Chương trình Phát triển Sinh hoạt học đường VN), cho nên tôi đã quen với khá nhiều các bạn ở các trường học, Chu Văn An, Pétrus Ký, Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt...

                              Trường nữ Trung học Gia Long. Ảnh Internet.


Trường nữ Trung học Gia Long cũng là một ngôi trường xưa ở Saigon, được thành lập ngày 6-11-1913 và khánh thành ngày 19-10-1915 (như vậy đến năm nay 2013 trường kỷ niệm đúng 100 năm thành lập), thoạt đầu mang tên Collège des jeunnes Filles Indigènes (trường Nữ sinh Bản xứ). Nữ sinh mặc đồng phục màu tím nên được gọi là trường Áo Tím. Năm 1940 mở thêm trung học đệ nhất cấp (cấp 2), đổi tên thành Collège Gia Long. sau đó mở tiếp trung học đệ nhị cấp (cấp 3) mang tên Lycée Gia Long. Năm 1953 thay áo dài tím thành áo dài trắng. Sau năm 1955 gọi tên Việt là trường Nữ Trung học Gia Long. Sau năm 1975 đổi tên thành trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai. Như đã nói tôi có nhiều người bạn học ở Gia Long. Bà xã tôi tốt nghiệp trường Gia Long, còn cu cậu con trai tôi tốt nghiệp trường Nguyễn Thị Minh Khai, hậu thân của trường Gia Long...



                                           Báo xuân Gia Long. Ảnh Internet.

Những bạn như chị Tuyết Mai, Marguerite... có lẽ sẽ không quên những tờ báo xuân Gia Long. Ở những năm ấy, năm nào vào dịp Tết tôi cũng được bạn gởi cho một tờ, tiếc thay tôi đã không còn giữ được số nào...


Tham khảo:

- Đường phố nội thành TP HCM, Nguyễn Đình Tư, Chi Cục Bản Đồ và Nhà Xuất Bản TP HCM, xuất bản năm 1994.

- Từ điển TP Saigon - HCM, nhiều tác giả, NXB Trẻ, xuất bản năm 2001.


Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

Cổ tích Gia Định - Những con đường.

Tháng ba tháng tư ở miền Bắc năm nay có những nơi có mưa đá, thì ở miền Nam như mọi năm là nắng nóng. Trời nắng nóng và oi bức, đi ngoài đường nắng như đổ lửa, cháy da. Ở Saigon bây giờ đa số các nơi đều gắn máy lạnh, nơi cửa hàng cửa hiệu, siêu thị, những cơ quan nhà nước, và cả nhà cửa tư nhân. Nếu muốn cảm nhận cái nắng nóng của tháng 4 Saigon, thì phải đi ra ngoài đường buổi trưa, lối 2, 3 giờ, mà phải chạy xe gắn máy, chứ không phải ngồi xe hơi máy lạnh. Cái nóng từ mặt đường nhựa bốc lên, hầm hập, những con đường như bốc lửa...

Tháng tư, tôi muốn nhắc đến những con đường mang một chút cổ tích ở Saigon, bây giờ chỉ còn trong ký ức của vài người lớn tuổi hoài cổ, và không phải vì vô tình mà tên con đường lại nằm ở những vị trí cũ...


                                                          Ảnh Internet.

1/ Đường Lê Văn Duyệt:

Con đường đầu tiên tôi muốn nói là đường Lê Văn Duyệt. Tả quân Lê Văn Duyệt, như tên người dân thường gọi, là một công thần dưới triều nhà Nguyễn, người đã có công rất lớn giúp vua Gia Long xây dựng nên cơ đồ. Ông sinh năm Quý Mùi (1763), và mất vào ngày 1 tháng 8 năm Nhâm Thìn (30-8-1832), khi đang tại chức Tổng Trấn Gia Định Thành. Ở Saigon trước đây có 2 con đường mang tên Lê Văn Duyệt. Nếu tính từ trung tâm thành phố, đó là:

- Đoạn đường từ Ngã Sáu Saigon đến ranh tỉnh Gia Định cũ được chính quyền Đệ nhất Cộng Hòa thời Ngô Đình Diệm đặt tên là đường Lê Văn Duyệt từ ngày 22-3-1955, cho đến ngày 14-8-1975 Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam VN đổi thành đường Cách Mạng Tháng 8. Đây là một trong những con đường xưa nhất của Saigon, thoạt đầu được gọi là Đường Sứ. Chẳng phải là con đường chuyên bán đồ sứ, mà đây là con đường xưa kia các sứ thần Chân Lạp đi qua nước ta để giao hảo. Thời Pháp thuộc đường được chia ra từng đoạn đặt những tên tiếng Việt, rồi tên Pháp như Verdun (kỷ niệm trận đánh Pháp thắng Đức năm 1916). Chanson (đoạn từ Phan Thanh Giản bây giờ là Điện Biên Phủ đến Hòa Hưng)...


                                         Vườn Tao Đàn. Ảnh Internet.

Chính quyền Saigon cũ đặt tên đường này là đường Lê Văn Duyệt cũng có nguyên do của nó.Thứ nhất thời Lê Văn Duyệt làm Tổng Trấn Gia Định Thành, sứ thần Chân Lạp phải đi qua con đường này để đến dinh Tổng Trấn Gia Định (dinh Tổng Trấn Gia Định thời ấy nằm phía đường Lê Duẩn gần dinh Thống Nhất bây giờ). Thứ nhì là đường Lê Văn Duyệt chạy ngang qua công viên Tao Đàn, thời Pháp gọi là vườn Bờ Rô, trong dân gian quen gọi là vườn Ông Thượng (Ông Thượng chính là Thượng công Lê Văn Duyệt).

- Đoạn đường từ Cầu Bông cho đến đường Phan Đăng Lưu quận Bình Thạnh bây giờ, từ ngày 22-3-1955 cũng được chính quyền Saigon đặt tên là đường Lê Văn Duyệt, tên cũ của nó được người Pháp đặt từ năm 1874 là Avenue de l'Inspecction. Dân chúng quen gọi là đường Hàng Thị vì có dãy cây thị trồng hai bên đường. Và sở dĩ đặt tên đường là Lê Văn Duyệt, như các bạn ở Saigon đã biết, vì đường chạy ngang qua bên hông lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, nơi có mộ phần của Ông và phu nhân, dân chúng quen gọi là Lăng Ông. Trước năm 1975 trên đoạn đường này cũng có một ngôi trường nữ Trung học công lập được mang tên ông, đó là trường Nữ trung học Lê Văn Duyệt, cùng hai ngôi trường nữ Trung học công lập khác ở Saigon là Gia Long và Trưng Vương, nơi đã đào tạo nhiều nữ sinh Saigon một thời, "có chất lượng" về học vấn và "công-dung-ngôn-hạnh".


                                        Cổng vào Lăng Ông. Ảnh Internet.

Sau năm 1975 thì cả hai đoạn đường mang tên Lê Văn Duyệt kể trên đều không còn trên bản đồ của thành phố Saigon, đường Lê Văn Duyệt chạy ngang vườn Tao Đàn được đổi tên thành đường Cách Mạng Tháng 8, còn đường Lê Văn Duyệt chạy ngang Lăng Ông đổi tên thành đường Đinh Tiên Hoàng.

2/ Đường Trương Tấn Bửu:

Con đường thứ nhì tôi muốn nói đến là đường mang tên Trương Tấn Bửu, đây là một con đường khá lớn sầm uất nằm trên địa bàn quận Phú Nhuận, bắt đầu từ ranh giới quận 3, giáp đường Trần Quang Diệu (Trần Quang Diệu là một võ tướng theo giúp nhà Tây Sơn chống lại Nguyễn Ánh), đến đường Chiến Thắng. Thời Pháp thuộc đường mang tên Capitaine Faucon, từ năm 1955 chính quyền tỉnh Gia Định đổi thành đường Trương Tấn Bửu. Ngày 4-4-1985, UBND TP. HCM đổi thành đường Trần Huy Liệu.


                                               Lăng Trương Tấn Bửu.

Như chúng ta đã biết ở entry trước, tôi đã giới thiệu về Lăng Trương Tấn Bửu, một võ tướng quê ở Bến Tre đã theo giúp Nguyễn Ánh, ông đã có công khai khẩn vùng đất Nam bộ, và đã làm tới chức Phó Tổng Trấn Gia Định Thành. Lăng nằm trên địa bàn quận Phú Nhuận nơi con đường bây giờ mang tên Nguyễn Thị Huỳnh. Đây là một con đường nhỏ gần sát đường Trần Huy Liệu bây giờ, trước năm 1975 đường Trần Huy Liệu là đường Trương Tấn Bửu. Vì thế nên tên của ông đã được đặt cho một trục đường chính của quận Phú Nhuận, gần kề nơi lăng mộ của ông, để tưởng nhớ công lao của một con người đã có công với miền đất mới Nam bộ, và với vùng Saigon-Gia Định.

Con đường Trương Tấn Bửu quận Phú Nhuận đã không còn, nhưng tên của ông thoạt đầu được đặt cho một đoạn đường rất ngắn dài khoảng 100m và khá xô bồ tại quận 6, trước Bến xe Miền Tây. Nhưng rồi sau đó mặt tiền đường này cũng được nhập vào đường Lê Quang Sung, chỉ còn các số nhà trong hẻm là còn mang tên ông. Như vậy trên bản đồ thành phố cũng không còn con đường nào mang tên Trương Tấn Bửu.

3/ Đường Võ Di Nguy:

Con đường thứ ba là đường Võ Di Nguy. Đây là một con đường huyết mạch nối vào trung tâm thành phố, hình thành ngay từ khi có thành Gia Định. Đường bắt đầu từ cầu Kiệu đến ngã tư Phú Nhuận, sang đến đường Nguyễn Kiệm bây giờ thì gọi là Võ Di Nguy nối dài. Thời Pháp đường tên Blanchy, đến thời Bảo Đại (1954) được đổi thành Võ Di Nguy. Ngày 4-4-1985 được đặt là Phan Đình Phùng.

Võ Di Nguy cũng là một võ tướng có tài về thủy quân theo giúp Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn. Ông là người miền Trung sinh năm 1745, gốc ở huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên. Được truy tặng Bình Giang Quận Công. Ông mất năm 1801 trong trận chiến ở cửa Thị Nại Bình Định, trước khi Nguyễn Ánh chiến thắng quân Tây Sơn và lên ngôi. Sở dĩ con đường này trước năm 1975 được mang tên Ông, vì còn một khu lăng mộ của Võ Di Nguy nằm trên đường Cô Giang (quận Phú Nhuận), đường Cô Giang là một con đường nhánh nhỏ ăn thông ra đường Võ Di Nguy cũ.


                                         Khu lăng mộ Võ Di Nguy. Ảnh Internet.

Ảnh trên là khu lăng mộ của Võ Di Nguy, có lẽ ở entry tới tôi sẽ nói về lăng này.

Và như tôi đã viết, đây là những con đường thuộc Cổ tích Gia Định, chỉ còn lại trong ký ức của những con người Saigon đã lớn tuổi, hoài niệm...


Tham khảo:

- Đường phố nội thành TP HCM, Nguyễn Đình Tư, Chi Cục Bản Đồ và NXB TP HCM, xuất bản năm 1994.
- Di tích Văn hóa Lịch sử TP HM, nhiều tác giả, Sở VH và TT TP HCM, xuất bản năm 2001.