Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Nghi lễ cúng thất.



Đọc bên nhà ông bạn Hồng Ngọc viết về chuyện ma chay, nhân ngày cúng thất thứ 2 của Nhạc phụ bạn. Cúng thất là một nghi lễ Phật giáo thỉnh thoảng tôi cũng hay được mời tham dự nơi những ngôi chùa, do chư tăng cử hành. Nếu những nghi lễ khi tang lễ có thể có mặt nhiều người ngoài gia đình, họ hàng, thì cúng thất thường chỉ bao gồm những người thân trong gia đình người quá cố, và một số ít họ hàng thân thuộc, cúng thất có thể được cử hành tại gia với những nhà sư được mời tới nhà, nhưng thường được cử hành tại chùa, là nơi thờ phượng đặt tro cốt của người quá cố.

Cúng thất là một nghi thức quan trọng bên Phật giáo dành cho người mới khuất, cúng thất bao gồm 7 thất, mỗi thất 7 ngày, vị chi là 49 ngày kể từ ngày mất. Theo quan niệm truyền thống dân gian, con người khi sinh ra sau 7 ngày thì được một lạp, và khi mất sau 7 ngày thì được một kỵ. Mỗi lạp thì sinh ra một vía, còn mỗi kỵ thì mất đi một vía. Con người có 7 vía (chúng ta thường hay nghe nói réo 3 hồn 7 vía), cho nên người ta có lệ cứ 7 ngày sau khi mất cúng một lần, gọi là cúng thất, tất cả bao gồm 7 thất, thất cúng cuối cùng gọi là chung thất, trọn 49 ngày,

Trong kinh Địa Tạng của Phật giáo, có nói đến trong 49 ngày nếu tạo được nhiều phước lành cho người đã khuất, thời có thể cứu người đã khuất khỏi đọa vào chốn ác đạo, và được sinh lên cõi thiện. Đối với thân quyến hiện tại cũng được nhiều phước lành. Cứ 7 ngày như thế là một tuần chay, cúng 7 tuần chay trọn 49 ngày gọi là "Thất thất lai tuần". Như chúng ta đã biết triết lý Phật giáo tin rằng khi chưa dứt khỏi luân hồi, thì con người luân hồi trong lục đạo, gồm 3 ác đạo là Súc sanh, Ngạ quỷ, Đia ngục, và 3 thiện đạo là Cõi người, A tu la (Phi thiên), và Thiên.

Tín ngưỡng Phật giáo tin rằng trong vòng 49 ngày sau khi mất (Thân trung ấm), là thời gian hồn phách của con người chờ được xem xét để tái sinh trong lục đạo (một trong sáu cõi kể trên). Nếu thực vật chỉ có một phần sinh hồn, động vật (các loài vật) có sinh hồngiác hồn, thì con người có sinh hồn, giác hồn, và linh hồn (3 hồn 7 vía).

Trong vòng 49 ngày mất chúng ta thường thấy mỗi ngày người trong gia đình cúng cơm cho người đã khuất, cúng cơm này là cúng cho người đã khuất hưởng khi chưa biết sẽ về đâu. Nhưng cúng thất không phải là cúng cho người đã khuất, mà đây là lễ vật dâng cúng lên chư Phật, Bồ Tát để cầu xin vong linh được tiếp dẫn, siêu thoát về nơi Thiện đạo (3 cõi lành trong 6 cõi luân hồi).
 

Trong nghi lễ cúng  thất được cử hành tại chùa tôi đã có dịp tham dự, thường thấy có một vài cho đến vài chục chư tăng cử hành lễ, tùy theo yêu cầu của gia chủ. Như vào dịp An cư kiết hạ vừa rồi, nhân có các chư tăng về an cư, tại một Tu viện Phật giáo tôi đã được tham dự một lễ cúng chung thất có đến 50 chư tăng hành lễ, rất trang trọng và ấn tượng. Tôi cũng thường thấy trong nghi lễ có phóng sinh chim chóc để cầu phước cho người quá vãng.

Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm về một tục lệ dân gian chúng ta thường thấy trong đám tang tôi đã đọc được trong sách vở, là tục đội mũ rơm, thắt lưng bằng dây gai dây chuối, và chống gậy tre hay gậy vông. Nguyên do của tập tục này lại chính là để bảo vệ an toàn cho thân nhân người quá cố. Ngày xưa đường xá chật hẹp, người quá vãng thường được an táng nơi đồng ruộng, hay trên núi. Đường xá đi lại trơn trượt, khó khăn, đã có trường hợp sau mấy ngày tang ma mệt mỏi, người đi đưa mất thăng bằng ngã đập đầu hay rơi xuống vực, cũng có khi con cái quá thương tiếc tự đập đầu gây thương tích. Để tránh những điều đó người ta mới làm ra những chiềc mũ bện bằng rơm cho người thân đội (tạo an toàn khi va đập giống như mũ bảo hộ chạy xe gắn máy bây giờ). Áo tang lụng thụng dễ vướng víu vấp ngã nên được buộc lại bằng giây chuối, giây lạt, còn cây gậy chống cũng có tác dụng đi lại thêm vững chắc trên đường trơn trượt hay đường núi gập ghềnh. Tục phân biệt tang cha chống gậy tre còn tang mẹ chống gậy vông.




22 nhận xét :

  1. Bu tui có đọc sách Phật giáo chứ chưa hề tham gia một nghi lễ Phật Giáo nào, trong đời mới thắp đâu hai cây nhang lên bàn thờ Phật do vợ đốt sẵn giao cho. Chắc Phật ngắn ngẫm bu này lắm hihihi
    - Ngài thái tử Tất Đạt Đa thiền định 7 thất dưới gốc cây (sau này được gọi là bồ đề ) và thành Phật.
    Sau giai đoạn thân trung ấm, thần thức (không phải linh hồn) được nghiệp rước đi đầu thai. Con số 7 thất liên quan đến vụ 49 ngày thiền định của Thái tử ???
    - Mủ rơm là mủ bảo hiểm ? Có thuyết cho là thắt lưng dây chuối đội mủ rơm là để thể hiện sự khổ sở và yêu thương tột cùng của người sống đối với người chết. Trước đây học trò nằm mấy tháng liền bên mộ Khổng tử để tỏ lòng yêu quý thầy theo thuyết quân sư phụ

    Trả lờiXóa
  2. Nói chung tôi cũng thế, chuyện những nghi thức, nghi lễ trong tôn giáo là niềm tin, ai nói sao, viết sao biết vậy, khó lý luận đúng sai.
    Việc thờ cúng ở xứ mình thường kết hợp giữa Đạo, Nho, Phật và niềm tin dân gian, nên có nhiều cách lý giải, đọc để biết thôi.

    Trả lờiXóa
  3. "Việc thờ cúng ở xứ mình thường kết hợp giữa Đạo, Nho, Phật và niềm tin dân gian...". Đúng vậy, bác Phạm, tách bạch và truy nguyên cũng khó lắm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, đấy là cái đặc điểm tôn giáo ở xứ mình, đến nỗi bên đạo Thiên chúa cuối cùng cũng phải chấp nhận việc thờ Ông bà Tổ tiên và thắp nhang, cúng giỗ...

      Xóa
  4. Đọc bài viết này của anh mà em nhớ Ba em quá ...nhưng có lẽ em lại được học hỏi thêm những điều rất hay đó là cây gậy chống giữa tang cha và tang mẹ thì khác nhau ...còn nữa , lại thêm một điều hay nữa đó là vấn đề đội mũ rơm ....hay thật đó anh ! Bây giờ em mới biết đó !!! Cảm ơn anh đã chia sẻ bài viết rất hay này anh Hiệp nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhờ sách vở mình mới biết nhiều cái đó NangTuyet, chuyện đội mũ rơm, chống gậy xem giải thích vậy cúng có lý đó chứ. :-)))

      Xóa
    2. Nhưng em không hiểu tại sao con gái lại bỏ khăn tang xỏa xuống anh nhỉ ? Chắc ý muốn nói để biểu lộ nỗi đau buồn khi cha hoặc mẹ đã mất anh hén ?

      Xóa
    3. Trong mấy chuyện này có nhiều thứ lắm NangTuyet, chẳng hạn người đến viếng khi nào lạy 2, 3, hoặc 4 lạy (lạy 2 hoặc 3 lạy là còn quay trở lại đi đưa, 4 lạy là không quay lại). Rồi đối với con cái có tục "Cha đưa Mẹ đón" khi đưa tang, bây giờ bỏ bớt rồi.

      Xóa
    4. Ôi ..sao mà nhiều thủ tục quá anh Hiệp hén ......trong khi ở các nước phương Tây , họ đơn giản quá đi thôi ....

      Xóa
    5. Đấy chính là cái khác biệt giữa Đông và Tây đó NangTuyet. Tây phương một giọt nước là một giọt nước, còn Đông phương thì đấy chính là một đại dương :-)))

      Xóa
  5. Thật ra thì lâu nay HN cứ nghe nhưng không có duyên để gặp và truy nguyên nguồn gốc từ "cúng thất". Rất vui khi được bác NHP nghiên cứu và post lên blog này, qua ý kiến bè bạn, những câu trả lời của bác cũng giúp HN thêm nhiều thông tin. Bài viết rất thú vị bác ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trước đây tôi cũng không để ý mấy chuyện này, nhưng khi còn đi làm hay đình đám, rồi bà con nữa, mới tìm hiểu biết chút đỉnh. Già rồi cũng nên biết bác HN. Những cái thất làm ở chùa bây giờ cũng thường đặt luôn cơm chay (do nhà chùa nấu), khi cúng xong gặp bữa trưa mời anh em họ hàng dùng bữa cũng tiện.

      Xóa
    2. Quên, tôi cũng muốn nói thêm về chuyện Cúng cơm cho người mới khuất, cúng cơm thường trong vòng 49 ngày, nhưng cũng có gia đình cúng đến 100 ngày mới thôi. Cúng cơm có thể cúng mặn không nhất thiết phải cúng chay, có thể hàng ngày gia đình ăn gì thì cúng cho người khuất món đó. Nhưng cúng thất luôn phải cúng chay vì dâng lên cho chư Phật, chứ không phải cho người khuất. Bài bản là như thế.

      Xóa
  6. NaNo tôi có vài thắc mắc, đề nghị bác HIệp luận giải tiếp
    1. Nói cúng thất xuất xứ từ Đạo Phật, vậy tại sao khi đồng chí Tôn Ngộ Không xuống địa ngục quấy phá lung tung, lại còn xóa hết danh sách của dòng họ Hầu gia... thì Diêm Vương lại phải lên báo cáo với Ngọc Hoàng mà không báo cáo cho Phật tổ Như Lai (Tây Du Ký).
    2. Song thất là bảy bảy bốn chín (ngày) là đúng rồi, nhưng ở quê NANO ngoài kêu 3 hồn 7 vía (cho phái nam) còn có kêu 3 hồn 9 vía cho (phái nữ). Như vậy là có trường hợp chín bảy sáu ba ngày ???.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo thiển ý của tôi thì:
      1- Tây Du Ký như chúng ta đã biết, là một tác phẩm văn học chứ không phải là điển tích tôn giáo, mà tác phẩm văn học thì tác giả có quyền hư cấu theo sáng tạo của mình, không bị chi phối bởi những triết lý và giáo lý tôn giáo.
      2- Cúng thất của Phật giáo, như kinh Địa Tạng có nói đến (và tôi có nói trong entry), là cúng trong vòng 49 ngày sau khi mất (gồm 7 thất), không đề cập gì đến hồn vía. Còn chuyện nam có 7 vía, nữ có 9 vía lại là quan niệm dân gian chứ không phải quan niệm Phật giáo, chắc bác Nano cũng đã rõ điều này?

      Xóa
  7. Hôm nay em mới rõ cái gọi là Ba hồn đấy ạ, còn bảy vía hay chín vía là căn cứ cửu khiếu hay thất khiếu trên cơ thể nam nữ. E thấy cảnh cúng thất nhiêu khê quá, em đang rất lo vụ này vì có cha mẹ già đây. Thật lòng là em không tin, nhưng để giữ phong tục thì cũng được nhưng ngán cảnh sư sãi bây giờ quá...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhờ có mấy cuốn sách mà tôi cũng biết được ý nghĩa một số câu có khi mình gặp hay nói hoài mà không hiểu. Bên Phật giáo hơi khổ cái vụ lễ nghi dành cho người đã khuất, như cúng thất. Thật ra vụ này làm để "người sống yên tâm" hơn là cho người đã mất. Cái tệ bây giờ là có nhiều nơi "lợi dụng" chuyện này để "làm tiền" thí chủ (như gợi ý có nhiều thày cúng, làm lớn...), rất tốn kém. Như ông Cậu bên bà xã tôi gia đình làm cái chung thất (49 ngày) tốn mấy chục triệu. Gặp ngay mùa An cư kiết hạ, ngôi chùa cúng là Tu viện nên có rất nhiều chư tăng về An cư, thày đề nghị 70 chư tăng làm lễ, rất hoành tráng. Nhưng nội tiền bao thư cúng dường chư tăng, cơm chay... tốn mấy chục triệu rồi... Khổ cho gia chủ, nói cách khác thì gia chủ... khổ.

      Xóa
  8. Đám tang, cúng cho người chết... thật ra vì người sống cả. Ta nhận thức cho đúng để thực hiện phù hợp. Vụ gia đình ông cậu, sao bác không góp ý cho giản tiện đi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái khổ của người mình ở chỗ này đó Toro (gia đình người miền Bắc). Thứ nhất là cái "sĩ", lỡ cúng phải hoành tráng để thiên hạ nói, thứ hai là con cái ông cậu bây giờ làm ăn cũng có tiền, họ kham nổi. Nhưng suy nghĩ của họ nhiều khi rất hạn hẹp, họ nghĩ phải làm thế mới tốt cho người mất.
      Cái tệ bây giờ nhiều khi ở các thày, họ bày vẽ ra đủ thứ...

      Xóa
  9. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  10. gà vào nhà có điềm gì hên hay là xui cả ngày đây
    trang trí phòng cho người mệnh kim tốt theo phong thủy
    chọn hướng căn hộ chung cư theo tuổi hợp với tuổi để chọn mua căn nhà ở thuận lợi nhất
    nên chọn căn hộ tầng mấy là tầng thứ mấy để sống hài hòa nhất
    tại sao người chết để nải chuối lên bụng theo ông bà ta truyền lại

    Trả lờiXóa
  11. Lễ cúng cơm 100 ngày cho người mất như thế nào Người Việt coi trọng việc kỉ niệm ngày mất, nhất là cúng cha mẹ. Theo “Thọ mai gia lễ”, thì cứ đúng ngày quy định trong gia lễ mà làm, không có sự chuyển dịch tuỳ tiện theo lời thầy lễ hay thầy bói nào cả. Chỉ trừ ngày làm lễ an táng và ngày làm lễ trừ phục cần chọn ngày lành. Người ta không ai có thể chọn ngày chết, vậy nên từ xưa tới nay, hàng năm cứ đến ngày mất thì làm giỗ, dù cho có những năm, ngày đó rất xấu, có cả trùng phục, trùng tang, sát chủ, quả tú, cô thần.v.v... Lễ cúng khai trương cửa hàng công ty gồm những gì Ông bà ta có câu Vạn Sự Khởi Đầu Nan nên ngày khai trương cửa hàng, cơ quan, công ty là ngày vô cùng trọng đại. Cần phải cúng xin thành khẩn Thổ Thần cai quản phù hộ làm ăn suôn sẻ, an lành và phát đạt. Lễ vật cúng xe ôtô xe máy mới mua Cách cúng xe lúc mới mua xe và cúng xe hàng tháng thông thường không khác nhau, là tâm thành của chủ xe với chốn đất đai, các chư vị bề trên (mang ý nghĩa tâm linh). Lễ vật cúng căn 3, 6, 9, 12 tuổi cho bé Có nhiều người hỏi mình cúng căn là gì? thì mình xin lý giải cho các mẹ, các bạn được biết ạ. Cúng căn thực chất là tên goi khác của cúng Mụ mà thôi. Khi cúng mụ cho bé thì cúng vào những lúc nào: cách trang trí bàn làm việc công sở Nếu bạn muốn trang trí phòng làm việc hay làm mới không gian căn hộ nhà mình thì hãy tận dụng những chiếc cốc để làm tiểu cảnh tuyệt đẹp nhé! cách trang trí bàn thờ ông thần tài Chúng ta thường thấy bàn thờ Ông Địa - Thần Tài xuất hiện phổ biến trong bất cứ đâu tại Việt Nam như các cửa hàng kinh doanh, các công ty - xí nghiệp hoặc các hộ gia đình. Việc thờ cúng đó có nguồn gốc thế nào và cách thờ cúng ra sao cho đúng ? Dưới đây là 1 số hiểu biết cơ bản để các bạn tham khảo và dùng khi hữu sự. cách trang trí bàn thờ tổ tiên Trong ngôi nhà truyền thống của người Việt, bàn thờ luôn ở vị trí trang trọng nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết bài trí phòng thờ đúng phong thủy.

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))