Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Trang thờ hay tran thờ?

           Tran thờ trong gia đình với tấm tranh kiếng Mẹ Sanh.

Cuối tuần tôi ghé chơi người bạn có quày bán hoa cúng rằm trước hiên nhà, ngồi chơi bạn hỏi, "Cái trang thờ treo ở trên tường là trang hay tran?, có chữ g hay không có chữ g?". Bạn nói có người đến mua hoa về cúng nói là họ mua hoa về cắm trên tran thờ, bạn tưởng người miền Nam phát âm thế, nhưng họ khẳng định phải gọi là tran thờ (không có chữ g đằng sau mới đúng). Bạn gốc người Bắc nhưng sinh trong miền Nam, vợ bạn là người Nam bộ chánh gốc thì khẳng định là trang (có chữ g). Câu hỏi của bạn khá bất ngờ, quả thật lâu nay tôi vẫn nghe nói cái trang thờ, nếu có viết tôi cũng sẽ viết là trang, đại khái là một tấm ván, hay tấm kiếng, có loại mua sẵn thì được làm cầu kỳ hơn, được đóng treo cao lên tường để đặt lên đó tranh, tượng, hình ảnh... làm nơi thờ phượng trong nhà, loại này tương đối nhỏ gọn hơn so với bàn thờ, hoặc tủ thờ mà ta vẫn thường thấy.

Tôi nói với bạn nếu nghe nói, thì lâu nay tôi cũng nghe là trang chứ không phải tran, nhưng để chắc ăn, tôi sẽ về xem lại sách vở rồi sẽ trả lời cho bạn. Về nhà tôi thử tra lại mấy quyển từ điển xưa nay, bắt đầu từ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895-1896, quyển tự điển tiếng Việt xưa nhất Việt Nam, được coi như quyển từ điển phương ngữ miền Nam). Trong mục từ "Tran" có ghi: một tấm vỉ hoặc một tấm ván treo ngang dựa vách, có thể để tượng liễn mà thờ; cái khám thờ lập tại lòng căn giữa nhà. Tiếp đến Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931, nhóm của học giả Phan Khôi, quyển từ điển tiếng Việt xưa thứ nhì, xuất bản tại Hà Nội được coi như quyển từ điển phương ngữ miền Bắc). Mục từ "Tran" ghi: Bệ làm cao lên để thờ hay để sách vở. Từ điển Tiếng Việt (Văn Tân chủ biên - NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội 1967), "Tran": Bệ xây cao để thờ hoặc để xếp sách vở. Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ (NXB Từ điển Bách khoa - 2007), ghi "Tran": Bệ cao có mày đẹp đóng trong nhà để thờ Phật hoặc thần thánh. Việt Nam Tân Tự Điển của Thanh Nghị (NXB Thời Thế - Saigon - 1952), "Tran": Bệ làm cao để thờ hay để sách vở, có ghi chú thêm tiếng Pháp Tablette; étagère, Tran thờ: autel pour le culte. Tự Điển Việt Nam (Ban Tu Thư Khai Trí - Saigon 1971), "Tran": Bệ đóng trên cao để thờ hoặc để sách vở.

Từ điển Từ Ngữ Nam Bộ (TS Huỳnh Công Tín, NXB Chính Trị Quốc Gia - 2009, một quyển từ điển phương ngữ miền Nam), không có mục từ "Tran", nhưng nơi mục từ "Trang" ghi: vật dụng dùng để thờ cúng, có mặt nền hình vuông, xung quanh có thanh dạng lan can, có một mặt đứng gắn với mặt nền, có hình dáng như một mái nhà, trong lòng mặt đứng có viết chữ để thờ.

Như vậy đã rõ, chữ viết đúng chính tả được ghi nhận qua những từ điển xưa nay, trong Nam ngoài Bắc, là "Tran", để chỉ nơi thờ phượng đặt tượng thờ, tranh, ảnh được treo cao lên vách nhà, còn từ "Trang", là phương ngữ Nam bộ, người miền Nam xưa nay khi nói và viết, hay lẫn lộn giữa dấu hỏi và dấu ngã, cuối chữ thêm chữ g hoặc bỏ chữ g... như trường hợp trên.

Nhân đây tôi cũng muốn nêu thêm một vài từ khá quen thuộc thỉnh thoảng ta hay gặp, có lần tôi đã đề cập, chẳng hạn chữ "Chó má", thì từ "má" trong tiếng Tày-Nùng có nghĩa là chó (con chó), một chữ khác là "Mặt nạ", từ "nà" cũng trong tiếng Tày-Nùng có nghĩa là mặt (khuôn mặt), (Sách Lịch sử Việt Nam - Tập 1, Viện Khoa Học Xã Hội TP HCM - 2009). Tôi tra nơi Từ điển Việt - Tày - Nùng (NXB Giáo Dục - 2006), thấy ghi Chó (con chó): ma, và Mặt (khuôn mặt): nả. Xem ra chữ "má" trong "chó má", và chữ "nạ" trong "mặt nạ" của người Việt (Kinh), vẫn còn ý nghĩa tương đương nơi ngôn ngữ của người Tày - Nùng, và theo sách Lịch sử Việt Nam của Viện Khoa Học Xã Hội TP HCM, đây là dấu vết của tiếng Tày - Nùng trong tiếng Việt.

Bổ túc:

Đại Từ điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính (NXB Văn Nghệ TP HCM & TT Nghiên cứu Quốc học-2010) có mục từ về chữ "Tran", có nghĩa là "Cái tran thờ", bao gồm chữ "Mộc" (cây) chỉ ý (tran thờ hay được làm bằng một tấm ván gỗ) và chữ "Lan" chỉ âm.




15 nhận xét :

  1. Lạ thật, bác Phạm nhỉ. Xưa nay vẫn nghĩ là "trang" thờ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kể ra cũng lạ, may mà mình tra sách vở mới thấy trong ngôn ngữ, viết lách, từ này bị dùng sai nhiều, nếu không coi sách chắc tôi cũng sẽ cãi (sai) là "trang" chứ không phải "tran". :-)))

      Xóa
  2. chưa bao giờ e nghĩ đến chữ "tran" này. Chắc do phát âm vùng, miền mà ra cả :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng thế, có những từ mình dùng sai miết mà không để ý, xem ra đây không phải là duy nhất :-)))

      Xóa
  3. Cám ơn bác Hiệp về sự công phu.
    Cũng cung cấp cho bác một thông tin, trong TỪ ĐIỂN tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, do Trung tâm từ điển ngôn ngữ xuất bản 1992, không có từ này. Bắt đầu TRAN bằng từ nhập ngoại : tran -di-to. Sau đó là mục từ TRÀN. Quả thật tôi chưa bao giờ nghe thấy từ TRAN THỜ. Với người Bắc bình thường, chúng tôi chỉ thấy bàn thờ, tủ thờ, khám thờ, ban thờ. Riêng "ban thờ", tôi thấy gần gũi với "tran thờ", một tấm ván hay sàn cao đặt đồ thờ. Nhưng từ "ban thờ" này cũng tìm không thấy trong từ điển 1992 của Trung tâm từ điển ngôn ngữ. Nó là từ địa phương vùng Ninh Bình quê tôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, khi tra chữ "tran thờ" tôi cũng rất ngạc nhiên. Tôi cũng có quyển từ điển tiếng Việt của TT Từ điển học in năm 1997 (Hoàng Phê chủ biên), cũng thấy ghi như bác nói, không có từ "tran", chỉ có từ "tran-di-to rồi sang từ "tràn". Từ "ban thờ" thỉnh thoảng tôi cũng có đọc được trong sách. Ninh Bình, Phát Diệm là quê ngoại tôi, lúc bà cụ tôi còn sống nghe cụ nói khi ở ngoài Bắc trước năm 1954 cụ ở sát ngay bên nhà thờ Phát Diệm.

      Xóa
    2. Bác VuNho, về chữ "ban" trong "ban thờ là tiếng địa phương Ninh Bình, tôi cũng đã tra nhiều từ điển mà không thấy. Theo tôi đây có thề là một tiếng Việt (tiếng Nôm) cổ mà bác thấy gần gũi với từ "tran" trong "tran thờ". Có lẽ điều này là đúng. Theo cách biến đổi của một số từ ngữ cổ như "Trời", âm xưa là "Tlời", "Blời", "Lời", "Tranh" là "Blanh", "Tráo" là "Bláo", hoặc "Trèm" là "Tlèm"... Thì chữ "tran" rất có thể âm xưa là "blan" hay "ban". Ngoài ra theo từ điển Mường-Việt, thì tiếng Mường "bản" có nghĩa là "tấm ván", mà tiếng Việt có cùng hệ ngôn ngữ, rất gần với tiếng Mường, "ban thờ" có thể là "tấm ván thờ" chăng?

      Xóa
  4. Oh ...hay quá ...từ nào đến giờ em cứ nghĩ là " trang " ...bây giờ mới học hỏi thêm về từ " tran " này !! Cảm ơn anh Hiệp rất nhiều về bài viết này anh nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi, có những chữ mình dùng sai mà cứ nghĩ đúng, vậy mới thấy bể học là mênh mông phải không NangTuyet?

      Xóa
  5. Vì đây là chữ Nôm nên bên chữ Hán cũng không có cái chữ này anh Hiệp ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chữ "Tran" này theo phép "hình thanh" (gồm 2 chữ Hán ghép lại, một chỉ ý, một chỉ âm) nên không có trong chữ Hán, còn loại chữ "giả tá", mượn nguyên một chữ Hán để viết chữ Nôm thì chữ Nôm và chữ Hán giống nhau, nhưng thường khác nghĩa.

      Xóa
  6. 1-Tran thờ thì đúng rồi
    Nhưng tại sao lại là TRAN mà không phải chữ khác, bác nào biết chỉ giáo cho
    Bu tui đã bỏ một buổi tra từ điển VIỆT HÁN của Đinh Gia Khánh trong các mục từ
    Tran
    Tran thờ
    Tran sách
    Và thấy là người Tàu quan niệm tran khi thì cái giá, khi thì cái đẳng, có khi là cái bàn...
    2-Tàu gọi bàn thờ là là cung trác ( 供 桌 ) trong đó cung là sắp đặt, trác là cái bàn. Bàn thờ chỉ là cái bàn để sắp đặt
    Phải chăng từ chữ trác (桌, Hán ) biến hóa ra chữ tran (nôm). Chịu!
    3- Đúng như TTM nói, Tàu không có chữ thờ tương ứng người Việt


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đến bác Bu mà còn bó tay trong việc truy tầm từ nguyên thì chịu thiệt, chắc phải nhờ cỡ như ông "i chang" (An Chi) thôi.

      Coi trên báo, mạng, thấy quê nhà của bác Bu sau bão lại chìm trong lũ, khổ cho dân mình, hichic!

      Xóa
  7. Từ trước tới giờ Mùa Thu Buồn cũng nghĩ là chữ TRANG, giờ mới biết là khg phải, thanks Bác Hiệp nha.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chữ nghĩa nhiều khi nó rối thế đó MTB, tôi cũng thế đấy chứ, ai ngờ lại là TRAN chứ không phải TRANG :-))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))